Sau ngày đất nước thống nhất, cùng những thay đổi về kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số, miền núi cũng có bước tiến đáng ghi nhận. Từ kháng chiến chống Pháp tới thời kỳ chống Mĩ đã xuất hiện những tác giả, tác phẩm tiêu biểu đóng góp cho nền văn nghệ cả nước, ở lĩnh vực văn học phải kể đến những tên tuổi: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Y Điêng; giai đoạn hòa bình ở Miền Bắc (1954) tới thời kỳ chống Mĩ có: Hoàng Hạc, Mã Thế Vinh, Vi Hồng, Vương Trung, Vương Anh, Vi Thị Kim Bình, Lâm Tiến, Lò Ngân Sủn, Quách Ngọc Thiên, Linh Nga Niê Kdăm, Y Phương, Mai Liễu, Sa Phong Ba, Triệu Kim Văn, Nga Ri Vê, Ngọc Phượng… và nhiều chuyên ngành khác cũng có đóng góp của văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số với những tác phẩm mang đậm nét bản sắc văn hóa tộc người.
Sau năm 1975, nhiều văn nghệ sĩ từng trải qua chiến tranh hoặc trực tiếp chiến đấu nơi chiến trường, được sống trong hòa bình lại tiếp tục với những sáng tác mới. Những tác phẩm mang niềm vui, hạnh phúc của con người trên đất nước hòa bình, thống nhất sau bao năm chia cắt dâng tràn cảm xúc, chan chứa niềm tin và hi vọng. Dẫu sau chiến tranh đất nước phải đối mặt với khó khăn, thiếu thốn khiến lòng không khỏi suy nghĩ nhưng ý nghĩa của hòa bình, thống nhất đã gạt bỏ mọi hồ nghi, băn khoăn, chỉ để lối duy nhất cho niềm tin vững bước. Thiếu thốn, đói nghèo là nhất thời, đất nước sẽ tươi đẹp, giàu mạnh. Chiến tranh chấm dứt sẽ không còn bom đạn, chia ly, mất mát, đau thương. Cuộc sống bình yên, no ấm, đủ đầy đang ở phía trước. Điều cần lúc này là niềm tin, tình thân ái, xóa bỏ hận thù, hàn gắn vết thương chiến tranh. Không gì có thể đe dọa hay ngăn bước một dân tộc vừa trải qua cuộc trường chinh đầy máu và nước mắt quyết giành cho được độc lập, thống nhất non sông. Nhưng có gì đó phân vân dường như đang âm thầm song hành với lạc quan? Quê hương thân thuộc như thuở nào nhưng sau bao năm chiến trận trở về có gì đó khác? Cái sự khác, gợn ấy không phải ở bề ngoài mà trong mạch ngầm suy nghĩ. Có lẽ nào bình yên chỉ là lớp sương phủ trên nỗi niềm âm thầm chưa thể bày tỏ. Cuộc sống vẫn thiếu thốn, nghèo đói cùng nếp làm ăn cũ. Con người cần cù, mưa nắng chẳng quản mà sao chẳng đủ ăn? Lối quản lý, sản xuất, canh tác manh mún, chắp vá, chẳng gắn với quyền lợi, trách nhiệm cá nhân nào có lẽ không còn hợp thời. Những băn khoăn, trăn trở khiến mỗi người hiểu rằng cần thiết phải thay đổi mới hòng thoát khỏi lối mòn. Sẽ bắt đầu từ đâu, chuyển đổi thế nào là câu hỏi bức bối. Chiến tranh kết thúc nhưng dường như nó đang còn âm thầm diễn ra trong mỗi gia đình.
Nơi núi cao, rừng thẳm, những trai tráng người dân tộc trở về từ cuộc chiến còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn. Quê nhà xa xôi, heo hút quá. Sau những năm tháng mải miết, khi trở về quê, người xưa đã thưa vắng đi nhiều. Đói nghèo hình như lại nhiều hơn xưa. Có gì đó không ổn! Ý nghĩ bám riết, nảy sinh tầng tầng câu hỏi như thách thức người viết. Từ đam mê bản năng, văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số, miền núi nhận thấy cần có trách nhiệm ghi lại, lý giải những mâu thuẫn, hạn chế, hướng tới những thay đổi tích cực. Bằng những sáng tác của mình, họ hi vọng sẽ góp tiếng nói chỉ đích danh cái cũ kỹ, lỗi thời, những cám dỗ, xấu xa, ngõ hầu giúp đồng bào tiếp cận, mở tầm nhìn, thay đổi suy nghĩ và chung tay hành động hướng tới mục tiêu tất cả vì ấm no, hạnh phúc của con người, trước hết là để khỏi vấp ngã, rơi vào dòng xoáy như cơn lũ ống đang hình thành nguy cơ đe dọa sinh mạng, tàn phá không gian văn hóa gắn bó bao đời.
Từ niềm hi vọng và thôi thúc ấy, các nhân vật nơi núi cao, rừng thẳm lần lượt xuất hiện một cách sinh động trong tác phẩm của họ với tâm thế, diện mạo mới. Thay bằng lối viết như kể, đã xuất hiện những tác phẩm “viết để cho đọc” mang tính nghệ thuật, có chiều sâu tư tưởng. Đặc trưng tính cách người dân tộc thiểu số với tâm lý, hành động khi đối diện tình huống gay cấn, bất ngờ; những mâu thuẫn ẩn sâu trong quan hệ người với người, người với thiên nhiên, với những luật tục, hủ tục lạc hậu, sự lựa chọn mới hoặc cũ; tâm trạng lo lắng, bất an về truyền thống văn hóa đang có nguy cơ biến chất, có thể sẽ biến mất bởi sự tham lam, thiếu hiểu biết của con người... được thể hiện sinh động. Họ đã viết bằng sự chân thành và mạnh mẽ của cảm xúc. Bằng sự chiêm nghiệm, từng trải thấm trong máu thịt từ thuở lọt lòng, với ngôn ngữ đặc trưng được chuyển dịch từ tư duy người dân tộc sang ngôn ngữ Việt tương đồng đã tạo nên tác phẩm hấp dẫn, độc đáo, góp phần làm phong phú diện mạo văn nghệ nước nhà. Độc giả có thêm góc nhìn tươi mới về nghệ thuật sáng tạo mang nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số. Từng tác phẩm tựa những thanh âm ngân vang như bày tỏ, thông báo với bạn bè gần xa biết sự hiện diện của dân tộc mình, quê nhà mình với không gian văn hóa bao đời. Nơi non cao, rừng thẳm có đủ cả những vui - buồn, người tốt - kẻ xấu, thấp hèn - cao thượng; những mối tình đẹp như nắng mai; những góc khuất, bất hạnh… được viết với cảm xúc gắn bó máu thịt, mang vẻ đẹp riêng của văn hóa vùng miền. Vẻ đẹp của nội tâm được mở rộng, được khai thác tận cùng, không né tránh với tâm thế tự tin của người sáng tạo đã giúp bạn đọc hiểu, yêu hơn những con người và vùng đất ấy.
Khác với thế hệ đi trước, nhà văn người dân tộc thiểu số sau năm 1975 có góc nhìn đời sống thực tế, linh hoạt hơn. Họ viết bằng sự hiểu biết, sự nhiệt thành đầy trách nhiệm. Số phận người được khai thác sâu, kỹ hơn. Tận cùng tốt đẹp hay cả những xấu xa, bất công đâu đó đều được lựa chọn, sáng tạo bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Nhiều tác phẩm không còn lối ám chỉ, né tránh hay tô hồng thiển cận mà thể hiện sự chất vấn, đồng hành, cảm thông với mất mát, thua thiệt, bất công, khổ đau của con người... Lớp nhà văn khởi đầu tiên phong giai đoạn đó có: Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Vi Thị Kim Bình, Mã A Lềnh, Ngọc Phượng, Kim Nhất, Linh Nga Niê Kdăm, Cao Duy Sơn, Hà Thị Cẩm Anh, Hữu Tiến, Hoàng Quảng Uyên, Hoàng Hữu Sang…; các nhà thơ: Vương Trung, Vương Anh, Y Phương, Pờ Sảo Mìn, Lò Ngân Sủn, Mai Liễu, Lò Cao Nhum, Phú Trạm Inrasara, Dương Thuấn… Tác phẩm của họ được bạn đọc tiếp nhận, dư luận đánh giá cao bởi lối viết mới, táo bạo mang hơi thở cuộc sống. Bằng những cống hiến của mình, một số tác giả đã được nhận giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế. Họ thật sự là những gương mặt tiêu biểu, niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số và bạn đọc cả nước. Sự nỗ lực cùng với nhạy cảm nắm bắt hơi thở cuộc sống của những tài năng đã nhanh chóng ghi lại không khí thời đại với những biến động đã đi vào lịch sử để hôm nay mỗi khi đọc tác phẩm của họ, ta lại như được sống trong những năm tháng ấy, như: Thung lũng đá rơi, Người trong ống, Đường về với mẹ chữ của Vi Hồng; Phòng tuyến Khau Liêu, Tên làng, Nói với con của Y Phương; Chiều biên giới, Người đẹp của Lò Ngân Sủn; Cây hai ngàn lá của Pờ Sảo Mìn; Cây xương rồng trên cát của Phú Trạm Inrasara; Trăng gần của Hữu Tiến; Vực thuồng luồng của Hoàng Hữu Sang; Trí thức tỉnh lẻ, Thầy giáo đại học của Hoàng Quảng Uyên; Cưỡi ngựa đi săn của Dương Thuấn…
Tiếp bước thế hệ làm rạng danh văn học dân tộc thiểu số miền núi hiện đại, sang những năm đầu thế kỷ XXI xuất hiện lớp nhà văn trẻ người dân tộc thiểu số, được sinh ra, lớn lên trong những năm đầu đất nước bước vào đổi mới (1986) là những: Vi Thị Thu Đạm (Nùng), Nông Quốc Lập (Tày), Lục Mạnh Cường (Tày), Niê Thanh Mai (Ê Đê), Phạm Tú Anh (Mường), Phạm Tiến Triều (Mường), Lý Hữu Lương (Dao), Nông Quang Khiêm (Tày), Nguyễn Văn Luân (Nùng), Nông Hồng Cư (Tày), Triệu Hoàng Giang (Dao), Vàng A Giang (H’Mông), Lâu Văn Mua (H’Mông), Ngô Bá Hòa (Tày), Lý Thị Thảo (Nùng), Thèn Thị Hương (Nùng), Đinh Su Giang (Xơ Đăng), Phùng Hương Ly (Tày), Hoàng Thị Hiền (Tày), Hà Sương Thu (Nùng), Đàm Hải Yến (Tày), Muồng Hoàng Yến (Tày)… Những nhà văn trẻ hôm nay tự nhận họ đã được ảnh hưởng từ lớp nhà văn tiền bối với những thành tựu và cống hiến của họ cho văn học nước nhà. Coi thành tựu của tiền bối là tấm gương soi chiếu, khích lệ hướng tới đổi mới hơn. Nhưng thực tế thấy rõ họ trưởng thành như hôm nay chính là ở tài năng, sự đam mê, tự vận động, học hỏi và lựa chọn của mỗi cá nhân. Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết phải có sự đầu tư bồi dưỡng thế hệ tiếp nối đội ngũ nhà văn dân tộc đã lớn tuổi, gần hai mươi năm qua, Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã liên tục mở trại sáng tác cho các tác giả trẻ người dân tộc thiểu số; cùng với đó là sự tham gia của những tác giả người Kinh từng gắn bó với miền núi, viết về miền núi và đồng bào dân tộc.
Đã thành thông lệ, mỗi năm khi tháng bảy đến, các cây bút lại được triệu tập tham gia trại sáng tác được tổ chức ở một địa phương nào đó. Cùng những cây viết bước đầu trưởng thành, có thêm những tác giả mới góp mặt. Trại sáng tác trẻ dân tộc thiểu số đã tạo cơ hội để mọi người gặp gỡ, trao đổi. Trong các cuộc tọa đàm, họ không ngần ngại chỉ ra những ưu, nhược điểm về bố cục, chi tiết, ý tứ, câu chữ trong tác phẩm của nhau; cần thiết phải xem xét, sửa chữa hoặc viết lại để có thể hoàn chỉnh theo cách tốt nhất. Các cuộc tọa đàm như nguồn năng lượng tiếp thêm cho các cây bút sự hào hứng, tạo mối quan hệ thân thiết giữa các vùng miền. Cho dù trong tọa đàm có thể có những bất đồng, tranh luận căng thẳng nhưng tất cả đều hướng đến mục đích chung là tạo hứng thú và nuôi dưỡng nguồn sáng tạo trong lòng bạn trẻ tiếp tục bước đi vững hơn, xa hơn trên con đường sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để người viết bày tỏ chính kiến, hiểu tác phẩm của bạn, của mình hơn, từng bước nhận diện và thay đổi, có thể chưa ngay lập tức nhận ra nhưng sẽ gợi nghĩ, ám ảnh, vỡ lẽ về sau. Trưởng thành và ghi dấu ấn từ những hoạt động như thế có thể điểm tên khá nhiều gương mặt ở các thể loại như: tiểu thuyết với Nông Quốc Lập, Chu Thanh Hương; thơ với Hoàng Chiến Thắng, Tú Anh, Phạm Văn Vũ, Lý Hữu Lương, Phùng Hương Ly…; truyện ngắn với Niê Thanh Mai, Đinh Su Giang, Nông Quang Khiêm, Nguyễn Văn Luân, Lý A Kiều; ký và tản văn với Nông Hồng Cư, Phùng Hải Yến, Phạm Tiến Triều…
Số lượng người viết trẻ dân tộc thiểu số từ khởi đầu mở trại cho tới nay có đến gần hai trăm người đã tham gia nhưng hiện nay chỉ còn lại gần hai chục cây bút, đa số đã trưởng thành, là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Họ luôn viết và cống hiến bằng tất cả lòng nhiệt tình và sự khiêm nhường, bằng cảm nhận tinh tế, nhạy bén của thế hệ thời công nghệ. Ngôn ngữ, hình tượng tác phẩm của họ thật sự đã khác tiền bối. Các tác giả trẻ của dân tộc thiểu số, miền núi rồi sẽ vươn cao, vươn xa với những thành tựu mới, lớn hơn bởi tác phẩm của họ còn nguyên sự liên kết bền chắc với gốc rễ văn hóa truyền thống trong từng chi tiết, câu chữ mang đặc trưng vùng miền. Đó là điều đáng mừng. Bởi họ đã nhận thấy chỉ nên viết những gì mình biết và hiểu về nó sâu sắc nhất. Đó là nguồn nuôi sống những trang viết, tạo nên những tác phẩm hấp dẫn, độc đáo chỉ người trong cuộc mới có thể. Tuy thế, tác phẩm của họ còn tạo ra không ít phân vân. Hình thức nghệ thuật trình diễn tác phẩm đã thật sự mới, thật sự đủ độ vững cho hành trình đầy thử thách phía trước hay chưa? Hay đây vẫn lối tập cổ, trong lớp sóng trào lưu với những tác phẩm toàn chữ với chữ đầy chật lý trí nhưng lại thiếu chỗ cho cảm xúc? Văn xuôi cũng thấy có gì đó vẫn gờn gợn. Những truyện ngắn, tiểu thuyết viết ra kia liệu có bõ công hay chỉ tốn thời gian bởi sự nhàn nhạt, thường thường, quen thuộc? Nhiều tác phẩm được viết, in ra tại sao còn rơi vào im lặng và biến mất trong sự thờ ơ của độc giả?...
Có thể thấy những cũ kỹ nói trên không thể cuốn hút bạn đọc. Sao không viết những vấn đề mọi người đang quan tâm là những chuyện của hôm nay, hơi thở cuộc sống từng ngày đang diễn ra? Những tích cực, cả những hạn chế, tiêu cực nảy sinh liên quan đến mỗi số phận con người, từ lao động phổ thông đến đội ngũ tri thức, khoa học kỹ thuật, kinh tế, chính trị, xã hội… cần được tác phẩm văn học hôm nay phản ánh. Những vấn đề đó trong sáng tác của các tác giả dân tộc, miền núi hôm nay còn thiếu vắng nhiều hơn. Đây là vấn đề cần được bàn tới một cách nghiêm túc. Bạn đọc không bao giờ quay lưng với những tác phẩm hay, chỉ có điều nếu không hay sẽ không thể thuyết phục bạn đọc, không được bạn đọc quan tâm. Cần thay đổi lối tiếp cận và phản ánh. Để làm tốt được việc này cần sự quan tâm của đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Những sáng tác của các tác giả dân tộc thiểu số, miền núi năm mươi năm qua đã có đóng góp quan trọng cho văn học nước nhà. Mỗi tác phẩm đã đem đến cho bạn đọc một vẻ đẹp riêng của tâm hồn tộc người, không gian văn hóa vùng miền khắp cả nước. Nhưng ngần ấy năm vẫn chưa có nhiều nhà phê bình, nghiên cứu viết về họ, giới thiệu họ cùng những tác phẩm được vinh danh. Viết lý luận, phê bình văn học thiểu số, miền núi trước đây hiếm hoi có nhà văn dân tộc Nùng Lâm Tiến; trước ông, có nhà văn Phong Lê, Hà Công Tài… sau có Trần Thị Việt Trung, Phạm Quang Trung, Cao Thị Hảo, Lê Thị Bích Hồng, Đỗ Thị Thu Huyền và một số cây bút khác. Điểm danh có thể còn thiếu nhưng thấy rõ không mấy người, cũng không nhiều tác phẩm viết về nhà văn dân tộc thiểu số. Đó là thực tế. Một thực tế đáng buồn. Văn học dân tộc thiểu số, miền núi có vẻ vẫn bị coi “ngoài lề” của nền văn học Việt Nam. Ngoài Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, có rất ít tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm về văn học dân tộc thiểu số, miền núi. Cần thiết phải xem lại và có bước đi cụ thể, thực hành cụ thể về vấn đề này.
Viết về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi không phải độc quyền của các nhà văn dân tộc. Thực tế nhiều tác phẩm của các nhà văn người Kinh viết về đề tài dân tộc thiểu số rất thành công. Không những thành công về tác phẩm, họ còn là tấm gương tiêu biểu cho các nhà văn dân tộc, như: Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, Ngọc Anh, Thu Bồn, Trung Trung Đỉnh… của thời kỳ chống Pháp và chống Mĩ; lớp sau có Hoàng Thế Sinh, Nguyễn Trần Bé, Đoàn Hữu Nam, Nguyễn Thế Kỷ, Đỗ Bích Thúy, Chu Minh Huệ… những nhà văn này thật sự đã mang cốt cách, tâm hồn của người dân tộc, miền núi. Những câu chuyện được viết, được phổ biến rộng rãi trước công chúng đã mang đến cho bạn đọc cảm xúc gần gũi, thân thiết, thấy họ như một phần máu thịt của đồng bào. Lý luận, phê bình cũng không thể bỏ qua những tác giả này. Phải có những tọa đàm, hội thảo về những tác phẩm viết về đề tài dân tộc thiểu số do người Kinh viết. Có như thế mới thấu đáo và công bằng bởi những sáng tác của họ với mảng đề tài này là vô cùng lớn, có giá trị, là một phần không thể thiếu của văn học dân tộc thiểu số và miền núi trước đây, ngày nay và mai sau.