Trong lịch sử văn học dân tộc từng xảy ra hiện tượng có những mốc phân kỳ lịch sử văn học trùng khít lên mốc phân kỳ lịch sử xã hội - chính trị như các mốc 1858, 1930, 1945… chẳng hạn. Cũng như các thông lệ lịch sử khác, sự kiện Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra vào năm 1975 trở thành một cột mốc lịch sử, đồng thời là một mốc phân kỳ lịch sử văn chương.
Theo cách giải thích của Phạm Thế Ngũ thì mốc phân kỳ vừa có ý nghĩa khai mạc cho một thời kỳ văn học mới vừa có ý nghĩa bế mạc cho cho thời kỳ văn học trước đó. Trong nhiều công trình lịch sử văn học đang lưu hành hiện nay, thao tác phân kỳ được xem là thao tác khởi đầu, một công cụ để nhận thức và khái quát tiến trình lịch sử văn học. Do vậy, việc xác định các cột mốc lịch sử và cột mốc văn chương cũng như việc nhận thức bản chất và ý nghĩa của các cột mốc này trở thành một thao tác hiển nhiên, mang tính chất bắt buộc.
Theo tinh thần trên, mốc lịch sử 1975 với sự kiện Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước được giới nghiên cứu dễ dàng thừa nhận là một mốc phân kỳ lịch sử văn học, có ý nghĩa khép lại giai đoạn văn học 1954-1975 với đặc điểm hàng đầu là đất nước chia cắt thành hai miền với hai thể chế chính trị - xã hội, văn hoá và văn học nghệ thuật khác nhau, bao gồm trong đó các nguồn ảnh hưởng, các bộ phận hợp thành, các trào lưu, khuynh hướng, trường phái…; đồng thời, mở ra một giai đoạn văn học, nghệ thuật mới được định danh là “Văn học, nghệ thuật thống nhất”, từng bước phát triển và hoàn thiện theo lộ trình hoà hợp dân tộc để mở ra một thời đại văn học, nghệ thuật mới với cấu trúc mới, diện mạo lịch sử mới.
Như vậy, mốc lịch sử chính trị với mốc lịch sử văn học, nghệ thuật năm 1975, thiết nghĩ không còn vấn đề gì phải bàn cãi. Theo đó, năm 1975 cũng đương nhiên trở thành một mốc phân kỳ lịch sử lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Nhưng việc nhận thức ý nghĩa và điểm khác biệt giữa trước và sau cột mốc này lại đang đặt ra như một yêu cầu khoa học khách quan với quan điểm lịch sử rõ ràng.
Trong khá nhiều công trình đã công bố từ 1975 đến nay, các học giả hai miền và học giả nước ngoài đều thừa nhận một thực tế lịch sử và nghệ thuật rằng: từ 1954 đến 1975, trong bối cảnh lịch sử cụ thể của đất nước thời kỳ này, mỗi miền đều chịu sự chi phối, ảnh hưởng từ các nguồn khác nhau. Miền Bắc tiếp xúc sớm và nhiều với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, tiếp thu ảnh hưởng chủ yếu từ hệ thống quan điểm lý luận mĩ học và học thuật Marxist với nền tảng là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cùng hệ thống các nguyên tắc tư tưởng thẩm mĩ của nó; đồng thời tham khảo, tiếp thu ở phạm vi nhất định các thành tựu lý luận và học thuật từ các nền văn học tiến bộ ở các nước Âu - Mĩ. Còn ở Miền Nam, trong bối cảnh lịch sử đó, lại có sự tiếp xúc sớm và tiếp thu ảnh hưởng từ mĩ học phương Tây cả trên phương diện văn hoá, tư tưởng học thuật lẫn tư duy sáng tạo và hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình. Dấu ấn các nguồn ảnh hưởng này để lại trong lịch sử văn học, nghệ thuật của hai miền khá rõ ràng.
Ở Miền Nam, cấu trúc luận phương Tây, chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, các trường phái hiện đại chủ nghĩa, chủ nghĩa suy đồi, kịch phi lý… ảnh hưởng khá mạnh, khá rõ cả trong hoạt động văn học, nghệ thuật lẫn ứng xử văn hoá và tư duy sáng tạo.
Trong khi đó, ở Miền Bắc, với quan điểm độc tôn mĩ học Marxist và ảnh hưởng từ các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, châu Á cũng như các nền văn học vô sản tiến bộ trên thế giới, khuynh hướng vô sản, trào lưu hiện thực xã hội chủ nghĩa trở thành nguyên tắc sáng tạo, thành động lực phát triển của các nền văn học.
Trong hoàn cảnh như vậy, sự dị biệt giữa văn học, nghệ thuật hai miền là điều hiển nhiên. Nhìn chung, suốt 20 năm (1954-1975) trong bối cảnh đất nước chia cắt hai miền với hai thể chế chính trị và văn hoá, văn học, nghệ thuật khác nhau, mỗi bên đều chịu ảnh hưởng, chi phối từ những nguồn khác nhau, bao gồm cả một hệ thống quan điểm, tư tưởng lý luận học thuật và tư duy sáng tạo, để từ đó kiến tạo nên những thành tựu, những đặc điểm của mỗi bên, trong đó có nhiều tác phẩm, công trình mang giá trị khả thủ, cần được tiếp nhận và lý giải theo quan điểm lịch sử và tinh thần khách quan khoa học.
Từ khi đất nước thống nhất, văn hoá, văn học nghệ thuật nói chung, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng có thêm các tiền đề để hợp thành một nền văn học, nghệ thuật thống nhất, theo đó, một nền lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật mới mang được cả thế mạnh ưu trội mà mỗi bộ phận trước đây có được; đồng thời, đáp ứng được cả các yêu cầu vận động và phát triển theo quy luật nội tại và khách quan của lịch sử văn học.
Với tinh thần hoà hợp dân tộc và hội nhập quốc tế, chúng ta đang có một thời đại văn học, nghệ thuật thống nhất, khởi đầu từ 1975, đang khẳng định và hướng tới các giá trị truyền thống chân - thiện - mĩ - dân tộc - hiện đại. Ở đó, tư duy phân mảnh và cát cứ không còn phù hợp với một cấu trúc văn học, nghệ thuật mới: tổng thể và toàn vẹn. Đây chính là điều kiện khách quan, là tiền đề mới để lịch sử văn học dân tộc bắt nhịp, đồng hành cùng lịch sử đất nước.
Nhưng tinh thần hội nhập và hoà nhập ở đây dù có diễn ra như một tất yếu khách quan, như một quy luật lịch sử thì cũng vẫn cần được lưu ý rằng đó không phải là sự hoà trộn, sự cộng lại một cách cơ học, máy móc, hành chính đơn thuần, làm biến dạng giá trị, nhoè mờ các đường biên lịch sử… mà dựa trên xu thế vận động tất yếu, các quy luật nội tại, các yêu cầu khách quan, tiến bộ của văn hoá, văn học nghệ thuật và của lịch sử.
Vậy quy luật đó là gì?
Trước hết, đó là quy luật sàng lọc các giá trị; quy luật tiếp thu và tiếp biến có chọn lọc và kế thừa, có biến đổi dựa trên các tiến bộ về khoa học và nghệ thuật, trên xu thế vận động của lịch sử, trên lợi ích quốc gia và dân tộc trên cơ sở hệ giá trị tiêu biểu của thời đại.
Với một cái nhìn tổng thể như trên, từ thực tiễn nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật từ khi thống nhất đất nước đến nay, có thể bước đầu đề xuất 2 vấn đề cần lưu ý:
1) Cần quán triệt quan điểm lịch sử trong nhìn nhận, đánh giá các vấn đề, các hiện tượng (trong đó có tác phẩm, tác giả) ra đời trong hoàn cảnh lịch sử văn học ở Miền Nam trước 1975. Đây là vấn đề nhạy cảm, đụng chạm nhiều trong hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình; hoạt động đánh giá, tiếp nhận văn học, nghệ thuật. Ngay cả khi biên soạn bộ Lịch sử văn học Việt Nam (từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XX), vì những vướng mắc tương tự mà phần biên soạn lịch sử văn học 1954-1975 ở Miền Nam hiện gặp những cản trở, ách tắc do quan điểm đánh giá còn nhiều khác biệt, thiếu thống nhất. Ngay trong hoạt động phê bình trên báo chí những năm qua cũng cho thấy sự đụng độ giữa các quan điểm, các luồng ý kiến về hiện tượng nọ, hiện tượng kia, dẫn đến những chia rẽ trong giới phê bình, học thuật.
2) Cần quán triệt quan điểm kế thừa và phát triển. Rõ ràng, với sự kiện đất nước thống nhất, để có một nền văn học, nghệ thuật thống nhất cần có một sự tái thiết, tái cấu trúc dựa trên sự sàng lọc, sự duyệt lại các giá trị văn học theo tinh thần “gạn đục khơi trong”, “giải định kiến”, “nhận chân các giá trị”… Chỉ có như vậy thì nền văn học, nghệ thuật thống nhất của chúng ta mới tránh được các nguy cơ chia rẽ, bài xích tiềm ẩn. Nhưng đó hoàn toàn không phải là câu chuyện thiện chí hay không thiện chí mà là câu chuyện của lịch sử cần được lý giải bằng các luận cứ khoa học lịch sử khách quan và sòng phẳng. Chỉ khi nào nhận thức rõ bản chất và giá trị của từng sự kiện, chúng ta mới có căn cứ để kế thừa và phát triển một cách khoa học. Với tinh thần đó, chúng tôi cho rằng hành động “vơ vào” hay hành động “gạt ra” đối với các hiện tượng của lịch sử văn học giai đoạn 1954-1975 cần được kiểm soát của cả lý trí khoa học, tình cảm và đạo lý dân tộc.