GÓP MỘT VÀI Ý KIẾN BÀN LUẬN VỀ “CHẤT THƠ” TRONG ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM

Bài viết bàn luận về vai trò và yếu tố cấu thành 'chất thơ' trong điện ảnh Việt Nam. Qua đó khẳng định vai trò quan trọng của chất thơ trong việc xây dựng bản sắc, nâng cao vị thế của điện ảnh nước nhà, đồng thời giúp khán giả cảm nhận vẻ đẹp sâu lắng của cuộc sống và con người Việt Nam.

   Điện ảnh Việt Nam, qua nhiều thập kỷ phát triển, không chỉ là một phương tiện giải trí mà còn là một loại hình nghệ thuật giàu cảm xúc, khắc họa sâu sắc vẻ đẹp của văn hóa, con người và lịch sử dân tộc. Trong hành trình xây dựng bản sắc riêng, yếu tố “chất thơ” đã trở thành linh hồn của nhiều tác phẩm kinh điển, giúp điện ảnh Việt tạo nên dấu ấn, sự khác biệt và sức thu hút khán giả. Chất thơ không đơn thuần là những khung hình đẹp, câu chuyện lãng mạn hay lời thoại bay bổng, mà là sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu và nội dung câu chuyên, gợi lên những cảm xúc sâu lắng, lãng mạn và những giá trị nhân văn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi phim thương mại chiếm ưu thế và thị hiếu khán giả thay đổi nhanh chóng, việc đưa chất thơ vào điện ảnh ngày càng trở thành một thủ pháp nghệ thuật cần được quan tâm. Bài viết sẽ đi sâu phân tích các yếu tố tạo nên chất thơ, vai trò quan trọng của nó. Từ đó, liên hệ yếu tố nghệ thuật độc đáo này trong các tác phẩm điện ảnh Việt Nam.

   1. Vai trò của chất thơ trong điện ảnh

   Qua lăng kính điện ảnh, chất thơ tạo nên một không gian nghệ thuật sâu lắng, đầy tính biểu cảm và làm phong phú không gian phim. Chất thơ trong điện ảnh không chỉ đơn thuần là yếu tố lãng mạn hay mộng mơ mà là sự hòa quyện tinh tế giữa hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, nhịp điệu kể chuyện, ý nghĩa nội dung câu chuyện phim… Có thể nói, chất thơ trong điện ảnh là sự biểu đạt mang tính nghệ thuật cao, giúp tác phẩm chạm đến trái tim khán giả. Các yếu tố tạo nên chất thơ trong điện ảnh gồm: 1) Hình ảnh là yếu tố then chốt trong việc truyền tải chất thơ. Một khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng, những chi tiết nhỏ như ánh nắng xuyên qua tán lá, giọt sương trên cành cây đều có thể trở thành biểu tượng giàu cảm xúc. Phim sử dụng các khung cảnh thiên nhiên như cánh đồng lúa, dòng sông, bầu trời, ánh trăng, núi, rừng, tuyết… để tạo nên không gian thơ mộng, gợi cảm xúc sâu lắng; 2) Âm thanh cũng tạo nên chất thơ trong phim. Âm thanh không chỉ là lời thoại hay tiếng động mà còn bao gồm âm nhạc và âm thanh môi trường. Chất thơ thường được khơi gợi từ những âm thanh tự nhiên như tiếng gió, tiếng chim, hay tiếng mưa rơi cũng góp phần tạo nên bầu không khí chân thực và thơ mộng. Việc sử dụng nhạc cụ dân tộc hoặc giai điệu nhẹ nhàng để tăng chiều sâu cảm xúc và tôn vinh văn hóa truyền thống; 3) Trong nhiều tác phẩm, việc các đạo diễn sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng mềm, trung tính, hài hoà để tạo bầu không khí ấm áp, thân thiện, chân thực và gần gũi cũng giúp tăng tính thơ mộng cho bộ phim; 4) Sử dụng lời thoại trong phim ý nghĩa với những câu nói ngắn gọn nhưng giàu sức mạnh biểu đạt thường được đặt trong bối cảnh phù hợp để tăng hiệu quả cảm xúc; 5) Nội dung câu chuyện và nhịp điệu kể chuyện chậm rãi, nhẹ nhàng giúp người xem có thời gian cảm nhận sâu sắc hơn về nội dung và hình ảnh. Ngoài ra, những chi tiết đời thường, khắc họa hình ảnh mộc mạc, giản dị nhưng đầy ý nghĩa, tạo sự gần gũi và đồng cảm với khán giả.

   Vai trò của chất thơ trong điện ảnh thể hiện ở một số khía cạnh sau:

   Thứ nhất, chất thơ tạo nên cảm xúc trong điện ảnh. Chất thơ trong điện ảnh tạo ra không gian cảm xúc đặc biệt, mang lại cho khán giả một trải nghiệm cảm xúc sâu sắc và chân thật. Những cảnh quay lãng mạn, mơ màng, hay những khoảnh khắc đơn giản nhưng giàu cảm xúc có thể tạo ra một không gian thẩm mĩ riêng biệt cho phim. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Jean Cocteau, nhà thơ, đạo diễn người Pháp đã đưa ra quan điểm: “Một tác phẩm điện ảnh không phải được dựng lên bởi sự mực thước mà là sự quyến rũ”1. Việc sử dụng ánh sáng, hình ảnh, âm nhạc và nhịp độ trong các cảnh quay giúp tạo ra những không gian đầy mơ mộng, huyền bí hoặc đầy đau thương, làm cho cảm xúc của người xem được nâng cao và sâu sắc hơn. Chất thơ trong điện ảnh là một công cụ không thể thiếu để mở rộng không gian cảm xúc, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật thật sự ý nghĩa.

   Thứ hai, chất thơ tạo ra không gian, thời gian mang tính ước lệ và ẩn dụ. Trong điện ảnh, chất thơ không chỉ dừng lại ở việc làm đẹp hình ảnh hay tạo ra cảm xúc trực tiếp mà còn có khả năng xây dựng những không gian ước lệ và ẩn dụ, nơi mà sự thật và biểu tượng, cảm xúc và ý nghĩa có thể hòa quyện vào nhau. Chất thơ có thể làm cho không gian trong phim trở nên mơ mộng và huyền bí, giúp người xem cảm nhận được vẻ đẹp của những khoảnh khắc chân thực. Chất thơ thể hiện qua việc sử dụng những hình ảnh tượng trưng để tạo ra không gian cảm xúc mạnh mẽ có thể đưa người xem vào một thế giới khác biệt, ở đó cảm giác và tưởng tượng chiếm ưu thế. Những hình ảnh này thường có ý nghĩa sâu xa, không chỉ đơn thuần là bối cảnh mà còn phản ánh cảm xúc của nhân vật hoặc chủ đề của phim. Các đạo diễn thông qua chất thơ có thể tạo ra một không gian “ngoài thực tế”, khiến khán giả không chỉ cảm nhận mà còn suy ngẫm về những thông điệp ẩn sâu trong phim. Chất thơ còn giúp đạo diễn tạo ra không gian của sự khao khát, sự mong đợi và sự chờ đợi. Những khoảnh khắc chậm rãi, những góc máy dài và những cảnh quay lặp lại có thể khắc họa tâm trạng mong mỏi, hi vọng hoặc sự không chắc chắn trong cuộc sống của các nhân vật.

   Thứ ba, chất thơ giúp khán giả kết nối cảm xúc và khám phá tâm lý nhân vật. Chất thơ trong điện ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự kết nối cảm xúc giữa khán giả và nhân vật. Thông qua những biểu cảm của các nhân vật, chất thơ có thể làm cho khán giả cảm nhận được những cảm xúc chân thật, đa chiều và sâu sắc mà nhân vật trải qua. Điều này làm cho câu chuyện diễn tiến liên tục qua chuỗi các sự kiện của phim, tạo nên một trải nghiệm tình cảm gắn kết người xem với những vấn đề mà nhân vật thể hiện. Đạo diễn Steven Soderbergh cho rằng “Tính liên tục về thị giác không phải là cốt yếu. Chỉ có tính liên tục về cảm giác mới quan trọng”2. Chất thơ có thể được sử dụng để thể hiện những cảm xúc phức tạp và nội tâm của nhân vật. Với các cảnh quay dài, lặng lẽ và không lời thoại, đạo diễn có thể diễn tả những tâm trạng thầm kín, những suy tư hoặc sự chuyển biến trong tâm lý nhân vật, giúp khán giả không chỉ theo dõi hành trình nhân vật mà còn cảm nhận được thế giới nội tâm phong phú của họ. Chất thơ có khả năng thể hiện những cảm xúc tinh tế và phức tạp mà lời thoại hay cốt truyện khó có thể diễn đạt hết. Chất thơ làm cho điện ảnh trở thành ngôn ngữ nghệ thuật giàu tính gợi, giúp phim trở thành một bài thơ thị giác, mang đến cảm xúc hơn là sự giải thích.

   Thứ tư, chất thơ làm tăng chiều sâu ý nghĩa cho câu chuyện và giúp gắn kết với văn hóa và lịch sử. Chất thơ có thể làm phong phú thêm ý nghĩa của bộ phim, đưa câu chuyện vượt qua mức độ vật lý, vật chất để đi sâu vào thế giới tinh thần, những tầng lớp ý nghĩa sâu sắc hơn. Một bộ phim có chất thơ không chỉ đơn thuần kể một câu chuyện mà còn khám phá các khía cạnh triết lý, văn hóa và tâm lý của con người. Chất thơ giúp điện ảnh thể hiện được những yếu tố văn hóa, lịch sử một cách tinh tế, làm cho phim có khả năng tạo ra sự kết nối cảm xúc sâu sắc với văn hóa và lịch sử của một quốc gia, một dân tộc hoặc thậm chí là nhân loại... Chất thơ trong phim giúp khán giả tiếp cận các giá trị văn hóa, hiểu rõ hơn về quá khứ, những biến cố lịch sử và những đặc trưng văn hóa, điều này không chỉ tạo ra một tác phẩm điện ảnh đẹp mắt mà còn là cầu nối giữa các thế hệ, giữa các nền văn hóa và những sự kiện lịch sử có ý nghĩa. Những phong tục, tập quán, lối sống, thậm chí là niềm tin tôn giáo hay truyền thống gia đình có thể được thể hiện qua những cảnh quay đầy tính nghệ thuật và tượng trưng, làm sống dậy những giá trị văn hóa của một cộng đồng.

   Như vậy, chất thơ trong điện ảnh không chỉ giúp tạo nên vẻ đẹp thẩm mĩ mà còn nâng cao chiều sâu của câu chuyện, làm phong phú thêm cảm xúc và suy ngẫm của người xem. Nó không chỉ là một phong cách nghệ thuật mà còn có khả năng truyền tải những thông điệp lớn lao, giúp điện ảnh trở thành một trải nghiệm nghệ thuật tinh tế và đa chiều.

   2. Chất thơ trong điện ảnh Việt Nam

   Điện ảnh Việt Nam, qua từng giai đoạn đã phát triển một cách độc đáo, kết hợp giữa những yếu tố văn hóa dân tộc với những ảnh hưởng từ các nền điện ảnh thế giới. Trong đó, chất thơ thường xuyên được khai thác như một nét đặc trưng riêng, tạo nên vẻ đẹp nghệ thuật đặc biệt của điện ảnh Việt Nam, làm cho mỗi tác phẩm không chỉ là một câu chuyện mà còn là một hành trình cảm xúc, một không gian tâm lý lắng đọng, đôi khi là một sự chiêm nghiệm về cuộc sống, tình yêu và những giá trị con người. Đạo diễn Nguyễn Văn Thông, người khởi đầu cho những bộ phim làm theo phong cách thơ từng chia sẻ: “Tôi bước chân vào điện ảnh thơ trước tiên là vì cái nghèo. Hầu hết những phim tôi làm đều gặp kinh tế eo hẹp. Không thể có được những diễn viên ngôi sao, nhiều bối cảnh lớn nhưng vẫn có thể nghĩ ra được những ý lớn trong những chi tiết tưởng là rất nhỏ. Thế là đẻ ra phương pháp làm phim thơ: trước hết chủ đề phim phải có tính khái quát cao. Kịch bản giản dị nhưng phải sâu, nhân vật ít nhưng phải điển hình - bối cảnh không phức tạp nhưng phải đẹp, hợp với hoàn cảnh nhân vật - đạo diễn có thể diễn tả cảm xúc của mình một cách tự nhiên phóng khoáng - những điều trên trở thành thói quen và rồi điện ảnh thơ đến lúc nào không biết...”3.

   Trong giới hạn bài viết này, tác giả góp một số ý kiến bàn luận chất thơ trong điện ảnh Việt Nam ở các góc độ sau:

   Thứ nhất, chất thơ thể hiện qua hình ảnh và không gian văn hoá. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên chất thơ trong điện ảnh là hình ảnh và không gian. Trong nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam, không gian và ánh sáng không chỉ đơn thuần là bối cảnh mà còn là một phần không thể thiếu để thể hiện tâm trạng và cảm xúc nhân vật. Những khung cảnh yên bình, mơ màng, tĩnh lặng thường xuyên được sử dụng để thể hiện sự lãng mạn, tình cảm, do đó rất dễ dàng kích thích những cảm xúc ẩn sâu trong người xem.

   Ví dụ trong phim Con chim vành khuyên (Nguyễn Văn Thông, 1962) với khung cảnh một vùng địch hậu, một bến sông vắng, một ông lái đò, một cô gái nhỏ, một túp lều nghèo, một vườn dâu xanh hay một cánh diều cũ… đã tạo nên một tác phẩm đậm chất thơ, “đó là một thứ chất thơ thuần Việt, không pha hợp bởi các trường phái ngoại lai. Đó còn là chất bay bổng, tinh khiết của tinh thần, một thứ lãng mạn linh thiêng mà không siêu hình; nó gắn với thực tiễn và nâng cao thực tiễn. Cho nên, sẽ là hợp lý nếu có ai đó coi Con chim vành khuyên như một “bài thơ hình ảnh”, bài thơ đó mang đặc chất Việt Nam. Người xem không quên những cảnh quay đã góp phần dệt nên hồn thơ tác phẩm: bé Nga nhí nhảnh nhảy dây, cánh diều bay lượn trên nền trời trong vắt, con thuyền lướt nhẹ trên sông, tấm lưới phủ tràn mặt nước, đoàn bộ đội lặng lẽ hành quân dưới ánh chiều tà, bóng ông bố đưa đò in lên nền trời đầy mây, và dáng bé Nga băng qua nương dâu gục ngã bên bờ sông…”4. Hay trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười (Đặng Nhật Minh, 1984), câu chuyện diễn ra ở một không gian làng quê nghèo, với dòng sông chảy qua, với cánh đồng lúa thẳng tắp, với sân đình, chiếu chèo, miếu Thành Hoàng... thấm đẫm không gian văn hóa Bắc Bộ, tạo nên sự gần gũi, nhẹ nhàng đầy sâu lắng cho khán giả. Một ví dụ khác là phim Mùa len trâu (Nguyễn Võ Nghiêm Minh, 2005), nhà văn Sơn Nam đã cho rằng “chất Nam Bộ thấm nhuần trong từng cảnh “ngập nước” của Mùa len trâu: đoàn đi len với hàng trăm con trâu giữa cánh đồng nước nổi; mưa dầm giữa buổi chiều trong tiếng đàn bầu buồn nẫu ruột; cơn lũ tràn về giữa đêm khuya cuốn trôi nhà cửa; người dân ăn cơm nắm với mắm, ngủ trong chiếu quấn thay chăn màn; người chết không có đất chôn giữa mùa nước...”5. Đạo diễn đã vẽ nên một bức tranh đẹp và thực đến không ngờ về quê hương Việt Nam ở Miền Tây Nam Bộ. Trường hợp Song Lang (Leon Quang Lê, 2018) thì tính thẩm mĩ giàu chất thơ thể hiện “Với gam màu vàng và các hình ảnh có độ tương phản cao, tác phẩm cuốn người xem vào không gian bụi bặm của đường phố, những con hẻm và nhà cửa cũ kỹ ở thập niên 1980. Còn thiết kế và cách dựng cảnh ở những trích đoạn sân khấu tạo ra vẻ đẹp tráng lệ pha chút huyền bí, tạo sự đối lập với ngoại cảnh trầm buồn”6.

   Thứ hai, chất thơ qua âm nhạc và âm thanh. Âm nhạc trong điện ảnh Việt Nam không chỉ đóng vai trò làm nền mà còn trở thành một phần không thể thiếu để tạo ra chất thơ và chất trữ tình của tác phẩm. Những giai điệu nhẹ nhàng, du dương và âm thanh tự nhiên từ môi trường sống (như tiếng gió, tiếng nước chảy, tiếng chim hót) thường xuyên được sử dụng để làm nền cho các cảnh quay, tạo ra những cảm xúc yên bình nên thơ. Đặc biệt các giai điệu ca từ và âm thanh từ các nhạc cụ dân tộc, khi vang lên đúng thời điểm làm cho khán giả đắm chìm trong sâu lắng mộng tưởng.

   Đạo diễn Trần Anh Hùng đã từng cho rằng: “Điện ảnh là một cách giúp tâm hồn bạn mọc ra một cái cành của chất thơ. Nếu một bộ phim khiến chúng ta cảm thấy trong con người mình mọc ra rất nhiều cành, thì đó là một phim hay. Những chiếc cành ấy giúp ta vừa ở trong phim, vừa ở ngoài phim. Cái ở ngoài phim ấy là chính bản thân mình. Một thanh âm, một lời nói trong phim sẽ giúp cái phần thơ trong con người ta được khơi dậy”7. Với phim Chuyện của Pao (Đỗ Minh Tuấn, 2006), âm nhạc dân gian Việt Nam, với âm thanh của những nhạc cụ dân tộc, tạo nên một không gian âm nhạc đặc biệt, mang đậm nét văn hóa và tinh thần dân tộc. Âm nhạc không kết hợp với những khung hình sáng và rộng với vàng rực hoa cải, trắng xóa hoa ban, xanh mướt ruộng ngô... làm cảnh sắc, thiên nhiên Tây Bắc hiện lên đẹp đến nao lòng. Ca khúc Hoa sữa trong Hà Nội mùa chim làm tổ (Đức Hoàn, 1978) thậm chí nổi tiếng hơn cả bộ phim mà nó thể hiện bởi những tự tình bâng khuâng, hoang hoải. Chất lãng mạn hoà với những ca khúc đi vào lòng người như trong phim Sài Gòn anh yêu em (Lý Minh Thắng, 2016), khi bài hát chủ đề bộ phim kết hợp hài hoà với hình ảnh khiến người xem cảm nhận rõ ràng không chỉ không gian thành phố mà còn cảm giác lãng mạn, yêu thương trong từng con phố. Đặc biệt là những cảnh quay chiều tà hay cảnh cận cảnh nhân vật cùng những tiếng nhạc vang lên, mang lại sự thả lỏng về mặt cảm xúc và giúp người xem cảm nhận tình yêu với thành phố. Những bản nhạc trong các bộ phim gần đây của điện ảnh Việt như ca khúc Có chàng trai viết lên cây (phim Mắt biếc), Ngày chưa giông bão (phim Người bất tử) của đạo diễn Victor Vũ cũng đã để lại trong khán giả âm vang giai điệu tuyệt vời khó tả. Trường hợp phim Nhắm mắt thấy mùa hè (2018) của nữ đạo diễn trẻ Cao Thuý Nhi, “Khi âm nhạc cuối phim vang lên, có lẽ sẽ có rất nhiều người lặng đi, những nhân vật cứ luẩn quẩn trong tâm trí và họ chợt muốn chạy thật nhanh đi gặp những người mình yêu thương nhất”8.

   Thứ ba, chất thơ trong diễn xuất và tâm lý nhân vật. Trong nhiều phim điện ảnh Việt Nam thường không cần sử dụng những tình huống kịch tính để tạo ra sự lôi cuốn, mà thay vào đó, diễn xuất tinh tế, nhẹ nhàng của các diễn viên giúp khán giả cảm nhận được sâu sắc cảm xúc và tâm trạng của nhân vật. Những khoảnh khắc im lặng, ánh mắt mơ màng hay những cử chỉ nhẹ nhàng có thể khiến người xem cảm nhận được chiều sâu cảm xúc mà nhân vật đang trải qua.

   Điện ảnh Việt Nam đã có nhiều diễn viên để lại dấu ấn sâu sắc, trở thành biểu tượng cho số phận các nhân vật. Chẳng phải ngẫu nhiên mà phim Mùa ổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh được Tạp chí Studio hết lời tán thưởng: “Theo nguyệt san điện ảnh này, phim Mùa ổi là một kiệt tác về chất thơ. Từ hình ảnh, cách dàn cảnh cho đến diễn xuất của diễn viên, tất cả đều hòa hợp với nhau. Tờ Paris Scop có quan điểm tương tự khi cho rằng chất thơ bàng bạc khắp bộ phim dù cốt truyện gắn liền với thực trạng buồn. Một bộ phận xã hội bị tiền bạc chi phối đến nỗi nhiều giá trị đạo đức trước kia tượng trưng bằng cây ổi bị mai một, thậm chí bị từ bỏ”9. Với Cánh đồng hoang (Nguyễn Hồng Sến, 1979), nhân vật Ba Đô (Lâm Tới) và Sáu Xoa (Nguyễn Thuý An) trong nhiều cảnh cận đã lột tả được nét đẹp và sức sống của con người thời chiến. Ba Đô mang vẻ đẹp rắn rỏi, mạnh mẽ của người đàn ông Nam Bộ nhưng cũng hồn nhiên như đứa trẻ khi bắt được chú trăn và xoay vòng trên đầu. Sáu Xoa thì hiện lên với vẻ đẹp giàu sức sống của người phụ nữ trẻ, dịu dàng, luôn chăm sóc chồng con nhưng không kém phần quả cảm mỗi lần đối diện tình huống sinh tử. Người phụ nữ vừa hết lòng vì kháng chiến vừa giữ được những nét tinh tế rất phụ nữ. Còn nữ diễn viên Trà Giang đẹp trong từng phân cảnh, trong từng thay đổi về nhận thức, những bước ngoặt của cảm xúc là một vẻ đẹp khác nhau trong Chị Tư Hậu (Phạm Kỳ Nam, 1962). Vẻ đẹp của chị vừa là vẻ đẹp của người mẹ dung dị, đời thường, của người vợ với nỗi đau đớn, giằng xé; vừa là vẻ đẹp của sự chờ đợi…

   Trường hợp phim Trăng nơi đáy giếng (Nguyễn Vinh Sơn, 2008), người đàn bà tên Hạnh (diễn viên Hồng Ánh) thể hiện nét diễn xuất chuyển biến một cách từ từ nhưng liên tục và bền bỉ như một dòng nước ngầm đầy day dứt và đáng suy ngẫm. Hạnh của phim vừa bất hạnh vừa chênh vênh, lặng lẽ khi “tìm kiếm mảnh vườn cho riêng ta - nơi chỉ có anh cùng em và cây cỏ… Xa cách cuộc đời…” với mỗi lần đóng mở những cánh cửa là mỗi lần nhân vật chia sẻ những cảm xúc khác nhau của mình cho đến lần đóng cửa cuối cùng là từ chối tình yêu và muốn đóng luôn cửa lòng mình với mọi người, với xã hội xung quanh. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Victor Vũ, 2015) cũng là một bộ phim tuyệt đẹp về tuổi thơ, tình bạn và tình yêu. Diễn xuất của các nhân vật trẻ con trong phim rất nhẹ nhàng, đầy tinh tế và không ồn ào. Mỗi ánh mắt, mỗi cử chỉ đều ẩn chứa sự trân trọng và tình yêu thương, cho thấy sự tinh tế và lãng mạn qua những khoảnh khắc ngắn ngủi, giản dị. Các cảnh quay của hai nhân vật chính, nhất là những khoảnh khắc giữa trời mưa hay khi đứng giữa cánh đồng, đều thể hiện chất thơ, trữ tình rất rõ ràng. Phim Cha cõng con (Trịnh Đình Dũng, 2017) thể hiện rõ nét qua cách thức khai thác mối quan hệ giữa cha và con trong một bối cảnh đậm chất nhân văn, đầy cảm xúc và sự hi sinh. Đạo diễn Trịnh Đình Dũng đã khéo léo lồng ghép những tình huống xúc động, những cảnh quay tĩnh lặng khiến người xem cảm nhận được sự khắc khoải, cô đơn của hai nhân vật chính. Sự liên kết giữa cha và con trong diễn xuất không chỉ là một mối quan hệ gia đình đơn thuần mà còn là một biểu tượng của tình yêu thương vô điều kiện, sự gắn kết xuyên suốt giữa con người với cuộc sống. Những yếu tố này cùng nhau tạo ra một bộ phim không chỉ là câu chuyện về tình yêu gia đình mà còn là một tác phẩm mang tính chất thi ca, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người xem.

   Thứ tư, chất thơ với chủ đề tình yêu. Tình yêu là một trong những chủ đề trung tâm trong nhiều bộ phim Việt Nam từ điện ảnh cách mạng đến hiện nay. Chất thơ thường gắn liền với những câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn, những câu chuyện tình yêu này không chỉ đơn thuần là những mối quan hệ giữa các nhân vật mà còn phản ánh những xung đột tâm lý, những hi sinh và khát vọng trong cuộc sống.

   Bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam là Chung một dòng sông (Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân, 1959). Nơi dòng Bến Hải chia cắt hai miền Tổ quốc có mối tình của Hoài và Vận, hai người trẻ tuổi, ở hai bên sông, chung một mối tình nhưng gặp nhiều trắc trở. Câu chuyện tình yêu của họ trên phim mang tính biểu tượng cho tình yêu chạm vào trái tim khán giả, trao gửi thông điệp về khát vọng thống nhất của nhân dân hai miền. Hay câu chuyện đề tài tình yêu tuổi trẻ giữa Diễm Hương (Như Quỳnh) và Ba Duy (Thế Anh) trong phim Mối tình đầu (Hải Ninh, 1977) đã gây sốt thập niên 1970. Những tác phẩm điện ảnh Việt những năm gần đây cũng không thiếu các tác phẩm đầy chất thơ với câu chuyện tình yêu như Cánh đồng bất tận (Nguyễn Phan Quang Bình, 2010), tình yêu của các nhân vật không phải là một mối tình lãng mạn, sôi nổi mà là một tình yêu đầy tổn thương, hi sinh và cảm giác lạc lõng. Những mảnh ghép không lành lặn đã tìm đến nhau giữa nỗi buồn khổ tột cùng bởi những mặc cảm cá nhân và định kiến của xã hội, đó cũng là sự cồn cào một tình yêu, tình người chân thật, ấm áp khát khao một mái nhà yên bình. Hay là với Cô gái đến từ hôm qua (Phan Gia Nhật Linh, 2017), tình yêu mà Thư dành cho Việt An trong phim là một tình yêu tròn trịa, trong trẻo, mộc mạc của những ngày mới biết yêu, đưa khán giả về những ngày xưa yêu dấu với những lát cắt hoài niệm của một thời áo trắng. Còn với Em chưa 18 (Lê Thanh Sơn, 2017), một câu chuyện tình yêu tuổi trẻ thời hiện đại đầy hài hước cũng đã tạo nên dấu ấn cho điện ảnh Việt Nam. Gần đây nhất, phim Mai (Trấn Thành, 2024) không chỉ là câu chuyện tình yêu đơn giản mà là một hành trình khám phá bản thân, thể hiện qua những khoảnh khắc đẹp, tinh tế, đẫm chất thơ và trữ tình. Câu chuyện là sự hòa quyện giữa những cảm xúc mãnh liệt và khoảnh khắc đơn giản nhưng rất đáng trân trọng. Các nhân vật thể hiện tình cảm một cách tự nhiên và sâu sắc, chiều sâu cảm xúc của nhân vật đã khắc họa tình yêu như là một sự chấp nhận, hi sinh trong quá trình vượt qua nghịch cảnh.

   Như vậy, chất thơ trong điện ảnh Việt Nam không chỉ giúp nâng cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm mà còn tạo ra một không gian cảm xúc đầy lắng đọng. Các tác phẩm này giúp khán giả trải nghiệm được cảm xúc sâu sắc, đôi khi là một sự chiêm nghiệm về cuộc sống, tình yêu và những giá trị con người. Qua việc kết hợp hình ảnh, âm nhạc, diễn xuất và câu chuyện, điện ảnh Việt Nam đã xây dựng nên một phong cách đặc trưng, nơi chất thơ không chỉ là phương tiện để kể chuyện mà còn là cầu nối giữa con người và thế giới tinh thần, văn hóa của dân tộc.

   3. Kết luận

   Từ những tác phẩm điện ảnh Việt đã cho thấy chất thơ góp phần tạo nên bản sắc riêng biệt của điện ảnh nước nhà, giúp khán giả cảm nhận được vẻ đẹp sâu lắng của cuộc sống và con người Việt Nam. Trong bối cảnh dòng phim thương mại đang ngày càng chiếm ưu thế, chất thơ vẫn giữ vai trò quan trọng, mang đến không gian để khán giả chiêm nghiệm và lắng đọng, đồng thời khẳng định vị thế của điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Việc đưa chất thơ vào tác phẩm điện ảnh Việt Nam cần sự phối hợp giữa các nhà làm phim, nhà sản xuất và tổ chức văn hóa để nâng cao hiệu quả nghệ thuật của phim, đồng thời tìm cách đổi mới để đáp ứng thị hiếu hiện đại và tạo sức hút trên thị trường quốc tế. Nhà phê bình người Nga Belinsky đã từng viết: “Thẩm mĩ không phải là đại số… ngoài trí thông minh và học vấn còn đòi hỏi cảm xúc về cái đẹp”10. Điện ảnh Việt Nam, khai thác chất thơ làm điểm tựa, không chỉ góp phần bảo tồn giá trị nghệ thuật mà còn truyền cảm hứng, khơi gợi một hướng đi mới cho các nhà làm phim trẻ, khuyến khích họ khám phá và phát triển các cách thể hiện sáng tạo hơn.

 

 

 

Chú thích:
1 Lê Minh (2009), Khi đạo diễn trẻ già dặn, NXB Văn hoá Sài Gòn, tr. 202.
2 Laurent Tirard (2013), Những bài học điện ảnh 2, NXB Hồng Đức, tr. 11.
3 Dẫn theo: Lê Đình Tiến: “Bàn về chất thơ trong điện ảnh”, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 347 (tháng 5/2013).
4 Tạp chí điện tử Thế giới điện ảnh: “Con chim vành khuyên – Bài thơ bi tráng của điện ảnh Việt Nam”, https://thegioidienanh.vn/con-chim-vanh-khuyenbai-tho-bi-trang-cua-dien-anh-viet-nam-703.html, truy cập ngày 3/12/2024.
5 Báo điện tử VnExpress: “Bức tranh Nam Bộ lãng mạn trong Mùa len trâu”, https://vnexpress. net/buc-tranh-nam-bo-lang-man-trong-mua-lentrau-1884301.html, truy cập ngày 3/12/2024.
6 Báo điện tử VnExpress: “Song lang giàu chất thơ nhưng mỏng nội dung”, https://vnexpress.net/ giai-tri/phim/thu-vien-phim/song-lang-283, truy cập ngày 3/12/2024.
7 Báo điện tử Thông tấn xã Việt Nam: “Đạo diễn Trần Anh Hùng: Điện ảnh giúp tâm hồn nảy thơ”, https://www.vietnamplus.vn/dao-dien-anh-hungdien-anh-giup-tam-hon-nay-tho-post205305.vnp, truy cập ngày 3/12/2024.
Báo điện tử Thanh Niên, Chương trình 360 độ phim, https://thanhnien.vn/nham-mat-thay-mua-he-diudang-lam-thay-day-dut-lam-thay-185759783.htm, truy cập ngày 3/12/2024.
9 Báo điện tử Người Lao động: “Mùa ổi, một kiệt tác đầy chất thơ, https://nld.com.vn/van-hoa-vannghe/mua-oi--mot-kiet-tac-ve-chat-tho-53458.htm, truy cập ngày 3/12/2024.
10 Dẫn theo: Hà Minh Đức (Chủ biên, 2000), Lý luận văn học, NXB Giáo dục, tr. 343.

Bình luận

    Chưa có bình luận