ơn hai mươi năm đầu tiên của thế kỷ XXI, điện ảnh Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Trước đây, ở thế kỷ XX chỉ có phim do các đơn vị quốc doanh sản xuất gồm: Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim truyện I, Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, Điện ảnh Quân đội nhân dân. Đôi khi có phim do các hãng phim nhà nước hợp tác với hãng phim nước ngoài như Hãng phim truyện Việt Nam hợp tác với Hãng Lazzonet (Pháp) làm phim Mùa hè chiều thẳng đứng, Hãng phim Sài Gòn và Hãng phim Sampo (Hồng Kông) làm phim Thử thách tình đời.
Trong khoảng những năm 1990-1992, các bộ chức năng đã cấp giấy phép thành lập thêm gần ba mươi hãng phim của các cơ quan, đoàn thể trực thuộc hoặc không trực thuộc bộ. Các hãng phim này cũng được phép sản xuất như các hãng phim quốc doanh, ví dụ như: Hãng phim Thanh Niên, Hãng phim Hội Nhà văn, Hãng phim Phương Đông của Sài Gòn Vidéo, Công ty Điện ảnh và Băng từ Thành phố Hồ Chí Minh. Đa số các hãng phim của các tổ chức này làm phim bằng tiền vốn của tư nhân. Họ mặc sức làm phim, mặc sức phát hành (tất nhiên có sự kiểm soát của Hội đồng duyệt phim), miễn là thu được lãi, nên đa số là phim thương mại. Trong khi tài trợ làm phim của nhà nước có hạn, thậm chí rất ít, mà tình hình tư nhân muốn tham gia sản xuất điện ảnh ngày càng đông thì việc công nhận cho tư nhân lập hãng sản xuất là chuyện tất yếu. Từ ngày 15 tháng 1 năm 2003, Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép lập hãng phim tư nhân. Điều này phù hợp với chủ trương xã hội hoá văn học, nghệ thuật của Đảng và Nhà nước, tạo một bước phát triển tích cực cho điện ảnh Việt Nam.
1. Các tổ chức sản xuất phim
Các hãng phim nhà nước: Hiện nay tồn tại ba hãng phim nhà nước đã được cổ phần hoá (từ 2010): Hãng phim Giải Phóng trở thành Công ty TNHH một thành viên phim Giải Phóng. Hãng phim truyện I trở thành Công ty Cổ phần phim truyện I. Hãng phim truyện Việt Nam trở thành Công ty TNHH một thành viên phim truyện Việt Nam. Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) mua lại Hãng phim truyện Việt Nam và đã xảy ra mâu thuẫn trong cách làm việc với người của hãng phim. Hãng hầu như không có phim để làm và công ty chủ quản cũng không quan tâm đến việc bảo quản, để hỏng 300 bộ phim, trong đó có những phim là niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam. VIVASO buộc phải thoái vốn. Tình hình cổ phần hoá vẫn còn chưa dứt điểm. Trước đây còn có Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu nhưng gần đây hãng này không hoạt động. Các hãng phim nhà nước vẫn giữ thói quen bao cấp, chờ làm phim của nhà nước đặt hàng bởi chuyển sang tự làm phim thị trường thực sự không đơn giản. Họ gặp nhiều khó khăn: năm 2021, Hãng phim truyện Việt Nam nợ thuế đất 21 tỉ; Hãng phim Giải Phóng báo lỗ sau thuế 23 tỉ.
Các hãng phim của các cơ quan, đoàn thể không có nhiều và sản lượng cũng ít, ví dụ: Hãng phim Hội Nhà văn đáng chú ý có hai phim về Nguyễn Ái Quốc, trong đó có Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (phim hợp tác với Hãng phim Châu Giang - Trung Quốc), Hãng phim Thanh Niên có Mùi ổi..., Hãng phim Hội Điện ảnh có Đừng đốt, Nhìn ra biển cả..., Điện ảnh Quân đội nhân dân có Đêm Bến Tre, Người trở về...
Các hãng phim, công ty phim tư nhân chính thức được hoạt động độc lập nên xuất hiện ban đầu thì ít, sau tăng nhiều, mọc lên “như nấm sau mưa”, lúc cao nhất có đến vài trăm hãng, công ty phim tư nhân. Qua thử thách của thị trường, số hãng, công ty tư nhân giảm dần. Có công ty chỉ làm một vài phim rồi thôi. Hãng phim Kỳ Đồng phá sản ngay từ bộ phim đầu tiên 1735 km của đạo diễn Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn. Diễn viên Chánh Tín bị phá sản sau khi làm phim. Theo Báo Lao Động ngày 13 tháng 10 năm 2019, có khoảng 500 doanh nghiệp có chức năng sản xuất phim nhưng thực tế chỉ có khoảng chục đại gia sản xuất phim thường xuyên, có thể kể đến BHD, Chánh Phương, Charlie Nguyễn, Thiên Ngân, Phước Sang... Hiện nay còn khoảng 50 hãng phim, công ty phim tư nhân.
Có một số phim do nước ngoài tài trợ. Phim Bi, đừng sợ! do các công ty Vblock Media, Sadest Đông Nam và sự hỗ trợ sản xuất của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Pháp và TR9 - Đức hoặc Thử thách tình đời do Hãng phim Sài Gòn hợp tác với Hãng phim Sampo (Hồng Kông) sản xuất. Một số trường hợp đặc biệt như: phim Vị của Lê Bảo làm với Hãng Lebien Picture của Singapore, miêu tả cuộc sống chung của một người đàn ông Nigeria với bốn người đàn bà Việt Nam như một kiểu quần hôn. Trong phim có tới ba mươi phút cảnh trực diện tất cả những người này khoả thân. Phim không được phép phát hành và cũng không được phép tham dự Liên hoan phim quốc tế. Lê Bảo đã từ bỏ “quốc tịch” Việt Nam và cho Vị là phim Singapore để thực hiện những ý đồ của mình. Thực ra đây là phim đa quốc gia vì nhà sản xuất đã huy động vốn của Việt Nam, Singapore, Pháp, Thái Lan, Đức... Vị vẫn được đưa đi dự Liên hoan phim Berlin (CHLB Đức) và giành được giải đặc biệt ở hạng mục Encounter tháng 3/2001 (những người làm phim này, do đó, đã bị phạt 35 triệu đồng vì chưa được cấp phép).
2. Sản lượng phim
Do việc thành lập các hãng phim tư nhân rất thoải mái nên sản lượng phim bắt đầu tăng dần. Năm 2004 đã có mười phim được sản xuất. Năm 2005, sản lượng là 17 phim. Theo các năm, sản lượng có trồi sụt chút ít: năm 2013 có 18 phim, năm 2014 có 41 phim, năm 2015 có 41 phim, năm 2016 có 41 phim, năm 2017 có 36 phim, năm 2018 có 41 phim, năm 2019 có 38 phim, năm 2020 có 26 phim, năm 2021 có 19 phim, năm 2022 là 41 phim, năm 2023 có 25 phim, bốn tháng đầu năm 2024 sơ sơ cũng có khoảng 15 phim. So với các cường quốc điện ảnh, sản xuất 30-40 phim một năm là con số quá ít ỏi. Nhưng đối với Việt Nam, duy trì được sản xuất như thế đã là đáng khích lệ, nhất là phim Việt Nam ra rạp phải cạnh tranh với nhiều phim “bom tấn” của Mĩ, phim hợp gu giới trẻ của Hàn Quốc...
Trong mấy chục phim này, số phim do nhà nước cấp kinh phí sản xuất rất ít, mỗi năm có vài ba phim, có năm không có phim nào. Số còn lại là phim tư nhân. Tư nhân làm phim như một sự đầu tư kinh doanh nhằm kiếm lời, có rất ít phim nghệ thuật, hầu như đa số là làm phim thương mại. Để kéo được khách đến rạp, các nhà sản xuất phim tư nhân phải nắm bắt được thị hiếu khán giả, luôn tìm đề tài mới và các thể loại khác nhau nhưng thiên về phim hài, dù thể loại nào cũng đá một chút hài vào, bởi vì quan niệm của số đông khán giả đến rạp để vui vẻ và thực ra họ cười rất dễ dãi.
3. Đề tài, thể loại, khuynh hướng
3.1. Phim làm bằng kinh phí của nhà nước
Những năm của thập niên đầu tiên thế kỷ XXI, số phim nhà nước tương đối nhiều: năm 2002 có 15 phim, năm 2003 có 12 phim... nên đề tài khá phong phú. Phim lịch sử có Mỹ nhân; phim về chiến tranh: Ký ức Điện Biên, Hà Nội 12 ngày đêm, Đường thư...; phim về thời hậu chiến: Người đàn bà mộng du, Ba người đàn ông, Người đi tìm giấc mơ, Trái đắng…; nhiều phim về cuộc sống bình thường: Vào Nam ra Bắc, Cấp cứu, Thung lũng hoang vắng, Vua bãi rác, Cái tát sau cánh gà, Trăng nơi đáy giếng, Đội bóng trong mơ, Chiến dịch trái tim bên phải, Rừng đen; phim chống tiêu cực: Lưới trời, Mái trường yên tĩnh. Phim Gái nhảy miêu tả cuộc sống mấy cô ca-ve (là phim nhà nước đầu tiên đông khách). Phim Lạc giới đề cập đến đồng tính nam. Có một vài phim hài như Một giờ làm quan, Tết này ai đến xông nhà...
Hãng phim Giải Phóng kết hợp với các hãng phim nước ngoài 3D Production (Pháp), Novak Pro (Bỉ) làm phim Mùa len trâu chất lượng tốt. Hai bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học đã khẳng định giá trị trong bạn đọc là Bến không chồng (của Dương Hướng) và Thời xa vắng (của Lê Lựu) đạt được thành công lớn về chất lượng. Những năm gần đây nhà nước ít cấp kinh phí làm phim, có năm không có phim nào, nên hầu như phim nhà nước chủ yếu là phim chính trị - đề tài truyền thống, như: Mùi cỏ cháy, Truyền thuyết về Quán Tiên, Bình minh đỏ...
Phim do nhà nước cấp kinh phí hầu như không tính lỗ, lãi, nói chung chỉ đạt về mặt tư tưởng nhưng không hấp dẫn, thua lỗ là chắc chắn vì có ít khán giả (ví dụ phim Sống cùng lịch sử về đề tài chiến dịch Điện Biên Phủ, đối với giới trẻ đương đại thì không có mấy người xem, trong khi kinh phí sản xuất tốn hơn 20 tỉ đồng). Duy nhất gần đây có phim Đào, phở và piano đông khách so với các phim nhà nước khác, thu về 21 tỉ, vừa đủ kinh phí làm phim, mặc dù kịch bản còn không chặt chẽ.
Nhà nước đã đúng khi tài trợ cho những đề tài truyền thống vì loại đề tài này, tư nhân không làm bởi khó có lãi. Nhưng cách làm phim truyền thống sắp tới phải thay đổi, không thể làm theo kiểu công thức, sơ lược (phim Đào, phở và piano dù kịch bản còn chưa chặt chẽ nhưng có thể cho kinh nghiệm làm phim đề tài truyền thống sao cho có khán giả).
Đã có hiện tượng nhà nước cộng tác với các hãng phim tư nhân làm phim (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh) hoặc nhà nước đặt hàng các hãng phim tư nhân, như đặt hàng Hồng Ngát phim làm Hồng Hà nữ sĩ (về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm). Hình thức này trong tương lai chắc sẽ phát triển hơn.
3.2. Phim của các hãng phim thuộc các tổ chức đoàn thể
Các hãng phim này cũng hầu như không nhắm tới việc làm phim thị trường. Điện ảnh Quân đội nhân dân có những phim như Đêm Bến Tre (về cuộc đồng khởi và nữ tướng Nguyễn Thị Định), Người trở về, Nơi ta không thuộc về (phim thời hậu chiến), Tiếng cồng định mệnh... Hãng phim Hội Nhà văn có những phim như Hà Nội, Hà Nội; Vượt qua bến Thượng Hải (về Nguyễn Ái Quốc); Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (cộng tác với Hãng phim Châu Giang - Trung Quốc). Hãng phim Hội Điện ảnh có hai phim làm về thời trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Thầu Chín ở Xiêm và Nhìn ra biển cả; Đừng đốt... Ngoài ra còn có Hãng phim Thanh Niên làm phim Mùa ổi.
3.3. Phim của các hãng phim tư nhân
Do coi đây là một nghề kinh doanh, lại cùng một lúc có nhiều hãng phim hoạt động nên phim khu vực tư nhân khá phong phú về đề tài và thể loại.
Về đề tài: Nhân vật chính hoặc trung tâm phần lớn là thanh niên hoặc trung niên. Đề tài về thanh thiếu niên với tình bạn hoặc tình yêu thời đi học có nhiều trong các tác phẩm chuyển thể của Nguyễn Nhật Ánh như Cô gái đến từ hôm qua, Mắt biếc... Phim về thiếu nhi có Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Bảo mẫu siêu quậy...; về tình yêu có Dành cho tháng sáu, Cô dâu đại chiến…; về gia đình có Bố già, Sài Gòn nhật thực, Cái giá của hạnh phúc, Lật mặt 7: một điều ước...; về đời sống nông thôn có Giấc mộng giàu sang, Lấy chồng người ta...; về tình anh em có Anh trai yêu quái; phản ánh hiện tượng xã hội về quan hệ luyến ái đồng giới có Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt (gọi tắt là Hot boy nổi loạn) còn thể hiện nét xấu trong xã hội là nạn điếm, điếm đồng tính nam; về “xã hội đen” có Chị mười ba. Thưa mẹ, con đi là phim về tình yêu đồng tính nam nhưng có thêm sự cảm thông của người mẹ, dù rất đau lòng. Ngoài ra còn có phim về quan hệ ở công sở: Bạn gái tôi là sếp; về đề tài lịch sử có: Tây Sơn hào kiệt, Khát vọng Thăng Long, Mỹ nhân...; những phim phát triển truyện dân gian: Tấm Cám, chuyện chưa kể, Trạng Tý, Thạch Sanh, chuyện chưa kể; về thân phận con người giữa cuộc sống bề bộn: Mai.
Về thể loại: Các nhà sản xuất nhạy cảm nắm bắt yêu cầu của khán giả nên ngoài việc tìm kiếm các đề tài mới lạ, họ cũng sử dụng nhiều thể loại phim chưa từng xuất hiện trong thời điện ảnh bao cấp. Ngoài những phim hài rất được yêu thích như Long ruồi, Tèo em... thì phim nào cũng có yếu tố hài hoặc hề để vừa lòng khán giả, ví dụ phim về gia đình rất ăn khách Bố già kể câu chuyện về tình cảm đối với gia đình của nhân vật chính Bố già vẫn chêm vào yếu tố gây cười như chuyện người đàn ông tiểu tiện ngay trong góc phố, thằng bé béo tròn mặc quần trễ hở cả mông. Có thể nói loại phim kể chuyện tự sự bình thường chiếm đa số. Nhưng cũng có nhiều thể loại khác, ví dụ: phim hài giả tưởng có Thầy pháp mù...; phim hành động - võ thuật có Dòng máu anh hùng, Hai Phượng...; phim xuyên không có Cô ba Sài Gòn, Đôi mắt âm dương...; phim ma quỷ có Bắc Kim Thang, Lật mặt 4: Nhà có khách...; phim đuổi bắt có Chạy đi rồi tính...; phim tâm linh, kỳ dị có Quỷ cẩu... Có một số phim nghệ thuật được đánh giá tốt như: Mùa len trâu, Đảo của dân ngụ cư, Song lang, Tro tàn rực rỡ, Bên trong vỏ kén vàng. Xuất hiện thể loại phim sex như Bi, đừng sợ, Cha và con và... (phim này được chiếu ở nước ngoài với tên Ký sự Mê Kông) hoặc phim có yếu tố tình dục như Người vợ ba.
3.4. Phim làm lại (remake)
Một thời gian nở rộ phim làm lại, chủ yếu là các phim làm lại của Hàn Quốc, một vài phim của Thái Lan và Indonesia, có tới hơn một chục phim. Các phim được remake không phải là những phim kinh điển mà là những phim ăn khách, nhiều phim remake cũng đạt được doanh thu cao. Có thể kể đến một số phim làm lại: Bạn gái tôi là sếp (2017), Tháng năm rực rỡ (2018), Anh trai yêu quái (2019), Tiệc trăng máu (2020).
Mặc dù biên kịch và đạo diễn cố gắng Việt hoá phim của mình nhưng ở một vài phim vẫn còn dấu vết của nguyên tác, không phù hợp với khán giả Việt Nam. Ví dụ, trong Tháng năm rực rỡ có những cảnh khó chấp nhận như hai nữ sinh cùng lớp đánh nhau, có một nữ sinh cầm lưỡi dao cạo rạch mặt bạn kia hoặc hai bạn gái làm hòa với nhau thì cùng nhau ngồi bên chai rượu, bốn bà mẹ trung niên rủ nhau đi đánh một đứa bạn học bắt nạt đứa con gái của một người trong số đó..., những điều đó không phù hợp với giáo dục Việt Nam và dường như đó là ảnh hưởng của phim gốc (đã có phim Hàn Quốc chiếu trên truyền hình Việt Nam, trong phim có một y tá bắt những người dưới quyền đứng xếp hàng ngang rồi đá vào ống quyển chân từng người). Hiện tượng remake này rộ lên như thế không phải là tích cực vì nó sẽ ảnh hưởng đến điện ảnh trong nước, cũng bởi kịch bản phim Việt Nam đang thiếu và yếu, cần được vực dậy. Gần đây, hiện tượng này đã giảm rõ rệt.
Phim Việt Nam đã đoạt một số giải thưởng quốc tế như: Đập cánh cửa giữa không trung đoạt giải Đặc biệt tại Liên hoan phim ba lục địa (Nantes - Pháp, 2014); Mùa len trâu đoạt giải Đặc biệt tại Liên hoan phim Amazonas (Brazil - 2004); Song lang đoạt giải Phim truyện xuất sắc tại Liên hoan phim LGBT quốc tế Atlanta và một vài giải thưởng phụ ở vài liên hoan phim khác; Ròm đoạt giải New Current (giải cho Phim đầu tay xuất sắc) tại Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc); Tro tàn rực rỡ đoạt giải Khinh khí cầu vàng tại Liên hoan phim ba lục địa (Nantes - Pháp, 2022); Bên trong vỏ kén vàng đoạt giải Camera d’or (Pháp - 2023). Cũng có một số giải thưởng ở vài liên hoan phim nhỏ cho biên kịch, đạo diễn hoặc âm nhạc.
Như vậy là với chính sách mở cửa kịp thời, cho thành lập hãng phim tư nhân, điện ảnh Việt Nam đã có những thay đổi rõ rệt. Số lượng phim nhiều lên, đề tài và thể loại phần nào đáp ứng yêu cầu người xem. Đã có những phim đạt doanh thu trên dưới 100 tỉ đồng, 200 tỉ đồng, 300 tỉ đồng, tiêu biểu là hai bộ phim Bố già và Nhà bà Nữ đạt doanh thu hơn 430 tỉ đồng, Mai đạt hơn 500 tỉ đồng, Lật mặt 7: Một điều ước (2024) đạt gần 450 tỉ đồng. Khán giả đã có phim để xem, một vài phim cạnh tranh được với những phim “bom tấn” của Mĩ hoặc Hàn Quốc. Nhưng trong tổng thể hiếm những phim có chất lượng nghệ thuật tốt thì nhiều phim hài nhạt, vô bổ, không đáp ứng yêu cầu giải trí. Đây là điều cần xem xét, nếu có thể thì nhà nước phải hỗ trợ bởi một phần vì điện ảnh là nghệ thuật, không phải chỉ là hàng hoá, có trách nhiệm nâng cao thị yếu thẩm mĩ của công chúng, phần khác là nếu có phim chất lượng thì mới phát hành được ra nước ngoài, hội nhập thế giới, là kênh truyền bá văn hoá Việt Nam.
Trong khi một số phim làm có chất lượng nghệ thuật thì đã có vài bộ phim gây dư luận trái chiều. Trước hết kể đến phim Bi, đừng sợ, ngoài cảnh làm tình dữ dội của bố Bi còn có cảnh cô Bi – cô giáo chưa chồng – lấp ở bụi lau nhìn trực diện một nam sinh của mình quần đùi trắng ướt sũng đi tiểu, cảnh cô Bi và lão thầu khoán trần truồng làm tình giữa ban ngày ở bãi biển. Phim Cha và con và... có cảnh hiếp một bé gái trên thuyền, bé chửa thì đuổi bé về quê hoặc đôi đồng tính nam vuốt ve nhau. Phim Đảo của dân ngụ cư đúng là một ốc đảo vì không liên quan gì đến xã hội chung quanh nhưng câu chuyện và hình ảnh phim đậm chất sex và bạo lực… Cốt truyện phim Ròm là xã hội đen tăm tối, ác độc lại lấy bối cảnh thực của Sài Gòn hiện tại, khiến khán giả phản ứng. Vị miêu tả cuộc sống quần hôn của một cầu thủ da đen thất nghiệp ở với bốn người đàn bà luôn ở trần, có lúc là cảnh khoả thân hoàn toàn. Người vợ ba kể câu chuyện một cô bé (thời trước) mười ba tuổi được gả bán cho một địa chủ vùng trung du; người đóng vai vợ ba này cũng là một cô gái mười ba tuổi, có đóng những cảnh sex trong phim, phim này phạm Luật bảo vệ trẻ em. Một số người, nhất là người nước ngoài, cho đây là sự đột phá để hội nhập. Nhưng xét cho cùng, mọi sự đột phá phải phù hợp với văn hoá và phong tục Việt Nam. Rất may là những phim này không nhiều, phần lớn là phim do các quỹ nước ngoài tài trợ, mặc dù điều đáng hoan nghênh nhưng cũng thật đáng tiếc là các đạo diễn này làm phim với tay nghề vững.
Tóm lại, số lượng phim điện ảnh Việt Nam có khả năng ngày được nâng cao. Số phim ăn khách vẫn sẽ tiếp tục khi mà các nhà làm phim nắm bắt tốt thị yếu của khán giả. Vấn đề còn lại là làm thế nào nâng cao chất lượng phim để điện ảnh thực hiện được vai trò giáo dục thẩm mĩ cho công chúng và có khả năng hội nhập với màn ảnh các nước.