Văn học, nghệ thuật là bộ phận tinh túy nhất của văn hóa, có tác động mạnh mẽ đến đời sống tư tưởng, tinh thần, tình cảm, đạo đức, lối sống của con người. Văn học, nghệ thuật là nhân tố đảm bảo cho xã hội phát triển, bên cạnh yêu cầu về kinh tế, về văn minh vật chất bao giờ cũng đặt yêu cầu cao về văn học, nghệ thuật, về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới trong loại hình văn học, nghệ thuật, coi đó như một điều kiện tất yếu của quá trình phát triển một quốc gia, một dân tộc. Vậy để giải quyết đúng đắn và hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật cần phải nắm vững, vận dụng triệt để, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Tính chất độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa chính là phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, cho thấy mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, trong đó văn hóa là động lực của sự phát triển, không chỉ với kinh tế xã hội mà còn đối với quốc gia, dân tộc: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi“. Đến nay, trong giai đoạn cách mạng mới, tư tưởng của Hồ Chí Minh vẫn được quán triệt và còn nguyên giá trị.
1. Cơ sở lý luận giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn học, nghệ thuật ở nước ta
Văn hóa là toàn bộ những giá trị do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử bằng lao động của mình trên cả hai lĩnh vực sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhận rõ vị trí đặc biệt quan trọng và ý nghĩa lớn lao của văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Quán triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh, Nghị quyết Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII xác định văn hóa là “nền tảng tinh thần của xã hội”.
Đời sống xã hội có hai mặt vật chất và tinh thần. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất của đời sống xã hội thì văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội. Trong đời sống xã hội, không thể thiếu một trong hai nền tảng vật chất và tinh thần, kinh tế và văn hóa, văn học, nghệ thuật. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng văn minh, con người phát triển toàn diện. Khi dốc sức xây dựng phát triển kinh tế cho theo kịp thế giới hiện đại, chúng ta cũng không ngừng xây dựng một chế độ có sự công bằng xã hội, con người được sống trong những mối quan hệ xã hội xứng đáng là quan hệ bình đẳng giữa người và người. Do vậy, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn học, nghệ thuật là vấn đề lớn nằm trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay. Hơn bao giờ hết, cần phải nhận ra việc tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thực tiễn cuộc sống ở Việt Nam cũng như ở các nước cho thấy “thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh , không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế xã hội bền vững”. Mục tiêu của sự phát triển bền vững là đạt dược sự đầy đủ về vật chất và sự giàu có về văn hóa tinh thần, sự bình đẳng của các thành viên trong xã hội, sự hài hòa, gắn bó giữa con người với tự nhiên. Ba trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường, cần phải chú trọng cả ba nhân tố đó nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao trên lộ trình dài hạn, tăng thu nhập phải đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng phúc lợi và xóa đói giảm nghèo, phải giữ được mức độ bền vững hợp lý.
Văn học, nghệ thuật là bộ phận không tách rời của văn hóa. Nghị quyết Trung ương về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cho thấy văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế và xã hội. Nhìn một cách tổng thể trong mối quan hệ giữa chính trị, kinh tế, xã hội thì văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật là một bộ phận đóng vai trò trụ cột như các lĩnh vực khác, cần phải có sự quan tâm đồng bộ để tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong sự phát triển.
Có thể nói qua các kỳ Đại hội và trong các cương lĩnh, nghị quyết của Đảng về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và với phát triển văn hóa là nhất quán. Những quan điểm đó xuất phát từ đường lối chính trị chung của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, được hình thành từ rất sớm và trải qua thực tiễn cuộc sống, từng bước được bổ sung và phát triển. Từ đấy có thể rút ra việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật phải đặt trong tổng thể các mối quan hệ giữa kinh tế, chính trị và văn hóa. Phải đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, coi sự phát triển đồng bộ giữa ba lĩnh vực này là điều kiện quyết định bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.
2. Cơ sở thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn học, nghệ thuật
Trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn học, nghệ thuật trong các nghị quyết của Đảng đã đưa vào cuộc sống, tạo nên những thành tựu có ý nghĩa, bên cạnh đó cũng không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót cần được bổ sung và khắc phục.
Trong những năm đầu thế kỷ XXI, nền kinh tế nước ta tăng trưởng mạnh, đời sống vật chất của nhân dân được nâng cao đã góp phần làm tăng thêm những nhu cầu về văn hóa, về sáng tạo cũng như thưởng thức văn học, nghệ thuật. Chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được đồng tình và hưởng ứng sâu rộng trong giới những người sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật và công chúng cảm thụ và tiếp nhận các loại hình văn học, nghệ thuật. Công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, trong đó có văn hóa các dân tộc thiểu số, các di sản văn nghệ Miền Nam giai đoạn 1954-1975 được quan tâm hơn. Giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế được chú trọng, mở rộng góp phần nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của nhân dân.
Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, các hoạt động sáng tạo có bước phát triển mới. Suy nghĩ về công việc sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Thi cho rằng tác phẩm nghệ thuật là trí tuệ, tâm hồn con người thổi vào vật chất và nhào nặn vật chất. Tác phẩm nghệ thuật là vật chất mang tâm hồn con người và là hồn người thấm nhuần, nhào nặn đất, đá, gỗ. Một bức tranh, một bản nhạc, một bài thơ, một ngôi nhà… cũng vậy. Nhà văn nhấn mạnh: “Mỗi tác phẩm nghệ thuật là cái riêng biệt nhất của một người sáng tạo, chỉ người ấy làm ra được, không một ai khác có thể làm thay hoặc bắt chước nổi. Nhưng tác phẩm nghệ thuật lớn, lại là cái chung nhất của mọi con người, bất cứ người nào cũng nhìn thấy mình trong đó… Những tác phẩm nghệ thuật chứng tỏ con người đã tạo ra được một cái gì vừa vật chất vừa tinh thần, vừa tự do vừa tất yếu, vừa hết sức riêng biệt của một cá nhân vừa là chung nhất của tất cả mọi người, vừa là dân tộc, vừa là quốc tế”1.
Trong giai đoạn cách mạng mới, bước đường công nghiệp hóa là tất yếu, phải tìm cách đi nhanh, thuận lợi và phù hợp với đất nước. Nhưng ở những chuyển động lớn và “đầy đột biến”, chúng ta cũng nên nghĩ một cách xa hơn, dài hơn tới một cách sống tránh được những gì làm hủy hoại con người và thiên nhiên như chúng ta đang nhìn thấy hàng ngày, đòi hỏi văn học, nghệ thuật phải lên tiếng, phải đóng góp tài năng, tâm huyết và công sức sao cho tăng trưởng kinh tế và văn học, nghệ thuật cùng đồng hành, tương tác một cách kịp thời, hài hòa và cân đối. Sao cho tình cảm và đời sống tinh thần của con người cùng hòa hợp với thiên nhiên, với cộng đồng xã hội, đồng thời biết nắm lấy sức mạnh của khoa học để tạo nên sự cân bằng về vật chất cũng như tinh thần.
Với những lĩnh vực cụ thể của văn học, nghệ thuật cần được soi chiếu giữa tăng trưởng kinh tế với lao động nghệ thuật và sáng tạo văn chương, nếu có sự hài hòa sẽ tạo động lực cho giới sáng tác “cất cánh”, còn nghiêng lệch, kinh tế không đáp ứng kịp thời, đúng lúc các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật sẽ không tạo ra các sản phẩm văn nghệ phù hợp với “tầm đón đợi” của công chúng. Trong công cuộc Đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả, đất nước ta chủ trương mở rộng quan hệ quốc tế, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã tiến từ quỹ đạo thời chiến sang thời bình. Từ sau 1975, trong lĩnh vực văn học đã quy tụ được nhiều thế hệ cùng cất tiếng nói. Từ lực lượng sáng tác ấy, văn học Việt Nam hiện diện với đầy đủ tính chất của một nền văn học thống nhất trong đa dạng. Các thể loại văn học: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, ký, kịch bản văn học, lý luận phê bình, dịch thuât văn học xuất hiện với số lượng lớn và có những tác giả, tác phẩm không chỉ người đọc trong nước mến mộ mà độc giả thế giới biết đến như Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư (truyện ngắn), Nguyễn Bình Phương (tiểu thuyết)… Trong đó cả khu vực sáng tác, dịch thuật, lý luận ngày càng có sự kết nối giữa văn học Việt Nam với thế giới và ngược lại thông qua giao lưu, quảng bá và hội nhập giúp thế giới hiểu thêm về văn học, nghệ thuật Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Đồng thời thông qua cầu nối dịch thuật độc giả Việt Nam làm quen với những giải Nobel văn học mang tính nhân loại và nhân văn sâu sắc.
Văn hóa, văn nghệ dân gian đã ngày càng phát huy ưu thế và lợi thế phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái. Khi đã xác định văn hóa không chỉ là nguồn lực, tài nguyên mà còn là linh hồn của du lịch. Văn hóa du lịch hình thành và phát triển rộng khắp trên các vùng miền, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, phía Nam với những homestay mở rộng cửa, bình dị và nồng hậu đón khách nội địa cũng như khách nước ngoài. Mô hình du lịch mang tính địa văn hóa, vùng miền vừa giới thiệu được bản sắc văn hóa bản địa: ẩm thực, phong tục tín ngưỡng, lễ hội, chợ phiên, vừa giúp người dân cải thiện đời sống kinh tế, vừa có sự thúc đẩy học ngoại ngữ, nâng cao trình độ tiếng Anh khi giao tiếp với người nước ngoài.
Khi kinh tế tăng trưởng cũng đã giúp cho người thưởng thức văn nghệ tích cực đến nhà hát, những tụ điểm biểu diễn ca múa nhạc, mở mang tầm hiểu biết và cảm thụ nghệ thuật đương đại. Những bộ môn nghệ thuật kén người nghe và người xem như hợp xướng, giao hưởng, nhạc kịch, múa ba lê ngày càng thu hút khán giả. Âm nhạc hàn lâm như nhạc kịch, dàn nhạc giao hưởng đã có sự tham gia của các nhạc sĩ nước ngoài chỉ huy dàn nhạc, hoặc biểu diễn cùng dàn nhạc không chỉ nâng cao trình độ thưởng thức mà còn tăng cường giao lưu âm nhạc giữa Việt Nam và thế giới.
Trong lĩnh vực điện ảnh, bên cạnh hãng phim nhà nước còn có những nhà làm phim tư nhân góp phần làm phong phú hơn sự chọn lựa và đáp ứng thị hiếu công chúng với nghệ thuật thứ bảy, có những phim thực sự lôi cuốn người xem đến rạp như Đào, phở và piano, Mai, Đất rừng phương Nam. Những bộ phim nhiều tập chiếu trong giờ vàng trên VTV1 và VTV3 ngày càng nâng cao chất lượng (không phải tất cả) đã thu hút người xem ngồi trước màn hình như Về nhà đi con, Hương vị tình thân, Độc đạo…
Nghệ thuật tạo hình với những gallery tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói, nhờ các gallery mà nhiều họa sĩ có nơi để giới thiệu và bán tác phẩm, hình thành một thị trường tranh Việt Nam ở trong nước, thu hút nhiều khách nước ngoài sưu tập. Những cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ nổi tiếng hay những gương mặt trẻ đã giúp họ tự tin trong địa hạt nghệ thuật của mình, vừa giới thiệu, bán tranh, vừa cải thiện đời sống, nâng cấp hơn trong sáng tạo. Về nghệ thuật tạo hình, đúng như người ta nói “Những bức ảnh có thể ghi lại khoảnh khắc, nhưng tranh vẽ thì khác, chúng có thể ghi lại kinh lịch của họa sĩ đồng thời vẽ lại quá khứ cho người thưởng thức, ngoài ra có một thứ ghi tạc tốt hơn. Đó là linh hồn khắc ghi sự vĩnh cửu”.
Hội Nhiếp ảnh Việt Nam từ sau mở cửa và hội nhập, đổi mới về kinh tế đã mở rộng giao lưu với nhiếp ảnh các nước trên thế giới. Về kỹ thuật, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật mới. Điều kiện để tiếp cận cuộc sống về mặt kỹ thuật đã phát triển trên nền tảng các nhu cầu hay thú vui chơi ảnh vừa bình dân vừa nghệ thuật. Các nhiếp ảnh gia Việt Nam đã nhận được nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. Trong lĩnh vực ảnh nghệ thuật, vẻ đẹp của thiên nhiên, nét văn hóa cộng đồng và chất nhân văn đã tác động vào chiều sâu nội dung của nhiều cuộc thi ảnh.
Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, kiến trúc như một thành tố của loại hình nghệ thuật. Trong thời kỳ mới, sự tăng trưởng kinh tế cũng tác động và thúc đẩy nghệ thuật kiến trúc phát triển phù hợp với yêu cầu nhà đẹp và tiện lợi với người đương đại. Kiến trúc không chỉ trùng tu và tân trang để trở thành “kiến trúc Pháp cũ” mà đã hướng tới xu hướng kiến trúc sinh thái, thân thiện với môi trường. Bằng con đường “sinh thái hóa kiến trúc” đã nhằm vào những lợi ích cơ bản của cộng đồng dân cư như bảo đảm môi trường sống tốt cùng yêu cầu cao về sinh hoạt văn hóa. Các dự án về đô thị phải hội đủ bốn mục tiêu của phát triển bền vững: điều kiện sống tốt, lành mạnh về tài chính, thương mại được quản lý tốt và có sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Bộ môn múa nếu trước đây chỉ có các nhà hát trung ương và địa phương biểu diễn thì nay ngoài các đoàn ca múa chuyên nghiệp đã hình thành và phát triển các vũ đoàn: múa phụ họa, múa theo vũ điệu quốc tế, múa được xã hội hóa, dân vũ đến gần hơn với công chúng. Trong xu thế hội nhập, các đoàn biểu diễn nghệ thuật có mặt ở các nước và múa phát huy ưu thế của mình trong những tuần lễ văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Lĩnh vực sân khấu biểu diễn cũng từng bước đổi mới. Kịch nói ở các nhà hát uy tín ở trung ương và địa phương như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Quân đội, Đoàn kịch Hải Phòng, Thái Nguyên… Các loại hình sân khấu truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, múa rối cũng có những thay đổi cho phù hợp với tâm lý và thị hiếu công chúng, nhất là với khán giả trẻ. Sân khấu và những loại hình của nó đều có những nỗ lực đổi mới trong quản lý, trong vở diễn và nghệ thuật diễn xuất với kỳ vọng nhà hát luôn sáng đèn, thu hút khản giả đến xem hằng đêm.
Trên đây là những thành tựu cho thấy việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn học, nghệ thuật trong giai đoạn cách mạng mới. Tuy nhiên không tránh khỏi những hạn chế còn tồn tại, cần khắc phục:
Quan điểm gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn học, nghệ thuật chưa thật sự được quán triệt và lan tỏa rộng khắp do chưa nhận thức một cách sâu sắc vai trò của văn học, nghệ thuật với sự phát triển kinh tế. Cũng do áp lực về tăng trưởng kinh tế, nhiều ngành, nhiều địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến phát triển văn hóa.
Việc xây dựng nếp sống văn hóa chưa có chuyển biến tích cực, nhất là trong tổ chức lễ hội, giao tiếp cộng đồng, văn hóa giao thông, văn hóa công sở, tình trạng suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống ngày càng nhiều ở thành thị cũng như nông thôn.
Văn học, nghệ thuật còn hiếm những tác phẩm đỉnh cao, có giá trị về tư tưởng nghệ thuật, hoạt động sáng tác còn theo phong trào; hoạt động trình diễn, quảng bá nghệ thuật còn thiếu chiều sâu, một màu, đơn lẻ.
Cơ chế quản lý của cấp trên về văn học, nghệ thuật chưa thật sát sao và hiệu quả. Đầu tư cho phát triển văn học, nghệ thuật chưa tương xứng với hoạt động thực tiễn của loại hình - văn học, nghệ thuật phải cần đến năng khiếu và tài năng của người nghệ sĩ và chủ thể sáng tạo.
Cần có sự quan tâm đến đội ngũ văn học, văn nghệ sĩ lão thành cũng như lớp trẻ để có sự kế thừa và tiếp nối liên tục, không bị đứt gãy, tạo khoảng trống thế hệ như trước đây.
Trên đây là những điểm hạn chế cần được quan tâm trong quá trình giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Từ cơ sở lý luận đến thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn học, nghệ thuật trong giai đoạn cách mạng mới là một quá trình lâu dài nhưng cần thiết, thiết thực để ổn định và phát triển bền vững đời sống của con người. Trong quá trình đó, những thành tựu cần được bảo lưu và phát huy, những yếu kém cần được xử lý và khắc phục, sao cho ngày càng trở nên hoàn thiện, thích ứng giữa kinh tế tăng trưởng với đời sống văn học, nghệ thuật được nâng cao, đáp ứng hài hòa đời sống vật chất và tinh thần của con người.
Chú thích:
1 Nguyễn Đình Thi toàn tập, tập 3, NXB Văn học, 2009, tr. 848.