Tôi còn nhớ một thời nhiều học viên cao học khi nhận đề tài liên quan đến lý luận, phê bình, trong phần Lịch sử vấn đề thường nhắc đến những nhận định, đánh giá có phần cực đoan của các nhà lý luận, phê bình thời trước khi chiến tranh kết thúc, coi họ như những tội đồ. Chắc nhiều người còn nhớ giai thoại rằng có một nhà văn khá nổi tiếng từng bảo: Khi nào tôi chết, nhớ chôn tôi cạnh một người làm lý luận, phê bình để xuống dưới đó cãi nhau cho vui.
Thời ấy, những người làm lý luận, phê bình chuyên nghiệp thường vốn có “gốc” làm việc trong các ban, ngành liên quan đến văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước. Họ rất ý thức về tư cách người bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, thấm nhuần mối quan hệ giữa văn học và chính trị là văn học phải phục vụ chính trị mà không thấy đấy là mối quan hệ tương hỗ. Hơn nữa, lúc đất nước có chiến tranh, nhiệm vụ cao cả nhất của người công dân là bảo vệ đất nước, bấy giờ là bảo vệ Đảng, nên văn học làm thêm cả nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục (ý thức chính trị). Lý luận văn nghệ của chúng ta đã coi phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác tốt nhất (và gần như độc tôn trên văn đàn), phương pháp ấy vừa là kim chỉ nam để soi đường vừa là tiêu chí để thẩm định văn chương.
Mà chẳng riêng giới phê bình, lý luận “cực đoan”, một số nhà văn, nhà thơ tiền chiến đã có lúc từng phủ nhận mình trước đó; trong thời kỳ đấu tranh với nhóm Nhân văn - Giai phẩm, chủ nghĩa xét lại, một số nhà văn cũng làm người phê bình tích cực...
Lý luận, phê bình sau năm 1975, khi chiến tranh kết thúc, có khác hơn khi văn nghệ sĩ và trí thức đã nhận ra những hạn chế đối với sự giải phóng sức sáng tạo cá nhân nếu cứ hướng ngòi bút của mình theo nếp cũ trong tình hình mới. Lê Ngọc Trà với đề xuất: Văn học phản ánh hiện thực hay nghiền ngẫm hiện thực? Vậy điều này có trái với phản ánh luận của Lenin? Rồi các ý kiến trong Đề dẫn của Nguyên Ngọc, của Hoàng Ngọc Hiến về một “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”, của Nguyễn Minh Châu “viết về chiến tranh” và “hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, của Ngô Thảo với “một nửa cái bánh mỳ là bánh mỳ nhưng một nửa hiện thực chưa phải là hiện thực”... Liệu những ý kiến ấy có mang tính phủ định về một hiện thực từng có trong văn học trước đó?
Những vấn đề mà lý luận, phê bình nêu lên trên đây, giới sáng tác đã có những bước đi trước, với Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Minh Châu, Thái Bá Lợi, Lê Lựu rồi sau mốc 1986 là các truyện ngắn, tiểu thuyết của các nhà văn khác mà đỉnh cao là Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991. Đời sống văn nghệ trước và sau năm 1990 trở nên rất sôi động còn là do Báo Văn nghệ với sự cập nhật đời sống thường ngày qua những bài bút ký của Trần Huy Quang, Trần Khắc, những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và một số nhà văn khác...
Tất cả những điều đó thực sự tạo nên cảm hứng mới cho người cầm bút và cũng là cơ sở cho những thay đổi trong điều hành của lãnh đạo văn nghệ. Đời sống lý luận, phê bình tiếp tục có sự khởi sắc. Nhiều lý thuyết văn học và mĩ học nước ngoài được du nhập bắt đầu từ một số dịch giả vốn là những chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực này và dần quen thuộc với những người làm lý luận, phê bình, như: phân tâm học, lý thuyết tiếp nhận, thi pháp học, văn học so sánh, tự sự học, dòng ý thức. Đội ngũ những người làm lý luận, phê bình của thời kỳ này được bổ sung từ nhiều nguồn: từ các nước Liên Xô, Đông Âu, từ các trường đại học trong nước, từ chiến trường trở về. Cả phê bình báo chí và phê bình hàn lâm cùng song hành: vừa bám sát được thực tiễn đời sống và sáng tác văn học vừa áp dụng được những lý thuyết mới của nước ngoài vào nghiên cứu, phê bình văn học ở trong nước. Nguyên quan điểm đối với những ý kiến rất khác nhau về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiêp cũng cho thấy vào những năm tháng đó ý thức dân chủ đã được khơi dậy và đó là nguyên nhân đưa lại những cái động, cái khác cho văn đàn... Tuy có những tính cách khác nhau: có những người rất lặng lẽ trong công việc của mình nhưng cũng có những người rất nhiệt tình thể hiện chính kiến; có những người bảo hoàng và cũng có người bảo thủ, có những người viết nhiều, viết nhanh về nhiều đề tài nhưng cũng có những người hầu như đi chuyên sâu vào đề tài mình quen thuộc... nhưng đội ngũ đó không những đã có nhiều đóng góp nhất định vào công cuộc chiến tranh giữ nước, đã đồng cam cộng khổ cùng nhân dân với những hi sinh cụ thể và thầm lặng khi thời gian vật chất dành cho chuyên môn hàng chục năm trời không có nhiều, khi cơ chế không cho phép người viết được tự do lựa chọn công việc cụ thể cũng như thể hiện chính kiến; khi mà sự giao lưu với nước ngoài có hạn chế do không chỉ nguyên nhân khách quan mà còn do hạn chế về sinh ngữ... mà còn là lực lượng chủ yếu đã làm nên diện mạo lý luận, phê bình một thời. Nói như Nguyễn Minh Châu, tác giả của tiểu luận Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa: “Tôi không hề nghĩ rằng mấy chục năm qua nền văn học cách mạng - nền văn học ngày nay có được là nhờ bao nhiêu trí tuệ, mồ hôi và cả máu của bao nhiêu nhà văn - không có những cái hay, không để lại được những tác phẩm chân thực...”. Có thể áp dụng nhận xét trên cho cả lý luận, phê bình.
Một trong những cái khó chung của người viết hiện nay là sự cạnh tranh với văn hóa nghe nhìn. Tôi được biết ở Hàn Quốc - một đất nước mà công nghệ giải trí rất phát triển nhưng văn hóa đọc của họ vẫn được duy trì rất tốt - có những thư viện cực lớn, ở đó người đọc có thể đến làm việc, đọc, đàm đạo cả ngày; một cuốn sách có thể in hàng nghìn bản. Trong khi đó ở nước ta, việc in sách từ 300-500 bản là chuyện bình thường; thói quen mua sách để đọc chưa phổ biến; nhiều khi sách phát hành ở vùng miền nào thì gần như chỉ nơi đó được biết; các báo chuyên ngành chưa có chính sách cần thiết để quảng bá cho các tác phẩm hay; các bài đọc sách trên báo ít nhiều mang tính tự phát, kể cả việc giới thiệu sách mới xuất bản... Không chỉ văn hóa đọc cạnh tranh với văn hóa nghe nhìn mà sách cũng cạnh tranh với cả sách, nghĩa là đọc gì khi mà các chủng loại sách giờ đây đa dạng cả về hình thức và đề tài, chủ đề. Giới trẻ - đối tượng chính của văn hóa đọc - thời gian trở nên hiếm hoi trong đời sống tất bật hằng ngày. Văn hóa đọc được đặt trước những thử thách mới bởi nói gì thì nói văn chương nói chung và phê bình nói riêng cũng là một nghề như mọi nghề: để tồn tại và phát triển, nó cần phải có công chúng, nghĩa là nó buộc phải thay đổi để phù hợp với quy luật của thị trường và mĩ học tiếp nhận. Trong đời sống văn học hiện nay, phê bình báo chí trở nên đắc địa hơn, nhất là với những bài viết mang được yếu tố hàn lâm.
Chuyển giao thế hệ, vì thế, như một tất yếu... Một đội ngũ gồm những người phê bình trẻ, chủ yếu là 6X, 7X, 8X, một số ít 9X, xuất hiện và cho thấy được cái khác so với thế hệ phê bình chống Mĩ (nói một cách công bằng thì 5X là một vùng đệm giữa hai thế hệ này). Đội ngũ đó có khắp cả trong Nam ngoài Bắc. Tôi không có điều kiện để theo dõi hết được những người làm phê bình trẻ ở phía Nam (hạn chế về sức đọc do tuổi tác, sức khỏe và thị lực) nhưng ở các khu vưc xung quanh Hà Nội và Bắc Miền Trung thì có thể gọi tên những người như Hoàng Đăng Khoa, Nguyễn Hoài Nam, Lê Hồ Quang, Hoàng Thụy Anh, Nguyễn Thanh Tâm, Đỗ Anh Vũ, Đoàn Ánh Dương, Thái Phan Vàng Anh, Trần Huyền Sâm, Phùng Ngọc Kiên, Cao Kim Lan, Đỗ Văn Hiểu, Trần Ngọc Hiếu, Phan Tuấn Anh, Mai Anh Tuấn, Phùng Gia Thế, Cao Hồng, Đỗ Hải Ninh, Lê Hương Thủy, Đoàn Minh Tâm, Đặng Thái Hà… Đây là một đội ngũ rất tiềm năng. Tiềm năng đó, trước tiên, vào thời điểm hiện nay, họ là người trẻ - một điều cực kỳ quan trọng bởi tuổi trẻ bao giờ sức sáng tạo cũng ở thì sung mãn nhất. Tuổi trẻ cho phép họ dấn thân, cho phép họ thử nghiệm, cho phép họ đam mê, cho phép họ có thời gian để sửa nếu sai. Họ là những người được đào tạo bài bản, trước nhất là kiến thức văn hóa trong các trường đại học, sau nữa là từ các loại sách báo, phương tiện nghe nhìn, từ giao lưu, các hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước. Họ là những người thạo ngoại ngữ và sử dụng máy tính, internet, điện thoại thông minh như “một phần tất yếu của cuộc sống”; có thể cùng một thời gian, họ đảm trách nhiều việc, có thể viết nhiều thể loại văn chương, vừa viết văn vừa làm báo, vừa tham gia công việc đào tạo, giảng dạy ở các trường đại học... Họ là những người biết tận dụng diễn đàn văn nghệ trên sóng truyền hình, phát thanh. Những chương trình văn nghệ được phát lâu nay, không hoàn toàn là người trẻ nhưng những người trẻ đã dần chiềm lĩnh diễn đàn. Họ cũng là những người rất biết PR cho tác phẩm của mình và bè bạn bằng những buổi ra mắt sách. Cũng không khó khăn để thấy rằng các bài viết của họ xuất hiện trên tất cả các loại báo, kể cả báo mạng; một ít người trong số đó bình quân cứ vài ba năm là có một tập phê bình tiểu luận ra đời. Nhiều người trong số đó có những chuyên luận “thoát thai” từ luận án Tiến sĩ như Gabriel Garcia Marquez và nỗi cô đơn huyền thoại của Phan Tuấn Anh, Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại của Đỗ Hải Ninh, Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi của Đoàn Ánh Dương, Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam đương đại của Phùng Gia Thế, Tác giả hàm ẩn trong tu từ học tiểu thuyết của Cao Kim Lan, Loại hình Thơ mới Việt Nam 1932-1945 của Nguyễn Thanh Tâm, Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI, lạ hóa một cuộc chơi của Thái Phan Vàng Anh, Du hành giữa văn bản – Nguyễn Huy Thiệp và xã hội Việt Nam sau 1975 của Nguyễn Văn Thuấn, Truyện ngắn Việt Nam - diễn trình và động hướng của Lê Hương Thủy, Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhận diện và tương tác của Nguyễn Thị Năm Hoàng...
Có thể nói, cho đến thời điểm này, những cây bút phê bình của thế hệ mới đã bước vào độ chín khi họ đã hoặc dần bước vào tuổi “tri thiên mệnh”. Kiến văn về cổ kim, Đông Tây trong một bài viết, trong mỗi tập tiểu luận phê bình cho thấy ở họ một sức đọc đáng nể. Mấy chục năm trước, nhà phê bình Thiếu Mai đặt tên cho tập tiểu luận phê bình của mình là Hái giữa đôi bờ hàm ý coi công việc phê bình văn chương là vừa khoa học vừa nghệ thuật. Cũng trên ý đó, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy gọi công việc “phê bình văn học” là “con vật lưỡng thê”. Cùng chung quan niệm đó, giới phê bình trẻ cũng rất quan tâm đến việc “viết như thế nào” và trăn trở, ý thức tìm cho mình cách tiếp cận tác phẩm đắc địa để thể hiện ý tưởng mang tính khoa học của nội dung bài viết, điều đó tạo nên sự đa sắc trong giọng điệu phê bình.
Nếu như ở thế hệ trước, các giọng phê bình nặng chất hàn lâm thì chất văn, độ tung tẩy trong cách viết là điều được thể hiện trong các bài viết của giới phê bình trẻ: không khó để nhận ra Hoàng Đăng Khoa khác với Hoàng Thụy Anh, Phan Tuấn Anh khác với Phùng Gia Thế, Đoàn Ánh Dương khác với Mai Anh Tuấn... như thế nào. Cùng tiếp cận truyện ngắn Việt Nam sau 1975, Lê Hương Thủy cũng khác với Nguyễn Thị Năm Hoàng. Chưa kể là nghiệp báo nhiều khi đưa lại cho nghiệp văn tính lợi thế của sự cập nhật: rất đông nhà văn, không chỉ xưa mà là nay, vốn trưởng thành từ nghề báo, mà điều đó không loại trừ đối với người viết phê bình.
Ý thức về cái khác - cái mới - là một nổi trội cần được ghi nhận; tất nhiên trong nghề viết, không ai muốn mình giống người khác nhưng để có được cái mới, cái khác, đòi hỏi người viết phải có bản lĩnh, năng lực, mà điều đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Tôi thích sự tự tin, rành mạch trong cách đặt vấn đề của Nguyễn Hoài Nam trong một số bài viết về Nguyễn Du, Tản Đà... và một số bài viết khác trong các tập Neo chữ và Từ trang sách đến gương mặt văn chương. Một số vấn đề anh nêu ra do hạn chế về số trang và số chữ của loại hình phê bình báo chí nên không thể chuyên sâu như các bài mang tính hàn lâm nhưng có thể đọc ra ở đấy ý thức tìm tòi, trăn trở của một người làm khoa học phê bình; nếu cần trao đổi, anh cũng giữ thái độ thẳng thắn, chân tình, thể hiện qua lối viết giản dị với các cách tiếp cận khác nhau trên một nền kiến văn khá vững. Ý thức về một cái khác trong phê bình của Hoàng Thụy Anh đã đưa chị vốn là một nhà báo ở Miền Trung quyết liệt vượt qua giới hạn về môi trường địa lý, văn hóa, khẳng định năng lực thẩm định văn chương và cập nhật với những sáng tác mới qua nhiều tập phê bình tiểu luận, trở thành một người phê bình giàu chất nữ tính, có dấu ấn trên văn đàn trẻ.
Tôi thích, sau khi giới thiệu gần như toàn bộ lịch sử của tu từ học tiểu thuyết, Cao Kim Lan đã làm sáng tỏ vấn đề tác giả hàm ẩn và thể nghiệm lý thuyết ấy qua trường hợp Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh cùng truyện kể của Nguyễn Huy Thiệp trong Tác giả hàm ẩn trong tu từ học tiểu thuyết; cũng như sau khi đi sâu vào nghiên cứu tự sự học với tư cách là một lý thuyết về nghệ thuật truyện kể, chị đã vận dụng chúng để giải mã một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu khác trong Ma thuật của truyện kể - Tặng thưởng Mức A của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương năm 2020. Đây là một cây bút nữ hiếm hoi chuyên sâu về lý luận, một chuyên gia về tự sự học trong giới trẻ đã đi - như một khởi đầu - từ một lý thuyết trước đó chưa được quan tâm và giới thiệu ở nước ta đến việc soi chiếu cụ thể vào tác phẩm và đưa đến những mĩ cảm cho người cũng thích cái khác, kể cả cách đọc khác trong văn bản cũ.
Có thể kể về trường hợp Lê Hồ Quang - giảng viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Vinh - người có một thời là gương mặt sáng giá trên Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn bởi phong cách bình thơ, lối thẩm định thơ và tần số xuất hiện. Năm 2015, chị ra cuốn sách đầu tiên Âm thanh của tưởng tượng và ẵm luôn Giải thưởng của Hội Nhà văn năm đó; năm 2022, chị cho ra tập thứ hai Đọc một bài thơ và lần này chị lại vinh dự nhận Tặng thưởng Mức A của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (hai cuốn sách đủ tiêu chuẩn “cần” cho chị trở thành hội viên Hội Nhà văn). Các tác phẩm của chị hội tụ đủ phẩm chất của một người vừa phê bình vừa nghiên cứu với lối viết chặt chẽ mà mềm mại trên một nền kiến văn về thơ gọi là bảo đảm. Với tư duy mạch lạc, thẩm định thơ tinh tế, chị giúp người đọc hiểu hơn về cách tiếp cận, lý giải vấn đề khi đọc thơ, dù đó là một tác giả hay một tác phẩm.
Một phong cách phê bình báo chí có ấn tương thực sự khác là Hoàng Đăng Khoa: viết khỏe, viết nhanh, luôn ý thức về cái khác trong công việc hằng ngày của một người vừa làm thơ vừa viết phê bình và phụ trách phần lý luận, phê bình của Tạp chí Văn nghệ quân đội - một tạp chí có tuổi đời cao, uy tín trên văn đàn. Anh xem mình như một người phiêu lưu trong cõi chữ với ý thức luôn “đứng về phe cái khác”. Cứ xem cách chọn người để phỏng vấn và các vấn đề anh đã phỏng vấn là có thể thấy Hoàng Đăng Khoa đã bao quát được những vấn đề “được” và “chưa được” đang đặt ra trong đời sống văn chương đương đại. Nếu như ở Song hành và đối thoại, qua 21 gương mặt trẻ, với cách hỏi chuyện của anh, người đọc thấy được tương lai của nền văn học nước nhà qua những việc đã làm cũng như những suy nghĩ, dự định của một số gương mặt trong rất nhiều gương mặt trẻ, thì ở Đứng về phe cái khác, Hoàng Đăng Khoa lại tìm đến hỏi chuyện những gương mặt đã định hình trên văn đàn, những người đã làm nên cái khác trong đời sống văn chương hiện hành ở các thể loại văn xuôi, thơ, lý luận, phê bình, dịch thuật.
Một trường hợp khác, theo tôi cũng rất độc đáo, anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam lâu năm, là một nhà thơ già nhưng là một nhà phê bình trẻ, dẫu đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, từng là một sinh viên Văn khoa, lại là một Tiến sĩ ngành Luật, từng giữ nhiều chức vụ cao trong ngành tòa án, đó là Khuất Bình Nguyên. Ngoài bảy tập thơ (trong đó có hai tập in chung), năm 2016, anh cho ra tập phê bình tiểu luận đầu tiên Giọt nước trong lá sen và trở thành một trong hai tác giả nhận Giải thưởng về Lý luận, phê bình của Hội Nhà văn năm đó. Năm 2020, tập tiểu luận thứ hai Giấu vàng trong gió thu của anh lại nhận Tặng thưởng Mức A của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Mới đây là tập Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca, chỉ trong một thời gian ngắn, với ba tập 800 trang khổ lớn, đi từ những vấn đề của các nhà thơ trung đại sang các nhà thơ mới, đến các nhà thơ hiện đại, chưa kể những bài viết khác về một số nhà thơ Miền Nam... trong các bài viết của mình, Khuất Bình Nguyên đã kết hợp hài hòa giữa con người, cuộc đời tác giả và bối cảnh xã hội để làm sáng lên những vấn đề của tác phẩm, của văn chương, thời cuộc... cho thấy ngay một phong cách phê bình vừa hàn lâm vừa báo chí đặc sắc với giọng văn hấp dẫn không giống ai.
Được đào tạo bài bản với bẩm sinh có tố chất văn chương và những lợi thế của cuộc sống hòa bình, hội nhập, rõ ràng một thế hệ phê bình mới đã “hành nghề” rất tự tin, với tinh thần chủ động, mỗi người một giọng, cùng với những cây bút sung sức có bản sắc của thế hệ trước, họ đang làm mới khuôn mặt của đời sống lý luận, phê bình. Thời gian gần đây, nhiều tác giả đã có những chương trình giới thiệu khi ra sách. Chưa nói đến những buổi như thế này buộc phải có tính PR, phải công nhận là trước và sau đó, với việc đưa tin trên báo chí, trên mạng xã hội, tác giả và tác phẩm trở nên gần gũi hơn với bạn đọc chứ không đến nỗi bị tình trạng sách ra rồi rơi vào im lặng.
Như đã nói ở trên, với những lý do bất khả kháng nên tôi chưa cập nhật được những thông tin cụ thể về đội ngũ trẻ ở phía Nam nhưng bấy nhiêu thông tin về lực lượng trẻ ở phía Bắc cũng đủ để cho tôi tin và hi vọng về những bước phát triển mới của lý luận, phê bình văn học nước nhà trong thời gian tới. Đành rằng chúng ta đi chậm hơn nhiều nước, đành rằng có những lý thuyết được giới thiệu vào nước ta đã không còn mới mà có những khi lại được giới trẻ vồ vập hơi thái quá, thậm chí ở một số tác giả có cả tư tưởng thị tài... thì tôi vẫn cho rằng điều đó không ảnh hưởng lớn đến cục diện văn chương nói chung và lý luận, phê bình nói riêng: hãy cứ mạnh dạn tìm tòi, thể nghiệm, bởi có thế mới tìm ra được cái mới. Là người “sống với thời gian hai chiều”, trong một quan sát như trên, với cách quản lý văn nghệ có nhiều đổi mới, trong chủ trương hòa nhập (nhưng không hòa tan) của một “thế giới phẳng”, tôi tin tưởng thế hệ phê bình trẻ sẽ đưa lại diện mạo mới từ những quyết liệt đã được thể hiện trong các bài viết và công trình nghiên cứu mà họ đã công bố.