ĐƯỢC CÔNG CHÚNG ĐÓN NHẬN - CÁI ĐÍCH HƯỚNG TỚI CỦA TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT

Bài viết nêu ra thực trạng tác phẩm văn học, nghệ thuật phải 'chật vật' trên đường tìm đến với công chúng, đồng thời đưa ra một số biện pháp khắc phục. Từ đó khẳng định việc đến với công chúng vừa là cái đích mà tác phẩm văn học, nghệ thuật cần đến vừa là mong muốn của những người làm công việc sáng tác.

   Làm thế nào để những tác phẩm văn học, nghệ thuật đến được với công chúng? Đó là một câu hỏi nghe chừng đơn giản nhưng mang lại cho mỗi người làm công tác văn học, nghệ thuật, trong đó có nhiếp ảnh, nhiều cảm xúc. Để ra được “đáp án đúng” cho câu hỏi này, chắc chắn ai trong chúng ta cũng đều trăn trở bằng cả trái tim và trí tuệ.

   1. Thực trạng công chúng đón nhận các tác phẩm văn học, nghệ thuật

   Không như ngày trước, hiện nay nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật phải chật vật trên đường tìm đến với công chúng. Tại sao có hiện tượng này? Trước hết, trong bối cảnh thị trường văn hóa tràn ngập những sản phẩm cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, cả sản phẩm trong nước và nước ngoài, đề tài rất đa dạng làm “loãng” sự quan tâm chú ý của công chúng hoặc giá trị sản phẩm bị “nhiễu”, bị thổi phồng… Tất cả những hiện tượng trên “làm khó”, thậm chí cản bước các tác phẩm trên con đường đến với công chúng. Tìm hiểu sâu hơn, có lẽ không khó để nhận ra những nguyên nhân chính, đó là:

• Trong khi công chúng luôn khao khát tìm những tác phẩm văn hóa, văn nghệ “hợp khẩu vị” thì có thể nhận thấy những “món ăn” đó thực sự không nhiều. Sự lựa chọn của công chúng luôn đúng và chính xác. Vấn đề chính là ở khâu sáng tác, đề tài, nội dung và trình bày nhưng có lẽ trước hết là đối tượng tác phẩm hướng tới. Tác giả nên đặt công chúng làm đối tượng trọng tâm, là đích đến của tác phẩm chứ không phải đặt cái “tôi” của chính mình lên trên hết. Về phía công chúng, khi nhận ra “mình” - dù chỉ một phần nhỏ trong tác phẩm, họ sẽ tự tìm đến và gắn mình với tác phẩm. Trong nhiếp ảnh, những cuộc triển lãm ảnh về người khuyết tật của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á, Trần Thế Phong đã thu hút đông đảo công chúng đến xem mặc dù nhiều người trong số đó không nhìn thấy gì vì họ là người khiếm thị. Họ đến chỉ để được đứng bên tấm hình “nói” về họ, để được người khác kể cho nghe tấm hình “nói” gì. Họ đã “tìm” thấy mình trong tác phẩm. Trong số đông công chúng, chúng ta không thể bỏ qua hàng triệu lao động từ các tỉnh thành trong cả nước về đây để mưu sinh, kiếm sống. Họ là đối tượng cho hoạt động sáng tác và chính họ cũng cần được hưởng thụ những tác phẩm văn học, nghệ thuật “nói” về họ. Như vậy, muốn tác phẩm văn học, nghệ thuật đến được với công chúng và cao hơn nữa, được công chúng đón nhận, điều đầu tiên tác phẩm phải “nói” về công chúng. Hay nói cách khác, tác phẩm văn học, nghệ thuật phải gắn với công chúng. Còn nếu tác phẩm chỉ có đề tài chung chung hay “khoe” cái gọi là tài năng cá nhân tác giả thì việc công chúng ít quan tâm đến tác phẩm, âu cũng là điều dễ hiểu.

• Lực lượng những người làm công tác văn học, nghệ thuật khá đông đảo và ngày càng dồi dào nhưng người tài thực sự không nhiều và số lượng những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao còn ít. Nói điều này là điều không mong muốn nhưng có lẽ chúng ta đều thấy, trong khoảng vài chục năm gần đây, khi lớp văn nghệ sĩ tài ba gạo cội lần lượt ra đi do tuổi cao, sức yếu thì lứa kế cận vẫn “chưa tới”. Thực tế cho thấy, bản thân các văn nghệ sĩ sáng tác không dễ “vươn mình” nếu không có sự đầu tư thiết thực của cả xã hội, trong đó có các cơ quan quản lý.

• Một thực tế khách quan nữa là đề tài chủ đạo của sáng tác văn học, nghệ thuật hiện nay không rõ nét như trong thời kỳ kháng chiến cứu nước. Nếu “đắm mình” vào cuộc sống như theo chủ trương của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chắc chắn chúng ta sẽ có thêm những tác phẩm mang nặng “nghĩa tình” với công chúng. Khi đó, văn học, nghệ thuật sẽ có những tác phẩm đến được với công chúng và được công chúng đón nhận.

• Định hướng sáng tác văn học, văn nghệ trong chừng mực nào đó có thể còn nặng về công tác tuyên truyền, vận động; chú trọng về phong trào nhưng chưa thật sát với quần chúng và chưa khuyến khích đầu tư chiều sâu phát triển nghệ thuật. Do vậy, số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc, có chất lượng nghệ thuật cao được công chúng đón nhận và nhớ đến không nhiều. Điều này cũng dễ hiểu khi đề tài về con người chưa thật sự được đề cao trong sáng tác. Ví dụ: Trong ba năm 2020-2021-2022, đề tài cho cuộc thi về nhiếp ảnh đều chung chung “hướng về Thành phố” chứ chưa đích danh hướng về con người - những công dân của Thành phố mang tên Bác. Nhiều mảng khác trong cuộc sống con người Thành phố, đặc biệt là quần chúng lao động, chưa được khuyến khích khai thác một cách rõ ràng, cụ thể.

• Chủ trương xã hội hóa văn học, nghệ thuật rất đúng đắn và rất có tác dụng về nhiều mặt nhưng ở góc độ nào đó, lợi ích của doanh nghiệp lại được đề cao hơn mức cần thiết. Nhiều tổ chức kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã tác động, kể cả chi phối hoạt động nghệ thuật thông qua công tác giám khảo trong các cuộc thi.

• Công tác quản lý văn học, nghệ thuật chưa thật chú trọng đến đầu tư cho đội ngũ cốt lõi văn nghệ sĩ sáng tác mà chú ý nhiều đến công tác phát triển đội ngũ. Nhiều văn nghệ sĩ có bề dày hoạt động chưa được chú trọng đầu tư hợp lý để thu hút vào lĩnh vực sáng tác. Chính vì vậy, có hiện tượng một số nghệ sĩ gạo cội đứng ngoài hoạt động sáng tác chung của tổ chức hội văn học, nghệ thuật; nhiều văn nghệ sĩ không còn tham gia vào các cuộc vận động, các cuộc thi. Do đó, một khi vắng bóng các “cây cao, bóng cả”, chất lượng các cuộc thi không còn những đỉnh cao như trước. Biết rằng thu hút các văn nghệ sĩ có tiếng tham gia các cuộc thi là khó nhưng không phải không làm được nếu chúng ta muốn làm.

• Sự hòa nhập quốc tế về các sản phẩm văn hóa, các phương tiện giải trí hiện đại có tác động không nhỏ tới việc tiếp thu văn học, nghệ thuật nói chung của công chúng. Ngoài ý nghĩa hòa nhập về chính trị xã hội, văn hóa nước ngoài có tác dụng kích thích nhưng trong chừng mực nào đó đã làm “loãng” những hoạt động văn hóa, văn nghệ trong nước. Điều này khiến các tác phẩm khó “đến” hơn với công chúng.

• Dưới tác động của truyền thông mạng và xu hướng lấn lướt của văn hóa, nghệ thuật ngoại nhập, đòi hỏi sự nỗ lực của văn học, nghệ thuật trong nước phải luôn được chú trọng nâng cao, tăng cường nội lực để cạnh tranh. Mặt khác, dưới tác động mạnh mẽ của truyền thông mạng, sự tập trung của công chúng dành cho văn học, nghệ thuật truyền thống có phần bị giảm sút. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý và bản thân văn nghệ sĩ cần tìm biện pháp giành lại sự quan tâm của công chúng đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Đây là thực tế khách quan mà văn học, nghệ thuật phải đối diện và thích nghi, đồng thời cũng cần tận dụng sức mạnh của truyền thông mạng để phát triển.

• “Gu” hưởng thụ sản phẩm văn học, nghệ thuật của công chúng, đặc biệt là lớp trẻ có thể thay đổi theo thời gian. Điều này đòi hỏi giới sáng tác và biểu diễn cần bám sát, nghiên cứu, điều chỉnh trong sáng tác nhằm thích nghi với sự biến đổi đó, để cho ra những tác phẩm phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng.

   Với những điểm đáng lưu ý trên, chúng ta có thể thấy trong những năm gần đây, văn học, nghệ thuật nước ta đang gặp những trở ngại nhất định khiến tác phẩm khó đến hơn với công chúng. Những trở ngại đó hiện đang gây ra hiện trạng gì cho văn học, nghệ thuật? Chúng ta cùng điểm qua một vài ví dụ:

• Văn hóa đọc bị sút giảm nghiêm trọng, đặc biệt là trong lớp trẻ. Trong khi đó văn học, nghệ thuật truyền thống của dân tộc chủ yếu được bảo tồn, lưu giữ dưới dạng tác phẩm đọc. Điều này mang lại nguy cơ “rỗng” kiến thức về nền văn học, nghệ thuật; sự hiểu biết và tri thức trong công chúng - nhất là trẻ em và những người trẻ tuổi bị suy giảm; sự chênh lệch về kiến thức giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và thế giới, giữa kiến thức cơ bản và giải trí, giữa kỹ năng tiếp thu bền vững và khả năng nhanh nhạy đón nhận những tiến bộ mới.

   Tình trạng các tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất bản rất khó được tiêu thụ. Trừ những trường hợp đặc biệt, số lượng ấn phẩm chỉ giới hạn phổ biến là vài trăm đến vài nghìn bản. Hiệu suất khai thác sách đọc trong các thư viện khá thấp, số lượng bạn đọc đến với thư viện giảm sút. Từ đó tạo ra sự lãng phí lớn trong xã hội và cho cá nhân tác giả cả về công lao động sáng tác, giấy in, công in, lưu chuyển. Ngay tại Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tác phẩm được chọn lọc in nhưng một phần cũng để làm quà tặng vì khó tiêu thụ.

• Các nghệ sĩ nhiếp ảnh và đội ngũ đông đảo những người cầm máy hàng năm chụp nhiều triệu tấm hình nhưng số lượng tác phẩm ảnh được công chúng biết đến và ghi nhận cũng thực sự không nhiều. Các triển lãm ảnh đa phần chỉ được giới chuyên môn và truyền thông quan tâm, còn lại cũng không đến được với công chúng. Ngay cả trong giới chuyên môn, biết đến đã không nhiều nhưng nhớ được, còn ít hơn. Lý do đơn giản vì nhiều tác phẩm ảnh không tạo được ấn tượng cho người xem, trong khi chi phí sáng tác là rất lớn. Âu đó cũng là sự lãng phí, trước hết cho giới sáng tác và cho xã hội nói chung.

   2. Những biện pháp đưa các tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với công chúng

   Cùng với đà phát triển mạnh mẽ của đất nước, chúng ta đang bước vào thời kỳ xây dựng nền công nghiệp văn hóa. Được kinh tế và xã hội nâng bước, đời sống vật chất và tinh thần công chúng ngày một nâng cao, văn học, nghệ thuật theo đó sẽ phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, làm sao để những tác phẩm văn học, nghệ thuật được sáng tác bằng cả tâm huyết của các văn nghệ sĩ được công chúng đón nhận, thực sự là câu hỏi lớn. Để trả lời câu hỏi này bằng việc làm cụ thể, cần đến những biện pháp tổng hợp. Để khắc phục “những nguyên nhân cản bước tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với công chúng”, chúng ta cùng xem xét một số biện pháp sau:

• Trong xu thế tiến tới một nền công nghiệp văn hóa, chúng ta cần coi văn hóa, văn nghệ là một trong những “sản phẩm tinh thần thiết yếu” mà công chúng cần có trong cuộc sống hàng ngày. Đã là sản phẩm công nghiệp (văn hóa) khi được sản xuất và đưa ra thị trường đều phải tuân theo quy luật “cung - cầu”, trong đó “cầu” của công chúng giữ vai trò chủ đạo và khả năng “cung” của các văn nghệ sĩ là quan trọng. Vậy nhưng với vai trò “cung”, trong chừng mực nào đó các văn nghệ sĩ cũng có trách nhiệm vừa đáp ứng vừa “dẫn dắt” trong thị trường.

   Chính vì vậy, đề tài sáng tác văn học, nghệ thuật cần quan tâm đến nhu cầu của công chúng. Nói ngắn gọn, đề tài về con người trong xã hội cần là vấn đề đáng được quan tâm hàng đầu trong sáng tác. Điều này lý giải được tại sao những bộ phim truyền hình về cuộc sống, về những con người bình dị cả ở nông thôn hay thành thị Việt Nam hút khách hơn những bộ phim Hàn Quốc, Đài Loan trước đây.

• So với nhiều loại hình văn học, nghệ thuật khác, nhiếp ảnh có lợi thế là có thể tiếp cận công chúng bằng con đường ngắn nhất, đó là ghi lại hình ảnh con người thông qua loại hình chụp chân dung hay đời thường. Rất tiếc là trong thời gian qua, những loại hình này chưa được chú trọng trong các cuộc thi mà thay vào đó là những hình ảnh phong cảnh mà có thời gian là sử dụng rộng rãi flycam. Tuy nhiên, điều này đang dần được khắc phục trong việc đưa đề tài chủ đạo như trước đây trở về với con người, với công chúng. Nói về con người, có lẽ hình ảnh gần gũi và thân thiện nhất vẫn là người lao động. Tuy đề tài con người và công chúng được đặt lên hàng đầu nhưng trước hết vẫn là chất lượng sản phẩm. Chất lượng quyết định giá trị sản phẩm văn học, nghệ thuật và tất nhiên tài năng của văn nghệ sĩ quyết định tất cả.

• Cùng hướng với đề mục trên, sản phẩm văn học, nghệ thuật cần hướng đến cuộc sống thực mà không nên “dàn dựng hay sắp đặt quá mức” ngay cả trong tư duy sáng tác theo hướng “tô hồng” xã hội. Một khi tác phẩm thiên về hướng tô vẽ quá mức, xa rời thực tế sẽ không sát với cuộc sống số đông công chúng và tất nhiên tác phẩm sẽ khó đến với họ.

   Điều này thấy rõ trong nhiếp ảnh khi thời gian qua vẫn tồn tại hướng sáng tác chủ yếu là tìm tới cái đẹp, kể cả thông qua sắp đặt không thực tế. Chính vì vậy, những hình ảnh đó không phản ánh được cuộc sống thực của công chúng. Từ đó việc nhiều tác phẩm ảnh khó đến được với công chúng âu cũng là chuyện dễ hiểu. Trong khi đó, những tác phẩm hết sức bình dị, chân thực, lay động lòng người như Mẹ con ngày gặp mặt của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đã trở thành biểu tượng nhân văn của tình người Việt Nam khiến ai cũng ghi nhớ và cảm động.

• Khi những tác phẩm văn học, nghệ thuật chưa dồn hết tâm sức hướng tới công chúng thì việc công chúng chưa đón nhận tác phẩm cũng là điều dễ hiểu. Con đường ngắn nhất, ít trở ngại nhất đến với công chúng là tác phẩm văn học, nghệ thuật cần bước ra từ đời sống thực của công chúng và nói về con người.

   “Ngôn ngữ” trong tác phẩm văn học, nghệ thuật dù là chữ viết, âm thanh hay ánh sáng… cần tránh cầu kỳ, phức tạp mà nên đơn giản, dễ hiểu đối với công chúng. Đây cũng là một trong những “con đường thẳng” đưa tác phẩm đến với công chúng. Tuy nhiên, các tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng không nên từ bỏ chức năng dẫn dắt và luôn được cập nhật, mang lại những điều mới mẻ, tốt đẹp cho công chúng, kể cả trong “ngôn ngữ”.

• Phương pháp phổ cập tác phẩm văn học, nghệ thuật cho công chúng cần có tư duy mới theo cách đối với sản phẩm công nghiệp (văn hóa). Trong đó có một ý là ngoài thời gian kinh doanh thu hồi vốn hoặc đã “khấu hao” hết chi phí, tác phẩm văn học, nghệ thuật nên được bán với giá tượng trưng hay tặng cho công chúng. Khi đó chúng ta có thể lấy giá trị phổ cập văn hóa làm mục tiêu, thay vì kinh doanh sản phẩm. Phải chăng xem xét việc thành lập “Quỹ phân phi lợi nhuận điều phối sản phẩm văn học, nghệ thuật” cho công chúng tại các địa phương vùng sâu, vùng xa? Trong thực tế, số lượng sản phẩm văn học, nghệ thuật sau thời gian lưu hành kinh doanh tồn đọng, dư thừa khá lớn. Trong khi đó ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, nhiều thư viện hay các điểm văn hóa rất thiếu những sản phẩm này do thiếu kinh phí mua sắm. Phải chăng chúng ta cùng xem xét thành lập “Quỹ phân phi lợi nhuận điều phối sản phẩm văn học, nghệ thuật” ở các tỉnh thành, địa phương? Đây cũng có thể là phương cách đưa các tác phẩm văn học, nghệ thuật tới công chúng vùng sâu, vùng xa một cách đơn giản và hiệu quả dù có thể chậm về thời gian đôi chút.

   Làm sao để tác phẩm “đến được với công chúng”, hơn thế nữa, “được công chúng đón nhận” – là cái đích tác phẩm văn học, nghệ thuật cần đến. Đó cũng là mong ước, niềm khát khao của những văn nghệ sĩ, đặc biệt là những người làm công việc sáng tác.

Bình luận

    Chưa có bình luận