ỨNG XỬ VỚI VĂN HÓA PHƯƠNG TÂY THỜI THUỘC ĐỊA: CÁI NHÌN NƯỚC ĐÔI (AMBIVALENCE) HAY PHẢN ỨNG (REACTION) TRƯỜNG HỢP VŨ TRỌNG PHỤNG

Bài viết góp phần mô tả và luận giải một khía cạnh trong tư tưởng của Vũ Trọng Phụng đối với văn hóa phương Tây thời thuộc địa, vừa tiếp thu vừa phản ứng mạnh mẽ. Từ đó, làm rõ quan điểm về việc bảo vệ giá trị truyền thống của người Việt.

   Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là một trong những nhà văn, nhà báo, tuy tuổi đời ngắn ngủi nhưng ông đã trải nghiệm đời sống của xã hội Việt Nam trong giai đoạn bùng nổ nhất của văn hóa thực dân ở một xứ thuộc địa với những khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực của nó. Những trải nghiệm này đã được ông trình bày và thể hiện khá sinh động trong nhiều tác phẩm văn học và báo chí. Chúng góp phần giúp người đọc hình dung phần nào những khía cạnh văn hóa - xã hội của Việt Nam giai đoạn thuộc địa của Pháp.

   Trước khi Pháp xâm chiếm và thiết lập chế độ cai trị tại Việt Nam, người Việt chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa, nòng cốt là văn hóa theo quan điểm Nho giáo. Việc tiếp nhận văn hóa Trung Hoa, một phần do áp lực (Việt Nam nhiều lần bị phong kiến Trung Hoa đô hộ), một phần vì sự tương đồng về thể chế chính trị phong kiến (đặc điểm chung của khu vực Đông Á). Người Việt chủ yếu tiếp nhận văn hóa nghi lễ, văn hóa cung đình, văn hóa hôn nhân, gia đình, văn hóa tôn giáo (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo)... Những hình thức văn hóa này có ưu điểm là tính bài bản, quy củ. Nhờ vậy, từ phương diện thực hành, chúng dễ được duy trì lâu dài qua các triều đại phong kiến khác nhau. Tuy nhiên sự ảnh hưởng văn hóa phong kiến Trung Hoa bị giới hạn bởi người Việt có ý thức tự chủ và có nền văn hóa riêng từ lâu đời, với sự phong phú các tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng thuần Việt. Người Việt từ lâu có ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, thể hiện qua nhiều phương diện: văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực, văn hóa tín ngưỡng, văn hóa dân gian… Điều này cho thấy, từ thời phong kiến, trong tình thế tiếp xúc với văn hóa ngoại lai, trong đó văn hóa Trung Hoa là chủ yếu, người Việt đã có tâm lý “ambivalance” (nước đôi), tức vừa đồng thuận vừa phản ứng. Đồng thuận là để bổ khuyết cho những chỗ thiếu hụt, cần được thêm vào và làm giàu cho văn hóa Việt và phản ứng trước những điều trái với thuần phong mĩ tục của người Việt, có khả năng làm phai nhạt văn hóa Việt. Suốt hơn ngàn năm Bắc thuộc, người Việt không để mất tiếng nói và chữ viết của mình trước xu hướng Hán hóa, từ thế kỷ X trở về sau, xu hướng dùng chữ Nôm thay chữ Hán ngày càng mạnh mẽ. Văn học chữ Nôm có những tác phẩm đạt đến mẫu mực. Đạo Mẫu là một tín ngưỡng bản địa của người Việt có từ xa xưa và ngày càng phát triển. Tục ăn trầu cau gắn với quan niệm nhân duyên được gìn giữ. Tục thờ cúng tổ tiên, tư tưởng uống nước nhớ nguồn, tinh thần tương thân tương ái, quan niệm các dân tộc trên đất Việt đều sinh ra từ một bọc (bọc trăm trứng trong truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên)… đã tạo nên những dấu ấn đặc sắc trong văn hóa Việt Nam. Đó là những minh chứng sống động cho ý thức tự tôn, tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt.

   Trong thời Pháp thuộc, đặc biệt là từ khi Pháp hoàn thành việc bình định ở Việt Nam (cuối thế kỷ XIX) và bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa thì văn hóa Việt Nam có những đảo lộn, thay đổi, cả tích cực lẫn tiêu cực. Dưới sự cai quản của người Pháp, văn hóa phương Tây ngày càng được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn ghi dấu ấn cai trị của Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương. Dưới sự cai trị của ông (từ 1897 đến 1902), Việt Nam chịu nhiều tổn thất và thiệt hại nhiều mặt nhưng cũng được hưởng lợi một số phương diện về kinh tế và giáo dục. Paul Doumer là người áp đặt chế độ trực trị tại Việt Nam, chia nước ta thành 3 kỳ với những quy định nghiêm ngặt, áp đặt nhiều thứ thuế và tận thu các nguồn lợi kinh tế của người Việt, đàn áp dã man những người Việt chống Pháp. Tuy nhiên, cũng chính Paul Doumer đã cho xây dựng Trường Đại học Y Hà Nội, thành lập Viện Viễn Đông Bác cổ - EFEO, Viện Pasteur Nha Trang… Những cơ sở này góp phần mở mang khoa học và văn hóa cho Việt Nam. Ông còn là người khởi xướng việc xây dựng những công trình giao thông quan trọng mang tầm thế kỷ cho nước ta lúc bấy giờ như cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Tràng Tiền (Huế), cầu Bình Lợi (Sài Gòn) và hệ thống đường sắt xuyên quốc gia (ở Hà Nội, Sài Gòn, Trung Kỳ, Hải Phòng, một số điểm nối với Trung Quốc, Lào, Campuchia).

   Ở góc độ khác, sự thất bại của các cuộc khởi nghĩa nông dân chống Pháp do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo cuối thế kỷ XIX không có nghĩa là phong trào chống Pháp của nhân dân Việt Nam đã bị dập tắt. Đầu thế kỷ XX, phong trào chống Pháp tiếp tục bùng nổ dưới sự lãnh đạo của các cá nhân và tổ chức chính trị hiện đại (Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, Phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh, Việt Nam Quốc dân đảng, Đảng Cộng sản Đông Dương) với các hình thức linh hoạt (đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang) diễn ra liên tục và quyết liệt. Những nhà cách mạng đầu thế kỷ XX, dù theo khuynh hướng chính trị nào cũng đều mong muốn đất nước được độc lập, nhân dân được tự do và họ tìm cách học hỏi nhanh những cái hay của thế giới với mong muốn làm cho dân tộc mình mạnh mẽ hơn.

   Công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914) và lần thứ hai (1919 -1929), người Pháp đã vơ vét nhiều tài nguyên, khoáng sản của Việt Nam, bóc lột sức lao động của người Việt, thao túng nền kinh tế ọp ẹp của Việt Nam nhưng phần nào thúc đẩy công cuộc đô thị hóa ở Việt Nam, đồng thời dọn đường cho sự bành trướng văn hóa phương Tây. Môi trường đô thị hóa nửa đầu thế kỷ XX chính là mảnh đất ươm mầm và dung dưỡng cho văn hóa phương Tây nảy nở, lan rộng. Tuy nhiên, những yếu tố văn hóa mới đến với người Việt không theo con đường tự chủ động tiếp nhận mà theo sự dàn dựng, truyền bá áp đặt của chính quyền thực dân (Trần Quốc Vượng gọi là “cưỡng bức giao thoa”) nên sự tiếp nhận của người Việt có khi dè dặt, có lúc phản kháng.

   Trước sự phổ biến của văn hóa phương Tây, thái độ phản ứng của tầng lớp trí thức Việt Nam cũng khác nhau: có tiếp nhận và từ chối, có khi tiếp nhận cái này nhưng từ chối cái kia. Đầu thế kỷ XX, một trong những sự kiện ghi dấu ấn báo chí, văn học, văn hóa và cả chính trị đáng chú ý lúc bấy giờ là sự xuất hiện của tạp chí Nam Phong do Phạm Quỳnh làm chủ bút1. Tờ tạp chí xuất bản hàng tháng này được duy trì đều đặn 17 năm (từ 7/1917 đến 12/1934) với chất lượng chuyên môn được người đọc đương thời ghi nhận. Mặc dù, về chính trị, Nam Phong tuân thủ sự chỉ đạo của chính phủ bảo hộ, trực tiếp là quan toàn quyền Pháp Albert Sarraut nhưng trong thực tế Phạm Quỳnh cùng các cộng sự đã trung thành với chủ trương kết hợp truyền bá tư tưởng học thuật và văn hóa cả phương Tây và phương Đông, trong đó chú trọng văn hóa, phong tục, văn chương truyền thống của người Việt. Tờ Nam Phong góp phần đăng tải những tư tưởng căn bản của triết học và khoa học phương Tây, đồng thời trực tiếp hoặc gián tiếp phổ biến kinh nghiệm viết văn, làm báo hiện đại, viết khảo cứu, phê bình, dịch thuật… những thứ mà nhiều người Việt thời bấy giờ còn ít kinh nghiệm. Cũng chính qua hình thức thông tin này, Nam Phong đã góp phần giúp người viết và người đọc làm quen và sử dụng ngày càng thành thạo chữ quốc ngữ theo văn phong của văn chương và báo chí hiện đại. Sự nghiệp chính trị của Phạm Quỳnh khá phức tạp nhưng riêng góc độ văn hóa, ông thuộc kiểu người vừa nhiệt tình tiếp thu tư duy khoa học của phương Tây vừa muốn lưu giữ, bảo vệ những giá trị truyền thống tinh hoa của người Việt. Ông muốn dung hòa Đông Tây một cách uyển chuyển. Ông chủ trương để tiếp thu văn hóa nước ngoài có hiệu quả cần phải nắm cho chắc, giữ cho chặt, xây dựng cho bằng được cái gốc văn hóa hoàn thiện của dân tộc mình: “Phàm sự văn hóa là phải vun trồng tự nơi căn bản, nếu bỏ căn bản của mình mà chuyên sao chép của người khác, tự mình không có gốc sẵn mà đi mượn của người ta thời như người vay lãi mà ăn, sớm muộn tất có ngày vỡ nợ” (Thượng Chi văn tập). Cũng cần nói thêm, việc đề cao Truyện Kiều (1924) bằng sự suy tôn tác phẩm của Nguyễn Du là “quốc hồn, quốc túy” và câu nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” tuy từng gây tranh cãi nhưng đó là một phát ngôn chân thành của học giả Phạm Quỳnh. Dường như ông muốn cân bằng việc tiếp nhận văn hóa, văn học phương Tây với việc lưu giữ, khẳng định những giá trị tiêu biểu của văn hóa, văn học Việt Nam. Một số trí thức tên tuổi cùng thời cũng cảm nhận và ghi nhận cái tâm của ông chủ bút Nam Phong2.

   Nếu Phạm Quỳnh là nhà văn hóa, nhà biên khảo, nhà báo đại diện cho xu hướng dung hòa văn hóa Đông Tây những năm 20-30 thì Nhất Linh (chủ bút báo Phong hóa, Ngày nay và là thành viên số một của Tự lực văn đoàn) là nhà văn, nhà báo tiên phong và tiêu biểu cho xu hướng tích cực tiếp nhận văn hóa, văn minh phương Tây và sẵn sàng tấn công vào sự bảo thủ, lạc hậu của tàn dư phong kiến, trọng tâm là vấn đề tình yêu, hôn nhân và gia đình. Đương thời Nhất Linh, Khái Hưng viết tiểu thuyết luận đề và tiểu thuyết tâm lý để đả phá cái cũ, ủng hộ cái mới. Cái cũ là tư tưởng gia trưởng phong kiến, là những quy định nghiêm ngặt trong tình yêu và hôn nhân theo lễ giáo phong kiến. Cái mới là quyền bình đẳng nam nữ, quyền tự do lựa chọn người mình yêu, quyền được theo đuổi sở thích cá nhân của giới trẻ. Nhất Linh, Khái Hưng (nhóm Tự lực văn đoàn) – tiêu biểu cho tầng lớp trí thức Tây học – chủ trương tiếp thu, giới thiệu văn hóa, văn minh của phương Tây hiện đại để thay thế, đẩy lùi những cái cũ, cái lạc hậu trong văn hóa truyền thống. Tác phẩm văn học của họ lên án kiểu gia đình gia trưởng, phê phán tư tưởng áp đặt của cha mẹ trong tình yêu và hôn nhân của con cái, mỉa mai những tập tục, thói quen lạc hậu làm hạn chế đến việc nâng cao tính thẩm mĩ của con người. Họ chỉ ra hậu quả tai hại của lễ giáo phong kiến là gia đình luôn xung đột, hôn nhân không có hạnh phúc. Nhìn chung, Tự lực văn đoàn là những người sốt sắng cổ xúy cho việc xác lập địa vị của cá nhân trong xã hội hiện đại. Những quan điểm của họ nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của giới trẻ đô thị nhưng dường như ít có tác động đối với người dân ở nông thôn.

   Khác với Phạm Quỳnh và những nhà văn chủ chốt của Tự lực văn đoàn, Vũ Trọng Phụng phản ứng một cách mạnh mẽ trước sự tiếp nhận văn hóa phương Tây một cách bừa bãi, thiếu chọn lọc và ông lên tiếng cảnh báo hậu quả khôn lường của nó đối với xã hội, con người. Đương thời Vũ Trọng Phụng là nhà văn, nhà báo xông xáo và tài năng. Là một nhà báo hiện đại, ông viết phóng sự đạt đến đỉnh cao, được đồng nghiệp đánh giá là “vua phóng sự đất Bắc”. Phóng sự của ông giàu chất văn học, đương thời gọi là phóng sự tiểu thuyết (Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô). Là nhà văn, ông viết tiểu thuyết đạt đến trình độ điêu luyện và hấp dẫn, được độc giả đánh giá là nhà tiểu thuyết xuất sắc (Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, Trúng số độc đắc…). Tên tuổi của ông thường xuyên có mặt trên các tờ báo lớn đương thời như Ngọ báo, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Bảy, Tiểu thuyết thứ Năm, Đông Dương tạp chí, Tương lai, Nhật Tân, Hải Phòng tuần báo, Phụ nữ thời đàm, Sông Hương... Qua văn chương và báo chí, ông chứng tỏ khả năng tiếp thu và vận dụng tốt các hình thức thể loại của văn học và báo chí phương Tây hiện đại. Đóng góp của ông với lịch sử văn học và báo chí hiện đại có sự vượt trội so với nhiều nhà văn, nhà báo nửa đầu thế kỷ XX. Ông theo khuynh hướng “tả thực” với cái nhìn xã hội tinh tế và sâu sắc. Vũ Trọng Phụng thuần túy là một nhà văn, nhà báo, ông không tham gia bất kỳ tổ chức hoặc đảng phái chính trị nào. Trong văn học và báo chí, ông thể hiện một lập trường văn hóa rõ rệt và nhất quán. Ông cảnh báo những hậu quả tai hại của văn hóa phương Tây đối với văn hóa, đạo đức của người Việt, đồng thời, bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống theo quan niệm của ông. Nếu nhìn bề ngoài, có vẻ như Vũ Trọng Phụng làm ngược lại với những nhà văn, nhà báo chủ chốt của Tự lực văn đoàn như Nhất Linh và Khái Hưng nhưng thực ra, trong sâu xa ông không chống lại toàn bộ văn hóa, văn minh phương Tây. Ông chỉ chống lại những thứ không/ chưa phù hợp với người Việt lúc bấy giờ hoặc những thứ chỉ dung dưỡng cho thanh niên đua đòi, ăn chơi trác táng. Thái độ phản ứng của ông là dứt khoát, quyết liệt.

   Trong tiểu thuyết Làm đĩ, Vũ Trọng Phụng kể chuyện cô gái tên Huyền - con nhà tử tế nhưng do bản thân bị đòi hỏi xác thịt quá sớm, cộng với việc bị tác động của nhiều yếu tố gây hại cho tâm sinh lý của đứa trẻ ngay từ trong gia đình nên Huyền ngày càng trượt dài vào con đường trụy lạc, dẫn đến việc phải hành nghề trong nhà thổ (làm gái bán hoa). Những yếu tố gây hại này bao gồm người cha ngoại tình, ăn nằm với người tình trước mặt con gái (phản ứng với quan niệm tự do yêu đương – một điều xa lạ với văn hóa truyền thống của người Việt), người anh họ lưu trữ sách báo lõa lồ, khêu gợi thân xác (ám chỉ việc chính phủ thực dân cho phép/ khuyến khích thanh niên hưởng lạc thể xác), người chồng khuyến khích vợ tiếp bạn trai một cách tận tình, chu đáo khi mình vắng nhà, dẫn đến vợ ngoại tình với bạn, gia đình tan vỡ (ám chỉ việc bắt chước văn minh phương Tây dễ dãi, buông thả). Như vậy, trong tiểu thuyết Làm đĩ, một mặt, Vũ Trọng Phụng chủ trương cần đưa việc giáo dục giới tính (điều mà ở phương Tây đã làm từ lâu) vào trường học để giúp học sinh Việt Nam hiểu được quá trình phát triển tâm sinh lý của từng lứa tuổi, để từ đó con em sẽ tránh được những hậu quả khó lường do kém hiểu biết về tình dục và sinh sản3 . Mặt khác, trong truyện, ông muốn gián tiếp cho rằng thanh niên hư hỏng, từ con nhà tử tế trở thành gái đĩ là do ảnh hưởng của lối sống tự do, buông thả - những điều được xã hội lúc bấy giờ cho là văn minh, tân tiến.

   Trong tiểu thuyết Số đỏ, tác phẩm cung cấp một bức tranh toàn cảnh về phong trào Âu hóa và hậu quả của nó ở Việt Nam (bối cảnh Hà Nội) trong giai đoạn bùng nổ (những năm 30 của thế kỷ XX). Âu hóa lúc bấy giờ là tiếp thu văn hóa, văn minh phương Tây để thay thế những gì lạc hậu, chậm tiến của người Việt, nhìn xa hơn là để bổ sung, làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Đây là điều đã được đặt ra từ thời Phạm Quỳnh làm chủ bút Nam Phong tạp chí. Tuy nhiên, Vũ Trọng Phụng – một trí thức xuất thân từ bình dân, ông có cái nhìn khác. Ông không tin vào những tác động tích cực mà Âu hóa mang lại cho người Việt qua sự hô hào, phô diễn những cái bề ngoài của một bộ phận dân chúng có điều kiện kinh tế ở thành thị. Với cái nhìn trào lộng, Vũ Trọng Phụng giễu nhại tất cả những chân dung đại diện cho tầng lớp trí thức thượng lưu đang diễn trò Âu hóa một cách sốt sắng và tự đắc nhưng thực chất, họ không thực tâm vì những điều tốt đẹp. Họ chỉ lợi dụng Âu hóa để làm giàu, đánh bóng tên tuổi. Ông đối lập cái mới từ Âu hóa với cái quen thuộc của văn hóa truyền thống. Trong tác phẩm, ông mỉa mai sự giả dối của những người chủ trương Âu hóa qua hình tượng họa sĩ Typn (cái tên nửa Tây nửa ta, viết tắt những chữ “Tôi yêu phụ nữ” - một cách nói “nịnh đầm” – theo văn hóa phương Tây). Typn chuyên thiết kế thời trang cho tiệm may có tên “Âu hóa”, ông ta cũng là người cổ vũ chị em phụ nữ theo Âu hóa bằng cách thay đổi hình thức mang mặc, bỏ cách mang mặc kín đáo mà ông cho là cổ hủ để mặc những bộ đồ tân thời của tiệm may Âu hóa, với những mẫu quần áo được gọi tên Ngây thơ, Dậy thì, Chinh phục, Hãy chờ một phút, Lưỡng lự… là những kiểu quần áo từ kiểu dáng đến màu sắc có khả năng quyến rũ và tăng thêm phần khêu gợi. Đó là bí quyết giữ chồng, quyến rũ người tình của quý bà, quý cô. Vũ Trọng Phụng châm biếm sự giả dối của Typn và những người chủ trương Âu hóa bằng chi tiết Typn mắng, đuổi người vợ của mình (bà Typn) ra khỏi tiệm may Âu hóa bằng những từ ngữ nặng lời (“Đồ đĩ! Đồ khốn nạn!”) vì bà này đang mặc “cái quần trắng”, “bôi môi hình quả tim” (y phục theo lối mới), lại dám cả gan vào chính nơi hành nghề của chồng, định bắt chước thời trang Âu hóa. Cảnh tượng này đã gây nên sự ngạc nhiên, sửng sốt của Xuân tóc đỏ bởi cái lý luận của ông chồng (được một nhà báo “cấp tiến” phụ họa) rằng: “Khi người ta nói phụ nữ… là nói vợ con chị em người khác, chứ không phải vợ con chị em của ta!”. Thực ra, cả nhà thiết kế thời trang và nhà báo đều là những kẻ bịp bợm, vì họ là loại người “cấp tiến với xã hội và bảo thủ với gia đình”4. Loại trí thức này không có khả năng đẩy công cuộc Âu hóa đi đến cùng. Trong Số đỏ, qua sự miêu tả của Vũ Trọng Phụng thì không chỉ Typn giả dối mà tất cả những ai hưởng ứng, cổ vũ cho Âu hóa cũng đều “làm màu”, chứ không thật tâm với công cuộc Âu hóa (ông Văn Minh, bà Phó Đoan). Kẻ đảm nhiệm một lúc nhiều trọng trách trong công cuộc Âu hóa ấy (Xuân tóc đỏ) thì hoàn toàn không chủ động. Hắn là kẻ bị đưa đẩy. Xuân tóc đỏ làm người quảng cáo cho tiệm may Âu hóa (biểu tượng của Âu hóa) do vợ chồng Văn Minh làm chủ là bị bà Phó Đoan đưa đẩy. Xuân được gọi “giáo sư quần vợt” là do kế sinh nhai từ thuở hàn vi “nhặt ban sân quần”. Xuân trở thành đại diện quán quân An Nam là do Văn Minh sắp xếp để tránh “bôi gio trát trấu” vào gia đình danh giá của mình do cô em gái út (tên Tuyết) đã “phải lòng” Xuân và bị/ được hắn “làm mất nửa chữ trinh”… Cũng cần nói thêm rằng, Âu hóa thời Vũ Trọng Phụng là khá rộng chứ không chỉ tập trung vào ba trụ cột như trong Số đỏ: thời trang – thể thao – tự do yêu đương. Ông chọn ba trụ cột này để châm biếm là vì chúng tiêu biểu cho những hoạt động bề nổi của phong trào Âu hóa. Trong cái nhìn “lộn trái” của Vũ Trọng Phụng, thời trang Âu hóa là đồng lõa với kiểu ăn diện trơ trẽn, khiến phụ nữ mất hết vẻ đẹp nữ tính, kín đáo, duyên dáng; việc cổ xúy thể thao quần vợt là để khoe mẽ, làm màu; cổ xúy tự do yêu đương là để thỏa mãn thói ăn chơi trác táng của loại phụ nữ không đoan chính.

   Không dừng lại ở đó, nếu đọc kỹ Số đỏ, chúng ta còn bắt gặp nhiều chi tiết chống lại sự lai căng, sùng ngoại rất thú vị. Chẳng hạn, ông giễu thói sính dùng tiếng Pháp nơi công cộng của những người Việt muốn thể hiện mình là người văn minh. Trong lần xuất hiện tại Tổng cục thể thao hội quán, đối diện việc “một nhà trí thức sủa một tràng tiếng Tây”, Xuân tóc đỏ (hạ lưu) đã phản ứng bằng cách “bĩu môi”: “Xin ngài nói tiếng ta cũng đủ” và điều này đã khiến cho người kia “bẽn lẽn” vì cái tội “khinh tiếng mẹ đẻ”5. Ông cũng chế giễu sự hiểu biết về khoa học phương Tây ở mức độ sơ giản của bác sĩ Trực Ngôn và cách hiểu thô lỗ của Xuân tóc đỏ khi họ nói về bệnh dậy thì trước tuổi (với cái tật thích trần truồng, ngúng nguẩy) của cậu Phước “em chã”6.

   Nói tóm lại, Vũ Trọng Phụng nhìn Âu hóa như một thảm họa giáng xuống văn hóa của người Việt. Nó làm đảo lộn tất cả, khiến mọi thứ mất hết chuẩn mực từ gia đình đến xã hội, từ tầng lớp bình dân đến tầng lớp trí thức thượng lưu, từ người trần mắt thịt đến kẻ tu hành. Chuyện châm biếm sư Tăng Phú - chủ bút báo Gõ mõ - có ngoại hình không giống bậc chân tu (“có ba cái răng vàng trong mồm”, “mặc áo lụa Thượng Hải”, “trông phong tình lắm”) bày đủ trò để kiếm tiền của Phật tử, lại còn khoe mình đã châm biếm Hội Phật giáo “khiến người ta hộc máu mồm ra mà chết”, trong sâu xa, Vũ Trọng Phụng muốn cho thấy hậu quả ghê gớm của Âu hóa. Công cuộc đô thị hóa mất kiểm soát, sự lên ngôi của đồng tiền đã làm cho con người, bất kể họ là ai, đều có khả năng bị tha hóa, biến chất.

   Trong Số đỏ, khi nói về sự tiến bộ, văn minh của đô thị thì ngay lập tức nó bị tác giả làm mờ bằng câu chuyện hài hước chưa từng có. Đó là chuyện mấy viên cảnh sát, viên quản - những người có trách nhiệm canh giữ trật tự của thành phố nhưng lại cảm thấy chán nản và buồn bã vì người dân ngày càng văn minh nên ngày càng ít người bị phạm lỗi, tức là ít bị phạt, thành ra các vị này không thu đủ tiền phạt để nộp cho nhà nước. Té ra, văn minh cũng “có hại” đối với các vị có trách nhiệm quản lý trật tự đô thị! Thật là hài hước, mỉa mai.

   Kết thúc Số đỏ là “có hậu” với Xuân tóc đỏ (được vinh danh vĩ nhân cứu quốc vì nhường phần thắng cho cầu thủ nước Xiêm và nhờ vậy tránh được cuộc chiến tranh lân bang; được Chính phủ Pháp thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh, được làm rể gia đình danh giá cụ cố Hồng). Tuy nhiên, chi tiết Hội Khai trí tiến đức (cái hội bị báo giới lúc bấy giờ cho là “hữu danh vô thực”) cho người đến gặp Xuân tóc đỏ để mời hắn vào hội với tư cách thành viên và đưa những từ ngữ bình dân, thô tục mà hắn thường nói hàng ngày (mẹ kiếp, chả nước mẹ gì…) vào bộ Tự điển mà Hội này đang biên soạn) thì chẳng khác gì cái tát vào công cuộc Âu hóa lúc bấy giờ. Bởi vì, Âu hóa là để dân trí được văn minh nhưng bao nhiêu công sức của Âu hóa cuối cùng cũng chỉ suy tôn một tay ma cà bông (vagabond) như một “vĩ nhân” của xã hội.

   Cái nhìn về Âu hóa (tiếp thu văn hóa phương Tây) của Vũ Trọng Phụng xuất phát từ địa vị của một trí thức lớp dưới – những người gắn bó chặt chẽ với người nghèo trong xã hội. Đây là tầng lớp lưu giữ sâu đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Họ tin vào những giá trị đã định hình hằng nghìn năm như những chuẩn mực của đạo đức, thẩm mĩ. Họ quan niệm giữ được bản sắc văn hóa là giữ được hồn cốt của dân tộc. Họ nương tựa vào văn hóa dân tộc để tồn tại và phát triển. Do vậy, việc phản ứng mạnh mẽ với văn hóa phương Tây trong tình thế bị thực dân Pháp thống trị cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không phải mọi quan niệm của Vũ Trọng Phụng về văn hóa truyền thống đều ổn thỏa. Là người đảm nhận bổn phận phụng dưỡng mẹ già, giúp đỡ người vợ thu nhập không ổn định và chăm nuôi cô con gái còn nhỏ tuổi, Vũ Trọng Phụng luôn chứng tỏ phận sự của người con chí hiếu, người chồng và người cha chí tình. Đạo đức truyền thống dường như đã trở thành máu thịt ở nơi ông. Điều này đã khiến ông phản ứng mạnh với sự nhố nhăng, đồi bại hàng ngày diễn ra trước mắt ông (Hà Nội thời đô thị hóa) – nơi mà ông gọi là “một lũ đàn ông dâm bôn, đàn bà hư hỏng”, “một xã hội loạn dâm”. Ông sợ chúng tàn phá thuần phong mĩ tục của nước Việt. Có thể vì thế mà ông phản ứng mạnh mẽ với chủ trương “tự do yêu đương” của Tự lực văn đoàn. Bằng chứng là khi Nhất Linh xây dựng những nhân vật nữ theo Tây học đấu tranh quyết liệt với gia đình phong kiến gia trưởng, kiên quyết đoạn tuyệt với cuộc hôn nhân không do tự mình lựa chọn (Loan trong Đoạn tuyệt), Vũ Trọng Phụng “phản luận đề” bằng tiểu thuyết Lấy nhau vì tình, trong đó cuộc hôn nhân của Liêm và Quỳnh mặc dù khởi điểm là tự do yêu đương, một cuộc tình rất lãng mạn nhưng rồi nhanh chóng tan vỡ vì Liêm nghi ngờ vợ mình không chung thủy, dẫn đến Quỳnh tự tử vì cảm thấy bị chồng xúc phạm. Hoặc khi Nhất Linh và Khái Hưng viết Đời mưa gió, tác giả ca ngợi một gái giang hồ tinh tế, lãng mạn và phóng túng, đề cao tự do cá nhân hơn đời sống gia đình thì Vũ Trọng Phụng “đáp trả” bằng tiểu thuyết Làm đĩ, trong đó Huyền vì không được giáo dục về kiểm soát bản năng lại bị chồng buộc phải ứng xử với người khác giới theo văn minh phương Tây, dẫn đến việc Huyền ngoại tình với bạn của chồng. Hậu quả là Huyền bị đuổi ra khỏi nhà chồng và rơi vào cảnh làm đĩ. Qua tiểu thuyết Làm đĩ Lấy nhau vì tình, chứng tỏ Vũ Trọng Phụng không đồng tình với chuyện tự do yêu đương. Tuy nhiên, việc phản ứng với tự do yêu đương (free love) cũng đồng nghĩa với việc chống lại xu hướng tiến bộ của người Việt đương thời khi mà kiểu hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã quá bất cập. Vì thế, về phương diện tình yêu và hôn nhân, Vũ Trọng Phụng chưa thấy được tính tích cực của việc giải phóng con người trong tình yêu và hôn nhân.

   Đến đây, có thể nói rằng vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, xét về thái độ tiếp nhận văn hóa phương Tây của tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, nếu nhìn tổng thể thì có hiện tượng nước đôi (ambivalence) vừa tiếp thu vừa dị ứng. Riêng Vũ Trọng Phụng là một trường hợp đặc biệt trong không gian văn hóa lúc bấy giờ. Ông – một nhà văn, nhà báo có tên tuổi – vừa nỗ lực tiếp thu lối viết của văn học phương Tây hiện đại (qua phóng sự và tiểu thuyết), vừa phản ứng quyết liệt trước sự bành trướng của văn hóa phương Tây và bảo vệ những giá trị truyền thống của người Việt, bất chấp có những thứ cần phải thay đổi.

 

 

 

Chú thích:
1 Phạm Quỳnh (1892-1945) là nhà văn, nhà báo, chủ bút Tạp chí Nam Phong (1917-1934).
2 Dương Quảng Hàm ghi nhận Phạm Quỳnh “có công dịch thuật các học thuyết tư tưởng Thái tây và luyện cho tiếng Nam có thể diễn đạt được các ý tưởng mới” (Dương Quảng Hàm (2002), Việt Nam văn học sử yếu, NXB Hội Nhà văn, tr. 411). Vũ Ngọc Phan đánh giá “Phạm Quỳnh là một nhà văn có thể bàn luận một cách vững vàng và sáng suốt bất cứ về một vấn đề gì, từ thơ văn cho đến triết lý, đạo giáo, cho đến chính trị, xã hội, không có vấn đề nào mà ông không tham khảo tường tận trước khi đem ra bàn trên mặt giấy” (Vũ Ngọc Phan (2000), Vũ Ngọc Phan tác phẩm, NXB Hội Nhà văn, tập 4, tr. 137).
3 Trong Lời tựa, Vũ Trọng Phụng viết: “Ở các nước văn minh, người ta không kiêng nói đến cái dâm. Trái lại, người ta còn đem cái dâm ra mà nghiên cứu, phân tích để dạy cho nhau nên dâm như thế nào…”, “Sự gặp gỡ Đông Tây trên dải đất này đã ảnh hưởng rất mạnh vào đời sống vật chất của chúng ta” (Vũ Trọng Phụng (2013), Làm đĩ, NXB Văn học, tr. 6-7).
4, 5, 6 Vũ Trọng Phụng (2008), Số đỏ, NXB Văn học, tr. 116, 175, 139.

Bình luận

    Chưa có bình luận