Lịch sử văn học thế giới hoàn toàn có thể xem Cao Hành Kiện (sinh năm 1940) và Nguyễn Huy Thiệp (sinh năm 1950) là người cùng thời. Cả hai đều thành danh và có cảnh ngộ ít nhiều giống nhau trong cuộc đời, đều hoạt động nghệ thuật sôi nổi trong quãng thập niên cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI. Là các tác gia “đa thể loại”, được đánh giá là thành công nhất và được tập trung chú ý nhiều nhất ở lĩnh vực văn xuôi, song cả hai văn hào đều có sáng tác để đời thuộc thể loại thơ. Bài viết này trình bày một số liên hệ so sánh hai tác gia này trong lĩnh vực sáng tác và xuất bản thơ.
1. Thơ Cao Hành Kiện và Nguyễn Huy Thiệp – bình luận của các nhà nghiên cứu
Cao Hành Kiện xuất bản tập thơ đầu tiên tại Đài Loan vào năm 2012, sau khi giành Giải Nobel Văn chương hơn chục năm. Đó là tập Du thần dữ huyền tư - Cao Hành Kiện thi tập (遊 神 與 玄 思 - 高 行 健 詩 集) do Công ty Cổ phần hữu hạn sự nghiệp Liên Kinh, Đài Loan xuất bản. Nhà nghiên cứu, phê bình Lưu Tái Phục trong lời giới thiệu sách với nhan đề Sự thấu triệt thi ý - Tựa cho tập thơ Cao Hành Kiện viết: “Thơ Cao Hành Kiện không nhiều… Hai mươi năm trước đọc tác phẩm ca dao hiện đại Tôi nói chuyện loài nhím xong tôi từng nói với Cao Hành Kiện: “Anh nên viết thơ nhiều hơn, thậm chí có thể viết một bộ trường ca”… Thơ Cao Hành Kiện ngôn ngữ chắt lọc, cô đọng, hàm chứa những suy tư độc đáo. Trong vẻ hí hước nhẹ nhàng thấy bộc lộ những thức nhận sâu sắc đối với nhân tính và thế giới nhưng hoàn toàn không khó hiểu, rất rõ ràng, đọc là hiểu”1. Nhà nghiên cứu cũng nói rằng hai mươi năm sau đọc tập Du thần dữ huyền tư của Cao Hành Kiện, ông lại phải nói với nhà thơ họ Cao: “Thơ anh có cái thấu triệt của thi ý” và Lưu Tái Phục tự giải thích: cái gọi là “thấu triệt” ở đây chính là “cái thấu triệt thức nhận hoàn cảnh sinh tồn của con người và thế giới”. Trái ngược với thơ Mông lung, sự “thấu triệt” trong thơ Cao Hành Kiện không chút che đậy, tạo cảm giác gần gũi, thẳng thắn. Trong khốn cảnh sinh tồn bụi đục lúc bấy giờ, một nhà thơ – nhà tư tưởng như Cao Hành Kiện, rốt cuộc có thể làm được gì: “Con người nếu vứt gạt được trùng trùng chướng ngại của vọng niệm mà sống giữa thế giới chân thực thì có thể không?”. Lưu Tái Phục nhận định: “Đọc tập thơ của Cao Hành Kiện, tôi lại như đọc được một bộ luận thuật tư tưởng tràn đầy suy tư sâu sắc, sáng tỏ. Tôi như bừng tỉnh ra khỏi cơn khốn đốn của suy tư”. Ông dẫn khổ đầu của bài thơ (gồm 26 khổ) mở đầu tập thơ Du thần dữ huyền tư của Cao Hành Kiện làm dẫn chứng: “Cuộc sống đối với anh/ Lại trở nên tươi mới đến thế/ Hãy còn trong nhân thế/ Thì hãy tận tình tận hứng/ Bay nhảy lại lần nữa/ Còn gì may mắn hơn!”2, cho thấy nhà thơ đã bày tỏ tâm tình của mình rất tỉnh táo mà cũng rất tự tại. Con người ai chẳng chết, thời gian còn lại luôn không nhiều. Vậy thì cuộc đời hữu hạn này nên sống như thế nào, làm sao để đối mặt với cái thế giới thực tại ồn ào, nhốn nháo kia?
Lưu Tái Phục lấy sáng tác của Cao Hành Kiện để trả lời cho câu hỏi mang đầy nỗi ưu tư, sâu lắng. Nhà phê bình cho rằng đối diện với thế giới kim tiền đảo điên, một số nhà thơ Trung Quốc đương thời chỉ sa vào trò chơi câu từ, viết nên những câu thơ mà thậm chí họ cũng chẳng hiểu tại sao lại viết như thế. Đó là bởi các nhà thơ đã không có được sự thức nhận tỉnh táo đối với thời cuộc, họ viết những bài thơ đã không có tư tưởng lại thiếu đi cảm nhận thân thiết, chân tình. Trong khi đó, thơ Cao Hành Kiện, mỗi câu đều là một sự hồi ứng đến tình thế khốn khó của hiện tại: “Ôi, thơ/ Không phải là trò chơi ngôn ngữ/ Tư tưởng/ Mới là cốt tử của ngôn ngữ”.
Nhà nghiên cứu Lưu Tái Phục đề cao thơ Cao Hành Kiện khi cho đó là “một sự hồi đáp đề tài sinh tồn khốn cùng phổ biến của con người Đông cũng như Tây”. Thơ Cao Hành Kiện không có câu nào là hô suông, không có câu nào là làm bộ làm tịch. Thơ ông khiến người đọc sản sinh nỗi đồng cảm. Lưu Tái Phục còn so sánh Cao Hành Kiện với nhà thơ, nhà viết kịch, nhà phê bình văn học người Anh, cũng là tác gia tiên phong của phong trào thơ hiện đại – Thomas Stearns Eliot (1888-1965, đoạt Giải Nobel Văn chương năm 1948): “Nếu như nói Thomas Stearns Eliot tóm chộp được cái “đồi bại” của thế giới loài người thì Cao Hành Kiện cũng đã chộp lấy được cái “trống rỗng” trầm luân giá trị của nhân loại hiện đại”. Đọc thơ Cao Hành Kiện thì thấy cái “trống rỗng”/ hư không được nói tới đầy ấn tượng. Trong bài Giai cú ngẫu đắc (佳 句 偶 得) - khổ 24, Cao Hành Kiện từng viết: “Hư vô mới là chân tướng sự vật/ Ta chỉ nhặt được một số mảnh vụn của cuộc sống”3. Với Cao Hành Kiện, cuộc sống hiện tại đầy dung tục, vô vị; nom bên ngoài thật rực rỡ, náo nhiệt nhưng bên trong thì hư không, trống rỗng. Đọc đoạn sau trong bài Tang lễ của cái Đẹp (美 的 葬 禮), chúng ta càng thấy rõ điều đó: “Như giờ đây/ Khắp thế giới/ Mắt ta nhìn thấy được/ Khắp trời đầy đất:/ Nơi nơi đều biển quảng cáo/ Như vi rút/ Không đâu không đến/ Mỗi phút/ Mỗi giây/ Chỉ cần mở máy tính/ Là không thể nào chặn được […]/ Những tin đồn tràn lan/ Dung tục và vô vị/ Chỉ có Đẹp trở thành điều cấm kỵ/ Im lìm tắt hơi/ Không chút dấu vết/ Anh không thể biết ai làm điều đó/ Lan tràn giữa ban ngày/ Đẹp bị giết đi như vậy/ Đẹp chìm trôi/ Kết thúc rồi/ Buồn thay!”4 . Dễ hiểu vì sao ngay từ đầu bài thơ này, Cao Hành Kiện viết: “Anh có biết Đẹp đã trôi mất/ Anh có biết Đẹp đã chết rồi/ Anh có biết Đẹp đã dưới mồ?”; để rồi hậu quả là: “Sự bần cùng tinh thần/ Lan tràn thế giới/ Nhân thế ngày càng ồn ã/ Lòng người một vạt hoang vu”… Quả thực không dụng công câu chữ rực rỡ, hoa hòe; không màu mè tu từ, thơ Cao Hành Kiện là lời nói rất thực của nội tâm.
Ở Việt Nam, thơ Nguyễn Huy Thiệp đến với độc giả quá muộn. Sau khi nhà văn từ trần hai năm, nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn khi biên tập Nguyễn Huy Thiệp di cảo – Anh hùng còn chi mới tìm lại thủ cảo thơ ông và biên tập vào cuốn sách. Mai Anh Tuấn trong Lời giới thiệu cuốn sách cho biết: “Nguyễn Huy Thiệp sớm làm thơ và đã hoàn thành Những vần thơ chua xót khi mới hai mươi bảy tuổi. Cho dù chúng chỉ như lối ghi nhật ký, thoả mãn cảm xúc và suy tư của một giáo viên tỉnh lẻ, nhưng đọc lại, chúng ta vẫn thấy chất giọng, cái nhìn khá riêng. “Còn những gì chua xót/ Chỉ là trong thơ thôi”, câu đề từ tập thơ hé lộ cách cảm, cách nhìn cuộc sống, con người của Nguyễn Huy Thiệp không thiên về màu hồng, ngợi ca như dòng mạch chính của thơ cách mạng lúc bấy giờ. Trong giọng điệu thẳng thắn, có phần phê phán và giễu nhại, Nguyễn Huy Thiệp nhấn mạnh: “Đâu cũng bản tính nhác lười/ Thói vị lợi lân la tìm bạn/ Những khuôn mặt vô duyên, buồn chán/ Đất cằn khô, cỏ mọc chen hoa…””5.
Để có thể hình dung nét gặp gỡ trong phong cách thơ Nguyễn Huy Thiệp với Cao Hành Kiện, chúng tôi xin dẫn dài hơn bài thơ nhan đề Cực đoan mà Mai Anh Tuấn đã trích mấy câu trên: “Những thói thường ngự trị khắp nơi/ Nụ cười nhạt, cái bắt tay lạnh lẽo/ Những luân lý già nua, khô héo/ Cứ phều phào rên rỉ không thôi/ Đâu cũng đầy bản tính nhác lười/ Thói vị lợi lân la tìm bạn/ Những khuôn mặt vô duyên, buồn chán/ Đất cằn khô, cỏ mọc chen hoa […]/ Anh ghê tởm trò đời mũ miện/ Vòng hào quang giả dối trên đầu […]/ Tình yêu cũng lọc lừa, thớ lợ/ Rác và bùn vẩn những dòng sông/ Ôi thế gian cay đắng vô cùng/ Anh đã khóc như là trẻ nhỏ/ Trong tất cả những gì anh có/ Mong lòng tin đậu ở em thôi”. Dưới bài thơ này có dòng “bổ chú” nhỏ Hè 1977 cho thấy tính chất nhật ký của tập thơ như Mai Anh Tuấn đã xác định: “Đây chỉ là một nét tâm trạng, không phải là hoàn toàn ý nghĩ về cuộc sống. Dĩ nhiên, không phải lúc nào anh cũng cực đoan như thế”. Nhà nghiên cứu cho rằng Những vần thơ chua xót của Nguyễn Huy Thiệp mang cảm xúc và giọng điệu có nét gần gũi với thơ Lưu Quang Vũ đầu thập niên 1970: “Ở thời điểm này, nhiều thi phẩm của Lưu Quang Vũ ẩn chứa thái độ hoài nghi, buồn bã, có phần bi phẫn, chua xót… Nhưng cũng như Nguyễn Huy Thiệp, Lưu Quang Vũ chói sáng trên văn đàn thời đổi mới với tư cách kịch tác gia trước khi công chúng biết rõ hơn những thi phẩm xuất sắc tồn tại trong ngăn kéo của ông. Cả hai là hiện thân cho tiếng nói trung thực, thẳng thắn và mạnh mẽ bậc nhất về hiện tình xã hội”6. Đọc thêm bài thơ Suy ngẫm đạo lý của Nguyễn Huy Thiệp được viết năm 1977, chúng ta càng thấy rõ “tiếng nói trung thực, thẳng thắn và mạnh mẽ” ấy: “Muốn sống như vương đạo/ Nhưng thế sự đảo điên/ Buộc sống như bá đạo/ Lòng không nguôi ưu phiền/ Có con đường nào thẳng/ Sông nào chẳng chảy vòng/ Những gì trên mặt đất/ Chẳng uốn một chiều cong?/ Anh đã đi, đã nghĩ/ Muôn sự gặp ở đời/ Thảy đều như bá đạo/ Nụ cười héo trên môi/ Thôi, những trò vương bá/ Xếp lại cho người đời/ Mong chiếc hôn nồng thắm/ Không nhạt môi em thôi”…
Có thể thấy nhận xét của Mai Anh Tuấn về thơ Nguyễn Huy Thiệp: “Những vần thơ chua xót không hề có câu chữ phá cách, bút pháp tân kỳ”, cũng có phần gặp gỡ với chính tự nhận xét của Cao Hành Kiện về thơ ông. Nếu liên hệ thơ họ với tác gia tiên phong của phong trào thơ hiện đại đã nói ở trên – Thomas Stearns Eliot, chúng ta cũng sẽ thấy nhiều nét tương đồng. Thomas Stearns Eliot nổi tiếng với thi phẩm Miền đất hoang vu (The Waste Land, 1922; bản dịch Trung văn là (荒 原 – Hoang nguyên) – một cột mốc quan trọng của thơ ca hiện đại Anh - Mĩ. Tác phẩm thể hiện một cách sinh động cảnh tượng thế giới phương Tây chìm trong hoang tàn, thiệt hại nặng nề về vật chất, xã hội rối loạn và sự tan rã của các giá trị truyền thống sau Thế chiến thứ nhất. Hình ảnh đất đai khô cằn, tinh thần con người trống rỗng, cuộc sống sa đọa trong dục vọng… được phô bày mạnh bạo. Thơ Cao Hành Kiện và Nguyễn Huy Thiệp đều có thể cùng chia sẻ ý vị triết học cũng như cảm hứng phê phán nhân thế bộc lộ trong thi phẩm trứ danh này của T. S. Eliot. Điều khác biệt đương nhiên là ở chỗ tác phẩm của T. S. Eliot là một trường ca và tác giả của nó không có ý diễn đạt một cách giản dị như Cao Hành Kiện và Nguyễn Huy Thiệp.
2. Cao Hành Kiện và Nguyễn Huy Thiệp – sự gặp gỡ về quan niệm và bút pháp thơ
Thơ Nguyễn Huy Thiệp và Cao Hành Kiện không chỉ có sự gần gũi về cảm hứng và giọng điệu sáng tác mà còn có sự gặp gỡ về quan niệm và bút pháp. Cao Hành Kiện viết trong bài Tựa nhân lần đầu xuất bản tập thơ duy nhất trong đời cầm bút của ông Du thần dữ huyền tư - Cao Hành Kiện thi tập: “Mặc dù từ thuở thiếu niên tôi đã không ngừng viết thơ nhưng rất hiếm khi xuất bản”7. Giãi bày trên cho thấy điểm giống nhau nhất định giữa Cao Hành Kiện và Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Huy Thiệp cũng làm thơ từ thuở trẻ. Năm 2023, sau khi Nguyễn Huy Thiệp từ trần hai năm, sách Nguyễn Huy Thiệp di cảo - Anh hùng còn chi lần đầu tiên chọn in hơn hai chục bài thơ của tập thi cảo Những vần thơ chua xót gồm những bài thơ thay nhật ký, chủ yếu sáng tác năm 1977 – quãng thời gian cuối của thời kỳ Nguyễn Huy Thiệp dạy học ở Tây Bắc, tức là thời đầu xanh tuổi trẻ của tác giả (có lẽ vẫn còn nhiều bài ông viết trong thời gian đầu khi mới đôi mươi, như bài Thơ về căn phòng cũ của tôi…). Song như trên đã nói, đó chỉ là “điểm giống nhau nhất định” giữa hai tác gia này. Rốt cuộc, Nguyễn Huy Thiệp dù sao cũng không từng công bố thơ. Thực sự độc giả không ai biết Nguyễn Huy Thiệp có sáng tác thơ, cho đến khi di cảo Anh hùng còn chi xuất bản cho biết ông có bản thảo tập Những vần thơ chua xót gồm 51 bài, hoàn thành năm 19778. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa khẳng định rằng trong thời kỳ sáng tác sau ngày rời Tây Bắc, Nguyễn Huy Thiệp không còn viết thơ (người làm di cảo cũng nói đại ý là không thể trả lời dứt khoát về việc di cảo này có phải là toàn bộ sáng tác chưa được biết đến của nhà văn hay không)9. Cũng trong cuốn sách, chúng ta còn thấy những bài thơ Nguyễn Huy Thiệp viết trong khoảng hai năm cuối đời đã được người biên soạn tập hợp lại dưới tên gọi “Những vần thơ khi lâm bệnh nặng”. Chú thích của người biên soạn cũng cho thấy Nguyễn Huy Thiệp không viết thơ để in: “Đầu năm 2020, Nguyễn Huy Thiệp bị tai biến. Sau thời gian ngắn điều trị ở bệnh viện, ông được đưa về gia đình chăm sóc. Trong vài tháng duy trì các biện pháp phục hồi sức khỏe, ông có gắng cầm bút viết, vẽ “hí hoáy” trên những tấm carton (kích thước 46 x 48cm) cốt để giãi bày cảm xúc, tâm trạng và giữ đầu óc tỉnh táo. Có tất cả 35 tấm giấy viết, vẽ như thế, nhưng phần nhiều đều khó đọc, khó đoán ý. Chúng tôi lựa chọn và giới thiệu một số vần thơ cuối đời này của Nguyễn Huy Thiệp. Cách đánh số thứ tự là do chúng tôi thực hiện”10. Như vậy, có thể nhà văn trong khoảng thời gian sau khi giã từ Tây Bắc về xuôi cho đến trước lúc lâm bệnh nặng vẫn viết thơ – những bài thơ, đoạn thơ, câu thơ xuất hiện ngay trong các thiên truyện của ông. Nhưng đó không phải là thơ được công bố thành “bài thơ”. Chúng xuất hiện trong sáng tác truyện, khi như là lời của nhân vật trong truyện, khi như là lời của một người trần thuật từ ngôi thứ ba. Chúng ta có thể nói đó vẫn là những sáng tác thơ, chỉ là không trưng ra trước độc giả như là thi phẩm của một thi nhân có chỗ đứng riêng trong văn học sử. Điều này hoàn toàn khác với việc hữu ý làm thi nhân.
Rõ ràng thực tế Nguyễn Huy Thiệp không từng cho in thơ. Như đã nói, mấy chục bài thơ của ông trong sách Nguyễn Huy Thiệp di cảo đến với bạn đọc sau ngày ông đã mất. Do vậy, Nguyễn Huy Thiệp cũng không “cơ hội” để đề tựa hay viết lời bạt cho tập thơ của mình. Với Nguyễn Huy Thiệp, không có vấn đề gọi là thể loại/ bộ phận/ di sản thơ ca trong sự nghiệp văn học của mình. Trước sau, ông chỉ xem việc mình viết thơ như là một hình thức ghi nhật ký (thời kỳ dạy học ở miền núi) hay dưỡng bệnh (lúc lâm bệnh cuối đời). Về điều này, Nguyễn Huy Thiệp khác với Cao Hành Kiện.
Tuy nhiên, cũng như Cao Hành Kiện, Nguyễn Huy Thiệp là một tác gia “đa thể loại”, hoạt động trên khá nhiều lĩnh vực nghệ thuật: làm phim, nặn tượng, vẽ tranh, vẽ đồ gốm… Một mặt, ông nói về việc bản thân làm nhiều việc như thế với một thái độ chân thành pha chút tự trào (chẳng hạn, vì phải kiếm sống, ông có lúc viết tiểu thuyết “ba xu”); nhưng mặt khác, ông cũng nói rất nghiêm túc về quan điểm của một nhà văn “đa thể loại”: “Việc phân chia các thể loại văn học thường được các nhà lý luận hết sức coi trọng và “phân tích sâu sắc”. Tôi nghĩ không nên quá rạch ròi, dẫu rằng điều ấy có ích lợi thật. Những tài năng có hạn sẽ được an ủi rằng: tôi là nhà viết ký, tôi là nhà tiểu thuyết, tôi chỉ chuyên truyện ngắn mà thôi... Chúng ta nên nhớ A. Puskin vĩ đại viết thơ, kịch, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết… và nếu hồi đó có phim “vidéo” thì A. Puskin sẽ viết cả kịch bản phim “vidéo”. Thời chúng ta, G. G. Márquez cũng viết đủ thứ”11. Ấy vậy mà riêng với thơ, như chúng ta thấy, Nguyễn Huy Thiệp dường như luôn cẩn thận giữ một khoảng cách.
Nguyễn Huy Thiệp có nói về thơ nhưng không phải là về thơ của mình mà là về thơ của người, cũng không phải nói về thơ nói chung mà ông nói về “thơ của các thiên thần” và “thơ của những người khởi nghĩa, những nhà cách mạng”: “Thơ khó đến nỗi hình như có những bài thơ ta cảm thấy chỉ có các thiên thần mới viết ra được. Các thiên thần đều chết sớm. Họ đến sớm và chết sớm. Nếu ai đấy sống quá tuổi 37 là tuổi mất của A. Puskin thì có thể yên tâm mình không phải là thiên thần. Số thơ giá trị còn lại phần đông là thơ của những người khởi nghĩa, những nhà cách mạng. Họ chống lại số phận, chống lại cái nghèo, cái đói, chống bất công. Những bài thơ ấy làm xúc động con người bằng sự thành thực. Đấy là lửa trong thơ họ. Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ lý giải rằng vì sao những người khởi nghĩa, những nhà cách mạng lại hay ngâm ngợi và quả thực thơ họ có điều gì đấy khiến người ta hoảng sợ và kính nể thật sự… Nguyễn Hữu Cầu cảm khái: “Bay thẳng tới muôn trùng Tiêu Hán/ Phá vòng vây bạn với Kim Ô” thì bất cứ một người sành sỏi văn học thế nào cũng phải giật mình vì những câu thơ như thế. Có thể lấy ví dụ tương tự khi đọc thơ của Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Sansdor Petofi và cả Nazim Hikmets nữa. Những vần thơ của họ sống mãi”12. Hẳn có lẽ chính vì Nguyễn Huy Thiệp tôn vinh thơ như thế nên ông đã không dám dễ dãi chen mình vào làng thơ. Ngẫm những lời tiếp theo của ông, chúng ta không chỉ để thấy ông đánh giá thơ cao đến mức nào mà còn để nhân đó hiểu thêm về các sáng tác truyện và kịch của ông: “Khi Macxim Gorky bàn về thể loại văn học, ông nói kịch là thể loại khó nhất trong văn học thì tôi chắc ông đã nhầm lẫn gì đấy. Những nhà văn lớn hơn Macxim Gorky nhiều người đều thú nhận là thơ khó nhất. Tôi nghĩ thơ như người mẹ của những thể loại khác. Truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, bút ký, tùy bút… đều phải bú từ nguồn sữa ấy, có điều truyện ngắn và kịch được bà mẹ thơ cho bú dòng sữa đậm đặc nhất, còn tiểu thuyết thì bú nhiều nhất nên thậm chí sữa phải pha thêm nước đường, có người pha thêm nước lã”13.
So với Nguyễn Huy Thiệp, Cao Hành Kiện có điểm khác biệt. Tuy đến năm 2012 ông mới in thơ thành thi tập (nhan đề đầy đủ: Du thần dữ huyền tư - Cao Hành Kiện thi tập, cho thấy tâm thế thi nhân của Giải Nobel Văn chương 2000) nhưng trước đó, độc giả đã được biết tới một Cao Hành Kiện – nhà thơ. Fiona Sze Lorrain – tác gia, nữ nghệ sĩ và là nhà nghiên cứu nghệ thuật trẻ người Pháp gốc Singapore trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2006 đã từng gọi Cao Hành Kiện là nhà thơ. Fiona Sze Lorrain mở đầu bài phỏng vấn với câu hỏi: “Thưa nhà văn Cao Hành Kiện, điều gì đã thôi thúc ông, với tư cách của một tiểu thuyết gia, một nhà soạn kịch, một thi sĩ, một đạo diễn sân khấu và một họa sĩ, giờ đây lại hướng đến khám phá điện ảnh như một phương tiện nghệ thuật?”14. Mặc dù vậy, trong lời bạt cho tập thơ xuất bản năm 2012, Cao Hành Kiện viết: “Tôi không tự nhận là thi nhân, cho dù thơ có thể nói đã quán xuyến sáng tác của tôi. Từ vũ kịch Thanh thanh mạn biến tấu (聲 聲 慢 變 奏) đến kịch Chu mạt tứ trùng tấu (周 末 四 重 奏) hay ca kịch Bát nguyệt tuyết (八 月 雪) cho đến thơ điện ảnh gần đây Mĩ đích tang lễ (美 的 葬 禮), các văn bản đó đều là thơ”. Suy cho cùng, một mặt Cao Hành Kiện không tự nhận mình là thi nhân, song mặt khác có sự chủ ý sắp xếp, xuất bản sáng tác thơ. Qua lời giới thiệu của chính Cao Hành Kiện về tập thơ của ông, độc giả cũng có thể biết thêm quan niệm của ông về thơ: “Tập thơ này sưu biên 5 tác phẩm chính. Tác phẩm thứ nhất Tôi nói chuyện loài nhím (我 說 刺 蝟) nói đó là một bài kịch thơ cũng được và tôi gọi đó là ca dao hiện đại, cũng là vì ca dao dân gian thời nay đã bị ca khúc thịnh hành thay thế rồi. Tác phẩm thứ hai Tiêu dao như chim (我 說 刺 蝟), nguyên vốn là viết cho phim, tôi gọi điện ảnh thoát ra khỏi kết cấu tự sự mà tôi làm đó là điện ảnh thơ. Tác phẩm thứ ba Bài ca đi đêm (夜 間 行 歌) là cái mà tôi gọi vũ đạo thi kịch, kết hợp vũ đạo, kịch và thơ làm một, tạo ra một dạng thức biểu diễn sân khấu”15.
Ý kiến của Cao Hành Kiện cho thấy ông không còn giữ giới hạn chật hẹp trong quan niệm về thơ. Ông nói về sự trình diễn cũng như sự thâm nhập của thơ vào các thể loại khác. Điều thú vị là chúng ta có thể liên hệ, nghĩ ngay đến các kịch bản chèo như Vong bướm, Truyền thuyết tìm vua của Nguyễn Huy Thiệp với sự kết hợp ca kịch chèo với thơ lục bát, tuy đó chỉ là một thử nghiệm. Nguyễn Huy Thiệp thường chủ yếu kết hợp thơ với truyện ngắn và tiểu thuyết. Như đã đề cập, thơ trong truyện ngắn và tiểu thuyết của ông trình hiện theo nhiều cách. Theo cách quen thuộc, đó là “thơ của nhân vật trong truyện” – nhân vật làm/ đề thơ hay ngâm nga, diễn đọc, hát, tụng. Đôi khi đơn thuần đó chỉ là một tiếng “vẳng”, chẳng hạn trong truyện Chảy đi sông ơi: “Bên sông lại vẳng tiếng hát thuở nào tê tái:/ Chảy đi sông ơi/ Băn khoăn làm gì/ Rồi sông đãi hết/ Anh hùng còn chi?...”16. Có trường hợp có sự giới thiệu người hát, như ở các truyện: Kiếm sắc, Phẩm tiết (đều là Vinh Hoa hát) hay Trương Chi (Trương Chi hát). Cũng có khi giới thiệu đó là thơ đề của một nhân vật trong truyện, như truyện Đời thế mà vui: “Xế bên trái bàn thờ là chiếc gương với ảnh nữ tài tử Mai Diễm Phương người Hồng Kông trên tờ quảng cáo phim. Chỗ ức cổ trắng ngần của Mai Diễm Phương có ghi một bài thơ của kẻ vô danh, lời lẽ tầm thường: Thời không có anh hùng/ Người không có tri âm/ Mĩ nhân đêm vò gối/ Gạt nước mắt thơm thầm”17. Cũng có khi bài thơ xuất hiện giữa văn bản truyện như không phải là lời của một ai cụ thể trong câu chuyện, nó nối khảm vào dòng lời tự sự như một phần kết cấu văn bản truyện vậy thôi. Đó là trường hợp các truyện: Những bài học nông thôn, Thiên văn, Thương nhớ đồng quê, Mưa Nhã Nam, Chăn trâu cắt cỏ, Cánh buồm nâu thuở ấy. Đây là trường hợp phổ biến nhất. Cũng như Cao Hành Kiện, Nguyễn Huy Thiệp cho thấy sự xâm nhập của thơ vào trong sáng tác văn xuôi rất nổi bật.
Sự so sánh phong cách, bút pháp thơ Cao Hành Kiện và Nguyễn Huy Thiệp trở nên hết sức thuận tiện vì chính Cao Hành Kiện đã tự tổng kết về phong cách thơ của mình. Ông viết: “Thơ tôi là sự trở về với lời nói khẩu ngữ, nghe là hiểu, có thể nói không có câu nào phải ngẫm nghĩ vất vả. Dù khi viết tôi chữa đi chữa lại, có khi sửa trong hàng năm. Nói như thế không phải là khoa trương, bởi vì tôi có một kiểu yêu cầu khá cực đoan đối với ngôn ngữ thơ, đó là phải đọc thật thông thuận, thậm chí ngâm nga được”; “Đối với tôi mà nói, ngôn ngữ phải là tiếng nói vang lên từ giữa đời thường, viết và tu từ chỉ là chuyện về sau. Nói cách khác, không được để cho văn từ làm hại ý tứ, gây nên những chướng ngại câu chữ. Yêu cầu khắt khe này đến từ phản tư của tôi đối với tiếng Hán hiện đại. Tiếng Hán ngày nay Âu hóa, du nhập ngữ pháp tiếng Tây mà không tiêu hóa, vận dụng gượng gạo vào hành văn tiếng Hán, thường khiến cho độc giả mất công lý giải, khó nghe khó hiểu… Tôi ngược lại, cố gắng theo đuổi một sự thông đạt, trôi chảy trong Hán ngữ. Tôi dùng thính giác xử lý câu chữ đầu ngòi bút, đọc lên thành lời cứ từ ngữ nào khó hiểu thì nhất loạt bỏ đi”18.
Nếu lời tự nhận xét của Cao Hành Kiện là đúng thì chúng ta dường như có thể nói ông cũng có thể lấy thơ Nguyễn Huy Thiệp minh họa cho phong cách thơ của mình. Hoặc cũng có thể nói ngược lại, Nguyễn Huy Thiệp dường như cũng có thể mượn những lời như: “Đối với tôi mà nói, ngôn ngữ phải là tiếng nói vang lên từ người đang sống, viết và tu từ chỉ là chuyện về sau” của Cao Hành Kiện để nói về thơ của mình. Thật vậy, những bài thơ như bài Không đề (1976) của Nguyễn Huy Thiệp có gì khác hơn là “lời nói khẩu ngữ”, “tiếng nói vang lên từ giữa đời thường”: “Muốn đòi lại màu xanh và sự tươi mát cho thơ/ Như thế là đòi lại cho ta cả cách sống, cách cảm của một thời anh yêu em đấy!/ Ờ mà đã gần tuổi ba mươi nửa đời người nhanh vậy?/ Còn mong gì hương sắc của những chuyến đi tìm cái mới/ mà không về với cố cựu, cố hương?”. Hay bài Hạnh phúc mong mỏi (1977) cũng vậy, không sử dụng lấy một phép tu từ nào: “Mong được về bên em, ta ở bên nhau/ Rào lại mảnh vườn, rồi gieo hạt giống/ Ăn một bữa rau cải đầu mùa với em cũng là hạnh phúc/ Ngồi hơ tay bên bếp lửa nhà mình lòng tràn ngập yêu thương”. Hoặc như bài Khi xa em dẫn dưới đây thật đúng “là sự trở về với lời nói khẩu ngữ, nghe là hiểu… không có câu nào phải ngẫm nghĩ vất vả” (lời Cao Hành Kiện): “Khi xa em. Anh chỉ có một mình/ Phải chống chọi với cả mùa rét buốt/ Với nỗi nhớ nôn nao không ngủ được/ Với niêu cơm nhỏ - cả nó nữa - chỉ mình anh”. Tất nhiên, nói “nghe là hiểu… không có câu nào phải ngẫm nghĩ vất vả” là để nói: nên tránh loại thơ đã cầu kỳ, hũ nút lại còn tu từ màu mè. “Dễ hiểu” ở đây không phải là chỉ ý nông cạn. Ví như những vần thơ trên của Nguyễn Huy Thiệp cũng mang đậm cái ý tình sâu lắng. Chúng ta hãy tưởng tượng cái tận cùng cô đơn của kẻ một mình bên niêu cơm: “cả nó nữa - chỉ mình anh”.
Đọc thơ Nguyễn Huy Thiệp, người đọc nhận thấy đôi khi cái tột đỉnh sâu đằm của tứ thơ trình hiện ra dưới dáng vẻ tự nhiên tột độ. Không chút cầu kỳ, không hề điệu bộ; ý tình cuốn quyện lấy lời thơ như lời nói thường: “Mệt mỏi. Rối bời. Đầu đau như búa bổ/ Quanh quẩn một góc phòng. Buồn tê tái thịt da/ Miệng đớp đớp vài hơi không khí loãng/ Em ơi em. Cuộc sống vẫn trôi à?”. Đây là những lời thơ dẫn trong bài Cuộc sống vẫn trôi (tác giả đề đầy đủ lạc khoản thời gian nơi chốn là “Trường Bổ túc Công nông, Sơn La. Đầu tháng 10/1977). Phong cách thơ giản dị, đời thường của Nguyễn Huy Thiệp không đổi cho đến cuối đời. Nói như trong bài thơ Hoa đến chơi của ông, phong cách ấy “Anh đã giữ suốt đời/ Vật cũ người không cũ/ Vẫn như ngày nào thôi”. Vẫn đó, những lời thơ chân thành, câu chữ bình dị mà tứ thơ cao vời – rất gần gũi với phong cách biểu đạt mà Cao Hành Kiện đã từng tự nhận xét về mình là “không được để cho văn từ làm hại ý tứ”: “Con người nhỏ bé/ Xót xa xót xa/ Kiếp người trôi dạt/ Trên đường xót xa/ Chiều mưa buồn thế!” (Những vần thơ khi lâm bệnh nặng).
3. Thay lời kết
Sinh thời, Nguyễn Huy Thiệp không công bố thơ vì ông quan niệm “thơ khó nhất”. Tất nhiên, đó là nói tới thơ của “thiên thần” làm ra. Chính ông đã dùng từ “cao siêu” để nói về thể loại văn học này. “Cao siêu” ở đây là để vinh danh thơ với tư cách là thể loại khó nhất, là “bà mẹ” của các thể loại, chứ không phải là nói thơ khó hiểu hay kiểu cách. Trong phần Ghi chú cuối truyện Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Nguyễn Huy Thiệp từng viết: “Về nhận xét cuối truyện, có chứa ẩn một vài “chân lý văn học sử” trong đó tác giả nhận ra rằng trong văn học thì “ngôi Chúa Lời” trước sau vẫn thuộc về thơ”19. Ngay đầu bài viết, chúng tôi có dẫn lời nhận xét thơ Cao Hành Kiện của nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình Trung Quốc Lưu Tái Phục cho rằng thơ Cao Hành Kiện ngôn ngữ chắt lọc, cô đọng, hàm chứa những suy tư độc đáo; trong thơ bộc lộ những thức nhận sâu sắc đối với nhân tính và thế giới nhưng hoàn toàn không khó hiểu… Thiết tưởng, chúng ta cũng có thể mượn những lời khen đó dành cho thơ Nguyễn Huy Thiệp.
Chú thích:
1, 2, 3, 4, 7, 15, 18 Cao Hành Kiện (2012), Du thần dữ huyền tư - Cao Hành Kiện thi tập, NXB Công ty Cổ phần hữu hạn sự nghiệp Liên Kinh, tr. 7, 30, 15, 139, 250, 193, 252.
5, 6, 9, 10, 11, 12, 13, 15 Mai Anh Tuấn (biên soạn, 2023), Nguyễn Huy Thiệp di cảo - Anh hùng còn chi, NXB Hội Nhà văn, tr. 9, 10, 8, 32, 92, 90-91, 90, 193.
8 Xem thêm: “Tôi nói chuyện loài nhím”, Du thần dữ huyền tư - Cao Hành Kiện thi tập, NXB Công ty Cổ phần hữu hạn sự nghiệp Liên Kinh, tr. 7.
14 Hải Ngọc (lược dịch, 2011): “Cao Hành Kiện - Fiona Sze Lorrain - Điện ảnh cũng là văn học” (Trò chuyện với Cao Hành Kiện xung quanh bộ phim Hình bóng (Silhouette/Shadow-2006) của ông), https://lythuyetvanhoc.wordpress.com/2011/02/ 09/cao-hanh-kien-fiona-sze-lorrain.
16, 17, 19 Nguyễn Huy Thiệp (2021), Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - Với minh họa của các họa sĩ, NXB Văn học, tr. 73, 286, 543.