Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thông tin và du lịch. Là một trong những trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa ở khu vực phía Nam, mỗi năm trường cung cấp một lực lượng lao động không nhỏ cho cả nước nói chung và khu vực Nam Bộ nói riêng. Với việc đào tạo chuyên ngành Công nghiệp văn hoá từ năm 2018 đến nay, Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước khẳng định chất lượng đào tạo, góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá (CNVH), công nghiệp sáng tạo. Kết quả bước đầu cho thấy đào tạo chuyên ngành này đã mang đến những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực còn mới mẻ này ở Việt Nam cũng đặt ra không ít khó khăn và thách thức trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.
1. Vài nét về CNVH và nguồn nhân lực CNVH ở Việt Nam hiện nay
1.1. Công nghiệp văn hoá
“Công nghiệp văn hóa” (cultural industries) là khái niệm xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1944, được đề xuất bởi hai nhà nghiên cứu người Đức là Theodor Adorno (1902-1969) và Max Horkheimer (1895-1973). Qua thời gian, khái niệm này ngày càng được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Ở Việt Nam, từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2023 (Theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2016), các ngành CNVH được chính thức xác nhận trên bản đồ kinh tế Việt Nam. “Công nghiệp văn hoá” trở thành thuật ngữ ngày càng phổ biến trong nghiên cứu và thực hành văn hoá ở nước ta.
CNVH là ngành sáng tạo, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa với đầy đủ các yếu tố về sản xuất, kinh doanh, tiếp thị, truyền thông và công nghệ. Phát triển CNVH không chỉ đáp ứng về mục tiêu kinh tế, tăng GDP cho các quốc gia mà còn đáp ứng các mục tiêu về tính sáng tạo và đa dạng văn hóa. Theo UNESCO, “CNVH là các ngành sản xuất ra những sản phẩm vật thể và phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải và thu nhập thông qua việc khai thác những giá trị văn hóa và sản xuất những sản phẩm và dịch vụ dựa vào tri thức (kể cả những giá trị văn hóa hiện đại và truyền thống). Điểm chung nhất của các ngành CNVH là nó sử dụng tính sáng tạo, tri thức văn hóa và bản quyền trí tuệ để sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ, cũng như nó mang giá trị văn hóa”.
CNVH ra đời trong bối cảnh nhu cầu về lực lượng lao động trong các ngành văn hóa ngày được mở rộng, tạo thành một lực lượng lao động riêng, gắn kết giữa tính sáng tạo, văn hóa và các phương thức kinh doanh nhằm hướng đến sự thỏa mãn nhu cầu văn hóa đa dạng của khách hàng. Chịu sự chi phối của các quy luật và nguyên tắc của kinh tế thị trường, CNVH với cơ chế sản xuất công nghiệp và những chuẩn mực nhất định đã hình thành nên tính chuyên nghiệp trong các hoạt động văn hóa, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Sự ra đời của các ngành “công nghiệp” có sự kết hợp giữa văn hóa, kinh tế và công nghệ đã mang đến những thay đổi tích cực trong quan niệm xã hội về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong thời đại của kỷ nguyên số ngày nay, phát triển các ngành CNVH được xem là bước đột phá, tạo sự gắn kết giữa kinh tế, văn hoá và con người nhằm thích ứng với bối cảnh xã hội mới, hướng đến “phát triển kinh tế theo chiều sâu”1.
Có thể hình dung đặc thù của các ngành CNVH qua sơ đồ sau:

Như vậy, CNVH góp phần tạo nên cán cân cân bằng giữa kinh tế - văn hoá và con người, thúc đẩy phát triển bền vững ở các quốc gia, khu vực.
Đối với Việt Nam, Chiến lược phát triển các ngành CNVH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định 12 ngành CNVH tiêu biểu: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mĩ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mĩ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Chiến lược cũng nêu rõ mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: “Phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội”. Về cơ bản, có thể thấy phát triển CNVH ở Việt Nam đã và đang tiệm cận với sự phát triển CNVH của các nước trên thế giới, trở thành “sức mạnh mềm” nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội ở nước ta hiện nay.
1.2. Vai trò của nguồn nhân lực trong phát triển CNVH ở Việt Nam
“Để CNVH không ngừng phát triển, có nhiều đóng góp tích cực vào sự lớn mạnh của nền kinh tế quốc gia, việc quan tâm, chú trọng nguồn lực phát triển nhân lực sáng tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của các ngành công nghiệp văn hoá”2. Theo nghiên cứu của PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương và các cộng sự, nguồn nhân lực CNVH bao gồm nguồn nhân lực quản lý, nguồn nhân lực sản xuất kinh doanh và nguồn nhân lực sáng tạo. Nguồn nhân lực quản lý bao gồm đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức ngành văn hoá và các ngành có liên quan… có vai trò tham mưu, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tư vấn cho Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền địa phương trong hoạch định, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy CNVH phát triển; nguồn nhân lực sản xuất kinh doanh bao gồm tầng lớp doanh nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty… có vai trò khai thác, đầu tư, kinh doanh, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ các ngành CNVH; nguồn nhân lực sáng tạo bao gồm toàn thể nhân dân lao động, có nhiều đóng góp về ý tưởng sáng tạo, có tinh thần đổi mới, có khát vọng, có tài năng, năng khiếu về nghệ thuật3… Nguồn nhân lực được xem là nguồn tài nguyên nhân văn, đóng vai trò là yếu tố tiên quyết, giữ vị trí trung tâm, then chốt cho sự phát triển của CNVH và tạo nên sức mạnh của các ngành CNVH bởi “các ngành CNVH là sản phẩm của nền kinh tế tri thức, xoay quanh các trụ cột: sự sáng tạo của các cá nhân và sở hữu trí tuệ; thị trường; công nghệ”4.
Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong phát triển CNVH, Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, góp phần vào việc chuyển hoá nguyên liệu đầu vào của các ngành CNVH là ý tưởng, sự sáng tạo thành các giá trị thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước hiện nay.
2. Đào tạo nhân lực CNVH tại Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh
Năm 2018, chương trình đào tạo cử nhân ngành Văn hóa học theo định hướng ứng dụng của Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng dựa trên cơ sở mục tiêu, tầm nhìn, sứ mạng của nhà trường, phù hợp với Luật Giáo dục đại học và Khung trình độ Quốc gia Việt Nam. Chương trình đào tạo gồm ba chuyên ngành: Văn hoá Việt Nam, Truyền thông văn hoá và Công nghiệp văn hoá. Lần đầu tiên, chuyên ngành Công nghiệp văn hoá thuộc ngành Văn hoá học được đưa vào chương trình giảng dạy của một trường đại học ở Việt Nam. Đây có thể xem là một bước đi mang tính đột phá, góp phần đi tìm lời giải cho bài toán nguồn nhân lực CNVH ở Việt Nam hiện nay. Qua 7 năm đào tạo với 3 khoá sinh viên CNVH đã tốt nghiệp, đánh giá bước đầu cho thấy việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá đã mang lại những hiệu ứng tích cực từ phía người học (sản phẩm đào tạo) và nhà tuyển dụng, bước đầu đáp yêu cầu của thị trường lao động công nghiệp sáng tạo, CNVH trong điều kiện thực tiễn hiện nay.
Về mặt thuận lợi, trước hết là sự định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển CNVH, sự quan tâm của xã hội dành cho lĩnh vực dù còn mới mẻ nhưng hứa hẹn nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế - văn hoá - con người. Tại Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, tiềm năng này được cụ thể hoá thông qua hoạt động đào tạo sinh viên chuyên ngành CNVH.
Một cái nhìn tổng quan, về số lượng, từ năm 2018 đến năm 2024, Khoa Văn hoá học đã đào tạo được 7 khoá chuyên ngành CNVH với tổng số 397 người học, trong đó có 3 khoá sinh viên đã tốt nghiệp.

Biểu đồ 1: Số lượng sinh viên CNVH được đào tạo tại Khoa Văn hoá học.
Nhìn vào biểu đồ có thể thấy số lượng thí sinh nhập học chuyên ngành CNVH có xu hướng tăng lên qua các năm, điểm chuẩn vào chuyên ngành này cũng tăng lên, từ 16 điểm năm 2018 đến 24 điểm năm 2023 và 26,5 điểm năm 2024, cho thấy sức hút bước đầu của chuyên ngành này, góp phần đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp sáng tạo cho thị trường lao động trong lĩnh vực văn hoá nói chung và CNVH nói riêng. Chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành CNVH hướng đến mục tiêu đào tạo sinh viên có kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm phù hợp với lĩnh vực CNVH, giúp người học tiếp cận với những vấn đề mang tính nền tảng, cốt lõi trong quy trình sáng tạo, sản xuất, phân phối và tiêu dùng sản phẩm CNVH, từ đó biết cách vận dụng tư duy sáng tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công việc một cách nhanh nhạy trong thời kỳ mới. Người học tốt nghiệp chuyên ngành CNVH chủ yếu làm việc ở các công ty, doanh nghiệp, cơ quan, ban ngành hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, công nghiệp văn hoá như: quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, tổ chức sự kiện, du lịch văn hoá, xuất bản, báo chí truyền thông… Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp được nhà tuyển dụng đánh giá tốt về năng lực thực tiễn, phù hợp với lĩnh vực công nghiệp văn hoá, thời gian tiếp cận với công việc sau tốt nghiệp ngắn, bước đầu có thể xem là hướng đi phù hợp trong việc đào tạo nguồn nhân lực CNVH của Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh.
Thực hiện khảo sát nhanh 2 khoá sinh viên chuyên ngành CNVH đã tốt nghiệp (khoá 2018-2022 và khoá 2019-2023), con số mà chúng tôi nhận được là: 81% ý kiến hài lòng với công việc hiện tại (bao gồm rất hài lòng, hài lòng và tương đối hài lòng). Đây là một kết quả đáng khích lệ cho nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNVH của Khoa Văn hoá học - Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua.

Biểu đồ 2: Mức độ hài lòng với công việc hiện tại của sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành CNVH.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và những kết quả bước đầu đã đạt được, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực CNVH tại Khoa Văn hoá học - Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt ra nhiều thách thức:
Thứ nhất là về mặt lý luận, quan điểm về việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực CNVH hiện vẫn còn không ít ý kiến khác nhau, thậm chí mang tính trái chiều: “Ngành đào tạo CNVH? Hay các ngành đào tạo CNVH? Hay các nhóm ngành đào tạo của CNVH? Các ngành của CNVH có 12 lĩnh vực, phải chăng là 12 ngành/ lĩnh vực đào tạo? Hay tổ hợp theo một số nhóm ngành đào tạo của CNVH?”5. Ý kiến này không phải là không có cơ sở trong bối cảnh những vấn đề lý luận về công nghiệp văn hoá cũng như đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp văn hoá đâu đó vẫn còn những “vướng mắc” (ngành hay các ngành CNVH?). Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, dù có các ngành CNVH khác nhau nhưng các ngành này đều có chung một chu trình: sáng tạo, sản xuất, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ văn hoá, vì vậy, cơ sở cho việc đào tạo nguồn nhân lực CNVH có thể dựa trên những điểm chung mang tính cốt lõi đó. Thực tế cho thấy hiện nay đã có không ít cơ sở đào tạo, như: Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh… đào tạo từng lĩnh vực của CNVH như điện ảnh, sân khấu (nghệ thuật biểu diễn), du lịch, xuất bản, truyền thông… Không thể phủ nhận đào tạo theo hướng này có những thế mạnh riêng, chuyên sâu và bài bản nhưng xét về một khía cạnh nào đó, vẫn khó có thể xây dựng một nền CNVH đòi hỏi tính liên ngành cao. Có lẽ đây cũng là lý do Trường Đại học Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã bắt đầu đào tạo thí điểm thạc sĩ chuyên ngành Công nhiệp văn hoá và sáng tạo. Hướng đi này cũng phù hợp với hướng đào tạo nguồn nhân lực CNVH của Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này dẫn đến tính hai mặt trong việc đào tạo cử nhân Công nghiệp văn hoá tại Khoa Văn hoá học hiện nay. Một mặt, xây dựng cho người học tư duy sáng tạo, liên ngành về CNVH; mặt khác, chương trình đào tạo mở ra theo diện rộng, chưa xác định cụ thể lĩnh vực đặc thù trong các ngành công nghiệp văn hoá dựa trên thế mạnh của khoa và trường cũng như nhu cầu thực tiễn xã hội, dẫn đến sinh viên khi ra trường vẫn ít nhiều gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các công việc cụ thể trong từng lĩnh vực thuộc CNVH, công nghiệp sáng tạo.
Thứ hai là về hành lang pháp lý trong đào tạo nhân lực CNVH. Hiện chưa có mã CNVH trong danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học Việt Nam. Trong chương trình đào tạo hiện hành tại Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, CNVH là một chuyên ngành thuộc ngành Văn hoá học. Sinh viên tốt nghiệp nhận văn bằng cử nhân Văn hoá học. Để tiến tới đào tạo ngành CNVH, chúng tôi vẫn đã và đang tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục để có được định hướng cũng như những bước đi phù hợp trong đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam này.
Thứ ba là chất lượng đội ngũ giảng viên. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết trong việc đào tạo nguồn nhân lực nói chung và CNVH nói riêng. Như đã nói, Khoa Văn hoá học - Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục đầu tiên đào tạo cử nhân chuyên ngành này. Vì vậy, đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy về công nghiệp văn hoá còn thiếu về số lượng, ít nhiều hạn chế về chất lượng cũng như kinh nghiệm thực tiễn. Nguồn nhân lực giảng viên hiện tại được tuyển dụng từ nhiều ngành khác nhau, chưa được đào tạo một cách chuyên sâu và bài bản.
Thứ tư là cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, thực hành của sinh viên chuyên ngành CNVH vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Mặc dù trong quá trình đào tạo, Khoa Văn hoá học đã liên kết, kết nối với nhiều đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để đưa sinh viên đi thực tế, thực tập ở các đơn vị, công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNVH, bước đầu tạo dựng được một hệ sinh thái giáo dục đào tạo nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực hành, ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn của sinh viên CNVH – lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên nghiệp về cơ sở hạ tầng, vật chất và công nghệ hiện đại.
Thứ năm, hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo chuyên sâu về CNVH còn thiếu, chưa đáp ứng cơ bản nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu học tập của người học.
Như vậy, trong bức tranh với những điểm sáng cần được ghi nhận thì đào tạo nguồn nhân lực CNVH tại Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều điều ngổn ngang từ chính những người trong cuộc, cả người tham gia giảng dạy và sản phẩm được đào tạo.
3. Đề xuất một số giải pháp phát triển CNVH từ góc độ đào tạo nguồn nhân lực tại Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh
Từ những khó khăn, thách thức như trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm phát triển CNVH từ góc độ là một cơ sở đào tạo:
Thứ nhất, cần đánh giá đúng và khách quan về thực trạng nguồn nhân lực CNVH hiện nay, đặc biệt là nắm bắt, thống kê được những số liệu thực tiễn từ các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực CNVH trong tương quan với nhu cầu về nguồn nhân lực, từ đó có những dự báo về xu hướng phát triển cũng như những điểm nghẽn cần tháo gỡ trong đào tạo nguồn nhân lực.
Thứ hai, có cơ chế đặc thù cho công tác đào tạo nhân lực công nghiệp văn hoá; có chính sách phù hợp nhằm đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng đội ngũ giảng viên; thay đổi tư duy, cơ chế, cách thức quản lý. Theo chúng tôi, đào tạo chuyên ngành CNVH cần một tư duy quản lý cởi mở, năng động, linh hoạt nhằm thích ứng với thị trường lao động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ ba, có kế hoạch, lộ trình xây dựng hệ sinh thái CNVH, tạo môi trường học tập, nghiên cứu cho người học; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên gắn với việc giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực CNVH. Đây sẽ là một trong những nền tảng quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhằm hướng đến “mục tiêu và nội dung xây dựng theo hướng phát triển kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng các công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đa dạng của con người”6.
Thứ tư, đề xuất mở ngành CNVH và sáng tạo trong danh mục đào tạo giáo dục đại học hiện nay để mở rộng cửa cho người học đến với lĩnh vực này, đóng góp vào sự phát triển của các ngành CNVH.
Thứ năm, cải tiến chương trình đào tạo theo hướng tăng cường giờ ngoại khóa, thực tế, thực tập trong chương trình đào tạo. Thông qua việc học tập ngoại khóa, thực tế môn học, người học có được những trải nghiệm thực tiễn, rèn luyện các kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thuyết phục, thuyết trình; kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm; kỹ năng xây dựng kế hoạch sản xuất và tổ chức các hoạt động, tham gia các chương trình, dự án công nghiệp văn hoá để tích lũy kinh nghiệm ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Tạo điều kiện cho các chuyên gia, các nhà nghiên cứu có uy tín, các doanh nhân thành đạt tham gia quá trình đào tạo, phát triển chương trình, phát triển năng lực thực tiễn cho giảng viên và sinh viên nhằm định hướng nghề nghiệp, giúp người học có cơ hội nghề nghiệp rộng mở sau khi ra trường; phát huy tính năng động, tích cực, sáng tạo của cả giảng viên và sinh viên trong giảng dạy, học tập cũng như trong việc thiết lập và duy trì mối quan hệ với địa phương, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNVH.
4. Thay lời kết
Trong bối cảnh các ngành CNVH đã và đang được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế tầm nhìn và kế hoạch đào tạo khoa học, cụ thể, gắn với chiến lược và văn hoá, vai trò của các cơ sở giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực này là vô cùng quan trọng. Với chiến lược, phát triển văn hóa và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã bước đầu có những đóng góp trong việc cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNVH, góp phần vào xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức hiện nay. Tuy nhiên, công tác đào tạo nguôn nhân lực trong lĩnh vực này vẫn cần những nghiên cứu sâu hơn từ cả lý luận và thực tiễn để hướng đến một nền CNVH vừa mang bản sắc văn hoá, con người Việt Nam vừa hội nhập với thế giới trong bối cảnh hiện nay.
Chú thích:
1, 2, 3 Nguyễn Thị Thu Phương (Chủ biên, 2022), Định vị các ngành công nghiệp văn hoá trong phát triển bền vững ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 14.
4 Lương Hồng Quang (2018), Các ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam: Môi trường thể chế thị trường và sự tham gia, NXB Thế giới, tr. 7.
5 Trường Đại học Sài Gòn (2024), Kỷ yếu Hội thảo “Nguồn lực phát triển công nghiệp văn hoá tại Thành phố Hồ Chí Minh”, tr. 74.
6 Nghị định số 73/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.