BÁC HỒ NGƯỜI ĐẶT NỀN TẢNG KỶ NGUYÊN HẠNH PHÚC!

Bài viết tập trung phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh ở nhiều khía cạnh, cho thấy quan niệm về hạnh phúc của Bác. Qua đó khẳng định Hồ Chí Minh là người có tư tưởng tiến bộ, đi trước thời đại và là người đặt nền tảng kỷ nguyên hạnh phúc ở Việt Nam.

   Xuân Ất Tỵ 2025 đã tới với bao niềm hứa hẹn tin yêu về sự vươn mình của đất nước bước vào kỷ nguyên mới mà thời điểm bắt đầu là Đại hội XIV của Đảng. Mọi người dân Việt Nam đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, cùng đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá. Bầu trời văn minh cách mạng kỹ thuật 4.0 của thế giới đang chờ đón con tàu Việt Nam cất cánh vươn cao, vươn xa tới những đỉnh cao mới, thành tựu mới.

   Cách nay 64 mùa xuân, ngày 01/01/1961, Bác Hồ viết Thơ mừng năm 1961 có mấy câu mở đầu: “Mừng năm mới, mừng xuân mới/ Mừng Việt Nam, mừng thế giới/ Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh…”. Toát lên từ tác phẩm là âm hưởng phơi phới những niềm vui, phấn khởi, tin tưởng, giàu hứa hẹn và cho thấy quan niệm của Bác về hạnh phúc là đồng nghĩa với những gì tốt đẹp, mới mẻ, đầy tràn hi vọng. “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh” không của cá nhân nào mà của tất cả mọi người, không của riêng Việt Nam ta mà còn là của cả thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ sống mãi cùng nhân loại vì mang giá trị nhân loại phổ quát, gắn liền với nhân loại, mong muốn đưa nhân loại đến hạnh phúc. Bác là người đặt nền tảng cho hạnh phúc!

    Từ khi xuất hiện, trong lao động và đấu tranh, loài người đều nung nấu một mục đích khát khao vươn tới hạnh phúc. Cho nên hạnh phúc biểu hiện tính người rõ nhất, điều mà triết học văn hóa trên thế giới hôm nay đang mải mê lý giải, cắt nghĩa, phân tích, khái quát, tổng kết… để tìm ra một mô hình con người văn hóa mới. Nhưng những điều giản dị mà cao cả ấy lại có tương đối đầy đủ và hệ thống trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

   Con người hạnh phúc trước hết là con người có lý tưởng, sẵn sàng phấn đấu, cống hiến, hi sinh vì mục đích cao cả, tốt đẹp của dân tộc mình, của nhân loại. Lý tưởng luôn đi cùng, gắn chặt với niềm tin. Người giàu có lý tưởng cũng là người giàu có niềm tin. Thời trung đại có nhà khoa học sẵn sàng lên giàn thiêu chỉ để nói lên một chân lý trái đất quay quanh mặt trời, vì đã tin và coi chân lý lớn hơn sự sống bản thân và hạnh phúc là được chết cho chân lý, vì chân lý. Đã là con người chân chính thì luôn sống theo lý tưởng, niềm tin và lấy đó là mục đích sống, động lực sống. Ngay các tôn giáo cũng có quan niệm riêng về hạnh phúc là được hi sinh cho niềm tin tôn giáo thiêng liêng. Trong lịch sử, thời đại nào cũng có một lý tưởng làm điểm tựa tinh thần, mà điểm tựa ấy sẽ quyết định đến tính chất nội dung và sự dài ngắn của thời đại ấy.

   Những người cộng sản như Bác Hồ thì hạnh phúc là dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”1. Người hi sinh hạnh phúc cá nhân để đi tìm hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam. Khi dân tộc hạnh phúc thì Người hạnh phúc: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”2. Cho nên Bác Hồ là người hạnh phúc nhất vì có lý tưởng đẹp nhất và đã thực hiện thành công nhất lý tưởng ấy. Người đã đi xa nhưng “điều mong muốn cuối cùng” của Người là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”3 thì hôm nay đã thành hiện thực. Cả dân tộc này được hưởng hạnh phúc của Người, theo đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây”, đang ngày càng ra sức nhân lên hạnh phúc ấy!

   Bác là người thầy lớn nhất giáo dục lý tưởng, niềm tin cho thế hệ trẻ: “Các cô, các chú có biết vì sao mà cách mạng của ta thành công không? Vì tinh thần”, “Vì sao đoàn kết? Là do tinh thần!... Như các đồng chí ta mà bị hi sinh trong lúc làm việc bí mật trước cách mạng, bị nó bắt được, nó treo, nó kẹp, nó tra tấn, nó bắn nhưng nhất định không nói, chẳng những không nói mà còn chửi vào mặt nó. Đấy là vật chất hay tinh thần? Trong kháng chiến có chiến sĩ lấy thân mình lấp lỗ châu mai, lấy thân ngăn cho súng khỏi lăn, hi sinh lấy tài liệu của địch…, thì đó là tinh thần hay vật chất? - Tinh thần”4. Từ góc nhìn này cho thấy để xây dựng một xã hội giàu mạnh theo quan điểm của Đảng thì công việc cực kỳ quan trọng là xây dựng lý tưởng, niềm tin cho thế hệ trẻ. Trong nền kinh tế thị trường, dù được điều tiết theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng do mới mẻ, thậm chí còn ở trạng thái thăm dò, tìm hiểu, tất yếu vấp phải những khó khăn là đương nhiên, cụ thể là xuất hiện những tiêu cực văn hóa xã hội rất khó giải quyết ngay. Biểu hiện rõ nhất là chủ nghĩa vị kỷ, vị lợi đang chi phối một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức và nhân dân. Nó trái với đạo lý truyền thống văn hóa vị tha, làm rạn nứt bao mối quan hệ vốn ấm áp, trong sáng. Có thể từ những nguyên nhân: một là, cơ chế thị trường với quy luật cung cầu, với kinh doanh, lợi nhuận… vốn xa lạ với tính cách truyền thống trọng lễ nghĩa, luôn có xu hướng vươn tới những giá trị tinh thần cao cả hơn những gì là vật chất phàm tục, do vậy xuất hiện tâm lý kỳ thị nghề buôn (“Thật thà cũng thể lái trâu”); hai là, chủ nghĩa kỹ trị phát triển đem lại nguy cơ con người bị nhạt dần nhân tính, sự vô cảm lên ngôi; ba là, tình trạng xâm lăng văn hóa bằng con đường phim ảnh, sách báo…, nhất là internet đang biến một bộ phận giới trẻ thành những người xa lạ trên chính quê hương mình; bốn là, sự thoái hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên; năm là, giáo dục vẫn trong tình trạng xơ cứng với triết lý học để mà thi, coi nhẹ vấn đề học để làm người…

   Hạnh phúc luôn có một nét nghĩa thỏa mãn trong hưởng thụ, hưởng thụ vật chất (ăn, ở, mặc…), hưởng thụ tinh thần (giáo dục, văn hóa…). Về phương diện này, Bác Hồ là người nhìn thấy sớm nhất và có cách giải quyết tuyệt vời nhất. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta sa vào tình trạng kiệt quệ, dân đói, ngân khố trống rỗng. Với tầm nhìn nhân văn, thiết thực, cụ thể, Bác Hồ đề ra chủ trương ưu tiên hai nhiệm vụ cấp bách trước mắt là diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Triết học văn hóa hôm nay hay ví con người như một cây xanh. Cây xanh con người sẽ khẳng khiu, còi cọc vì không đủ chất dinh dưỡng cần thiết và không được quang hợp ánh sáng trí tuệ trong bầu trời văn hóa nhân loại. Soi điều ấy vào tư tưởng của Bác cho thấy Bác đã đi trước thời đại cả nửa thế kỷ. Người hay nhắc lại một thành ngữ cổ “Dân dĩ thực vi thiên” (Dân lấy ăn làm trời) để dạy cán bộ quan tâm thiết thực đến miếng ăn cho dân. Tháng 8 năm 1945, Uỷ ban Cách mạng họp ở đình Tân Trào, có một đoàn đại biểu đồng bào các dân tộc địa phương Tày, Trại, Nùng đến chúc mừng. Trong đoàn có hai ba em nhỏ trần truồng, xanh xao, bụng ỏng đít beo đi cùng. Bác Hồ trông thấy, rất xúc động, nói với các đại biểu: “Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các cháu được ăn no, có quần áo mặc”5. Một lời nói mà chứa đựng khát vọng đã bao đời của cả dân tộc, mang tầm chiến lược lịch sử của đất nước. Để có nhân tính thì con người phải có ăn, có mặc và được học hành. Muốn thế phải thay môi trường phi nhân tính bằng môi trường có nhân tính, phải thay môi trường nô lệ bằng môi trường tự do để “đổi người nô lệ thành người tự do”!

   Bác Hồ lãnh đạo dân tộc làm cách mạng đánh đổ chế độ bóc lột để lập ra chế độ vì dân, của dân như một tất yếu lịch sử. Cho nên kẻ nào phủ nhận thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì không chỉ là vô tri mà còn là vô nhân tính nữa. Để thấy rõ hơn, xin đọc lại tác phẩm Giấc ngủ mười năm được Bác viết năm 1949, ký tên Trần Lực, do Tổng bộ Việt Minh xuất bản tại Việt Bắc cùng năm. Đây là tác phẩm văn học lớn, chỉ xin đi sâu vào một khía cạnh: khát vọng nhân văn cháy bỏng về giải phóng phụ nữ. Câu chuyện kể theo lối “tự truyện”, nhân vật chính cũng là người kể: “Tôi là Nông Văn Minh, người Nùng Cao Bằng. Sinh năm 1920”6. Viết theo bút pháp mà các nhà phê bình văn học gọi là “bút pháp huyền thoại”, “bút pháp giả tưởng”, tác phẩm đã thể hiện một niềm tin chắc chắn, một niềm lạc quan phơi phới về sự tất thắng của cuộc kháng chiến, về một tiền đồ tươi sáng đất nước sẽ “tiến kịp các nước tiên tiến trên thế giới”. Đặt vào thời điểm năm 1949 càng thấy giá trị, ý nghĩa cũng như tính dự báo thiên tài trong tác phẩm của Bác. Đây là tâm trạng của “tôi”: “A Di Đà Phật! Tôi không tin lỗ tai tôi. Thế nào? Thị Xuân, vợ thằng đi ở chăn trâu mà làm Chủ tịch xã? Thị Đào, con đứa ăn vụng cơm bà Bá mà vào Đại học Y khoa? Tôi nghe lầm chăng? Tôi còn ngủ mê chăng? Hay là con tôi nói dối? Hay là thế giới đổi lộn nhào?”7. Tất cả để toát ra một tư tưởng lớn: muốn giải phóng con người phải giải phóng đất nước, muốn con người tự do thì đất nước phải được tự do, muốn con người hạnh phúc thì phải có đất nước hạnh phúc. Giải phóng con người là đem lại cho con người một cuộc sống mới như “thị Xuân” vốn trước kia chỉ là vợ “thằng đi ở chăn trâu” nay là Chủ tịch xã; “thị Đào” trước kia là con kẻ làm thuê, nay đang tập làm bác sĩ… Như vậy, hạnh phúc là sự đổi đời từ thân phận nô lệ làm thuê thành người tự do làm chủ!

   Với mong muốn đưa dân tộc Việt Nam tới đài vinh quang của tự do, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu hoàn toàn thống nhất với tư tưởng vì con người, con người là tất cả. Quan niệm con người là vốn quý nhất, ngoài thể hiện việc chăm lo về cái ăn, cái mặc, Bác Hồ rất chú ý tạo cho các cháu thiếu niên, nhi đồng được hưởng thụ một nền giáo dục mới. Người gửi bao kỳ vọng vào thế hệ trẻ: “Vở này ta tặng cháu yêu ta/ Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là/ Mong cháu ra công mà học tập/ Mai sau cháu giúp nước non nhà” (Tặng cháu Nông Thị Trưng). Vì thế, Bác rất chú trọng đến việc giáo dục. Triết lý giáo dục hiện đại rất nên kế thừa, học tập tư tưởng của Người trong việc chú ý bồi dưỡng tính người ở trẻ em: “Đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng (chớ làm cho chúng hóa ra những “người già sớm”. Nhiều thư các cháu gửi cho Bác Hồ, viết như người lớn viết, đó là một triệu chứng già sớm nên tránh)”8. Lời dạy mang tính thời sự sâu sắc vì rất đúng với nhiều trẻ em hôm nay, có “một triệu chứng già sớm”. Một trong những nguyên nhân là “quá tải” về khối lượng kiến thức học. Ngay lớp một cũng học sáng, học chiều, học tối..., còn thời giờ đâu để chơi? Cứ nhìn cái cặp sách đè nặng lên những đôi vai bé bỏng, non nớt kia cũng đủ thấy các em cũng chẳng sung sướng gì. Còn đâu là sự hồn nhiên, ngây thơ, “vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng”. Ngành giáo dục nên khắc sâu lời dạy của Bác: “Trong lúc học, cũng cần cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, ở trường học, ở xã hội, chúng đều vui đều học...”9, tức là việc học phải là hạnh phúc! Làm sao để cho học sinh học tập cũng là một hạnh phúc? Câu hỏi này không chỉ riêng của ngành giáo dục!

   Hạnh phúc là cống hiến, là trách nhiệm, là sự sẻ chia. Ở góc độ này cũng thấy Bác là người hạnh phúc nhất khi Người “hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Cũng chính Bác là tấm gương cống hiến, thể hiện rõ nhất, sinh động nhất một định nghĩa thế nào là “cống hiến”. Trước hết là phải học tập, theo lời dạy của Lenin: “Học, học nữa, học mãi”, vì: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Marx-Lenin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày”10.

   Bác Hồ là tấm gương tự học và bền bỉ học tập suốt đời, học trong mọi hoàn cảnh, học lý luận gắn liền với thực tế, khi tuổi cao sức yếu vẫn kiên trì học: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học...”11. Triết học văn hóa thời hội nhập 4.0 rất đề cao tri thức, cho rằng nếu không được trang bị kiến thức cơ bản thì con người dễ sa vào tình trạng hoang dã, thú tính do không có những ứng xử tối thiểu trước sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của khoa học. Điều này Nguyễn Ái Quốc đã nói từ năm 1921 về trạng thái nô lệ của người An Nam: “Chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập”12. Có học thức sẽ là tiền đề cho con người có trách nhiệm vì thế mới hiểu được bổn phận và nghĩa vụ của mỗi cá nhân với bản thân, gia đình và cộng đồng. Câu thành ngữ cổ nói sâu sắc về ý này: “Nhân bất học bất tri lý”, nghĩa là người không được học thì không biết cái lý lẽ ở đời. Có trách nhiệm tức là sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ. Một người chồng tốt, ngoài nhiệm vụ chính còn biết san sẻ nghĩa vụ công việc nấu ăn, giặt giũ khi vợ bận hoặc biết chia vui hay tâm tình với người thân… Đó là gia đình hạnh phúc!

   Bác cũng là tấm gương sáng nhất về bài học trách nhiệm và sự sẻ chia khi cả nước gặp buổi hoạn nạn, dân đói, dân rét thì Bác góp một vốc gạo, nhịn một bữa ăn, tặng một tấm áo... Thậm chí giữa trời giá rét, Người cởi tấm áo bông đang mặc khoác cho tù binh hay nhắc bộ đội phải cho tù binh đi giày vì họ không quen đi chân không... Đấy là biểu hiện của tình thương lớn chỉ có được từ tâm hồn vĩ đại, bao la, sâu sắc một tình yêu con người, không chỉ thu phục nhân tâm mà còn thu phục cả lương tâm thời đại. Có được một người lãnh đạo như thế là hạnh phúc cho cả một dân tộc!

   Bài học cho giáo dục hôm nay là dạy người phải đi từ những việc nhỏ nhất để khơi gợi ở trẻ lòng vị tha. Lev Tolstoy từng kể niềm vui được chia sẻ hồi ấu thơ khi cha ông yêu cầu con phải đưa bằng hai tay những đồng hào lẻ đến người ăn mày. Để rồi khi lớn lên, tình thương, sự trân trọng con người thấm sâu vào từng con chữ của nhà văn. Bác Hồ dạy cán bộ phải là “người đầy tớ” thật trung thành của nhân dân cũng là dạy họ tình thương, trách nhiệm, sự phục vụ nhân dân không điều kiện. Điều đó có nghĩa là Bác Hồ cũng đã giáo dục họ hiểu về hạnh phúc!

   Với Bác Hồ, học tập gắn liền với lao động. Học tập để thành quả lao động tốt hơn mà phục vụ tốt hơn nữa cho dân, cho nước thì lao động là hạnh phúc: “Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Trong xã hội ta, không có nghề nào kém, chỉ những kẻ lười biếng, ỷ lại mới đáng xấu hổ. Người nấu bếp, người quét rác cũng như thầy giáo, kỹ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau”13. Là người lao động thực thụ, thời đi tìm đường cứu nước để có tiền sống và hoạt động, Bác làm nghề nấu ăn, quét tuyết, chụp ảnh… Thời kháng chiến chống Pháp, Bác làm bài văn vần để các đồng chí cận vệ chọn nơi ở trong rừng: “Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta chơi…”. Đến đâu Người cũng trồng rau, nuôi gà, tự túc thực phẩm. Sau này làm Chủ tịch nước, Bác vẫn tự tay cuốc đất trồng rau, trồng cây.

   Trong một chuyên luận14 chúng tôi đã chứng minh Bác Hồ là người có một tâm hồn nghệ sĩ cực kỳ tinh tế, sâu sắc, vô cùng nhân hậu, luôn vì con người, vì cái đẹp. Ở đây xin dẫn lời Bác: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”15. Người dạy thanh nhiên phải biết cống hiến, hãy nghĩ đến cống hiến trước khi hưởng thụ: “Khi làm bất kỳ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước…, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”16. Giáo dục tuổi trẻ hôm nay cũng phải là sự hài hòa cống hiến và hưởng thụ. Hưởng thụ những tiện ích văn hóa nhân loại là quyền lợi nhưng phải hướng tài năng và ý chí tuổi trẻ vào việc cống hiến cho đất nước là trước hết, sau đó mới nghĩ về cá nhân, như Bác xác định cho thanh niên học tập: “Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”17.

   Dành cả cuộc đời đấu tranh với thực dân, đế quốc để đòi lại hạnh phúc cho các dân tộc thuộc địa, Bác đã suy nghĩ và hành động theo đúng quan niệm của Karl Marx: “Hạnh phúc là đấu tranh”. Người đấu tranh để dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức thoát khỏi trạng thái nô lệ để cùng bước lên đài vinh quang của hạnh phúc được làm chủ, điều mà ngay từ thời kỳ đầu ở Pháp, Người đã xác định cùng các bạn bè Pháp: “Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta”18.

   Những đóng góp lớn của Hồ Chí Minh cho sự nghiệp giải phóng con người, ở cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước chỉ ra và khẳng định. Từ thực tiễn thời đại ngày nay càng thấy Người còn có đóng góp lớn cho việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Khi mà hôm nay cả xã hội ta lên án quốc nạn tham nhũng, tệ quan liêu xa dân, hoang phí… thì tất cả những điều ấy đã được Bác Hồ tiên liệu từ trước. Người định nghĩa chủ nghĩa cá nhân “là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu…”19. Người phê phán các biểu hiện của chủ nghĩa nguy hiểm này là kiểu “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, là tham ô, tư lợi: “Có đôi đảng viên như những con lợn (xin lỗi tiếng đó), họ rúc vào vườn rau của Nhà nước, chén một bữa no say, hoặc họ hi sinh lợi ích của nước nhà, để lên mặt mình là khảng khái”20; là bệnh hoang phí mà Người coi đó là tội ác: “Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào. Vì vậy, ta phải ra sức tiết kiệm. Hoang phí là một tội ác”; là bệnh giấy tờ lề mề: “Khi thi hành, kềnh kềnh càng càng, không hoạt bát nhanh chóng… Kết quả nhỏ là: nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần”21.

   Hạnh phúc gắn liền với dân chủ. Một xã hội hạnh phúc là xã hội dân chủ, dân là chủ và dân làm chủ. Một biểu hiện sinh động của dân chủ là đối thoại. Cơ sở triết học của đối thoại là cái tôi mỗi cá nhân với trường nhìn đặc trưng chịu quy định của vốn sống, vốn văn hóa, tài năng, cá tính… Cùng hướng trường nhìn về một vấn đề nhưng mỗi người, với điểm nhìn khác nhau, cái tôi khác nhau lại có “điểm mù” khác nhau nên không thể có cái nhìn trùng nhau. Có người thấy nhiều, có người thấy ít, người chỉ nhìn thấy mặt này, người lại chỉ thấy được mặt kia, chẳng ai biết hết. Về vấn đề này, Bác Hồ là nhà biện chứng khi nhắc nhở những người làm công tác huấn luyện, cũng là nhắc nhở mọi người nói chung, ai mà “tự cho là mình biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”22. Qua đối thoại, những cái nhìn ấy sẽ làm giàu, bổ sung cho nhau bằng cái mới, cái khác, cái lạ. Cho nên đối thoại chấp nhận sự đa ý kiến, nhiều chiều với những tranh luận, phản biện. Người hạnh phúc là người được đối thoại, được nói ra ý mình để người khác nghe, cật vấn, phản bác và ngược lại. Nhờ đó mỗi người được mài sắc thêm cái tôi, giàu có thêm tri thức, năng động nhạy bén trong phương pháp. Đấy là cơ sở cho sự cộng cảm, thấu cảm lẫn nhau để thân ái, hòa bình, hợp tác, hữu nghị…

   Đối thoại là hạt nhân của giao tiếp, mà không có giao tiếp không thể làm nên xã hội. Tinh thần dân chủ của đối thoại thể hiện rõ ở chỗ nâng vị thế của người tiếp nhận từ bị động thành chủ động. Chỉ nghe và làm theo là bị động, như kiểu học trò “tập trung chăm chú nghe giảng” từ thầy được coi là trò ngoan; nghe đúng, làm theo đúng được coi là trò giỏi. Trò “giỏi” nhưng ít sáng tạo vì cái giỏi ấy phần lớn của thầy, chưa phải đích thực của trò. Đấy chưa phải là đối thoại. Đối thoại là tiếp thu với sự phản biện, chọn lọc, đưa ra ý mới… Nhờ đối thoại mà hiểu biết nhân lên hiểu biết, sáng tạo nhân lên sáng tạo, con người được là chính mình, làm chủ mình rồi làm mới mình. Đối thoại làm nên bản chất cuộc sống.

   Để có đối thoại, các bên tham gia đều phải có vốn tri thức sâu rộng về giao tiếp văn hóa, về lĩnh vực cùng quan tâm. Bác Hồ là một trong số rất ít các vĩ nhân của thế giới hiện đại có thể đối thoại với hầu hết các nền văn hóa lớn. Có ba nguồn văn hóa cơ bản để tạo nên Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh: một là học tập, kế thừa tinh thần yêu nước, thương người trong văn hóa Việt; hai là sự tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Đông, nhất là tư tưởng đạo Nho và giáo lý nhà Phật; ba là nhờ được đi tới hầu khắp các nền văn hóa phương Tây, học tập và thu lượm những điều tiến bộ ở nhiều tôn giáo, ở rất nhiều chủ nghĩa, khuynh hướng, đặc biệt ở chủ nghĩa Marx... Như cây đại thụ văn hóa cường tráng nhờ ba chùm rễ khỏe khoắn cắm sâu vào mảnh đất văn hóa nhân loại để cành lá vươn cao lên bầu trời nhân dân khắp thế giới mà quang hợp ánh sáng của tự do, bình đẳng, bác ái, của trí tuệ, tình thương..., Hồ Chí Minh đã tạo cho riêng mình một chủ nghĩa nhân văn vừa phương Đông vừa rất phương Tây; cổ điển, truyền thống mà mới mẻ, hiện đại; bình dân giản dị mà bác học trí thức; trong sáng, hồn nhiên mà sang trọng, lịch lãm... Những điều ấy thể hiện rất rõ ở từng câu chữ. Mà “ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng” (Marx) nên tìm hiểu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trước nhất phải đi từ ngôn ngữ. Thành thạo 12 ngôn ngữ chính trên thế giới nên Người đã nắm rất chắc và làm chủ các chìa khóa giải mã các nền văn hóa lớn. Phải như vậy thì trong Lời than vãn của bà Trưng Trắc, tác giả mới thật sự hiểu sâu từng “quẻ” trong Kinh dịch để có thể mỉa mai cực kỳ thâm thúy hình tượng Khải Định, cho rằng “mệnh” Khải Định tương ứng với quẻ Dương Cửu lên ở mức cao nhất (là vua) rồi sẽ tuột xuống thân phận thảm hại đớn hèn nhất (là nô lệ, tay sai). Đối với nước Pháp xâm lược, Người luôn cố gắng tìm một cơ hội hoà bình. Sang thăm nước Pháp, đáp từ trong buổi tiệc G. Bidault, Chủ tịch Chính phủ Pháp, chiêu đãi ngày 2/7/1946, Bác Hồ nhắc đến đạo Khổng: “Chúng ta chẳng đã ruồng bỏ được cái chủ nghĩa đế quốc xâm lược và cái chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi không còn thích hợp với thế giới hiện tại đấy ư? Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp”23. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” là câu nói nổi tiếng của Khổng Tử, trở thành một ứng xử văn hóa phương Đông: điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Đây chính là mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau giữa người với người, quốc gia này với quốc gia khác. Do vậy nó mang tầm phổ quát toàn nhân loại, không riêng gì của phương Đông. Hồ Chí Minh đã nhắc khéo nước Pháp: đã từng đau khổ vì bị Đức xâm lược thì chắc nước Pháp rất hiểu nỗi khổ đau mất nước của quốc gia khác. Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Chả lẽ nước Pháp lại đi xâm lược Việt Nam?

   Nhìn từ lý thuyết đối thoại ta cũng thấy Bác Hồ là người rất hạnh phúc!

   Trong đối thoại thì tất cả đều bình đẳng, ai cũng có quyền nói, không ai hơn ai, không ai là kẻ lớn hay phận nhỏ, cũng không ai có quyền ép người này phải thế này, phải thế kia. Đối thoại văn hóa tối kỵ những câu mệnh lệnh thức hay cầu khiến. Trước một vấn đề, các bên đều có chính kiến, phản biện, bảo vệ… Là người hiểu sâu sắc vấn đề này nên Bác từng nói dân chủ là phải để cho dân được “mở miệng”. Không ngẫu nhiên dễ thấy (cả trong trước tác và đời thường) một nguyên tắc đối thoại của Người với dân là luôn đưa ra những câu hỏi để được nghe trả lời. Hỏi để được biết tình hình, là đưa ra vấn đề rồi khơi gợi cho dân nói, hỏi để tôn trọng dân, hiểu dân... Tháng 9/1958, về thăm tỉnh miền núi Yên Bái, Người nói: “Tỉnh nhà có 10 dân tộc anh em. Trước kia bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ. Ví dụ: 10 dân tộc ở tỉnh nhà như 10 ngón tay. Nếu xoè 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào?...”24. Có rất nhiều ví dụ tương tự nhưng ví dụ mà ai cũng biết là khi đọc Tuyên ngôn độc lập, một vị Chủ tịch nước hỏi dân: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?” thì chính là một biểu hiện của tinh thần dân chủ, không còn khoảng cách giữa vị Chủ tịch và dân thường.

   Được nói ra những điều mình nghĩ, được nghe những điều mình cần, đấy là hạnh phúc. Sống ở thời đại Hồ Chí Minh là hạnh phúc vì được nói và nghe như vậy!

   Đối thoại để gần nhau, hiểu và trách nhiệm với nhau hơn nên không thể thiếu sự chân thành. Chỉ có sự chân thành làm sứ giả thì trái tim mới đến được trái tim, mới kết nối được những tâm hồn. Chỉ có chân thành mới làm người ta thấu hiểu nhau để thấu cảm về nhau. Đây là lời Bác Hồ nói với những người mẹ Pháp có con nghe lời bọn thực dân đi xâm lược Việt Nam mà nguy hiểm đến mạng sống: “Các bà yêu đất nước mình, các bà mong muốn nước mình được độc lập và thống nhất. Nếu có kẻ nào tìm cách xâm phạm nền độc lập và sự thống nhất ấy, thì tôi tin chắc rằng các bà sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ nó. Chúng tôi cũng thế, chúng tôi yêu Tổ quốc Việt Nam của chúng tôi, chúng tôi cũng muốn Tổ quốc chúng tôi độc lập và thống nhất. Liệu các bà có kết tội chúng tôi vì chúng tôi đã đấu tranh chống những kẻ tìm cách chinh phục và chia cắt Tổ quốc chúng tôi không?”25. Có thể coi đây là một mẫu mực về cách lập luận đối thoại phản đề “thấu lý đạt tình”, rất mực chân thành, tình cảm và rất mực sắc sảo, trí tuệ.

   Hạnh phúc còn là một tinh thần khỏe mạnh trong một thân thể khỏe mạnh, là sự vô tư trong sáng, quên tuổi tác: “Tự cung thanh đạm tinh thần sảng” (Thất cửu), sống thanh đạm thì sảng khoái, nhẹ nhàng; sống vô tư, trung thực, trong sáng, không vụ lợi thì tinh thần sẽ sáng suốt, thông tuệ: “Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán/ So với ông Bành vẫn thiếu niên/ Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe/ Trần mà như thế kém gì tiên” (Sáu mươi tuổi). Bác Hồ có một định nghĩa về sức khỏe ngắn gọn, đầy đủ, chuẩn mực: “Khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”26. “Khí huyết lưu thông” tức là có một cơ thể khỏe mạnh, “tinh thần đầy đủ” là ý chí, bản lĩnh, nghị lực, đạo đức... Cho nên chỉ chú ý đến miếng ăn là chưa toàn diện, ngoài việc phát triển kinh tế còn phải quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần, sức khỏe tinh thần. Bác Hồ đã đi trước chúng ta rất nhiều khi từ năm 1945 đã đề nghị “có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, phải coi trọng ngang nhau là chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội”.

   Như cụ Nguyễn Trãi ẩn cư nơi vùng Côn Sơn, như Nguyễn Bỉnh Khiêm về với sông nước núi non quê Hồng Châu (Vĩnh Lại), như Nguyễn Khuyến về với núi Quế Sơn, Bác Hồ ưa cuộc sống gần nơi thiên nhiên tự do, tĩnh tại, thanh sạch: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”27. Người “tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý” để được sống hòa đồng giữa thiên nhiên, bầu bạn cùng thiên nhiên. Năm 1954, hồi ở Việt Bắc, đạo diễn điện ảnh Nga Roman Karmen hỏi: “Chủ tịch làm việc bao nhiêu tiếng một ngày?”, Bác trả lời: “Chim rừng đánh thức tôi, còn tôi đi nằm lúc trên trời xuất hiện những vì sao”28. Khi phải gánh vác nhiệm vụ trọng đại lãnh đạo cuộc kháng chiến, Bác Hồ vẫn cố dành thời gian hạnh phúc cùng thiên nhiên, làm thơ cùng “bạn” trăng: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ”, dành thời gian hạnh phúc cùng con trẻ, cùng cỏ cây: “Việc quân, việc nước đã bàn/ Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau”…

   Nhân loại đang đứng trước nguy cơ mất an toàn môi trường sống vì chiến tranh, vì chính sách phát triển công nghiệp thiếu cân đối, vì khai thác bừa bãi tài nguyên đến cạn kiệt… mà dẫn đến các thảm họa. Triết học phê bình sinh thái ra đời đặt mục tiêu nghiên cứu mối quan hệ giữa khoa học, con người và tự nhiên để tìm ra những biện pháp khắc phục phần nào hậu quả. Đã có trong lịch sử, dù chưa thành khuynh hướng nhưng phê bình sinh thái cũng đã manh nha ở phương Tây, biểu hiện trong triết học của các nhà tư tưởng như Rousseau, Darwin và sau này là Heidegger… Ở nước ta, nó như một chủ đề chính nhưng theo một tư duy khác có trong tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và sau này là Hồ Chí Minh. Nếu có thể gọi có một mĩ học hạnh phúc, xin chứng minh bằng một quan niệm của Nguyễn Trãi trong bài thơ Nôm Tự thán số 32: “Chụm tự nhiên lều một gian/ Giũ không thay thảy tấm hồng trần/ Nghìn hàng cam quýt con đòi cũ/ Mấy đứa ngư tiều bậu bạn thân/ Thấy nguyệt tròn thì kể tháng/ Nhìn hoa nở mới hay xuân/ Cày ăn đào uống yên đòi phận/ Sự thế chăng hay đã Hán Tần”, toát ra một “định nghĩa” về hạnh phúc: là một cuộc sống tự mình lao động trong cảnh hòa bình yên ổn; sống giữa thiên nhiên với căn lều nhỏ, xa với cuộc sống phàm tục; có vườn cam quýt (thay vì là “con đòi” đứng hầu là những hàng cam quýt), có bè bạn là ngư dân hay tiều phu chân chất; sống không quan tâm đến thời gian, lấy cái đẹp tự nhiên làm thước đo thời gian. Cũng không hẳn thoát ly trần thế, chỉ là xa cách trần thế. Xét ở góc độ quan niệm về hạnh phúc, Hồ Chí Minh đã học tập, tiếp thu, kế thừa, phát triển và nâng cao từ Nguyễn Trãi.

   Đến đây càng hiểu rõ hơn chân lý “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”29 và cho phép khẳng định quan niệm hạnh phúc của Bác Hồ đi trước thời đại, tư tưởng Hồ Chí Minh đi trước thời đại, soi đường cho cả dân tộc hôm nay vươn mình bước vào kỷ nguyên hạnh phúc!

 

 

 

Chú thích:
1, 2, 23, 25, 26, 27, 29 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 272, 187, 304, 347, 241, 187, 64.
3 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 15.
4, 15 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 580, 589.
5 Ban Tuyên giáo Trung ương (2009), Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, NXB Chính trị quốc gia, tr. 358.
6, 7, 8, 22 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 82, 87, 250, 256.
9 Trần Dân Tiên (1969), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Văn học, tr. 60.
10, 11, 13, 19 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 90, 273, 580, 90.
12, 18 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 34-35, 208.
14 Xin xem: Nguyễn Thanh Tú (2015), Hồ Chí Minh - Một tâm hồn nghệ sĩ, NXB Hội Nhà văn.
16, 24 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 400, 532.
17 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 179.
20 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 368.
21 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 299.
28 Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 482.

Bình luận

    Chưa có bình luận