KẾT NỐI VĂN HÓA: KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA CỦA HÀN QUỐC VÀ CƠ HỘI CHO VIỆT NAM

Bài viết làm rõ chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, mối liên kết thương mại văn hóa giữa Hàn Quốc và Việt Nam, đồng thời nhận diện thách thức và cơ hội để các công ty giải trí Việt Nam tận dụng nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong nước. Qua đó đưa ra khuyến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

 

   Làn sóng Hallyu và ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã tạo ra những thay đổi đáng kể đối với thị trường Việt Nam. Sự lan tỏa của các sản phẩm giải trí Hàn Quốc như phim, âm nhạc, chương trình truyền hình và các trò chơi đã thâm nhập sâu vào cuộc sống, không những thúc đẩy tiêu dùng văn hóa mà còn ảnh hưởng tới các ngành như du lịch, thương mại và đầu tư, tạo nên một ảnh hưởng toàn diện ở Việt Nam.

   Việt Nam giữ một vai trò không nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc. Qua việc nhập khẩu và tiêu thụ các sản phẩm văn hóa, Việt Nam không chỉ là thị trường mục tiêu mà còn là đối tác trong sản xuất và phân phối. Các công ty Việt Nam đã và đang hợp tác cùng các đối tác Hàn Quốc để cùng sản xuất và tăng cường năng lực phân phối, tiếp thị các sản phẩm này trong nước. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bao gồm khả năng tiếp cận và áp dụng công nghệ, các kỹ năng quản lý và sản xuất cùng sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước. Khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến và quản lý chất lượng sản phẩm, cùng với kỹ năng tiếp thị và phân phối, sẽ quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Bài viết này sẽ sử dụng lý thuyết chuỗi giá trị toàn cầu để cung cấp cái nhìn toàn diện về cách thức ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc tạo ra giá trị gia tăng cho Việt Nam thông qua phân tích vai trò và tác động của ngành công nghiệp này đối với thị trường Việt Nam, đồng thời làm nổi bật cách thức Việt Nam hội nhập và tận dụng các cơ hội từ chuỗi giá trị toàn cầu này.

   1. Chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc

   1.1. Lược sử quá trình chuyển đổi của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc thành chuỗi cung ứng toàn cầu

   Sự chuyển đổi của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc thành chuỗi cung ứng toàn cầu là một quá trình phát triển chiến lược được triển khai qua ba giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn đầu tiên, được gọi là Hallyu 1.0 (1995-2005), tập trung vào việc xuất khẩu các sản phẩm văn hóa truyền thống như phim truyền hình và điện ảnh, chủ yếu hướng đến thị trường châu Á thông qua kênh phân phối truyền thống như video, CD và truyền hình địa phương, với sự hỗ trợ từ cộng đồng người Hàn ở nước ngoài. Bước sang giai đoạn Hallyu 2.0 (2006-2018), ngành công nghiệp này đã có bước chuyển mình quan trọng khi tập trung phát triển K-pop và văn hóa thần tượng, đồng thời mở rộng phạm vi địa lý ra toàn châu Á, Bắc Mĩ và châu Âu. Đặc biệt, sự phát triển của internet và mạng xã hội đã tạo điều kiện cho việc quảng bá và phân phối nội dung một cách hiệu quả hơn, góp phần kéo dài thời gian ảnh hưởng của làn sóng Hallyu từ vài tháng lên đến vài năm. Giai đoạn Hallyu 3.0 (từ 2019 đến nay) đánh dấu sự chuyển đổi toàn diện của ngành công nghiệp này thành một chuỗi cung ứng toàn cầu với chiến lược đa dạng hóa và địa phương hóa rõ rệt. Các công ty giải trí hàng đầu như SM, JYP và HYBE đã phát triển các nhóm nhạc địa phương tại các thị trường trọng điểm: NCT WISH, NEXZ và &TEAM tại Nhật Bản; VCHA và KATSEYE tại Mĩ; WayV và Project C tại Trung Quốc. Song song với đó là việc xây dựng các nền tảng fan engagement số như Weverse (đạt 10.5 triệu người dùng hoạt động hàng tháng với 130 cộng đồng nghệ sĩ) và Bubble (74% người dùng quốc tế). Có thể nói chiến lược đa dạng hóa nguồn thu đã giúp ngành công nghiệp này tạo ra nhiều dòng doanh thu khác nhau: từ album vật lý và streaming (chiếm 25-35% doanh thu), concert và tour diễn quốc tế, merchandising và licensing, cho đến quảng cáo và nội dung số. Kết quả là quy mô thị trường đã đạt 3-4 nghìn tỉ won (2017), đóng góp 0.2% vào GDP Hàn Quốc. Về phân bổ doanh thu quốc tế, Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn nhất với 36%, tiếp theo là thị trường nội địa Hàn Quốc (26%), Nhật Bản (14%), Mĩ (7%), Đông Nam Á (5%) và châu Âu (4%).

   Sự thành công của quá trình chuyển đổi này có thể được quy bởi ba yếu tố chính: chiến lược địa phương hóa phù hợp với từng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối, tận dụng hiệu quả công nghệ số trong việc kết nối với người hâm mộ toàn cầu. Mô hình này không chỉ giúp ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc mở rộng phạm vi ảnh hưởng mà còn tạo ra một hệ sinh thái bền vững, có khả năng thích ứng với những thay đổi của thị trường toàn cầu. Điều này cũng cho thấy tiềm năng to lớn của việc chuyển đổi một ngành công nghiệp văn hóa địa phương thành một chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua chiến lược phát triển có hệ thống và bài bản.

   1.2. Hệ sinh thái trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc

   Chuỗi giá trị của ngành giải trí K-pop đã phát triển thành một hệ sinh thái phức tạp và đa dạng, thể hiện rõ qua hai nội dung chính trong chuỗi giá trị toàn cầu theo định nghĩa của Kaplinsky và Morris: “Chuỗi giá trị toàn cầu là một dây chuyền sản xuất kinh doanh theo phương thức toàn cầu hóa, trong đó có nhiều nước tham gia vào các công đoạn khác nhau từ thiết kế, chế tạo, tiếp thị đến phân phối và hỗ trợ người tiêu dùng”1.

   Khâu sản xuất nội dung, các công ty lớn như HYBE, SM và JYP đều xây dựng hệ thống đào tạo idol chuyên nghiệp với thời gian đào tạo trung bình 2-3 năm trước khi debut. Doanh thu từ album vật lý năm 2023 cho thấy vị thế dẫn đầu của HYBE với 974.2 tỉ won (chiếm 37.6% thị phần), theo sau là SM với 262.6 tỉ won (18.7%) và JYP với 274.2 tỉ won (14.7%). Về số lượng album bán ra, HYBE dẫn đầu với 43.4 triệu bản, SM đạt 21.5 triệu bản và JYP đạt 17.0 triệu bản.

   Tổ chức sản xuất và phân phối toàn cầu, các concert và tour diễn toàn cầu đang trở thành nguồn doanh thu quan trọng cho ngành công nghiệp K-pop, với HYBE đạt 361.8 tỉ won, SM đạt 108.3 tỉ won và JYP đạt 61.0 tỉ won trong năm 2023. Các tour diễn quy mô lớn như Blackpink World Tour thu hút 703,000 khán giả qua 29 show, TWICE World Tour với 345,000 khán giả qua 18 show, SEVENTEEN Tour với 440,000 khán giả qua 12 show. Việc phát triển IP cũng mang lại doanh thu đáng kể, với HYBE đạt 361.9 tỉ won từ IP licensing và merchandising, JYP đạt 47.7 tỉ won từ licensing, SM đạt 89.4 tỉ won từ content.

   Về khâu phân phối, thị trường xuất khẩu album năm 2023 cho thấy sự tăng trưởng mạnh ở các thị trường chính: Nhật Bản tăng 41.8%, Mĩ tăng 61.1%, trong khi Trung Quốc giảm 33.8%. Streaming đang trở thành kênh phân phối quan trọng với tổng doanh thu toàn cầu đạt 25.8 tỉ USD, tăng trưởng 11%, chiếm 25-35% cơ cấu doanh thu. Fan meeting và showcase quốc tế cũng đạt thành công ấn tượng, điển hình như tour Born Pink của Blackpink với 29 show tại 21 quốc gia, mang về doanh thu 148.3 triệu USD. Mảng licensing và merchandising tiếp tục phát triển với HYBE đạt doanh thu 361.9 tỉ won (giảm 8.5% so với năm trước) và JYP đạt 70.7 tỉ won (tăng 85.7%).

   Có thể thấy chuỗi giá trị của ngành giải trí K-pop đang ngày càng đa dạng hóa, không chỉ phụ thuộc vào doanh thu album truyền thống. Xu hướng tăng tỉ trọng doanh thu từ concert và IP cùng với việc mở rộng thị trường phân phối toàn cầu và phát triển nền tảng số cho thấy sự chuyển đổi tích cực của ngành. Các công ty hàng đầu đang xây dựng chuỗi giá trị tích hợp, từ đào tạo nghệ sĩ đến khai thác đa dạng nguồn thu và mở rộng thị trường toàn cầu, tạo nên một hệ sinh thái bền vững và hiệu quả.


Hình 1: Xu hướng xuất khẩu Album qua các năm của các công ty giải trí Hàn Quốc. (Nguồn: Thống kê thương mại xuất nhập khẩu, Samsung Sercurities, 2023)

   1.2.1. Tiếp thị và phân phối toàn cầu hóa

   Chiến lược toàn cầu hóa của ngành giải trí K-pop đã thể hiện sự phát triển vượt bậc thông qua việc đa dạng hóa thị trường và nguồn thu. Về phân bố thị trường, dữ liệu cho thấy Trung Quốc vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất. Đáng chú ý, năm 2023 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu album tại thị trường Mĩ (+61.1%) và Nhật Bản (+41.8%), trong khi thị trường Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm (-33.8%). Ngoài ra, để thâm nhập hiệu quả các thị trường quốc tế, các công ty giải trí hàng đầu đã triển khai chiến lược phát triển nhóm nhạc địa phương. Cụ thể, tại thị trường Nhật Bản, JYP Entertainment chuẩn bị ra mắt NEXZ, SM Entertainment với NCT WISH, trong khi HYBE đã có &TEAM hoạt động thành công. Tại thị trường Mĩ, JYP và HYBE lần lượt phát triển VCHA và KATSEYE dự kiến debut trong năm 2024. Thị trường Trung Quốc cũng được chú trọng với các nhóm như Project C của JYP và WayV của SM Entertainment.

   Để đa dạng hóa nguồn thu, các công ty đã xây dựng cơ cấu doanh thu đa dạng từ nhiều kênh khác nhau. HYBE dẫn đầu với doanh thu album đạt 974.2 tỉ won (chiếm 44.6% tổng doanh thu), trong khi SM và JYP đạt lần lượt 262.6 tỉ won (29.7%) và 274.2 tỉ won (41.3%). Concert và tour diễn quốc tế đã trở thành nguồn thu quan trọng, điển hình như Blackpink World Tour đạt 148.3 triệu USD với 703,000 khán giả qua 29 show. Merchandising và licensing cũng đóng góp đáng kể với HYBE đạt 361.9 tỉ won, JYP đạt 70.7 tỉ won với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 85.7%. Đặc biệt, các nền tảng fan engagement số đã thể hiện tiềm năng phát triển mạnh mẽ. HYBE Weverse đạt 10.5 triệu người dùng hoạt động hàng tháng với 130 cộng đồng nghệ sĩ, trong khi Dear U Bubble ghi nhận doanh thu 75.6 tỉ won năm 2023 với tốc độ tăng trưởng 53.6%, trong đó 74% người dùng đến từ thị trường quốc tế. Những số liệu này phản ánh xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành công nghiệp giải trí K-pop và tiềm năng to lớn của thị trường fan engagement toàn cầu.

   1.2.2. Chiến lược địa phương hóa sản phẩm K-pop trên thị trường toàn cầu

   Phát triển và địa phương hóa sản phẩm K-pop tại các thị trường quốc tế thể hiện chiến lược toàn cầu hóa tinh vi của ngành giải trí Hàn Quốc. Dữ liệu thị trường cho thấy sự phân bố đa dạng với Trung Quốc chiếm 36%, Nhật Bản 14%, Mĩ 7%, trong khi Đông Nam Á và châu Âu lần lượt chiếm 5% và 4% tổng doanh thu ngoài Hàn Quốc. Đặc biệt, chiến lược địa phương hóa được thể hiện rõ nét qua việc phát triển các nhóm nhạc dành riêng cho từng thị trường.

   Tại thị trường Nhật Bản, các công ty lớn đã triển khai chiến lược đào tạo và ra mắt các nhóm nhạc với thành viên địa phương. SM Entertainment ra mắt NCT WISH vào quý 1/2024, trong khi JYP Entertainment phát triển NEXZ và HYBE đã thành công với &TEAM. Các nhóm này không chỉ sử dụng tiếng Nhật trong âm nhạc mà còn áp dụng phong cách và xu hướng âm nhạc phù hợp với thị hiếu Nhật Bản. Điều này được phản ánh qua tăng trưởng xuất khẩu album tại Nhật Bản đạt 41.8% trong năm 2023.

   Đối với thị trường Mĩ, chiến lược địa phương hóa được thực hiện thông qua các dự án như VCHA của JYP và KATSEYE của HYBE. Các nhóm này được phát triển với sự hợp tác của các đối tác lớn như Republic Records và Geffen Records, đảm bảo việc thích ứng với thị trường âm nhạc Mĩ. Kết quả là thị trường Mĩ ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu album ấn tượng 61.1% trong năm 2023.

   Chiến lược địa phương hóa còn được thể hiện qua việc phát triển nền tảng fan engagement phù hợp với từng thị trường. HYBE Weverse đạt 10.5 triệu người dùng hoạt động hàng tháng với 130 cộng đồng nghệ sĩ, trong khi Dear U Bubble có 74% người dùng quốc tế. Các nền tảng này được thiết kế để tương thích với thói quen sử dụng mạng xã hội và đặc điểm văn hóa của từng khu vực.

   Về mặt nội dung, các công ty đã đầu tư vào việc sản xuất nội dung đa ngôn ngữ và hợp tác với các nền tảng phân phối địa phương. Điển hình như việc sản xuất show thực tế trên Netflix dành cho thị trường toàn cầu và hợp tác với các đài truyền hình địa phương. Chiến lược merchandising cũng được điều chỉnh theo thị trường, với HYBE đạt doanh thu 361.9 tỉ won và JYP Shop ghi nhận tăng trưởng 85.7% nhờ vào việc cá nhân hóa sản phẩm theo sở thích địa phương. Concert và fan meeting được tổ chức với quy mô và format phù hợp với từng thị trường. BLACKPINK World Tour thu hút 703,000 khán giả qua 29 show tại 21 quốc gia, trong khi TWICE World Tour đón 345,000 khán giả qua 18 show, cho thấy sự thành công của chiến lược địa phương hóa trong tổ chức sự kiện trực tiếp.

   Nhìn chung chiến lược địa phương hóa sản phẩm K-pop đã chứng minh hiệu quả thông qua các chỉ số tăng trưởng tích cực tại hầu hết các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là việc duy trì bản sắc K-pop trong quá trình địa phương hóa, đồng thời đảm bảo chất lượng và tính nhất quán của thương hiệu trên phạm vi toàn cầu.

   2. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc

   Sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho cả hai bên. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc mua bản quyền và hợp tác sản xuất các chương trình giải trí nổi tiếng của Hàn Quốc giúp họ tiếp cận với những format thành công đã được khán giả đón nhận. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro và chi phí trong việc phát triển format mới. Hơn nữa, quá trình hợp tác cho phép các đội ngũ sản xuất Việt Nam học hỏi công nghệ, kỹ thuật và kinh nghiệm từ các chuyên gia Hàn Quốc, từ đó nâng cao chất lượng sản xuất nội dung. Những chương trình Việt hóa từ format Hàn Quốc thường thu hút lượng lớn khán giả và trở thành tâm điểm truyền thông, giúp các doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường nội địa. Mặt khác, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng hưởng lợi đáng kể từ sự hợp tác này. Việt Nam với gần 100 triệu dân, sức mua ngày càng tăng và niềm đam mê với văn hóa Hàn Quốc là một thị trường tiềm năng lớn. Thông qua việc cấp quyền và hỗ trợ sản xuất, các công ty Hàn Quốc có thể mở rộng thị trường, gia tăng sức ảnh hưởng của các chương trình và nghệ sĩ của mình tại Việt Nam mà không cần trực tiếp đầu tư nhiều nguồn lực. Bên cạnh đó, hợp tác với các đối tác Việt Nam cho phép họ tận dụng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất sẵn có tại đây, qua đó tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất so với thực hiện toàn bộ tại Hàn Quốc.


Hình 2: Tỉ trọng GDP ngành nghệ thuật, giải trí và hoạt động vui chơi tại Việt Nam giai đoạn 2018-2023. (Nguồn: www.statista.com, 2024)

   Thị trường giải trí Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng và sôi động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng. Các chương trình giải trí đa dạng thể loại như game show, show thực tế đang được đầu tư sản xuất với chất lượng và số lượng ấn tượng. Sự bùng nổ của truyền hình trả tiền, nền tảng video theo yêu cầu và mạng xã hội đã mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam vô số lựa chọn về nội dung, hình thức thưởng thức, không còn bó hẹp trong khuôn khổ truyền hình truyền thống. Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt giữa các đài truyền hình, nhà cung cấp trong nước và quốc tế như FPT, Viettel, VNPT hay Netflix, WeTV, iQIYI cũng là một thách thức không nhỏ cho thị trường. Theo thống kê từ Statista.com, năm 2023, ngành nghệ thuật, giải trí và hoạt động vui chơi của Việt Nam chiếm 0,63% GDP của cả nước, tương đương khoảng 64,3 nghìn tỉ đồng. Trong năm đó, GDP của Việt Nam đạt khoảng 10,2 nghìn tỉ đồng. Kết quả này có thể khẳng định rằng các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh trong ngành công nghiệp giải trí. Trong thành công về mặt doanh thu và độ lớn của các doanh nghiêp phải kể đến sự tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là quá trình kết nối với ngành văn hóa giải trí Hàn Quốc trong lĩnh vực mua bản quyền, sản xuất nội dung và hợp tác sản xuất với các đối tác Hàn Quốc.

   Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giải trí nhờ vào tiềm năng to lớn và lực lượng khán giả trẻ, năng động của thị trường này. Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã góp phần mở cửa và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác và phát triển của ngành công nghiệp giải trí. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số thách thức về mặt quản lý, vì đây là lĩnh vực đầu tư và xuất bản nội dung truyền thông, do đó, một số lĩnh vực hoạt động như báo chí, phát thanh, xuất bản, quảng cáo, giải trí và thể thao vẫn chịu sự quản lý và giới hạn nhất định đối với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, để mở rộng hoạt động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu (GVC) trong ngành công nghiệp văn hóa giải trí, các doanh nghiệp và nhà đầu tư phải có sự hiểu biết sâu sắc về thị trường cũng như tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật Việt Nam.

   Trong ngành công nghiệp truyền hình và giải trí Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp thường tham gia vào quá trình sản xuất, mua bản quyền, ghi âm và phân phối các chương trình truyền hình nổi tiếng, thành công trên thế giới. Một trong những mô hình hợp tác điển hình và hiệu quả hiện nay là việc các công ty Việt Nam mua bản quyền phát sóng và sản xuất lại các chương trình nổi tiếng từ nước ngoài, đặc biệt là từ Hàn Quốc. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ làm việc và đàm phán với các cá nhân, tổ chức nước ngoài nắm giữ bản quyền hoặc bản ghi của các chương trình đó để ký kết hợp đồng. Thông thường, đối tác nắm bản quyền là những đơn vị phát triển, sản xuất chương trình hoặc có thể là bên trung gian sở hữu quyền phát sóng. Quá trình hợp tác được thực hiện thông qua việc ký kết các hợp đồng mua bán quyền chương trình truyền hình cụ thể. Sau khi thống nhất và ký kết, doanh nghiệp có thể đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam để được pháp luật bảo hộ. Đặc biệt, đối với những nội dung mua theo bản quyền gốc của chương trình phát sóng ở nước ngoài, các công ty thực hiện quá trình bản địa hóa như biên tập, điều chỉnh, dịch thuật cho phù hợp với văn hóa, thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, các chương trình truyền hình trước khi tung ra hoặc phân phối rộng rãi, các công ty thường tiến hành tự kiểm duyệt nội dung để tuân thủ các quy định của pháp luật.

   Từ quy trình mua bán, sản xuất và phân phối các chương trình giải trí tại Việt Nam, có thể nói sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà sản xuất các chương trình giải trí và các công ty trong lĩnh vực này là thật sự cần thiết. Quá trình này được thực hiện chặt chẽ và đúng cách bao nhiêu thì chất lượng nội dung chương trình sẽ được đảm bảo thực hiện chính xác bấy nhiêu. Vì đây là sản phẩm văn hóa, mang nội dung và có độ phủ truyền thông đến với công chúng rộng lớn nên việc thực hiện một cách có trật tự, tuân thủ các chuẩn mực văn hóa và quy định pháp lý trong toàn bộ quá trình, từ đàm phán mua bản quyền đến sản xuất bản địa hóa nội dung, kiểm tra và phân phối, là cần thiết. Ngoài ra, quy trình này còn bao gồm việc bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.


Hình 3: Quy trình sản xuất, mua bản quyền và phân phối các chương trình giải trí tại Việt Nam. (Nguồn: DTM Consulting)

   Theo số liệu thống kê từ KOCCA (Korea Creative Content Agency, 2023)2, nhiều tập đoàn truyền thông lớn của Việt Nam như VTV, HTV, VTVCab cùng hàng loạt công ty sản xuất và phát hành nội dung như Đông Tây Promotion, Cát Tiên Sa, Vie Channel, BHD, Điền Quân Media, Multimedia JSC và VieNetwork đã tích cực hợp tác bằng hình thức mua bản quyền, Việt hóa các chương trình nổi tiếng của Hàn Quốc như Running Man Vietnam, The Masked Singer Vietnam, 2 Days 1 Night Vietnam; hợp tác sản xuất trực tiếp với các đối tác Hàn Quốc như VTVCab với KBS Media, Đông Tây Promotion với SBS. Đáng chú ý, việc tham gia vào quá trình sản xuất toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có nguồn tài chính đầu tư đáng kể. Theo số liệu từ KOCCA (2023) cung cấp cho thấy những khoản chi cho việc mua bản quyền và sản xuất chương trình thường lên đến hàng chục tỉ đồng. Cụ thể, chỉ riêng chi phí để sản xuất một mùa Running Man Vietnam đã lên đến 13 tỉ đồng (tương đương 57.000 USD) thu hút 400.000 lượt xem/ tập, chỉ tính riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh3. Tổng chi phí cho một chương trình truyền hình thực tế quy mô lớn thường dao động từ 60 đến 90 tỉ đồng. Sau khi được sản xuất, các chương trình này sẽ được phân phối rộng rãi trên nhiều nền tảng, từ truyền hình truyền thống đến các ứng dụng xem video như VieON, FPT Play, TV360. Tuy nhiên, hiệu quả về mặt kinh doanh đem lại rất nhiều triển vọng cho ngành công nghiệp văn hóa giải trí Việt Nam khi “bắt kịp các chương trình nổi tiếng quốc tế để tái sản xuất và phân phối tại thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu cập nhật nhanh chóng theo xu hướng quốc tế” (như đánh giá của bà Vũ Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổ hợp Giải trí Truyền hình và Tiện ích Mega GS). Điển hình như chương trình The Masked Singer Vietnam được mua bản quyền từ chương trình King of Mask Singer (Hàn Quốc) đã thu hút khoảng 1 triệu cuộc thảo luận trên các nền tảng truyền thông từ thời điểm phát thông tin trên các mạng xã hội từ ngày 14/7 đến ngày 21/11/20224.

   Có thể nói sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty Việt Nam và đối tác Hàn Quốc trong sản xuất chương trình cũng là một minh chứng rõ nét cho việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Chẳng hạn Running Man Vietnam là sản phẩm đồng sản xuất giữa Đông Tây Promotion và Đài Truyền hình SBS Hàn Quốc, cho thấy sự gắn kết về nguồn lực, công nghệ và kinh nghiệm giữa hai bên, kéo dài cho những cuộc hợp tác tương tự giữa VTV, HTV với các đối tác Hàn Quốc cũng đang diễn ra ngày càng nhiều.

   Hiện nay, tại Việt Nam, các công ty đang hoạt động ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, bao gồm Mĩ, Hà Lan, Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Thái Lan. Có nhiều trường hợp mua lại bản quyền hoặc bản ghi âm của chương trình giải trí, đặc biệt là các chương trình truyền hình hay giải trí Việt Nam. Các công ty trong lĩnh vực này mua bản quyền các bản ghi chương trình giải trí hoặc mua bản quyền chương trình giải trí để sản xuất và phân phối. Tuy nhiên, có một thực tế là các chương trình hợp tác với các công ty ở Hàn Quốc được ưu tiên và nhiều thể loại hơn so với các công ty ở các quốc gia khác. Lý do có thể dễ hiểu là người tiêu dùng Việt Nam phần nào thân quen và chịu ảnh hưởng lâu dài từ làn sóng Hallyu (từ những năm 90) với các sản phẩm nội dung sáng tạo từ Hàn Quốc. Do đó, trên thị trường phân phối sản phẩm giải trí tại Việt Nam, Đất Việt, VAC, Điền Quân Media... là những công ty ngày càng có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong lĩnh vực truyền hình và giải trí với các các chương trình giải trí nổi tiếng của Hàn Quốc khi được sản xuất và phân phối tại Việt Nam.


Bảng 1: Một số chương trình giải trí do Việt Nam và Hàn Quốc đồng sản xuất (tính đến năm 2023). (Nguồn: DTM Consulting)

   Các dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực tiếp thị và phân phối sản phẩm giải trí là ví dụ điển hình về sự kết nối và ảnh hưởng lẫn nhau giữa hai nền công nghiệp giải trí của hai quốc gia. Trong đó, dự án Running Man Vietnam là một ví dụ nổi bật về sự thành công của mô hình liên doanh sản xuất và phát hành chương trình truyền hình thực tế. Đây là phiên bản Việt Nam của chương trình Running Man nổi tiếng từ Hàn Quốc và đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả, đạt tổng 300 triệu lượt xem trên YouTube và giành nhiều giải thưởng quan trọng. Chương trình này do SBS (Hàn Quốc) và Đông Tây Promotion (Việt Nam) đồng sản xuất, với sự tham gia trước đó của Madison Media Group trong mùa đầu tiên. Điều đáng ghi nhận là Đông Tây Promotion (thuộc Datviet VAC Group Holdings) đã tận dụng rất tốt từ khâu “tiếp thị đến phân phối và hỗ trợ người tiêu dùng”5 khi đã tận dụng hệ sinh thái truyền thông của mình, bao gồm kênh Vie Channel và nền tảng VieON, để phát sóng và phát lại chương trình trên nhiều kênh truyền hình và nền tảng trực tuyến. Sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc trong khâu phân phối và tiếp thị đã góp phần làm gia tăng mức độ phát triển và tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp giải trí non trẻ sau khi tham gia vào quy trình mở rộng khả năng tiếp cận của chương trình đến với người xem không chỉ trên HTV7, HTV2 và HTV9 mà còn thông qua các kênh YouTube của SBS, tạo ra một mạng lưới phân phối rộng khắp và linh hoạt. Sự hợp tác này cho thấy không chỉ khả năng sản xuất mà còn là sự linh hoạt trong chiến lược phân phối, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng giải trí đa dạng của người Việt.

   Nối tiếp thành công Mùa 1, mặc dù Mùa 2 của chương trình được sản xuất trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Running Man Vietnam Mùa 2 (2021) vẫn duy trì được sức hút mạnh mẽ, đạt rating 5% ở tập đầu tiên, vượt xa so với 2,4% của Mùa đầu. Ngoài ra, chương trình còn giành Giải thưởng Giải trí Việt Nam ở hạng mục Nội dung truyền hình của năm và đề cử cho Nội dung truyền cảm hứng của năm. Đặc biệt, Running Man Vietnam Tập 2 còn được đề cử ở hạng mục Video YouTube hay nhất, khẳng định giá trị và sức hút của các chương trình liên doanh giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong việc đáp ứng thị hiếu giải trí của khán giả Việt Nam.

   Tương tự, hợp tác giữa VTVcab (Việt Nam) và KBS Media (Hàn Quốc) trong việc phát sóng các chương trình như Music Bank và các bộ phim truyền hình Hàn Quốc khác trên hệ thống kênh của VTVcab cũng là một minh chứng về sự thành công của mô hình hợp tác này. Thỏa thuận hợp tác chiến lược vào tháng 6/2021 cho phép VTVcab phân phối các chương trình này, đảm bảo nội dung được điều chỉnh phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam. Các chương trình giải trí của KBS đã được phát sóng thông qua VTVcab, mang lại trải nghiệm đa dạng và tăng cường mối quan hệ văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

   Nhìn chung, các dự án hợp tác tiêu biểu trên cho thấy sự kết nối mạnh mẽ và khả năng mở rộng của các sản phẩm giải trí Hàn Quốc tại Việt Nam thông qua các đối tác bản địa. Điều này không chỉ giúp Hàn Quốc mở rộng thị trường giải trí mà còn giúp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời tạo ra các giá trị văn hóa chung, góp phần vào việc phát triển ngành công nghiệp giải trí của cả hai quốc gia.

   3. Mức độ tăng trưởng và thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc

   3.1. Mức độ tăng trưởng và cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam

   Sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam đối với nội dung giải trí, đặc biệt là các sản phẩm trực tuyến từ Hàn Quốc, đã tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc. Kết quả khảo sát của Qandme (2020) cho thấy gần một nửa (48%) người tiêu dùng Việt Nam trong độ tuổi từ 20 đến 49 có sở thích đối với các chương trình giải trí và trò chơi truyền hình, trong đó văn hóa Hàn Quốc – bao gồm phim truyền hình, chương trình thực tế và âm nhạc K-pop, chiếm vị trí quan trọng trong lòng khán giả Việt Nam. Sự yêu thích này phần nào phản ánh thành công của “Làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu) tại Việt Nam khi các sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc nhanh chóng trở nên quen thuộc và được đón nhận nồng nhiệt.


Bảng 2: Trị giá xuất khẩu hàng hóa phân theo ngành kinh tế từ năm 2010 đến năm 2023. (Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam, 2024)

   Ngoài sự yêu thích của người tiêu dùng, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ hai nước cũng góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy hợp tác sản xuất chương trình giải trí. Một ví dụ điển hình là vào năm 2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc ký kết thỏa thuận hợp tác sản xuất các chương trình giải trí, tạo điều kiện cho các công ty sản xuất của cả hai quốc gia tham gia quá trình sản xuất và phân phối nội dung. Điều này không chỉ góp phần tăng cường mối quan hệ văn hóa giữa hai nước mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp văn hóa.

   Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam (2024), từ năm 2010 đến 2022, giá trị xuất khẩu của ngành thông tin và truyền thông tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, giá trị xuất khẩu đã tăng từ 42,5 tỉ đồng năm 2010 lên 1.457,3 tỉ đồng năm 2022. Đối với lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí, giá trị xuất khẩu tuy thấp hơn nhưng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ổn định từ 0,8 tỉ đồng năm 2010 lên 1,3 tỉ đồng năm 2022. Dù không cao như ngành thông tin và truyền thông, sự gia tăng này vẫn cho thấy xu hướng tích cực trong lĩnh vực văn hóa và giải trí. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của internet và các thiết bị số tại Việt Nam là yếu tố quan trọng giúp các công ty Hàn Quốc dễ dàng tiếp cận và phân phối nội dung tới người tiêu dùng Việt. Sự tương đồng về văn hóa và mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia càng tạo thêm nền tảng thuận lợi cho việc trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và giải trí.

   Tóm lại, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tận dụng sự yêu thích của người tiêu dùng đối với “Làn sóng Hàn Quốc” mà còn nhận được sự hỗ trợ từ cả hai chính phủ, tạo điều kiện cho họ tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu mà còn góp phần làm phong phú thêm văn hóa giải trí tại Việt Nam.

   3.2. Thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành công nghiệp giải trí.

   Việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc mang lại nhiều cơ hội phát triển, song cũng đặt ra không ít thách thức cần vượt qua để đạt được thành công bền vững đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trước tiên, cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng giải trí quốc tế và nội địa khiến các doanh nghiệp phải đầu tư mạnh vào nội dung và chiến lược tiếp thị. Thị trường Việt Nam hiện đang bão hòa với nhiều nguồn nội dung phong phú, từ sản phẩm giải trí trong nước đến các chương trình quốc tế, đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới để giữ được sự hấp dẫn và khác biệt. Vấn đề vi phạm bản quyền cũng là một thách thức lớn, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển của các nền tảng trực tuyến. Theo báo cáo của IIPA năm 2022, vi phạm bản quyền tại Việt Nam vẫn còn phổ biến, đặc biệt đối với các nội dung giải trí như phim truyền hình, chương trình thực tế và âm nhạc K-pop. Điều này không chỉ gây thất thoát về tài chính mà còn đe dọa đến quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, buộc họ phải đưa ra các biện pháp bảo vệ quyền lợi một cách chặt chẽ.

   Sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng là một rào cản không nhỏ. Để các chương trình từ Hàn Quốc phù hợp với thị hiếu của khán giả Việt Nam, các công ty cần có chiến lược chuyển thể, dịch thuật và điều chỉnh nội dung một cách tinh tế. Điều này đòi hỏi không chỉ là kỹ năng ngôn ngữ mà còn là sự thấu hiểu sâu sắc về văn hóa địa phương nhằm tạo ra sự kết nối với người tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng cần tìm kiếm đối tác địa phương đáng tin cậy để hợp tác hiệu quả. Sự hiểu biết về thị trường và hành vi tiêu dùng của người Việt là yếu tố then chốt để các công ty Hàn Quốc triển khai các chiến lược tiếp cận phù hợp cũng như xây dựng mạng lưới phân phối và quảng bá hiệu quả tại Việt Nam.

   Vấn đề chi phí đầu tư và phát triển nội dung giải trí chất lượng cao để cạnh tranh trên thị trường cũng là một thách thức đáng kể. Với yêu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng về chất lượng nội dung, các doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực tài chính trong việc đầu tư vào công nghệ, nhân lực và sản xuất nội dung. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần có nguồn lực tài chính mạnh mẽ và chiến lược phát triển bền vững để có thể duy trì sức cạnh tranh lâu dài.

   Tuy nhiên, dù phải đối mặt với nhiều thách thức, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể tận dụng cơ hội từ thị trường bằng cách hiểu rõ nhu cầu của người tiêu dùng, tuân thủ pháp luật về bản quyền và xây dựng nội dung sáng tạo, độc đáo. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa không chỉ thúc đẩy trao đổi văn hóa giữa hai quốc gia mà còn mở ra các cơ hội phát triển kinh tế song phương, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của ngành công nghiệp giải trí tại Việt Nam.

   4. Kết luận và khuyến nghị

   Về mặt lý thuyết, khung chuỗi giá trị toàn cầu được coi là một công cụ hiệu quả giúp các quốc gia và doanh nghiệp nắm bắt, tối ưu hóa và gia tăng giá trị, đặc biệt trong ngành văn hóa và giải trí – một lĩnh vực mang tính quốc tế cao, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế và xã hội. Việc phân tích quá trình chuyển đổi từ Hallyu 1.0 đến Hallyu 3.0 cho thấy ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã vận dụng linh hoạt các chiến lược “quản trị” và “nâng cấp” chuỗi giá trị, mở rộng thị trường toàn cầu và xây dựng một hệ sinh thái văn hóa bền vững. Khái niệm “văn hóa đại chúng” cũng góp phần lý giải sự phổ biến và tính thương mại hóa cao của các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc trên thế giới.

   Về mặt thực tiễn, bài viết đã làm nổi bật những ví dụ thành công trong hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. Các dự án như Running Man Vietnam, The Masked Singer Vietnam hay chương trình phát sóng các nội dung của KBS trên hệ thống VTVcab là minh chứng rõ ràng cho lợi ích kinh tế và giá trị thương mại mà doanh nghiệp Việt Nam có thể thu được khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu này. Qua hợp tác, các doanh nghiệp trong nước đã tiếp thu được kỹ năng quản lý, công nghệ sản xuất tiên tiến từ đối tác Hàn Quốc, đồng thời khai thác hiệu quả sự yêu thích của khán giả Việt đối với văn hóa Hàn Quốc. Về phía Hàn Quốc, sự hợp tác này giúp họ mở rộng ảnh hưởng văn hóa, tạo cơ hội phát triển thị trường tại Việt Nam – một quốc gia có dân số trẻ và nhu cầu giải trí cao. Đồng thời, bài viết cũng chỉ ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng giải trí trong và ngoài nước, vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian số vẫn chưa được kiểm soát triệt để và rào cản về ngôn ngữ, văn hóa cần được xử lý khéo léo để nội dung phù hợp với thị hiếu khán giả trong nước. Những vấn đề này đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng đổi mới sáng tạo, áp dụng chiến lược quản lý hiệu quả và sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách của Chính phủ.

   Dựa trên những kết quả và thách thức đã phân tích, bài viết đưa ra một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam:

   Trước hết, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia dài hạn, đặt ra các mục tiêu cụ thể về tăng trưởng kinh tế, phát triển nguồn nhân lực và mở rộng thị trường quốc tế. Hợp tác công - tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng văn hóa nên được ưu tiên nhằm hình thành các khu tổ hợp giải trí, trung tâm sáng tạo đa năng theo mô hình thành công của Hàn Quốc.

   Chính phủ cần thành lập quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa, sáng tạo, kết hợp với các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo. Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình liên kết giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học. Các doanh nghiệp cũng cần được khuyến khích tham gia liên doanh sản xuất với đối tác quốc tế nhằm tận dụng kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến.

   Ngoài ra, hệ thống pháp lý bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cần được củng cố, đảm bảo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bản quyền. Song song đó, Việt Nam cần phát triển các nền tảng trực tuyến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phân phối nội dung một cách hiệu quả hơn.

   Những giải pháp trên không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc. Điều này sẽ đưa ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, đóng góp tích cực vào nền kinh tế và vị thế quốc gia trên thị trường quốc tế.

 

 

 

Chú thích:
1, 5 https://itdr.org.vn/nghien_cuu/chuoi-gia-triva-van-dung-chuoi-gia-tri-trong-du-lich/.
2, 3 Korea Creative Content Agency Vietnam (KOCCA) (2023), Báo cáo xu hướng ngành nội dung giải trí Việt Nam (Số 13).
4 Theo Báo cáo Đánh giá hiệu quả truyền thông tổng thể của chương trình “The Masked Singer Vietnam” của Reputa (2022).

 

Bình luận

    Chưa có bình luận