Gốm Biên Hòa với lịch sử lâu đời và kỹ thuật chế tác tinh xảo, đã để lại những dấu ấn đậm nét trên các công trình kiến trúc Đông Nam Bộ. Xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, dòng gốm này không chỉ là đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật thủ công truyền thống mà còn mang đến những giá trị văn hóa, lịch sử và thẩm mĩ độc đáo cho các công trình xây dựng. Điểm đặc trưng của gốm Biên Hòa nằm ở sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật chạm khắc, nhiệt độ nung và cách pha chế men độc đáo, với nhiều màu sắc phong phú và họa tiết trang trí lấy cảm hứng từ thiên nhiên, văn hóa dân gian và đời sống thường nhật. Các sản phẩm gốm Biên Hòa không chỉ giới hạn ở đồ gia dụng mà còn được ứng dụng rộng rãi trong các công trình kiến trúc như gạch lát nền, phù điêu, tượng tròn và nhiều chủng loại hoa văn trang trí khác.
Gốm Biên Hòa gắn liền với các di sản kiến trúc địa phương, tiêu biểu như Chợ Bến Thành, Nhà Hội Bình Trước, Đài phun nước Quảng trường Song Phố, Đài kỷ niệm chiến sĩ Thành phố Biên Hòa và Văn Miếu Trấn Biên. Phần lớn những chi tiết trang trí bằng gốm thường có màu sắc rực rỡ, không chỉ làm nổi bật không gian kiến trúc mà còn góp phần tăng tính bền vững nhờ khả năng chịu nhiệt, chống thấm và có độ bền cao. “Gốm Biên Hòa là sự kết hợp của nhiều màu men, cùng với độ dày mỏng khác nhau, khi ánh sáng chiếu vào sẽ tạo nên những sắc độ đậm nhạt, sáng tối, thể hiện tính trang trí cao. Điều này đã thể hiện qua những công trình nghệ thuật công cộng của gốm Biên Hòa”1. Ngoài ra, gốm Biên Hòa còn truyền tải câu chuyện văn hóa, phản ánh đời sống tinh thần của người Việt qua các họa tiết như rồng, phụng, hoa sen, hay các biểu tượng tín ngưỡng khác, đây chính là một trong những yếu tố góp phần làm cho các công trình kiến trúc trở nên khác biệt và giàu bản sắc hơn.
Ngày nay, gốm Biên Hòa vẫn được bảo tồn và phát triển như một phần của di sản văn hóa. Các nghệ nhân vẫn không ngừng sáng tạo bằng cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật gia công truyền thống với phong cách tạo hình hiện đại nhằm đưa dòng gốm này đến gần hơn với đời sống. Nhờ vậy, gốm Biên Hòa không chỉ góp mặt trong các công trình kiến trúc cổ xưa, mà còn xuất hiện ở các dự án hiện đại ngày nay, góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
1. Đặc điểm kỹ thuật, hình dáng và họa tiết đặc trưng của gốm Biên Hòa
Gốm Biên Hòa là một trong những dòng gốm nghệ thuật nổi bật ở Đông Nam Bộ, mang đậm dấu ấn vùng miền và phong cách sáng tạo độc đáo. Gốm Biên Hòa không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng, mà còn trở thành biểu tượng nghệ thuật giàu bản sắc. Nghiên cứu các đặc điểm kỹ thuật, hình dáng và họa tiết đặc trưng của gốm Biên Hòa cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố là kỹ thuật thủ công truyền thống và tinh thần sáng tạo về men gốm, làm nên những sản phẩm vừa bền vừa có tính thẩm mĩ cao.
1.1. Về đặc điểm kỹ thuật
Điểm đặc trưng của gốm Biên Hòa khi ứng dụng trong kiến trúc là khả năng thích nghi, từ trang trí ngoại thất như tường, cột, mái, đến các chi tiết nội thất như phù điêu, tượng tròn, lan can và tiểu cảnh đều có thể sử dụng được. Gốm Biên Hòa thiên về trang trí, bằng phương pháp vẽ nét chìm, đắp nổi, hoặc đục thủng để tạo hoa văn và sau đó chấm men. Ngoài trang trí trong kiến trúc, sản phẩm gốm Biên Hòa cũng rất đa dạng, bao gồm bình, hũ, lọ, chóe, chậu, đôn voi, bàn ghế tròn, đèn lồng, đĩa trang trí, tượng voi, tượng lân, tượng người… Các sản phẩm được chế tác thủ công, hoặc sử dụng khuôn mẫu để làm form theo hình dáng thiết kế sẵn, với nhiều chủ đề khác nhau, từ hoa lá, chim, thú đến các biểu tượng văn hóa quen thuộc như rồng, phụng hay bát tiên, bát bửu.
Theo tác giả Nguyễn Minh Anh, trong bài viết “Gốm Biên Hòa thời Balick”, đăng trên Tạp chí Mỹ thuật tháng 4/2023: “Men Pháp tráng lên gốm phương Đông không phù hợp, bà Balick lập nhóm nghiên cứu và đã tìm ra hệ thống men mới, đặt tên là (men ta), nguyên liệu chủ yếu từ trong nước như đá trắng An Giang, vôi Càng Long, tro rơm, tro củi (tro lò), tro trấu và kiếng, còn kim loại tạo màu là mạt đồng, đá đỏ (đá ong Biên Hòa) và bột màu xanh dương (coban), ngoài ra còn có màu đá đỏ, trắng ta cũng được ưa chuộng, nhiệt độ nung 1280°C-1300°C”2. Màu men gốm Biên Hòa khá bền đẹp, đặc biệt lớp men sáng bóng với các tông màu như xanh lam, nâu đất, vàng nhạt và xanh lục, dễ tạo điểm nhấn khi được đưa vào trang trí. Sự kết hợp hài hòa giữa thủ công truyền thống và thiết kế hiện đại đã giúp cho gốm Biên Hòa trở thành một phần không thể thiếu trong việc nâng cao giá trị thẩm mĩ cho các công trình kiến trúc Đông Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX.
1.2. Hình dáng và họa tiết trang trí
Gốm Biên Hòa trên các công trình kiến trúc là biểu hiện rõ nét của sự kết hợp giữa tính thực tiễn và nghệ thuật trang trí biểu đạt. Các sản phẩm gốm mang hình khối đa dạng, từ những mảnh nhỏ dùng cho trang trí tiểu tiết, đến các phù điêu lớn, đầu đao, bờ mái, đầu đao, trụ cột, hay các mảng ghép ốp tường, hình dáng của chúng đều được thiết kế phù hợp với từng thể loại, đảm bảo hài hòa giữa không gian và chức năng xử dụng của mỗi công trình. Các mảnh gốm nhỏ thường có hình dáng đơn giản, màu sắc hài hòa, đường nét uyển chuyển mềm mại, thích hợp để ghép thành các bức phù điêu trang trí trên tường hoặc lát nền, những chi tiết lớn hơn như phù điêu, tượng trang trí, đầu đao, bờ nóc, thường có bố cục mạnh mẽ cân đối, được cách điệu dưới nhiều hình thức khác nhau. “Những nội dung trang trí với những hình ảnh quen thuộc, được tái tạo thành những họa tiết không câu nệ, sao chép thiên nhiên, mà tất cả đều được nghệ thuật hóa mang tính trang trí, người vẽ đã bắt lấy cái thần của sự vật bằng những nét chu vi chọn lọc điển hình, sinh động và có hồn”3.

Ngoài ra, gốm Biên Hòa còn được chế tác để phù hợp với các cấu trúc phức tạp như bệ thờ, cổng tam quan, hoặc trang trí mái đình, nơi cần đến sự đồng nhất giữa tính bền vững và thẩm mĩ. Trong mỗi công trình, các nghệ nhân đều tính toán tỉ mỉ, từ nội dung, bố cục, hình thức diễn đạt, mầu sắc, cấu trúc, độ bền, đảm bảo với khả năng chống chọi và chịu đựng trong mọi điều kiện thời tiết nhưng vẫn tạo nên sự gắn kết, hài hòa, giữa tổng thể kiến trúc với môi trường đô thị xung quanh. Phù điêu trang trí thường được đắp nổi, khắc chìm và vẽ tay, sau đó phủ men tạo hiệu ứng, men gốm Biên Hòa đặc trưng với các gam màu tự nhiên như xanh lục, xanh lam, nâu đất, vàng nhạt, tạo nên sự hài hòa bắt mắt, quy trình tráng men được thực hiện tỉ mỉ, đảm bảo lớp men bóng, đều và bền đẹp theo thời gian. Gốm Biên Hòa nổi bật nhờ sự hòa quyện tinh tế giữa nghệ thuật trang trí và kỹ thuật chế tác, không chỉ chinh phục thị trường trong và ngoài nước mà còn khẳng định vị thế và giá trị văn hóa sâu sắc. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt, chứa đựng câu chuyện về thiên nhiên, con người và môi trường sống. Chính những đặc trưng này đã giúp gốm Biên Hòa không chỉ trở thành di sản văn hóa vùng miền mà còn là biểu tượng tinh thần, kết nối giữa truyền thống và hiện đại, trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.
2. Gốm Biên Hòa trang trí trên các công trình kiến trúc
2.1. Nghệ thuật trang trí gốm Biên Hòa trên kiến trúc
Chợ Bến Thành Chợ Bến Thành là công trình kiến trúc hiện đại độc đáo, không chỉ là nơi giao thương sầm uất mà còn là nơi “lưu giữ” 12 tác phẩm phù điêu của nhà điêu khắc Lê Văn Mậu, tấm lớn (2,2m x 1,5m), tấm nhỏ (2,0m x 1,4m), được đặt trên các cửa ra vào. Mỗi cửa gắn ba tấm, tấm lớn ở giữa và hai tấm nhỏ hai bên. Phù điêu mang biểu tượng hình cá đuối với nải chuối (cửa Tây), hình con vịt xiêm với nải chuối (cửa Bắc), hình con bò với con vịt (cửa Đông), đầu bò với cá đuối (cửa Nam). Nội dung và thủ pháp trang trí được thể hiện bằng những đường nét, màu sắc và mảng khối đơn giản, theo phong cách lược tả hiện đại phương Tây nhưng vẫn bình dị, gần gũi, thân quen, mang đậm yếu tố văn hóa vùng miền sông nước Đồng Nai, phù hợp với công trình kiến trúc và cảnh quan môi trường phố xá xung quanh.
Các bức phù điêu tại chợ Bến Thành được thực hiện hoàn toàn thủ công, sử dụng kỹ thuật chạm khắc và đắp nổi, tạo nên các họa tiết sống động. Lớp men bóng đặc trưng của gốm Biên Hòa có tông màu xanh lam, xanh ngọc, vàng nhạt, trắng và nâu sậm, nó không chỉ bảo vệ phù điêu khỏi thời tiết khắc nghiệt mà còn làm nổi bật vẻ đẹp tinh tế của từng chi tiết. “Phù điêu chợ Bến Thành dùng chủ đạo hai màu men nổi tiếng của gốm Biên Hòa: men trắng ta và men xanh đồng (Vert de Bienhoa). Vert de Bienhoa, men màu xanh đồng nổi tiếng của gốm Biên Hòa, là men tro, chất tạo màu là hợp kim đồng”4. Màu men dùng cho sản phẩm gốm được nghệ nhân pha chế phần lớn với nguyên liệu lấy từ thiên nhiên như tro rơm, tro trấu, đá ong kết hợp với một vài thành phần các hợp chất khác, để cho ra một loại men đặc biệt theo ý muốn, “gọi là men ta”. Dòng sản phẩm gốm Biên Hòa một thời nổi tiếng Đông Dương cũng chính từ cách pha chế truyền thống này, mỗi tấm phù điêu trên cổng chợ Bến Thành là một tác phẩm nghệ thuật, mang đậm nét trang trí, thể hiện các chủ đề về cảnh sắc thiên nhiên, môi trường và đời sống xã hội, là biểu tượng văn hóa vùng miền lâu đời, của mỗi dân tộc trong cộng đồng làng xã Việt Nam.
Hình tượng con cá, con vịt, đầu bò, hay các hoạt cảnh mây trời sóng nước, trang trí trên cổng chợ Bến Thành, đều được tái hiện một cách chân thực, sinh động. “Hình dáng của sản phẩm gốm được quy định bởi nếp sống, nếp suy nghĩ, cá tính, trình độ thẩm mĩ của nghệ nhân sáng tạo cũng như công chúng mà nó hướng tới. Đồng thời được quyết định bởi xu hướng và quan niệm thẩm mĩ của thời đại… Nhờ sự kết hợp hài hòa của nhiều màu men, mỗi đồ án trang trí hiện diện như một tác phẩm hội họa với đầy đủ các yếu tố về bố cục, đường nét, không gian và thời gian”5. Sự sắp xếp các chi tiết hài hòa, tỉ lệ cân đối giữa các mảng miếng, không chỉ đơn thuần là bức tranh tổng thể về thẩm mĩ mà còn phản ánh giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng của công trình, làm tăng giá trị biểu tượng cho chợ Bến Thành, tạo nên điểm nhấn nghệ thuật độc đáo, đồng thời thể hiện sự gắn kết giữa kiến trúc Pháp và văn hóa Việt Nam. Trong một nghiên cứu về về gốm Biên Hòa, TS Đoàn Minh Ngọc cũng cho rằng “Gốm Biên Hòa đã thể hiện được những yếu tố quan trọng của nghệ thuật trang trí, đồng thời khẳng định phong cách độc lập trong sáng tạo của người nghệ nhân xưa”6.

Ngoài ra, màu sắc và họa tiết 12 bức phù điêu trên cổng chợ Bến Thành còn góp phần làm dịu đi vẻ ồn ào phố thị, đồng thời tạo nên sự gắn kết đồng bộ của công trình kiến trúc, mang đến cảm giác ấm áp, gần gũi, thân quen. Tuy nhiên, do nung bằng củi, lửa trong lò không đều, nên đôi khi trên cùng một sản phẩm, chúng lại có màu sắc đậm nhạt khác nhau, tạo ra sự khác biệt rõ nét, điều này rất hiếm thấy trên gốm trang trí trên các công trình kiến trúc trước đây. Kỹ thuật tráng men đặc trưng của gốm Biên Hòa với màu sắc truyền thống tươi sáng như xanh lam, xanh lục, nâu đất, tạo nên sự nổi bật, góp phần tôn vinh nét đẹp cho các công trình kiến trúc mang dấu ấn Sài Gòn xưa.
2.2. Gốm Biên Hòa trang trí trên kiến trúc nhà hội Bình Trước
Kiến trúc nhà hội Bình Trước khá kiên cố do tỉnh trưởng Biên Hòa Bolen chủ trương xây dựng vào năm 1936. Tọa lạc trên trục lộ giao thông chính của trung tâm thành phố Biên Hòa, xung quanh là những công trình xây cất hiện đại. Các bức phù điêu trang trí được thiết kế với bố cục chặt chẽ, hài hòa và thống nhất. Nội dung trang trí xoay quanh các chủ đề thiên nhiên, văn hóa tín ngưỡng và đời sống tâm linh của cư dân bản địa. Những hình ảnh này không chỉ mang ý nghĩa thẩm mĩ mà còn là biểu trưng cho sự phồn thịnh, gắn liền với triết lý nhân sinh của người Việt cổ xưa.
Điểm nhấn nổi bật nhất trong trang trí kiến trúc nhà hội Bình Trước là hình tượng rồng thời Lý, với thân hình dài, mảnh mai, được chia thành nhiều đoạn, uốn lượn chìm ẩn giữa những đám mây. Đầu rồng có nhiều vây mỏng, vảy nhỏ, râu dài, thanh thoát, uyển chuyển, khác biệt với hình tượng rồng dũng mãnh, đầu to, sừng dài, móng vút nhọn, thân hình đồ sộ trong các công trình kiến trúc thời Nguyễn (cùng kỳ). Bên dưới hình tượng rồng là các hoa văn cách điệu được bố trí đối xứng, lấy cảm hứng từ thiên nhiên như hoa lá, dây leo cách điệu, hay các họa tiết mang dáng dấp của văn hóa Á Đông như chữ phúc, chữ vạn được thể hiện một cách tinh xảo, tạo không gian trang trí giàu tính nghệ thuật, với hai màu đặc trưng chính là xanh lam và xanh ngọc. Xanh lam thể hiện sự trang nhã cổ kính, trong khi màu xanh ngọc mang đến cảm giác thanh thoát nhẹ nhàng. Sự kết hợp linh hoạt giữa hai màu sắc trong không gian kiến trúc truyền thống, tạo nên một tổng thể hài hòa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức thẫm mĩ của cư dân địa phương.
Trên bờ nóc, nghệ thuật trang trí gốm cũng được áp dụng một cách khéo léo, họa tiết hoa văn hình chữ vạn cổ, hay các loại hình hoa văn trang trí khác, đều được cách điệu và sắp xếp theo một trình tự logic, tạo nên sự thống nhất hài hòa. Đặc biệt, trên đầu đao, hoa văn dạng hình rồng được thể hiện tinh tế, với những đường uốn cong mềm mại, mang tính biểu tượng, giống với hoa văn trang trí trong kiến trúc đình làng Bắc Bộ Việt Nam. Một trong những điểm nhấn đặc biệt của công trình là dòng chữ Hán “Nhà hội Bình Trước” được đặt nổi bật phía trên tiền sảnh, hai bên cửa chính của công trình là cặp câu đối, được làm bằng bằng gốm men lam, mỗi chữ đầu trong câu khi ghép lại sẽ tạo thành tên “Bình Trước”, mang ý nghĩa sâu sắc về lịch sử, văn hóa của cư dân địa phương.
Nghệ thuật gốm trang trí trong công trình kiến trúc, là một minh chứng về sự dung hòa giữa nội dung, chủ đề, thủ pháp và kỹ thuật điêu khắc gốm, trên các công trình kiến trúc xưa và nay, nó không chỉ làm đẹp và nâng cao hiệu quả cho không gian sống mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc. Sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố nghệ thuật và kiến trúc truyền thống đã tạo nên một di sản nhà hội Bình Trước độc đáo, phản ánh rõ nét tinh thần và bản sắc văn hóa của người Đồng Nai.
2.3. Gốm trang trí trên Đài kỷ niệm chiến sĩ thành phố Biên Hòa
Công trình được chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng vào năm 1923, đây là công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, phản ánh sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Pháp trong thời kỳ thuộc địa. Công trình được thiết kế theo mô hình Ngọ Môn Huế thời Nguyễn. Đài kỷ niệm do vợ chồng GS Robert Balick cùng đội ngũ giáo viên và học sinh Trường Bá Nghệ Biên Hòa thi công. Công trình được xây dựng công phu với sự kết hợp hài hòa giữa bố cục không gian và các yếu tố trang trí. Ở vị trí trung tâm của công trình, trên mỗi tụ cột là hình tượng hoa sen, chính giữa là hình mặt trời, phía dưới khắc ba chữ Hán “Chiến sĩ đài”. Tấm bia đặt bên trong khắc bốn chữ “Vị quốc vong khu”, thể hiện ý nghĩa tri ân những chiến sĩ đã hi sinh. Trước mỗi trụ cột của công trình có 16 chữ Hán, mỗi chữ được làm bằng một mảng gốm độc lập ghép lại, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt cho đài.
Kiến trúc Đài kỷ niệm chiến sĩ không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn là một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, thể hiện tinh thần và phong cách nghệ thuật triều Nguyễn. Một trong những điểm nhấn quan trọng của công trình là cổng đài với trái châu hình cầu lửa được làm bằng gốm men xanh, đặt trên một trụ ngắn, bên dưới là bệ đỡ dạng tháp núi, trang trí hoa văn hình mây, tạo nên sự uy nghiêm, trang trọng. Ngoài ra, phần dưới của công trình được chia thành những ô học với nhiều chi tiết trang trí phong phú khác nhau, nổi bật là hình lư hương ở giữa, hai bên có hai bức cuốn thư và hình bầu rượu, đều là những chi tiết mang đậm dấu ấn của phong tục thờ cúng, trong văn hóa phương Đông. Đặc biệt, hình ảnh quả phật thủ cũng được chạm khắc tinh tế, biểu tượng cho lòng thành kính đối với những người đã khuất, mong họ được siêu soát, sớm trở về cõi Phật.
Đài kỷ niệm chiến sĩ được xây dựng bằng bê tông cốt thép và trang trí chủ yếu bằng gốm men truyền thống, một trong những loại gốm đặc trưng của vùng đất Biên Hòa. Màu sắc chủ đạo là xanh lam, xanh ngọc được kết hợp đan xen với các mảng gốm màu vàng nhạt và trắng, tạo nên sự hài hòa trang nhã. “Đặc trưng truyền thống của gốm cổ Đồng Nai là sự đa dạng về chất liệu, màu sắc, loại hình kiểu dáng phong phú, chất lượng rắn chắc, trang trí mộc mạc, dồi dào về số lượng”7. Nghệ thuật chạm khắc trên gốm cũng được thể hiện một cách tinh tế, giúp công trình mang nét đặc trưng riêng, không lẫn với bất kỳ công trình kiến trúc nào khác. “Trong từng trường hợp cụ thể, họ tự do gạt bỏ những chi tiết làm cho hình khối xấu đi, mặc dầu các chi tiết ấy vốn nằm sẵn trong những hiện vật cổ mà nghệ nhân hằng tham khảo. Họ sáng tạo theo cảm hứng. Điều này rất đáng được lưu ý: mỗi người nặn gốm của mọi thời đều có thể dựa trên kinh nghiệm cá nhân mà chấp nhận rằng, muốn cho hình dáng của sản phẩm có sức sống, có hồn, thì không thể nào xem nhẹ cái vuốt phóng túng của đôi bàn tay lành nghề trên bàn xoay”8.

Đài kỷ niệm chiến sĩ không chỉ là một công trình kiến trúc tiêu biểu mà còn mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Dưới thời Pháp thuộc, công trình này được xây dựng để tưởng nhớ những người Việt đã hi sinh trong các cuộc chiến tranh do Pháp phát động. Tuy nhiên, trải qua thời gian và sự thay đổi của lịch sử, đài kỷ niệm này đã trở thành một trong những biểu tượng tri ân đối với những người con đất Việt đã hi sinh vì quê hương Tổ quốc. Bên cạnh giá trị lịch sử, Đài kỷ niệm chiến sĩ còn là một minh chứng rõ nét về sự phát triển của nghệ thuật gốm Biên Hòa, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống và gốm mĩ nghệ Biên Hòa, qua bàn tay khéo léo tinh xảo của các nghệ nhân Việt Nam.
Ngày nay, công trình vẫn đứng vững như một dấu ấn lịch sử quan trọng, là nơi để thế hệ sau có thể nhìn lại quá khứ, trân trọng những hi sinh của cha ông và gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc. Với giá trị kiến trúc, nghệ thuật và lịch sử sâu sắc, Đài kỷ niệm chiến sĩ Biên Hòa là một di sản đáng trân trọng. Đây không chỉ là một công trình tưởng niệm mà còn là biểu tượng của sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Sự tồn tại của công trình này nhắc nhở chúng ta về những trang sử hào hùng của dân tộc, đồng thời cũng là niềm tự hào về nghệ thuật kiến trúc Việt Nam thời Nguyễn. Đài kỷ niệm chiến sĩ xứng đáng là một điểm nhấn lịch sử quan trọng, cần được bảo tồn và phát huy những giá trị mới trong tương lai.
2.4. Nghệ thuật gốm trang trí trên đài phun nước quảng trường Sông Phố
Đài phun nước tại quảng trường Sông Phố ở Biên Hòa là một công trình mang ý nghĩa văn hóa và lịch sử sâu sắc. Được xây dựng vào năm 1967, đài phun nước này nổi bật với ba tượng cá hóa long, một hình ảnh đầy ý nghĩa biểu tượng trong văn hóa Việt Nam. Ông Nguyễn Háo Thoại, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho rằng: “Cụm tượng này thể hiện ý niệm về bộ tam tài trong văn hóa dân gian. Ba tượng cá hóa long cũng gợi nhớ đến truyền thuyết cá chép hóa rồng, biểu tượng cho sự nỗ lực, kiên trì và thành công”.
Mỗi tượng cá trang trí trên đài phun nước cao khoảng 150cm, thân rộng 40cm và phần đuôi xòe rộng 65cm, được chế tác theo dạng hình khối và tráng men xanh ngọc truyền thống, “Màu xanh lam là màu xanh côban; màu xanh lục (xanh ve chai) là hỗn hợp bột đồng thau và bột phenspat (feldspath); màu vàng được chế tạo từ thổ hoàng (ocre jaune); màu đen từ oxit chì; màu nâu đỏ từ hépatit”9, tạo nên vẻ đẹp hài hòa, có tính thẩm mĩ, mang ý nghĩa và giá trị tâm linh. Cá có phần đầu hóa rồng, mép có vây, mắt mở to, mũi tròn, mỗi bên có hai sừng ép sát vào thân, khiêm nhường nhưng vẫn toát lên sự uy nghi, mạnh mẽ. Trên phần thân đài phun nước, bệ đỡ của đuôi cá được trang trí các hoa văn hình sóng nước, trong khi phần miệng và thành đài được trang trí các hoa văn dạng mây theo phong cách cổ điển, tạo nên một tổng thể hài hòa, mạnh mẽ nhưng mềm mại, uyển chuyển. Tuy nhiên, theo thời gian, một trong ba tượng cá hóa long đã bị mất.
Quảng trường Sông Phố, nơi đặt đài phun nước, đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Do đó, cụm tượng cá hóa long không chỉ là một công trình nghệ thuật mà còn là biểu tượng văn hóa. Công trình này là sản phẩm của nhà điêu khắc Lê Văn Mậu, nguyên Hiệu trưởng Trường Bá nghệ Biên Hòa, cùng các cộng sự thực hiện. Ngoài giá trị nghệ thuật, đài phun nước còn mang ý nghĩa tâm linh và giáo dục. Hình ảnh cá chép hóa rồng đã từ lâu trở thành biểu tượng cho lòng kiên trì và ước mơ vượt khó để đạt đến thành công.
Việc bảo tồn và tu bổ đài phun nước cùng các tượng cá, là một hành động cần thiết mang tính cấp bách. Các cơ quan chức năng và cộng đồng địa phương cần chung tay hành động để đảm bảo rằng, tượng cá hóa long có thể tiếp tục kể câu chuyện về lịch sử, con người của vùng đất Đồng Nai cho thế hệ mai sau. Đài phun nước tại quảng trường Sông Phố không chỉ là một công trình kiến trúc đơn thuần, nó đã trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử đầy ý nghĩa, gợi nhớ về quá khứ, tôn vinh hiện tại và định hướng phát triển cho tương lai. Việc bảo tồn công trình này chính là giữ gìn một phần hồn cốt, để những câu chuyện về sự kiên trì và khát vọng vươn lên tiếp tục được lan tỏa, khắc sâu trong tâm thức mỗi người dân.
2.5. Gốm Biên Hòa trên công trình kiến trúc Văn Miếu Trấn Biên
Văn Miếu Trấn Biên là một công trình mang dấu ấn lịch sử và văn hóa quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, đánh dấu sự phát triển và mở rộng bờ cõi về phía Nam dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm 1715. Với mục đích tôn vinh tư tưởng Nho giáo của Khổng Tử và các danh nhân văn hóa đất Việt, Văn Miếu Trấn Biên thể hiện sự kính trọng hiền tài cũng như tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người xứ Đàng Trong. Trải qua nhiều biến động lịch sử, công trình này bị thực dân Pháp đốt phá vào năm 1861 khi tiến hành chiếm đóng vùng đất Biên Hòa. Mãi đến năm 1998, Văn Miếu Trấn Biên mới được phục hồi và xây dựng lại một cách chỉn chu, hoàn thành vào năm 2002. Từ đó, công trình này trở thành một dấu tích đặc biệt, biểu tượng của tinh thần hiếu học và truyền thống văn hóa Miền Nam Việt Nam.
Một trong những điểm nhấn nghệ thuật đặc sắc tại Văn Miếu Trấn Biên là nghệ thuật gốm trang trí. Các hoa văn gốm tại đây chủ yếu mang các chủ đề truyền thống như tùng, trúc, cúc, mai, tứ linh (long, lân, quy, phụng), tứ quý (bốn mùa) và các họa tiết mang đậm phong cách trang trí thời Nguyễn. Dù được phục dựng lại nhưng các hình ảnh trang trí như rồng, phượng vẫn giữ nguyên tinh thần của nghệ thuật cung đình thời Nguyễn, thể hiện sự tôn nghiêm và vẻ đẹp cổ điển. “Nhà bái đường Văn Miếu Trấn Biên được lợp ngói âm dương xen lẫn ngói men kiểu Trung Quốc. Đầu nhà tam giác là hoa văn hình rồng lá. Đây là hoa văn thường thấy trong gốm Biên Hòa. Tất cả các họa tiết, hoa văn gốm trang trí đều được lấy màu sắc chủ đạo là xanh đồng, xanh coban và men trắng ta truyền thống”10. Ngoài ra trên các vách ngăn, cánh cổng ra vào, chủ đề tùng - trúc được sử dụng phổ biến, tượng trưng cho sức mạnh trường tồn, sự vĩnh hằng và bất diệt. Chất liệu men gốm được sử dụng chủ yếu là men lam, một gam màu truyền thống trong gốm sứ Việt Nam, tạo nên vẻ đẹp trang nhã và hài hòa với không gian kiến trúc tổng thể.
Một chi tiết đặc sắc trong nghệ thuật gốm trang trí tại Văn Miếu Trấn Biên là hình ảnh cặp rồng chầu nhật được đặt trên bờ nóc của tòa chính điện. Đây cũng là motif trang trí quen thuộc trong kiến trúc cung đình triều Nguyễn, với hình ảnh rồng có thân dài, ôm mây, uốn lượn nhiều khúc, đầu có sừng xoắn, râu dài, mũi nhọn, mắt mở to và nanh sắc, tạo nên vẻ uy nghiêm và dũng mãnh. Dọc theo các bờ mái là những hoa văn trang trí hình dây cổ điển, mang đến sự mềm mại và kết nối trong tổng thể công trình. Các đầu đao của Văn Miếu thường được cách điệu hình đầu phụng theo dạng hoa văn vốn cổ, kết hợp với mây trời, sóng nước, tạo nên sự hòa hợp giữa trời và đất, giữa kiến trúc và thiên nhiên. Đầu hồi, đầu chái cũng được trang trí với các phù điêu đầu rồng cách điệu, mạnh mẽ và tinh tế. “Họa tiết hoa văn trên gốm cổ Đồng Nai rất phong phú, đa dạng. Chúng được thể hiện trên các bề mặt của sản phẩm như các đường vạch, chỉ chìm, hay chấm (thẳng, song song xiên, chéo nhau, cong, đường xoáy trôn ốc, đường lượn sóng, đường gãy rời nối tiếp nhau”11.

Các ô hộc trang trí tại Văn Miếu Trấn Biên thể hiện những đề tài quen thuộc trong mĩ thuật truyền thống như tứ linh, tứ quý, bát tiên, bát bửu, không chỉ làm đẹp cho công trình mà còn mang ý nghĩa phong thủy, thể hiện ước vọng về sự phồn thịnh, trí tuệ và đức hạnh. Nghệ thuật gốm trang trí tại Văn Miếu Trấn Biên mang nét đẹp trang nhã, cổ kính và hiền hòa, ăn nhập với kiến trúc và cảnh quan xung quanh. Sự kết hợp hài hòa giữa thủ pháp, chất liệu và màu sắc giúp công trình không chỉ là nơi tôn vinh hiền tài mà còn là biểu tượng văn hóa đặc sắc của vùng sông nước Biên Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung.
3. Kết luận
Gốm Biên Hòa với lịch sử lâu đời và kỹ thuật chế tác tinh xảo, đã khẳng định vị thế đặc biệt trong kiến trúc Đông Nam Bộ. Không chỉ là một loại vật liệu trang trí, gốm Biên Hòa còn mang trong mình giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử sâu sắc, góp phần làm nên bản sắc của nhiều công trình lớn bé khác nhau. Nhờ sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật thủ công truyền thống và sáng tạo trong thiết kế, dòng gốm này đã cho ra những tác phẩm mang đậm dấu ấn thẩm mĩ và bền vững theo thời gian. Với khát vọng làm sống lại hào quang một thời của dòng gốm Biên Hòa, ông Mai Thanh Xin, Giám đốc Công ty Gốm Biên Hòa, cho biết: “Tất cả những sản phẩm hoa văn họa tiết đều là thuần Việt, từ tứ linh, tứ quý, bình bốn mùa, chợ quê, chợ Tết, tranh Đông Hồ đều được chuyển thể vào gốm, chúng tôi khát vọng phục dựng và phát triển để gốm thủ công mĩ nghệ Biên Hòa được hòa chung dòng chảy lịch sử cùng với các dòng gốm Việt Nam khác”.
“Biên Hòa xưa nay đều gắn liền với di sản gốm sứ. Gốm trong kiến trúc, điêu khắc, trang trí, liễn đối, đại tự... đã góp phần quan trọng làm nên giá trị lịch sử, giá trị mĩ thuật, giá trị văn hóa của nhiều di tích lịch sử, nhiều công trình tiêu biểu của Biên Hòa, như: chùa Bửu Phong (1616), chùa Long Thiền (1664), chùa Đại Giác (1665), chùa Ông, đình Tân Lân, nhà hội Bình Trước, Văn Miếu Trấn Biên”12. Các họa tiết trang trí không chỉ phản ánh tính hiện thực mà còn chứa đựng ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng, làm tăng giá trị biểu đạt của không gian kiến trúc. Bên cạnh đó, màu men đặc trưng như xanh lục, xanh lam, nâu đất hay vàng nhạt không chỉ giúp các công trình nổi bật mà còn tăng độ vững chắc trước tác động của thời gian, góp phần nâng cao giá trị thẩm mĩ và văn hóa vùng miền. Sự linh hoạt trong ứng dụng, từ phù điêu, gạch lát mền, đến các biểu tượng trang trí, cho thấy khả năng thích nghi của gốm Biên Hòa với nhiều loại hình kiến trúc khác nhau.
Ngày nay, việc bảo tồn và phát triển gốm Biên Hòa là một thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Các nghệ nhân và nhà thiết kế không ngừng tìm tòi, sáng tạo, để kết hợp giữa những giá trị tinh hoa truyền thống với phong cách đương đại, tạo ra những sản phẩm gốm có tính ứng dụng cao. Theo GS, TS Phan Thị Thu Hiền, “Gốm Biên Hòa thật sự xứng đáng như một biểu tượng quan trọng góp phần nhận diện danh tiếng và thương hiệu địa phương, cần phát huy di sản gốm Biên Hòa gắn liền với công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo theo định hướng phát triển đô thị bền vững, dựa trên di sản văn hóa, hướng tới xây dựng thành phố gốm sứ tương lai”. Do vậy, gốm Biên Hòa không chỉ tồn tại như một di sản văn hóa mà còn tiếp tục phát triển, góp phần gìn giữ và lan tỏa vẻ đẹp kiến trúc Việt Nam. Với giá trị trường tồn, gốm Biên Hòa sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong kiến trúc và nghệ thuật trang trí, trở thành cầu nối quan trọng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Chú thích:
1, 6 Đoàn Minh Ngọc: “Đặc điểm nghệ thuật gốm Biên Hòa”, Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, nguồn: https://hvhnt.dongnai.gov.vn/pages/ newsdetail.aspx?NewsId=2857&CatId=87.
2 Nguyễn Minh Anh: “Gốm Biên Hòa thời balick”, Tạp chí Mỹ thuật 4/2023, nguồn: https:// tapchimythuat.vn/thong-tin-su-kien/tin-my-thuat/ gom-bien-hoa-thoi-balick/.
3, 8 Trần Khánh Chương (2004), Gốm Việt Nam từ đất nung đến sứ, NXB Mỹ thuật.
4 Nguyễn Minh Anh (2023): “Tìm lại tác giả phù điêu Chợ Bến Thành”, Tạp chí Mỹ thuật, https:// tapchimythuat.vn/thong-tin-su-kien/tin-my-thuat/ tim-lai-tac-gia-phu-dieu-cho-ben-thanh/.
5 Trần Đình Quả (2016): “Đặc trưng văn hóa và nghệ thuật gốm Biên Hòa”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, http://vanhoanghethuat.vn/dac-trung-vanhoa-va-nghe-thuat-gom-bien-hoa.htm.
7, 11 Phan Đình Dũng, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Yên Tri (2004), Gốm Biên Hòa, NXB Tổng hợp Đồng Nai.
9 Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đại Phúc (1994), Gốm Cây Mai - Gốm Sài Gòn Cũ, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
10 Ly Na (2024): “Gốm Biên Hòa trên di sản”, Báo Đồng Nai cuối tuần, https://baodongnai.com. vn/dong-nai-cuoi-tuan/202004/gom-bien-hoatren-di-san-3000564/.
12 Nam Hữu (2024): “Gốm Biên Hòa là thương hiệu gốm Việt duy nhất được định danh trên trường quốc tế”, Cổng thông tin điện tử Đồng Nai, https://www.dongnai.gov.vn/pages/newsdetail. aspx?NewsId=42525&CatId=111.