TIẾP BIẾN VĂN HÓA KINH DOANH DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Bài viết khái quát về lịch sử tiếp biến văn hoá và văn hoá kinh doanh ở Việt Nam với ba quá trình: tiếp biến văn hóa kinh doanh mang tính công nghiệp, tiếp biến văn hóa kinh doanh lý tính của phương Tây, tiếp biến văn hóa kinh doanh thị trường tự do. Từ đó phân tích thực trạng và yêu cầu tiếp biến văn hoá kinh doanh du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

 

   Việt Nam là một quốc gia đa dạng về văn hóa do quá trình tiếp biến văn hóa khu vực và thế giới trong suốt hơn hai nghìn năm qua. Với vị trí là “ngã tư” của các cuộc giao lưu, tiếp xúc văn hóa Đông - Tây, Nam - Bắc nên văn hóa Việt Nam mang những yếu tố ngoại nhập được tiếp biến cho phù hợp với điều kiện của đất nước. Văn hóa Việt Nam được tạo sinh trên hai nguồn gốc: nội sinh và ngoại lai. Quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra trên toàn bộ đời sống, trong đó có văn hóa kinh doanh.

   Trong văn hóa kinh doanh du lịch hiện nay có nhiều quá trình tiếp biến, nhưng theo chúng tôi, có ba quá trình tiêu biểu hướng tới việc tiếp thu những giá trị văn hóa kinh doanh tiên tiến của nước ngoài, đó là: tiếp biến văn hóa kinh doanh mang tính công nghiệp, tiếp biến văn hóa kinh doanh lý tính của phương Tây và tiếp biến văn hóa kinh doanh thị trường tự do.

   1. Tiếp biến văn hóa kinh doanh mang tính công nghiệp

   Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nước mình là một nước nông nghiệp, dân tộc mình là một dân tộc nông dân”1. Chúng ta là những người nông dân với hành trang văn hóa nông nghiệp nghìn năm, của nền sản xuất tiểu nông, khi tham gia vào nền công nghiệp du lịch, nhất định chúng ta phải thay đổi, phải được trang bị văn hóa công nghiệp thì mới có thể trở thành con người của nền kinh tế công nghiệp ngày nay.

   Việt Nam là nước nông nghiệp, tư duy của người Việt Nam là tư duy nông nghiệp, tác phong làm việc là tác phong nông nghiệp, rộng ra là mang nặng căn tính văn hóa nông nghiệp nên năng suất lao động rất thấp2. Trong khi đó du lịch là một ngành công nghiệp đòi hỏi phải có văn hóa công nghiệp, đòi hỏi tư duy công nghiệp rất cao, ý thức văn hóa công nghiệp rất mạnh. Ý thức về thời gian công nghiệp, thói quen công nghiệp, tác phong công nghiệp, tính kỷ luật công nghiệp trong du lịch là rất quan trọng. Văn hóa kinh doanh du lịch là văn hóa công nghiệp, thể hiện ở tổ chức, quản lý, kinh doanh có tính quy mô, tính liên kết, tính chính xác khoa học, tính kỷ luật, chuẩn mực, tính hiệu quả, khả năng cạnh tranh, sức hấp dẫn hàng hóa… Vì vậy, văn hóa kinh doanh du lịch giúp cho người làm du lịch tiếp xúc với những yêu cầu hiện đại của ngành kinh tế đặc thù.

   Du lịch ở Việt Nam thời cổ xưa hầu như không phát triển, không phải là một ngành kinh tế, mà chỉ có những hình thức hoạt động có tính du lịch, không nhằm mục đích kinh tế3. Du lịch Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, dưới ảnh hưởng của ngành du lịch do người Pháp mang tới, phục vụ cho một bộ phận thiểu số người có thu nhập cao. Dù đã có lịch sử gần một thế kỷ nhưng du lịch Việt Nam vẫn trong tình trạng năng lực không cao, vì hoàn cảnh lịch sử của một đất nước trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt4 hay trải qua cơ chế quản lý kinh tế tập trung kế hoạch hóa. Du lịch Việt Nam hình thành và phát triển sau khi hòa bình, thống nhất đất nước và thực sự là một ngành kinh tế quan trọng chỉ từ những năm 90 của thế kỷ XX.

   Quá trình tiếp biến văn hóa kinh doanh du lịch liên quan đến sự khác biệt giữa truyền thống và hiện đại trong văn hóa kinh doanh, khi văn hóa kinh doanh truyền thống trở thành lực cản của kinh doanh, buộc phải được thay đổi cho phù hợp. Truyền thống của văn hóa kinh doanh là sức cản của các mô hình, kiểu thức, phong cách, kiến thức của văn hóa nông nghiệp; truyền thống gần là sức cản của văn hóa kinh doanh theo các mô hình, kiểu thức, phong cách, kiến thức của nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa.

   Quá trình tiếp biến chuyển sang nền kinh tế thị trường với những mô hình, kiểu thức, phong cách, kiến thức mới, hiện đại, mục tiêu lâu dài là phát triển nền kinh tế thị trường một cách đầy đủ. Những giá trị của văn hóa kinh doanh hiện đại trong hội nhập đã trở thành chuẩn mực, vẫn có những điểm mâu thuẫn với văn hóa kinh doanh truyền thống, cần phải được tiếp thu và biến đổi cho phù hợp.

   Khác biệt lớn nhất là khác biệt giữa văn hóa kinh doanh kiểu nông nghiệp và văn hóa kinh doanh kiểu công nghiệp. Những đặc tính của văn hóa công nghiệp thể hiện ở tính kế hoạch, kỷ luật, lý tính, chuyên nghiệp, ý thức thời gian. Quá trình thay đổi văn hóa kinh doanh từ truyền thống sang hiện đại thể hiện ở sự thay đổi từ chủ nghĩa duy tình sang chủ nghĩa duy lý; từ cảm thức tương đối sang cảm thức tuyệt đối; từ thói tùy tiện sang tính kỷ luật; từ lệ làng sang phép nước; từ ý thức cộng đồng, đám đông sang ý thức cá nhân; từ tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, biệt lập sang khả năng liên kết, quy mô to lớn; từ thiếu kế hoạch sang có kế hoạch; từ ý thức thời gian nông nghiệp sang ý thức thời gian công nghiệp5; từ ý thức không coi trọng kinh thương trong phân tầng nghề nghiệp xã hội (sĩ - nông - công - thương) sang đề cao kinh thương (doanh nhân)... Đồng thời với đó là quá trình tiếp thu các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhất là công nghệ thông tin, tự động hóa để hiện đại hóa kinh doanh du lịch.

   Văn hóa kinh doanh mang tính nông nghiệp vốn chậm chạp, trì trệ, biệt lập, nghiệp dư được thay đổi rõ nhất bởi văn hóa kinh doanh mang tính công nghiệp năng động, liên kết và chuyên nghiệp.

   2. Tiếp biến văn hóa kinh doanh lý tính của phương Tây

   Du lịch và văn hóa kinh doanh du lịch được tạo ra bởi người Tây phương nên vốn xa lạ với Đông phương nói chung, Việt Nam nói riêng. Sự khác biệt văn hóa kinh doanh Đông - Tây đặt ra yêu cầu tiếp biến văn hóa kinh doanh du lịch Tây phương như một tất yếu.

   Từ thế kỷ XX, trước làn sóng xâm nhập ồ ạt của phương Tây, các nhà nghiên cứu không chỉ nói nhiều về sự khác biệt văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc mà còn nhấn mạnh sự khác biệt văn hóa kinh doanh giữa phương Đông và phương Tây. Có những lo ngại cho sự “lép vế” của phương Đông với phương Tây trong phát triển kinh tế. Nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và những con rồng châu Á đặt ra câu hỏi: giới hạn sự khác biệt Đông Tây đó nằm ở đâu và có thể vượt qua không? Những bài học Duy Tân từ thời Thiên hoàng Minh Trị6 ở Nhật Bản, từ cải cách mở cửa ở Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình7 hay sự trỗi dậy mạnh mẽ của những “con rồng châu Á” là những bài học trực tiếp về sự tiếp biến văn hóa kinh doanh phương Tây. Sự khác biệt văn hóa kinh doanh Đông - Tây là rào cản nhưng có thể vượt qua và thậm chí mở ra những cơ hội khác biệt mới. Đây cũng là quá trình vận động văn hóa kinh doanh sôi động ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, tiêu biểu là tiếp biến văn hóa kinh doanh của Pháp, sau đó là của Liên Xô, Trung Quốc và Mĩ, hiện nay là sự đa phương hóa trong tiếp biến, được đặt trên mẫu số chung là văn hóa kinh doanh Tây phương.

   Chúng ta bắt đầu nói tới sự khác biệt với văn hóa kinh doanh phương Tây và những yêu cầu thay đổi cho phù hợp. Chúng ta nhấn mạnh những đặc tính tiêu cực của văn hóa kinh doanh tiểu nông phương Đông và Việt Nam mang nặng yếu tố cảm tính, duy tình đã cản trở văn hóa kinh doanh hiện nay. Một trong những biểu hiện tiêu biểu của văn hóa kinh doanh duy cảm mang tính tiểu nông là “văn hóa tuỳ” (tùy tiện, tùy thời, tùy thích, tùy ý, tùy cơ ứng biến, tùy tâm…), không có kế hoạch, cảm tính, sẽ dần được thay thế bởi một trong những biểu hiện tiêu biểu của văn hóa kinh doanh duy lý mang tính công nghiệp là “văn hóa đúng” (đúng lúc, đúng chỗ, đúng giờ, đúng quy định, đúng kế hoạch, đúng cân, đúng lạng, đúng hàng, đúng loại, đúng kiểu, đúng người, đúng việc...), cùng với đó là tính quy mô và sự liên kết được đề cao.

   Rộng ra, người ta cũng nói tới yêu cầu chuyển đổi có tính mô hình, tính hệ thống từ chủ nghĩa chủ toàn, duy tình, nhất thể, đám đông, tập thể, bầy đàn, a dua... sang chủ nghĩa chủ biệt, duy lý, cá nhân, cá biệt, tự chịu trách nhiệm... Chuyển đổi văn hóa quản trị xã hội và quản trị kinh doanh từ nhân trị, đức trị sang pháp trị, kỹ trị, dân trị.

   Rất nhiều thay đổi trong tiếp biến văn hóa kinh doanh phương Tây nhưng sự chuyển biến từ chủ nghĩa duy tình của văn hóa nông nghiệp sang chủ nghĩa duy lý phương Tây của văn hóa công nghiệp được xem là yếu tố quan trọng đã làm thay đổi căn bản phẩm chất của văn hóa kinh doanh, trong đó có văn hóa kinh doanh du lịch trong thời kỳ hội nhập ngày nay.

   3. Tiếp biến văn hóa kinh doanh của thị trường tự do

   Văn hóa nói chung mang tính đặc thù của các quốc gia và vùng lãnh thổ bởi tính đặc thù về truyền thống văn hóa, chế độ chính trị, mô hình xã hội, điều kiện tự nhiên và văn hóa... Những phương thức quản lý xã hội chủ nghĩa, làm chủ tập thể, công hữu… là đặc thù của Việt Nam, khiến cho quá trình hội nhập kinh tế thị trường vừa có những thuận lợi vừa có những khó khăn nhất định. Hiện nay, việc cải cách thể chế, cải cách xã hội đòi hỏi vừa phải bảo toàn tính đặc thù vừa phải thực hiện tính phổ quát của mô hình văn hóa kinh doanh trong quá trình hội nhập và phát triển. Tính đặc thù tiêu biểu nhất của văn hóa kinh doanh ở Việt Nam là kinh tế kế hoạch hoá, tập trung, phi thị trường.

   Văn hóa kinh doanh cũng mang tính đặc thù. Văn hóa kinh doanh mỗi quốc gia có đặc điểm riêng, bị quy định bởi những điều kiện tự nhiên và xã hội riêng, bởi tính chất và trình độ của chế độ xã hội hiện hành, bởi trình độ dân trí, trình độ sản xuất, đặc điểm tài nguyên, sản phẩm khác nhau, bởi văn hóa truyền thống riêng từng dân tộc, hàng hóa đặc thù từng vùng miền.

   Văn hóa kinh doanh du lịch yêu cầu những nét riêng, do mô hình kinh doanh, cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, những quy định của luật pháp, chính sách, giá cả, thị trường riêng, khả năng phục vụ và đặc điểm của sản phẩm, dịch vụ du lịch của riêng Việt Nam. Chúng ta có thể thấy đang tồn tại những nét đặc thù của văn hóa kinh doanh Việt Nam, đó là tính đặc thù về triết lý kinh doanh; tính đặc thù về nguyên tắc, phương pháp kinh doanh; tính đặc thù về quy mô, trình độ kinh doanh; tính đặc thù về đạo đức kinh doanh. Trong thời đại toàn cầu hóa, các nền kinh tế có tính đặc thù, có văn hóa kinh doanh đặc thù nhưng không thể để tính đặc thù cản trở tính phổ quát của văn hóa kinh doanh, khi tất cả các nền kinh tế đang cùng chơi những “luật chơi chung” trên cùng “sân chơi chung” của nền kinh tế thế giới. Kinh tế phi thị trường, tập trung, kế hoạch hóa là tính đặc thù rõ nhất của văn hóa kinh doanh ở Việt Nam trước thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

   Văn hóa kinh doanh du lịch đòi hỏi đáp ứng tính phổ quát cao, có tính toàn cầu, vì du lịch là một lĩnh vực kinh doanh mang tính quốc tế, một bộ phận khách hàng quan trọng là khách quốc tế. Đó là sự phổ quát của văn hóa kinh doanh du lịch, từ cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý doanh nghiệp, những quy định của luật pháp quốc tế, chính sách giá cả, thị trường, khả năng phục vụ và đặc điểm của sản phẩm, dịch vụ du lịch trong những chuỗi cung ứng khu vực hay quốc tế có quy định thống nhất cao.

   Giá trị của văn hóa là sự đặc thù nhưng văn hóa không phải là những “ốc đảo” mà còn là sự tiếp xúc, giao lưu giữa các cộng đồng. Vì thế, văn hóa còn mang tính phổ quát về những giá trị tinh hoa của nhân loại. Tính phổ quát của văn hóa có thể hạn chế trong những không gian và thời gian nhất định nhưng xét về nguyên tắc, nó tồn tại khách quan trong đời sống nhân loại. Trong “thế giới phẳng” hiện nay, tính phổ quát dường như phá vỡ mọi rào cản về không gian và thời gian, đưa nhân loại xích lại gần nhau hơn8. Trên hai trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang theo xu thế của sự tiến lại gần nhau hơn, các giá trị có tính phổ quát toàn cầu ngày càng rõ rệt hơn, các thang đo giá trị có tính nhân loại ngày càng được các quốc gia chấp nhận một cách tự nhiên, trong đó có văn hóa kinh doanh. Nó được chế định bởi các nguyên tắc ứng xử, các chuẩn mực quốc tế khi hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đang cùng tiến vào một “sân chơi chung” với những luật lệ và nguyên tắc chung, các quy định chung của các công ước quốc tế, các luật lệ quốc tế, các hiệp định có tính quốc tế như WTO, CPTPP, AEC9...

   Nếu như toàn cầu hóa là một tất yếu thì tính phổ quát của văn hóa kinh doanh cũng có tính tất yếu. Điều đó mở ra những thời cơ, thuận lợi mới trong quá trình kinh doanh du lịch. Đồng thời cũng cho thấy những thách thức, khó khăn mới để theo kịp thế giới, như chế độ làm việc, giờ làm, chế độ đãi ngộ, quyền của người lao động, sự cạnh tranh nhân lực, lao động tự do trong nội khối ASEAN, sự cạnh tranh hàng hóa tự do trong CPTPP hay AEC… Nhiều chuẩn mực quản lý, kinh doanh du lịch có tính phổ quát khiến chúng ta phải thay đổi quan điểm, chính sách cho phù hợp với thông lệ quốc tế10. Xét cho cùng, những giá trị phổ quát chính là cái sẽ tạo nên thành công cho tất cả các quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay11.

   Văn hóa kinh doanh trong thời đại hiện nay mang tính phổ quát do quá trình toàn cầu hóa, hội nhập thế giới quy định. Văn hóa kinh doanh không còn như trong thời đại khép kín, chiến tranh lạnh, sự đối nghịch hai hệ thống thế giới về ý thức hệ như trước đây mà là thời đại mở cửa, hội nhập nên văn hóa kinh doanh cũng mang những giá trị chung. Kể từ sau khi đất nước đổi mới và sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tham gia hiệp định CPTPP, AEC thì tính phổ quát toàn cầu càng chi phối mạnh mẽ toàn bộ nền kinh doanh. Điều đó bắt buộc kéo theo sự thay đổi của văn hóa kinh doanh sao cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Toàn bộ quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên, sản xuất hàng hóa, chất lượng sản phẩm, lưu thông phân phối, giá thành, giá cả, lợi nhuận, lợi ích xã hội, chế độ chính sách đối với người lao động, đối với người tiêu dùng… đều phải thay đổi cho phù hợp với các chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế, hướng tới việc đem lại hạnh phúc cho con người. Trong thời đại ngày nay, những giá trị phổ quát toàn cầu là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên sự thành công của phát triển kinh tế của các quốc gia.

   Tính phổ quát của văn hóa kinh doanh thể hiện ở tính phổ quát về triết lý kinh doanh, về nguyên tắc, phương thức kinh doanh, về quy mô, trình độ kinh doanh, về đạo đức kinh doanh hay về sự kết nối kinh doanh toàn cầu. Rất nhiều triết lý kinh doanh mới, có sức thuyết phục cao đã được tiếp thu vào Việt Nam. Rất nhiều phương pháp kinh doanh mới tiên tiến đã được áp dụng đối với những lĩnh vực kinh doanh mới. Quy mô và trình độ kinh doanh của Việt Nam cũng từng bước được cải thiện và nâng cao trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế để có thể sản xuất được các hàng hóa xuất khẩu ra thị trường thế giới. Đạo đức kinh doanh được chú ý hơn, nhất là vấn đề trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường trong kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có du lịch.

   Kinh tế thị trường, thị trường tự do tạo nên văn hóa kinh doanh mang tính phổ quát của thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa. Quá trình tiếp biến văn hóa kinh doanh theo hướng phổ quát hóa của nền kinh tế thị trường, của thị trường tự do đã làm thay đổi căn bản những giá trị đã được định hình của nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa, phi thị trường. Chúng ta có thể nhìn thấy sự thay đổi mạnh mẽ qua những biểu hiện quan trọng trong kinh doanh, đó là những thay đổi trong nhận thức và hành động về xác định giá thành, giá cả, giá trị, lợi nhuận và tinh thần kinh doanh phục vụ của kinh tế thị trường.

   Thị trường tự do không có mục đích tạo ra một cơ cấu xã hội đặc thù nào đó hoặc một cách phân phối thu nhập nào đó. Nó chỉ thiết lập một khuôn khổ cho hòa bình, ổn định và bình đẳng trước pháp luật và trong khuôn khổ như thế, con người có thể tự do hợp tác với nhau theo cách mà họ cho là thích hợp. Trong thị trường tự do, sự chiến thắng không chỉ thuộc về người bán mà còn thuộc về người mua. Người kinh doanh không chỉ có niềm vui bởi kiếm tiền mà còn bởi động lực cống hiến, sáng tạo. Lợi nhuận không phải chỉ là cái mà doanh nghiệp thỏa mãn mà còn là sự thỏa mãn của khách hàng. Đây chính là những nội dung quan trọng của văn hóa kinh doanh trong kinh tế thị trường và thị trường tự do mà người kinh doanh du lịch cần tiếp thu để chuyển hóa thành nhận thức và hành động của mình.

   Kinh doanh phục vụ vừa là quan điểm, là phương thức, lại vừa là phẩm chất quan trọng bậc nhất của văn hóa kinh doanh trong kinh tế thị trường tự do. Đây là phương thức kinh doanh yêu cầu tất cả mọi hoạt động kinh doanh đều phải được đặt trong mối quan hệ với khách hàng, chịu sự chi phối của khách hàng, tất cả những gì làm ra là để phục vụ khách hàng.

   Quan điểm của Peter F. Drucker, Jim Collins, Ludwig Von Misses, Eamonn Butler, Philip Kotler... và nhiều nhà quản trị kinh doanh đã xác định bản chất của kinh doanh phục vụ được thể hiện bằng mô hình “tháp kinh doanh nghịch” – tháp kinh doanh của nền kinh tế thị trường để phân biệt với “tháp kinh doanh thuận” – tháp kinh doanh của nền kinh tế tập trung, kế hoạch hoá, phi thị trường mang tính chỉ huy, mệnh lệnh.

   Trong các nền kinh tế tập trung, kế hoạch hoá là sự độc hành của tháp kinh doanh thuận. Trong các nền kinh tế đang phát triển hay mới nổi như Việt Nam, thực hiện “mô hình pha trộn” nhưng ngả theo xu hướng của tháp kinh doanh nghịch. Còn trong nền kinh tế thị trường là sự độc hành của tháp kinh doanh nghịch. Chỉ có kinh doanh phục vụ thực sự, doanh nghiệp mới tạo ra được khách hàng và cao hơn, mới tạo ra người hâm mộ.

   Những yêu cầu tiếp biến văn hóa kinh doanh làm thay đổi nhận thức và hành động của người kinh doanh từ ban phát, phân phối sang phục vụ đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc của văn hóa kinh doanh trong hội nhập hiện nay. Khách hàng không còn ở “dưới đáy” mà ở “trên đỉnh” của tháp, trở thành “ông chủ” thật sự của quá trình kinh doanh, và ngược lại, chủ doanh nghiệp giữ sứ mệnh phục vụ. Khách hàng không còn là người nhận phân phối, ban phát mà là người được phục vụ. Tinh thần phục vụ cũng được thay đổi thường xuyên, khách hàng không chỉ là “thượng đế” mà tiến tới khách hàng là “người nhà/ người thân”. Tinh thần phục vụ không chỉ bằng ý thức, ý chí mà phải trở thành cảm xúc, cảm hứng trong kinh doanh.

   4. Kết luận

   Quá trình tiếp biến văn hóa kinh doanh ở Việt Nam là quá trình thay đổi sâu rộng, có lịch sử lâu dài trong nền văn hóa Việt Nam, với gần hai ngàn năm đưa Việt Nam vào quỹ đạo văn hóa kinh doanh “Hán văn hóa”, gần một trăm năm vào quỹ đạo văn hóa kinh doanh “Pháp văn hóa” và gần nửa thế kỷ qua vào “thế giới phẳng” mang tính phổ quát khu vực hay toàn cầu về văn hóa kinh doanh của nền kinh tế thị trường. Quá trình tiếp biến đó đã làm thay đổi căn bản cả quá trình kinh doanh, từ khai thác, sử dụng tài nguyên, sản xuất hàng hóa, lưu thông phân phối, tới giá thành, giá cả, lợi nhuận và lợi ích xã hội. Mục đích là hướng tới nền kinh doanh có văn hóa, bền vững và nhân bản, phụng sự con người, đem lại hạnh phúc cho con người.

   Văn hóa kinh doanh du lịch trong thời kỳ hội nhập quốc tế là kết quả của quá trình tiếp biến sâu rộng văn hóa kinh doanh của nền kinh tế thị trường. Nó được thể hiện rõ nhất trong ba quá trình tiếp biến cốt lõi, là tiếp biến yếu tố công nghiệp, tiếp biến yếu tố lý tính và tiếp biến các giá trị văn hóa kinh doanh của thị trường tự do. Đó là những quan điểm, phương thức, phẩm chất kinh doanh có tính phổ quát của kinh tế thị trường được tiếp thu, vận dụng trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể là du lịch.

 

 

 

Chú thích:
1 Trần Quốc Vượng (tái bản, 2013), Trong cõi. Nỗi ám ảnh của quá khứ, NXB Hội Nhà văn.
2 Theo thông báo của các cơ quan chuyên môn, năng suất lao động của người Việt Nam hiện nay ước đạt bằng 1/15 của Singapore, 1/30 của Nhật Bản.
3 Nguyễn Phạm Hùng: “Du lịch và chế độ quân chủ ở Việt Nam” (Tourism and Monarchy in Viet Nam), Journal of Social Sciences and Humanities, Vol. 1, No. 3, 2015.
4 Chiến tranh Việt - Pháp năm 1945-1954, chiến tranh Việt - Mĩ năm 1954-1975, chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978, chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979-1989…
5 Đơn vị tính thời gian trong văn hóa nông nghiệp thường được tính bằng tháng, bằng quý nên nhịp độ lao động thường chậm chạp, đủng đỉnh, trì trệ; còn đơn vị tính thời gian trong văn hóa công nghiệp thường được tính bằng giờ, thậm chí nhỏ hơn nhiều trong những lĩnh vực cơ khí hóa, tự động hóa nên nhịp độ lao động thường nhanh chóng, gấp gáp.
6 Thiên hoàng Minh Trị (1852-1912) là vị Thiên hoàng thứ 122 của Nhật Bản. Ông được coi là một vị vua có công lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản, đã canh tân đất nước theo hướng tư bản Tây phương, thực hiện chủ trương “học tập phương Tây, đuổi kịp phương Tây, vượt phương Tây” và đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại, thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của các nước đế quốc phương Tây giữa lúc chủ nghĩa thực dân đang phát triển mạnh. Ông đã thực hiện cuộc cải cách Minh Trị theo xu hướng tư bản chủ nghĩa, ban hành bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản (1889), tạo điều kiện cho nước Nhật nhanh chóng trở thành một cường quốc trên thế giới, https://vi.wikipedia.org.
7 Đặng Tiểu Bình (1904-1997) là nhà lãnh đạo Trung Quốc, sau khi Mao Trạch Đông mất năm 1976, ông lên nắm quyền lãnh đạo, thực hiện hàng loạt cải cách kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa học tập phương Tây, có ảnh hưởng sâu rộng, người Trung Quốc gọi ông là “kiến trúc sư của Trung Quốc hiện đại”, https://vi.wikipedia.org.
8 Thomas L. Friedman (2005), Thế giới phẳng, NXB Trẻ.
9 Một trong những yêu cầu trong hiệp định WTO, CPTPP là công đoàn cần có tính độc lập. Các hội nghề nghiệp vốn đặt dưới sự chỉ đạo và quản lý của nhà nước, hiện nay WTO cũng đòi hỏi mang tính độc lập.
10 Từ năm 2016, sau khi tham gia Hiệp định TPP (CPTPP), Việt Nam sẽ phải sửa đổi 34 luật và văn bản pháp luật cho phù hợp với thông lệ quốc tế, nhiều nhất trong các nước tham gia TPP.
11 Phát biểu của Tổng thống Mĩ Barack Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, ngày 24/5/2016: “Nhưng là một người bạn của Việt Nam, xin cho phép tôi chia sẻ quan điểm của mình: tại sao tôi tin rằng các quốc gia sẽ thành công hơn khi những giá trị phổ quát được duy trì” (But as a friend of Vietnam, allow me to share my view why I believe nations are more successful when universal rights are upheld), https://www.whitehouse.gov/ the-press-office/2016/05/24/remarks-presidentobama-address-people-vietnam

 

Bình luận

    Chưa có bình luận