Truyền thống bao gồm các giá trị, phong tục, tập quán được lưu truyền qua nhiều thế hệ, phản ánh đời sống, tín ngưỡng và tư tưởng của tổ tiên, duy trì thông qua giáo dục và thực hành hằng ngày. Văn hóa, một tập hợp tổng thể của các giá trị tinh thần và vật chất, trong đó có ngôn ngữ, nghệ thuật, nghi lễ..., không chỉ là tập hợp các truyền thống mà còn là cách mà con người tương tác với thế giới xung quanh. Trang phục giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa của một dân tộc, giúp con người kết nối với nguồn gốc văn hóa và thể hiện tính sáng tạo qua từng thời kỳ.
Trong lịch sử mĩ thuật Việt Nam, mĩ thuật triều Nguyễn là biểu tượng của sự tinh hoa nghệ thuật trong giai đoạn cuối của chế độ phong kiến, thể hiện sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống và ảnh hưởng ngoại lai, đặc biệt là từ Trung Quốc và phương Tây1. Các hoa văn triều Nguyễn được sử dụng trong trang trí cung điện và trang phục hoàng gia, không chỉ thể hiện kỹ thuật tinh xảo mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử và văn hóa. Những hoa văn này đã trở thành nguồn cảm hứng quý giá cho các nghệ sĩ và nhà thiết kế trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp thời trang ngày càng phát triển, việc tìm về với di sản văn hóa như hoa văn triều Nguyễn trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo độc đáo. Bài viết được thực hiện nhằm mục tiêu thu thập, phân tích các hoa văn triều Nguyễn và chuyển đổi chúng thành các mẫu thiết kế hiện đại, ứng dụng trong thời trang. Đồng thời, bài viết cũng hướng đến việc bảo tồn di sản văn hóa và mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế để quảng bá văn hóa Việt Nam trên quy mô toàn cầu.
1. Ý nghĩa của hoa văn triều Nguyễn
Hoa văn triều Nguyễn được phát triển dưới triều đại Nguyễn (1802-1945), phản ánh sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống nghệ thuật dân gian và ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, phương Tây. Những hoa văn này không chỉ trang trí các sản phẩm và công trình kiến trúc mà còn mang đậm ý nghĩa biểu tượng và phong thủy. Hoa văn triều Nguyễn được sử dụng rộng rãi trong các cung điện, chùa chiền và đồ dùng hàng ngày của triều đình. Chúng thường xuất hiện trên gạch men, vải dệt và các vật dụng trang trí, thể hiện sự tinh xảo, tỉ mỉ trong kỹ thuật chế tác. Các hoa văn này thường gắn liền với các sự kiện lịch sử, các biểu tượng quyền lực và tín ngưỡng của triều đại. Hoa văn triều Nguyễn không chỉ có giá trị thẩm mĩ mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Các hình ảnh như rồng, phượng, hoa sen, mây thường biểu trưng cho quyền lực, may mắn và sự thịnh vượng2. Những hoa văn này cũng thường được sử dụng để thể hiện sự trang trọng, tôn kính trong các nghi lễ và sự kiện quan trọng. Việc sử dụng hoa văn triều Nguyễn trong thiết kế hiện đại không chỉ giữ gìn di sản văn hóa mà còn tái hiện và làm nổi bật những giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh đương đại.
2. Xu hướng kết hợp văn hóa truyền thống vào thiết kế thời trang Việt Nam
Ngành thời trang Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng cả về số lượng các thương hiệu và sự đa dạng trong phong cách thiết kế. Các nhà thiết kế và thương hiệu nội địa không chỉ mở rộng thị trường trong nước mà còn hướng tới thị trường quốc tế, tạo nên những dấu ấn đặc trưng. Thời trang Việt Nam hiện đang hướng đến việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại và đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với xu hướng toàn cầu. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc kết hợp văn hóa truyền thống vào thiết kế thời trang ngày càng trở nên phổ biến. Các nhà thiết kế Việt Nam đang tích cực khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống như hoa văn dân tộc, kỹ thuật dệt truyền thống, màu sắc đặc trưng, để tạo ra các sản phẩm thời trang độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa. Xu hướng này không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa mà còn mang lại sự đổi mới và sức hấp dẫn cho các bộ sưu tập thời trang. Các sản phẩm kết hợp văn hóa truyền thống với thiết kế hiện đại không chỉ thu hút sự quan tâm của thị trường trong nước mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ trên trường quốc tế. Việc này không chỉ tạo cơ hội cho các nhà thiết kế thể hiện sự sáng tạo mà còn góp phần quảng bá và nâng cao giá trị của văn hóa Việt Nam trên bản đồ thời trang thế giới.
Thuy Design House nổi bật với việc tích hợp các yếu tố văn hóa truyền thống vào thiết kế hiện đại. Các thiết kế của Thuy Design House thường mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, kết hợp với xu hướng thời trang quốc tế để tạo ra các sản phẩm sang trọng và hiện đại3. Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí đã khéo léo lồng ghép họa tiết truyền thống, chất liệu tự nhiên và kỹ thuật thủ công vào các bộ sưu tập. CONG TRI’S không chỉ là biểu tượng của sáng tạo và đổi mới mà còn là niềm tự hào của ngành thời trang Việt Nam, góp phần đưa thời trang Việt lên tầm cao mới trên bản đồ thời trang thế giới4. Minh Hạnh là một trong những nhà thiết kế hàng đầu của Việt Nam, nổi tiếng với việc kết hợp các yếu tố văn hóa truyền thống vào các thiết kế hiện đại. Minh Hạnh đã trở thành một “sứ giả văn hóa” khi mang những thiết kế của mình đến các sàn diễn quốc tế, từ Ý, Pháp, Mĩ đến Nhật Bản. Các bộ sưu tập của cô không chỉ tôn vinh vẻ đẹp truyền thống mà còn thể hiện sự sáng tạo và hiện đại, giúp thời trang Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ thế giới5. BITI’S, thương hiệu giày dép nổi tiếng của Việt Nam, đã thể hiện sự sáng tạo trong việc kết hợp văn hóa truyền thống vào thiết kế hiện đại. Trong các bộ sưu tập giày của mình, BITI’S đã sử dụng các yếu tố như họa tiết truyền thống và chất liệu dân tộc để tạo ra những mẫu giày độc đáo, kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa và thiết kế đương đại. BITI’S không chỉ tạo ra sản phẩm thời trang chất lượng mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến với khách hàng trong nước và quốc tế6. Các nhà thiết kế và thương hiệu này đều đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn và làm mới di sản văn hóa truyền thống thông qua sự sáng tạo và đổi mới trong thiết kế thời trang hiện đại.
3. Ứng dụng hoa văn triều Nguyễn trong ngành công nghiệp thời trang hiện đại
Quá trình nghiên cứu bắt đầu bằng việc lựa chọn chủ đề hoa văn trang trí triều Nguyễn nhằm truyền cảm hứng cho nhà nghiên cứu. Từ nhiều hình mẫu hoa văn đa dạng thuộc các công trình nghiên cứu khác nhau, chủ đề tứ linh (long - lân - quy - phụng) được chọn dựa trên quá trình chọn lọc kỹ lưỡng. Tứ linh, biểu tượng của sức mạnh, may mắn và bảo vệ, được cho là mang lại tính biểu trưng cao và phù hợp với việc ứng dụng vào thiết kế thời trang hiện đại7.
Trong nghiên cứu này, tác giả đã có những chuyến đi thực địa dài ngày tại Huế, tham quan các công trình kiến trúc cổ, sao chép và ghi nhận lại các hoa văn trang trí. Những chuyến đi thực địa này không chỉ giúp thu thập dữ liệu trực tiếp mà còn tạo cơ hội để hiểu sâu hơn về bối cảnh văn hóa và lịch sử của hoa văn triều Nguyễn. Tác giả đã tỉ mỉ sao chép và ghi chép các chi tiết hoa văn từ các công trình như Đại Nội, các lăng tẩm, đền chùa cổ. Tác giả đã phân tích kỹ lưỡng từng chi tiết hoa văn, tập trung vào các yếu tố như hình dáng, cấu trúc, màu sắc và ý nghĩa biểu tượng. Quá trình phân tích này bao gồm việc so sánh các hoa văn từ nhiều nguồn khác nhau để xác định các yếu tố chung và độc đáo. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng công nghệ đồ họa số để phác họa lại và điều chỉnh các hoa văn, đảm bảo chúng vừa giữ nguyên được giá trị truyền thống vừa có thể áp dụng vào các thiết kế hiện đại.
Quy trình chi tiết để nghiên cứu và chuyển hóa hoa văn triều Nguyễn thành các mẫu thiết kế thời trang hiện đại, được phát triển dựa trên phương pháp nghiên cứu thực địa và lịch sử nghệ thuật và kỹ thuật thiết kế thời trang, bao gồm 8 bước: khảo sát - sao chụp - ghi chép - tả thực - cách điệu hóa - thiết kế - điều chỉnh - sản xuất.
3.1. Giai đoạn 1: khảo sát - sao chụp - ghi chép
Tác giả tiến hành thực hiện đi thực địa tại các công trình kiến trúc cổ ở Huế và các địa điểm khác có liên quan đến triều Nguyễn. Tham quan, tìm hiểu và chụp ảnh hoa văn trang trí trên các công trình như Đại Nội, lăng tẩm, đền chùa, cung điện. Sử dụng máy ảnh chất lượng cao và thiết bị sao chụp chuyên dụng để chụp lại chi tiết hoa văn trang trí, đảm bảo mỗi hoa văn được chụp từ nhiều góc độ để thu thập đầy đủ thông tin về hình dáng và chi tiết của chúng. Bên cạnh đó, người nghiên cứu đảm bảo ghi chép lại thông tin chi tiết về từng hoa văn, bao gồm ý nghĩa biểu tượng, nội dung, chất liệu sử dụng, màu sắc, kích thước. Tham khảo các tài liệu lịch sử và văn hóa để hiểu rõ hơn về ý nghĩa và bối cảnh của các hoa văn.

Hình 1. Khảo sát hoa văn tứ linh triều Nguyễn tại bình phong Cơ Mật Viện, Đình Thanh Thủy Chánh, Lăng Sọ và Lăng Vạn Vạn, Huế.
3.2. Giai đoạn 2: tả thực - cách điệu hóa
Tác giả tiến hành tả thực lại các hoa văn bằng cách phác thảo tay hoặc sử dụng phần mềm đồ họa để tái hiện lại các chi tiết một cách chính xác, đảm bảo các bản tả thực giữ nguyên được giá trị và đặc điểm gốc của các hoa văn. Trong đó, hình tượng long được lấy từ bức bình phong Ngư long hí thủy tại Đình Thanh Thủy Chánh, hình tượng phụng được lấy từ bức bình phong Lăng Vạn Vạn và hai hình ảnh lân, quy được lấy từ bức bình phong Cơ Mật Viện. Các hình tượng tứ linh này được xem là tiêu biểu và có tình thẩm mĩ cao tại các công trình được nghiên cứu.
Sau đó, tác giả tiến hành cách điệu hóa các hoa văn để phù hợp với thiết kế hiện đại nhưng vẫn giữ được bản chất và ý nghĩa gốc của chúng. Sử dụng phần mềm thiết kế để tạo ra các phiên bản hoa văn mới, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Chẳng hạn như việc phối màu theo phong cách gốm sứ Bát Tràng hoặc nghệ thuật tráng men pháp lam truyền thống nhằm tạo nên chiếc áo mới đầy màu sắc cho những hoa văn tàn tích cổ xưa.

Hình 2. Tả thực hoa văn tứ linh triều Nguyễn.
3.3. Giai đoạn 3: thiết kế
Tác giả áp dụng hoa văn cách điệu vào các sản phẩm thời trang như áo thun, khăn tay và phụ kiện, thực hiện các bản phác thảo, mẫu thử nghiệm để đánh giá tính khả thi và thẩm mĩ của các thiết kế. Bên cạnh đó cũng điều chỉnh, hoàn thiện thiết kế dựa trên phản hồi và đánh giá từ các chuyên gia, người tiêu dùng.

Hình 3. Thiết kế và ứng dụng hoa văn tứ linh trên sản phẩm thời trang hiện đại.
3.4. Giai đoạn 4: thử nghiệm và điều chỉnh - sản xuất
Sau khi tiến hành quy trình thiết kế, nhóm thiết kế tiến hành điều chỉnh và cải tiến sản phẩm dựa trên phản hồi để đảm bảo tính khả thi của ý tưởng. Ở bước này, sản phẩm thời trang do thương hiệu VIECREAT tài trợ sẽ được thảo luận với các bên liên quan, bao gồm các chuyên gia về nghệ thuật Huế, nhà thiết kế thời trang, họa sĩ minh họa và cộng đồng khách hàng trẻ yêu thích thời trang ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích của cuộc thảo luận là phê bình và lựa chọn thiết kế cuối cùng cho bộ sưu tập Tứ linh, cùng với các vấn đề kỹ thuật liên quan và sản xuất.
Cuộc thảo luận với các chuyên gia và người dùng đã tiếp tục mang lại những phát hiện quan trọng về thiết kế sản phẩm thời trang này. Nhóm thiết kế nhận ra rằng cần đơn giản hóa hình dáng của thiết kế để thuận tiện cho việc nhận diện và trình bày trên sản phẩm thời trang, đồng thời cần đảm bảo tính thời trang phù hợp, đáp ứng được thị hiếu từ công chúng – phân khúc khách hàng trẻ năng động. Những đóng góp này sẽ giúp tạo ra một phiên bản đơn giản hóa, dễ sử dụng và thú vị hơn cho dòng hàng thời trang của thương hiệu cũng như tăng cường tính tương tác và linh hoạt trong sử dụng.
Trong bước sản xuất, nhóm thiết kế tiến hành chuyển đổi thiết kế đã được hoàn thiện thành các sản phẩm thực tế và sẵn sàng cho việc sản xuất hàng loạt. Đầu tiên, sử dụng phần mềm để tạo ra các bản vẽ kỹ thuật chi tiết, định rõ kích thước, hình dạng và các chi tiết cần thiết cho quy trình sản xuất. Tiếp theo, lựa chọn các chất liệu phù hợp và tiến hành sản xuất sản phẩm thời trang dựa trên các bản vẽ kỹ thuật. Cuối cùng, nhóm thiết kế thực hiện các bước cuối cùng như bao bì và đóng gói để chuẩn bị sản phẩm cho việc phân phối, tiếp thị. Quá trình này đảm bảo rằng mỗi mô hình được sản xuất đều đạt được chất lượng cao nhất và sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hình 4. Câu chuyện Tứ linh được truyền tải qua bộ sưu tập thời trang của nhãn hàng VIECREAT.
4. Kết luận
Thời trang luôn biến đổi và mang tính chu kỳ, trong đó truyền thống là nguồn cảm hứng dồi dào cho những thiết kế và xu hướng mới. Trong bối cảnh thời trang hiện đại, yếu tố văn hóa truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành xu hướng và biến đổi trang phục. Nghiên cứu này tập trung vào việc áp dụng các hoa văn cổ triều Nguyễn để sáng tạo ra những thiết kế thời trang đương đại. Cách tiếp cận này mang lại sự đổi mới độc đáo thông qua việc cách điệu hóa các hoa văn truyền thống, đồng thời duy trì giá trị văn hóa và thẩm mĩ của chúng.
Nghệ thuật và thời trang không bị giới hạn bởi ranh giới, việc kết hợp các yếu tố văn hóa truyền thống với thời trang hiện đại có thể tạo ra những phong cách độc đáo và phù hợp với xu hướng toàn cầu. Phân tích tiềm năng của việc kết hợp hoa văn truyền thống và thiết kế hiện đại cho thấy rằng sự kết hợp này không chỉ tạo ra các sản phẩm thời trang đẹp mắt mà còn mang lại giá trị văn hóa sâu sắc. Việc bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa qua thời trang giúp duy trì và tôn vinh các giá trị truyền thống, đồng thời mở ra cơ hội thương mại mới cho ngành công nghiệp thời trang. Khả năng mở rộng ứng dụng các hoa văn truyền thống khác trong ngành công nghiệp thời trang mở ra vô số cơ hội sáng tạo và thúc đẩy phát triển bền vững.
Những kết quả và phát hiện chính của bài viết cho thấy rằng việc tích hợp hoa văn triều Nguyễn vào thời trang hiện đại không chỉ bảo tồn di sản văn hóa mà còn nâng cao giá trị thẩm mĩ và thương mại của sản phẩm.nNhững kết quả và phát hiện chính của bài viết cho thấy rằng việc tích hợp hoa văn triều Nguyễn vào thời trang hiện đại không chỉ bảo tồn di sản văn hóa mà còn nâng cao giá trị thẩm mĩ và thương mại của sản phẩm.
Chú thích:
1 Phan Le Chung – Nguyen Thi Hien Le (2022): “Typical Values of the Nguyen Dynasty’s Decorative Art on Bronze Objects in Hue”, Journal La Sociale, vol. 3, no. 6, pp. 225-233.
2, 7 Léopold Michel Cadière - Edmond Gras (2020), Nghệ thuật Huế (L’art à Hué), Nhã Nam. 3 N. D. Heath (2020): “CÂU CHUYỆN VỀ THƯƠNG HIỆU THUỶ DESIGN HOUSE”, www.thuydesignhouse.com.
4 Khuất Năng Vĩnh (2020): “20 năm sự nghiệp của NTK Công Trí: “Tôi vẫn đang vẽ ước mơ của mình””, bazaarvietnam.vn.
5 Ngọc Ánh (2022): “Nhà thiết kế Minh Hạnh: Từ “giấc mơ thổ cẩm” đến các sàn diễn quốc tế”, www.bienphong.com.vn.
6 Saigoneer (2020): “Biti’s Hunter Launches National Pride-Themed Shoe Design Competition”, saigoneer.com.