NHẬN DIỆN NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC Ở VIỆT NAM TRONG 50 NĂM QUA

Bài viết phân tích, tổng kết quá trình đổi mới lý luận, phê bình văn học Việt Nam trong 50 năm từ ba khía cạnh: các quan điểm chỉ đạo của Đảng; hoạt động nghiên cứu, lý luận văn học của giới chuyên môn; những vấn đề cần được quan tâm. Qua đó, đề xuất trở lại nghiên cứu lịch sử phát triển của lý luận văn học Marxist một cách có hệ thống trên tinh thần cởi mở, đổi mới.

   Từ năm 1975 đến nay lý luận, phê bình văn học Việt Nam đã trải qua 50 năm phát triển. Việc nhìn lại, phân tích, tổng kết rất có ý nghĩa đối với sự phát triển tiếp theo của văn học chúng ta. Quá trình đổi mới lý luận, phê bình văn học Việt Nam trong 50 năm qua có thể nhìn từ ba khía cạnh sau đây: quan điểm chỉ đạo của Đảng; hoạt động nghiên cứu, lý luận văn học của giới chuyên môn; những vấn đề cần được quan tâm.

   1. Sự xác lập lý luận và đổi mới tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam

   Lý luận, phê bình văn học Việt Nam tuy chưa được phát triển nhưng đã có từ thời xưa, từ trước 1945. Để chiếm lĩnh trận địa văn học, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chuẩn bị cơ sở lý luận văn học từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, 1948. Đến những năm 1960-1970 ta đã có một hệ thống chặt chẽ lý luận, phê bình chính thống. Từ đó cho đến trước Đổi mới năm 1986, lý luận, phê bình văn học Việt Nam có một số đặc điểm sau: một là, chính trị hóa toàn diện, gần như đồng nhất với chính trị; hai là, trở thành trung tâm của hoạt động tư tưởng xã hội, gần như là hàn thử biểu của xã hội; ba là, chúng ta đã xác lập một hệ thống lý luận văn nghệ Marxist Việt Nam hoàn chỉnh, chặt chẽ, từ quan điểm chung đến phương pháp sáng tác, từ phương thức quản lý, cải tạo tư tưởng đến phương pháp phê bình đấu tranh tư tưởng. Đó là giai đoạn văn nghệ ta phát triển theo “tha luật” của chính trị. Đó là một lý luận về cơ bản nặng về giáo điều, rập khuôn đem về từ Liên Xô, Trung Quốc, bị chi phối trực tiếp từ các cuộc đấu tranh ý thức hệ, không phải là lý luận đúc kết từ kinh nghiệm của Việt Nam. Trong các bức thư của Trung ương Đảng gửi các Đại hội văn nghệ, lãnh đạo lần nào cũng nhìn thấy sáng tác văn nghệ công thức, sơ lược, nhưng chưa ai thấy đó là hậu quả của lý thuyết giáo điều, mà cứ nghĩ là các nhà văn chưa cải tạo tư tưởng đến nơi đến chốn. Từ sau 1975, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu Nam - Bắc, cơ chế quan liêu bao cấp dẫn đến khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Sự trói buộc của lý luận văn học Marxist đối với sáng tác ngày một được cảm thấy rõ rệt từ thực tiễn của các nhà văn và dẫn đến câu chuyện Đề dẫn năm 1979 với các xung đột cũ mới. Tình hình khủng hoảng kinh tế trong nước và tình hình chính trị quốc tế những năm 1980-1991 mở ra nhu cầu “đổi mới” và chủ trương Đổi mới, “cởi trói” của Đảng vào thời điểm Đại hội VI tháng 12/1986 là một bước khởi đầu khắc phục lý luận giáo điều cực kỳ quan trọng. Phải nói rằng tiếng nói phản biện của giới văn nghệ thời ấy đối với các vấn đề chính trị, văn nghệ, phản ánh hiện thực khá mạnh mẽ và sắc bén. Cùng với đó, sự đổi mới tư duy của lãnh đạo tuy còn chậm, còn kéo dài nhưng rất quan trọng. Tôi nghĩ, ở đây có chuyện hấp thu kinh nghiệm từ nước ngoài, nhất là đường lối văn nghệ Trung Quốc đã thay đổi từ năm 1976-1978, chính sách “Perestroika” của Liên Xô. Nhưng thử hỏi, “Đổi mới”, “Cởi trói” nghĩa là gì? Có thể hiểu, “Đổi mới” tức là thay đổi hệ thống khái niệm cũ bằng một hệ thống các khái niệm mới. “Cởi trói” cũng có thể hiểu là buông bỏ tất cả các thứ lý thuyết đã trói buộc nhà văn và sáng tác trong hơn 30 năm đó. Giữ cái gì, bỏ cái gì? Đó là một vấn đề rất to lớn, đòi hỏi phải có quan điểm rõ ràng, xác định. Nghị quyết 05-NQ/TW nêu tư tưởng: văn nghệ là sáng tạo văn hóa có ý nghĩa lâu dài, bỏ qua không nói văn nghệ phục vụ chính trị, phục vụ phong trào như trước, không nói tính đảng, tính nhân dân như trước. Đặc biệt Nghị quyết nhấn mạnh: “Tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa, văn nghệ, để phát triển tài năng”. Nghị quyết Đại hội VIII (1998) khẳng định xây dựng “nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, như muốn quay lại truyền thống, ẩn đằng sau chữ “tiên tiến” nội hàm hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X (2008) Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới nêu ra phương hướng mới rõ ràng: “Tự do trong sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng về nội dung, phong cách sáng tác, phương thức biểu hiện được tôn trọng; dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được khẳng định”. Các văn kiện này không nhắc lại các yêu cầu về phương pháp sáng tác về tính Đảng, tính nhân dân, tính chiến đấu mà đề cao sự tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ. Về mặt triết học, Đảng tuy khẳng định thế giới quan chủ nghĩa Marx - Lenin nhưng không kèm theo chống chủ nghĩa xét lại hiện đại, nghĩa là đã có một sự mở rộng về nội hàm. Theo tôi hiểu, đó là nội hàm khái niệm “cởi trói” mà các nhà lãnh đạo đã nói từ năm 1986, tức là để cho văn nghệ tự vận động theo quy luật tự thân của nó. Đó cũng là “định hướng mềm” cho sự phát triển lý luận văn học từ đó cho đến nay. Đảng quản lý theo cách khác hẳn trước. Ý niệm cởi trói đã cho phép NXB Tri thức phiên dịch và xuất bản rất nhiều sách về triết học, mĩ học, xã hội học, văn hóa học, tâm lý học, lý luận văn học tư sản phương Tây. Các lý thuyết duy tâm, siêu hình vẫn được phép lưu hành. Điều đó khiến cho không gian tư duy khoa học được mở rộng. Điều đó tương thích với chủ trương làm bạn với các nước trên thế giới. Có thể hiểu từ Đại hội VI của Đảng cho đến Nghị quyết số 23-NQ/TW là một quá trình cởi mở dần dần các trói buộc trước đây, thay đổi hẳn khái niệm về sáng tác, tạo tiền đề cho đổi mới lý luận, phê bình văn học trong 50 năm qua. Đó là một thay đổi cực kỳ to lớn, ảnh hưởng rất sâu rộng. Lý luận, phê bình văn học sau Đổi mới có mấy đặc điểm sau: Một là, được phát triển theo quy luật tự thân, tức “tự luật”. Hai là, lý luận văn học một thời bị chính trị hóa, dựa vào triết học, phản ánh luận từng được quá mức đề cao, ngự ở vùng trung tâm, nay đã dần dần ra vùng ngoại biên. Ba là, nếu giai đoạn trước, vai trò lý luận đôi khi thuộc về một số đồng chí lãnh đạo, thì nay vai trò đó thuộc về các cá nhân nhà lý luận. Bốn là, thay vì thuyết minh các nguyên lý chính thống, các lý thuyết khoa học nhân văn được phát triển mà không bị gây bất cứ cản trở nào.

   2. Lý luận, phê bình văn học Việt Nam trong 50 năm qua

   Nhìn tổng quát, giai đoạn này, lý luận, phê bình văn học có tính chính trị hóa đã chuyển sang lý luận phê bình có tính khoa học. Phê bình ý thức hệ vẫn có ở một số hiện tượng lẻ tẻ nhưng không thành xu thế. Chúng ta đã có nhiều cuộc hội thảo và công trình tổng kết lý luận phê bình trong 50 năm ấy. Đáng chú nhất là cuốn Việt Nam - một thế kỉ tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài, vốn là đề tài khoa học do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương quản lý, GS La Khắc Hòa chủ trì, NXB Đại học Sư phạm xuất bản năm 2020, dày 666 trang khổ lớn. Phần 5 công trình đã mô tả, tổng kết khá đầy đủ và hệ thống sự tiếp nhận lý luận văn học, mĩ học nước ngoài vào Việt Nam, cho thấy một khối lượng lớn tri thức lý luận cổ, kim, Đông, Tây đã được giới thiệu, phiên dịch, diễn giải, ứng dụng. Đó là mĩ học cổ điển Trung Quốc, mĩ học cổ điển Hy Lạp, Đức, mĩ học Marxist phương Tây, lý thuyết văn học Nga phi truyền thống, lý thuyết văn nghệ phương Tây hiện đại, hậu hiện đại. Nhìn chung tiếp nhận từng mảnh vụn, chưa đầy đủ, có hệ thống. Nếu có chỗ thiếu, thì đó là văn học so sánh, xã hội học. Tác giả công trình đã chỉ ra, một số công trình tuy giới thiệu lý thuyết nước ngoài nhưng lại phê phán theo quan điểm của chủ nghĩa Marx - Lenin cho nên làm thiên lệch nội dung khoa học, chẳng hạn như giới thiệu về chủ nghĩa Marx phương Tây.

   Nhìn lại các công trình lý luận, phê bình 50 năm qua, có thể thấy một số vấn đề sau:

   a) Nhìn chung cho đến nay trong giới học thuật, nhất là giới trẻ, phần lớn trong đó có khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh là chính), có học vị từ thạc sĩ đến tiến sĩ, đã có một vốn tri thức chuyên ngành rộng đủ để xử lý các đề tài nghiên cứu, một thế giới quan khác ngoài thế giới quan Marx - Lenin được trang bị, chẳng hạn như mĩ học Kant, hiện tượng luận, phân tâm học, cấu trúc luận, giải cấu trúc... Tình trạng này một mặt, đòi hỏi phải nghiên cứu tìm sự tương thích giữa chủ nghĩa Marx - Lenin truyền thống với khung trí thức hiện đại, tạo nên sự dung hợp của tri thức thời đại mới. Ít nhất, tạo nên sự dung hợp với “cái khác” trong đời sống văn hóa. Chủ nghĩa Marx - Lenin giai đoạn ba mươi năm chiến tranh, do điều kiện lịch sử, có “tính bài tha” quyết liệt, có giai đoạn, cái gì không phải chủ nghĩa Marx - Lenin thì bị xem là duy tâm, siêu hình, đồi trụy, thậm chí là thù địch, phản động, bị lên án, cấm đoán. Chủ nghĩa Marx - Lenin thời hội nhập, đa phương tất phải khác, thiết nghĩ có tính bao dung hơn. Chẳng hạn, một thời chúng ta theo Marx - Lenin, chủ trương chống phi lý tính, nhưng ngày nay phi lý tính là đặc trưng của văn học hiện đại như Joyce, Kafka, chúng ta cũng đang quen dần. Thơ hiện đại phương Tây mà một thời bị coi là “bệnh hoạn, suy đồi, xa lạ với thị hiếu lành mạnh” ngày nay đã được dịch và tham khảo. Nhiều nhà văn Việt Nam hiện đại cũng sáng tác theo khuynh hướng đó. Mặt khác, tình hình này dẫn đến xung đột không đáng có với một số ít cán bộ, do ít tự học, lại luôn tỏ ra lập trường, như chống chủ nghĩa hình thức, chống lý thuyết trò chơi, chống lý thuyết diễn ngôn, chống phi lý tính... theo cách chụp mũ, chế giễu rất cũ kỹ. Đến nay có thể nói ta đã giảm bớt tính bài tha, bước đầu dung hợp với các khuynh hướng văn học thế giới. Tuy vậy, một số vẫn còn phản ứng quá quyết liệt với các khuynh hướng sáng tác hiện đại, bất lợi cho sáng tác.

   b) Được trang bị các lý thuyết mới: hầu hết các nhà phê bình văn học phê bình theo các lý thuyết mới, khai mở các bình diện mà trước đây chưa đề cập đến, đem lại cho phê bình văn học một diện mạo mới: thi pháp học, tự sự học, phân tâm học, xã hội học, nữ quyền luận, sinh thái học, hậu thực dân, ký hiệu học, văn hóa học, liên văn bản, biểu tượng, lý thuyết trò chơi...

   c) Đã ở vào thời Đổi mới thì điều quan trọng là phát triển cái mới, chống lại cái cũ và chống lại sức ỳ của cái cũ. Với lý thuyết văn học hiện đại thì có thể thấy, phần lớn lý luận văn nghệ Việt Nam được truyền bá từ Hải Triều, Trường Chinh, Tố Hữu đến nay, hầu hết đều đã tỏ ra lỗi thời. Các khái niệm, phạm trù có nội dung tưởng bất di dịch một thời như phản ánh, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, điển hình, điển hình hóa, cải tạo thế giới quan của nhà văn, chức năng giáo dục của văn nghệ... nay đã không còn được nhắc lại, không còn là tiêu chí để đánh giá, phê bình văn học. Thiết nghĩ, cần được xem xét, phân tích ý nghĩa của chúng đối với thực tiễn văn học thời kỳ trước và sự bất cập của chúng về mặt khoa học. Đối với nền phê bình văn học đã dựa vào các phạm trù, khái niệm ấy làm cơ sở, thiết nghĩ cũng cần xem xét lại tính khoa học của chúng theo quan điểm đổi mới. Không thể có được sự đổi mới thật sự nếu không thấy tính thiếu khoa học của quan điểm cũ. Bản thân tôi đã suy nghĩ lại thuyết phản ánh, xem phản ánh là kiến tạo, quan niệm lại khái niệm hiện thực, điển hình, phương pháp sáng tác1 . Các công thức lý luận, phê bình thời trước như xem văn học lãng mạn là thoát ly đời sống, là đồi trụy... cũng cần xem lại. Di sản phê bình nghiên cứu văn học giai đoạn trước thời Đổi mới cũng cần được nhìn nhận lại, trong đó còn có rất nhiều bất cập cần được phân tích, thức nhận cho thỏa đáng, nhưng hình như ít người quan tâm.

   d) Tình hình đó đòi hỏi một hoạt động nghiên cứu chỉnh hợp thành hệ thống các phạm trù, khái niệm của lý luận, phê bình văn học mới, tương thích với thời đại. Cái gì đã lỗi thời thì dứt khoát bỏ, cái gì thích hợp thì phát huy. Ít nhất trong các trường đại học, phải khắc phục các tri thức cũ, biên soạn giáo trình mới theo quan điểm cá nhân hay tập thể, thể hiện quan niệm lý thuyết mới. Cuốn Từ điển thuật ngữ văn học của chúng tôi (do tôi và các tác giả Lê Bá Hán và Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, tôi bổ sung chỉnh lý, năm 2004), do tự ý thức về tính cũ của nó, năm 2010 tôi đã dừng, không cho xuất bản nữa. Nhưng đáng tiếc, mấy chục năm qua, một số giáo trình mang khái niệm cũ, quan điểm cũ vẫn lưu hành. Một số từ điển thuật ngữ vốn rất cũ vẫn cứ in ra đều đều! Nó thể hiện một sức ỳ cố hữu, một sự tự thỏa mãn, đồng thời là một ý thức coi thường người học. Cuốn sách đáng kể nhất trong thời gian qua là cuốn Lý luận văn học (nhập môn) do Huỳnh Như Phương biên soạn và xuất bản năm 2010, một cuốn sách đã gạt bỏ các phạm trù cũ và đưa các phạm trù mới vào vị trí của chúng2. Đáng tiếc là các giảng viên đã không hướng dẫn cho sinh viên mua. Nhưng cuốn sách này, do yêu cầu nhập môn, vẫn còn thiếu những tri thức cơ bản của thời hiện đại, như văn học là hoạt động giao tiếp, bản chất diễn ngôn... Khi vấn đề phương pháp sáng tác đang còn gây băn khoăn thì việc tồn tại sách Tiến trình văn học viết theo tri thức cũ khó được đứng vững. Bản thân chúng tôi đang cùng GS La Khắc Hòa viết mới cuốn Tiến trình văn học để làm tài liệu tham khảo. Muốn có những bộ sách mới, cần phải có thái độ tự phê phán theo quan điểm mới, đồng thời không ngừng học tập cái mới ở nước ngoài, nghiên cứu mới văn học dân tộc. Theo tôi, cần phải tổ chức biên soạn mới nhiều giáo trình đại học, sau đại học theo hệ tri thức mới, để nâng cao trình độ đào tạo của chúng ta.

   đ) Việc tiếp nhận các lý luận mới từ nước ngoài còn khá tự phát, ai thích, có điều kiện thì làm, không có hoạch định cho nên thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống. Chẳng hạn về lý thuyết tiếp nhận đến nay có một chương trong cuốn sách của Jauss đã được dịch, còn các sách của Izer hầu như chưa được dịch. Chúng tôi đã biên soạn tài liệu tự sự học - lý thuyết và ứng dụng nhưng cho đến nay chỉ mới in được 1000 bản. Chúng tôi khi nghiên cứu đề tài này đều chỉ tìm đọc sách nước ngoài mà phần đông độc giả trong nước đều không có điều kiện tiếp cận. Mặt khác, khi dịch lý luận nước ngoài, điều quan trọng là phiên dịch hệ thuật ngữ để xây dựng nền khoa học nhân văn mới. Hiện nay các thuật ngữ được dịch nhiều trường hợp thiếu chính xác, sai lệch. Ở Trung Quốc họ dịch rất nhiều mà thuật ngữ tương đối thống nhất, có thể do một hội đồng khoa học thẩm duyệt. Điều này chỉ cần ghé xem thư mục của một nhà xuất bản ở Trung Quốc thì sẽ thấy sự khác biệt. Ở Trung Quốc có các hội đồng tư vấn, tuyển chọn, kinh phí để dịch. Mỗi nhà xuất bản có nhiều tủ sách, giúp người đọc tìm hiểu có hệ thống. Có sách có nhiều bản dịch.

   Tình trạng dịch tự phát chẳng những khiến cho đại đa số các nhà lý luận, phê bình văn học trong nước chỉ nắm được các mảnh nhỏ của lý thuyết, thiếu điều kiện đáp ứng nhu cầu lý luận, phê bình văn học mới, mà còn làm cho chúng ta thiếu những nhà lý luận tầm cỡ, có khả năng bao quát lớn, có thể tư vấn cho nhà nước những vấn đề và phương hướng lớn của thời đại.

   e) Chủ nghĩa Marx - Lenin tuy vẫn được quy định là nền tảng tư tưởng của xã hội, của lý luận, phê bình, song trong thực tế hiện nay, không thấy đóng vai trò thật rõ rệt về phương pháp. So với các phương pháp nghiên cứu văn học khác nó có vẻ như đã dần dần chuyển ra ngoại biên. Lý thuyết Marxist là học thuyết giữa thế kỷ XIX được độc tôn, nhất là ở các nước xã hội chủ nghĩa, trở thành hệ tư tưởng quan phương, chính thống. Vị trí độc tôn ấy đã biến nó hoặc thành đối tượng được bảo vệ vững chắc, hoặc trở thành công cụ để hạn chế các tư tưởng khác biệt, kết quả khiến nó bị xơ cứng, thoái hóa, không phát triển và có lúc đối mặt với nguy cơ dừng lại ở các nguyên lý chung, thiếu sức sống. Không nên ứng xử theo xu hướng chỉ tôn thờ, bảo vệ mà cần những người thực sự am hiểu sâu sắc chủ nghĩa này để phát triển nó. Ngày nay, muốn xác lập lý luận văn nghệ Marxist, thiết nghĩ phải trở lại nghiên cứu lịch sử phát triển của nó, bao gồm cả Marxist chính thống, Marxist phương Tây, Marxist xét lại, chỉ ra chỗ đúng, chỗ bất cập, vạch ra chỗ thích hợp với thời đại hôm nay, làm cho nó sống động, gắn với thực tiễn. Đó là một công việc không dễ dàng chút nào.

  

 

 

Chú thích:
1 Xem: Trên đường biên của lí luận văn học, NXB Văn học, 2014.
2 Huỳnh Như Phương (2010), Lý luận văn học (Nhập môn), NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Bình luận

    Chưa có bình luận