1. Đường lối của Đảng và sự phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật qua 50 năm (30/4/1975 - 30/4/2025)
Trong lịch sử phát triển mấy ngàn năm của dân tộc, văn hóa, văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn gắn bó máu thịt với dân tộc trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước qua từng thời kỳ. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người nghệ sĩ chân chính luôn lấy việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm lẽ sống như Bác Hồ lúc sinh thời đã chỉ dẫn: “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Như chúng ta đã biết, lý luận, phê bình là một thành tố hữu cơ trong đời sống văn học, nghệ thuật; có chức năng thẩm định, đánh giá tác phẩm, tác giả; phát hiện các giá trị, các quy luật, dự báo, phát hiện cái mới; tham gia điều chỉnh, định hướng cho sự vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật. Đồng thời, lý luận, phê bình và sáng tạo văn học, nghệ thuật bao giờ cũng đồng hành, tác động tương hỗ lẫn nhau để làm nên tiến trình văn học, nghệ thuật của một dân tộc. Sáng tạo văn học, nghệ thuật đi trước, phê bình văn học, nghệ thuật hình thành sau. Mặc dù đi sau sáng tác nhưng lý luận, phê bình lại mang tính định hướng. Lý luận, phê bình không phải là ngọn đèn soi đường cho sáng tác nhưng nó là đèn tín hiệu báo nguy để tránh những sai trái trong sáng tác.
Sự lãnh đạo của Đảng về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật nói chung và về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng đã được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Ngày 8/6/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW Về đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật đã khẳng định “phê bình có tác dụng phân tích, đánh giá, định hướng các hoạt động văn học, nghệ thuật, nâng cao ý nghĩa tư tưởng xã hội của văn học, nghệ thuật, tác động tích cực đến sự sáng tạo của các nghệ sĩ, đến thị hiếu, nhu cầu và trình độ thẩm mĩ của nhân dân, đến công tác lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật”. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ngày 16/7/1998 Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã đánh giá: “Hoạt động lý luận, phê bình đã đạt được những kết quả tích cực, khẳng định mạnh mẽ văn nghệ cách mạng và kháng chiến, đẩy lùi một bước những quan điểm sai trái”. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng chỉ rõ hạn chế là: “Trong sáng tác và lý luận, phê bình, có lúc đã nảy sinh khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học cách mạng và kháng chiến, đối lập văn nghệ với chính trị, nhìn xã hội với thái độ bi quan. Một vài tác phẩm viết về kháng chiến đã không phân biệt chiến tranh chính nghĩa với chiến tranh phi nghĩa. Xu hương “thương mại hóa”, chiều theo những thị hiếu thấp kém, làm cho chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mĩ của văn học, nghệ thuật bị suy giảm”. Ngày 9/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nhấn mạnh “Tư duy lý luận về văn hóa có bước phát triển” nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra: “Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác”.
Đặc biệt, ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề số 23-NQ/TW Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đánh giá “công tác lý luận, văn học, nghệ thuật có bước đổi mới, lý giải khoa học hơn quan hệ giữa văn học, nghệ thuật với chính trị, giữa hiện thực và nghệ thuật… các thành tựu văn học, nghệ thuật thế kỷ XX được đánh giá lại thỏa đáng… Phê bình văn học trong thời kỳ đổi mới có tác động tích cực đối với sáng tác, phát hiện cái tốt, củng cố cái mới, tiến bộ trong hoạt động sáng tạo”. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng chỉ ra những hạn chế của công tác này, như: “Còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác”. Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo khoa học toàn quốc về chủ đề Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức ngày 5/12/2019 đã nhấn mạnh: “nhìn vào thực trạng công tác phê bình văn học, nghệ thuật thời gian qua, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: So với thực tiễn sáng tác rất sôi động, đa dạng, phong phú, thậm chí phức tạp hiện nay, phê bình đang có vẻ trầm lắng, chưa phát huy hết vai trò và sức mạnh của mình. Trong những bất cập, hạn chế từ lâu chưa được giải quyết thì thực tiễn lại đang xuất hiện những vấn đề mới, phức tạp, khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Sự thiếu hụt về đội ngũ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật, như: âm nhạc, múa, điện ảnh, mĩ thuật, nhiếp ảnh… diễn ra từ nhiều năm qua đã chỉ ra những giải pháp khắc phục chưa thực sự hiệu quả… Trước hàng loạt sự kiện, hiện tượng nóng bỏng xuất hiện trong đời sống văn học, nghệ thuật, nhiều khi phê bình còn lúng túng, thiếu nhạy bén chính trị và nghệ thuật, chưa phản ánh kịp thời, thậm chí còn mơ hồ trong nhận định, đánh giá và lý giải. Những hiểu hiện đó khiến phê bình đang phải đối diện với nguy cơ hiện hữu là sự “quay lưng” của giới sáng tác và công chúng văn nghệ”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua 50 năm, công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật – bộ phận quan trọng, tinh tế của văn học, nghệ thuật đã có những đóng góp đáng kể vào việc truyền bá những quan điểm triết học và mĩ học Marx - Lenin và đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật khẳng định và phát huy những thành tựu văn nghệ cách mạng sau thời kỳ thống nhất đất nước và tiến hành thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước, phổ biến những di sản quý báu trong nền văn hóa dân tộc, đồng thời giới thiệu những giá trị đặc sắc của văn học, nghệ thuật thế giới vào Việt Nam. Có thể khẳng định, qua 50 năm, công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật không ngừng được đổi mới, đồng hành kịp thời với những tác phẩm bám sát hiện thực sôi động của đất nước, có cách nhìn tích cực hiện thực của đời sống xã hội, cổ vũ những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật quan tâm đến sự phát triển của văn học, nghệ thuật ngày một đa dạng, phong phú, mới mẻ, giàu tiềm năng, xu hướng chuyên nghiệp hóa ngày càng được đề cao. Đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật khá đông đảo của các thế hệ 4X, 5X, 6X, 7X, trong đó có sự đóng góp của các cây bút mới và các cây bút dân tộc thiểu số ngày càng nhiều.
Song, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật có thể thấy, dù đã đồng hành 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, nhận được đánh giá, động viên, khích lệ tích cực trong các nghị quyết của Đảng, sự ghi nhận từ các đồng chí lãnh đạo trên mặt trận này, thì công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật vẫn cho thấy sự thiếu hụt trầm trọng: thiếu nền tảng khoa học vững chắc, thiếu tính hệ thống, thiếu một chuẩn mực dẫn đến thiếu các khuynh hướng, trường phái phê bình đúng nghĩa, thiếu tính chiến đấu, thiếu tri âm, tri kỷ giữa sáng tác và phê bình… Do đó, phê bình còn có tình trạng sơ lược, một chiều, nhiều lúc khen, chê không chính xác, còn tách rời giữa tư tưởng và nghệ thuật, chưa nhạy cảm với những vấn đề mới do cuộc sống và thực tiễn văn học, nghệ thuật đặt ra. Đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình hụt hẫng, phân tán: số lượng các cây bút lý luận, phê bình dám “dấn thân” vào công việc nhạy cảm, nhọc nhằn này chưa nhiều, trong khi các cây bút đã khẳng định được uy tín, vị thế trong giới lại thưa vắng dần vì sức khỏe và tuổi tác, lùi dần về “hậu trường” để nghiên cứu, khảo cứu, viết lịch sử văn hóa - văn nghệ, viết chân dung... Còn một nguyên nhân quan trọng nữa là trong quá trình lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật chưa chú trọng đến mối quan hệ có tính tương hỗ giữa lý luận - phê bình - sáng tác trong phối hợp hoạt động nhằm tạo ra sự đồng bộ, phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Về nguyên nhân của thực trạng trên, qua tìm hiểu, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề đầu tư cho sáng tạo văn học, nghệ thuật, trong đó có công tác lý luận, phê bình chưa được quan tâm đúng mức vì “có thực mới vực được đạo” như ông cha ta đã nói. Thực trạng phân bổ kinh phí còn phân tán, lãng phí, cào bằng… nên hiệu quả đầu tư còn rất thấp; hay việc giải ngân hỗ trợ rất chậm, ví dụ: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 558 đã khá lâu rồi mà do “thủ tục” nên kinh phí chưa về đến các hội chuyên ngành, xuất hiện nỗi tâm tư của nhiều nghệ sĩ, nhiều nhà lý luận, phê bình… Về vấn đề kinh phí hỗ trợ cho sáng tạo văn học, nghệ thuật trên thực tế cũng có nhiều ý kiến rất khác nhau đáng suy ngẫm. Đúng là “Cơm áo không đùa với khách thơ” nhưng nếu chỉ có vật chất thì không làm nên tác phẩm. Nhìn về quá khứ có thể thấy rõ điều này. Những tác phẩm nổi tiếng của Lý Bạch, Đỗ Phủ từng viết trong khó khăn, nghèo túng; Balzac viết bộ Tấn trò đời trong tình cảnh triền miên thiếu nợ. Dostoyevsky viết trong sự thiếu thốn và bức bí sau những năm tháng bị tù đày dưới chế độ Nga hoàng nhưng tác phẩm của ông vẫn đủ để giới phê bình thế hệ sau nâng ông lên tầm “Người báo trước cho chủ nghĩa hiện sinh thế kỷ XX”…
Ở Việt Nam, thế kỷ XVIII, đại thi hào Nguyễn Du đã xuất hiện trong nghèo khó và bất an. Trong thời kỳ cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ diễn ra ác liệt, gian khổ, nhiều tác phẩm văn nghệ có giá trị cao ra đời; nhiều nhà lý luận, phê bình xuất hiện và để lại ấn tượng sâu sắc, như: Nguyễn Hải Triều, Hoài Thanh, Hoài Chân, Hoàng Trinh, Lê Đình Kỵ, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Đức Nam, Hoàng Ngọc Hiến, Mai Quốc Liên, Phong Lê, Phương Lựu, Mã Giang Lân, Trần Đình Sử, Đặng Anh Đào, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn… (văn học); Nguyễn Đình Quang, Tất Thắng… (sân khấu), Nguyễn Quân, Nguyễn Đỗ Bảo, Phan Cẩm Thượng… (mĩ thuật)… Như vậy, trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung và trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng, đời sống kinh tế tuy hết sức quan trọng nhưng cũng không phải là yếu tố quyết định đối với những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật mà phụ thuộc vào tài năng và tâm huyết của người nghệ sĩ, tức là chủ thể sáng tạo, hay nói như G. Márquez – tác giả được giải thưởng Nobel về văn học với tác phẩm Trăm năm cô đơn: “Quyết định sự lớn/ bé của nghệ thuật là tài năng và sự dấn thân của các nghệ sĩ hết mình cho nghệ thuật”. Từ đó, có thể hiểu tác phẩm văn học, nghệ thuật, trong đó có lý luận, phê bình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật là sự kết hợp giữa khát vọng và tài năng, giữa lý tưởng lớn và tài năng nghệ thuật lớn.
2. Định hướng và giải pháp phát triển công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên mới
Đảng ta khẳng định thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng là Đại hội XIV của Đảng sau hơn 50 năm thống nhất đất nước và sau 40 năm đổi mới, lao động, sáng tạo bền bỉ, đạt được những thành tựu vĩ đại. Với tầm nhìn từ nay đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nền văn hóa, văn học, nghệ thuật, trong đó có công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cũng đan xen nhiều thời cơ và thách thức mới. Để đồng hành với sáng tạo văn học, nghệ thuật tiếp tục phát triển trong kỷ nguyên mới, nên tập trung vào những định hướng sau đây:
Một là, Đảng và Nhà nước cần xây dựng chính sách đặc thù đối với văn hóa, văn học, nghệ thuật nói chung và công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số đang tác động vào sự phát triển của mỗi quốc gia nên Ban Chấp hành Trung ương cần ban hành nghị quyết mới của Đảng về phát triển văn học, nghệ thuật gắn với chuyển đổi số để nâng cao vai trò của văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.
Hai là, cần nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò, vị trí quan trọng của văn học, nghệ thuật và của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển của đất nước, góp phần tạo nên “nền tảng tinh thần của xã hội”, cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn học, nghệ thuật thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp trong kỷ nguyên mới để cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bằng nghị lực phi thường vượt qua mọi thách thức, hoàn thành mục tiêu của Đảng đã đề ra đến năm 2045 trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa có thu nhập cao.
Ba là, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn mong muốn, kỳ vọng đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực đất nước ta trong thời kỳ bước vào kỷ nguyên mới. Do vậy, cần phát huy vai trò song hành của công tác lý luận, phê bình với sáng tác văn học, nghệ thuật vì lý luận, phê bình tác động đến sáng tác và ngược lại sáng tác là cơ sở để lý luận, phê bình tồn tại, phát triển. Phấn đấu có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật trong kỷ nguyên mới.
Bốn là, mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là sáng tạo ra những tác phẩm hay, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của đất nước, con người và dự báo cho tương lai. Do vậy, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, công tác lý luận, phê bình cần chỉ ra, góp phần khắc phục tình trạng có một số văn nghệ sĩ còn xa rời những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo đề tài nhỏ nhặt, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng; còn nhấn mạnh chức năng giải trí, tô đậm mặt tiêu cực, thậm chí bóp méo lịch sử; còn có biểu hiện lai căng, chuộng ngoại, bắt chước, chạy theo thời thượng…
Năm là, hiện nay đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ngày càng hụt hẫng. Do vậy, các bộ chức năng, như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính… cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng lực lượng làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trên cơ sở xây dựng cơ chế có chính sách đặc thù với đội ngũ làm công tác này (để khắc phục tình trạng hai trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua không tuyển được sinh viên vào học khoa lý luận, phê bình).
Sáu là, trong kỷ nguyên mới của dân tộc cần tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật quốc tế, trong đó có công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để bắt kịp tư duy, nhịp điệu của nghệ thuật hiện đại thế giới. Hiện thực hóa kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho các năng khiếu, tài năng văn học, nghệ thuật.
3. Một số kiến nghị
Kiến nghị Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương trình Ban Bí thư ban hành chỉ thị mới “Về đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Đề nghị Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét cho đổi tên “Tặng thưởng” thành “Giải thưởng” các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng cao hằng năm do Ban Bí thư giao Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nay thuộc thẩm quyền của Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức xét chọn và trao thưởng, được tham dự Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật để cổ vũ, khuyến khích, động viên đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên mới.