Khi đặt vấn đề công nghiệp hóa một ngành thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong nền văn hóa như nhiếp ảnh, chúng ta cần dựa trên nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa trong cả nước nói chung và những đặc thù của ngành văn học, nghệ thuật đó. Cụ thể, những nền tảng công nghiệp đó là: quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất, công cụ sản xuất, môi trường và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong hoạch định chủ trương và kế hoạch công nghiệp hóa nhiếp ảnh, chúng ta cần có những nhận định về trở ngại, thuận lợi và xây dựng mô hình của quá trình. Những nhận định đó có thể như sau:
1. Những trở ngại trong quá trình công nghiệp hóa nhiếp ảnh
Dựa trên hiện trạng hoạt động nhiếp ảnh nước ta hiện nay, hướng tới công nghiệp hóa, có thể thấy nhiếp ảnh có 5 yếu tố gây trở ngại chính như sau:
• Về quan hệ sản xuất trong nhiếp ảnh, cho đến nay vẫn là quan hệ cá nhân, không hình thành quan hệ “cứng” trên cơ sở pháp luật, không có tổ chức chặt giữa con người với con người, con người với tổ chức. Do vậy, trong quá trình công nghiệp hóa nhiếp ảnh hiện nay và trong tương lai gần chắc chắn sẽ không hình thành mô hình “cứng” kinh tế công nghiệp truyền thống như đối với một vài loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, biểu diễn, múa hay kiến trúc… Ở những loại hình này, lâu nay đã hình thành các hãng phim, công ty điện ảnh, đoàn nghệ thuật biểu diễn hay công ty kiến trúc… quy tụ nhiều nghệ sĩ và bộ máy chuyên môn phụ trợ sản xuất. Điều này trong nhiếp ảnh không có. Đây có thể được coi như một trở ngại khách quan có tính đặc thù ngành nghề của nhiếp ảnh.
• Lực lượng sản xuất trong nhiếp ảnh chủ yếu bao gồm những người cầm máy. Lực lượng này xưa nay không tập trung mà là hoạt động của những cá nhân, riêng lẻ. Sự hình thành tập thể tập trung nhiều người cùng “sản xuất” tác phẩm trong nhiếp ảnh là không có vì trong quá trình sáng tác, từng nghệ sĩ tạo ra tác phẩm riêng của mình. Trong thực tế cũng có những nhóm sáng tác hay làm dịch vụ đám cưới bao gồm người cầm máy, người mẫu, người phụ trách ánh sáng hay hóa trang nhưng không thể gọi là những tổ chức “cứng”. Các tác phẩm vốn dĩ không giống nhau mà phụ thuộc vào nhận thức, cảm nhận nghệ thuật, khả năng thể hiện và trang bị kỹ thuật của từng người. Tác phẩm là của riêng của người cầm máy và thông thường rất khác biệt nhau, theo nguyên tắc càng khác biệt nhau càng tốt. Điều này phụ thuộc vào khả năng sáng tạo của từng người cầm máy. Chính vì vậy, trong nhiếp ảnh không thể tập trung nhiều người. Theo đó sẽ tạo ra những sản phẩm ảnh không đồng nhất. Đây là một trong những trở ngại tự nhiên vì công nghiệp thường đòi hỏi sự thống nhất trong hoạt động, đồng nhất trong sản xuất và sản phẩm cần có số lượng lớn giống nhau để tạo hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, thói quen thủ công trong sáng tác, bảo quản, sử dụng cũng như khai thác kinh doanh mang tính cá nhân của người cầm máy lâu nay cũng là trở ngại cần khắc phục trong quá trình công nghiệp hóa nhiếp ảnh.
• Công cụ sản xuất sáng tạo sản phẩm nhiếp ảnh như máy ảnh, thiết bị phụ trợ, phần mềm cho đến nay hầu như toàn bộ đều nhập khẩu, phụ thuộc vào công nghệ và công nghiệp nước ngoài. Nước ta chưa có công nghiệp sản xuất trang thiết bị ngành ảnh cũng như các doanh nghiệp phần mềm chuyên dụng ngành ảnh. Song song với đó, chúng ta chưa có cơ sở hạ tầng nghiên cứu phát triển sản phẩm nhiếp ảnh. Do vậy, quá trình công nghiệp hóa nhiếp ảnh chắc chắn bị hạn chế phát triển và bị bó hẹp chỉ trong khai thác sử dụng. Điều này cũng tạo thêm một trở ngại trong công nghiệp hóa nhiếp ảnh.
• Kinh tế nhiếp ảnh hiện nay chủ yếu dựa trên nền tảng kinh tế cá nhân người cầm máy do đó mang tính chất nhỏ bé, tản mạn, phân tán. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nhiếp ảnh là thị trường phi tập trung, có quy mô rộng nhưng phân tán. Nguồn thu từ ngành ảnh chủ yếu là từ thuế thu nhập cá nhân qua mua bán trang thiết bị ngành ảnh, bản quyền ảnh, sử dụng với nhiều mục đích khác nhau hay đặc biệt để trưng bày, triển lãm. Nhiếp ảnh chưa hình thành như một khối kinh tế tập trung có tỉ trọng đáng kể trong nền kinh tế đất nước. Đây cũng là một yếu tố trở ngại đáng quan tâm trong hoạch định phát triển do khó thu hút đầu tư từ nguồn tài chính trong và ngoài nước.
• Dữ liệu ảnh từ trước đến nay cũng là một trong những nguồn tài nguyên của đất nước nhưng việc lưu trữ hình ảnh cho đến nay ngoài tại Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, còn lại phần lớn vẫn theo phương thức thủ công, phân tán do cá nhân tác giả thực hiện. Do đó, việc cần ưu tiên quan tâm thực hiện là tiếp cận các kho dữ liệu hình ảnh cá nhân để thu thập và tập trung vào trong kho dữ liệu của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam hay quốc gia. Điều này cũng dẫn đến việc chất lượng phần lớn hình ảnh được lưu giữ trong kho cá nhân bị suy giảm, hình ảnh bị hư hại, thất thoát qua năm tháng. Bên cạnh đó, việc truy cập, khai thác sử dụng hình ảnh từ các kho hình ảnh cá nhân rất khó khăn. Đây là một trong những trở ngại cơ bản trong quá trình công nghiệp hóa nhiếp ảnh. Điều này đòi hỏi việc bảo quản, lưu trữ và khai thác sử dụng hình ảnh cần sớm được các cơ quan quản lý ưu tiên thực hiện trong quá trình công nghiệp hóa.
Điểm qua những yếu tố đặc trưng, chúng ta có thể thấy những trở ngại, những điểm bất lợi nêu trên cần được cân nhắc, xem xét kỹ trong quá trình chọn lọc cách tiếp cận và tiến hành công nghiệp hóa nhiếp ảnh.
2. Những thuận lợi trong quá trình công nghiệp hóa nhiếp ảnh
Hiện nay, song song với tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật số có tính đến sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), nhu cầu về sản phẩm ảnh ngày càng cao, nhiếp ảnh sẽ có nhu cầu phát triển mạnh, có vị thế vững chắc trong nền kinh tế - xã hội cả về tầm và quy mô. Đó là tiền đề để công nghiệp hóa nhiếp ảnh. Cụ thể là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất trang thiết bị và phần mềm nhiếp ảnh, tập trung quản lý sản phẩm dữ liệu ảnh, có lực lượng sản xuất đông đảo và đóng góp về kinh tế cho đất nước ngày càng nhiều hơn. Trên cơ sở đó, có thể khẳng định công nghiệp hóa nhiếp ảnh là hoàn toàn có thể thực hiện được, dựa trên 6 yếu tố mang tính thuận lợi như sau:
• Công nghiệp văn hóa đang được Đảng và Nhà nước đề cao phát triển song song cùng với kinh tế cả nước. Chủ trương này tạo động lực cũng như môi trường phát triển cho các lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung, trong đó có nhiếp ảnh.
• Hiện nay thị trường và nhu cầu sử dụng hình ảnh phát triển ngày càng lớn. Đây là điều kiện nền tảng xác định sự cần thiết công nghiệp hóa nhiếp ảnh. Trong thời đại kinh tế văn hóa phát triển toàn diện như các lĩnh vực bất động sản, du lịch, thực phẩm… hay thông tin báo chí, truyền thông mạng, quảng cáo, trưng bày triển lãm đều sử dụng lượng hình ảnh rất lớn. Hơn thế nữa, nhu cầu hình ảnh ngày càng tăng do xu hướng xã hội hóa hoạt động nhiếp ảnh ngày càng rõ rệt và đóng góp phát triển lĩnh vực này ngày càng lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp. Nhu cầu sử dụng hình ảnh ngày càng cao đòi hỏi lượng ảnh sáng tác ngày càng nhiều hơn, cũng như việc sắp xếp, xử lý, chọn lọc và khai thác sử dụng hình ảnh chuyên nghiệp, mang tính công nghiệp hơn.
• Tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật số phát triển vượt bậc, hạ tầng môi trường nhiếp ảnh ngày càng hoàn thiện với máy ảnh kỹ thuật số cùng các thiết bị phụ trợ, mạng truyền tải ảnh tốc độ cao, kho dữ liệu ảnh khu vực và quốc gia đang được xây dựng và đưa vào khai thác trong tương lai không xa. Hiện tại, hai trung tâm dữ liệu lớn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (đặt tại Củ Chi) do Tập đoàn Viettel đầu tư đang được triển khai xây dựng, tạo hạ tầng thuận lợi cho công nghiệp hóa nhiếp ảnh.
Môi trường kỹ thuật cho nhiếp ảnh ngày càng được cải thiện, cụ thể là sự phát triển mạng internet 4G/ 5G và cả 6G trong tương lai. Internet vệ tinh cũng đang được Nhà nước xem xét trong việc thu hút đầu tư đưa vào khai thác sử dụng tại nước ta. Điều này cho phép kết nối, tập trung số lượng lớn người cầm máy trên mạng với các trung tâm dữ liệu mà không cần kết nối cơ học người với người trong mô hình công ty truyền thống như chúng ta suy nghĩ hiện nay.
• Đội ngũ người cầm máy ngày càng đông đảo do nhiếp ảnh đã và đang được phổ cập rộng rãi thông qua sử dụng điện thoại thông minh. Ngoài ra, qua hơn hai thập kỷ ứng dụng kỹ thuật số kể từ khi máy ảnh kỹ thuật số ra đời, nhiều người đã tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm sử dụng trang thiết bị cũng như khai thác phần mềm xử lý ảnh. Điều này tạo thuận lợi cho đội ngũ người cầm máy trong quá trình vươn lên làm chủ công nghiệp nhiếp ảnh ở tầm quốc tế, đặc biệt là lớp trẻ. Đội ngũ sáng tác ngày càng đông đảo với trình độ ngày càng cao, chuyên tâm hoạt động sáng tác nghệ thuật, sẽ tạo ra nhiều sản phẩm cho công nghiệp hóa nhiếp ảnh. Đây là thuận lợi lớn cho quá trình này. Trong tương lai, dữ liệu hình ảnh sẽ được tự động xử lý qua đường truyền và tại trung tâm dữ liệu.
• Kinh tế công nghiệp nhiếp ảnh sẽ được nâng cao để đóng góp cho đất nước nhờ quy định pháp luật và hệ thống thuế chặt chẽ qua những hợp đồng mua bán bản quyền, sử dụng ảnh nói chung, sử dụng ảnh để trưng bày, triển lãm, mua bán trang thiết bị và phần mềm nhiếp ảnh…
Hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện làm nền tảng kinh tế vững chắc cho quá trình công nghiệp hóa nhiếp ảnh như vấn đề bảo vệ bản quyền và quy định giá thành bán bản quyền, giá sử dụng trưng bày, triển lãm ảnh… Những quy định của Nhà nước như Nghị định 21/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về vấn đề trên đang được xem xét điều chỉnh sẽ củng cố nền tảng pháp lý cho hoạt động kinh tế của nhiếp ảnh trong quá trình công nghiệp hóa.
• Nhiếp ảnh là một trong những lĩnh vực văn hóa có thuận lợi lớn trong quá trình hội nhập quốc tế do đa số người cầm máy đều ít nhiều biết ngoại ngữ. Hơn nữa, nhiều người thường xuyên tham gia các cuộc thi ảnh quốc tế và cũng là thành viên của các tổ chức nhiếp ảnh thế giới như FIAP, PSA, IFS… Điều đáng mừng là lớp trẻ Việt Nam ham học hỏi, ưa thích nhiếp ảnh, chịu khó đầu tư mua sắm trang bị, thông minh và có khả năng cầm máy, có trình độ, kiến thức và tiếng Anh tốt. Đây là vốn quý và cũng là thuận lợi của nhiếp ảnh trong quá trình công nghiệp hóa vì quá trình này luôn gắn với hội nhập.
Với 6 yếu tố chính kể trên, quá trình công nghiệp hóa nhiếp ảnh có thể nói có những thuận lợi không nhỏ trong quá trình triển khai thời gian tới.
3. Mô hình phát triển nhiếp ảnh theo hướng công nghiệp hóa
Công nghiệp hóa nhiếp ảnh là xu hướng tất yếu trong chủ trương tiến hành công nghiệp văn hóa của Đảng và Nhà nước. Với những khó khăn, trở ngại và thuận lợi của hoạt động nhiếp ảnh hiện tại được phân tích ở trên, ta có thể xem xét đưa ra mô hình phát triển nhiếp ảnh theo hướng công nghiệp hóa với những định hướng như sau:
• Nâng cao vai trò và giá trị của nhiếp ảnh trong nền kinh tế và văn hóa xã hội thông qua những mục tiêu cụ thể. Bên cạnh thông tin, tuyên truyền trong đời sống xã hội văn hóa nghệ thuật, nhiếp ảnh cần được ứng dụng sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp, xã hội. Nhiếp ảnh cần mang lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực cho xã hội, đặc biệt là kinh tế. Trong thời gian gần đây, nhiều cuộc thi ảnh do các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản hay Vinfast tổ chức đã nói lên điều này. Nhìn nhận công nghiệp hóa nhiếp ảnh cần có quan niệm sâu và mở rộng hơn, nhất là trong kinh tế, công nghiệp. Đây cũng là khía cạnh mới cần lưu ý trong đánh giá vai trò và giá trị của nhiếp ảnh.

Đúc gang liên tục (Ảnh: Vũ Kim Khoa)
• Tạo dựng thị trường bền vững và tiên tiến tiêu thụ sản phẩm ảnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công nghiệp hóa nhiếp ảnh. Nếu như trước đây và ngay cả hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm ảnh chủ yếu là hoạt động giao dịch “thủ công” trực tiếp cá nhân với cá nhận, cá nhân với tập thể thì nay dịch vụ này sẽ chuyển sang loại hình dịch vụ giao dịch tự động. Chuyển sang mô hình công nghiệp hóa, đội ngũ người cầm máy được chuyên tâm sáng tác, bớt đi khâu vừa sản xuất vừa kinh doanh sản phẩm. Tất cả những hoạt động phụ trợ pháp lý bảo vệ bản quyền tác phẩm hay giao dịch thương mại, kinh doanh sản phẩm ảnh sẽ được phát triển song song trong quá trình công nghiệp hóa nhiếp ảnh.
• Chuyển mô hình quản lý dữ liệu hình ảnh thủ công do cá nhân thực hiện sang mô hình quản lý tập trung tại các trung tâm dữ liệu. Cụ thể, công nghiệp hóa nhiếp ảnh sẽ đặt ra việc chuyển đối tượng quản lý tập trung tác giả là chính sang quản lý sản phẩm hình ảnh (tác phẩm) là chính, đặc biệt khi tốc độ xử lý phân tích chọn lọc hình ảnh ngày càng yêu cầu cao hơn. Trong nhiếp ảnh, tác phẩm là tinh hoa, kết tinh của tinh thần, trí tuệ, khả năng nghệ thuật và năng lực sáng tác của người nghệ sĩ cầm máy. Chính vì vậy, tác phẩm cần là đối tượng quản lý chính thông qua việc mã hóa “định danh” tác giả và tác phẩm. Điều này cần đặt ra khi số lượng tác phẩm và tác giả ngày càng gia tăng đến mức không thể quản lý “thủ công cơ học” như trước. Trong thời đại kỹ thuật số, khi các tác giả trong thời gian ngắn có thể sáng tác cả ngàn tác phẩm thì các hệ thống máy tính trong các trung tâm dữ liệu cũng cho phép phân tích, xử lý lưu giữ tất cả hình ảnh. Đây là ưu thế tạo thuận lợi cho nhiếp ảnh trong quá trình công nghiệp hóa. Trên cơ sở đó, dữ liệu nhiếp ảnh có thể phục vụ nhiều dịch vụ, trong đó có những loại hình nghệ thuật được phép sử dụng AI như phim viễn tưởng, ảnh ý tưởng, ảnh quảng cáo… Việc ứng dụng hình ảnh trong quá trình sáng tạo các loại phim ảnh này cũng góp phần nâng cao giá trị công nghiệp hóa nhiếp ảnh.
Có thể nói công nghiệp hóa nhiếp ảnh sẽ nằm ở hai khâu cơ bản nhất: một là, đẩy mạnh sáng tác ảnh trong các lĩnh vực kinh tế và văn hóa nghệ thuật do đội ngũ cầm máy thực hiện; hai là, hoạt động phân tích xử lý, lưu giữ chọn lọc hình ảnh phục vụ khai thác kinh doanh tại các trung tâm dữ liệu. Với mô hình như vậy, có thể nói hoạt động của các tổ chức quản lý nhiếp ảnh của nhà nước hay xã hội, cộng đồng sẽ không có những thay đổi lớn so với hiện nay mà chỉ được tăng cường thêm năng lực, nâng cao thêm giá trị mà thôi.
• Do yêu cầu về hình ảnh ngày càng cao, người sử dụng máy ảnh ngày càng nhiều, dẫn đến nhu cầu sử dụng, mua bán trang thiết bị ngành ảnh ngày càng lớn. Đây là một trong những nhu cầu dẫn đến việc cần thiết xây dựng, phát triển công nghiệp sản xuất trang thiết bị ngành ảnh. Công nghiệp hóa nhiếp ảnh cần đặt mục tiêu xây dựng và phát triển công nghiệp sản xuất trang thiết bị, sáng tạo phần mềm xử lý ảnh trong nước. Đây là mục tiêu quan trọng cần được Nhà nước và các cơ quan quản lý quan tâm, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Đất nước Việt Nam rộng lớn với hơn một trăm triệu dân và nền kinh tế đang phát triển là thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm trang thiết bị, phần mềm nhiếp ảnh, chưa nói đến xuất khẩu. Nhiếp ảnh Việt Nam cần có một nền tảng “cứng” vững chắc, hơn là chỉ chú trọng sử dụng và phụ thuộc hoàn toàn vào công nghiệp nước ngoài.
• Công nghiệp hóa nhiếp ảnh cần gắn liền với mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế của một ngành nghệ thuật nhưng gắn chặt với kinh tế xã hội và đặc biệt với sản xuất kinh doanh ngành ảnh. Kinh tế nhiếp ảnh sẽ dựa trên những nguồn thu cơ bản: thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhận kinh doanh mua/ bán trang thiết bị và phần mềm ngành ảnh; thuế mua bán bản quyền tác phẩm ảnh và sử dụng hình ảnh trong thương mại, kể cả trong các cuộc trưng bày triển lãm; thuế quảng cáo sử dụng hình ảnh trên mạng; thuế thu nhập từ các giải thưởng nhiếp ảnh…
• Công nghiệp hóa nhiếp ảnh cần được triển khai song song với việc giáo dục, đào tạo thế hệ lao động và sáng tạo nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh là lĩnh vực văn học, nghệ thuật rất sát với xã hội và đời sống văn hóa con người nhưng dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật. Do vậy, công nghiệp hóa nhiếp ảnh cần luôn song hành với giáo dục nhiếp ảnh. Giáo dục nhiếp ảnh là giáo dục nhân sinh quan trong cuộc sống, giáo dục thẩm mĩ và kỹ năng kỹ thuật cho thế hệ trẻ ngay từ trên ghế nhà trường.
Công nghiệp hóa nhiếp ảnh là một quá trình dựa trên nền tảng kết hợp kinh tế, xã hội, kỹ thuật và văn hóa, nghệ thuật đang trên đà phát triển. Công cuộc này có thể kéo dài cả chục năm. Trong đó, thời gian kéo dài chủ yếu phụ thuộc vào việc xây dựng hạ tầng là các mạng truyền tải dữ liệu, trung tâm dữ liệu và công nghiệp sản xuất trang thiết bị ngành ảnh. Tuy không dễ dàng nhưng công nghiệp hóa nhiếp ảnh là quá trình tất yếu, nhất định sẽ hoàn thành.