“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây,
vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người"1
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà triết học, nhà chính trị với tư tưởng phản ánh tầm nhìn đi trước thời đại về hạnh phúc, đạo đức; về đạo lý làm người và tầm quan trọng của nền giáo dục nước nhà. Phát biểu tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn Miền Bắc, ngày 13 tháng 9 năm 1958, Người đã nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Câu nói trên đã chỉ ra tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục. Trong tư tưởng của Người, tất cả là vì “con người”.
1. Hồ Chí Minh với thế hệ trẻ
Đối với giáo dục thế hệ trẻ, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Tư tưởng giáo dục ấy không chỉ bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn cho con người, mà có tính bao quát, sâu xa nhưng vô cùng sinh động và thiết thực, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”, có tri thức, lý tưởng, đạo đức, sức khoẻ và thẩm mĩ... Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện/ Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền/ Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Sự kế tục giữa các thế hệ nối tiếp nhau vốn là quy luật tồn tại, phát triển của mọi xã hội. Ở bất cứ một quốc gia, dân tộc nào, tuổi trẻ đều là lực lượng lãnh đạo kế cận, là tương lai của đất nước. Do vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để phát triển bền vững, có một tương lai tươi sáng phía trước thì đất nước và mỗi cơ quan, tổ chức phải quan tâm đến “trồng người”, tức là phải luôn biết chăm lo, giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ, thế hệ kế tiếp. Đó là một quy luật phát triển tất yếu. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, nhờ quán triệt sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác bồi dưỡng, chăm sóc thế hệ trẻ - thế hệ tương lai, mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta luôn xây dựng được lực lượng kế cận hùng hậu có đủ phẩm chất và năng lực đưa đất nước vượt qua những thời điểm khó khăn, đưa cách mạng đến những thắng lợi vinh quang, ghi dấu ấn đậm nét vào tiến trình phát triển của dân tộc.
Công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới là một sự nghiệp lâu dài, khó khăn, phức tạp, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các thế hệ người Việt Nam. Do đó, Đảng, Nhà nước cùng đội ngũ cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị cần luôn quán triệt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt quan tâm, đầu tư, chăm lo giáo dục cho thế hệ trẻ, thế hệ tương lai. Đào tạo họ thành những công dân, những cán bộ đủ đức, đủ tài, vừa “hồng” vừa “chuyên”, đủ sức kế thừa và tiếp tục phát triển sự nghiệp cách mạng vinh quang của các thế hệ cha anh đi trước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt trọng tâm vào cuộc cách mạng xây dựng nước nhà bắt đầu từ trái tim, khối óc của con người, sao cho thuận lòng người luôn là công việc hàng đầu trong tư tưởng của Hồ Chí Minh. Dù ở đâu, thời đại nào những biến đổi tích cực từ hiểu biết, hành động của cá nhân, tập thể nhằm tạo điều kiện cho mỗi người được thể hiện quyền lợi, năng lực của chính mình để phát huy và đạt đến những điều tốt đẹp nhất như mong muốn.
Trong những năm đầu khi đất nước mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt mục tiêu phát triển dân trí là nhằm tiến tới việc xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, phồn vinh. Đây chính là một trong những mục tiêu nhân văn, cốt lõi nhất về quan niệm xây dựng nguồn nhân lực cho đất nước cũng là thể hiện khát vọng của Hồ Chí Minh về sự hoàn thiện con người, hoàn thiện nhân loại đối lập với chính sách ngu dân, bóc lột dân của chế độ thực dân, phong kiến trước đây. Theo Hồ Chí Minh toàn tập, Người nêu rõ mục đích: “Phát triển văn hóa, nâng cao dân trí, giáo dục đạo đức và nâng cao nhân cách cho nhân dân”2. Như chúng ta đã thấy, sau khi đất nước giành được độc lập, việc trước tiên là phải tạo điều kiện cho nhân dân biết đọc, biết viết và thu thập kiến thức. Người cho rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”3. Để đạt được mục tiêu đề ra là thắng “giặc dốt”, Hồ Chí Minh huy động tất cả các nguồn lực trong nhân dân. Chính tầm nhìn, mục tiêu nâng cao dân trí, nâng cao nguồn nhân lực cho đất nước của Người đã khích lệ nhân dân cả nước tham gia tích cực vào quá trình tự học, tự nâng cao bản thân để tạo nên sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích dân tộc.
Theo Người, việc nâng cao chất lượng, quy tụ nhân tài là hết sức quan trọng cho sự phát triển đất nước. Năm 1945 sau khi thành lập Chính phủ, Hồ Chí Minh có bài viết “Nhân tài và kiến quốc” với mục tiêu đề cao và kêu gọi người tài ra giúp nước: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển thêm nhiều.
Chúng ta cần nhất bây giờ là:
Kiến thiết ngoại giao
Kiến thiết kinh tế
Kiến thiết quân sự
Kiến thiết giáo dục”4.
Người cho rằng mỗi công dân cần được học và đào tạo bằng mọi hình thức như theo học tại trường lớp, học bằng kinh nghiệm chia sẻ từ mọi người xung quanh nhằm tăng năng suất, tăng kỹ năng cần thiết để có được mức sống ngày càng cao, có chất lượng. Hơn nữa mỗi cá nhân cần phải linh động để thích ứng với tình hình thay đổi của nền kinh tế trong và ngoài nước. Mỗi người cần nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, chủ động trong tìm tòi, nghiên cứu, học tập và phải vượt qua lối nghĩ “số mình nghèo thì lúc nào cũng nghèo”.
Như trên đã đề cập, hiện nay cuộc cạnh tranh cũng rất ác liệt đối với các nước đang phát triển là vấn đề chảy máu chất xám. Cuộc chạy đua giành lao động có kỹ năng trên toàn cầu ngày càng trở nên gay gắt, do đó cần tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao thu nhập để thu hút và giữ chân người lao động, nhất là người có đức, có tài để họ chuyên tâm cống hiến xây dựng đất nước trong thời đại khoa học công nghệ 4.0 hiện nay; đồng thời cải tổ hệ thống giáo dục để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, như Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đang là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
2. Hồ Chí Minh với lực lượng trí thức và nhân tài
Trí thức, nhân tài là nguyên khí của quốc gia, nguồn lực phát triển của đất nước. Do đó, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh người tài là một chiến lược có liên quan đến hưng vong của một quốc gia, một chế độ xã hội. Bước vào thời đại kinh tế tri thức toàn cầu hóa, vấn đề cấp bách đối với các nước đang phát triển như Việt Nam là cần nhanh chóng bứt lên theo kịp các nước trong khu vực và thế giới, tức là phải giải quyết tốt vấn đề trí thức và nhân tài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, hàm ý trong đó cả vấn đề chú trọng tới người tài. Các thế hệ người tài không nảy nở một cách ngẫu nhiên, tự phát mà thường là kết quả của một quá trình hàng trăm năm ấp ủ, vun trồng để dân tộc ta có được những người con lỗi lạc, trong đó không ít người là nhân vật xuất sắc của thời đại Hồ Chí Minh như đồng chí Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Với trí tuệ và nhân cách cao đẹp, họ đã lôi cuốn, dẫn dắt cả dân tộc làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công.
Ngày nay, bước vào thời đại khoa học công nghệ, thời đại toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực, ta cần phải có chiến lược đúng, quy hoạch đúng, chính sách đúng, có bước đi và cách làm đúng mới tạo ra được tiềm lực, vật chất, kỹ thuật, nhất là phải có một thế hệ người tài hình thành đồng bộ, đồng chí hướng, dám lăn xả, chịu trách nhiệm, biết hi sinh vì việc lớn của dân tộc.
Chúng ta vẫn nói đến chiến lược con người với mục tiêu: nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài nhưng chiến lược người tài vẫn chưa được quan tâm đề cập, thực hiện quyết liệt, cần phải có quyết sách ngay trong giai đoạn hiện nay
Thứ nhất là vấn đề đào tạo nhân tài: Ngoài những phương pháp, bước đi của quá trình đào tạo nhân tài, chúng ta cần đầu tư, định hướng mạnh hơn nữa ở bậc đại học và sau đại học bởi giai đoạn này, nhất là những năm cuối của đại học, năng khiếu mới thực sự định hình và phát triển nên cần được đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn cả về vật chất lẫn tinh thần để từ đó tài năng trở thành nhân tài thực sự.
Thứ hai là vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài: Đây là khâu có ý nghĩa quyết định để người tài được cống hiến trí tuệ, tài năng cho quốc gia, dân tộc. Trước hết cần có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi ở tầm vĩ mô, có tư duy chiến lược cao, có trí tuệ sáng suốt, biết nhìn xa trông rộng, giỏi nắm bắt thực tiễn dân tộc và thực tiễn thời đại, đủ sức hoạch định và dự báo con đường phát triển của đất nước; nhạy bén ứng phó trước mọi biến động, rủi ro trong quá trình phát triển. Họ cần biết tập hợp xung quanh mình một tập thể chuyên gia lỗi lạc làm tham mưu và biết kịp thời thay thế những người không đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo giỏi, vừa có tâm vừa có tầm mới thực hiện thành công các chiến lược kinh tế - xã hội của đất nước và họ luôn phải công tâm, đặt lợi ích Tổ quốc và Nhân dân lên trên lợi ích của tập đoàn, phe cánh, cá nhân.
Thứ ba là điều kiện làm việc đầy đủ, được đãi ngộ thỏa đáng, được hỗ trợ cho nghiên cứu, phát minh tìm tòi khoa học: Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức rõ tầm quan trọng và vai trò của đội ngũ trí thức đối với phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo môi trường ngày càng tốt hơn để khuyến khích phát triển đội ngũ trí thức, đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06 tháng 8 năm 2008 về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước”.
3. Kết luận
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, trong đó có nguồn nhân lực tài năng, trí thức trẻ. Lực lượng này có nở rộ để đưa nước ta đuổi kịp và vượt các nước trong khu vực trong vài thập kỷ tới hay không phụ thuộc vào chiến lược đào tạo và sử dụng trí thức, nhân tài theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện những điều đó cần một tầm nhìn rộng lớn, một đức độ khoan dung, một tấm lòng nhân ái, một cách ứng xử vừa tôn trọng vừa tin cậy và yêu thương. Tất cả đều phải xuất phát từ lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân.
Chú thích:
1, 2, 3, 4 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 528, 97-98, 91, 47-48.