THAM KHẢO KINH NGHIỆM TỪ HÀN QUỐC VÀ NHẬT BẢN GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Bài viết chỉ ra kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Nhật Bản trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa. Từ đó gợi mở giải pháp cho Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu đưa công nghiệp văn hóa trở thành hướng phát triển mũi nhọn.

 

   1. Kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa từ Hàn Quốc - chiến lược phát triển có tầm nhìn dài hạn

   Hàn Quốc là nước có ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) phát triển mạnh, được nhiều nước trên thế giới học tập, trong đó có Việt Nam. Đến nay đã có nhiều nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm CNVH của Hàn Quốc, tuy nhiên vẫn chỉ dừng lại ở giới thiệu, tham khảo lý thuyết là chính, chưa hướng đến gợi mở áp dụng vào điều kiện cụ thể Việt Nam. Dưới đây, chúng tôi trao đổi một vài điểm nhấn từ chia sẻ của các chuyên gia Hàn Quốc với những hiệu ứng tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển CNVH ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay.

   Ở Hàn Quốc, cách tiếp cận CNVH rất khác biệt, trước hết là ở cách định danh, CNVH ở Hàn Quốc được gọi là “công nghiệp sáng tạo”. Nếu ở các nước, CNVH được bắt đầu từ kinh tế thì Hàn Quốc có cách làm ngược lại: bắt nguồn từ văn hóa, sau đó mới tính đến kinh tế. Chiến lược phát triển CNVH dài hạn được các nhà lãnh đạo Hàn Quốc triển khai qua nhiều giai đoạn. Chính sách phát triển CNVH dài hạn đầu tiên của Hàn Quốc thể hiện ở Kế hoạch tổng thể phát triển CNVH lần thứ nhất từ năm 1973, Kế hoạch này được thiết kế dựa trên nền tảng của Đạo luật khuyến khích văn hóa và nghệ thuật đã ban hành trước đó 1 năm. Qua 50 năm thực hiện CNVH, dù mục tiêu của từng thời kỳ thay đổi theo hoàn cảnh đất nước nhưng định hướng xuyên suốt chính sách phát triển CNVH của Hàn Quốc là: Xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc; Phát triển văn hóa, nghệ thuật; Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân và thúc đẩy các ngành CNVH phát triển.

   Không chỉ là định hướng mà bằng hành động từ những chủ thể cụ thể, tất cả hướng tới mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành cường quốc phát triển về CNVH và quảng bá rộng rãi hình ảnh Hàn Quốc ra thế giới. Thực hiện mục tiêu phát triển CNVH, Chính phủ Hàn Quốc với vai trò “Chính phủ kiến tạo”, “Chính phủ tương lai” đã ban hành chính sách phát triển CNVH như: Hàn Quốc sáng tạo (Creative Korea) (2004); Kế hoạch phát triển nghệ thuật trung hạn và dài hạn “Sức mạnh của nghệ thuật” (2004); C-Korea 2010... thể hiện tầm nhìn dài hạn của Chiến lược phát triển CNVH. Theo đúng tinh thần văn hóa là nền tảng, du lịch, thể thao và giải trí là động lực thúc đẩy kinh tế, là cội nguồn của sức mạnh quốc gia.

   Sau 40 năm thực hiện Chiến lược phát triển CNVH, từ tháng 6/2013 Chính phủ Hàn Quốc chính thức trở thành trung tâm điều phối thực hiện Kế hoạch hành động xây dựng hệ sinh thái CNVH tập trung vào ba mục tiêu: Tạo việc làm mới và thị trường mới thông qua sáng tạo và đổi mới; Khẳng định “sức mạnh mềm” Hàn Quốc thông qua lãnh đạo, dẫn dắt xu thế phát triển toàn cầu từ ảnh hưởng thành tựu kinh tế sáng tạo; Xây dựng một xã hội ưu việt nơi sáng tạo được tôn vinh và là động lực của sự phát triển.

   Thực hiện Kế hoạch này, Hàn Quốc đã thành lập 20 hiệp hội, liên đoàn các ngành CNVH, trung tâm sáng tạo và bản quyền, các cơ quan kết nối, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển CNVH. Bên cạnh thành lập các hiệp hội, trung tâm văn hóa có thực chất, thực sự là chủ thể của hệ thống cơ sở hạ tầng được cải tạo và nâng cấp, tạo ra nhiều trung tâm biểu diễn văn hóa, đảm bảo điều kiện vật chất cho hoạt động, sự kiện biểu diễn và quảng bá, thúc đẩy văn hóa, nghệ thuật... Các hoạt động phong phú và có tính chuyên nghiệp - cộng đồng này thực hiện bởi các quỹ văn hóa, nghệ thuật được Chính phủ Hàn Quốc huy động theo nguyên tắc “Đồng quản lý” và áp dụng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư cho ngành công nghiệp truyền thông và sáng tạo; đặc biệt là khai thác mạng xã hội và các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến... tất cả đã tạo ra nguồn lực xây dựng và phát triển CNVH ở Hàn Quốc đáng để các nước học tập. Làm nòng cốt và tiêu biểu cho các hoạt động này có Trung tâm Sáng tạo nội dung Hàn Quốc (Korea Creative Content Agency - KOCCA), Viện Chính phủ Tương lai (Korea Institute for Future Government - KIFG), Đại học Yonsei...

   Bên cạnh Chiến lược phát triển CNVH dài hạn, Hàn Quốc còn thực hiện chính sách hợp tác quốc tế về văn hóa, mở rộng mạng lưới và hỗ trợ hoạt động các trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại nước ngoài, quỹ trao đổi, giao lưu văn hoá Hàn Quốc và các nước với 32 trung tâm văn hóa tại 28 nước Á - Phi - Âu và Mĩ Latinh để quảng bá Hallyu. Trong quá trình phát triển CNVH, Hàn Quốc quan tâm đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với UNESCO, qua đó giúp lan tỏa ảnh hưởng của Hàn Quốc ra toàn thế giới. Đến đầu những năm 2000, Chiến lược phát triển CNVH ở Hàn Quốc đã tạo nên làn sóng Hallyu phủ khắp châu Á với các bộ phim truyền hình cuốn hút khán giả, các nhóm nhạc K-pop như BTS, BlackPink... tạo tiếng vang lớn trên thị trường âm nhạc thế giới. Điểm đáng quan tâm là CNVH ở Hàn Quốc không chỉ có văn hoá, nghệ thuật đương đại mà còn đưa giới trẻ, người dân trong và ngoài nước đến với văn hoá truyền thống qua các kênh ẩm thực (Kimchi...), trang phục (Hanbok...), từ đó CNVH ở Hàn Quốc đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới, doanh thu CNVH Hàn Quốc chỉ riêng xuất khẩu văn hóa vượt qua các sản phẩm công nghiệp truyền thống như thiết bị gia dụng, xe điện và màn hình tivi... Có thể khẳng định, CNVH Hàn Quốc đã thực hiện tốt vai trò “sức mạnh mềm”, mở đường và dẫn dắt các ngành công nghiệp truyền thống phát triển từ nội địa đến thâm nhập thị trường nước ngoài.

   2. Chiến lược công nghiệp văn hóa - trụ cột kinh tế và quảng bá văn hóa Nhật Bản ra thế giới

   Tương tự cách tiếp cận như Hàn Quốc nhưng Nhật Bản với cách làm riêng, thông qua CNVH đã sớm trở thành là một nước tạo nên ảnh hưởng từ “sức mạnh mềm” văn hóa khắp thế giới. Từ cuối thế kỷ XX, Nhật Bản đã định hướng phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên văn hóa và thực hiện chủ trương đưa CNVH trở thành mũi nhọn của nền kinh tế. Với chủ trương đó, năm 2007 Chính phủ Nhật Bản ban hành Chiến lược CNVH với quan điểm xây dựng CNVH thành một trụ cột kinh tế và quảng bá văn hóa Nhật Bản trên toàn thế giới.

   Chiến lược này được khởi đầu bằng Kế hoạch tăng trưởng công nghiệp giải trí triển khai từ năm 2010, cũng trong năm này, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công bố Chương trình hướng tới sự phát triển CNVH, một cường quốc CNVH: vai trò lãnh đạo của CNVH, xác định ba mục tiêu của CNVH Nhật Bản thế kỷ XXI: Nhật Bản trở thành cường quốc CNVH; Đưa CNVH cùng với công nghiệp chế tạo ô tô và công nghiệp điện tử trở thành một ngành công nghiệp trụ cột của nền kinh tế; Đẩy mạnh vai trò “sức mạnh mềm” của CNVH trong quá trình phát triển đất nước.

   Để đạt được ba mục tiêu trên, chính sách CNVH Nhật Bản đã tập trung vào: Đào tạo nhân lực cho ngành CNVH; Mở rộng thị trường nước ngoài, chống vi phạm Luật Bản quyền; Cải cách cơ cấu thị trường trong nước, khai mở những lĩnh vực mới; Hiện đại hóa các ngành CNVH. Chiến lược này được thực hiện thí điểm ở Tokyo và định kỳ tháng 10 hằng năm tổ chức festival quốc tế Nhật Bản về Manga và Anime.


GS Shimizu Masaaki (bên trái), TS Izawa Ryosuke - Trường Cao đẳng Shiga, Nhật Bản (bên phải) trao đổi chuyên đề CNVH Nhật Bản và các sản phẩm CNVH Bến Tre trong tương lai. (Ảnh: Hồ Phong)

   Để thực hiện Chiến lược phát triển CNVH, Nhật Bản đã thực thi chính sách ngoại giao văn hóa theo đường lối quản lý văn hóa hướng tới xây dựng hình ảnh về một đất nước yêu chuộng hòa bình nhằm lấy lại lòng tin của thế giới sau đại bại của phát xít Nhật ở Thế chiến II và đất nước đang đứng trước sự khó khăn của các ngành công nghiệp truyền thống như: ô tô, điện tử… Nhật Bản dùng CNVH thu hút thị trường nước ngoài, giao Bộ Văn hóa, Giáo dục, Quỹ Giao lưu văn hóa Nhật Bản (Japan Foundation), Tổ chức Xúc tiến thương mại hải ngoại (JETRO), Đại sứ quán Nhật Bản ở các nước thực hiện nhiệm vụ phát triển CNVH như:

   - Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội... tổ chức hoạt động văn hóa Nhật Bản ở nước ngoài. Tổ chức Lễ hội công nghiệp nội dung số (Content Festival), Lễ hội phim hoạt hình (Anime Festival), Lễ hội quốc tế trò chơi (Game Festival), Lễ hội quốc tế truyện tranh (Manga Festival), Lễ hội quốc tế Cosplay, Franse Japan EXPO... tổ chức các sự kiện: “Sức hút Nhật Bản”, “Đại sứ văn hóa”... nhằm quảng bá CNVH Nhật Bản đến các nước.

   - Hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều tra, cung cấp thông tin thị trường các nước một cách chi tiết, cụ thể.

   - Tích lũy và chia sẻ những hiểu biết và thúc đẩy hợp tác sản xuất với các nước trong khu vực châu Á. Hằng năm, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức diễn đàn hợp tác phát triển công nghiệp giải trí giữa ba nước Nhật - Trung - Hàn; tổ chức cuộc thi sáng tác truyện tranh, phim hoạt hình... dành cho người nước ngoài.

   - Cung cấp nhân lực và nguồn vốn cho sự nghiệp phát triển thị trường nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản khuyến khích xuất khẩu sản phẩm CNVH sang các nước châu Á. Năm 2002, Hội đồng Chiến lược về sở hữu trí tuệ trực thuộc Văn phòng Bộ trưởng thành lập nhằm thúc đẩy thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm cấp bằng công nghệ sáng chế, thiết kế, phim ảnh và phần mềm video game... Tháng 8/2002, Nhật Bản thành lập Tổ chức xúc tiến lưu thông sản phẩm giải trí ở nước ngoài (CODA) bao gồm 19 tổ chức, đoàn thể liên quan đến ngành công nghiệp giải trí, CODA đã đưa ra Ký hiệu lưu thông sản phẩm giải trí nước ngoài (CJ mark), tiến hành điều tra xuất bản lậu các sản phẩm công nghiệp giải trí của Nhật Bản ở các nước. Tháng 7/2005, Thủ tướng Nhật Bản Koizumi đề xuất “Điều ước phòng chống việc khuếch tán sao chép, mô phỏng lậu ở nước ngoài” nhằm đưa ra một khung hợp tác quốc tế, thúc đẩy thực thi luật “quyền tài sản tri thức”, hiện đã có 12 nước đã đàm phán và ký kết Điều ước này.

   CNVH đã đóng góp quan trọng trong quá trình thực hiện ngoại giao văn hóa của Nhật Bản, tạo ra hình ảnh một đất nước hòa bình và hướng đến mục tiêu duy nhất là thịnh vượng về kinh tế. Với ưu tiên phát triển CNVH vì đại chúng và tăng cường giao lưu văn hóa - phát huy triết lý cộng sinh, Nhật Bản triển khai CNVH trên nhiều lĩnh vực: văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, du lịch, ẩm thực… với mục tiêu phổ truyền các giá trị và lý tưởng “kiểu Nhật”.

   Điểm nhấn phát triển CNVH Nhật Bản là chiến dịch Cool Japan – 2011, Cool Japan được triển khai theo một cơ chế riêng, dưới sự chỉ đạo của một Bộ trưởng do Văn phòng Nội các Nhật Bản chỉ định để đảm bảo khả năng điều phối chính sách giữa các cơ quan chính phủ phục vụ phát triển CNVH.

   Sau hai năm khởi động Chiến dịch Cool Japan, Quỹ Cool Japan được thành lập nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư thúc đẩy kích cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ của CNVH Nhật Bản. Ngân sách nhà nước dành cho Cool Japan Fund đã trực tiếp đầu tư 50 dự án CNVH, tham gia xuất khẩu sản phẩm văn hóa mới như truyện tranh Manga và các bộ phim hoạt hình Anime Nhật Bản... ra nước ngoài. Khai thác thành công CNVH qua các họa tiết đa chiều và cách kể chuyện ấn tượng, Anime và Manga thu hút sự chú ý từ thị trường nước ngoài, tạo nên dòng “Nhật lưu” Cosplay ở nhiều nước, với Việt Nam là truyện Doremon, đặc biệt ở Ấn Độ nhờ hiệu ứng từ kỹ thuật hóa trang truyền thống với nét tương đồng các lễ hội Ấn Độ. Anime đã tạo ra bước đột phá khi được tiếp biến sáng tạo qua kênh CNVH trên các nền tảng có bản quyền từ internet, giúp doanh thu từ thị trường nước ngoài tăng gấp đôi sau 10 năm. Không chỉ có truyện tranh, phim ảnh, Chiến dịch Cool Japan còn đưa văn hóa ẩm thực Nhật Bản ra nước ngoài với nhiều món ăn phong phú như Sushi, Tempura, Izakaya, Kaiseki... Một biểu tượng sinh động của CNVH Nhật Bản là Super Mario, tại lễ bế mạc Olympic Rio 2016, Thủ tướng Nhật Bản đại diện nước chủ nhà của Olympic 2020 đã bất ngờ xuất hiện với bộ trang phục của nhân vật trò chơi điện tử huyền thoại này. Đây được xem là biểu tượng xuất khẩu văn hóa lớn nhất của Nhật Bản tạo ra dư chấn siêu lợi nhuận khi phát triển CNVH.

   Theo các chuyên gia Nhật Bản, thành công trong phát triển CNVH Nhật Bản có thể khái quát qua một số bài học sau:

   - Giáo dục văn hóa, nghệ thuật có vai trò quan trọng trong phát triển CNVH vì là cội nguồn của ý tưởng sáng tạo. Giáo dục văn hóa, nghệ thuật tạo nền móng, cung cấp phương pháp luận và kỹ năng cần thiết để nghệ sĩ phát huy, phát triển tài năng sáng tạo. Giáo dục có vai trò quan trọng khuyến khích hình thành ý tưởng sáng tạo ở học sinh. Nền giáo dục Nhật Bản đã thực sự tạo điều kiện cho học sinh phát huy tiềm năng bản thân đưa ra ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển CNVH.

   - Chính quyền phải tạo mọi điều kiện giúp công dân có cơ hội tiếp xúc, hưởng thụ CNVH, nguyên tắc căn bản nhất trong chính sách văn hóa của Chính phủ Nhật Bản là: CNVH do người dân sáng tạo ra, chính sách văn hóa là tạo môi trường để mọi người dân đều có quyền tham gia hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Trong Luật Cơ bản khuyến khích văn hóa nghệ thuật năm 2001 có riêng một chương quy định quyền hưởng thụ văn hóa của người dân. Chính phủ Nhật Bản xây dựng nhiều nhà văn hóa, nhà hát công cộng; áp dụng chính sách miễn phí vé tham quan bảo tàng; quy định kênh truyền hình miễn phí... Khuyến khích mọi người dân tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa; hỗ trợ tổ chức các lễ hội văn hóa bản địa... Hỗ trợ các nghệ sĩ và nhóm biểu diễn nghệ thuật biểu diễn phục vụ trong các nhà trường, trại dưỡng lão, phục vụ người tàn tật, trẻ mồ côi...

   - Tăng cường thực thi luật bản quyền, chống sao chép bất hợp pháp cả trong và ngoài nước. Đảm bảo sản phẩm CNVH Nhật Bản được bảo vệ bởi các văn bản chế định có tính pháp lý cao về quyền kiểu dáng công nghiệp, Luật Bản quyền, Luật Sáng tác, Luật Sao chép và lưu hành trong thời đại kỷ nguyên số. Cách đây 21 năm, ngày 4/6/2004, Nhật Bản đã công bố “Luật liên quan đến xúc tiến hoạt động và bảo hộ sự nghiệp sáng tạo văn hóa giải trí” nhằm tăng cường quản lý sản phẩm văn hóa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sử dụng, tác giả và người có quyền sở hữu. Đây là “Bộ luật cơ bản về tài sản trí tuệ”, quy định quyền được phép sao chép, sử dụng, quyền nhãn hiệu, quyền tác giả...

   - Đưa công nghiệp nội dung số (công nghiệp content) thành ngành CNVH mũi nhọn, khẳng định “công nghiệp nội dung số là vua” (Content is King), ghi nhận vai trò, ý nghĩa văn hóa và kinh tế của công nghiệp nội dung số. Xem công nghiệp nội dung số là trụ cột, là ngành mũi nhọn không chỉ của CNVH mà của cả nền kinh tế Nhật Bản. Công nghiệp nội dung số của Nhật bao gồm những ngành chính: công nghiệp Anime, công nghiệp xuất bản (mũi nhọn là Manga), trò chơi (game), game show truyền hình, điện ảnh, âm nhạc... là những ngành thuộc văn hóa đại chúng. Hoạt động giao lưu văn hóa đại chúng tuy không do Chính phủ quản lý, nhưng các thông điệp về văn hóa, con người, đất nước... qua công nghiệp nội dung số được chuyển tải một cách tự nhiên và hiệu quả đến nhân dân các nước.

   - Thành công của CNVH Nhật Bản, đỉnh cao là hai ngành Manga và Anime có được do Nhật Bản đã quan tâm đầu tư sau khi xác định được những yếu tố cốt lõi để phát triển CNVH: Có khả năng hỗ trợ cho các ngành công nghiệp khác; Có năng lực cạnh tranh quốc tế; Có sức mạnh khai phá thị trường mới nước ngoài; Chứa đựng yếu tố toàn cầu hóa; Là nguồn lực của “sức mạnh mềm quốc gia”. Công nghiệp nội dung số có đối tượng phục vụ chính là thanh, thiếu niên – bộ phận có ý thức tôn giáo, chính trị chưa cao trong xã hội. Chính vì vậy, từ những năm đầu thế kỷ XXI, hai ngành Manga và Anime được chọn là ngành mở đường cho các sản phẩm CNVH khác phát triển và duy trì ở trong nước, qua kênh giới trẻ lan tỏa hiệu ứng ra thị trường nước ngoài.

   - Mô hình hợp tác, liên kết quảng bá sản phẩm CNVH: trong các chính sách, chiến lược phát triển CNVH ở Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến xác lập mô hình liên kết: lĩnh vực với lĩnh vực, công dân với công dân, địa phương với địa phương, Chính phủ với Chính phủ. Việc liên kết các lĩnh vực, liên kết các cơ quan bộ, ngành được phối hợp rất chặt chẽ. Tháng 6/2010, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản xây dựng Phòng ấn tượng Nhật Bản nhằm phát triển CNVH Nhật Bản ra nước ngoài. Phòng ấn tượng Nhật Bản được xây dựng dựa trên ý tưởng của các dự án về chấn hưng ngành CNVH Nhật Bản. Đồng loạt mở các chiến dịch quảng bá văn hóa ẩm thực; chiến dịch thu hút khách du lịch đến Nhật Bản: các tour du lịch đến Nhật Bản không chỉ có tham quan danh lam thắng cảnh, đền chùa... như trước mà còn mở rộng đến tất cả các lĩnh vực như tour du lịch ẩm thực, du lịch Anime, du lịch Manga, du lịch Cosplay...; chiến dịch lễ hội văn hóa và giáo dục được thực hiện bởi các trường đại học và các cơ quan văn hóa như Cục Văn hóa Tokyo và Cục Tự trị địa phương (phụ trách văn hóa các địa phương). CNVH ở Nhật Bản được tạo dựng từ những mô hình liên kết chặt chẽ, khai thác tối đa mọi ưu thế của văn hóa.

   3. Giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh từ câu chuyện ở Hàn Quốc và Nhật Bản

   CNVH diễn ra mạnh mẽ ở các đô thị, nơi có cơ sở hoạt động văn hóa - xã hội dồi dào, khả năng chi trả cũng như nhu cầu thụ hưởng của người dân đô thị tương đối cao. Chính vì vậy, CNVH là bộ phận kinh tế quan trọng của các thành phố lớn1. Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, phát triển CNVH ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo đột phá phát triển kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo. CNVH cung cấp cơ hội, truyền cảm hứng sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. CNVH sẽ đưa đến sự thay đối cơ cấu các ngành có liên quan, tiếp đó là sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế. Sự xuất hiện các trung tâm sản xuất CNVH làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế. Cơ cấu thành phần kinh tế có sự chuyển dịch thích hợp gắn với quá trình chuyển đổi mô hình các đơn vị sự nghiệp văn hóa, cũng như sự xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp trên lĩnh vực văn hóa, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

   Phát triển CNVH là con đường thúc đẩy sự “tiến bộ và phồn vinh của văn hóa dân tộc”. Thông qua ngành CNVH, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận được các sản phẩm văn hóa có chất lượng công nghệ cao của thế giới đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và giao lưu văn hóa của công chúng, góp phần nâng cao dân trí. Những sản phẩm CNVH mang trong mình chức năng của văn hóa như nhận thức, giáo dục, giải trí. Ngành CNVH tạo cơ hội học tập cho nhiều người, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa vùng ngoại thành và nội đô.

   Phát triển CNVH theo các chuyên gia Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tạo ra cơ sở to lớn và bền vững cho sự phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Các giá trị văn hóa đặc sắc của Thành phố mang tên Bác sẽ được khai thác hiệu quả trong nền kinh tế thị trường, tạo thêm nguồn lực tái đầu tư phát triển văn hóa. Phát triển CNVH không đơn thuần chỉ là mục tiêu và là động lực phát triển kinh tế mà CNVH được coi là một ngành sản xuất, lực lượng sản xuất văn hóa, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần cao đẹp cho xã hội, thỏa mãn nhu cầu văn hóa ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo ra sự phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh. Từ câu chuyện phát triển CNVH của Hàn Quốc và Nhật Bản tham khảo, vận dụng vào công cuộc xây dựng và phát triển CNVH ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi để xuất các giải pháp sau:

   Thứ nhất, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030 một cách có trọng tâm, trọng điểm. Quá trình này sẽ đưa CNVH trở thành một tài sản chiến lược, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố tính độc đáo của Thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình thực hiện Đề án phải chuyển tải được thông điệp CNVH đóng vai trò then chốt hỗ trợ người dân thành phố tận dụng cơ sở hạ tầng thông tin của kỷ nguyên số làm phong phú và đậm đà bản sắc văn hóa, tạo nên sắc thái văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh từ những giá trị di sản văn hóa đặc trưng với những mô hình sáng tạo khởi nghiệp mới.

   Thứ hai, bằng thành tố then chốt là vốn văn hóa quý giá và tinh thần văn hóa sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh, có chính sách, cơ chế để CNVH thực sự là công cụ hữu hiệu thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới kinh tế, biến văn hóa trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh, giúp Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng được một nền kinh tế - văn hóa có hàm lượng khoa học cao, tạo nền tảng cho nền kinh tế sáng tạo thích ứng với kỷ nguyên số bao gồm các lĩnh vực có giá trị kinh tế cao như du lịch di sản và du lịch sông nước, công nghệ sinh học... Những tiến bộ về hệ thống quản trị, công nghệ mới, nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực và môi trường hỗ trợ nói chung đem đến từ CNVH phải làm gia tăng hàm lượng khoa học trong sản xuất và dịch vụ, đem lại sự tự tin và phát huy “văn hóa sáng tạo” trong kinh doanh, xây dựng văn minh đô thị, phát triển du lịch. Đồng thời tạo ra những tác động tích cực từ lĩnh vực khoa học, “văn hóa sáng tạo” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội thông qua CNVH.

   Thứ ba, CNVH không chỉ giúp củng cố văn minh đô thị mà còn thúc đẩy gia tăng hàm lượng khoa học trong sản xuất kinh doanh, huy động sự tham gia tích cực của người dân, các nhóm cộng đồng tham gia hoạt động khoa học và “văn hóa sáng tạo”, cung cấp những cơ hội mới nâng cao hàm lượng khoa học và “văn hóa sáng tạo” trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kỷ nguyên số thông qua phát triển tài năng và tạo công ăn việc làm bền vững, gia tăng thu nhập của người dân, thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn, hình thành các khu vực sáng tạo trong các làng nghề truyền thống, tăng cường các thiết chế văn hóa - xã hội và giáo dục nâng dần hàm lượng khoa học trong sản xuất kinh doanh, chất văn hóa từ khu vực đô thị lẫn nông thôn. CNVH là kênh động lực để Thành phố thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số bao gồm: chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu; xây dựng nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; phát triển nguồn nhân lực.

   Thứ tư, CNVH tạo ra “tác động lan tỏa”, các ngành CNVH năng động và vững mạnh sẽ nâng cao chất lượng của hàm lượng khoa học và văn hóa sáng tạo trong sản xuất kinh doanh và hình ảnh của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: ngành thiết kế phát triển sẽ thúc đẩy năng lực cạnh tranh, cải tiến thương hiệu cho các lĩnh vực dịch vụ và sản xuất, phát triển lĩnh vực kỹ thuật số sẽ mở ra các thị trường quốc tế mới cho du lịch văn hóa (các dự án, chương trình CNVH: phim ảnh, sân khấu, âm nhạc, hội họa, xuất bản... về các danh nhân văn hóa như Nguyễn Đình Chiểu, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Khê, Đức giáo tông Nguyễn Ngọc Tương... qua mối liên hệ với các thế hệ hậu duệ của danh nhân theo tinh thần về với “cội nguồn”; khai thác nguồn tài liệu cổ đang lưu giữ trong dân gian, các câu chuyện, ký ức lịch sử từ hệ thống di sản, làng nghề, cây cổ thụ, cây di sản trên địa bàn Thành phố).

   Thứ năm, thực tiễn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở Thành phố cho thấy: quá trình nâng cao hàm lượng khoa học, văn hóa sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, sự phát triển của khoa học công nghệ và văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện còn nhiều bất cập2: hoạt động khoa học kỹ thuật, văn hóa còn phụ thuộc vào sự bao cấp của Nhà nước; chưa biết cách huy động các nguồn lực trong xã hội; các kỹ năng quản lý, tổ chức sản xuất và kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, văn hóa, du lịch; tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển du lịch văn hóa còn nhiều hạn chế. Chính quyền, cơ quan chức năng các cấp, nhất là cấp xã, phường, thị trấn chưa quan tâm đúng mức vai trò của khoa học, văn hóa, thị trường khoa học công nghệ và sự ứng dụng để gia tăng hàm lượng khoa học; hoạt động có tính “cầm chừng” còn thiếu sức sáng tạo, chưa tiếp cận các kỹ năng và chuyên môn phù hợp để thích ứng và vận hành hiệu quả các mô hình tổ chức quản trị và kinh doanh theo tinh thần “văn hóa sáng tạo”.

    Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố, phát triển các ngành CNVH là một trong những bước đi đột phá gia tăng hàm lượng khoa học, biến khát vọng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh – “Hòn ngọc Viễn Đông” thành hiện thực. Đây chính là thời cơ lớn để Thành phố thực hiện CNVH, biến khoa học công nghệ và văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy gia tăng hàm lượng khoa học trong phát triển đời sống xã hội. CNVH đem lại những giá trị trực tiếp và gián tiếp: tạo ra cơ hội công ăn việc làm mới, thúc đẩy tiến trình cải tiến sản xuất, kinh doanh, mở ra những thị trường mới cho các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo thông qua văn hóa. Chính CNVH trụ cột sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực với sức lan tỏa và kết nối với toàn cầu, làm gia tăng hàm lượng khoa học, vốn văn hóa truyền thống của Thành phố Hồ Chí Minh, khai thông và phát triển năng lực thích ứng nhanh nhạy và bền bỉ, lao động sáng tạo của người dân Thành phố Hồ Chí Minh tài năng, thanh lịch, nghĩa tình.

   Để thực hiện các giải pháp trên, chúng tôi có những khuyến nghị sau:

   Thứ nhất, chính quyền các cấp của Thành phố, từ cấp xã, phường phải là “chính quyền kiến tạo”, có tầm nhìn dài hạn, coi trọng giáo dục và nhận thức được sức mạnh của sáng tạo và “văn hóa sáng tạo” - nền tảng của CNVH, thực hành “văn hóa sáng tạo” trong vận hành bộ máy hành chính, quản trị xã hội. Thành phố cần xác định sáng tạo là phẩm chất quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo và là phương tiện phát triển CNVH, giúp tăng trưởng kinh tế. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi quy tụ các chuyên gia, nhà quản lý, lực lượng lao động tâm huyết, thuộc hàng tinh hoa của khu vực, nếu Thành phố khai thác kinh nghiệm điều hành từ Chính phủ Thông minh, Chính phủ Tương lai của Hàn Quốc sẽ xây dựng CNVH trở thành trụ cột phát triển của Thành phố. Khi Thành phố có “chính quyền kiến tạo” mới có thể thực hiện phương châm đa dạng, hòa nhập và phương pháp tiếp cận từ dưới lên trong điều hành, quản trị xã hội. Từ đó tăng cường sức sống, tính tương tác và học hỏi, đảm bảo sự đa dạng về văn hóa để sáng tạo, cởi mở tư duy và khả năng lắng nghe, tiếp thu. Tuy nhiên, sự đa dạng về văn hóa vẫn chưa đủ, chính quyền Thành phố còn cần phải khuyến khích người dân thực hiện khả năng sáng tạo.

   Thứ hai, nhận thức đầy đủ phát triển CNVH trong mối tương quan với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Di sản văn hóa Thành phố được bảo tồn theo cách tiếp cận “mở”, không phải bằng mọi giá “đóng cửa”, giữ nguyên trạng một cách máy móc mà phải được bảo tồn dựa trên nền tảng lý thuyết “sáng tạo truyền thống”3 để di sản văn hóa của Thành phố luôn sống cùng thời đại, hồi sinh bằng sự sáng tạo. Di sản văn hóa là một “lợi thế sẵn có” của Thành phố Hồ Chí Minh, sự sáng tạo thể hiện thông qua sự độc đáo của di sản văn hóa – nơi hội tụ và thăng hoa những bản sắc văn hóa đặc sắc của Nam Bộ. Dự án sách quốc tế Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên – Tác giả Nguyễn Đình Chiểu song ngữ Việt – Hàn do TS Jang Jin kết nối thực hiện năm 2022 là một ví dụ tốt cho Thành phố tham khảo khi triển khai CNVH kết nối với Hàn Quốc.

   Thứ ba, đối với Thành phố Hồ Chí Minh, cần quan tâm xác định CNVH là mũi đột phá thứ hai bên cạnh các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp truyền thống mà Thành phố Hồ Chí Minh được xem là trung tâm với các khu công nghiệp lớn khi triển khai thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội là phải tiếp cận và thực hành trong môi trường văn hóa sáng tạo.

   Vấn đề đặt ra cho CNVH Thành phố là cần bao trùm các lĩnh vực sử dụng năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa, kết hợp chặt chẽ với ứng dụng công nghệ và kỹ năng kinh doanh tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu của người dân Thành phố và xuất khẩu văn hóa. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh phải là địa phương tiên phong phát triển CNVH ở Việt Nam với 13 lĩnh vực: 1) Du lịch văn hóa, 2) Điện ảnh, 3) Âm nhạc, 4) Nghệ thuật biểu diễn, 5) Nghệ thuật thị giác, 6) Truyền hình và phát thanh, 7) Xuất bản, 8) Quảng cáo và truyền thông, 9) Phần mềm và các trò chơi giải trí, 10) Thiết kế, 11) Kiến trúc, 12) Thủ công và 13) Thời trang. Với đặc điểm bao quát các lĩnh vực đời sống xã hội, CNVH có thế mạnh không gì thay thế trong quá trình nâng cao hàm lượng khoa học phục vụ sản xuất kinh doanh, hoạt động làng nghề truyền thống, tạo tiền đề để Thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; từ đó đẩy mạnh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Thành phố Hồ Chí Minh - vùng đất có nguồn tài nguyên nhân văn phong phú, người dân khéo tay cần cù, sáng tạo với dấu ấn khác biệt Thành phố Hồ Chí Minh – Nam Bộ qua kênh CNVH.

   4. Kết luận

   Thành phố Hồ Chí Minh có thời cơ lẫn thách thức lớn khi phát triển CNVH, nếu tiếp cận qua kênh động lực “văn hóa sáng tạo”, Thành phố sẽ vượt qua thách thức, tận dụng được thời cơ, bởi Thành phố Hồ Chí Minh từ xưa đến nay là một trục vận động và phát triển của đất nước, là nơi tập hợp đông đảo nguồn lực, tài sản trí tuệ của cả nước hoạt động trên các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển CNVH. Với hệ thống các khu nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, các làng nghề, di tích lịch sử - văn hóa, bảo tàng, điều kiện thuận lợi trong giao thông, hợp tác phát triển Thành phố Hồ Chí Minh có thế mạnh rất đặc biệt trong việc tiếp nhận, phổ biến tri thức và công nghệ mới – những yếu tố quan trọng nhất của CNVH. Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang sở hữu một tài nguyên văn hóa nhân văn vô giá của Nam Bộ, nơi sinh sống và dấn thân của những người con có tài năng, tri thức, có vốn sống, vốn văn hóa đa dạng, những chủ nhân của CNVH. Do đó, Thành phố cần nghiên cứu, cấu trúc, tích hợp sáng tạo đưa CNVH trở thành mũi nhọn. Với nguồn tài nguyên di sản văn hóa phong phú, Thành phố Hồ Chí Minh thông qua CNVH sẽ mở rộng cơ hội thực hiện các sáng kiến về sản phẩm và dịch vụ văn hóa, du lịch góp phần mở rộng hoạt động trao đổi học thuật và văn hóa – giáo dục quốc tế; xây dựng, mở rộng thị trường du lịch văn hóa từ CNVH.

   Vốn văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh đã được thừa nhận là nơi hội tụ khá căn bản và toàn diện văn hóa Nam Bộ, điều kiện để phát triển bền vững được gợi mở từ phát triển CNVH, Thành phố Hồ Chí Minh có thể sử dụng các tài sản văn hóa - khoa học, văn hóa sáng tạo như một động lực sáng tạo phát triển Thành phố trong bối cảnh mới; tạo ra dấu ấn riêng và lợi thế so sánh với các sản phẩm và dịch vụ qua kênh CNVH. Chính CNVH sẽ làm gia tăng hàm lượng khoa học, “văn hóa sáng tạo” đem lại diện mạo mới cho Thành phố Hồ Chí Minh sau 50 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

 

 

 

Chú thích:
1 Nguyễn Thị Kim Liên (2021), Phát triển công nghiệp văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 22.
2 Báo cáo Định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, triển khai Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030.
3 Lý thuyết của nhà sử học người Anh Eric Hobsbawm.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận