Công nghiệp văn hoá hiện đang chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá và kinh tế của các nước trên thế giới. Nguyên liệu đầu vào của công nghiệp văn hóa là nguồn vốn, tài nguyên văn hóa do các thế hệ đi trước sáng tạo, kết tinh ở hệ thống di sản văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán, làng nghề… Bên cạnh đó, công nghiệp văn hóa hướng đến khai thác ý tưởng sáng tạo, những phát minh, sáng chế có hàm lượng trí tuệ, chất xám cao, có ý nghĩa với cộng đồng xã hội. Vì vậy, nguồn nhân lực sáng tạo không chỉ là nguồn lực lao động đơn thuần mà còn đóng vai trò là “nguồn vốn”, “nguồn tài nguyên nhân văn” quan trọng làm nên thương hiệu, chất lượng và sức mạnh của ngành công nghiệp văn hóa1.
Nguồn nhân lực thực sự sáng tạo và công nghiệp là trụ cột của công cuộc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nguồn nhân lực trong công nghiệp văn hóa có thể phân thành ba nhóm cơ bản: nhóm nhân lực quản lý; nhóm nhân lực sáng tạo; nhóm nhân lực sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp văn hóa thì cần phải đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay.
1. Khái quát về nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa
Nguồn nhân lực là nguồn vốn con người (hay là tổng thể số lượng và chất lượng con người) có thể lực, trí lực và tâm lực của một quốc gia, vùng, lãnh thổ đã, đang và sẽ sử dụng hoặc được sử dụng để tạo ra những lợi ích cho xã hội (dưới dạng vật chất và tinh thần). Trong quá trình phát triển của đất nước có rất nhiều nguồn lực khác nhau để phát triển xã hội. Tuy nhiên, xét trong mối quan hệ giữa các nguồn lực thì nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định các nguồn lực khác.
Nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa theo nghĩa rộng bao gồm cả nhân lực tri thức, được đào tạo chuyên ngành, nghiệp vụ, phẩm chất qua các trường và các trung tâm trong nước và kể cả nước ngoài, cùng song song bên cạnh nguồn nhân lực không qua trường lớp đào tạo nào đó là những nghệ nhân, những lao động phổ thông trực tiếp sản xuất các sản phẩm văn hóa truyền thống cung cấp cho dịch vụ văn hóa, cho ngành công nghiệp văn hóa. Ba nhóm cơ bản của nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa:
Nguồn nhân lực quản lý: bao gồm đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức ngành văn hóa và các ngành có liên quan. Nguồn nhân lực này có vai trò tham mưu tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tư vấn cho Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền địa phương trong hoạch định, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển2.
Nguồn nhân lực sản xuất, kinh doanh: bao gồm tầng lớp doanh nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty, xí nghiệp, hợp tác xã… Nguồn nhân lực này có vai trò khai thác, đầu tư, kinh doanh, sản xuất các sản phẩm dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa. Thông qua nghiên cứu thị trường, khai thác tài nguyên, vốn văn hóa và các ý tưởng sáng tạo; ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để tạo ra giá trị sản phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của công chúng trong và ngoài nước3.
Nguồn nhân lực sáng tạo: nguồn nhân lực này rất đa dạng, phong phú bao gồm toàn thể nhân dân lao động. Tuy nhiên, đối với công nghiệp văn hóa, lực lượng có nhiều đóng góp về ý tưởng sáng tạo, có tinh thần đổi mới, có khát vọng, có tài năng, năng khiếu về nghệ thuật thuộc về đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức; học sinh, sinh viên ngành văn hóa, nghệ thuật; các nghệ nhân nhân dân4 . Có nhiều trường hợp nguồn nhân lực văn nghệ sĩ, nghệ nhân… vừa là nhân lực sáng tạo đồng thời vừa tham gia sản xuất, kinh doanh.
2. Nguồn nhân lực ngành công nghiệp văn hóa trong thị trường lao động hiện nay
Việt Nam có dân số trung bình 100,3 triệu người, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính là 14,1 triệu người. Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng”, tỉ lệ dân số trong độ tuổi có khả năng lao động (15-64 tuổi) rất cao, dao động từ 66% đến 70%5. Với lực lượng lao động lớn khi tham gia phân công lao động khu vực và quốc tế, Việt Nam có một nguồn lực quan trọng - điều kiện thuận lợi cho phát triển nguồn nhân lực sáng tạo, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, là thị trường lớn để tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa6. Để nguồn nhân lực trở thành nguồn lao động chuyên nghiệp, có chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường lao động thì cần phải được đào tạo bài bản với những kiến thức và kỹ năng cụ thể.
Nguồn nhân lực quản lý: đối với nguồn nhân lực làm quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa cần phải đào tạo và trang bị kiến thức về quản lý, quản trị, kiến thức về làm chính sách, kiến thức thực tế ở Việt Nam, kiến thức kinh nghiệm từ các quốc gia về chính sách. Đồng thời, nguồn nhân lực này có khả năng tư duy dự báo xu hướng phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, có khả năng kết nối giữa chính sách công nghiệp văn hóa với các chính sách liên quan khác. Bên cạnh đó cần phải trang bị các kiến thức về công nghệ, kinh doanh, sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật.
Nguồn nhân lực sáng tạo và sản xuất: đối với nguồn nhân lực sản xuất và sáng tạo như các nhà thiết kế, các nhà sản xuất âm nhạc, sản xuất phim ảnh, thiết kế sản phẩm thủ công mĩ nghệ… không chỉ nắm các kiến thức chuyên sâu về ngành của mình mà còn phải có các kiến thức về kinh doanh, khởi nghiệp, công nghệ, truyền thông… Nói cách khác, những yêu cầu chuyên môn ngày càng cao và ngày càng đa dạng đối với một người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa đòi hỏi họ cần được đào tạo kiến thức và kỹ năng toàn diện, liên ngành, liên lĩnh vực. Ngoài những hiểu biết, kỹ năng vững chắc về âm nhạc, điện ảnh, mĩ thuật, nghệ thuật, thiết kế, sáng tạo, nhà thiết kế cần được đào tạo kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực khác nhau như xã hội, kinh tế, luật pháp, quản trị, công nghệ, khoa học bền vững.
Nguồn nhân lực kinh doanh (trong đó có nhóm trực tiếp kinh doanh và nhóm môi giới sản phẩm): thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực kinh doanh phải có kiến thức kinh doanh, marketing, truyền thông, kỹ năng liên ngành và có tính toàn diện về sáng tạo, văn hóa, sản xuất, công nghệ, luật pháp.
Hiện nay, trong hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam đã có rất nhiều trường đào tạo nhân lực của một trong mười hai lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa. Ví dụ: kiến trúc, điện ảnh, xuất bản, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa… Sản phẩm của các trường đào tạo ra dường như tương đối đáp ứng các nhu cầu của thực tế xã hội hiện tại7.
Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo hiện có của các trường trong và ngoài nước chỉ ra rằng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực hoạt động như: 1) Trong lĩnh vực sáng tạo, sản xuất, phân phối dịch vụ công nghiệp văn hóa (điện ảnh, quảng cáo, thời trang, thủ công mĩ nghệ, nghệ thuật biểu diễn...); 2) Trong lĩnh vực truyền thông (đài phát thanh-truyền hình, báo chí, các công ty tổ chức sự kiện, quảng bá, marketing...); 3) Trong lĩnh vực kinh doanh văn hóa (bộ phận quản lý nhân sự, phát triển dự án, marketing văn hóa…); 4) Trong lĩnh vực du lịch (quản trị du lịch, marketing du lịch, hướng dẫn viên du lịch...); 5) Trong quản lý nghiệp vụ văn hóa tại các tổ chức, cơ quan thuộc ngành văn hóa, nghệ thuật, thông tin, du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa Thông tin, Nhà văn hóa…) (UOW University), (Berlin University), (Shandong University), (Haans, R. F. J., 2016)8.
Nhìn chung, nguồn nhân lực trong công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn tương đối mỏng và bị giới hạn về nhận thức lý luận lẫn những kỹ năng thực tiễn. Các hạn chế về nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa Việt Nam thường được đề cập đến là thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết để vận hành hiệu quả trong cơ chế thị trường, khả năng thích ứng với thị trường văn hóa còn hạn chế, cách thức quản lý vẫn còn thiếu chuyên nghiệp và chưa có sự linh hoạt.
Chất lượng đào tạo tại các trường đại học, học viện nghệ thuật được đánh giá khá tốt, cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên môn vững chắc. Tuy nhiên, một số sinh viên vẫn chưa chủ động học tập trang bị đầy đủ các kỹ năng mềm, khả năng thích ứng với thị trường lao động và xu hướng công nghệ mới. Các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật cho ra đời nhiều nghệ sĩ có chuyên môn nghề nghiệp vững chắc nhưng thiếu kỹ năng quản lý, kinh doanh cũng như năng lực thích ứng trong môi trường cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường. Nguồn nhân lực thiếu hụt giáo dục kỹ năng sáng tạo và khởi nghiệp là thách thức lớn đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Nguồn nhân lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam mới chỉ phát huy được lợi thế về số lượng và tiền lương thấp. Chất lượng nguồn lao động hiện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, còn hạn chế ở trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng kinh doanh, tỉ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp.
3. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp văn hóa hiện nay
Nguồn nhân lực chính là yếu tố then chốt để phát triển công nghiệp văn hóa. Vậy nên trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực này đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa đất nước trong thời kỳ mới. Cụ thể như: Quyết định số 1341/QĐ-TTg ngày 8 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030”; Quyết định số 1437/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19 tháng 7 năm 2016 phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”. Đây là một đề án mang tầm chiến lược quốc gia nhằm phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa trong bối cảnh quốc tế, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa, hướng tới phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trong những năm gần đây công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành văn hóa, nghệ thuật nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng tăng cả về số lượng, chất lượng, cơ sở và quy mô đào tạo; các cấp bậc đào tạo và hình thức tổ chức đào tạo được đa dạng hóa.
Về hệ thống cơ sở đào tạo: tính đến thời điểm 31/12/2021, cả nước có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và khoảng 60 cơ sở đào tạo có đào tạo ngành, nghề trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù. Cụ thể, nước ta có 15 trường trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bao gồm 10 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp đào tạo ở các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học, được thành lập từ sớm và có quá trình phát triển, trưởng thành qua nhiều năm; với mục tiêu đào tạo tài năng đỉnh cao, theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu ở các lĩnh vực, như âm nhạc, mĩ thuật, văn hóa, văn học, sân khấu - điện ảnh, múa, xiếc9.
Bên cạnh đó, có 25 cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật do các tỉnh/ thành phố trực tiếp quản lý, trong đó có 1 trường đại học, 10 trường cao đẳng và 10 trường trung cấp. Đây là các cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, nhằm cung cấp nhân lực chủ yếu phục vụ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của địa phương, đồng thời tạo nguồn tuyển sinh đào tạo đỉnh cao cho các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật ở Trung ương. Đồng thời, có 4 cơ sở đào tạo đại học thuộc bộ, ngành khác và khoảng 60 cơ sở đào tạo có đào tạo các ngành, nghề trong lĩnh vực nghệ thuật ở trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học10.
Hiện nay, việc giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực các lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa ở nước ta đều dựa trên hệ thống giáo dục nghệ thuật truyền thống với hệ thống các trường chuyên ngành. Cụ thể như lĩnh vực điêu khắc hội họa có Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đào tạo, lĩnh vực điện ảnh có Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh đào tạo, lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn có Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia đào tạo, lĩnh vực thiết kế, tạo dáng công nghiệp có Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp… Đào tạo cử nhân chuyên ngành Công nghiệp văn hóa có Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số trường như Trường Đại học Kiến trúc, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Hoa Sen… được đánh giá là có uy tín, chất lượng đào tạo thiết kế sáng tạo, dựa trên các tiêu chí: đội ngũ giảng viên, chương trình và phương pháp giáo dục, cơ sở vật chất, chất lượng tuyển sinh đầu vào11.
Trong công nghiệp văn hóa có 12 lĩnh vực và trong mỗi lĩnh vực đã có rất nhiều chuyên ngành, các trường đại học, học viện đào tạo được đánh giá cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên môn vững chắc. Nhưng về định hướng đào tạo chủ yếu là tạo ra những người nghệ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật, sáng tạo chuyên sâu, thiếu những kiến thức và tư duy tổng thể, những kiến thức toàn diện về văn hoá, quản trị, kinh tế, công nghệ, phát triển bền vững. Nguồn nhân lực thuần túy nếu không được đào tạo quy trình sản xuất của một ngành công nghiệp thực thụ thì khó biến những giá trị văn hóa trở thành điểm nhấn của sản phẩm, vừa khẳng định thương hiệu vừa tạo ra nguồn lợi kinh tế.
Các yếu tố ảnh hưởng và quyết định đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp công nghiệp văn hóa là: đội ngũ giảng viên; chương trình đào đạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo… Chương trình đào tạo hiện tại của các ngành công nghiệp văn hóa ở một số cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Nội dung đào tạo còn thiếu tính thực tiễn, chưa cập nhật kịp thời các xu hướng mới trong ngành. Việc phát triển chương trình đào tạo cần dựa trên sự nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu thực tiễn của ngành, đồng thời phải linh hoạt, đổi mới để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của nền công nghiệp văn hóa.
Hiện nay, các cơ sở đào tạo thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm đào tạo công nghiệp văn hóa, đặc biệt là đào tạo thực hành. Nhiều giảng viên được đào tạo từ các ngành khác, thiếu kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và giải trí. Thực tế này đặt ra những yêu cầu cơ bản cho các cơ sở có chức năng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa trước hết phải xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên thực sự đúng theo các tiêu chuẩn.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo tại các cơ sở đào tạo còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu thực tập, thực hành. Trên thế giới những công nghệ hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa đã xuất hiện, nhưng ở Việt Nam, nhiều cơ sở đào tạo cũng chưa có đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại để đáp ứng được nhu cầu đào tạo gắn liền với thực tiễn. Vì vậy, các đơn vị gặp khó khăn trong quá trình đào tạo nhân lực công nghiệp văn hóa.
Nội dung và chương trình đào tạo của các trường đại học chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các trường và doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các lĩnh vực trong phát triển công nghiệp văn hóa vẫn chưa chặt chẽ. Về bản chất, các ngành công nghiệp văn hóa cần có mạng lưới chuyên môn được kết nối chặt chẽ, từ đó giúp thúc đẩy các yếu tố thương mại trong các sản phẩm văn hóa, tạo ra các mối liên kết trong chuỗi giá trị và phát triển công nghiệp văn hóa.
4. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực công nghiệp văn hóa
Thứ nhất, cần xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình mới, tạo môi trường thuận lợi để ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo ngành công nghiệp văn hóa với các đơn vị quản lý và các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; gắn kết giữa hoạt động đào tạo nhân lực công nghiệp văn hóa theo nhu cầu phát triển của cơ chế thị trường.
Thứ hai, các cơ sở đào tạo cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ; hoàn thiện hệ thống chương trình, giáo trình; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên; đổi mới nội dung, phương thức đào tạo nhân lực ngành công nghiệp văn hóa. Mỗi cơ sở đào tạo cần xây dựng các chương trình đào tạo và nghiên cứu về các ngành công nghiệp văn hóa, đào tạo nên một lực lượng lao động có các hướng chuyên môn không giống nhau, có thể đáp ứng các yêu cầu phong phú của thị trường lao động với các vai trò khác nhau như các nghệ sĩ sáng tạo, các nhà sản xuất, kinh doanh, nhà quản lý, nhà nghiên cứu.
Thứ ba, phải phát triển toàn diện tất cả các kỹ năng của người học, từ các kỹ năng sáng tác, kỹ năng sử dụng các phương tiện khoa học công nghệ phục vụ cho sáng tạo, kỹ năng quản lý và kinh doanh, cũng như các kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng quản trị, quan hệ công chúng, quản lý tài chính, kêu gọi đầu tư.
Thứ tư, đánh giá đúng hiện trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo, nguồn nhân lực quản lý, nguồn nhân lực sản xuất kinh doanh, phát huy những điểm mạnh và hạn chế điểm yếu. Đồng thời cần nghiên cứu dự báo sự biến động của nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa để có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Thứ năm, đổi mới, nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo nhân lực công nghiệp văn hóa. Tăng cường hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực đào tạo phát triển nhân lực công nghiệp văn hóa. Cần có tầm nhìn trong công tác gửi nguồn nhân lực ra nước ngoài đào tạo. Bên cạnh đó, khuyến khích tối đa sự sáng tạo của nguồn nhân lực sáng tạo trong các ngành công nghiệp văn hóa để tạo ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chỉ khi có những sản phẩm công nghiệp văn hóa thực sự chất lượng cao mới có một nền công nghiệp văn hoá thực chất, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
5. Kết luận
Nguồn nhân lực có tầm quan trọng then chốt trong phát triển công nghiệp văn hóa, bởi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vững mạnh phải có được nguồn nhân lực chất lượng, sáng tạo, am hiểu văn hóa dân tộc, vận dụng được kỹ thuật công nghệ tiên tiến. Do đó, cần phát triển nguồn nhân lực sáng tạo, nguồn nhân lực quản lý, nguồn nhân lực sản xuất, kinh doanh theo quy mô, cơ cấu hợp lý, phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ cơ chế, chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, chính sách đãi ngộ nhân lực trong lĩnh vực sáng tạo văn hóa. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ cho các cơ sở đào tạo, đổi mới nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, phát triển các kỹ năng, ngoại ngữ, ứng dụng khoa học - công nghệ, sáng tạo và các kỹ năng khác cho nhân lực ngành công nghiệp văn hóa. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng và các bên liên quan đồng bộ thực hiện những giải pháp hữu ích này thì Việt Nam sẽ sớm phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp văn hóa.
Chú thích:
1, 2, 3, 4 Nguyễn Thị Thu Phương (Chủ biên), Nguyễn Thị Thanh Hoa và các cộng sự (2023), Định vị các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển bền vững ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 370, 370, 370, 371.
5 Tổng Cục Thống kê, Thông cáo báo chí về tình hình dân số, lao động việc làm Quý IV và năm 2023, truy cập: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu -thong-ke/2023/12/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinhdan-so-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2023/.
6 Nguyễn Ngọc Hà, Phạm Kim Anh (2022), Nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, phiên bản online, truy cập ngày 4/12/2022, https://www. tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_ hoi//2018/826476/nguon-luc-cho-phat-trien-cacnganh-cong-nghiep-van-hoa-o-viet-nam.aspx.
7, 8 Trần Xuân Bình, Trương Trần Hoàng Phúc, Nguyễn Đức Long (2024), Đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh: Thách thức và triển vọng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh”, tr. 70-82, tr. 74, 74.
9, 10 Tạ Quang Đông (2024): “Đổi mới và nâng cao chất lượng các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật ở nước ta, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”, Tạp chí Cộng sản, phiên bản online, truy cập ngày 30/9/2024, https://www.tapchicongsan.org. vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi//2018/976602/dimoi-va-nang-cao-chat-luong-cac-truong-dao-taovan-hoa%2C-nghe-thuat-o-nuoc-ta%2C-dap-ungyeu-cau-hoi-nhap-quoc-te.aspx.
11 Võ Thị Thu Thủy (2024), Những cơ hội và thách thức trong đào tạo nguồn nhân lực thiết kế sáng tạo tại các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh”, tr. 102-109, tr. 109.