CẢM NHẬN VỀ LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

Bài viết khẳng định sự phát triển và những đóng góp của lý luận, phê bình trong nền văn học hiện nay qua một số phương diện: đội ngũ ngày càng đông đảo, các thế hệ có sự tiếp nối, nhiều công trình có giá trị. Qua đó cho thấy lý luận, phê bình luôn đồng hành cùng sáng tác và kỳ vọng vào thế hệ thứ ba đang là 'nhân vật chính' trong bức tranh lý luận, phê bình đương đại.

   Từ lâu nay câu chuyện về lý luận, phê bình vẫn được nhiều người nhắc tới, như có vẻ sốt ruột cho rằng phê bình không theo kịp sáng tác, hoặc là phê bình không có thành tựu gì nổi bật, còn mờ nhạt so với sáng tác… Là người trong nghề lâu nay tôi và các đồng nghiệp nhiều khi cảm thấy hơi oan, nhất là từ sau 1975, đặc biệt sau 1986, cùng với sáng tác, lĩnh vực lý luận, phê bình cũng không kém cạnh, nếu không nói là đã khởi sắc cả về đội ngũ lẫn số lượng và chất lượng tác phẩm.

   Không khó nhận ra từ sau 1975 đến nay, đội ngũ lý luận, phê bình xuất hiện càng ngày càng đông đảo, không chỉ tập trung ở các trung tâm khoa học như các viện nghiên cứu, các trường đại học mà còn ở các hội văn học, nghệ thuật trung ương và địa phương. Trong đó, các thế hệ lý luận, phê bình luôn có sự tiếp nối, bổ sung, ngày càng trùng điệp. Bên cạnh các các nhà lý luận, phê bình lão thành có thâm niên nghề nghiệp là các cây bút trung niên, rồi đến các cây bút trẻ như một sự tiếp sức làm cho đội ngũ thêm phong phú và nhộn nhịp. Điều đáng nói là công việc sáng tác hay nghiên cứu, phê bình, lâu nay người ta hay nói như là cái nghiệp nên dù biết là vất vả, nhọc nhằn bên trang sách, đọc, ngẫm nghĩ rồi tìm ý, rồi xếp chữ, đặt câu, gõ bài sau một quá trình cảm thụ và tiếp nhận nhưng như một quán tính nghề nghiệp, thói quen đọc và viết như một cách “tập thể dục cho bộ óc”, nhất là với những nhà lý luận, phê bình thuộc diện “cây cao bóng cả” vẫn đều đặn ra sách như Hà Minh Đức, Trần Đình Sử, Phong Lê, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Hồng Diệu…

   Các thế hệ tiếp theo, tôi tạm gọi là thế hệ thứ hai, gồm các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình như Đỗ Lai Thúy, Lê Ngọc Trà, Vũ Nho, Văn Chinh, Nguyễn Ngọc Thiện, Lê Quang Trang, Lê Thành Nghị, Khuất Bình Nguyên, Đỗ Ngọc Yên, Nguyễn Văn Dân, Phan Trọng Thưởng, Trương Đăng Dung, Bùi Việt Thắng, Trần Đăng Suyền, Nguyễn Đăng Điệp, Huỳnh Như Phương, Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong, Chu Văn Sơn, Văn Giá, Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh, Mai Bá Ấn, Trần Hoài Anh, Mai Hương, Tôn Phương Lan, Nguyễn Bích Thu, Lý Hoài Thu, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Bình, Trần Thị Trâm, Lưu Khánh Thơ, Lê Dục Tú, Tôn Thảo Miên, Trần Thị Việt Trung, Hỏa Diệu Thúy, Lê Thị Bích Hồng… đa phần đã nghỉ hưu song vẫn đồng hành với văn chương cùng thời, bám sát đời sống văn học đang diễn ra, tích cực tham gia những cuộc hội thảo về văn học, nghệ thuật.

   Điều đáng vui mừng hơn là vào những thập niên đầu của thế kỷ XXI, một loạt các cây bút lý luận, phê bình trẻ, thuộc thế hệ thứ ba, “cất cánh” góp một vùng sáng đầy sôi động trên bản đồ lý luận, phê bình văn học đương đại: Phùng Gia Thế, Phạm Xuân Thạch, Nguyễn Hoài Nam, Đoàn Ánh Dương, Trần Ngọc Hiếu, Trần Thiện Khanh, Đoàn Minh Tâm, Hoàng Đăng Khoa, Nguyễn Thanh Tâm, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Mạnh Tiến, Mai Anh Tuấn, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Trần Huyền Sâm, Hoàng Thị Huế, Cao Kim Lan, Cao Hồng, Hoàng Kim Ngọc, Lê Tú Anh, Hoàng Thụy Anh, Lê Hồ Quang, Hoàng Cẩm Giang, Đỗ Hải Ninh, Lê Hương Thủy, Thái Phan Vàng Anh, Nguyễn Thị Năm Hoàng, Đỗ Thị Thu Huyền, Nguyễn Thanh Tâm, Mai Thị Liên Giang, Nguyễn Thị Bình, Huỳnh Thu Hậu, Lương Kim Phương, Đinh Thanh Huyền, Vũ Thị Thu Hà…

   Ngoài những người làm công việc phê bình kể trên còn có trường hợp các nhà sáng tác viết phê bình nhưng ở đây chúng tôi chỉ nghiêng về đội ngũ phê bình chuyên nghiệp, dù biết hai nhà thơ Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương cũng là những nhà phê bình có tên tuổi, tạo được uy tín trong văn giới.

   Có thể nói, từ những nhà lý luận, phê bình thế hệ thứ hai, thứ ba, nhìn chung đều được đào tạo bài bản ở đại học, sau đại học, được làm việc tại các môi trường khoa học thuận lợi. Họ đều xác định dấn thân vào con đường lý luận, phê bình chuyên nghiệp là hết sức nhọc nhằn, chỉ có tâm huyết với nó mới có thể trụ bám, tạo được sự cảm thông chia sẻ giữa nhà sáng tác và nhà phê bình, giữa nhà phê bình với đối tượng thẩm mĩ.

   Như vậy, chỉ nhìn vào số lượng đã thấy lực lượng lý luận, phê bình có sự bổ sung đáng kể và tin cậy. Từ các chủ thể ở thế hệ thứ hai và thứ ba, các công trình, chuyên luận liên tục được công bố: Lý luận và văn học (Lê Ngọc Trà), Chân trời có người bay, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa, Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, Vẫy vào vô tận, Thơ như là mỹ học của cái khác… (Đỗ Lai Thúy), Giọt nước trong lá sen, Giấu vàng trong gió thu, Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca (Khuất Bình Nguyên), Nghĩ và viết về phương Nam, Sóng đồng và cây núi (Lê Quang Trang), Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, lý luận, thực tiễn nghệ thuật, Khúc hợp đàn văn (Nguyễn Ngọc Thiện), Bóng người trong bóng núi, Cây vườn thức với gió (Lê Thành Nghị), Văn hóa - văn học dưới góc nhìn liên không gian (Nguyễn Văn Dân), Cơ sở hình thành các hiện tượng văn học (Văn Chinh), Chiến sĩ ta cầm bút (Đỗ Ngọc Yên), Khúc bi tráng thứ tư, Hà Nội từ góc nhìn văn chương (Bùi Việt Thắng), Thẩm định các giá trị văn học, Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học (Phan Trọng Thưởng), Tư tưởng và phong cách nhà văn những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trần Đăng Suyền), Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa (Trương Đăng Dung), Giấc mơ, cảnh tượng và cái nhìn (Huỳnh Như Phương), Thơ hiện đại thi luận và văn chương, Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ (Hồ Thế Hà), Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại, Văn học trong những tầng sinh quyển văn hóa (Nguyễn Đăng Điệp), Văn học và chiến tranh (Nguyễn Thanh Tú), Lôgic của tưởng tượng (Mai Bá Ấn), Văn học nhìn từ văn hóa (Trần Hoài Anh), Mặt người mặt hoa (Nguyễn Thị Minh Thái), Văn học Việt Nam hiện đại, sáng tạo và tiếp nhận (Bích Thu), Âm vang chiến tranh (Tôn Phương Lan), Những sinh thể văn chương Việt (Lý Hoài Thu), Văn học Việt Nam giao lưu và tác động (Tôn Thảo Miên), Văn xuôi Việt Nam 1975-1995 những đổi mới cơ bản (Nguyễn Thị Bình), Gửi đây chút duyên tình đọc (Nguyễn Thị Thanh Xuân), Nghiên cứu sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam hiện đại (Trần Thị Việt Trung), Tài hoa Việt từ một điểm nhìn, Văn học dân gian Việt Nam sau 1986 (Trần Thị Trâm), Sự đọc-chỉ dấu và đường biên (Hỏa Diệu Thúy), Những người tự đục đá kê cao quê hương (Lê Thị Bích Hồng), Văn xuôi đô thị miền Nam nhìn từ các giá trị truyền thống (Nguyễn Thị Thu Trang), Chạm vào linh lệ (Nguyễn Thị Liên Tâm), Mạch nguồn tri ân (Nguyễn Thị Bình (Ninh Bình))…

   Nối tiếp thế hệ thứ hai với sự tinh nhạy, cập nhật những vấn đề mang tính toàn cầu về lý thuyết và thực hành văn chương đương đại trong nước và thế giới, hàng loạt công trình của thế hệ thứ ba trình diện công chúng đã khuấy động đời sống lý luận, phê bình những năm đầu thế kỷ XXI: Hiểm địa văn chương (Phùng Gia Thế), Từ trang sách đến gương mặt văn chương, Neo chữ (Nguyễn Hoài Nam), Song hành và đối thoại, Đứng về phe cái khác, Những tờ sạch (Hoàng Đăng Khoa), Không gian văn học đương đại, Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi (Đoàn Ánh Dương), Những khu vực văn học ngoại biên (Phan Tuấn Anhảnhaaa (Nguyễn Văn Hùng), Lý thuyết liên văn bản, Du hành giữa các văn bản - Nguyễn Huy Thiệp (Nguyễn Văn Thuấn), Giới hạn của những huyền thoại (Nguyễn Thanh Tâm), Văn học trẻ như tôi hình dung (Đoàn Minh Tâm), Thơ ca dân tộc Hmông từ truyền thống đến hiện đại (Nguyễn Kiến Thọ), Từ Âu Cơ đến phức cảm phân tâm học trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại (Nguyễn Trọng Hiếu), Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại, Tiểu thuyết phương Tây hiện đại và các hướng tiếp cận (Trần Huyền Sâm), Rừng khô suối cạn, biển độc… và văn chương, Dám ngoái đầu nhìn lại (Nguyễn Thị Tịnh Thy), Sức mạnh của vết thương, Sự thật là đóa hoa lộng lẫy (Hoàng Thụy Anh), Văn xuôi Việt Nam hiện đại khảo cứu và suy ngẫm, Đề tài tha hương trong văn xuôi Việt Nam đầu thế kỷ XXI (Lê Tú Anh), Những cánh đồng mang gương mặt người, Ngôn ngữ đối thoại (Thy Lan), Lý luận phê bình văn học một góc nhìn mới, Những vẻ đẹp văn chương (Cao Thị Hồng), Ba chiều cạnh của phê bình (Hoàng Thị Huế), Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI cấu trúc và khuynh hướng (Hoàng Cẩm Giang), Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI, lạ hóa một cuộc chơi (Thái Phan Vàng Anh), Đi tìm dấu vân chữ, Từ dân gian đến nhân gian (Hoàng Kim Ngọc), Âm thanh tưởng tượng, Đọc một bài thơ (Lê Hồ Quang), Ma thuật của truyện kể (Cao Kim Lan), Truyện ngắn Việt Nam đương đại diễn trình và động hướng (Lê Hương Thủy), Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại (Đỗ Hải Ninh), Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 nhận diện và tương tác (Nguyễn Thị Năm Hoàng), Bí mật tuổi trăng non, Dòng chảy lấp lánh (Thanh Tâm Nguyễn), Thị hiếu công chúng văn học Việt Nam đương đại (Vũ Thị Thu Hà), Bày cuộc thơ (Đinh Thu Huyền)… Nhìn chung công trình của các cây bút thuộc “làn sóng mới” đã chạm đến những vấn đề bức thiết trong đời sống văn chương nói chung và lý luận, phê bình nói riêng với “ý thức về cái khác” và cái mới. Có những chủ thể viết đã tiếp nhận lý thuyết nước ngoài, nắm vững thuật ngữ, khái niệm của các khuynh hướng phê bình: phân tâm học, mĩ học tiếp nhận, lý thuyết giải cấu trúc, phê bình hậu thực dân, phê bình nữ quyền, phê bình sinh thái... để áp dụng “hóa thân vào thực hành phê bình tác phẩm”, tạo được mĩ cảm với người đọc.thuật ngữ, khái niệm của các khuynh hướng phê bình: phân tâm học, mĩ học tiếp nhận, lý thuyết giải cấu trúc, phê bình hậu thực dân, phê bình nữ quyền, phê bình sinh thái... để áp dụng “hóa thân vào thực hành phê bình tác phẩm”, tạo được mĩ cảm với người đọc.

    Những công trình kể trên (đó là chưa kể đến những nhà sáng tác viết phê bình) là minh chứng cho thấy lý luận, phê bình đang đồng hành cùng sáng tác và bên “cây đời” lý luận vẫn “xanh tươi”. Nhìn chung, dù với các cách tiếp cận khác nhau, các công trình lý luận, phê bình đều góp phần ghi nhận những chuyển động và đổi mới của văn học Việt Nam, đặc biệt tập trung tìm hiểu nhận diện văn học đương đại trên các bình diện sáng tạo và tiếp nhận qua các khuynh hướng, hiện tượng, trường hợp, các vấn đề thể loại, loại hình văn học, nghệ thuật đã có những đóng góp với văn học nước nhà qua các thời kỳ, nhất là với thời kỳ đổi mới, hội nhập và giao lưu văn học, văn hóa thế giới. Hơn nữa, ở đây lý luận, phê bình không còn là sự “tranh cãi vật vã” về ý thức hệ, “không có vấn đề “ai thắng ai” muôn thuở mà là một cuộc đối thoại theo đúng tiêu chí của cái đẹp, nhằm thúc đẩy văn chương dấn thân vào cuộc phiêu lưu tìm những giá trị thẩm mỹ mới” (Đỗ Lai Thúy). Vì vậy, trong không khí văn học hiện nay, giữa sáng tác và phê bình không còn “khoảng cách sử thi”, nhà văn và nhà phê bình đã bằng vai phải lứa, là bè bạn văn chương. Nhà phê bình không chỉ gặp gỡ nhà văn trong tác phẩm mà trong cả cuộc sống đời thường với mối quan hệ giao lưu khá thân thiện, cởi mở của những người có ngôi nhà chung là Hội Nhà văn và không gian chung là đời sống văn hóa, văn học đương đại.

   Trước đây người ta thường quan niệm phê bình ăn theo sáng tác, trong thực tế, có tác phẩm mới có sự đọc và có phê bình nên đó chỉ là sự phụ thuộc tự nhiên vào sáng tác. Để phản biện với quan niệm trên thì phê bình phải khước từ với kiểu phê bình xu nịnh hay phê bình quyền uy, nhà phê bình phải thiết tạo tiếng nói của mình, xác lập được một “vị thế độc lập với sáng tác”, tìm một văn bản khác với văn bản của nhà văn, tìm ra sự khác biệt giữa “văn bản văn học với tác phẩm văn học” thông qua người đọc. Khi tác phẩm rơi vào tay nhà phê bình, qua sự đọc, sự tiếp nhận văn bản, nhà phê bình trở thành nhà sáng tạo. Tôi xin chia sẻ với ý kiến của nhà phê bình Đỗ Lai Thúy: “Nếu sáng tạo của nhà văn dựa trên vật liệu đời sống thì nhà phê bình sáng tạo chủ yếu dựa trên vật liệu tác phẩm nhà văn. Nhà phê bình là một nhà văn. Tác phẩm phê bình là một tác phẩm văn chương. Đó là phê bình nghệ sĩ”. Hoặc nói cách khác, khi nhà phê bình xâm nhập vào tác phẩm, đó là quá trình tự tạo ra đời sống cho văn bản văn học, độc lập với tác giả, thành hai chủ thể sáng tạo.

   Trong số những công trình, cuốn sách của cả thế hệ thứ hai và ba là những văn bản đã được thử thách qua thời gian, qua quá trình cảm thụ và tiếp nhận của cộng đồng diễn giải. Không ít tác giả công trình đã nhận được giải thưởng cao của các hội chuyên ngành ở trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, các hội văn nghệ địa phương, Tặng thưởng của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Một số nhà phê bình đã nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật: Lê Thành Nghị, Phan Trọng Thưởng, Trần Đăng Suyền, Nguyễn Đăng Điệp. Một số công trình nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam: Âm thanh tưởng tượng (Lê Hồ Quang), Những sinh thể văn chương Việt (Lý Hoài Thu), Văn bản và sự bất ổn của nghĩa (Trương Đăng Dung), Nghiên cứu văn học lý luận và ứng dụng (Nguyễn Văn Dân), Giọt nước trong lá sen (Khuất Bình Nguyên); Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội: Hà Nội từ góc nhìn văn chương (Bùi Việt Thắng); Tặng thưởng Mức A của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương: Bến văn và những vòng sóng (Hữu Thỉnh), Bóng mát dọc đường xa (Vũ Quần Phương), Văn học Việt Nam hiện đại sáng tạo và tiếp nhận (Bích Thu), Giấu vàng trong gió thu (Khuất Bình Nguyên). Ngoài ra còn rất nhiều Tặng thưởng Mức B, C của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Giải của Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học, nghệ thuật Hà Nội và các hội văn nghệ địa phương; giải thưởng Bộ Quốc phòng mà trong bài viết này không thể điểm xuyết hết được. Nhắc đến các giải thưởng cũng chỉ để thấy lý luận, phê bình cũng đã đạt được những kết quả đáng kể, tạo thành bước song hành với sáng tác.

   Ngoài ra, thành tựu đã đạt được của lý luận, phê bình kể trên có thêm một ý nghĩa là những công trình hay bài viết của họ cũng trở thành những tài liệu tham khảo hữu ích không chỉ với những người làm chuyên môn mà với cả sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc ngành văn học. Muốn nghiên cứu một đối tượng, một hiện tượng hay tác phẩm không thể không tham khảo các lý thuyết công cụ cũng như ý kiến của người đi trước trong tổng quan vấn đề nghiên cứu. Vậy nên trong nhiều trường hợp lý luận và sáng tác không thể tách rời nhau mà luôn song hành trong mối quan hệ biện chứng. Có thể trong giới lý luận, phê bình không đọc hết công trình của nhau nhưng chí ít thì cũng đã giới thiệu cho đồng nghiệp hay học trò nên đọc những công trình nào, bài viết nào, cả về lý thuyết và thực tiễn sáng tác để tiếp cận và triển khai các đề tài nghiên cứu cho phù hợp và tương thích.

   Bên cạnh những thuận lợi và hiệu quả đã đạt được, lý luận, phê bình không phải không đối mặt với những thách thức.

   Thứ nhất, chưa bao giờ các cuộc tọa đàm, ra sách, giới thiệu sáng tác mới lại xuất hiện nhiều như bây giờ. Như thế không thể không xảy ra “nguy cơ nghiệp dư hóa phê bình”. Trong các cuộc tọa đàm thơ văn đó, ai cũng có thể trở thành nhà phê bình và bài vở (giới thiệu) xuất hiện trên các báo giấy và báo mạng quá nhanh chóng, nóng hổi, nhiều khi trước cả những người phê bình chuyên nghiệp, bởi với người phê bình, sự đọc và viết không thể ào ạt trong chớp nhoáng được.

   Thứ hai, với những nhà phê bình hàn lâm, nghiêng về lý thuyết thuần túy, dù công trình đạt giải thưởng vẫn không phải ngày một ngày hai có thể khai thông cho sự đọc của ngay những người cùng nghề. Vậy phải điều hòa giữa lý luận, phê bình hàn lâm, nghiêng về học thuật và phê bình nghiệp dư, cũng như giữa văn học đại chúng và tinh tuyển là cả một vấn đề…

   Thách thức như thế nhưng xét một cách khái quát, nhìn từ đội ngũ đến các công trình về lý luận, phê bình từ sau 1975 đến nay, những người làm nghiên cứu, lý luận, phê bình ở thế hệ thứ hai dù đã “rửa tay gác kiếm” vẫn quan sát và chia sẻ với văn chương cùng thời và chúng ta không ngừng kỳ vọng về thế hệ thứ ba đang là “nhân vật chính” trong bức tranh lý luận, phê bình đương đại đang tiếp diễn...

Bình luận

    Chưa có bình luận