Về cơ bản, phê bình điện ảnh Việt Nam hiện nay vẫn tuân theo đường lối chỉ đạo của Đảng và vẫn nối dòng chảy trước đó. Một cách đơn giản nhất, có thể coi đó là cách thông tin cho công chúng biết về những bộ phim mới ra đời. Những bài được xem là phê bình phim xuất hiện khá đều, nhất là trên các tờ báo xuất bản ở Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này dễ hiểu vì Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận giờ đây là nơi sản xuất phim sôi nổi nhất, đông khán giả đến rạp nhất (ngoài Bắc, không kể việc làm phim truyền hình thì chỉ thỉnh thoảng mấy năm có một lần làm phim truyện điện ảnh do Nhà nước đặt hàng), doanh thu từ vé bán ở rạp chiếm tỉ lệ cao, đây là thị trường chính. Có một lý do thuận lợi cho người viết về phim ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh là họ được xem phim sớm – trước khi phim ra rạp. Họ viết kịp thời để ra bài đón đầu hoặc song song với việc phát hành phim mới đó.
Người cầm bút phê bình chuyên nghiệp thường không phải ai cũng được cùng xem trước, khi muốn viết theo cách phê bình thì các báo hầu như không nhận đăng nữa vì họ đã đưa tin rồi. Nhiều báo có bài viết kỹ về phim cụ thể, thỉnh thoảng viết nhận định về một dòng phim như về phim kinh dị, phim xuyên không nhưng cũng theo cách “điểm phim” chứ ít đi sâu phân tích về nghề nghiệp. Một vài tờ báo chuyên ngành có bài phê bình nhưng những báo này ít phổ cập. Bài phê bình đã hiếm thì cũng không có hiện tượng viết bài phản biện hoặc tranh luận về những bộ phim có dư luận trái chiều hoặc bị cấm. Điều này làm cho khu vực phê bình không sâu và phần nào đó chưa đáp ứng được yêu cầu của công chúng.
Về sản xuất phim, đại đa số là phim thương mại. Những phim này không hoặc ít đầu tư về nghệ thuật nên cũng chẳng có gì nhiều mà phân tích vì đó chỉ như những sản phẩm bằng hình ảnh có đối thoại và âm thanh kể một câu chuyện, thường là chuyện bình thường. Vậy thì việc viết bài “phê bình” theo kiểu điểm phim, kể nội dung phim cũng là bình thường. Nhà báo không quan tâm thì các nhà sản xuất, những người làm phim cũng không thấy cần thiết.
Phim nhà nước đặt hàng không nằm trong khu vực phim thương mại (thường rất ít khán giả). Cách làm phim của các đạo diễn cũng đơn giản, không tìm được các chi tiết đắt giá hoặc hấp dẫn (nhược điểm này bắt đầu từ kịch bản), cũng ít tìm ngôn ngữ súc tích hay giàu hình tượng để thể hiện ý tưởng của phim. Phim chỉ thành công chủ yếu về mặt chính trị (chúng tôi hay gọi loại này là phim chính trị, không gọi là phim nghệ thuật). Trong khi đó, đã làm phim phục vụ chính trị mà không hấp dẫn, rất ít khán giả đến rạp thì mục tiêu phục vụ chính trị cũng không đạt. Với những phim kiểu này thì cũng chẳng có gì nhiều cho người cầm bút viết, phân tích và dù có “múa bút” giỏi thì vẫn không kéo được khán giả đến rạp.
Thỉnh thoảng có một vài phim nghệ thuật thì việc giới thiệu ra công chúng cũng không kỹ càng, sâu sắc. Khán giả không hiểu kỹ giá trị của phim cũng như ngôn ngữ điện ảnh của phim. Bởi vậy, có phim được giải quốc tế lớn như Tro tàn rực rỡ mà có khán giả xem xong, nói ngay một câu: “Phim thế này mà cũng được giải”.
Hội Điện ảnh Việt Nam hiện nay, do tình hình cụ thể, không thể thường xuyên chiếu phim nghiên cứu cho hội viên. Gần đây có vài bộ phim được chiếu rất phù hợp như Tro tàn rực rỡ của Bùi Thạc Chuyên – bộ phim đoạt những giải lớn ở Liên hoan phim quốc tế và trong nước mà vắng khách ở rạp (có thể do khán giả Việt Nam quen xem phim giải trí hoặc khán giả không hiểu rõ những dụng ý nghệ thuật của đạo diễn…).
Ngoài những tạp chí chuyên ngành của các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, nhà phê bình hoặc cộng tác viên có bài phê bình điện ảnh đã có chỗ để công bố, miễn là chất lượng bài đạt yêu cầu, đó là Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (nay thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương). Trước đây Tạp chí không phát hành rộng rãi đến công chúng nên sự phổ cập cũng bị hạn chế. Mới đây Tạp chí có thêm bản điện tử, tình hình này sẽ cải thiện được sự tiếp cận của những người quan tâm đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Tạp chí này, nói chung, không hạn chế độ dài (trong khi có báo chỉ cho viết dưới hai nghìn chữ) nên tác giả có thể viết sâu, viết kỹ. Tuy nhiên, chỉ có như vậy thì cũng không cải thiện được nhiều cho phê bình điện ảnh.
Sự bất cập của phê bình điện ảnh, ngoài phần do nghèo nàn của sáng tác còn do yếu tố con người và một vài vấn đề khác. Lực lượng phê bình điện ảnh kế cận sẽ thiếu vắng vì Khoa Lý luận, phê bình của các trường đào tạo điện ảnh hầu như không tuyển sinh được nên có trường đã bỏ hẳn khoa này.
Sẽ có hiện tượng các tờ báo lấy sinh viên tốt nghiệp khoa báo chí hoặc ngành khoa học xã hội về làm cho quen việc rồi tự bồi dưỡng kiến thức nếu không được theo những lớp bồi dưỡng chuyên ngành ngắn hạn. Ở nhiều tờ báo có hiện tượng một biên tập viên, phóng viên phụ trách chung mục nghệ thuật, trong đó bao gồm cả hội họa, âm nhạc, điện ảnh. Không biết họ có được đào tạo tiếp về các môn, loại hình nghệ thuật mà họ phụ trách không? Có thể không. Bởi vậy mới tồn tại các bài viết hời hợt, không đi sâu vào đặc trưng của mỗi thể loại, loại hình nghệ thuật. Cả người viết và những người có thẩm quyền duyệt bài chú ý trước hết là bài không sai về chính trị, còn chất lượng bài viết thì chưa được quan tâm đúng mức. Những người này cũng không đánh giá cao các bài viết phê bình điện ảnh, cũng không quan tâm đến việc đặt bài (khi được mời xem phim mới thì mời luôn những người viết mà mình tin cậy đi cùng để đặt bài cho kịp thời chẳng hạn).
Phê bình điện ảnh, nhìn từ góc độ tự thân, vì chưa phát huy được giá trị của mình, không làm được việc hướng dẫn sáng tác nên cũng không được coi trọng trong sinh hoạt nghề nghiệp nói chung. Nhưng sự lép vế này cũng khó cải thiện trong cách dùng bài ở các cơ quan ngôn luận. Phê bình điện ảnh không có “đất diễn”, cũng không có nhiều phim đáng được viết độc lập theo đúng kiểu cách, cũng không nhiều vấn đề để viết.
Phê bình điện ảnh ở ta hiện không làm được, không có điều kiện làm đúng chức năng định giá và thúc đẩy phát triển chất lượng phim. Lỗi tại ai? Không ai có lỗi cả. Người nào cũng có lý do của họ mà họ thấy hợp lý để duy trì. Cũng không thể yêu cầu các báo phải viết sâu, viết kỹ về tác phẩm điện ảnh, trong thực tế sáng tác cũng ít có phim đáng được viết.
Như vậy, phê bình điện ảnh của ta có phát triển được hay không phụ thuộc vào nhận thức và khả năng của những người quản lý và những người “có đất diễn” ở các báo – phóng viên, biên tập viên. Nếu họ nâng cao chất lượng bài viết, viết sâu, viết kỹ, viết có nghề thì chuyện này không còn khó khăn gì nữa, nghĩa là nếu đạt được yêu cầu phóng viên, biên tập viên đồng thời là nhà phê bình thì vấn đề sẽ được giải quyết (điều này lại phụ thuộc vào nhận thức, đào tạo và sử dụng nhân sự).
Dù do khách quan hay chủ quan, phê bình điện ảnh hiện nay chưa phát triển được như mong muốn cũng là thực trạng đáng buồn, không nên tồn tại mãi.