Khu di tích Gò Tháp được xếp hạng “Di tích quốc gia đặc biệt”, nơi tồn tại di chỉ khảo cổ “được mệnh danh là một “kho báu” chứa đựng nhiều di tích khảo cổ vô giá về kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của nền văn hóa Óc Eo cách nay trên dưới 1.500 năm”1. Hiện nay Khu di tích được bảo tồn, phục dựng các di sản văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần để phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng ở Đồng Tháp và các tỉnh thành lân cận. Khu di tích Gò Tháp được hình thành từ các trầm tích văn hóa cổ xưa, các di tích lịch sử - văn hóa đang tồn tại, tôn giáo - tín ngưỡng, các sự kiện lịch sử đang diễn ra. Bài viết vận dụng lý thuyết văn hóa đại chúng dựa trên mô hình Ngôi nhà văn hóa đại chúng của Jack Nachbar và Kevin Lause (1992) để thông qua đó tìm hiểu tâm thức văn hóa, những tạo tác văn hóa, những sự kiện tồn tại và đang diễn ra ở di tích Gò Tháp, từ đó đề ra phương hướng quản lý di tích trong thời đại toàn cầu hóa.
1. Di tích Gò Tháp - nơi lưu giữ những giá trị niềm tin nền tảng và huyền thoại
Khu di tích Gò Tháp2 là niềm tự hào của người dân Đồng Tháp. Khu di tích này không những ghi dấu nền văn hóa Óc Eo đã từng tồn tại nơi đây mà còn là một vị trí chiến lược của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến. Trong những năm 1863 đến 1866, nơi đây là căn cứ nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, Gò Tháp và vùng chung quanh là căn cứ địa của nhiều cơ quan kháng chiến như Xứ ủy Nam kỳ, Khu 8… “Gò Tháp địa linh, nối chí anh hùng gìn Tổ quốc/ Tháp Mười nhân kiệt, giương cờ đại nghĩa dựng quê hương”3.
1.1. Những giá trị lịch sử có tính trường tồn
Khu di tích Gò Tháp đã minh chứng sự hiện diện của các cư dân cổ. Kết luận của các nhà khảo cổ Trường Viễn Đông Bác Cổ và các đợt khai quật khám phá của ngành khảo cổ học Việt Nam đã chứng minh di tích này tồn tại từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VIII. Di tích Gò Tháp còn có tên gọi Prasat Pream Loven (chùa Năm gian) và cũng từng được quan niệm là một trung tâm tôn giáo khá quan trọng, đồng thời là di tích có liên quan đến sự kiện lịch sử của Vương quốc Phù Nam - “lãnh thổ sùng đạo được chinh phục từ đầm lầy của vị thái tử trẻ tuổi Phù Nam Gunavarman, trong niềm tin tưởng của đức vua cha Đại vương Jayavarman”4. Quần thể di tích Gò Tháp gồm 5 di tích tiêu biểu: Khu mộ táng, Tháp Cổ tự, mộ và đền thờ cụ Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều, Gò Minh Sư, miếu Bà Chúa Xứ. Ở đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều vết tích kiến trúc cổ (gạch, phiến đá, trụ đá…), sản phẩm tôn giáo, nghệ thuật (hình mặt người bằng đất nung, hình thần Siva, Visnu, linga, yoni, tượng Phật bằng gỗ), đồ dùng sinh hoạt (nồi, bình có vòi, chì lưới), nhiều dấu tích kiến trúc đền đài... của nền văn hóa Phù Nam. Họ là một bộ phận dân cư cổ thuộc Vương quốc Phù Nam đến đây chinh phục vùng đất sình lầy này để lập nghiệp. Họ đã để lại nơi đây một nền văn hóa phát triển khá rực rỡ, trong đó có ba loại hình di tích quan trọng: di tích cư trú, kiến trúc và mộ táng.
Di tích cư trú được phát hiện ở tầng văn hóa tiếp giáp đáy biển cổ, bên cạnh các di tích kiến trúc và mộ táng, được phân bố dưới chân gò và rộng khắp cánh đồng xung quanh. Di vật ở tầng văn hóa này được tìm thấy hầu hết các loại hình mang đặc trưng cơ bản của nền văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ, gồm các vết tích như: bếp lửa, những mảnh nồi, bình có vòi ám khói, thanh củi cháy dở, phế thải bếp núc, xương trâu bò, vỏ dừa, vỏ trấu, trái cây, gỗ có vết gia công, nhiều cọc gỗ nhà sàn, đặc biệt nhiều tượng Phật bằng gỗ và có dấu hiệu của một xưởng thủ công chuyên chế tác loại tượng này... Ngoài ra, còn phát hiện được số lượng gốm khổng lồ, các chất liệu đá, xương, thủy tinh, kim loại, gỗ, xỉ thủy tinh, xỉ kim loại, cốc rót kim loại, mảnh vỡ của các tấm đá... đã cho thấy sự phát triển của nhiều nghề thủ công ở đây. Niên đại của những di chỉ cư trú này kéo dài từ thời kỳ tiền sử muộn đến thời kỳ văn hóa Óc Eo.
Di tích kiến trúc được phát hiện ở các gò cao như: Tháp mười tầng, Gò Minh Sư, miếu Bà Chúa Xứ, lăng mộ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều... Các kiến trúc ở đây rất đa dạng, hầu hết đều nằm sâu trong lòng đất, có quy mô lớn, được xây dựng công phu, có tường thành bao bọc chống sự xâm thực của nước và gió. Kiến trúc xây dựng với trình độ nghệ thuật cao, ở dạng xây chìm theo kiểu đền đài, là nơi thờ phụng hoặc lăng tẩm, có cạnh bẻ góc dài ngắn khác nhau, phần nền và móng có những ô vuông xây gạch, trang trí hoa văn đẹp. Căn cứ vào dấu tích nền móng và những mảnh đá kiến trúc để lại, các nhà khoa học cho rằng những di tích này có niên đại vào khoảng thế kỷ VI. Nếu so với những khu di tích khác của văn hóa Óc Eo thì Khu di tích Gò Tháp tương đương về quy mô, số lượng và loại hình di tích.
Di tích mộ táng phát hiện ở các gò cát đắp có độ cao trung bình, nằm giữa di tích cư trú và kiến trúc. Qua hai đợt khai quật năm 1984 và 1993, phát hiện 9 mộ táng, thu được 340 di vật tùy táng chôn theo. Những ngôi mộ hỏa táng này được xây dựng quy mô lớn, có khuôn viên bao quanh huyệt mộ, vật liệu chủ yếu là gạch và ô dước. Trong cuộc khai quật vào tháng 3/2002 tại Gò Minh Sư đã phát hiện nhiều hố, mộ, phân bố trên thềm laterit hoặc chồng chéo lên nhau. Chúng có dạng hố đào hình lòng chảo hoặc hình phễu, đáy lót cát hoặc có thêm lớp đất sét xám xanh bên dưới. Bên cạnh hiện tượng hỏa táng có thể đã tồn tại hiện tượng hung táng hay bán hung táng. Với kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy cư dân cổ Gò Tháp về đây định cư, lập nghiệp khi nước biển vừa mới rút, họ chọn gò cao làm nơi cư trú. Họ có nền văn minh khá cao, phát triển một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tinh xảo, đặc biệt là nghề gốm, kim hoàn, chạm khắc, kiến trúc... Những nghề này chắc chắn phải dựa trên một nền công nghiệp và thương mại phát triển.
Bên cạnh những giá trị to lớn của nền văn hóa cổ Óc Eo, ở Gò Tháp còn chứa đựng những giá trị lớn của nền văn hóa đương đại. Nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng trong suốt hai thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Vào giữa thế kỷ XIX (những năm 1864-1866), các sĩ phu yêu nước do Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều là chủ soái đã chọn Gò Tháp lập căn cứ, chiêu mộ nghĩa quân, dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi thực dân Pháp. Trong những năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Gò Tháp đã trở thành căn cứ địa cách mạng của Xứ ủy Nam Kỳ, Ủy ban Hành chánh kháng chiến Nam Bộ, Sở Y tế Nam bộ, Khu ủy và Quân khu 8, ủy ban kháng chiến của các tỉnh Tân An (Long An), Mỹ Tho (Tiền Giang), Long Châu Sa (Đồng Tháp). Gò Tháp còn là nơi được Bộ Tư lệnh Khu 8 chọn mở trường quân chính đào tạo cán bộ cung cấp cho chiến trường Miền Tây Nam Bộ... Hay trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, đặc công của Tiểu đoàn 502 đã đánh sập viễn vọng đài (10 tầng, cao 42m) do chế độ độc tài Ngô Đình Diệm dựng lên làm nơi quan sát, khống chế hoạt động của quân giải phóng ở Đồng Tháp Mười. Những phế tích, các khối bê tông, cốt thép, dấu tích khắc trên các phiến đá khi Ngô Đình Diệm về đây khánh thành vẫn còn đó, minh chứng cho chiến công vang dội của quân và dân Đồng Tháp.

Hai tượng thần Vishnu tìm thấy ở Khu di tích Gò Tháp được công nhận là Bảo vật Quốc gia. (Nguồn: https://tapchivanhoaphatgiao.com)
Ngoài ra, Khu di tích Gò Tháp còn có các thiết chế tôn giáo và tín ngưỡng cổ truyền như: Tháp Cổ tự, đền thờ, miếu Bà Chúa Xứ, mộ Hoàng Cô, nền Tháp cổ... và nhiều giai thoại dân gian mang màu sắc huyền bí, tâm linh. Do vậy, Khu di tích Gò Tháp được coi là chốn linh thiêng trong tâm tưởng của người dân vùng Miền Tây Nam Bộ. Hàng năm, nơi đây đón tiếp rất nhiều khách hành hương về cúng kiếng. Đặc biệt, hai kỳ lễ hội hàng năm vào rằm tháng 3 và tháng 11 âm lịch, có hàng chục nghìn người dân trong khu vực về đây trảy hội, thưởng thức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí...
1.2. Những giá trị và niềm tin tôn giáo - tín ngưỡng được thừa nhận ở Khu di tích Gò Tháp
Mọi người hướng về Khu di tích Gò Tháp còn hướng tới những giá trị tâm linh thông qua các kỳ lễ hội Gò Tháp hằng năm. Mỗi kỳ lễ hội, rất đông khách thập phương về thăm viếng Gò Tháp, tưởng nhớ tiền nhân, những người có công với đất nước trong công cuộc khai hoang, mở cõi, chống giặc ngoại xâm… Ngành khảo cổ học đã cho thấy các bằng chứng về sự tồn tại một trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo của văn hoá Óc Eo ở Gò Tháp, các nhà khảo cổ đã phát hiện hàng chục di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng như: tượng Phật, đền thần, ao thần, giếng thần, xưởng chế tác…
1.2.1. Phật giáo
Cho đến nay các nhà khảo cổ học đã tìm thấy được hơn 55 hiện vật liên quan đến Phật giáo: tượng Phật, đầu Phật, tay Phật và bệ tượng Phật thuộc giai đoạn Phù Nam phát triển và hậu Phù Nam bằng các chất liệu khác nhau như gỗ, đá, gốm. Trong đó, Khu di tích Gò Tháp là nơi tìm thấy nhiều tượng Phật gỗ nhất, dựa vào các số liệu thì di tích Gò Tháp đã có 32 tượng Phật với các kích thước khác nhau, được chế tác chủ yếu từ gỗ sao hoặc gỗ mù u.
Chùa Tháp Linh (Tháp Cổ Tự), cơ sở tín ngưỡng tôn giáo theo đạo Phật, thờ Phật, thần, xen lẫn tín ngưỡng dân gian. Chùa được cư dân người Việt cất đơn sơ thời vua Thiệu Trị (1841-1847) trên đỉnh Gò Tháp để thờ Phật, cầu an cho người dân khẩn hoang lập nghiệp, sống bình an. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo, Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trương cho Ban Hội hương đứng ra vận động xây dựng ngôi chùa khang trang để tín đồ phật tử có nơi tôn nghiêm thờ cúng và hành đạo. Không gian yên tĩnh, có nhiều cây cổ thụ như sao, bồ đề… tỏa bóng mát quanh năm khiến cho khách hành hương dễ dàng chìm đắm vào không gian tâm linh, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng. Ngoài ra, chùa còn hưởng ứng hai kỳ lễ hội lớn: lễ hội Bà Chúa Xứ vào ngày rằm tháng 3 âm lịch và lễ hội Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều vào rằm tháng 11 âm lịch.

(Ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Bích)
Di tích Đìa Phật - Đìa Vàng: Trước đây, trong quá trình canh tác, người dân địa phương đã phát hiện và giao nộp nhiều tượng Phật gỗ tìm được tại di tích. Năm 2013, di tích được khai quật, bên cạnh việc phát hiện nhiều hiện vật giá trị, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một pho tượng Phật gỗ và dấu vết của kiến trúc nhà ở cư dân Óc Eo từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Qua kết quả nghiên cứu, các nhà khảo cổ học xác định di tích Đìa Phật – Đìa Vàng là di tích cư trú kết hợp xưởng chế tác tượng Phật gỗ lớn ở Nam Bộ thời văn hóa Óc Eo.
Những năm gần đây, Khu di tích Gò Tháp trên đà phát triển, ngôi chùa Tháp Linh tiếng chuông và nhang khói ngày đêm không dứt. Mỗi kỳ lễ hội, chùa thu hút hàng ngàn khách thập phương.
1.2.2. Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ
Là một nước có nền văn hóa gốc nông nghiệp cho nên các yếu tố như đất, nước, cây lúa… trở nên gần gũi và quen thuộc với cư dân và xem những yếu tố này như những vị thần linh của mình và trong tâm thức của họ những vị thần đó đều gắn liền với thiên chức của những người bà, người mẹ như mẹ đất, mẹ nước, mẹ lúa… Bắt đầu từ quan niệm này nên việc tôn thờ Nữ thần, thờ mẫu đã trở nên phổ biến trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Tùy theo từng khu vực, vùng miền mà dẫn đến sự khác biệt trong tư duy cũng như trong hình thức thờ Nữ thần, thờ Mẫu ở Việt Nam mà mỗi nơi có nét đặc thù riêng. Ở Miền Bắc thờ Mẫu dưới dạng Tam phủ đến Tứ phủ5 nhưng khi vào đến Nam Bộ, tín ngưỡng thờ Mẫu đã có sự chuyển hóa là sự kết hợp giữa Nữ thần với Thánh Mẫu để hình thành một dạng thức thờ tự mới Bảy Bà đó là Bà Chúa Động, bà Cố Hỉ, Bà Thủy, Bà Hỏa, Chúa Tiên, Chúa Ngọc và Bà Chúa Xứ.
Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ là nét văn hóa đặc trưng của dân Nam Bộ. Theo tín ngưỡng dân gian, Bà Chúa Xứ là bà chúa, bà chủ, bà mẹ của một xứ sở, người tạo dựng, sinh sản nên một vùng đất. Bà Chúa Xứ xuất phát từ tín ngưỡng “Cha Trời, Mẹ đất” nằm trong truyền thống lâu đời của dân tộc. Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp là hiện sinh của vị Mẫu thần, biểu tượng to lớn về khát vọng tìm kiếm sự che chở, bảo bọc cho cuộc sống bình yên của người dân địa phương. Hằng năm, lễ viếng Bà Chúa Xứ diễn ra định kỳ mỗi năm một lần vào ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch, có hàng trăm nghìn lượt khách thập phương đến tham quan và cúng viếng.
1.2.3. Thiên hộ Dương - Đốc binh Kiều
Hai vị anh hùng Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều là biểu tượng sức mạnh tinh thần luôn chi phối cả đời sống tinh thần lẫn đời sống vật chất của người dân nơi đây. Trong tâm thức họ luôn tin rằng thế lực siêu nhiên ấy sẽ phù hộ cho cả cộng đồng được yên bình, ấm no, hạnh phúc. Do đó, việc thờ cúng hằng năm ở đây được mỗi người dân xem như trách nhiệm thiêng liêng, giống như thờ cúng ông bà, tổ tiên của mỗi gia đình. Chính vì vậy, các nghi thức cúng bái, cách hành lễ hay các hoạt động lễ hội khác đều phải đảm bảo theo trình tự và nề nếp, trang nghiêm, chu đáo.
2. Những tạo tác văn hóa đại chúng ở Khu di tích Gò Tháp
Với những giá trị lâu đời và bền vững, năm 1998 Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Khu di tích Gò Tháp là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia. Đến năm 2012, Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Tháng 9/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, chấp thuận cho Đồng Tháp lập hồ sơ Khu di tích Quốc gia Gò Tháp gửi tổ chức UNESCO đề cử, vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới.
2.1. Quần thể, đồ vật ở di tích Gò Tháp
Gò Tháp là một trong những địa chỉ khảo cổ rất quan trọng của nền văn hóa Óc Eo thuộc Vương quốc Phù Nam của thế kỷ II trước công nguyên đến thế kỷ thứ XII sau công nguyên ở đồng bằng Nam Bộ.
Ông Silvestre (làm việc tại đây vào những năm 1869-1878) lần đầu tiên phát hiện di tích Gò Tháp. Những năm sau học giả Pháp, Lunet de Lajonquiere đến khảo sát, nhiều dấu tích gạch ngói, các cấu kiện đá được phát hiện. Nhiều văn khắc quan trọng, trọng đó có tám văn khắc trên đá xuất xứ vùng Tháp Mười được dịch có niên đại từ thế kỷ thứ V. Các nghiên cứu những năm 1930-1940 do H. Parmentier, J. Y. Claeys, L. Malleret thực hiện, kết quả học nhận định Gò Tháp là một trung tâm tôn giáo quan trọng thời xa xưa6.
Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt điều tra và khai quật đã tìm thấy nhiều tượng phật bằng gỗ, những đền thờ tôn giáo xây bằng gạch, các tượng Phật giáo, Hindu giáo cùng hơn 300 mảnh vàng, đá quý, thủy tinh với những mảnh vẽ mang tín ngưỡng Hindu giáo, Phật giáo.

(Ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Bích)
Vào năm 2009, khai quật Gò Minh Sư, kết quả tìm thấy một kiến trúc xây bằng gạch có dạng một ngôi đền, nằm theo hướng Đông Tây có quy mô lớn, được cấu tạo gồm: kiến trúc đền cao ở trung tâm, hành lang bên ngoài hình chữ nhật, bờ tường bao quanh có xây tháp cổng với diện tích 1.100m2 qua ba giai đoạn phát triển khác nhau, niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XII. Qua những hiện vật tìm thấy nhưng máng nước thiêng bằng đá, cùng với mảnh Yoni… có thể khẳng định di tích Gò Minh Sư là đền thần Shiva. Các hiện vật bằng vàng như nhẫn vàng, khuyên tai, các hiện vật bằng gốm và nhiều tảng đá được phát hiện quanh kiến trúc.

(Ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Bích)
Năm 2010 khai quật “Tường Thành” phía Tây cách Gò Tháp Mười khoảng 30m. Kết quả, tìm thấy loại hình thần kiến trúc kiểu “Ao thần”. Ao có chiều dài 122m, chiều rộng 113m. Đây là nơi chứa nước sinh hoạt, vừa là nơi cho các tín đồ Hindu thực hiện phong tục tẩy uế trước khi vào đền thần cầu nguyện. Trên kiến trúc ao thần tìm được bộ Linga-Yoni nhỏ.
Cùng với số lượng lớn tượng thần Vishnu còn có bàn chân của thần Vishnu in trên gạch, cho thấy Gò Tháp là một trong những di tích có số lượng tượng thờ Hindu giáo và Phật giáo lớn nhất so với các di tích khác thuộc văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam. Ngoài ra, Gò Tháp cón là nơi quy tụ đầu mối giao thương của các cư dân trong vùng và là nơi giao lưu hội nhập với các hàng hóa bên ngoài. Cho nên Gò Tháp đã trở thành một trung tâm kinh tế - tôn giáo - văn hóa như các bia ký đã phát hiện được tại Khu di tích Gò Tháp.
Cùng với đó là những công trình văn hóa thờ tự như: đền, miếu, chùa. Đặc biệt là các di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo luôn được quan tâm, trùng tu, tôn tạo nâng cao giá trị tính nguyên gốc về lịch sử và khảo cổ tạo được sức hút và sự quan tâm của khách hành hương du lịch, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
2.2. Những anh hùng
Bên cạnh các thiết chế tôn giáo và tín ngưỡng cổ truyền, Gò Tháp là một địa danh nổi tiếng không thể tách rời với tên tuổi hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương (Thiên hộ Dương) và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (Đốc binh Kiều).
Thiên hộ Võ Duy Dương tên thật là Võ Duy Dương (1827-1866) sinh tại thôn Cù Lâm Nam, huyện Tuy Viễn, trấn Bình Định (nay là thôn Nam Tượng I, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) trong một gia đình nông dân. Ông rất giỏi võ nghệ, từng được tôn Ngũ Linh Dương (Ngũ Linh Thiên Hộ). Năm 1853, ông theo Nguyễn Tri Phương vào Nam khai hoang lập ấp ở vùng Ba Giồng, tỉnh Định Tường. Năm 1859, giặc Pháp tấn công thành Gia Định, sau đó tràn xuống Định Tường. Ông cùng Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân chiêu mộ nghĩa dũng, kéo về Gia Định giúp triều đình.

(Ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Bích)
Sau hòa ước 1862, lực lượng nghĩa quân yếu dần, phải rút về Xoài Tư. Tại đây nghĩa quân bị bao vây, phong tỏa gắt gao. Đến năm 1864, sau khi Trương Định tuẫn tiết ở Gò Công, để bảo toàn lực lượng tiếp tục chiến đấu lâu dài, Thiên hộ Dương rút quân vào Đồng Tháp Mười. Căn cứ đóng ngay trên gò Tháp Mười. Sau thời gian xây dựng lực lượng đến giữa năm 1865, dưới quyền chỉ huy của Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều, nghĩa quân Tháp Mười với chiến thuật du kích chủ động tấn công giặc ở nhiều nơi, gây nhiều tổn thất cho giặc… Căn cứ Tháp Mười trở thành một chướng ngại lớn trong công cuộc bình định của giặc ở Nam Kỳ, là một bức tường bất khả xâm phạm, được xây dựng bởi thiên nhiên (trời, đất và nước) và con người với truyền thống mấy ngàn năm giữ nước.
Do sự tham mưu của bọn tay sai, giặc Pháp nắm được một số quy luật của thiên nhiên Đồng Tháp Mười. Tháng 4 năm 1866, giặc mang đại quân vào Tháp Mười quyết tâm hạ căn cứ này. Sau hơn một tuần chiến đấu, do yếu thế về binh khí kỹ thuật, nghĩa quân với sự chỉ huy của Thiên hộ Dương rút lui bảo toàn lực lượng. Đốc binh Kiều ở lại tử chiến với giặc và hi sinh tại Đại bản doanh Gò Tháp. Nghĩa cả ấy còn được nhân dân lưu truyền:
“Vì nước quên mình được chữ trung,
Thương dân chi sá chỗ sình bùn,
Mấy năm Đồng Tháp danh vang dội,
Cọp rống ngoài truông cáo hãi hùng,
Hai thước im lìm nơi thạch động,
Đồng bào tưởng nhớ đứng thờ chung,
Nỗi lòng tưởng nhớ nhiều năm trước,
Hương lửa đều không cảnh lạnh lùng”.
Ít lâu sau trên đường vượt biển về Trung tính kế sách lâu dài, Thiên hộ Dương tử nạn trên cửa biển Cần Giờ, trong ca dao vùng Đồng Tháp Mười có câu:
“Chiều chiều mây giục gió vần
Cảm thương Thiên Hộ xả thân cứu đời!”.
Trong tâm thức của người dân Đồng Tháp nói riêng, cả nước nói chung thì hai ông sống và chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước, chết thì hai ông hóa thần phù hộ độ trì cho người tốt, trừng trị kẻ gian ác hay làm điều xấu trong bao truyền thuyết lưu truyền trong dân gian.
Lễ hội truyền thống Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều hằng năm là dạng tín ngưỡng thể hiện lòng tri ân các bậc tiền nhân, những người có công với đất nước trong cuộc khai hoang, mở cõi, chống ngoại xâm, cường hào ác bá... Lễ hội vừa mang sức mạnh cộng đồng to lớn, bởi quy tụ đông đảo nhân dân tham gia, vừa mang đậm truyền thống dân tộc, với những giá trị gắn liền quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ vùng đất này. Đến với lễ giỗ, ngoài việc thắp hương tỏ lòng tri ân thành kính với hai vị anh hùng dân tộc, khách thập phương còn có dịp ôn lại lịch sử oai hùng của quân dân Đồng Tháp Mười trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tượng đài Thiên hộ Võ Duy Dương. (Ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Bích)
3. Những sự kiện văn hóa ở Khu di tích Gò Tháp - Lễ hội Gò Tháp
3.1. Lễ hội Bà Chúa Xứ (Lễ Vía Bà)
Lễ hội Bà Chúa Xứ hay còn gọi là lễ Vía Bà, theo truyền tụng dân gian thì tượng Bà đã có từ lâu đời, cách đây khoảng 200 năm. Tượng Bà được người dân địa phương phát hiện và được rước về từ trên đỉnh núi Sam (Châu Đốc, An Giang) bởi 9 cô gái đồng trinh. Hay một truyền thuyết khác cũng kể rằng có một vị thần tự xưng là Bà Chúa Xứ Châu Đốc đã báo mộng cho dân làng: “Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh lên đỉnh núi Sam, đưa tượng ta về lập miếu thờ, ta sẽ phù hộ cho dân sống an lành và làm ăn phát đạt”. Sau đó, 9 cô gái được dân làng chọn cử lên đỉnh núi tìm tượng Bà và quả nhiên họ đã gặp một tượng đá trong tư thế ngồi, mắt nhìn thẳng về phía trước, rước về, tắm rửa sạch sẽ và lập miếu thờ7. Từ đó, hàng năm người dân lấy ngày tượng Bà được an vị tại miếu làm ngày lễ vía Bà (rằm tháng 3 âm lịch). Dần dần, ngày Vía Bà Chúa Xứ ở di tích Gò Tháp trở thành ngày lễ hội truyền thống quan trọng của địa phương, lễ vía Bà về cơ bản vẫn được tiến hành theo các nghi thức như ở Châu Đốc như có phần đơn giản hơn.

Tượng đài Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều. (Ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Bích)
Phần lễ: Trong Lễ hội Bà Chúa Xứ Gò Tháp, phần lễ là phần được người dân chuẩn bị rất nghiêm trang. Phần tế lễ là phần linh thiêng nhất, trang trọng nhất bởi mục đích của việc tế lễ là nhằm mời Đức Bà nhận lễ vật từ tấm lòng biết ơn của dân chúng, đồng thời cầu mong Bà thương và che chở mang lại bình an cho dân chúng. Ngoài phần lễ chính cúng Bà Chúa Xứ vào đêm ngày 15, rạng sáng ngày 16 tháng 3 âm lịch, Ban Hội hương Gò Tháp còn cử hành một số lễ khác như: Lễ tắm Bà, Lễ cầu an cúng Thần nông, Lễ thỉnh sanh. Mỗi lễ cúng đều có nội dung và nghi thức hành lễ khác nhau, nhưng chung nhất là đều có bài văn tế do người Chánh tế đọc. Kèm theo là các nghi thức lễ phụ khác như: học trò lễ dâng trà, dâng rượu, dâng hương và dàn nhạc lễ. Sau những phần lễ phụ cúng Bà Chúa Xứ kết thúc thì lễ chính cúng Bà bắt đầu diễn ra từ 4 giờ đến 6 giờ ngày 16 tháng 3 âm lịch. Thành phần tham dự là Ban Hội hương, học trò lễ, ban nhạc công, đội múa lân và người dân.
Phần hội: Phần hội của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ cũng đậm nét văn hóa dân gian với những tiết mục múa hát, trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, ẩm thực, đờn ca tài tử, múa bóng rỗi, trưng bày triển lãm về di sản văn hóa, thiên nhiên, con người Đồng Tháp… Với những hoạt động phong phú của phần hội đã làm cho con người dường như quên đi những vất vả, bon chen của cuộc sống đời thường để tìm đến với nhau bằng sự đồng cảm, hướng về cái thiện trong cuộc sống. Phần hội với các hoạt động văn hóa như: chiếu phim Đồng Tháp Mười - Chiến khu bưng biền huyền thoại…; tổ chức hội chợ; hát cải lương; giới thiệu tour, tuyến du lịch, đặc biệt là tour Lễ hội Gò Tháp - Đồng sen Tháp Mười - Khu di tích Xẻo Quít; hội thi các trò chơi dân gian bao bố, hội thi kéo co… Bên cạnh đó, còn có các gian hàng ẩm thực giới thiệu các món ăn đặc trưng của Đồng Tháp, các gian hàng trưng bày các sản phẩm thủ công mĩ nghệ của Đồng Tháp.
Thông qua các hoạt động tại Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ nhằm tuyên truyền những giá trị lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu; quảng bá tiềm năng du lịch, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống quê hương, con người, thiên nhiên và các sản phẩm du lịch tới du khách, từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa của Đồng Tháp.
3.2. Lễ hội Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều
Diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 11 âm lịch, ngoài các phần lễ phụ như lễ dâng hương, lễ cầu an, lễ thỉnh sanh, lễ cúng Thần nông thì phần chính là lễ rước sắc thần và lễ hồi sắc.
Lễ rước sắc thần8 là rất quan trọng trong lễ hội hai vị anh hùng Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều. Được phong sắc thần là rất thiêng liêng, là một uy tín lớn đối với bản thân hai vị anh hùng Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều và còn là niềm hãnh diện của tất cả người dân Đồng Tháp. Theo niềm tin của người dân, sắc thần là thiêng liêng phải cất giữ, không thể tùy tiện mở. Sắc thần chỉ đem ra vào những ngày giỗ của hai ông Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều. Tất cả những phần lễ rước sắc thần đều do Ban Hội hương Gò Tháp chuẩn bị và tiến hành.
Đi thỉnh sắc thần gồm có Ban Hội hương, học trò lễ, ban nhạc (chiêng, nhạc, mõ, cặp xướng), lính hầu, đội khiêng kiệu, đội múa lân và nhân dân tham gia lễ hội. Khi đã chuẩn bị hoàn tất, nghi lễ thỉnh sắc thần bắt đầu từ 8 giờ ngày 13 tháng 11 âm lịch, xuất phát từ đền thờ hai vị anh hùng Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều. Khi rước sắc thần đến đền, cử hành nghi thức an vị, cử một tuần hương, ba tuần rượu và một tuần trà. Trong thời gian sắc thần để ở đền, dân chúng đến lễ bái và dâng hoa quả, bánh trái và tiền bạc nhằm đóng góp tài chánh cho việc tu bổ đền. Sắc thần được để ở đền trong ba ngày lễ 14, 15, 16 và đến chiều ngày 16 lại đưa sắc thần về nơi cất giữ gọi là lễ hồi sắc.
Lễ cúng Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều: Sau khi những lễ phụ cúng Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều kết thúc thì lễ chính thức cúng hai ông bắt đầu diễn ra từ 4 giờ đến 6 giờ sáng ngày 16 tháng 11 âm lịch. Thành phần tham dự giống như lễ thỉnh sắc thần. Phần hội cũng diễn ra các hoạt động giống như ở lễ hội Bà Chúa Xứ tháng 3 âm lịch.
Lễ hội Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều vừa mang sức mạnh cộng đồng to lớn bởi quy tụ đông đảo nhân dân tham gia, vừa mang đậm nét truyền thống dân tộc. Đây là dịp để ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại bang giành độc lập mà chí khí của hai vị anh hùng Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều là một minh chứng.
4. Phương hướng quản lý Khu di tích Gò Tháp
4.1. Về nhận thức về di tích và quản lý di tích
Dưới tác động của cơ chế thị trường và xu hướng giao lưu, hội nhập, di tích Gò Tháp hiện nay đã chuyển qua một giai đoạn mới, không còn chỉ mang ý nghĩa đáp ứng tự thân về tinh thần của cộng đồng dân cư và bó hẹp trong những không gian nhất định như trước đây. Hơn nữa, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, con người luôn trong tiếp nhận các nền văn hóa trên thế giới, vì thế việc quản lý di tích, quản lý lễ hội ở Gò Tháp là một việc làm cần thiết.
Việc thương mại hóa ở di tích Gò Tháp dẫn tới có hiện tượng chặt chém, buôn thần bán thánh, giá cả các mặt hàng trong các ngày lễ hội đều tăng vọt, dịch vụ bói toán, hầu đồng ở nhiều điểm lễ hội.
Việc xem di tích, lễ hội là cơ hội quảng bá thương hiệu cho địa phương dẫn đến việc quản lý di tích lỏng lẻo và phương thức tổ chức lễ hội hoành tráng hoặc hiện tượng tự nâng cấp di tích, tự nâng cấp lễ hội lễ hội.
Bên cạnh đó, sự biến đổi của lễ hội dân gian và sự xuất hiện của nhiều loại hình lễ hội hiện đại là một yếu tố khách quan trong đời sống văn hóa. Vì thế không nên lấy các nguyên lý tổ chức lễ hội truyền thống làm khuôn mẫu mọi lễ hội. Mọi bước trong tổ chức lễ hội cần được tính toán sao vừa đảm bảo yếu tố gốc, vừa trở thành sự kiện đáng nhớ, đáp ứng được các mục đích của người tham gia lễ hội về vấn đề tâm linh, trải nghiệm đời sống hiện đại.
4.2. Về đào tạo đội ngũ tổ chức, quản lý lễ hội
Chủ thể quản lý là yếu tố quyết định chất lượng của công tác quản lý lễ hội. Thực trạng hiện nay cho thấy nước ta rất cần đội ngũ những cán bộ có khả năng về quản lý, chỉ đạo và trực tiếp tổ chức sự kiện, lễ hội. Chương trình tổ chức lễ hội chưa được giảng dạy thành một ngành học trong hệ thống các trường văn hóa. Vì vậy, các ban ngành quản lý văn hóa cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực ở nhiều cấp độ khác nhau, có khả năng độc lập nghiên cứu, chỉ đạo thực tiễn, biết cách tham khảo kinh nghiệm ở các địa phương khác, có khả năng tham mưu xây dựng các văn bản mang tính chất quản lý đặc thù. Bên cạnh đó, cần đội ngũ có khả năng xây dựng chương trình, đề án lễ hội.
Cần tập huấn về các nguyên tắc, quy chế, kiến thức chuyên môn về quản lý di tích, quản lý lễ hội cho cán bộ chuyên trách ban văn hóa xã.
Tập hợp và phát huy một cách hiệu quả những nghệ nhân dân gian, thầy cúng am hiểu về lễ hội truyền thống tham gia tổ chức, quản lý di tích, lễ hội cũng như truyền dạy tri thức lễ hội cho lớp trẻ trong cộng đồng.
4.3. Về truyền thông
Có thể nói, trong xã hội hiện nay, vai trò của thông tin quảng bá ngày càng đóng vai trò quyết định đến sự thành công của lễ hội. Cần bổ sung thêm các nội dung như chiến dịch truyền thông về giá trị các lễ hội, kế hoạch tổ chức và yêu cầu đối với người tham gia nhằm hướng dẫn, tạo nhận thức, hiểu biết cần thiết cho cộng đồng. Hiện nay, quảng bá về lễ hội đã được đa dạng hóa qua nhiều kênh: thông tin trực đến người dân; thông tin qua hệ thống thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo in, mạng internet, mạng xã hội.
4.4. Về tổ chức và hiệu quả quản lý
Hiện nay do lễ hội có tính mở rộng, giao lưu nên cần xây dựng chương trình, kịch bản phù hợp nhằm tạo hiệu quả về tổ chức, quản lý ngay trong chính nội dung lễ hội. Để làm được điều này, ban tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương, các lực lượng liên ngành cần có kiến thức và khả năng xử lý tình huống.
Việc tổ chức lễ hội cần đảm bảo không gian thiêng. Các khâu của lễ hội cần được tính toán chu đáo, thu hút để người đến lễ hội có điều kiện trải nghiệm, sáng tạo chứ không đơn thuần chỉ thụ động tham gia quan sát, chụp ảnh, không hòa đồng với cộng đồng, không cảm nhận được không khí thiêng của lễ hội. Ngoài những chương trình mang đặc trưng của lễ hội, trưng bày các hiện vật nhằm thu hút đông đảo sự tham gia của du khách, tạo tính hoạt náo trong lễ hội. Đó là các màn biểu diễn ca cải lương, đờn ca tài tử, chương trình múa tập thể, chương trình sinh hoạt cộng đồng đan xen giữa cư dân địa phương và du khách như khám phá nghề thủ công, tham gia nghề nông, đánh bắt cá, tham gia các trò chơi mang tính cộng đồng… Chương trình lễ hội cần chú ý tới việc xây dựng các chương trình như thăm làng nghề, khám phá mô hình du lịch sen hồng, tổ chức thi các môn thể thao mang tính quần chúng, hội chợ… Sau chương trình chính, căn cứ vào nhu cầu của du khách để tổ chức các chuỗi sự kiện tiếp theo. Trong chuỗi sự kiện đó cần phải xây dựng, bố trí sự kiện “đinh” mang tính cao trào của lễ hội.
5. Kết luận
Ngoài các giá trị khoa học về khảo cổ, lịch sử, tôn giáo và tín ngưỡng, với khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, hiện nay tại Khu di tích Gò Tháp tồn tại một khu rừng tràm với nhiều sinh cảnh đặc trưng, mang nhiều nét hoang sơ của vùng Đồng Tháp Mười. Đến với Khu di tích Gò Tháp, du khách như đang bước vào một hoạt động văn hóa tổng hợp, đan xen và hòa lẫn vào nhau giữa vật chất và tinh thần, giữa tín ngưỡng và văn hóa, giữa sự thiêng liêng của tâm linh và những điều bình dị đời thường, giữa cổ xưa và đương đại… Việc du khách có thể tham quan các di tích lịch sử, khảo cổ ở Khu di tích Gò Tháp giúp những giá trị độc đáo của di sản văn hóa được lan tỏa đến rộng hơn, xa hơn, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của địa phương.
Ngày nay chúng ta đứng trước công cuộc hội nhập quốc tế, thời đại bùng nổ của khoa học kỹ thuật, con người ngày càng tách rời bản thân với thiên nhiên, môi trường lịch sử dân tộc và truyền thống văn hóa ngày càng mai một. Vì thế, một mặt chúng ta cần tiếp thu các giá trị tốt đẹp của văn minh, văn hóa nhân loại, mặt khác cần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Những lễ hội sẽ giúp con người hướng về cội nguồn, khẳng định bản sắc văn hóa của mình trong cái chung của văn hóa nhân loại.
Chú thích:
1, 6 Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp (2016), Gò Tháp di tích Quốc gia đặc biệt, NXB Văn hóa Văn nghệ, tr. 16, 60.
2 Theo các nhà khảo cổ Trường Viễn Đông Bác Cổ thì từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VI, ở đây tồn tại một trung tâm tôn giáo với nhiều đền tháp nên nơi này có tên gọi là Gò Tháp hay Tháp Mười (Đồng Tháp xưa và nay, số 3/2001, tr. 8).
3 Trích từ đôi liễng đối trước cổng đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.
4 Hội đồng Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh (1995), Địa chí Đồng Tháp Mười - công trình kỷ niệm 300 năm Nam Bộ, NXB Chính trị quốc gia, tr. 166.
5 Tam Phủ: Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa; Tứ Phủ: Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên, Địa Mẫu, Mẫu Thượng Ngàn.
7 Nguyễn Bích Ngọc (Chủ biên, 2021), Lễ hội Gò Tháp - Nét đặc sắc văn hóa Nam Bộ ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, NXB Lý luận chính trị.
8 Sắc thần là một tờ giấy khổ dài khoảng 1m, rộng 0,5m, dày, màu vàng, mặt giấy có in nền chìm hình rồng ẩn trong mây, chung quanh có khung hồi văn chữ vạn nên gọi là long đằng chỉ (giấy hình rồng dùng để sao chép). Mỗi sắc thần thường có từ năm đến mười một hàng dọc, chép từ phải qua trái, dòng cuối cùng để niên hiệu, tháng, ngày cấp. Ấn vàng của nhà vua dùng son phụng màu đỏ đóng lên hàng chữ để niên hiệu, ngay giữa dòng chữ này, kể từ chữ niên trở xuống, ấn hình vuông có bốn chữ viết theo lối triện là Sắc Mệnh Chi Bửu.