Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ban hành theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Chiến lược cũng xác định các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm 12 lĩnh vực: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mĩ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mĩ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa1.
Có thể thấy, điện ảnh là một trong những thành tố tiêu biểu nhất của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, đáp ứng cơ bản các cấu phần của ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm: dựa vào sức sáng tạo nghệ thuật của cá nhân/ tập thể sáng tạo, dựa vào việc bảo hộ bản quyền tác giả, sử dụng công nghệ kỹ thuật số cao, tạo ra sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, có thể sản xuất hàng loạt đưa ra thị trường, tạo ra lợi nhuận kinh tế và tuân theo chu trình sản xuất (sáng tạo - sản xuất - phân phối - tiêu dùng). Điện ảnh cũng là ngành nghệ thuật tổng hợp có thế mạnh kết hợp và cộng hưởng sức mạnh để phục vụ các ngành công nghiệp văn hóa khác như âm nhạc, sân khấu, mĩ thuật, quảng cáo, du lịch văn hóa… Kể từ khi ra đời đến nay, điện ảnh Việt Nam luôn được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Cùng với các ngành nghệ thuật khác, điện ảnh đã góp phần trong công cuộc phát triển văn hóa dân tộc, đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điện ảnh đã và đang tạo động lực để thu hút các thành phần kinh tế trong nước tham gia, cũng như thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào điện ảnh.
“Công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, sử dụng tài năng nghệ thuật, tiềm năng văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra tác phẩm điện ảnh và dịch vụ điện ảnh”2. Công nghiệp điện ảnh luôn được xác định là một trong những ngành mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Trong mục tiêu, nhiệm vụ hay giải pháp cụ thể của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 1755/ QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ), Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ), công nghiệp điện ảnh luôn là lĩnh vực được nhắc đến đầu tiên. Cùng với đó, điện ảnh cũng là lĩnh vực nghệ thuật đầu tiên ở nước ta có hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ và toàn diện nhất, từ Luật Điện ảnh năm 2006; Luật Sửa đổi và bổ sung Luật Điện ảnh năm 2009; Luật Điện ảnh năm 2022; cho đến Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành năm 2013); Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 (ban hành năm 2014)… Đây chính là cơ sở định hướng rõ ràng và vững chắc cho việc xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Như vậy, phát triển công nghiệp điện ảnh là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Mục tiêu này được hiện thực hóa rõ nét thông qua những chính sách quan trọng và cụ thể của Nhà nước trong suốt thời gian qua.
1. Khái quát thực trạng chính sách phát triển công nghiệp điện ảnh trong mối tương quan với phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam
1.1. Những ưu điểm
Một là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về phát triển công nghiệp văn hóa đã tạo hành lang pháp lý cho các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp điện ảnh phát triển trong tình hình mới. Cụ thể là:
- Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020 ban hành theo Quyết định số 581/ QĐ-TTg ngày 6/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ;
- Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO;
- Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó xác lập mục tiêu cụ thể đến năm 2030: “Phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mĩ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo đóng góp 7% GDP; mức tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm trung bình đạt 7%. Phấn đấu có từ 01 đến 03 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở các lĩnh vực thiết kế, ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông nghe nhìn, điện ảnh, văn học, âm nhạc”3.
- Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh, phát huy tinh thần trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các hội, hiệp hội tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi chính sách trong giai đoạn mới, để các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mang lại giá trị gia tăng kinh tế lớn, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc.
- Ngoài ra, một số bộ luật liên quan như: Luật Di sản văn hoá (năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009); Luật Quảng cáo (năm 2012); Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, sửa đổi năm 2022)…, cùng hơn 50 Nghị định, 14 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 100 Thông tư, Thông tư liên tịch được điều chỉnh trực tiếp4 cũng đã tạo hành lang pháp lý khá vững chắc cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, nhất là công nghiệp điện ảnh.
Hai là, hệ thống chính sách phát triển điện ảnh cơ bản toàn diện, đầy đủ.
Điện ảnh là ngành nghệ thuật đầu tiên ở nước ta xây dựng bộ luật từ rất sớm – năm 2006. Đến năm 2009, Luật Điện ảnh năm 2006 được bổ sung, sửa đổi một số quy định để phù hợp hơn với hoạt động thực tế của ngành điện ảnh Việt Nam bằng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh (bộ luật số 31/2009/QH12), Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2009.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 96/2007/NĐ-CP ngày 6/6/2007, Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21/5/2010, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh số 62/2006/ QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12.
Năm 2013, lần đầu tiên Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2014, Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 25/1/2014. Nhằm kịp thời triển khai hiệu quả chiến lược, ngày 30/9/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 3181/QĐ-BVHTTDL ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung và giải pháp cụ thể, chi tiết.
Để kịp thích nghi với xu thế phát triển mới, ngày 15/6/2022, Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua, thay thế Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009. Trong đó, chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh được luật quy định rõ việc đầu tư và hỗ trợ nhằm tạo sự linh hoạt trong chính sách của Nhà nước; thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp của Nhà nước để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp điện ảnh, tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh.
Ngày 31/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh. Đến nay, các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành đã cơ bản hoàn thành, gồm có:
- Thông tư số 17/2022/TT-BVHTTDL ngày 27/12/2022 quy định các mẫu văn bản trong hoạt động điện ảnh, có hiệu lực từ ngày 15/2/2023;
- Thông tư số 19/2022/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2022 quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định kịch bản phim sử dụng ngân sách Nhà nước;
- Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL ngày 5/4/2023 quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo;
- Thông tư số 11/2023/TT-BVHTTDL ngày 5/10/2023 quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định, phân loại phim, cùng Quyết định số 3891/ QĐ-BVHTTDL ngày 15/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đính chính Thông tư số 11/2023/ TT-BVHTTDL.
Sự ra đời kịp thời của Luật Điện ảnh năm 2022 đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện hết sức thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 với các nhiệm vụ cụ thể của ngành điện ảnh.
1.2. Một số hạn chế
Hệ thống chính sách phát triển điện ảnh tuy bao phủ tương đối toàn diện, đầy đủ các lĩnh vực của ngành, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề tồn tại như sau:
- Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh còn thiếu. Cụ thể là hệ thống văn bản pháp luật, chính sách chưa đồng bộ, chưa thực sự hiệu quả cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý, phát triển điện ảnh. Một ví dụ tiêu biểu đơn cử gần đây là trường hợp bộ phim truyện Đào, phở và piano, tác phẩm về đề tài chiến tranh do ngân sách Nhà nước đầu tư, có nội dung tái hiện 60 ngày đêm lịch sử Hà Nội vùng đứng lên chống thực dân Pháp. Phim đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận và đạt doanh thu khá tốt sau hơn ba tháng khai thác thương mại tại hệ thống rạp trong cả nước (từ cuối năm 2023 đến tháng 3/2024): 23 tỉ đồng5. Tuy nhiên, ngay từ lúc bắt đầu phát hành phim Đào, phở và piano ra rạp đã gặp phải khá nhiều trở ngại, lúng túng, có lúc ngưng trệ, do chưa có luật hay nghị định nào quy định cụ thể về việc phát hành thương mại cho phim do Nhà nước đặt hàng. Cho đến khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 316/ QĐ-BVHTTDL ngày 6/2/2024 phê duyệt Kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước thì những khó khăn về phương diện pháp lý mới dần được tháo gỡ. Quyết định số 316/QĐ-BVHTTDL ngày 6/2/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hết sức kịp thời, cần thiết, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phát hành, phổ biến phim nói riêng và hoạt động điện ảnh nói chung. Đồng thời, góp phần đưa các tác phẩm điện ảnh được Nhà nước đặt hàng đến rộng rãi với đông đảo khán giả và nhân dân. Vấn đề đặt ra ở đây là thời hạn thí điểm được nêu tại quyết định trên chỉ kéo dài đến hết ngày 30/12/2025 nên khoảng trống pháp lý cơ bản, lâu dài về vấn đề phát hành thương mại cho phim do Nhà nước đặt hàng vẫn đang bỏ ngỏ.
- Phát triển công nghiệp điện ảnh là nội dung còn mới ở Việt Nam, nên vừa làm vừa tìm hiểu, học hỏi.
- Công tác thống kê, đánh giá sự đóng góp của ngành điện ảnh cho phát triển kinh tế - xã hội chưa được thực hiện tốt, dẫn đến việc đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể cho ngành còn bất cập, hiệu quả đạt được chưa cao.
- Chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích, kêu gọi các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư sản xuất phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. Các quy định về tiếp nhận, sử dụng nguồn lực xã hội hóa dành cho phát triển điện ảnh chưa rõ ràng, cụ thể.
- Hoạt động khai thác, phổ biến phim tư liệu lưu trữ tại kho phim quốc gia trên không gian mạng internet bị hạn chế đáng kể bởi những rào cản pháp lý về bản quyền.
- Vấn đề đầu tư cho việc nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng và phát triển công nghiệp điện ảnh từ các nước có nền công nghiệp điện ảnh tiên tiến (Hàn Quốc, Trung Quốc, Mĩ…) để vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế trong nước còn hạn chế.
2. Khuyến nghị một số nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách góp phần phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam
Để hoàn thiện cơ chế, chính sách, khung pháp lý - vấn đề nền tảng cho sự phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, xin khuyến nghị một số nhóm giải pháp như sau:
2.1. Đối với cơ chế, chính sách về quản lý nhà nước và các vấn đề chung của ngành điện ảnh
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ với Luật Điện ảnh năm 2022 để điều chỉnh phù hợp các hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và các hoạt động liên quan, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho điện ảnh phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững.
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê và cơ sở dữ liệu về ngành điện ảnh. Có thể xem xét luật hóa công tác thống kê, coi đây như là một yêu cầu bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào thị trường điện ảnh.
- Tăng cường công tác bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu tác phẩm điện ảnh, đề phòng và ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền, thực hiện cam kết quốc tế về bản quyền.
2.2. Đối với cơ chế, chính sách về nguồn vốn đầu tư, sản xuất, phát hành và phổ biến phim
Hoàn thiện cơ chế, chính sách về hợp tác công-tư trong phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Nghiên cứu điều chỉnh, thay đổi cơ chế huy động, điều phối ngân sách nhà nước đầu tư cho điện ảnh theo hướng: có thể chuyển từ đầu tư toàn phần ngân sách cho một dự án hay một đơn vị sang cơ chế đầu tư đi kèm với những điều kiện nhất định; đầu tư vào cơ sở hạ tầng có trọng điểm, cân nhắc tính thực tế và hoàn cảnh cụ thể về năng lực hoạt động của ngành điện ảnh hiện nay. Đồng thời đảm bảo hình thức đầu tư luôn đúng với quan điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tiếp tục bổ sung, xây dựng các cơ chế pháp lý nhằm khuyến khích đầu tư, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư vào thị trường điện ảnh, nhất là lĩnh vực sản xuất phim truyện đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. Cùng với đó, nghiên cứu ban hành những chính sách ưu đãi về các loại thuế cho đầu ra của phim; cơ chế ưu đãi khi nhà nước mua bản quyền những bộ phim chất lượng về nội dung và nghệ thuật, đặc biệt là phim truyện đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng Việt Nam để khuyến khích các nhà sản xuất phim tiếp tục thực hiện những bộ phim tốt hơn về đề tài này. Từ đó, hướng đến việc nâng dần tần suất phổ biến phim truyện đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng Việt Nam tại các hệ thống rạp, các kênh truyền hình cũng như trên các nền tảng số.
2.3. Đối với cơ chế, chính sách về công tác lưu trữ và khai thác, phổ biến phim, tư liệu điện ảnh
Cần sớm xem xét điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện những chính sách, quy định trong lĩnh vực lưu trữ điện ảnh. Trong đó, chính sách cần phải thể hiện được các nội dung cơ bản sau: vai trò và tầm quan trọng của công tác lưu trữ, khai thác, phổ biến các tác phẩm điện ảnh lưu trữ; thẩm quyền cho phép lưu trữ, khai thác, phổ biến các tác phẩm điện ảnh; đối tượng lưu trữ, khai thác, phổ biến các tác phẩm điện ảnh; các hình thức lưu trữ, khai thác, phổ biến các tác phẩm điện ảnh…
Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác lưu trữ điện ảnh để thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay.
Xây dựng cơ chế, nâng cao vai trò, vị trí, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho cơ quan lưu trữ điện ảnh quốc gia, mà cụ thể là Viện Phim Việt Nam nhằm lưu trữ, bảo quản lâu dài các tác phẩm điện ảnh quý giá đồng thời để khai thác, phổ biến có hiệu quả các tác phẩm điện ảnh.
Sớm thành lập cơ quan về phát hành và phổ biến phim trực tuyến trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Trong thời đại công nghệ 4.0, việc tiếp cận và hưởng thụ các tác phẩm điện ảnh của công chúng đa dạng với nhiều hình thức khác nhau như trên truyền hình, trên các nền tảng mạng xã hội. Việc xem phim tại rạp không còn lại lựa chọn duy nhất của khán giả. Do vậy, nhằm phát huy giá trị các tác phẩm điện ảnh lưu trữ, đặc biệt là tác phẩm điện ảnh chiến tranh cách mạng Việt Nam, thì việc thành lập đơn vị về phát hành và phổ biến phim trực tuyến là đòi hỏi cấp thiết. Trong điều kiện có thể, cân nhắc cho phép cơ quan lưu trữ tư liệu điện ảnh quốc gia (Viện Phim Việt Nam) được thay mặt Nhà nước quản lý và khai thác bản quyền các tư liệu hình ảnh động do Nhà nước đặt hàng đầu tư sản xuất đang được lưu trữ tại đơn vị, đặc biệt là bộ di sản điện ảnh cách mạng Việt Nam có từ năm 1947.
2.4. Đối với cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực điện ảnh
Nghiên cứu xây dựng, ban hành những chính sách, cơ chế khuyến khích, đãi ngộ nhằm thu hút nguồn nhân lực điện ảnh chất lượng cao (đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên, giảng viên, chuyên gia…) trong nước và nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực hoạt động điện ảnh tại Việt Nam như: sản xuất, phát hành, phổ biến, lưu trữ phim và đào tạo. Song song đó, có thể cử những cá nhân xuất sắc đến học tập và làm việc tại môi trường giải trí năng động nhất thế giới như Hollywood, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Tiếp tục có chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác giảng dạy và học tập, đào tạo nâng cao trình độ giảng viên, cải tiến giáo trình tại hai cơ sở đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh chính quy lớn nhất cả nước là: Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, Nhà nước nghiên cứu cơ chế sử dụng ngân sách hỗ trợ một phần đối với các dự án xã hội hóa trong đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh.
Xây dựng chế độ đãi ngộ xứng đáng dành cho cán bộ, nghệ sĩ có thành tựu, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển điện ảnh, những người hoạt động điện ảnh chuyên sâu và chuyên môn cao theo danh hiệu, học hàm, học vị.
2.5. Đối với cơ chế, chính sách về đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển điện ảnh
Cần có những định hướng xây dựng chính sách để quản lý và hỗ trợ thực hiện mục tiêu xuất khẩu sản phẩm của ngành điện ảnh Việt Nam, trong đó có phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng. Đây là một chặng đường dài, khó khăn nhưng cần mạnh dạn nghĩ đến để có thể nâng tầm nền điện ảnh nước nhà trong tương lai. Để thực hiện điều này, cần có chính sách hỗ trợ sản phẩm có khả năng xuất khẩu bằng các biện pháp giảm giá, miễn thuế hoặc ưu đãi đối với bên nhập khẩu điện ảnh Việt. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết sản xuất các sản phẩm điện ảnh giữa Việt Nam và các nước có nền điện ảnh phát triển để cho ra các sản phẩm chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, kết hợp giữa điện ảnh với du lịch để quảng bá đất nước, nét đặc sắc của các vùng, miền.
Chú trọng việc củng cố xây dựng, phát triển thương hiệu các liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh.
3. Tạm kết
Trên đây là những nhận định khái quát và khuyến nghị một số nhóm giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách góp phần phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Hi vọng rằng việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, khung pháp lý sớm được thực hiện một cách đồng bộ sẽ góp phần làm đòn bẩy giúp điện ảnh Việt Nam có những bước phát triển đột phá nâng tầm trong tương lai gần.
Chú thích:
1 Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, tr. 1.
2 Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV (2022), Luật Điện ảnh số 05/2022/ QH15, tr. 2.
3 Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, tr. 3.
4 Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh (2022), Hội thảo văn hóa 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, tài liệu quyển 1, tr. 139.
5 Thiên Điểu (2024): “Đào, phở và piano thu 23 tỉ, nửa năm sau mới chuyển được tiền vào ngân sách”, https://tuoitre.vn/dao-pho-va-piano-thu-23- ti-nua-nam-sau-moi-chuyen-duoc-tien-vaongan-sach-20241003193218444.htm, truy cập ngày 4/10/2024.