1. Thành tựu về lý luận, phê bình âm nhạc sau năm 1975
Kể từ năm 1975 đến nay, trong bối cảnh đất nước được thống nhất, tự do độc lập, Bắc Nam chung một nhà, mối quan hệ giao lưu văn hoá nghệ thuật từ Đông sang Tây vốn có truyền thống từ nhiều thế kỷ trước cho đến nay vẫn được tiếp nối và ngày càng nhiều biến đổi mới theo hướng phát triển hình xoáy ốc, vươn tới những đỉnh cao mới cả về chất và lượng. Sự phát triển, tăng tiến ấy không chỉ thể hiện từ nhận thức, tư tưởng mà được mở rộng, nâng cao trong mọi hoạt động sáng tạo, nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật giai đoạn cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI.
Sau năm 1975, nhiều lĩnh vực nghệ thuật đã được đúc kết, tổng kết cụ thể từng chặng đường lịch sử, trong đó có âm nhạc. Lĩnh vực âm nhạc với “đội ngũ sáng tác phát triển lớn cả về chất lượng và số lượng, ngoài lớp nhạc sĩ trưởng thành từ Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp đã hình thành thế hệ nhạc sĩ thứ ba đông đảo, nhiều tài năng, góp phần không nhỏ vào những thành tựu âm nhạc giai đoạn này. Cùng lực lượng sáng tác tài năng, đội ngũ các nghệ sĩ biểu diễn, các nhà phê bình, nghiên cứu, lý luận, các nhà sư phạm, đào tạo, quản lý, chỉ đạo âm nhạc... khẳng định được khả năng, năng lực đủ sức đáp ứng trước những vận động, hoạt động của nền âm nhạc mới mấy thập niên trước đến hôm nay”. Cố Giáo sư, nhạc sĩ Trọng Bằng khi đề cập về sự phát triển của Hội Nhạc sĩ Việt Nam thời kỳ trước và sau giải phóng Miền Nam năm 1975 có nhận định: “... có một lực lượng đáng kể là anh chị em nhạc sĩ, nghệ sĩ trưởng thành từ vùng giải phóng và vùng tạm chiếm Miền Nam lớn lên cùng Cách mạng”1.
Về sáng tác âm nhạc sau năm 1975, nhiều tác phẩm khí nhạc đã được xuất bản như: Trăm sông đổ về biển Đông của Trần Ngọc Xương (1975); Liên khúc giao hưởng Chiến thắng của Doãn Nho (1978); Mỵ Châu – Trọng Thủy của Nguyễn Thiên Đạo (Opéra 2 màn, 4 cảnh, 1977); Khúc nhạc tâm tình của Hoàng Dương (Concerto guitar hoặc đàn tranh và dàn nhạc, 1980); Con cò trắng của Nguyễn Văn Nam (Tổ khúc piano, 10 khúc, 1980); Hồi tưởng của Hoàng Cương (Sonate, violon và piano, 1980); Chào mừng của Trọng Bằng (Ouverture, dàn nhạc, 1986); Khát vọng của Nguyễn Thị Nhung (Poème symphonique, 1986); Người về đem tới ngày vui của Trọng Bằng (Poème Symphonie, 1990); Nhớ Bác của Đỗ Dũng (thơ: Nguyễn Văn Dinh, Hợp xướng à capella 7 chương, 1994); Huyền thoại Mẹ của Nguyễn Thị Nhung (Ballade, violon, basson, piano, 1995); Bản giao hưởng của Đàm Linh (Liên khúc giao hưởng 4 phần, 1996); Ngọc trai đỏ của Ca Lê Thuần (Suite Symphonie – kịch múa, 1997); Hồn non nước của Nguyễn Thiên Đạo (Dàn nhạc – hợp xướng, 1998); Bức tranh Thánh Gióng của Đỗ Dũng (Poème Symphonie, 1999); Hà Nội tiến vào thiên niên kỷ mới của Đoàn Phi Liệt (phối khí: Hoàng Lương – Hợp xướng – dàn nhạc, 4 chương, 2000); Ngày hội của Đặng Hữu Phúc (Ouverture, 2003); Ký ức Thăng Long của Huy Thục (Piano, 4 chương, 2005); Vũ điệu bầu trời của Lệ Tịnh (Suite symphonie, 4 khúc, 2006); Ba Đình mùa thu ấy của Ngô Quốc Tính (Fantaisie, dàn nhạc, 2007); Đất nước của Văn Tiến (thơ: Nguyễn Đình Thi, Hợp xướng, 2009); Dáng Rồng lên của Đỗ Hồng Quân (Tổ khúc giao hưởng, 4 chương, 2010)…
Về hội diễn, hội thi nghệ thuật âm nhạc, ngay sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất, một sự kiện đặc biệt đã được thực hiện ngay tháng 7 năm 1975 là chương trình Hoà nhạc giao hưởng Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Giai đoạn sau này là các chương trình như Đại nhạc hội guitar lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội (tháng 4 năm 2002); Đại nhạc hội guitar lần thứ hai được tổ chức tại Đảo Ngọc, Nha Trang vào tháng 8 năm 2004… Trên VTV, nhiều chương trình biểu diễn để lại những dấu ấn tốt, kết quả tốt như những cuộc thi Sao Mai điểm hẹn, Giai điệu kết nối.... Các chương trình đã giúp khích lệ và phát hiện nhiều tài năng âm nhạc trẻ suốt nhiều thập niên sau kể từ ngày đất nước thống nhất. Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc có chất lượng cao, mang tính chuyên nghiệp ngày càng đuợc phát huy, sáng tạo, nâng cao như Điện Biên Phủ trên không; Tiếng hát át tiếng bom; Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn; Đường Hồ Chí Minh trên biển.... đều để lại những giá trị lịch sử, những ấn tượng, dấu ấn văn hoá, tính nhân văn và giá trị nghệ thuật đặc sắc mang nhiều ý nghĩa, giá trị giáo dục to lớn cho đa dạng đối tượng xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.
Ôn lại chặng đường âm nhạc từ năm 1975 đến nay nhưng chúng ta không quên nhắc tới những viên gạch đầu của ngôi nhà âm nhạc mới Việt Nam với công lao đóng góp của rất nhiều thế hệ nhạc sĩ sáng tác; các nhạc sĩ nghiên cứu, lý luận; các nhà chỉ huy, biểu diễn, đào tạo ngay từ những ngày đầu của nền nhạc mới, nền nhạc Cách mạng Việt Nam. Trong đó các bậc “lão làng, già làng” nay đã về thế giới bên kia như: Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Thương, Huy Du, Trọng Bằng… cùng các nhạc sĩ sáng tác, nhà nghiên cứu lý luận, giáo dục đào tạo âm nhạc như: Hoàng Việt, Hoàng Vân, Tô Ngọc Thanh, Vĩnh Cát, Hồng Đăng, Nguyễn Xinh, Trương Đình Quang, Huy Thục, Nguyễn Thành, Hồng Thao; nhiều nghệ sĩ biểu diễn, đào tạo nhạc cụ dân tộc như Vũ Tuấn Đức, Xuân Khải, Hồng Thái…
Nhân kỷ niệm hơn nửa thế kỷ ra đời, Viện Âm nhạc đã xuất bản sách 65 năm hình thành, phát triển (1956-2021) cung cấp thông tin về tính kết nối, kế thừa cùng tình yêu nghề của nhiều thế hệ nhạc sĩ sáng tác, chỉ huy, nghiên cứu lý luận âm nhạc - những người từng tham gia hoạt động âm nhạc từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ cho tới những thập niên gần đây, nhiều nhạc sĩ lão thành sau 1975 cũng vẫn tích cực tham gia giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nhiều thế hệ nhạc sĩ trẻ ngay sau khi đất nước hoà bình, thống nhất. Nhiều nhạc sĩ sáng tác, lý luận nghệ thuật đã trở thành những người thầy trong các cơ sở đào tạo nghề chuyên nghiệp trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo hay các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghề do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức. Trong đó có nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp tiêu biểu như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Múa Việt Nam, Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, Đại học Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh... cùng nhiều cơ sở đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học có khoa, bộ môn nghệ thuật ở cấp khu vực hay địa phương trên địa bàn cả nước. Nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình, giáo dục nghệ thuật tiêu biểu từng đóng góp trên các giảng đường, lớp tập huấn nghề âm nhạc, múa, sân khấu ngay sau ngày Việt Nam thống nhất như: Lưu Hữu Phước, Tô Vũ, Tô Ngọc Thanh, Tú Ngọc, Hồng Đăng, Hoàng Vân, Phạm Minh Khang. Ngành nhạc với nhiều NSND, GS, PGS, TS như Trần Quí, Hoàng Cương, Trần Thu Hà, Ngô Văn Thành, Thuỵ Loan, Nguyễn Thị Nhung, Thế Bảo, Vũ Nhật Thăng, Tú Hương, Quang Thọ, Rơ Chăm Pheng, Nguyễn Minh Cầm, Hoàng Long, Hoàng Lân... Tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam gần đây có các NSND, NSUT tiêu biểu như: Quốc Hưng, Huy Phương, Phạm Trà My, Hải Đăng, Cồ Huy Hùng, Tân Nhàn… Đặc biệt, có những tài năng âm nhạc quốc tế như NSND Đặng Thái Sơn, NSUT Bùi Công Duy cùng nhiều tài danh nghệ thuật tiêu biểu.
Các tọa đàm, hội nghị, hội thảo về âm nhạc được tổ chức từ 1975 đến nay có thể kể đến tương đối nhiều. Đơn cử như giai đoạn 1980-1990, vấn đề nhạc nhẹ trên sân khấu ca nhạc có nhiều luồng dư luận trái chiều buộc giới lý luận, phê bình âm nhạc phải họp bàn gay gắt nhằm đưa ra những quan điểm rõ ràng, công khai, minh bạch trong sáng tác, biểu diễn, thưởng thức và mong có định hướng đúng đắn cho sáng tác, biểu diễn, thẩm mĩ nghệ thuật ca múa nhạc… Thời điểm đó, nhiều nhạc sĩ sáng tác, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình âm nhạc đã lên tiếng thẳng thắn, khách quan với tinh thần khoa học nghiêm túc, tiêu biểu như trường hợp “Nhạc nhẹ - Đối thoại 87 Trần Tiến”2 . Một loạt các hội thảo quốc gia được tổ chức như: “Ca khúc với công cuộc đổi mới đất nước” được tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4 năm 2002 nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2002) với nhiều chủ đề trong đó có đánh giá tính mới của nhạc trẻ Việt Nam giai đoạn này; “Âm nhạc truyền thống trong đời sống hiện nay” tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5 năm 2003; “Hội Nhạc sĩ Việt Nam 60 năm đồng hành cùng dân tộc” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017… Một số Hội thảo quốc tế như: “Âm nhạc truyền thống Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá, những tương đồng, khác biệt” do Viện Âm nhạc tổ chức tại Hà Nội năm 2004; Hội nghị quốc tế của Nhóm Nghiên cứu âm nhạc các dân tộc thiểu số (Hội nghị lần thứ 6) và Nhóm Nghiên cứu âm nhạc dân tộc học ứng dụng (Hội nghị lần thứ hai) thuộc Hội đồng âm nhạc truyền thống thế giới do Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức từ ngày 19 đến 30 tháng 7 năm 2010 tại Hà Nội và Hạ Long nhân kỷ niệm Một nghìn năm Thăng Long – Hà Nội với sự có mặt của hơn 200 đại biểu ngành nhạc, múa đến từ hơn 20 quốc gia thuộc các châu lục khác nhau trên thế giới; Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh và Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia phối hợp tổ chức tại Vinh năm 2014; Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật bài chòi dân gian Việt Nam” Viện Âm nhạc tổ chức năm 2016; Hội thảo quốc tế “Mo Mường và hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới” do Viện Âm nhạc cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoà Bình thực hiện năm 2022…
Hoạt động lý luận, phê bình âm nhạc cho thấy có không ít tư liệu, tài liệu đã được công bố trong năm mươi năm qua, tiêu biểu có: Lược sử âm nhạc Việt Nam của Thuỵ Loan, 1993; Âm nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam của Nguyễn Thị Nhung, 2001; Lịch sử âm nhạc phương Đông (phần Đông Nam Á) của Nguyễn Bình Định, 2004; Nhập môn âm nhạc cổ truyền của Hà Hoa, 2014; bộ sách Hợp tuyển tài liệu Nghiên cứu - Lý luận - Phê bình âm nhạc thế kỷ XX (5 tập) do Viện Âm nhạc xuất bản năm 2003; Lịch sử Âm nhạc thế giới và Việt Nam của Thuỵ Loan, 2007; Những làn điệu Chèo cổ chọn lọc của Hoàng Kiều, Hà Hoa, 2007; Tự hào nửa thế kỷ Hội Nhạc sĩ Việt Nam 1957–2007, nhiều tác giả, 2007…
Sau năm 1975 đến nay, nhiều luận văn, luận án các ngành nghệ thuật, sư phạm nghệ thuật được thực hiện thành công ở một số cơ sở đào tạo sau đại học thuộc nhiều ngành, chuyên ngành khác nhau như Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc, Âm nhạc học, Quản lý văn hoá, Văn hoá dân gian, Văn hoá học. Cụ thể các đề tài như: Sử dụng đàn phím điện tử trong dạy học âm nhạc bậc trung học cơ sở ở một số tỉnh miền núi phía Bắc (2022), NCS Ngô Thị Việt Anh; Dạy học ARIA của WA. MOZART cho sinh viên giọng Soprano chuyên ngành Thanh nhạc Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương (2022), NCS Đào Thị Khánh Chi; Biến đổi của ca trù trong đời sống đương đại tại Hà Nội (2022), NCS Lê Thị Bạch Vân (chuyên ngành Văn hoá dân gian, Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam); Các tác phẩm hoà tấu thính phòng Việt Nam (2023), NCS Phạm Nghiêm Việt Anh; Phức điệu trong tác phẩm thính phòng – giao hưởng Việt Nam (2023), NCS Nguyễn Thị Thiều Hương (chuyên ngành Âm nhạc học); Bảo tồn và phát huy nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk (2023) của NCS Lý Vân Linh Niê Kdam (chuyên ngành Quản lý Văn hoá); Dạy học tác phẩm khí nhạc của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho sinh viên ngành sư phạm âm nhạc (2023), NCS Dương Vũ Bình Minh (chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc)… Nhìn chung các luận văn, luận án đều hướng tới tìm hiểu, phát hiện những yếu tố mới, vấn đề mới trong đối tượng nghiên cứu, những đặc trưng, đặc thù của đối tượng nghiên cứu qua các góc nhìn khoa học. Họ được học tập, trau dồi những kỹ năng lý luận, phê bình và sư phạm nghệ thuật phù hợp công việc mỗi người, từ biểu diễn, giảng dạy hay sáng tạo, thực hành nghệ thuật. Chính họ sẽ là đội ngũ, lực lượng kế tiếp cuộc chạy tiếp sức của hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong hiện tại và tương lai.
2. Một số khó khăn, hạn chế trong công tác lý luận, phê bình âm nhạc
Giai đoạn 1975-1986, trước khi có những chủ trương mới về văn học, nghệ thuật thời đổi mới, trên chặng đường mới - xây dựng và phát triển đất nước, công tác lý luận, phê bình âm nhạc tuy đã có nhiều cố gắng nhưng thực sự vẫn chưa tương xứng với vị trí trách nhiệm của chuyên ngành sâu. Các hoạt động phê bình, lý luận văn học, nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng cho đến hiện nay vẫn có những biểu hiện mờ nhạt, thiếu nhạy bén, thậm chí lảng tránh trước những bức xúc trong đời sống âm nhạc nói riêng, nghệ thuật múa, sân khấu nói chung.
Về hạn chế trong lý luận, phê bình giai đoạn gần đây, có ý kiến cho rằng: “những lao động trong phê bình, lý luận chưa theo kịp thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật, trong đó với ngành âm nhạc còn thiếu tính định hướng hiệu quả cho sáng tác, biểu diễn, cho dư luận công chúng trước những sự kiện, những hiện tượng sinh hoạt văn hoá tinh thần của xã hội đương đại”3.
Một số hạn chế là khách quan bởi đất nước sau chiến tranh phải đối mặt với làn sóng toàn cầu hoá, rồi xu hướng đồng hoá văn hóa của thế giới phẳng hay phương Tây hoá liên tục diễn ra trong đời sống xã hội... Có một thời, văn hoá dân tộc, di sản văn hóa nghệ thuật cổ truyền bị “quên lãng”, “bị lép vế”, nhường chỗ cho văn hóa ngoại lại lên ngôi. Tiếng nói, ngòi bút của giới lý luận, phê bình cũng ít giá trị và dần chìm theo trào lưu suy giảm chung của văn hóa, nghệ thuật cổ truyền. Do đó, bên cạnh những thành tựu đạt được lại bộc lộ một số hạn chế chủ yếu như lực lượng chuyên ngành lý luận, phê bình mỏng, thiếu, yếu trầm trọng nhiều năm qua. Hơn thế, khâu đào tạo đội ngũ lý luận, phê bình chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Cùng tác động của cơ chế thị trường, học ra khó tìm việc làm, lương thấp không đủ sống, việc hành nghề lý luận, phê bình trở nên không đơn giản.
Trên thực tế có thời kỳ công tác lý luận, phê bình âm nhạc rơi vào những lúng túng, thiếu nhạy bén, phó mặc đầy lo ngại: “Chúng ta cũng nhận thấy phê bình âm nhạc đang đứng trước những khó khăn nhiều mặt trước sự phát triển sôi động, bề bộn của âm nhạc, bên cạnh những mặt tích cực của hoạt động phê bình, chúng ta còn thấy lúng túng, nhiều bài phê bình không xác định chuẩn mực khách quan, khoa học, vô tư để đánh giá khen chê đúng, những biểu hiện chủ quan, tuỳ tiện, cảm tính ngày càng bộc lộ nhiều trong phê bình âm nhạc. Ngoài ra còn có hiện tượng biết đấy nhưng lảng tránh không vào cuộc, ngại đụng chạm”4. GS, NS Trọng Bằng nhận định: “Nhìn chung công tác lý luận phê bình âm nhạc của Hội trên báo chí tuy đã có nhiều cố gắng nhưng còn chưa tương xứng với vị trí và trách nhiệm của mình. Sinh hoạt lý luận của Hội Múa còn mờ nhạt, thường bị dư luận phê phán là thiếu nhạy bén hoặc còn lảng tránh trước những bức xúc trong đời sống âm nhạc xã hội. Phê bình chưa theo kịp thực tiễn đời sống âm nhạc, chưa định hướng có hiệu quả cho sáng tác và biểu diễn cũng như chưa định hướng được dư luận công chúng (…) còn thiếu những nhà lý luận phê bình có trình độ quan tâm đến vấn đề này một cách sát sao”5.
Nhiều người tham gia trong hoạt động lý luận, phê bình âm nhạc mang tính chuyên nghiệp ở Việt Nam thời gian qua cũng chưa kịp phê phán, ngăn chặn những khuynh hướng tiêu cực; các nhà quản lý văn hoá, nghệ thuật nói chung cũng chưa kịp thời xây dựng, định hướng tốt thị hiếu cho công chúng âm nhạc. Hơn nữa trong cơ chế chế thị trường, công tác quản lý đời sống văn hoá xã hội của chúng ta có lúc, có nơi còn buông lỏng, chưa đi vào thực chất...
3. Kết luận
Nền âm nhạc từ 1975 đến nay là nền âm nhạc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Âm nhạc Việt Nam thống nhất trong đa dạng với nhiều màu sắc địa phương, vùng miền và đa dân tộc. Hoạt động lý luận, phê bình âm nhạc phản ánh tính đa dạng, phong phú, luôn vận động phát triển theo xu hướng, khuynh hướng, nhu cầu thực của đời sống xã hội. Các hoạt động lý luận, phê bình âm nhạc nửa thế kỷ qua đã góp phần quan trọng trong giáo dục, bồi dưỡng quan điểm, nhận thức tư tưởng chính trị đúng đắn cho cộng đồng, xã hội, tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vượt mọi gian khó, phức tạp của đời sống đương đại đang phát triển toàn diện như hiện nay. Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói chung ngày càng phát triển trong quan hệ đa dạng và liên kết chặt chẽ hơn từ sáng tác, biểu diễn, đào tạo, huấn luyện đến nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu ứng dụng vào đời sống đương đại một cách hiệu quả và thiết thực.
Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thời kỳ mới cần có những chuẩn bị tốt, sớm để tiến tới đích 100 năm nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam (1945-2045) với đầy đủ thông tin tổng kết đánh giá các hoạt động sáng tác, biểu diễn, giáo dục và đào tạo… Diện mạo văn hoá, nghệ thuật trong đó có âm nhạc luôn được kết tinh, hội tụ những tinh hoa văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Cần tổng kết được những bài học lý luận, thực tế qua quá trình bảo vệ, bảo tồn, quảng bá, gìn giữ bản sắc dân tộc trong mỗi thời kỳ để phát huy, phát triển tốt các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân tộc, trong đó có hoạt động lý luận, phê bình âm nhạc.
Chú thích:
1, 3, 4, 5 Nhiều tác giả (2007), Tự hào nửa thế kỷ Hội Nhạc sĩ Việt Nam 1957-2007, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tr. 240, 585, 585, 586.
2 Tô Ngọc Thanh (2007), Ghi chép về văn hoá và âm nhạc, NXB Khoa học xã hội, tr. 777.