NHIẾP ẢNH VIỆT NAM: NỬA THẾ KỶ KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ TRONG NƯỚC VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Bài viết tổng kết 50 năm phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam (1975-2025) và đề xuất định hướng để nhiếp ảnh phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.

 

   Năm mươi năm là một chặng đường đủ dài để chiêm nghiệm và đánh giá sự trưởng thành của một loại hình nghệ thuật trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Kể từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thời khắc non sông thu về một mối, nhiếp ảnh Việt Nam, cũng như toàn bộ nền văn học, nghệ thuật nước nhà, đã bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của hòa bình, thống nhất, xây dựng và hội nhập. Nhìn lại hành trình nửa thế kỷ ấy, chúng ta có thể thấy rõ sự vận động, những nỗ lực không ngừng nghỉ và những thành tựu đáng tự hào của nhiếp ảnh Việt Nam trong việc thực hiện sứ mệnh phản ánh hiện thực, đồng hành cùng dân tộc và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

   Ngay từ những ngày đầu cách mạng, vai trò chiến lược của nhiếp ảnh đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận sâu sắc. Việc Bác Hồ ký Sắc lệnh 147/SL ngày 15 tháng 3 năm 1953 thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam giữa bộn bề chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã đặt nền móng vững chắc cho ngành nhiếp ảnh và điện ảnh cách mạng. Lời căn dặn của Bác về một nền nhiếp ảnh “vì dân, vì nước”, phản ánh cuộc sống chiến đấu, xây dựng và tăng cường giao lưu quốc tế đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho hoạt động của hai ngành nhiếp ảnh, điện ảnh. Sự ra đời của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (NSNAVN) vào năm 1965 càng củng cố thêm nền tảng tổ chức, tập hợp lực lượng, tạo đà cho sự phát triển ngay trong những năm tháng chiến tranh gian khổ nhất.

   1. Giai đoạn bản lề sau thống nhất đất nước

   Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhiếp ảnh Việt Nam bước vào giai đoạn bản lề, đánh dấu sự chuyển mình sang giai đoạn hòa hợp, thống nhất và phát triển. Mỗi bức ảnh đóng vai trò như một chứng nhân lịch sử, những nhà nhiếp ảnh - chiến sĩ đã ghi lại khoảnh khắc hào hùng của ngày toàn thắng. Nhiếp ảnh giai đoạn này đối mặt với nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu trong bối cảnh đất nước thống nhất, đó là hợp nhất lực lượng nhiếp ảnh hai miền Nam - Bắc. Các cơ quan nhà nước nhanh chóng tiếp quản cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống nhiếp ảnh quốc doanh. Hội NSNAVN giữ vai trò hạt nhân với dấu mốc quan trọng là Đại hội lần thứ II (1983) – lần đầu tiên quy tụ và thống nhất lực lượng nhiếp ảnh nghệ thuật toàn quốc.

   Sự thống nhất này tạo sức mạnh tổng hợp, khuyến khích các nghệ sĩ nhiếp ảnh bám sát hiện thực mới: ghi lại niềm vui đoàn tụ, khát vọng hòa bình, công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Dù còn nhiều khó khăn về vật chất và kỹ thuật, các tác phẩm thời kỳ này đã phản ánh chân thực ý chí vươn lên và niềm tin vào tương lai của dân tộc, đặt nền móng cho sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

   2. Bứt phá và hội nhập quốc tế

   Công cuộc đổi mới năm 1986 thực sự là một luồng sinh khí mới, thổi bùng sức sáng tạo trong mọi lĩnh vực, bao gồm nhiếp ảnh. Bối cảnh kinh tế - xã hội chuyển mình, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng đã mở ra không gian sáng tạo khoáng đạt hơn. Các nghị quyết quan trọng của Đảng về văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) và tinh thần chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc cuối năm 2021, đã tạo hành lang thuận lợi, “chắp cánh” cho giới nghệ sĩ mạnh dạn đổi mới tư duy, tìm tòi hướng đi, phong cách thể hiện đa dạng hơn.

   Sự phát triển vượt bậc của nhiếp ảnh Việt Nam trong giai đoạn này thể hiện rõ nét trên nhiều phương diện. Việc Hội NSNAVN chính thức trở thành thành viên của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế (FIAP) vào năm 1991 là một dấu mốc có ý nghĩa chiến lược, mở rộng cánh cửa hội nhập với nhiếp ảnh thế giới. Từ đây, nhiếp ảnh Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tiếp cận các xu hướng mới, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và quan trọng hơn là đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới một cách hiệu quả. Minh chứng rõ nét là việc Hội NSNAVN tiên phong tổ chức thành công cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam từ năm 1996, đến nay đã qua 13 kỳ, trở thành một sân chơi định kỳ hai năm một lần uy tín, thu hút hàng trăm tác giả từ khắp các châu lục. Đồng thời, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam cũng ngày càng tự tin tham gia và gặt hái thành công vang dội tại các cuộc thi quốc tế uy tín, mang về hàng ngàn giải thưởng lớn nhỏ. Con số hơn 200 nhà nhiếp ảnh Việt Nam được FIAP phong tặng các tước hiệu cao là sự khẳng định cho sự trưởng thành và đẳng cấp quốc tế của nhiếp ảnh nước nhà.

   Không chỉ vươn tầm quốc tế, phong trào nhiếp ảnh trong nước cũng chứng kiến sự phát triển vô cùng mạnh mẽ. Đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao kéo theo nhu cầu thưởng thức và sáng tạo nhiếp ảnh ngày càng tăng. Hàng trăm câu lạc bộ, nhóm nhiếp ảnh ra đời trên khắp cả nước, thu hút hàng chục ngàn người đam mê tham gia, tạo thành một lực lượng sáng tạo đông đảo, nhiệt huyết. Các sân chơi từ cấp cơ sở đến cấp quốc gia ngày càng đa dạng về hình thức, chuyên nghiệp về tổ chức. Đội ngũ hội viên Hội NSNAVN cũng lớn mạnh không ngừng, từ 71 người thuở ban đầu lên hơn 1.000 hội viên hiện nay. Sự ra đời của Khoa Nhiếp ảnh tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (1998) và việc đào tạo hệ đại học chính quy (từ 2001) cùng các trại sáng tác, khóa tập huấn thường xuyên đã góp phần quan trọng nâng cao trình độ chuyên môn, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao về nhiếp ảnh.

   Hoạt động sáng tác và quảng bá tác phẩm luôn được xác định là nhiệm vụ trung tâm. Hàng năm, Hội NSNAVN và các đơn vị phối hợp tổ chức đều đặn các trại sáng tác (trung bình 5 trại/ năm), hàng trăm liên hoan ảnh cấp khu vực, hàng chục cuộc thi và triển lãm cấp quốc gia, cùng các cuộc thi quốc tế uy tín tại Việt Nam. Bên cạnh đó là sự sôi động của các hoạt động triển lãm cấp tỉnh/ thành phố, triển lãm cá nhân/ nhóm. Công tác lưu trữ, bảo tồn di sản ảnh cũng được chú trọng với việc Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam đã sưu tầm, số hóa và quản lý hơn 600.000 files ảnh giá trị. Hoạt động xuất bản với các ấn phẩm sách chuyên khảo, sách ảnh và đặc biệt là Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống (với hơn 430 số báo in và nay là phiên bản điện tử năng động) đã góp phần phổ biến tác phẩm, đăng tải các bài nghiên cứu, lý luận, phê bình, nâng cao nhận thức về nghệ thuật nhiếp ảnh.

   Một đặc điểm không thể không nhắc tới là sự gắn bó mật thiết và tính tiên phong của nhiếp ảnh với công nghệ. Ngành nhiếp ảnh đã trải qua những bước nhảy vọt ngoạn mục, từ công nghệ phim đen trắng, phim màu với kỹ thuật thủ công trong buồng tối, nhanh chóng chuyển sang kỷ nguyên kỹ thuật số, gần như loại bỏ hoàn toàn phim và buồng tối truyền thống. Việc tích hợp máy ảnh vào các thiết bị thông minh, đặc biệt là điện thoại, đã đưa nhiếp ảnh đến gần hơn với mọi người, mọi nhà. Công nghệ số cũng làm thay đổi phương thức lưu trữ, chia sẻ và tiếp cận tác phẩm qua không gian mạng, các triển lãm online, giúp nhiếp ảnh thẩm thấu sâu sắc vào đời sống văn hóa và khẳng định vị thế đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số.

   3. Những đóng góp nổi bật và sự ghi nhận

   Nhìn lại hành trình nửa thế kỷ, có thể khẳng định nhiếp ảnh Việt Nam đã luôn trung thành với sứ mệnh “Vì dân, vì nước”. Đây không chỉ là công cụ tuyên truyền đắc lực, phản ánh chân thực, sinh động và tôn vinh vẻ đẹp đất nước, con người, bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn là người thư ký cần mẫn của lịch sử, lưu giữ những khoảnh khắc, sự kiện trọng đại. Nhiếp ảnh đã trở thành sứ giả văn hóa hiệu quả, giới thiệu Việt Nam ra thế giới, nâng cao tầm vóc và bản lĩnh Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời là cầu nối thấu hiểu, đồng cảm giữa con người. Những đóng góp to lớn ấy đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Hội NSNAVN; 45 Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật cho các nhà nhiếp ảnh; 5 nhà nhiếp ảnh gạo cội được đặt tên đường.

   4. Thách thức hiện hữu và định hướng tương lai

   Bên cạnh những thành tựu rực rỡ, nhiếp ảnh Việt Nam cũng đối diện với những thách thức không nhỏ. Lĩnh vực lý luận, phê bình nhiếp ảnh, dù đã có những nỗ lực và bước tiến ban đầu (với 10 hội viên được phong tặng tước hiệu Nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình nhiếp ảnh), vẫn chưa thực sự theo kịp và dẫn dắt thực tiễn sáng tác. Sự thiếu vắng những công trình nghiên cứu sâu sắc, những tiếng nói phê bình mạnh mẽ, khoa học là một khoảng trống cần được đầu tư lấp đầy để nâng cao mặt bằng lý luận, định hướng thẩm mĩ và khẳng định giá trị học thuật của nhiếp ảnh. Thêm vào đó, sự bùng nổ của công nghệ số và mạng xã hội đặt ra các vấn đề về bản quyền; sự nhiễu loạn thông tin hình ảnh, nguy cơ hạ thấp các chuẩn mực nghệ thuật. Công tác đào tạo cần tiếp tục đổi mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn và xu thế quốc tế.

   Bước vào kỷ nguyên mới của đất nước, kỷ nguyên của hội nhập sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững và đóng góp hiệu quả hơn nữa, cần có sự chuyển mình mạnh mẽ. Giới nhiếp ảnh cần không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo, khai thác những đề tài mang hơi thở cuộc sống đương đại với những góc nhìn mới lạ, độc đáo, kết hợp hài hòa giữa yếu tố dân tộc và tinh hoa quốc tế. Việc đầu tư bài bản, mạnh mẽ hơn cho công tác lý luận, phê bình là yêu cầu cấp thiết để soi đường, dẫn dắt sáng tạo. Đồng thời, cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo và tự đào tạo, chủ động ứng dụng và làm chủ công nghệ mới, tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi, giao lưu và quảng bá hiệu quả hình ảnh Việt Nam.

   5. Kết luận

   Năm mươi năm sau ngày đất nước thống nhất là một chặng đường đầy tự hào của nhiếp ảnh Việt Nam. Từ vai trò chứng nhân lịch sử trong chiến tranh, nhiếp ảnh đã vươn lên khẳng định vị thế là một loại hình nghệ thuật quan trọng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội và hội nhập sâu rộng với thế giới. Với nền tảng vững chắc được xây đắp qua nửa thế kỷ, với truyền thống vẻ vang và nỗ lực không ngừng của đội ngũ nghệ sĩ, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai phát triển rực rỡ hơn nữa của nhiếp ảnh Việt Nam, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận