TRUYỆN NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ NHÌN TỪ LÝ THUYẾT TRƯỜNG CỦA PIERRE BOURDIEU

Bài viết vận dụng lý thuyết trường của Pierre Bourdieu để định vị và phân tích vị thế của truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư trong trường văn học Việt Nam đầu thế kỷ XXI, đặc biệt tập trung vào các chiến lược của cá nhân tác giả và chiến lược thương mại của nhà xuất bản được sử dụng để thiết lập nên vị trí ấy.

   Hòa nhịp với văn chương thế giới và trong nước, văn xuôi nữ Việt Nam đã có nhiều khởi sắc từ sau năm 1986. Sự xuất hiện đông đảo của đội ngũ nhà văn nữ với những bứt phá, nỗ lực kiến tạo bản sắc riêng trong sáng tác và sự chiếm lĩnh vị thế trung tâm trong đời sống tiếp nhận, phê bình đã chứng minh cho nhận định: Văn học hôm nay mang gương mặt nữ. Trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI, các cây bút truyện ngắn nữ Nam Bộ đã cho thấy sự nhập cuộc tự tin, chủ động với những dấu ấn quan trọng trong không gian văn học Việt Nam đương đại.

   Nguyễn Ngọc Tư là một trong những tác giả nữ Nam Bộ đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị thế nổi bật trong trường văn học bằng sự khẳng định “thương hiệu” ở nhiều thể loại, trong đó phải nói đến mảng sáng tác truyện ngắn. Điều này được bảo chứng bởi các giải thưởng uy tín trong và ngoài nước; tần suất xuất hiện trên các không gian phê bình (hàn lâm và truyền thông); sự quan tâm, đón đợi nồng nhiệt của đa dạng đối tượng độc giả (tinh hoa, đại chúng) và những thành tích ấn tượng về mặt thương mại1. Lựa chọn tiếp cận truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư từ lý thuyết trường của Bourdieu, chúng tôi muốn góp phần mang đến một hình dung tổng thể về không gian văn học nữ Nam Bộ đầu thế kỷ XXI, đồng thời đưa ra đánh giá khách quan, toàn diện về vị trí, vai trò của cây bút nữ này trong dòng chủ lưu của văn học, văn hóa Việt Nam đương đại.

   Trong phạm vi bài viết, chúng tôi tập trung tìm hiểu trường hợp hai tập truyện của Nguyễn Ngọc Tư: Cánh đồng bất tận (xuất bản năm 2005) và Không ai qua sông (xuất bản năm 2016). Trong đó, Cánh đồng bất tận vừa giữ kỷ lục về xuất bản vừa bội thu các giải thưởng văn học trong và ngoài nước. Đây được xem là tác phẩm đã tạo nên bước dịch chuyển lớn nhất của vị trí Nguyễn Ngọc Tư trong trường văn học đầu thế kỷ XXI. Không ai qua sông ra đời sau Cánh đồng bất tận 11 năm, cho thấy sự trưởng thành và nỗ lực đổi mới lối viết của nữ nhà văn Nam Bộ này để ngày càng khẳng định vị trí đặc biệt trong không gian văn xuôi nữ Việt Nam đương đại.

   1. Lý thuyết trường của Pierre Bourdieu trong nghiên cứu văn học

   Pierre Bourdieu (1930-2002) được coi là “người khổng lồ của đời sống trí thức Pháp hậu bán thế kỷ XX”2. Sự nghiệp đồ sộ với hơn 30 tác phẩm cùng hàng trăm bài tạp chí nghiên cứu của ông đã tạo nên sức ảnh hướng lớn đối với giới khoa học xã hội Pháp nói riêng và giới xã hội học phương Tây nói chung. Trong đó, lý thuyết về trường và trường văn học đã mở ra một xu hướng mới trong nghiên cứu các vấn đề của đời sống văn chương.

   Trường (field/ champ), tậptính (habitus) và vốn (capital) là ba khái niệm cơ bản và quan trọng nhất trong hệ thống lý thuyết của Bourdieu khi diễn giải về bản chất và cơ chế vận hành của thực tại xã hội. Bourdieu quan niệm xã hội là tổng thể các trường lực khác nhau (trường chính trị, trường quyền lực, trường kinh tế, trường văn hóa, trường tôn giáo, trường nghệ thuật…); mỗi trường vừa là không gian đặc thù có quy luật vận hành tự trị, vừa có ảnh hưởng trực tiếp (tác động/ chịu tác động) đến những trường khác. Như vậy, đối tượng trung tâm mà ông hướng đến không phải là các mảnh ghép rời của thực tại xã hội mà là tổng thể mối quan hệ giữa chúng. Vì thế, lý thuyết của ông được cho là gần gũi với tư tưởng liên kết của Gaston Bachelard và tư tưởng cấu trúc luận của Claude-Lévi Strauss3.

   Khái niệm trường được Bourdieu sử dụng bắt nguồn từ thuật ngữ trường điện từ trong lĩnh vực vật lý. Trường được hình dung như một mạng lưới được cấu thành bởi các vị trí do các tác nhân nắm giữ và mối quan hệ khách quan giữa các vị trí đó. Các tác nhân thực thi chiến lược để dịch chuyển đến vị trí cao hơn và chiếm hữu các lợi ích đặc thù trong không gian trường. Bản chất của trường là trường lực tác động, trong đó mỗi tác nhân vừa có khả năng phóng lực vừa chịu tác động bởi lực từ các tác nhân khác. Cấu trúc vị trí của trường chỉ có giá trị nhất thời và phụ thuộc rất lớn vào sự phân bổ hiệu quả các loại vốn liếng của các tác nhân trên.

   Từ khái niệm trường, có thể định nghĩa trường văn học là không gian đặc trưng bởi hệ thống mối quan hệ khách quan giữa các vị trí được nắm giữ bởi các tác nhân tham gia vào quá trình sản sinh tác phẩm như nhà văn, nhà xuất bản, tạp chí, các trào lưu, nhà phê bình, độc giả… Các tác nhân không ngừng chuyển động nhờ các lực hấp dẫn và các chiến lược được áp dụng. Tuy là không gian tương đối tự trị nhưng trường văn học cũng chịu ảnh hưởng bởi những trường lực khác trong thực tại xã hội (kinh tế, chính trị, văn hóa, tri thức, tôn giáo…). Theo Bourdieu, trường văn học là một trường tranh đấu. “Trường văn học là một trường lực tác động lên tất cả những ai bước vào đó, theo cách khác biệt tùy vị thế mà họ chiếm giữ […]. Nguyên tắc sinh thành và thống nhất “hệ thống” này chính là đấu tranh”4. Đây là địa bàn diễn ra cuộc tranh đấu giữa các nhà văn (giữa nhà văn theo chủ trương nghệ thuật “thuần túy” và nhà văn theo chủ trương nghệ thuật “tư sản” hay “thương mại”; giữa các nhà văn cùng thời đại…) để giành được lợi ích cũng như quyền hành đặc thù trong không gian văn học. Đó có thể là sự thừa nhận công khai về giá trị văn học (từ giới chuyên môn hoặc “công chúng rộng rãi”); các giải thưởng cao quý của các cuộc thi văn chương hoặc hiệp hội nghệ thuật; các vị trí quan trọng trong hội nhà văn; độ phủ sóng mạnh mẽ trên các diễn đàn văn chương, các tờ báo, tạp chí văn học, tọa đàm, hội thảo…; tác phẩm được giới thiệu giảng dạy trong chương trình giáo dục… Một nhà văn khi tham gia vào trường văn học phải sẵn sàng chấp nhận các cuộc chơi, “như là “những điều phải làm”, những hình thức phải sáng tạo, những cách thức phải tạo ra, tóm lại, như là những khả năng ít nhiều có “ý muốn tồn tại”5. Lăng kính của Bourdieu cho phép diễn giải vì sao một nhà văn “nổi danh” hay “bị lu mờ/ lãng quên” trong một thời đoạn văn học. Ta chỉ định vị được vị thế một tác giả khi đặt trong hệ thống mạng lưới vị trí giữa các tác nhân khác (nhà xuất bản, tạp chí, các nhóm, các trào lưu, độc giả…) ở một thời điểm lịch sử và bối cảnh xã hội cụ thể.

   Bourdieu cho rằng nhà văn là chủ thể năng động trong trường văn học. Họ sở hữu đa dạng các nguồn vốn và luôn có ý thức tích lũy để phục vụ cho sự nghiệp lao động nghệ thuật của mình. Vốn là các nguồn lực mà cá nhân sở hữu độc quyền và có khả năng chuyển hóa thành giá trị trong quá trình phát triển. Quá trình tích lũy cũng như sử dụng hợp lý các loại vốn có khả năng tạo ra sự dịch chuyển của chủ thể đến vị trí cao hơn trong trong trường đặc thù cũng như không gian xã hội. Vị thế của nhà văn trong trường văn học được quyết định bởi cách thức, chiến lược họ sử dụng đa dạng các loại vốn như vốn tài năng (năng lực sáng tạo nghệ thuật), vốn kinh tế (tiềm lực kinh tế), vốn xã hội (mạng lưới các mối quan hệ xã hội), vốn văn hóa (tiềm lực văn hóa) và vốn biểu tượng (danh tiếng và uy tín tác giả trong đời sống văn chương). Có thể thấy, trong bối cảnh đương đại, nếu nhà văn có tiềm lực phong phú về vốn kinh tế (chi phí phát hành, quảng cáo, giao lưu…) và vốn xã hội (kết nối với nhà xuất bản, báo chí, người nổi tiếng…) cũng như chiến lược khai thác hiệu quả có thể thuận lợi trong việc đưa đứa con tinh thần của mình vào khu vực trung tâm của đời sống tiếp nhận văn học.

   Với lý thuyết trường, Bourdieu đã đặt ra tính cấp thiết của việc xem xét tác phẩm trong hệ thống tương tác đa chiều giữa các lực trong không gian xã hội và giữa các tác nhân trong không gian văn học (nhà văn, nhà xuất bản, nhà phê bình và độc giả), mở rộng đường biên so với hướng tiếp cận tiểu sử (chỉ tập trung mối quan hệ giữa nhà văn và tác phẩm) và hướng phân tích nội tại (xem xét tác phẩm như một hệ thống tự thân khép kín). Lý thuyết của ông hướng đến “giải thích văn chương như một vũ trụ đặc thù có những quy tắc riêng của nó”6, chú trọng đến các mối quan hệ khách quan và sự tương tác vận động trong không gian văn học, từ đó gợi mở nhiều tiềm năng trong việc tìm hiểu không gian văn học các quốc gia và không gian văn học thế giới.

   2. Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư trong không gian văn hóa - xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XXI

   Để định vị truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư trong trường văn học, theo chúng tôi, nhiệm vụ tiên quyết là phải nhận diện và phân tích hợp lực tác động từ thực tại xã hội (lực chính trị, lực kinh tế, lực văn hóa…) đến văn chương đương đại nói chung và truyện ngắn của nhà văn nói riêng. Hay nói cách khác, ta cần soi chiếu sáng tác của chị trong mối liên hệ tương tác, vận động với những trường lực khác trong không gian văn hóa xã hội đầu thế kỷ XXI.

   Nhìn lại quỹ đạo vận hành của văn học Việt Nam sau Đổi mới, có thể thấy trường văn học đã có những dịch chuyển mang tính bước ngoặt, trước nhất là trong mối tương quan với trường chính trị. Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của giai đoạn 1945-1975, trường chính trị đồng nhất với trường quyền lực đã chi phối trực tiếp, mạnh mẽ và toàn diện tất cả các trường lực khác trong thực tại xã hội. Văn học cũng không ngoại lệ. Những tác giả chiếm giữ vị thế trung tâm của văn đàn thời điểm bấy giờ là những người sở hữu và có chiến lược sử dụng hiệu quả vốn chính trị7. Những phạm trù về văn học (đối tượng, chức năng văn học, khái niệm nhà văn…) đều có sự can thiệp của quyền lực chính trị, từ đó tác động đến quá trình sáng tác (hệ đề tài – chủ đề, nhân vật, lối viết…) và cách thức diễn giải, tiếp nhận tác phẩm. Bước sang thời bình, nhất là từ sau cột mốc Đổi mới năm 1986, văn học đã và đang ngày càng khẳng định sự tự chủ hóa trong không gian xã hội: “Chính trị và văn học không hát cùng một bè trong bản đồng ca một giọng mà mỗi thứ đảm nhận một bè khác nhau trong bản giao hưởng phức điệu thống nhất và đa dạng của cuộc sống”8. Sự chuyển vận này đã khởi tạo nhu cầu nhận thức lại các phạm trù văn học, đặc biệt là quan niệm về hiện thực và đối tượng phản ánh. Các cây bút thời kỳ Đổi mới hướng sự quan tâm đến những đề tài thế sự đời tư, đối mặt với cái bình thường hàng ngày, muôn thuở; các trang viết thể hiện nhu cầu phản ánh sâu sắc và toàn diện các vấn đề của hiện thực; thế giới nhân vật là những con người của đời sống thường nhật với muôn vàn phức tạp và bí ẩn...

   Song song đó, những chuyển biến lớn trong đời sống xã hội đương đại, đặc biệt là công cuộc thực hiện nền kinh tế thị trường đã khiến ảnh hưởng của trường kinh tế đối với trường văn học càng trở nên mạnh mẽ. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, tác phẩm văn học còn được quan tâm về giá trị kinh tế, tức được nhìn nhận như là một loại hàng hóa đặc biệt9 có khả năng mang lại lợi nhuận cho tác giả và các nhà xuất bản. Cụm từ “thị trường văn học” được sử dụng với tần suất dày đặc hơn, xuất hiện “bộ phận tác giả lệ thuộc vào người nắm giữ phương tiện sản xuất và phát hành, lệ thuộc vào những mong đợi của công chúng”10. “Sách bán chạy” trở thành một tiêu chí để khẳng định tên tuổi của nhà văn và định hướng nhu cầu tiêu thụ của độc giả. Tuy nhiên, xu hướng vận động này cũng dẫn đến sự lo ngại về hiện tượng thương mại hóa trong sáng tác văn học.

   Bước sang thập niên đầu của thế kỷ XXI, toàn cầu hóa, xu thế hội nhập quốc tế cùng sự lên ngôi của công nghệ truyền thông đã “làm thay đổi sâu sắc phương thức sáng tác, truyền bá cũng như tác động mạnh mẽ trong sự hình thành những xu hướng xuất bản, kiểu tác giả, lớp công chúng văn học, thể loại và lối viết, văn phong của tác phẩm… Nhờ có khoa học, công nghệ, truyền thông, văn chương được tiếp thêm đôi cánh để đến với công chúng rộng rãi, nhanh chóng, phủ sóng xa hơn”11. Sự lớn mạnh của thị trường truyền thông đại chúng (thông qua các phương tiện truyền thông như báo chí, phát thanh – truyền hình, xuất bản, mạng xã hội…) đã khiến nhịp sống văn học trở nên năng động, đem lại những thay đổi quan trọng trong cách thức giao lưu văn học.

   Trong bối cảnh hội nhập của thế kỷ mới, không gian văn hóa Việt Nam đã mở rộng tiếp nhận những làn sóng văn hóa trên thế giới, trong đó phải nói đến làn sóng mạnh mẽ của phong trào nữ quyền. Nghiên cứu về giới và phụ nữ ở Việt Nam những năm gần đây được chú trọng. “Văn học nữ có xu hướng trở thành thương hiệu thu hút độc giả”, đang dần “dịch chuyển từ ngoại vi vào trung tâm” (Trần Thiện Khanh) với sự trỗi dậy và bùng nổ của một loạt các cây bút nữ: Đoàn Lê, Lê Minh Khuê, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Hoàng Diệu, Cao Nguyệt Nguyên… (Bắc Bộ); Quế Hương, Trần Thùy Mai, Nguyên Hương, Nguyễn Thị Kim Hòa… (Trung Bộ và Tây Nguyên); Dạ Ngân, Bích Ngân, Thu Trân, Nguyễn Thị Diệp Mai, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh… (Nam Bộ).

   Từ những phân tích trên, có thể đi đến một số kết luận sau: Trước hết, trong bối cảnh thời đại mới, văn học Việt Nam đương đại có những dịch chuyển mang tính mới mẻ và đột phá trong mạng lưới tương tác đa chiều với các trường chính trị, kinh tế, truyền thông, văn hóa... Vai trò của nhà văn cũng như các tác nhân khác trong không gian văn học đã trở nên năng động và tự chủ hơn. Việc gia nhập vào trường văn học cũng trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn nếu người viết có sự thức thời về xu thế vận động của đời sống văn học. Đồng thời điều đó cũng đặt ra cho thế hệ nhà văn hôm nay là phải làm sao để khẳng định và duy trì được vị trí trong trường trước nhịp sống văn chương sôi nổi, nhộn nhịp của thế kỷ XXI. Bên cạnh đó, các điều kiện văn hóa – xã hội đương đại đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sáng tác văn học nữ hòa nhịp vào dòng chủ lưu của văn học và văn hóa dân tộc. Các tác giả nữ với bản lĩnh nghệ thuật và sự nhạy bén trong việc thực thi các chiến lược đã làm cho tên tuổi của mình trở nên sáng giá và có sức hút trong không gian phê bình và tiếp nhận, chinh phục giới chuyên môn lẫn các tầng lớp độc giả. Trong số đó, Nguyễn Ngọc Tư chính là cây bút nữ đã kiến tạo được nhiều dấu ấn trong sự nghiệp văn chương của mình.

    3. Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư trong trường văn học Việt Nam đầu thế kỷ XXI

   Ngay từ khi trình làng với tập truyện đầu tay Ngọn đèn không tắt (2005), Nguyễn Ngọc Tư đã nhanh chóng tạo được hiệu ứng truyền thông đối với giới phê bình và độc giả đại chúng khi giành được giải Nhất trong Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II do Nhà xuất bản Trẻ, Báo Tuổi Trẻ cùng Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Cho đến nay, tên tuổi nữ nhà văn đất Nam Bộ này cùng các sáng tác truyện ngắn của chị vẫn luôn duy trì vị thế trung tâm trong địa hạt phê bình và tiếp nhận. Vị thế ấy được kiến tạo bởi hợp lực tác động của hệ thống tác nhân tham gia vào quá trình sản sinh tác phẩm như chiến lược sử dụng vốn của tác giả và nhà xuất bản; thị hiếu thẩm mĩ của độc giả đương đại; hoạt động của các nhà phê bình và những tác động của việc tiếp nhận, thực hành các lý thuyết phương Tây; vai trò của các định chế văn học; sức ảnh hưởng của báo chí truyền thông… Trong phạm vi bài viết, chúng tôi tập trung phân tích những tác động đến từ chiến lược sử dụng vốn của cá nhân tác giả (sáng tác tác phẩm) và nhà xuất bản (xuất bản tác phẩm). Đây được xem là hai nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với vị thế truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư trong trường văn học Việt Nam đầu thế kỷ XXI.

   3.1. Chiến lược sử dụng vốn của Nguyễn Ngọc Tư

   Theo lập luận của Bourdieu, “các nhà văn sử dụng rất nhiều loại vốn khi tương tác trong trường văn học, và vị trí của họ căn cứ vào cách sử dụng đa dạng vốn chứ không phải chỉ mỗi mình vốn tài năng”12. Dõi theo hành trình sáng tác của nữ nhà văn đất Mũi, có thể thấy vốn tài năng nổi trội chính là tấm vé thông hành để văn xuôi, đặc biệt là truyện ngắn của chị, gia nhập trường văn học đương đại. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Nguyễn Ngọc Tư còn là tác giả có ý thức về việc tích lũy tiềm lực cá nhân cũng như chứng tỏ được năng lực nhạy bén trong việc chuyển hóa các nguồn lực ấy thành giá trị đặc thù trong quá trình lao động nghệ thuật của mình.

   Thành công đầu tiên trong văn nghiệp Nguyễn Ngọc Tư là ở chiến lược sử dụng vốn văn hóa của chị. Sinh ra, trưởng thành và gắn bó với miền cực Nam của Tổ quốc, Nguyễn Ngọc Tư đã ngụp lặn trong vùng văn hóa xứ sở, dấn thân, trải nghiệm để làm giàu có và phong phú hơn vốn văn hóa của mình. Nơi đây “đã cho chị nguồn cảm hứng không bao giờ cạn, nguồn cảm hứng từ con người, từ thiên nhiên, từ những phận người dân nghèo, từ cả một vùng nước lớn nước rộng mênh mông”13. Như một lẽ tự nhiên, chị đã chọn viết về chuyện người và đời của mảnh đất ấy như một cách để định hình lối viết giữa nhịp sống văn chương sôi nổi của thế kỷ XXI. Tiếp nối thành công của thế hệ nhà văn cũng chọn kết nhân duyên với vùng đất Nam Bộ (Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng…), Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng chiến lược chuyển hóa các yếu tố văn hóa khởi nguồn từ đất và người Cà Mau thành giá trị thẩm mĩ trong thế giới nghệ thuật của mình. Tập truyện Cánh đồng bất tận là minh chứng cho sự thành công mĩ mãn, ấn tượng của việc thực hành chiến lược trên. Mười bốn truyện ngắn vận hành theo quỹ đạo trường đề tài về mảnh đất và con người Nam Bộ. Chất Nam Bộ thấm đẫm từ cảm hứng nghệ thuật đến thế giới nhân vật, từ ngôn ngữ cho đến giọng điệu trần thuật... Lòng mến thương xứ sở phương Nam và nỗi niềm khắc khoải đau đáu về phận người nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo trong đời văn Nguyễn Ngọc Tư. Đọc văn chị, ta bắt gặp những những làng quê, sông nước, kênh rạch, cánh đồng… đang dần cạn kiệt nguồn sống; xót xa cho những mảnh đời tội nghiệp bị bủa vây bởi “nghèo, buồn, sầu” (các chữ dùng của Nguyễn Đăng Điệp); ám ảnh cho kiếp người bơ vơ, lạc loài giữa “biển người mênh mông”... Những dòng nhớ, dòng thương, dòng buồn, dòng sầu, dòng suy tư… chảy trôi trong từng câu chuyện về mối tình thầm lặng, trớ trêu (Cái nhìn khắc khoải, Thương quá rau răm, Huệ lấy chồng, Nhớ sông…); về bi kịch cô độc ngay giữa thế giới người (Biển người mênh mông, Cải ơi); về những niềm tin đổ vỡ (Một trái tim khô, Cánh đồng bất tận) hay về nỗi hoài vọng được yêu thương, chở che (Cuối mùa nhan sắc, Hiu hiu gió bấc, Duyên phận so le)… Chị đã cho độc giả có cơ hội tiếp xúc và đối thoại trong tâm tưởng với những con người Nam Bộ bao dung, nghĩa tình, dẫu cho đời có cay đắng vẫn đau đáu mang nặng một chữ tình (ông Năm Nhỏ trong Cải ơi với tình cha thầm lặng xen lẫn nỗi day dứt dành cho đứa con gái riêng của vợ; trưởng ấp Tư Mốt trong Thương quá rau răm với tình yêu sâu nặng dành cho xứ cù lao Mút Cà Tha tuy thiếu thốn nhưng nghĩa tình chưa bao giờ cạn; anh Hết “mê cờ” trong Hiu hiu gió bấc với tình yêu khắc khoải nặng sâu, thà ngậm ngùi mang tiếng bạc tình chứ không nỡ để người yêu chịu đựng cái nghèo, cái khổ…). Ngôn ngữ trần thuật cho đến ngôn ngữ nhân vật cũng rặt ròng Nam Bộ. Nguyễn Ngọc Tư đã đưa vào trang viết những từ ngữ thông dụng của người dân địa phương một cách tự nhiên và sống động, như cách chúng hiện hữu trong đời sống giao tiếp thường nhật. Một loạt các từ chỉ tâm trạng, tình cảm, trạng thái của người Nam Bộ như: buồn hiu, lạnh trơ, bằn bặt, im re, lừ lừ, lãng xẹt, cà chớn, lẹt đẹt, ngắc ngoải, héo queo héo quắt…; những cách xưng hô thân thuộc như: tui, tía, bây, mầy, cưng…; những cách diễn đạt rất đặc trưng như: chờ ai vậy cà, chừng nào lận, trời đất, mừng húm, quá chừng… xuất hiện đậm đặc trong văn chị. Có thể mượn nhận định đắt giá của Trần Hữu Dũng để khẳng định “thương hiệu” của nữ nhà văn Nam Bộ này: “Nguyễn Ngọc Tư, đặc sản Miền Nam”. “Thương hiệu” ấy được tạo nên từ sự kết hợp độc đáo và nhuần nhị giữa vốn tài năng nổi trội và vốn văn hóa giàu có của tác giả.

   Bên cạnh tiềm lực văn hóa từ mảnh đất Miền Tây Nam Bộ, chị còn tích lũy nguồn vốn văn hóa từ chính trải nghiệm sống và viết trong không gian xã hội Việt Nam đương đại. Đó là những nhận thức sâu sắc về hiện thực đời sống hôm nay qua các vấn đề về giới (người phụ nữ), khủng hoảng sinh thái, đô thị hóa, chấn thương tinh thần… Không ai qua sông là tập truyện thể hiện ý thức nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư trong việc tìm kiếm và đặt ra những góc độ tiếp cận mới về hiện thực. Vẫn là bối cảnh đời sống Miền Tây Nam Bộ nhưng chị lựa chọn tiêu điểm cho các trang viết lần này là chuyện đời của người phụ nữ trong những va chạm với xã hội đương đại. Không phải đến Không ai qua sông, nhân vật người phụ nữ mới trở thành đối tượng gợi nhiều suy tư, day dứt trong văn chị. Từ thế giới của Cánh đồng bất tận, họ đã xuất hiện và để lại nhiều cảm thương, trân trọng cho độc giả: chị Hảo trong Hiu hiu gió bấc, Nga trong Thương quá rau răm, chị Huệ trong Huệ lấy chồng, người đàn bà bị bỏ rơi trong Cái nhìn khắc khoải, Xuyến trong Duyên phận so le, cô đào Hồng trong Cuối mùa nhan sắc hay Sương và Nương trong Cánh đồng bất tận… Họ lầm lũi trong những khổ cực âm thầm (có khi đầy dữ dội) nhưng luôn cháy bỏng hoài vọng về hạnh phúc, về một gia đình trọn vẹn yêu thương. Nhưng với Không ai qua sông, câu chuyện của họ mới trở thành dòng chủ lưu và ngòi bút của nhà văn mới thực sự nỗ lực thăm dò đến tận cùng “vực không đáy” (tên truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư) trong bi kịch tinh thần của người phụ nữ. Chị để nhân vật tự phơi bày những vết thương tâm lý hằn sâu đeo bám họ suốt một đời, thổn thức với những đổ vỡ niềm tin không thể hàn gắn, chơi vơi trong vực sâu cô độc mà không có được một sự vá víu đồng cảm. Không ai qua sông là thế giới của những người phụ nữ cô đơn. Họ lạc loài với những giá trị gia đình (như Ngà trong Vực không đáy, Trầm trong Không ai qua sông, Miền trong Đi thật xa mới tới nhà bạn cũ, Thầm và mẹ trong Thầm…). Họ thất vọng, mất lòng tin, hoài nghi cuộc đời (như mẹ Tây trong Chỉ có gió mới có câu trả lời, Tím trong Nút áo, Lê trong Dây diều, bà Ba Quyên trong Đất…). Ta còn thương cảm cho những người phụ nữ chờ đợi trong vô vọng – chờ đợi cái gọi là hạnh phúc, là tình yêu từ người đàn ông của đời mình (những con người luôn dửng dưng, vô cảm đến nhẫn tâm) như Mười trong Nhổ quán, Ngò trong Mưa mây, Cẩm trong Tiều tụy vòng quanh… Những vấn nạn hiện tồn trong xã hội đương đại cứ hiện lên đầy nhức nhối, trớ trêu, từ nạn bạo hành gia đình, trào lưu lấy chồng ngoại quốc qua môi giới đến việc người phụ nữ là nạn nhân cố hữu của những định kiến xã hội… Sự ra đời của tập truyện này cũng là một chiến lược khẳng định độ chín trong lối viết của nhà văn. Các sáng tác mang hình thức cấu trúc ngôn từ “động” với những cách tân táo bạo về nghệ thuật trần thuật đã mời gọi người đọc bước vào không gian đối thoại để cùng tâm tình, chiêm nghiệm, suy tư, có khi phản tỉnh… về những câu chuyện đời. Như vậy, chính tâm hồn mẫn cảm với những vấn đề về thân phận con người trong đời sống hôm nay, sự nhạy bén với những cách tân nghệ thuật trong văn xuôi đương đại và tài năng trong việc kiến tạo cốt truyện, thế giới nhân vật, không gian nghệ thuật và phương thức trần thuật của Nguyễn Ngọc Tư đã tạo nên lực đẩy mạnh mẽ đưa truyện ngắn cây bút nữ này dịch chuyển đến địa hạt trung tâm của trường văn học Việt Nam đầu thế kỷ XXI.

   Chiến lược sử dụng vốn tượng trưng cũng là một yếu tính trong văn nghiệp Nguyễn Ngọc Tư. Tác giả của Cánh đồng bất tận khởi đầu sự nghiệp bằng cách tìm kiếm sự thừa nhận của giới chuyên môn thông qua việc gửi tập truyện đầu tay Ngọn đèn không tắt đến Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II. Uy tín cuộc thi được bảo đảm bởi các thành viên trong hội đồng ban giám khảo (các nhà nghiên cứu, phê bình văn học chuyên nghiệp, các nhà văn có vị thế cao trong đời sống văn nghệ). “Giải thưởng đã vinh danh rất nhiều tác giả sau này trở thành những tên tuổi trên văn đàn Việt Nam, và trở thành một hàn thử biểu cho dòng chảy văn học trẻ nước nhà”14. Đó là bệ phóng để các cây bút có tuổi nghề trẻ, những cái tên mới thuận lợi gia nhập vào trường và chiếm lĩnh cho mình một vị trí nhất thời. Với việc giành giải Nhất, nữ nhà văn xứ “Đất Mũi mù xa” chính thức trở thành “tâm điểm của sự hi vọng vào một nền văn trẻ đương đại”15. Sau bệ phóng trên, chị tiếp tục củng cố vốn tượng trưng của mình ở thể loại truyện ngắn với các giải thưởng cao quý của các hiệp hội nghệ thuật chính thống trong nước (Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam) và ngoài nước (Hiệp hội nhà văn Thái Lan với Giải thưởng Văn học ASEAN; Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mĩ Latinh ở Đức với Giải thưởng Văn học Liberaturpreis) cho các tập truyện ngắn. Các giải thưởng trên không chỉ có ý nghĩa thừa nhận tài năng và cống hiến nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư mà còn hợp thức hóa việc tôn vinh vị thế sáng giá của nhà văn trong trường văn học đương đại. Hơn mười năm sau ánh hào quang tại Văn học tuổi 20, Nguyễn Ngọc Tư trở lại mùa giải lần V, VI, VII của cuộc thi với vai trò cầm cân nảy mực. Nhà văn cũng nhận lời làm giám khảo cho các hội thi sáng tác truyện ngắn về mảnh đất Nam Bộ và về người phụ nữ (hai đề tài sở trường đã làm nên tên tuổi của chị), đó là cuộc thi viết Một nửa làm đầy thế giới do NXB Văn hóa – Văn nghệ tổ chức năm 2018 và Nghĩa tình miền Tây do Báo Thanh Niên tổ chức năm 2022. Sự xuất hiện của cái tên Nguyễn Ngọc Tư không chỉ tạo nên sức hút truyền thông mà còn gia tăng uy tín nghề nghiệp của chị trong lĩnh vực sáng tác thể loại truyện ngắn. Bên cạnh đó, việc trở thành thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam cũng góp phần nâng cao vị thế của Nguyễn Ngọc Tư trong không gian văn học, đồng thời mang lại những quyền lợi đặc thù cho nhà văn trong hoạt động nghệ thuật.

   Uy tín văn chương của chị càng được khẳng định qua việc tận dụng không gian truyền thông xã hội và không gian tác phẩm để trực tiếp/ gián tiếp phát biểu quan niệm về nghề viết, về hiện thực và con người đương đại… Những trải lòng về văn chương16, những suy tư trăn trở về các vấn đề thân phận con người17… đã để lại ấn tượng sâu sắc với mỗi độc giả về một nhà văn chân chính, nghiêm túc với nghề, có cái nhìn khắc khoải về cuộc đời và con người, ngòi bút chan chứa yêu thương và lòng thấu cảm. Vì lẽ đó mà cái tên Nguyễn Ngọc Tư nhận được nhiều sự yêu mến và tin tưởng của đông đảo công chúng độc giả, sự quan tâm đón đợi nồng nhiệt cho mỗi sự kiện ra mắt tác phẩm mới từ phía truyền thông đại chúng.

    Là thế hệ nhà văn trưởng thành trong thời đại bùng nổ các phương tiện thông tin đại chúng, bên cạnh việc tích lũy vốn tượng trưng, Nguyễn Ngọc Tư cũng chú trọng các chiến lược huy động, sử dụng vốn xã hội để tác phẩm đến với công chúng nhanh hơn, với tần suất phủ sóng rộng rãi hơn. Tuy khá kín tiếng và ngại tiếp xúc với truyền thông nhưng chị cũng tạo sự kết nối khá tích cực với các tòa soạn trong nước, nhất là Báo Tuổi Trẻ và Báo Thanh Niên bằng việc nhận lời mời phỏng vấn hay tham gia hợp tác với vai trò ban giám khảo trong các cuộc thi vận động sáng tác. Sự ưu ái của báo chí truyền thông đối với cái tên Nguyễn Ngọc Tư đã làm cho các tác phẩm của chị nhanh chóng tiếp cận diện rộng đối tượng độc giả. Bên cạnh đó, việc nhà văn tham gia các cuộc giao lưu với bạn đọc trên fanpage (trang truyền thông) của Nhà xuất bản Trẻ hay xuất hiện tại các sự kiện ký tặng ấn phẩm cũng góp phần kiến tạo mối quan hệ gần gũi với độc giả, mở rộng mạng lưới công chúng yêu thích tác phẩm của mình. Đó cũng là lý do vì sao truyện ngắn của chị nhận được sự quan tâm của truyền thông và sự đón đợi nồng nhiệt của đông đảo bạn đọc mỗi lần xuất bản.

   3.2. Chiến lược của các nhà xuất bản

   Trong không gian trường văn học, “nhà xuất bản vừa là nhân tố chịu lực, vừa lợi dụng quy luật thị trường để phóng lực tác động lên các nhân tố khác trong trường. Họ vừa chạy theo thị hiếu, lại vừa tạo ra và thúc đẩy thị hiếu”18. Bên cạnh chiến lược sử dụng vốn của tác giả, các hoạt động từ phía nhà xuất bản cũng có tính quyết định lên vị thế của tác phẩm trong đời sống văn học.

   Trong 10 tập truyện ngắn xuất bản của Nguyễn Ngọc Tư (không tính tuyển tập, tập truyện viết chung, tập truyện viết cho thiếu nhi), có đến 9 tập truyện ngắn được phát hành bởi Nhà xuất bản Trẻ19. Đây là một trong những nhà xuất bản đã tạo được uy tín trong thị trường sách, có sự ưu ái dành cho dòng sách phục vụ đối tượng đặc tuyển và sự đầu tư trong chất lượng in ấn, phát hành. Vốn tượng trưng phong phú của nhà xuất bản tạo điều kiện cho truyện ngắn của cây bút Nam Bộ này nhiều thuận lợi để tham gia vào trường nghiên cứu của giới chuyên môn và phổ biến rộng rãi trong không gian đọc của độc giả đại chúng. Mặt khác, với sự nhạy bén trong nắm bắt thị trường văn học và nhận thức ưu thế của phê bình truyền thông, Nhà xuất bản Trẻ đã khai thác triệt để vốn xã hội trong mối quan hệ với báo chí và độc giả mạng. Sự kiện phát hành các tập truyện của nhà văn nữ đất Cà Mau xuất hiện hàng loạt trên các trang báo điện tử trong nước như tuoitre.vn, thanhnien.vn, zingnews.vn, vnexpress.vn... và được cập nhật thường xuyên trên các địa chỉ truyền thông của Nhà xuất bản Trẻ. Nhờ đó, sự kiện ra mắt các ấn phẩm của Nguyễn Ngọc Tư nhanh chóng trở thành tin tức thời sự. Trang mạng xã hội TRE HỎI TRẺ - chuyên trang chính thống của Nhà xuất bản Trẻ - đã có chiến lược truyền thông mới mẻ và ấn tượng. Trong chuyên mục Detox bằng chữ, trang đăng tải các câu văn có tính triết lý từ các tập truyện Cánh đồng bất tận, Khói trời lộng lẫy… cùng các hình ảnh có tính chất khơi gợi suy tư để thu hút sự quan tâm theo dõi của bạn đọc mạng. Các chương trình “minigame” cũng khiến công chúng chủ động tìm hiểu thêm về cái tên Nguyễn Ngọc Tư. Trong thời đại văn hóa nghe – nhìn có phần lấn lướt văn hóa đọc, khi nhịp điệu đọc trở nên gấp gáp hối hả, các chiến lược trên càng có sức tác động mạnh mẽ. Đôi khi chỉ vì sự tương tác đồng điệu với một bài đăng trên không gian mạng có thể khiến độc giả tìm đến với các sáng tác của nhà văn. Như vậy, bên cạnh chiến lược sử dụng vốn của tác giả, các hoạt động từ phía nhà xuất bản cũng chứng tỏ vai trò mang tính quyết định đối với vị thế của tác phẩm trong đời sống văn học. Tất cả tạo nên hợp lực đưa truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư dịch chuyển ở vị trí trung tâm trong tiểu trường văn học phục vụ đại chúng.

   Có thể thấy, với việc vận dụng lý thuyết trường của Bourdieu trong nghiên cứu, chúng ta không chỉ hiểu về quỹ đạo sáng tác của một nhà văn mà còn có cái nhìn toàn diện về không gian trường văn học mà họ đang hoạt động (tổng thể mối quan hệ với các nhà văn khác cùng giai đoạn, nhà xuất bản, báo chí, công chúng…). Lựa chọn đối tượng nghiên cứu là truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, bài viết đã góp phần định vị và lý giải vị thế tác phẩm của nhà văn Nam Bộ này trong không gian văn học đương đại, đồng thời gợi mở một vài chuyển hóa – vận động thú vị đang diễn ra trong trường văn học hôm nay.

 

 

 

Chú thích:
1 Tính đến năm 2022, tập truyện Cánh đồng bất tận được tái bản 48 lần và số sách bán được đạt hơn 150.000 bản, Giao thừa đã được tái bản 24 lần và số sách bán được đạt hơn 40.000 bản, Gió lẻ và 9 câu chuyện khác đã được tái bản 17 lần và số sách bán được đạt hơn 40.000 bản, Không ai qua sông được tái bản 2 lần và số sách bán được đạt hơn 40.000 bản… Không chỉ tạo nên hiện tượng xuất bản, truyện ngắn còn đem lại cho Nguyễn Ngọc Tư những giải thưởng danh giá trong và ngoài nước: Giải nhất Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II năm 2000, Tặng thưởng dành cho tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam năm 2000, Giải B Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 cho tập truyện Ngọn đèn không tắt; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006 cho tập truyện Cánh đồng bất tận; Giải thưởng Văn học ASEAN 2008 tại Thái Lan; Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mĩ Latinh ở Đức) bình chọn. Năm 2017, bản dịch Cánh đồng bất tận dẫn đầu bầu chọn của Litprom tại sự kiện Sách hay mùa đông lần thứ 37 (Đức). Tác phẩm của chị cũng được giới thiệu trong chương trình phổ thông môn Ngữ văn năm 2018 như Chợ nổi Cà Mau (Tiếng Việt 3, tập 2, Bộ Cánh Diều); Mùa phơi sân trước (Ngữ văn 7, tập 2, Bộ Chân trời sáng tạo); Cải ơi (Ngữ văn 11, tập 2, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống)…
2 Phạm Xuân Thạch (2022): “ Pierre Bourdieu – Chân dung một trí thức Pháp”, truy xuất từ https://nxbtrithuc. com.vn/pierre-bourdieu-chan-dung-mot-tri-thucphap-n1164.html, ngày 29/4/2023.
3 Phạm Văn Quang (2022): “The overview of Bourdieu’s literary field theory”, Science & Technology Development Journal-Social Sciences & Humanities, 6 (1), 1476-1483.
4 Bourdieu, P. (2022), Quy tắc của nghệ thuật: Sự hình thành và cấu trúc của trường văn chương (Phùng Ngọc Kiên, Nguyễn Phương Ngọc dịch), NXB Tri thức, tr. 382.
5 Bourdieu, P. (2021), Lý do thực tiễn. Về lý thuyết hành động (Nguyễn Tùng dịch và chú giải), NXB Tri thức, tr. 131.
6, 10 Phạm Văn Quang (2019), Xã hội học văn học: Một số vấn đề cơ bản, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 90, 84.
7 “Họ tham gia kháng chiến và sử dụng trải nghiệm kháng chiến của mình để viết truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự, tùy bút. […] Hiểu biết, trải nghiệm của những nhà văn trẻ ấy về kháng chiến đã được đưa vào trong tác phẩm của họ. Tư cách chính trị, tư cách công dân trong đời thực của tác giả tạo nên giá trị cho tác phẩm văn xuôi của họ trong thời điểm đó” (Nguyễn Thị Phương Thúy, 2020, tr. 116).
8 Lê Ngọc Trà (1990), Lý luận và văn học, NXB Trẻ, tr. 22.
9 “Giá trị trao đổi của tác phẩm văn học không thể đo bằng giá trị sức lao động chứa đựng bên trong nó như các sản phẩm hàng hóa khác. Vì vậy, tác phẩm văn học đòi hỏi một thang đo giá trị khác để định giá nó, và đó là lý do mà nó được xếp vào loại hàng hóa đặc biệt” (Nguyễn Thị Phương Thúy, 2017, tr. 43).
11 Nguyễn Đăng Điệp (2020), Văn học đại chúng trong bối cảnh văn hóa Việt Nam đương đại, NXB Khoa học xã hội, tr. 106, 108.
12 Nguyễn Thị Phương Thúy (2017): “Một số tác giả văn học thị trường ở Thành phố Hồ Chí Minh đầu thế kỷ XXI nhìn từ lý thuyết trường của Pierre Bourdieu”, Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 14 (5), tr. 53.
13 Trần Hoàng Thiên Kim (2012): “Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Người cô đơn trong cõi văn chương”, truy xuất từ https://baotintuc.vn/doisong-van-hoa/nha-van-nguyen-ngoc-tu-nguoi-codon-trong-coi-van-chuong20120411163722146.htm,ngày 18/2/2023.
14 Truy xuất từ http://vannghequandoi.com.vn/ dong-chay/van-hoc-tuoi-20-dung-lai-de-tieptuc_13369.html, ngày 12/2/2023.
15 https://www.nxbtre.com.vn/tac-gia/nguyenngoc-tu-3524.html.
16 Lời tựa Nguyễn Ngọc Tư viết cho một bản dịch của Cánh đồng bất tận: “Khi tôi, một người viết văn non nớt đón nhận những phản hồi đầu tiên từ độc giả của mình, tôi bắt đầu tin văn chương kỳ diệu, khi gắn kết những con người xa xôi ở những vùng đất xa xôi xích lại gần nhau. Tôi bắt đầu tin văn chương cũng có lửa, làm tan chảy những bức tường thép mà mỗi người tự dựng lên; văn chương cũng là băng, gắn kết những ốc - đảo - người thành một khối, văn chương cũng là nước, dịu dàng mà mãnh liệt vượt qua những rào cản của lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ…”.
- Chia sẻ của Nguyễn Ngọc Tư về văn chương của mình: “Tôi thấy văn chương của mình (và cả bản thân mình) sao giống trái sầu riêng quá trời, có người thích, khen thơm, có người bưng mũi quay đi vì chê nó nặng mùi. Nhưng khi bắt đầu kết trái, sầu riêng đâu định trước sẽ dâng tặng cho riêng ai, nên chẳng bẻ mình bẻ mẩy để lấy lòng người...”.
17 Chia sẻ về thân phận cô đơn lạc loài giữa biển người mênh mông: “Ngày ngày kẹt giữa đám đông, chen chúc trên những con đường đông nghịt người, nhiều khi tôi giật mình, trời ơi, họ kia, đồng loại mình kia, sao mình lại cô đơn đến rã rời… Lúc ấy tôi có một cảm giác kỳ lạ, chỉ mình trên đời nầy, chỉ một mình… Chẳng ai là tri âm, chẳng ai cả….” (Nguyễn Ngọc Tư (2015), Cánh đồng bất tận, NXB Trẻ, tr. 104).
18 Nguyễn Thị Phương Thúy (2020), Văn xuôi ở đô thị Nam Bộ 1945-1954 từ góc nhìn phê bình xã hội học, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 97.
19 NXB Trẻ được thành lập từ năm 1981, trực thuộc Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tôn chỉ cốt lõi “Nuôi dưỡng tâm hồn, Khơi nguồn tri thức” đã nâng tầm thương hiệu của NXB, định hướng thái độ tích cực của công chúng đối với các tác phẩm được phát hành. Nhiều đầu sách của NXB Trẻ nhận được các giải thưởng uy tín trong và ngoài nước như Giải thưởng Văn học ASEAN (Cơn giông – Lê Văn Thảo, Cánh đồng bất tận – Nguyễn Ngọc Tư, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – Nguyễn Nhật Ánh), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam qua các năm (Một ngày và một đời – Lê Văn Thảo, Dũng Sài Gòn – Nguyễn Trí Công, Một chuyến đi xa – Đào Hiếu, Cánh đồng bất tận – Nguyễn Ngọc Tư, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – Nguyễn Nhật Ánh…), Giải thưởng Peter Pan 2008 của Ủy ban quốc tế về sách dành cho thiếu nhi tại Thụy Điển (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - Nguyễn Ngọc Thuần). Nguồn: https://www.nxbtre.com.vn/gioithieu/gioi-thieu-chung.html.

Bình luận

    Chưa có bình luận