Làm cách nào để sân khấu có thể giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới là vấn đề không hề đơn giản. Phần lớn những vận động trong lĩnh vực hợp tác quốc tế ở chúng ta còn manh mún, chủ yếu còn dựa vào những mối quan hệ cá nhân của các lãnh đạo đơn vị và các nghệ sĩ. Để sân khấu Việt Nam đến với các quốc gia, bạn bè thế giới có thể chiêm ngưỡng, thưởng thức sân khấu trong những dịp tới Việt Nam… đòi hỏi một tầm nhìn vĩ mô, một kế hoạch mang tính chiến lược, lâu dài.
1. Thực trạng
1.1. Mang sân khấu ra nước ngoài biểu diễn
Đã gần bốn mươi năm từ khi đất nước bước vào thời kỳ “mở cửa” và sự phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ làm mờ đi đường biên phân chia các quốc gia nhưng việc học hỏi, tiếp nhận những tác phẩm sân khấu thế giới cũng như “xuất cảnh” tác phẩm sân khấu Việt Nam vẫn không có nhiều đột phá. Sân khấu là hình thức đòi hỏi trực tiếp được xem biểu diễn, khiến cho việc giới thiệu tác phẩm khá tốn kém khi cần tới công sức của tập thể các nghệ sĩ cùng rất nhiều đạo cụ, trang trí… nên việc tổ chức cho các đơn vị sân khấu ra nước ngoài biểu diễn thường phụ thuộc rất nhiều vào kinh phí và quy mô của các đơn vị mời và được mời.
Từ trước tới nay, việc giới thiệu sân khấu Việt Nam với thế giới vẫn dựa chủ yếu vào các đợt tổ chức ngày văn hóa Việt Nam tại các nước nên mang nhiều màu sắc “ngoại giao” là chính; các thể loại sân khấu được đưa đi giới thiệu vẫn chủ yếu khai thác vốn cổ cha ông để lại như: rối nước, tuồng, chèo…, ít có những kịch chủng dễ hiểu, dễ hòa nhập hơn với các nước như: kịch nói, kịch múa, nhạc kịch. Đợt biểu diễn hoành tráng nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam là khi mang Hăm lét đi biểu diễn ở Singapore khá thành công nhưng khi tiếp tục kế hoạch biểu diễn ở Anh, quê hương của kịch bản kinh điển này, lại bị dừng lại không thời hạn vì kinh phí hoàn toàn phụ thuộc vào sự tài trợ của một doanh nhân. Vì vậy, các kế hoạch lớn, tốn kém, đến biểu diễn ở những nước xa xôi trở thành quá khó khăn.
Gần đây nổi lên hiện tượng của Sân khấu Lệ Ngọc, một sân khấu tư nhân đã được hoạch định xu hướng phát triển vừa phục vụ khán giả trong nước vừa hướng tới việc đưa sân khấu ra nước ngoài, tiếp cận và giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới. Các tác phẩm do đơn vị này dàn dựng đều có nội dung đậm chất văn hóa dân gian như Con gà trống, Cải lão hoàn đồng, Ngũ biến, Thị Nở Chí Phèo, Tấm Cám, Cây tre thần… và gần đây nhất là vở kịch về Bác Hồ Lá đơn thứ 72. Các tác phẩm của Sân khấu Lệ Ngọc đã được mời tham gia nhiều liên hoan sân khấu quốc tế ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Monaco, Bangladesh, Pháp, Malaysia... NSND Lệ Ngọc cho rằng việc tham dự các liên hoan được tổ chức tại các nước hoàn toàn không quá khó khăn vì ta chỉ cần lo kinh phí di chuyển đi về, còn suốt quá trình diễn ra liên hoan, các nước đã mời thì sẽ lo ăn ở, đi lại. Vì thế, nếu tác phẩm của ta có chất lượng, họ sẽ liên tục mời…, tạo nhiều thêm cơ hội đưa sân khấu tới với nước bạn.
1.2. Biểu diễn cho du khách tại Việt Nam
Biện pháp giới thiệu đất nước, con người Việt Nam đơn giản hơn, dễ thực hiện hơn và cũng là cơ hội để tăng thu nhập, sáng đèn ở các sân khấu chính là biểu diễn ngay tại cơ sở của mình cho du khách, khán giả tới Việt Nam công tác, làm việc. Tuy nhiên, ngay ở lĩnh vực này cũng còn rất nhiều bất cập. Du khách đến Việt Nam đều có tâm lý cố gắng tìm hiểu nét văn hoá độc đáo của chúng ta nhưng thật không dễ cho họ khi tiếp cận. Dường như chúng ta không có gì nhiều để đón bạn bè khi họ tìm đến với sân khấu. Nguồn văn hoá dân gian vốn được cho là “kho vô tận” nhưng thực chất chúng ta mới chỉ có một sản phẩm nổi tiếng phục vụ du khách là rối nước, đến mức bạn bè thế giới có câu: cơm tối, rối nước. Tìm trên sự quảng bá thông qua các phương tiện thông tin hiện đại, người ta không thấy gì nhiều. Chúng ta tuyên truyền về một nền văn hoá, nghệ thuật Việt nam độc đáo, phong phú nhưng căn cứ vào những gì chúng ta thể hiện, du khách dễ hiểu lầm đó chỉ là sự tuyên truyền suông. Không chỉ Hà Nội đơn điệu với rối nước, ngay tại một trung tâm được tiếng là năng động như Thành phố Hồ Chí Minh, sản phẩm văn hoá phục vụ du khách cũng là sự nan giải. Các chương trình vẫn được cố gắng dàn dựng nhưng khi đem sản phẩm ra quảng bá thì bắt gặp sự hờ hững của khán giả khiến người ta không khỏi chán nản. Thử điểm lại những gì được chúng ta làm và kết quả ra sao?
Hà Nội thường có địa điểm thu hút du khách là hồ Hoàn Kiếm với sự toạ lạc đắc địa của Nhà hát Múa rối Thăng Long – đơn vị từng được vinh danh vì diễn đủ 365 ngày trong một năm. Chúng ta cũng đã có thời gian làm được việc đưa chèo vào không gian này qua sự trình diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội tại đền Ngọc Sơn. Đơn vị này cũng từng có chương trình phục vụ thường xuyên các trích đoạn chèo tại Nhà hát Chèo Hà Nội – 15 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nhà hát Tuồng Việt Nam quyết đi vào đời sống với chương trình thường xuyên cho du khách 2 buổi một tuần tại Rạp Hồng Hà…
Thành phố Hồ Chí Minh từng có đơn vị như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và một số đơn vị công lập khác dàn dựng các chương trình biểu diễn ca nhạc, cải lương phục vụ du khách. Hiện thời, tuy sản phẩm rối nước không phải “đặc sản” của Miền Nam nhưng cũng đã có một điểm biểu diễn cho du khách là Sân khấu IDECAF với Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng. Với mục tiêu quyết tâm đem đến một điểm hẹn văn hoá cho các tour du lịch, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng đã chăm chút cho từng tiết mục, đồng thời tích cực quảng bá bằng nhiều hình thức, kể cả xuống đường tiếp thị, chào mời tại những địa điểm có nhiều du khách. Vì vậy, họ đã thành công, cứ đều đặn mỗi ngày diễn hai suất vào 18 giờ và 20 giờ, không phụ thuộc vào lượng khách, nếu các đoàn du khách có nhu cầu đến xem theo yêu cầu, Rồng Vàng luôn sẵn sàng phục vụ. Chính cách làm này đã khiến Rồng Vàng tạo được uy tín, “thương hiệu” của mình.
Nhà hát Tuổi trẻ cũng từng có những chương trình như chương trình ca múa nhạc dân tộc Trình diễn với thế giới khá hấp dẫn, với các điệu múa có nét đặc trưng của từng vùng miền văn hoá Việt Nam; các nhạc cụ dân tộc độc đáo như đàn T’rưng, đàn bầu, đàn nhị, sáo; các tiết mục ca nhạc với những ca khúc quen thuộc... Đạo diễn, NSND Lê Hùng cũng đã dàn dựng các tiết mục chọn lọc đặc sắc trong loạt hài kịch Đời cười hết sức ăn khách, được thoại bằng tiếng Anh để thêm sự phong phú cho chương trình. Tuy nhiên, như nhiều chương trình chuyên cho phân khúc du khách nước ngoài, nó đều chết yểu. Những hoạt động biểu diễn kể trên hiện nay hầu như không còn tồn tại như hoạt động biểu diễn chèo tại đền Ngọc Sơn hay tồn tại hết sức chật vật như hoạt động biểu diễn hai buổi chiều mỗi tuần của Nhà hát Tuồng Việt Nam tại Rạp Hồng Hà… trong bối cảnh chung là sự tối đèn ở hầu hết các nhà hát. Tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, các suất diễn vẫn chỉ có hơn chục khách, đôi khi chỉ dăm khách, trong khi số lượng người phục vụ vẫn phải đủ chừng đó người! Rốt cuộc vẫn chỉ có Rối nước Thăng Long tại Hà Nội và Rối nước Rồng Vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh là hoạt động tương đối tốt.
2. Nguyên nhân và giải pháp
2.1. Để các đơn vị sân khấu đi biểu diễn thế giới
Ngoài những lý do về kinh tế còn có sự chưa thuận trong quy hoạch, trong chiến lược phát triển của sân khấu Việt Nam. Như đánh giá chung của lãnh đạo các đơn vị, hầu như những hoạt động giao lưu, hợp tác của chúng ta với sân khấu thế giới đều do sự năng động của các cá nhân, các đơn vị nghệ thuật với các mối quan hệ mang tính cá nhân chứ không nằm trong quy hoạch chung của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Không có kế hoạch cho việc lưu diễn nên sự manh mún, thiếu quyết sách hợp lý trong hoạt động này là điều dễ hiểu. Chúng ta thiếu bộ phận, thiếu nhân lực chuyên phụ trách các vấn đề liên lạc với bạn bè thế giới, bên cạnh sự thiếu kinh phí. Nhạc sĩ Nguyễn Thế Vinh, từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, ngao ngán khi cho biết nhiều cơ quan biểu diễn ở các nước có quan hệ ngoại giao gần gũi với Việt Nam đã liên hệ, gửi thư mời các đoàn nghệ thuật Việt Nam sang biểu diễn nhưng không nhận được sự hồi đáp từ các cơ quan quản lý văn hóa cũng như của hội nghề nghiệp. Hiện nay, công tác đối ngoại của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng không mấy phát triển bởi kinh phí ngân sách được cấp ngày một ít, số lượng người được hưởng lương từ ngân sách cũng ngày một thu hẹp. Để đi biểu diễn ở nước ngoài, dù có được mời thì thông thường họ chỉ tài trợ ăn ở tại địa phương, trong khi chi phí đi lại cho một tập thể nghệ sĩ và vận chuyển “hàng tấn” đạo cụ… quả là con số lớn mà không có phần ngân sách nào đáp ứng được. Trong khi đó, tiết mục chúng ta đưa đi biểu diễn đòi hỏi phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, có giá trị giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam tốt hơn, mới mẻ hơn, được đầu tư thấu đáo hơn. Trong một cuộc trao đổi, NSND Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, nếu chúng ta vẫn giữ nguyên việc mang rối nước truyền thống đi diễn ở nước ngoài sẽ có những phản ứng đáng buồn. Đi nhiều, diễn nhiều, anh nhận ra dù rối Việt Nam rất độc đáo song đã có những khán giả bỏ về nửa chừng, có người tới rồi quay ra, nghĩa là họ phần nào “bội thực” với rối nước. NSND Lê Tiến Thọ từ lâu cũng đã nhận xét: Chúng ta cần đầu tư trọng điểm, giới thiệu văn hóa phải mang tính tiêu biểu nhưng cũng phải rất trang trọng. Đôi cuộc trao đổi văn hóa với nước bạn, chúng ta chưa có sự sang trọng cho vật phẩm văn hóa, tác phẩm văn hóa, trong đó có sân khấu.
2.2. Tăng cường sản phẩm cho du khách
Nguyên nhân chúng ta còn thiếu sản phẩm hấp dẫn ngay trên “sân nhà” có thể thấy là do sự không đồng bộ trong hoạt động của các ngành. Du lịch và các đơn vị nghệ thuật không có sự kết hợp ăn ý, chưa thực hiện được những giải pháp có tầm vĩ mô như các nước trong khu vực. Ví dụ về du lịch Thái Lan: nếu đã đặt tour, khách buộc phải theo đúng lịch trình của họ, trong đó có những màn biểu diễn nghệ thuật; khá nhiều tiết mục biểu diễn của họ, nếu từng xem, người ta có thể thấy sự tinh luyện còn thua kém tuồng, chèo Việt Nam khá xa nhưng họ vẫn có được lượng khách đông đảo bởi khi đặt tour, khách buộc phải chấp nhận những màn biểu diễn đó; như vậy đầu ra đã có, các đơn vị nghệ thuật chỉ cần chuyên tâm đến chất lượng biểu diễn. Trong khi ở ta, các đơn vị nghệ thuật “chào hàng” sản phẩm của mình thì các doanh nghiệp du lịch lớn dường như không mấy hào hứng, các doanh nghiệp nhỏ có chú ý tới thì thị phần lại quá ít ỏi… nhưng khi được hỏi, họ sẵn sàng đổ lỗi cho sự lạc hậu của các nhà hát trong việc tiếp thị.
Tư duy lỗ lãi vẫn còn đó, con đường đến với du khách vẫn vời vợi và với không ít du khách đến với Việt Nam, văn hoá, nghệ thuật của chúng ta mới chỉ là rối nước. Trong khi đó, kho tàng văn nghệ Việt Nam vẫn còn đó những tuồng, chèo, cải lương, âm nhạc dân tộc, múa dân tộc… hết sức giá trị và cần quảng bá. Thành phố Hồ Chí Minh từng có một chương trình khuyến khích các đơn vị nghệ thuật dàn dựng các chương trình phục vụ du khách nhưng cũng chỉ được một vài năm. Nhiều chiến dịch kích cầu du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được khởi động mà hiệu quả chưa có là bao. Quả là con đường đưa được sản phẩm văn hoá đến với du khách không hề đơn giản như nhận xét của hầu hết những người từng tham gia vào hoạt động này. Nếu thẳng thắn đánh giá về sự đơn điệu của sản phẩm văn hóa Việt Nam trong con mắt của du khách, hẳn khiến không ít người Việt giàu lòng tự tôn buồn tủi. Nếu không có sự thay đổi, ấn tượng về văn hóa Việt Nam đối với du khách sẽ mờ nhạt biết bao, trong khi nghệ thuật biểu diễn Việt Nam không chỉ độc nhất là rối nước.
Mọi sự giao lưu văn hóa trong thời đại hiện nay đều hết sức cần thiết, khi mà điều kiện vật chất, xã hội của mỗi nước đều có những tác động không nhỏ tới môi trường chung của thế giới ngày càng trở nên gắn bó chặt chẽ hơn trong một tổng thể chung của xã hội hiện đại. Chiến lược phát triển, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam qua sân khấu nước nhà trong bối cảnh hiện nay không thể bỏ qua sự hoạch định có tính lâu dài, có sự kết hợp tốt của nhiều ngành liên quan. Nếu không mau chóng khắc phục sự bất cập tồn tại đã nhiều năm như đã nêu trên, thật khó nói tới sự phát triển đối với lĩnh vực này.