Sự phát triển và đóng góp của công nghiệp văn hóa vào nền kinh tế thế giới cũng như ở một số nước là rất lớn. Công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành ngành kinh tế trọng điểm của nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với nước ta, Nghị quyết 33-NQ/TW - Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (ngày 9/6/2014) xác định: “Phát triển công nghiệp văn hoá nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hoá Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hoá, góp phần quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hoá. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hoá, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội phát triển. Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hoá và công nghiệp văn hoá”. Tiếp sau đó, ngày 8/09/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng nền công nghiệp văn hóa bền vững, đóng góp vào sự thay đổi của đất nước.
Gần đây, theo thông tin báo chí, chỉ 2 buổi diễn của nhóm Blackpink (Hàn Quốc) đã mang đến cho Hà Nội gần 400 tỉ đồng (tính cả lưu trú, du lịch, tiêu dùng…), tiếp theo đó là các lễ hội âm nhạc như “Hozo”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”… ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã làm nóng câu chuyện công nghiệp văn hóa - biểu diễn âm nhạc. Quả thật, công nghiệp biểu diễn âm nhạc đã hình thành ở Việt Nam và mang đến lợi nhuận kinh tế. Nhưng chỉ dựa vào việc “nhập khẩu” chương trình âm nhạc nước ngoài, với những sản phẩm là các chương trình lễ hội âm nhạc, chỉ tính đến lợi nhuận… chúng ta đã, đang và có thể xây dựng một nền công nghiệp biểu diễn khập khiễng và nhiều rủi ro về nhiều mặt: kinh tế, đạo đức, xã hội, về giáo dục con người… cũng như khó có một nền âm nhạc tiên tiến, đậm đà bàn sắc dân tộc. Chúng ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức trong xây dựng nền công nghiệp biểu diễn âm nhạc Việt Nam.
1. Sản phẩm công nghiệp âm nhạc
Công nghiệp văn hóa là ngành sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ (thuộc về) văn hóa. Năm 2007, UNESCO đưa ra khái niệm về công nghiệp văn hóa: “Công nghiệp văn hóa là các ngành sản xuất ra các sản phẩm vật thể và phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải và thu nhập thông qua việc khai thác các giá trị văn hóa và sản xuất các sản phẩm dịch vụ dựa vào tri thức (kể cả những giá trị văn hóa hiện đại và truyền thống). Điểm chung nhất của các ngành công nghiệp văn hóa là sử dụng tính sáng tạo, tri thức văn hóa và bản quyền trí tuệ để sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ, cũng như mang giá trị văn hóa”. UNESCO1 và GATT2 quan niệm: Công nghiệp văn hóa là một thuật ngữ chỉ các ngành công nghiệp có sự kết hợp giữa sáng tạo, sản xuất và thương mại hoá các sản phẩm văn hóa (vật thể và phi vật thể), các nội dung sáng tạo được bảo vệ bản quyền và thể hiện dưới hình thức sản phẩm hay dịch vụ. Ở đây, giá trị sản phẩm bắt nguồn từ sự sáng tạo, khả năng, tài năng thể hiện trong sản phẩm (nghệ thuật âm nhạc). Từ khái niệm này, chúng ta có các “từ khóa” về công nghiệp đối với đối tượng văn hóa - âm nhạc mà trước đây chưa sử dụng nhiều: sản xuất, hàng hóa, phân phối, dịch vụ. Công nghiệp văn hóa có tính chất thương mại hóa văn hóa, khái niệm “sản phẩm văn hóa, nghệ thuật” thay thế “tác phẩm văn hóa, nghệ thuật”. Tuy nhiên, từ khái niệm “văn hóa chỉ các tác phẩm/ văn bản hoặc sản phẩm và thực hành của hoạt động trí tuệ và đặc biệt là hoạt động nghệ thuật”3 thì không nên cho rằng sản phẩm âm nhạc thuộc ngành “công nghiệp văn hóa - công nghiệp biểu diễn” như một sản phẩm của hình thức sản xuất công nghiệp, thương mại thuần túy mà phải lưu ý đặc điểm sản phẩm công nghệ âm nhạc với giá trị cao, chứa đựng sự sáng tạo, tài năng, đặc biệt...
Cũng như mọi ngành công nghiệp, về bản chất, công nghiệp văn hóa là sản xuất hàng hóa và làm kinh tế. Với mục tiêu này, công nghiệp văn hóa dễ sa đà vào mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận (kinh tế). Nhưng văn hóa có nhiều chức năng, vai trò trong cuộc sống và còn có giá trị không chỉ đối với nền kinh tế bởi tính bền vững mà còn tạo dựng nhận thức, thẩm mĩ, giáo dục, đạo đức, xã hội4... Sản phẩm công nghiệp âm nhạc không chỉ duy nhất có chức năng này, văn hóa không hoàn toàn hướng đến mục tiêu này. Lợi ích kinh tế mà công nghiệp văn hóa mang đến là rất lớn, với kinh nghiệm sản xuất công nghiệp văn hóa các nước như sản phẩm điện ảnh của Hồng Kông, truyện tranh (manga) của Nhật Bản, “xuất khẩu” các nhóm nhạc của Hàn Quốc và đặc biệt, qua các đêm diễn của Taylor Swift ở Singapore vào tháng 3/2024 thì nguồn lợi không chỉ là kinh tế mà còn là những ảnh hưởng khác, bởi lợi ích kinh tế không chỉ là mục tiêu duy nhất của văn hóa. Ngành công nghiệp văn hóa có những điều kiện riêng để hình thành và vận hành, đó là ngành công nghiệp của tri thức, sáng tạo, khuyến khích các xã hội đổi mới, duy trì tính đa dạng văn hóa và nâng cao thành tựu, hiệu quả kinh tế (UNESCO).
Russell Nye5 cho rằng có thể tóm tắt đặc tính sản phẩm của công nghiệp văn hóa bởi 3 chữ M: 1) Masses (tính đại chúng), 2) Money (tính thương mại), 3) Mechanics (tính chất công nghệ). Thực tế, sản phẩm âm nhạc công nghiệp thường có tính chất sản xuất hàng loạt (giống nhau), chịu sự cực đoan - thống trị văn hóa của một vài loại hình, như truyện manga (Nhật Bản), như với thể loại pop, rock (đối với âm nhạc) hoặc đôi khi là một tác phẩm văn chương (như truyện Harry Potter) và kể cả là những biểu hiện văn hóa - nghệ thuật đối với một số nước. Với 3 đặc tính của sản phẩm công nghiệp nêu trên, nhiều người quan niệm “sản phẩm công nghiệp (biểu diễn) âm nhạc” là chương trình biểu diễn âm nhạc được thể hiện bằng công nghệ hoặc “âm nhạc + công nghệ” với mục đích kiếm tiền. Công nghệ đóng góp rất lớn cho công nghiệp biểu diễn âm nhạc, từ kỹ thuật âm thanh, ánh sáng đến màn hình led, kỹ thuật ánh sáng ảo, sân khấu quay… tạo hiệu ứng cho các chương trình/ lễ hội âm nhạc. Vì quan niệm lấy công nghệ làm nền tảng sáng tạo nên những sản phẩm âm nhạc theo hướng công nghiệp, nhất là các chương trình biểu diễn âm nhạc hiện nay đang bị giống nhau, mang tính “sản xuất hàng loạt” và có tính đại chúng6. Vậy sản phẩm của công nghiệp biểu diễn âm nhạc có phải chỉ là những chương trình lễ hội âm nhạc? Ở phương diện vĩ mô, Việt Nam đã có “nền công nghiệp biểu diễn âm nhạc Việt Nam” hay chưa? Hiện nay nó đang như thế nào? Những cơ hội, thách thức nào trong xây dựng, phát triển công nghiệp biểu diễn âm nhạc Việt Nam?
2. Có hay không ngành “công nghiệp biểu diễn âm nhạc” ở Việt Nam?
Nhiều nhà nghiên cứu vẫn phân vân là ở Việt Nam đã có công nghiệp âm nhạc chưa, nếu có thì gồm những gì? Câu trả lời sẽ không thể quá cụ thể bởi nếu từ góc nhìn của nhà quản lý, quả thật chúng ta đã có rất nhiều nhà sản xuất, công ty chuyên sản xuất các chương trình biểu diễn âm nhạc và đều có dung mạo của “3 chữ M” theo cách định nghĩa của Russell Nye. Chỉ tính ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, đã có hàng chục công ty chuyên hoặc có sản xuất sản phẩm văn hóa là chương trình âm nhạc: Đông Tây Promotion, 1989s Entertainment, M-TP Entertainment, 6th Sense Entertainment, Cát Tiên Sa, DreamS Entertainment, St.319 Entertainment, Phương Nam phim, Hãng phim Trẻ, Bến Thành Audio - Video (Bến Thành A&V), Trung tâm Dịch vụ Truyền hình - Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh… Đặc biệt, ở Thành phố Hồ Chí Minh có hẳn một số công ty chuyên sản xuất chương trình âm nhạc thiếu nhi như Trùng Dương Audio do nhạc sĩ Lê Quốc Thắng phụ trách biên tập, Công ty TNHH Con Cò Bé Bé của ca sĩ Tuấn Cảnh (bố ca sĩ nhí Xuân Mai), Công ty TNHH Ghi âm Tùng của nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, Công ty TNHH Thùy Dương… Đó là chưa kể vài chục phòng thu âm lớn - nhỏ làm công việc sản xuất chương trình, ghi âm các tác phẩm âm nhạc; nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ cũng tham gia “sản xuất âm nhạc” như: Đức Trí, Huy Tuấn, Hoàng Touliver, Dương Khắc Linh, Khắc Hưng… Những “đơn vị” này là thành phần đầu tiên của “nền” công nghiệp âm nhạc. Với mục đích và cách sản xuất của những đơn vị này, có thể hình dung một thị trường sôi nổi với các thành phần sản xuất, phát hành (các đài phát thanh, truyền hình, các kênh truyền thông, mạng xã hội) bán buôn và bán lẻ, kiểm soát - bảo vệ bản quyền (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - VCPMC) và nhất là hệ thống quản lý nhà nước về văn hóa - âm nhạc. Quả thật “công nghiệp âm nhạc Việt Nam” tuy còn manh mún, nhỏ lẻ nhưng đã có một chút “hình hài”.
Sản phẩm của công nghiệp âm nhạc nhìn từ góc độ kinh tế, bao gồm: 1) Những sản phẩm chính: chương trình biểu diễn (show, concert…); các dạng thức vật chất như băng đĩa, nội dung sáng tạo trên các nền tảng kỹ thuật số được giữ lại và phát tán trên hệ thống truyền thông, không gian mạng. Những thể loại âm nhạc đại chúng hiện đang tham gia tích cực vào công nghiệp văn hóa: pop, rock, rap (âm nhạc có nguồn gốc nước ngoài)…; một số sản phẩm cụ thể có gắn kết đời sống, ví dụ các thể loại âm nhạc được sử dụng trong game, nhạc quảng cáo, nhạc đường phố…; 2) Những sản phẩm phụ (sản phẩm đi kèm) của công nghiệp âm nhạc: dịch vụ lưu trú, du lịch, các dịch vụ phục vụ cho chương trình biểu diễn, sản xuất và bán đồ lưu niệm đi kèm chương trình biểu diễn, thời trang, quần áo “đu trend” theo nghệ sĩ… Công nghiệp biểu diễn âm nhạc không chỉ mang đến cho người nghe tác phẩm âm nhạc được trình diễn (sản phẩm chính) mà đôi khi những sản phẩm đi kèm (sản phẩm phụ) lại là yếu tố thu hút thị trường hơn, đạt hiệu quả doanh thu hơn. Đó có thể là giày dép, quần áo, túi xách, bìa sách, bìa vở, nhãn in trên các sản phẩm khác… mang biểu tượng của nhóm nhạc, chương trình, công ty âm nhạc hoặc kể cả biểu tượng của tác phẩm âm nhạc. Đó là chưa kể những dịch vụ đi kèm như du lịch, phục vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh… Ngoài ra, ngành công nghiệp biểu diễn âm nhạc không chỉ gói gọn ở các chương trình biểu diễn, lễ hội âm nhạc bởi sản phẩm công nghệ âm nhạc còn là những gameshow (như trường hợp chương trình truyền hình thực tế “Chị đẹp đạp gió, rẽ sóng”, “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”… hoặc các gameshow âm nhạc trước dây trên hệ thống truyền thông đại chúng: “Thần tượng Boléro”, “Hát cùng Boléro”, “Solo cùng Boléro”, “Tình Boléro”…); những sản phẩm “phái sinh”, sản phẩm sử dụng âm nhạc như: âm nhạc trong quảng cáo, phim ảnh, nhiếp ảnh, trò chơi điệu tử, nhạc chờ - nhạc chuông điện thoại, âm nhạc trong các chương trình biểu diễn thời trang, trong các hoạt động hội chợ hoặc kể cả là những sản phẩm trong du lịch.
Ngành công nghiệp âm nhạc là nơi quy tụ các nghệ sĩ, hãng thu âm, địa điểm biểu diễn, quản lý nghệ sĩ, nền tảng kỹ thuật số, các công ty giải trí âm nhạc… trong một môi trường phức hợp và toàn cầu hóa. Ở đó, sản phẩm âm nhạc được sản xuất theo “quy trình” chuyên môn hóa: nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ hòa âm phối khí, người biên tập, nghệ sĩ thể hiện, phần chỉnh sửa, phối trộn (mix) công nghệ. Kể cả khi sản phẩm chưa được ra đời, những kế hoạch, chiến lược bán buôn, quảng bá, đối tượng thụ hưởng, thời gian và thị trường, nơi phát hành... cũng phải có người nắm chuyên môn, tính toán. Cũng như mọi sản phẩm được bán - mua trên thị trường, sản phẩm âm nhạc sản xuất công nghiệp cũng cần có các chiến dịch kinh doanh với các cách làm khác nhau và mang tính cạnh tranh. Mỗi giai đoạn sản xuất sản phẩm công nghiệp âm nhạc đều đòi hỏi sự nghiêm túc nghiên cứu, tính toán, thậm chí còn yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm công nghiệp khác. Tuy nhiên, khi sản phẩm đã đến với công chúng, luôn có (ít, nhiều) những hiệu ứng xã hội và tác động lên đời sống vật chất, tinh thần của con người. Do đó, sản phẩm công nghiệp âm nhạc còn đòi hỏi cao hơn về chất lượng, nội dung, đặc biệt là thể hiện chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa.
Tóm lại, nhận diện sản phẩm công nghiệp âm nhạc là cách mà chúng ta định ra con đường xây dựng không chỉ sản phẩm mà còn hướng đến xây dựng một “hệ sinh thái” công nghiệp âm nhạc Việt Nam phát triển bền vững. Ở đó, ngoài những thành tố: nhạc sĩ, nghệ sĩ (nhà sáng tạo), công nghệ tham gia vào công nghiệp sản xuất và các dịch vụ đi kèm, quảng bá sản phẩm… còn phải tính đến hệ giá trị và những vấn đề khác như tính kết nối, tác động qua lại, sự trao đổi (vật chất, tinh thần), điều kiện môi trường… của âm nhạc trong đời sống văn hóa, xã hội bởi “Âm nhạc trong văn hóa, xã hội” và “Văn hóa, xã hội trong âm nhạc”7. Để tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp âm nhạc đang chịu tác động mạnh của toàn cầu hóa, của kinh tế thị trường, sự thay đổi và tính không bền vững của điều kiện tự nhiên (biến đổi khí hậu) và chính trị trên thế giới, cần có những nghiên cứu nghiêm túc và sự quan tâm, chỉ đạo, quản lý và sự điều phối của Nhà nước.
3. “Hệ sinh thái” công nghiệp biểu diễn âm nhạc Việt Nam
Với dung mạo chung là những festival - liên hoan/ lễ hội âm nhạc, những “đại nhạc hội”, MV - phim ca nhạc, chương trình biểu diễn, đĩa ghi âm, ghi hình chương trình, tiết mục biểu diễn âm nhạc (CD, VCD, DVD, album, đĩa đơn…), chương trình biểu diễn streaming (phát trực tiếp), các dạng clip đưa lên mạng xã hội… những sản phẩm âm nhạc công nghiệp có cấu trúc, phương thức trình diễn, thậm chí kể cả cách phối khí, hòa âm, thể hiện ca khúc... giống nhau và thường theo trào lưu, thể hiện các xu hướng thời thượng. Do vậy, dễ tạo nên khuynh hướng sản xuất theo “mốt” như hiện nay: lạm dụng công nghệ, xem công nghệ là con đường duy nhất để phát triển công nghiệp (biểu diễn) âm nhạc; sản phẩm âm nhạc chỉ hướng đến các thể loại nhạc nhẹ (pop, rock và kể cả rap) hay những thể loại âm nhạc đại chúng khác. Cùng với việc lạm dụng công nghệ và “bắt chước” nhau về kỹ thuật thể hiện trong nghệ thuật trình diễn, kể cả kỹ thuật chuyên môn âm nhạc như hòa âm, phối khí, cách hát luyến láy, rung giọng… đã thấy xuất hiện sản phẩm được sản xuất hàng loạt, đồng dạng, quần chúng hóa sản phẩm âm nhạc. Điều này có thể thấy trong hầu hết các chương trình biểu diễn âm nhạc, các lễ hội âm nhạc diễn ra ở Việt Nam hiện nay như: Hay Glamping Music festival, Gió mùa Music festival…
Đáng lưu ý là ngoài thị trường âm nhạc thực tế còn có thị trường ảo: những sản phẩm/ chương trình biểu diễn âm nhạc được phát hành ở các kênh truyền hình, trên mạng xã hội. Các nền tảng - mạng xã hội trở thành phương tiện giới thiệu sản phẩm âm nhạc đang rất phổ biến ở Việt Nam, thậm chí các trang mạng toàn cầu như: Facebook, Twitter, LinkedIn, Youtube, WhatsApp, Instagram, Spotify, Soundcloud, Tumblr, Pinterest, WeChat và Google… đều là môi trường mua bán nhộn nhịp các sản phẩm âm nhạc công nghiệp. Người nghe - xem có thể vào mạng xã hội và hưởng thụ sản phẩm công nghiệp âm nhạc ngay tại nhà cũng như ở bất cứ nơi nào. Thị trường - khán giả là “sân đấu” của các nhà sản xuất. Tất nhiên, “thắng - thua” cũng dựa trên nhiều yếu tố nhưng đôi khi tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố không liên quan đến tính chất, hình tượng, sự tuyệt hảo của nghệ thuật hay giá trị sáng tạo, tính độc đáo của sản phẩm.
Các sản phẩm âm nhạc chưa tốt trên “chợ” không gian mạng khá nhiều, có số người truy cập lớn, thậm chí còn nhanh chóng lan tỏa và được người nước ngoài truy cập. Nhiều sản phẩm không chỉ có nội dung phản cảm, suy đồi mà còn kém chất lượng về nghệ thuật nhưng vẫn có hàng trăm ngàn lượt truy cập. Sản phẩm phục vụ cho thị trường trong nước cũng như nước ngoài đều được các nhà sản xuất hướng đến. Không ít sản phẩm âm nhạc Việt Nam được đưa ra thị trường nước ngoài lại khá được “ưa chuộng”, nhiều người theo dõi, dù nội dung không quá đặc biệt hay xuất sắc. Nhiều MV của Sơn Tùng M-TP đạt số người theo dõi hơn 10 triệu lượt, được Youtube tặng Nút vàng Play Youtube (Youtube Creator Rewards), tặng giải thưởng “Người sáng tạo nội dung trên Youtube” - giải thưởng Youtube Awards. Đánh giá về chất lượng nghệ thuật, nhiều nhà chuyên môn không đánh giá cao những MV này nhưng nhiều người vẫn nghe, xem và thị trường vẫn là đích của mọi nhà sản xuất nên nhiều MV giống như vậy vẫn tiếp tục ra đời. Cuối cùng, vấn đề vẫn là vai trò của phân phối và các nền tảng “số”, kể cả trong nước và ra ngoài lãnh thổ, vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Khi công nghệ phát triển, hàm lượng công nghệ trong sản phẩm âm nhạc tăng lên, các chương trình nghệ thuật ngày càng chạy đua về kỹ xảo, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, hình ảnh 3D… Thậm chí gần như không một chương trình ca nhạc biểu diễn trước công chúng được thể hiện “live”. Kỹ thuật “hát nhép” (lipsing) được sử dụng triệt để với lý do “bảo đảm chất lượng” âm thanh, bảo đảm chất lượng chuyên môn… Ca sĩ, nghệ sĩ có toàn quyền chải chuốt, sửa đổi phần biểu diễn của mình trong phòng thu sao cho “hoàn hảo” bằng các phần mềm công nghệ và khi ra sân khấu thì toàn quyền hát nhép. Các chương trình giảm bớt phần nghệ thuật và tăng cường phần công nghệ hiện đang mang đến cho người xem không phải sự độc đáo, nghệ thuật, cảm xúc của người nghệ sĩ mà sự tinh xảo, tối tân, phát triển của công nghệ âm nhạc.
Đánh giá chất lượng nghệ thuật, hiện nay, chúng ta có những giải thưởng âm nhạc để vinh danh tác phẩm âm nhạc, khuyến khích nhà sáng tạo nhưng sự lan tỏa của những giải thưởng này chưa cao, chưa có những tác động đáng kể đối với hoạt động sáng tạo sản phẩm âm nhạc. Giải thưởng của hội chuyên ngành (Giải thưởng âm nhạc hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải thưởng của hội âm nhạc các tỉnh/ thành, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng như các chi hội văn học nghệ thuật địa phương) với tiêu chí chọn lựa là những tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp, nội dung yêu nước, đóng góp xây dựng đất nước hoặc thể hiện các nội dung là nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao. Ngoài ra còn có giải thưởng do báo chí, các đơn vị truyền thông tổ chức bình chọn, có tiêu chí mở rộng, nhắm đến lượng khán giả, lấy bình chọn của khán giả làm một trong các tiêu chuẩn xét giải (như Giải thưởng âm nhạc Làn sóng xanh – “Làn sóng xanh Music Awards” do Đài Phát thanh Thành phố Hồ Chí Minh phát động kết hợp với các đơn vị tài trợ khác đã tổ chức từ năm 1998)8. Tựu trung, giống như “nước sông không phạm nước giếng”, các giải thưởng âm nhạc không lời, nhiều tác phẩm âm nhạc chất lượng nghệ thuật cao, nội dung lý tưởng, hình tượng âm nhạc cao đẹp… đoạt giải nhưng chỉ phổ biến trong các hội chuyên ngành, ít công diễn, công chúng ít biết đến. Trong khi đó, nhiều sản phẩm âm nhạc phổ thông được “bán” ở thị trường, rất đông đúc người mua, đạt số lượng truy cập cũng được trao giải. Từ điểm này cho thấy: sản phẩm âm nhạc công nghiệp là dạng văn hóa đại chúng, được sáng tạo, phổ biến nhằm “giành sự ưu ái của công chúng đại trà” theo cách nói của R. Williams9 đang chiếm lĩnh đời sống âm nhạc. Thị trường là đầu ra của ngành sản xuất công nghiệp âm nhạc nhưng thiếu định hướng từ chính nhà sản xuất sẽ có thể hạ thấp thị hiếu, làm giảm chất lượng đời sống tinh thần và hệ quả về mặt văn hóa, xã hội là không nhỏ. Nếu không sớm định hướng bằng những giải pháp “thị trường” khác thì những tác phẩm (tạm gọi) là âm nhạc chuyên nghiệp - kinh viện vẫn mãi nằm trong các thư viện, không thể phổ biến và đóng góp cho xã hội; ngược lại, người dân chỉ được hưởng thụ những sản phẩm âm nhạc đại chúng. Điều này không giống như các giải thưởng ở các nước10 và cũng không trọn vẹn mang ý nghĩa vinh danh hay khuyến khích sáng tạo. Giải thưởng đối với sự sáng tạo, chiều đi là kích thích, nuôi dưỡng sáng tạo và chiều đến là xã hội được hưởng thụ sáng tạo, tất cả đều tác động đến hệ sinh thái của công nghiệp âm nhạc.
Còn có nhiều hoạt động/ chương trình lễ hội âm nhạc không lấy mục tiêu giới thiệu sản phẩm âm nhạc chất lượng cho công chúng mà nhắm đến việc thu hút khách du lịch. Để thu hút, các lễ hội/ chương trình biểu diễn âm nhạc thường có yếu tố “nước ngoài”: mời ban nhạc nước ngoài, nghệ sĩ nước ngoài, tổ chức với các trang thiết bị, thành phần, yếu tố công nghệ nước ngoài… Cách làm này khá hiệu quả. Điểm qua những hoạt động âm nhạc quốc tế ở Việt Nam năm 2023: Blackpink 2023 (Hà Nội), gần như lấp đầy sân vận động Mỹ Đình với gần 67 nghìn khán giả, buổi diễn của nhóm nhạc Super Junior Super Show 9: Road (Thành phố Hồ Chí Minh), những tiết mục bùng nổ của Charlie Puth trong chương trình 8 Wonder (Nha Trang), lễ hội âm nhạc Hay Fest (Hà Nội)… và nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc nổi tiếng như Taeyang BoA, Aespa, Hyoyeon… Dịp cuối năm, sao quốc tế tiếp tục đổ bộ đến Việt Nam như huyền thoại Kenny G, Ban nhạc Westlife và kết thúc là 3 đêm diễn của lễ hội âm nhạc Hozo music festival ở Thành phố Hồ Chí Minh… Nhưng sau các hoạt động đình đám này, các nhà quản lý thiếu sự kiểm điểm, đánh giá về mặt chuyên môn âm nhạc, thiếu những phân tích các số liệu kinh tế từ hoạt động mang lại. Các nhà quản lý văn hoá, các nhà nghiên cứu hoạch định cấp chiến lược gần như chưa có một công trình nghiên cứu nào về thị trường của ngành công nghiệp âm nhạc cũng như nghiên cứu về các chỉ số môi trường - điều kiện, nghiêm túc chỉ ra các yếu tố tác động xã hội từ các sản phẩm công nghiệp âm nhạc. Con số thu nhập từ các dịch vụ, hoạt động du lịch “ăn theo” lễ hội/ chương trình biểu diễn âm nhạc chỉ là bề nổi, tức thời, những yếu tố quyết định liên quan đến sản phẩm (tính sáng tạo, nghệ thuật, độc đáo) hay quảng bá sản phẩm đều chỉ làm theo kinh nghiệm. Tất nhiên, những dịch vụ đi kèm sản phẩm âm nhạc giúp cho sản phẩm ấy được quảng bá và đến với người xem được tốt hơn, cũng như đôi khi sản phẩm phụ mang lại lợi nhuận hơn sản phẩm chính (âm nhạc), nhưng không vì lẽ đó mà bỏ qua chất lượng của sản phẩm âm nhạc. Điều đó sẽ làm thui chột nhanh chóng những đốm lửa mới được nhen lên để xây dựng công nghiệp âm nhạc.
Gần đây, nhiều chương trình lễ hội âm nhạc đã bắt đầu có định hướng riêng cho mình. Mở đầu là Hozo music festival ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chọn con đường “phát huy bản sắc âm nhạc truyền thống, dân tộc”, nội dung âm nhạc của Hozo music festival là những bài dân ca, âm nhạc truyền thống được thể hiện theo lối mới - nhạc trẻ, sử dụng nhạc cụ dân tộc (được điện tử hóa) trong dàn nhạc (band), sự tham gia của “khách mời” cũng phải là những tiết mục âm nhạc “đậm đà bản sắc dân tộc” từ các nước được mang đến sân khấu Hozo music festival. Gần đây, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”… cũng nhộn nhịp những bài dân ca, chèo, cải lương, đờn ca tài tử Nam Bộ hay bài chòi được phối trộn với hòa âm phương Tây, thể hiện bằng những giọng hát hài hước, vui nhộn, trẻ trung trên nền của ban nhạc trẻ, phong cách nhạc jazz, pop, rock… Tuy nhiên, có lẽ khán giả sẽ nhanh chóng nhàm chán bởi cách làm này đã lặp lại suốt từ mùa đầu tiên (2019) đến nay (gián đoạn 2 năm đại dịch COVID-19). Đâu phải chỉ sử dụng những bài hát dân ca, nhạc cổ truyền hoặc nhạc cụ dân tộc trong dàn nhạc thì mới là “bản sắc”. Có thể cần tìm tòi cách thể hiện khác, sự kết hợp, biến hóa sáng tạo hơn. Đồng thời, vốn âm nhạc hiện đang được khai thác chỉ luẩn quẩn mấy bài hát quen thuộc, trong khi chúng ta có đến 54 nền âm nhạc của 54 dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Công nghiệp biểu diễn âm nhạc Việt Nam chưa biết cách khai thác “sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến cho các show diễn quốc tế”. Các nhà tổ chức cũng bắt đầu tìm cách làm thế nào để hệ thống hóa các festival và các phòng hòa nhạc để hỗ trợ tốt hơn cho việc tổ chức các tour lưu diễn. Nhưng cách thức nào để “tiếp thị” tốt hơn cho các nhà tổ chức, sản xuất và nghệ sĩ quốc tế về các cơ hội hợp tác tại Việt Nam? Cuối cùng, liệu việc gia tăng các show diễn đến từ các nghệ sĩ quốc tế có mang lại rủi ro nào tiềm ẩn hay làm giảm cơ hội của các nghệ sĩ tại Việt Nam trên chính quê hương họ hay không? Ở chiều ngược lại, chiến lược hỗ trợ phát triển nghệ sĩ và xuất khẩu âm nhạc cũng chưa được nhiều người quan tâm. Trước đây, các nghệ sĩ Việt Nam có thể tham gia các buổi biểu diễn quốc tế đã xuất phát từ Liên hoan Nhạc gõ châu Âu (từ năm 2010 đến 2015, tổ chức tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh) hoặc Liên hoan âm nhạc Á - Âu do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đăng cai tổ chức 2 năm/ lần tại Hà Nội… Những lợi ích từ đó mà giới âm nhạc thu nhận được ở rất nhiều phương diện. Nhưng những hoạt động này đều mang tính tự phát, chưa được tìm hiểu, nghiên cứu rút kinh nghiệm, phát huy trong hệ sinh thái công nghiệp âm nhạc, chưa biến thành những sản phẩm công nghiệp âm nhạc mà chỉ dừng lại như một sinh hoạt chuyên ngành của những người làm âm nhạc chuyên nghiệp kinh viện.
“Hệ sinh thái” ban đầu là khái niệm sinh học nhưng đối với nền kinh tế, công nghiệp biểu diễn âm nhạc cũng là một hệ sinh thái với các thành tố và tính tác động qua lại, trao đổi vật chất với nhau. Những nét phác thảo ngành công nghiệp âm nhạc và thị trường âm nhạc Việt Nam với những yếu tố mang dấu hiệu của một hệ sinh thái, có các thành phần từ sáng tác âm nhạc, xây dựng chương trình biểu diễn, sản xuất thành sản phẩm, phổ biến sản phẩm… đã đến lúc cần có được một nghiên cứu, hoạch định, điều phối, quản lý bằng pháp lý và chính sách của Nhà nước. Tuy chưa đầy đủ và không chuyên sâu để phân tích, lý giải các nội dung kinh tế của một ngành công nghiệp nhưng cũng cho thấy thực tế sản xuất, hình thức sản phẩm âm nhạc, thị trường - môi trường thực tế Việt Nam dưới góc tiếp cận công nghiệp văn hóa và nội dung âm nhạc. Qua đó còn cho thấy “hệ sinh thái” của ngành công nghiệp âm nhạc vẫn còn nhiều vấn đề, “quần xã” của ngành công nghiệp âm nhạc vẫn còn thiếu vắng một số thành tố như nội dung đang bị “mòn” ý tưởng và chất liệu, phương pháp thể hiện, nội dung và hình thức âm nhạc thiếu sáng tạo hoặc chưa mang tính đột phá, chưa mới mẻ; chính sách và phương pháp quảng bá chưa đến được với người thưởng thức. Một cái nhìn cho môi trường sinh thái công nghiệp biểu diễn âm nhạc Việt Nam: “tính tác động qua lại và trao đổi vật chất với nhau” là điều chưa được quan tâm và vẫn còn nhiều khoảng trống cần bù đắp. Cần có những tác động bằng các chính sách quản lý Nhà nước.
4. Xây dựng sản phẩm âm nhạc theo hướng công nghiệp văn hóa - xây dựng “hệ sinh thái” công nghiệp âm nhạc
Vai trò của nhà nước đối với ngành công nghiệp văn hóa - công nghiệp biểu diễn: Công nghiệp biểu diễn âm nhạc đang thực sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế của một số nước và đang phát triển không ngừng. Ngành công nghiệp âm nhạc cũng đang trải qua quá trình quốc tế hóa, công nghệ hóa, dịch vụ hóa và thương mại hóa văn hóa, điều đó cũng đang xuất hiện ở nước ta. Ở các nước, nhà nước quản lý, quy hoạch, điều tiết bằng hệ thống pháp luật và các chính sách mềm dẻo: chính sách kinh tế thông qua thuế với những điều kiện thưởng, miễn giảm; chính sách văn hóa với những đầu tư, khuyến khích đào tạo và giáo dục, vinh danh (giải thưởng) thực chất… Trên thực tế cũng có thể học tập, nghiên cứu rút kinh nghiệm thực tế Việt Nam và các nước.
Có thể thấy vai trò của nhà nước khá quan trọng trong các chính sách văn hóa. Trong nhiều giai đoạn lịch sử âm nhạc Việt Nam, nhiều thể loại âm nhạc được xây dựng, phát triển và đạt đến những đỉnh cao nhờ vào sự ưa chuộng, quan tâm, đầu tư bằng các “chính sách” của các triều vua. Dưới đời nhà Trần, nghệ thuật tuồng phát triển, sang đời Lê, nghệ thuật ả đào (ca trù) được vinh danh; dưới thời các chúa - vua nhà Nguyễn, tuồng lại một lần nữa đạt đến đỉnh cao rực rỡ11. Những loại hình nghệ thuật đạt đến đỉnh cao phần nào đó được xây dựng, phát triển nhờ vào sự yêu chuộng, cổ xuý và nhất là hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi của nhà cầm quyền, đầu tư của nhà nước. Gần đây, với sự tập trung, đầu tư của nhà nước, mặc dù đất nước đang trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ cứu nước khốc liệt nhưng chỉ trên dưới mười năm (thập kỷ 50-60 thế kỷ XX), Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã từng đưa sang Trung Quốc, Liên xô (cũ) và các nước Đông Âu hàng trăm du học sinh ngành âm nhạc để sau đó, nguồn nhân lực này tham gia xây dựng thành công nền âm nhạc kinh viện, chuyên nghiệp với trường âm nhạc chính quy, dàn nhạc giao hưởng, nhà hát và đội ngũ nhạc sĩ chuyên sáng tác nhạc giao hưởng, thính phòng, nhạc sĩ, nghệ sĩ xuất sắc... Tuy nhiên, vai trò lớn lao của nhà nước chính là định hướng nội dung, khuyến khích, đầu tư vào những nội dung phục vụ cho chế độ, nhân dân; quản lý bằng chính sách, luật cũng như cơ chế điều hành nhằm khuyến khích, hỗ trợ đối với sản phẩm âm nhạc tốt, mang đến những giá trị nhân văn cho con người.
Vai trò của thị trường: Ngay từ những thập niên cuối của thế kỷ XX, rất nhiều người Hàn Quốc đã sang Mĩ, châu Âu… để học tập về âm nhạc. Trong số họ, khuynh hướng nhạc nhẹ, nhạc đại chúng đã thu hút nhiều người và họ nhanh chóng thành lập các công ty giải trí (entertainment) có sản xuất âm nhạc theo lối công nghiệp. Cũng trong thời gian này, để đưa ra những sản phẩm đầu tiên của nền công nghiệp âm nhạc, các công ty giải trí bắt đầu bằng những nhóm nhạc, nghệ sĩ độc quyền. Con đường phát triển của công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc cũng bắt đầu bằng các công ty sản xuất chương trình âm nhạc nhưng luôn kèm theo các “học viện”. Tất nhiên, các công ty giải trí này cũng quản lý cả những diễn viên, người mẫu, hình thành những tập đoàn kinh tế mạnh với rất nhiều công ty con, chịu trách nhiệm tất cả các khâu từ sản xuất đến kinh doanh, từ quản lý con người – nghệ sĩ, đến đối ngoại – quan hệ công chúng; từ chuyên môn sâu đến theo dõi thị trường, quảng cáo… Những tập đoàn công ty giải trí của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc có tuổi đời không cao nhưng lợi nhuận thuộc hàng cao nhất của khu vực và có đẳng cấp thế giới. Họ bắt đầu chiến dịch vươn ra thế giới rất sớm, không chỉ là quảng bá, giới thiệu (bán) sản phẩm mà còn thu thập nguồn nhân lực ở các nước bằng các đợt tuyển người ở khắp các nước châu Á. Bên cạnh đó, họ có những hoạt động hợp tác quốc tế với Trung Quốc, Nhật Bản dưới hình thức “nhóm nhạc hợp tác”. Thông qua nhóm nhạc này, người Hàn Quốc tuyển nhân lực, huấn luyện, chọn lọc nhân lực, sản xuất chương trình… Những nhóm nhạc, nhóm nhạc hợp tác hoặc những chương trình biểu diễn của họ đều chịu sự đánh giá của thị trường. Nhưng điểm quan trọng là họ biết định hướng sự thụ hưởng của thị trường, thị hiếu tiêu thụ sản phẩm của khán giả theo sản phẩm của họ thông qua nhiều phương pháp nhưng rõ ràng nhất là chiến dịch quảng bá, giới thiệu.
Đến nay, công nghiệp nói chung và xây dựng công nghiệp văn hóa nói riêng chưa phải là truyền thống sản xuất của Việt Nam nhưng chúng ta có thể học tập nước ngoài, nghiêm túc nghiên cứu để đưa ra những chính sách, chiến lược cho ngành công nghiệp non trẻ này. Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản đã đưa ra quy trình 3 bước của công nghệ văn hóa: 1) Đào tạo; 2) Hợp tác quốc tế; 3) Liên kết và tạo thành vòng tròn khép kín sản xuất. Trong 3 khâu này, vấn đề đào tạo là khâu yếu nhất, gần như bỏ lửng. Đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp âm nhạc cũng hoàn toàn chưa được tổ chức, là “số không” từ đầu vào đến đầu ra!
Ở phương diện phát triển hệ sinh thái công nghiệp âm nhạc, công nghệ đang là một thành tố quan trọng của sản xuất. Các ngành công nghiệp văn hóa trên thế giới đang ngày càng thích ứng (vừa là mục tiêu vừa là động lực) của khoa học công nghệ (công nghệ kỹ thuật số), với định hướng – mục tiêu và chính sách của các quốc gia. Những nhân tố này làm thay đổi hoàn toàn nội dung, hình thức, phạm vi, quy mô… của các sản phẩm văn hóa. Nhưng ở Việt Nam hầu như chưa có sự đầu tư đầy đủ, đúng đắn đối với lĩnh vực này. Việc ứng dụng, sử dụng công nghệ trong sản xuất các sản phẩm âm nhạc vẫn mang tính kinh nghiệm và bị dẫn dắt bởi các nhà buôn vật tư công nghệ. Ứng dụng công nghệ trong sản xuất các chương trình, tiết mục âm nhạc chỉ nhằm mang đến một cuộc đua không có hồi kết và không có chương trình âm nhạc nào có thể thiếu phần ứng dụng kỹ thuật công nghệ nếu muốn có khán giả. Về nghệ thuật, ứng dụng công nghệ đã khiến người xem chỉ được tiếp cận công nghệ âm nhạc mà không chú trọng nghệ thuật âm nhạc, say sưa với những hiệu ứng sân khấu do công nghệ thực hiện, thưởng thức sản phẩm công nghệ âm nhạc dước cái “nhãn mác” công nghiệp biểu diễn âm nhạc.
Là nền công nghiệp sáng tạo nhưng để có một hệ sinh thái âm nhạc bền vững, rất cần quan tâm đến công nghệ về nội dung và vấn đề đào tạo con người – nguồn nhân lực. Việt Nam hầu như chưa có nghiên cứu hay sáng tạo, kể cả thiết kế phần mềm… cho âm nhạc, mặc dù nhu cầu ứng dụng công nghệ vào ngành công nghiệp âm nhạc là một hướng nghiên cứu luôn cấp thiết. Một vài công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, đào tạo âm nhạc đã xuất hiện nhưng việc đưa vào thực tế sử dụng có lẽ chỉ được một, hai công trình. Nguồn nhân lực về lĩnh vực âm nhạc công nghệ là một khoảng trống to lớn từ đào tạo đến sử dụng. Từ đây cho thấy đã đến lúc cần có những chuyên ngành đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp biểu diễn âm nhạc mà trong đó rất cần có ngành “công nghệ âm nhạc” (Technology of music).
Từ góc độ sản phẩm, các sản phẩm của nền công nghiệp âm nhạc, dịch vụ công nghiệp âm nhạc phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố “sáng tạo - bản sắc - độc đáo - chuyên nghiệp - lành mạnh - cạnh tranh - bền vững”12, trên nền tảng “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” theo Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) là định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Đó cũng là con đường tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp âm nhạc Việt Nam.
Có một gợi ý từ quan điểm của Patrick Geddes: “Think globally - act locally” (hay “Think global - act local”13), tạm dịch là “Suy nghĩ theo hướng toàn cầu, hành động theo cách của địa phương” trong xây dựng sản phẩm âm nhạc theo hướng công nghiệp văn hóa - âm nhạc. Khẩu hiệu này thực sự là của những nhà xã hội học, môi trường, giáo dục, kinh tế và tôn giáo. Tuy nhiên, khẩu hiệu này hiện nay được áp dụng ở nhiều ngành và được xem là có ý nghĩa tiến bộ, vì trái đất và con người… Trong nội dung xây dựng sản phẩm âm nhạc theo hướng công nghiệp văn hóa, có thể lấy câu nói này làm cơ sở hình thành những sản phẩm độc đáo, bản sắc, sáng tạo, chuyên nghiệp nhưng có giá trị cạnh tranh, lành mạnh, tiến bộ, nhân văn, đồng thời có tầm vóc thời đại và tính toàn cầu.
Từ góc độ sản phẩm, sản xuất công nghiệp có mục tiêu là lợi nhuận nhưng không thể vì lợi nhuận mà bất kể nội dung - hình thức, bất chấp những yếu tố gây hại cho con người bởi chức năng, giá trị của âm nhạc đối với đời sống tinh thần của con người. Về mặt chủ thể sáng tạo, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà sáng tạo sản phẩm cần đặt trách nhiệm xã hội trên sản phẩm của mình, hiểu rõ giá trị và những tác động lớn lao của sản phẩm âm nhạc đối với tinh thần con người.
Cuối cùng, để có một hệ sinh thái tốt cho sự nghiệp phát triển công nghiệp âm nhạc, cần xem xét lại điều kiện nguồn nhân lực. Cho đến nay, nguồn nhân lực qua đào tạo ở Việt Nam nói chung và nhân lực lao động trong ngành công nghiệp âm nhạc hầu như không nhiều. Một lỗ hổng lớn của hệ sinh thái công nghiệp âm nhạc là vấn đề đào tạo. Ít có công ty giải trí quan tâm đến đào tạo mà gần như “khoán” hẳn cho các cơ quan giáo dục, đào tạo. Ở phương diện thị trường lao động, nhân lực cho ngành công nghiệp vẫn đang tập trung ở nguồn nhân lực sáng tạo: nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công, diễn viên… Nhưng để các nghệ sĩ thể hiện được tác phẩm âm nhạc, nhân lực ở những khâu cơ sở như nhà sản xuất âm nhạc, người điều hành tổ chức, nhân lực cho hoạt động triển khai và xây dựng tác phẩm – sản phẩm (trong đó có những chuyên viên âm thanh, ánh sáng, điều khiển phần mềm công nghệ…) phục vụ cho chuyên môn hầu như chưa từng được quan tâm. Cùng với đó, đội ngũ nhân lực cho khâu phát hành, quảng bá, tổ chức phổ biến giới thiệu cũng như người làm công tác quan hệ công chúng… chỉ vừa được manh nha tổ chức trong một số ngành liên quan. Mối quan tâm của thị trường vẫn tập trung ở phần thể hiện – nghệ sĩ mà chưa thấy để đến đó là một đoạn đường dài với yêu cầu nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực không chỉ ở khâu sản xuất mà còn ở mọi khâu: sáng tạo, sản xuất trực tiếp - gián tiếp, điều hành, quản lý, chuyên môn âm nhạc cũng như công nghệ âm nhạc, sản xuất âm nhạc, kinh tế - tổ chức và quản lý công nghiệp âm nhạc… Có lẽ không tránh khỏi những hướng nghiên cứu mới, những ngành mới để đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ sinh thái công nghiệp âm nhạc. Tuy nhiên, việc chưa tổ chức được các ngành đào tạo liên quan còn phụ thuộc vào thị trường, cơ chế nhà nước đối với việc mở ngành đào tạo; sự phân công lao động; chức năng, sứ mệnh của các đơn vị giáo dục, đào tạo cũng như việc đánh giá giá trị lao động của nguồn nhân lực này để thu hút người tham gia đào tạo và lao động.
Hệ sinh thái tốt, bền vững khi quần thể cùng quan tâm và giữ gìn mối liên hệ tương hỗ. Sản phẩm công nghiệp âm nhạc không chỉ là của cá nhân, địa phương mà luôn là sản phẩm mang tính toàn cầu cũng như yếu tố nhân văn và mang dấu ấn thời đại. Xây dựng hệ sinh thái tốt sẽ có sản phẩm tốt và ngược lại, cùng với việc đầu tư để có sản phẩm công nghiệp âm nhạc tốt sẽ góp phần xây dựng hệ sinh thái cho ngành công nghiệp âm nhạc.
5. Kết luận
Cho đến nay, gần như chưa có công trình nghiên cứu về ngành công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam. Để xây dựng ngành công nghiệp âm nhạc phát triển, cần quan tâm đến những thành tố của nó, xây dựng một “hệ sinh thái” có những mối quan hệ bền vững. Dù vì mục tiêu nào, ngành công nghiệp âm nhạc cũng cần xác định nhiệm vụ sản xuất là làm ra những sản phẩm âm nhạc phục vụ đất nước, nhân dân, phục vụ con người. Đặc điểm riêng, độc đáo và xuất phát từ sự sáng tạo là nguyên tắc của sản xuất sản phẩm công nghiệp âm nhạc với tiêu chí Việt Nam là: “sáng tạo - bản sắc - độc đáo - chuyên nghiệp - lành mạnh - cạnh tranh”. Điều cuối cùng của mọi vấn đề chính là con người – nhân lực thực hiện các hoạt động này. Nhân lực sẽ trưởng thành (về số lượng và chất lượng) qua thời gian và theo sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc nhưng thả nổi về đào tạo là không tạo hệ sinh thái bền vững cũng như kéo lùi sự phát triển ngành công nghiệp âm nhạc.
Chú thích:
1 Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc - United Nations Educational Scientific and Cultural Organization (UNESCO) và Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch – General Agreement on Tariffs and Trade (GATT).
2 Phan Thị Thu Hiền (2021), Văn hóa đại chúng trong thời đại toàn cầu hóa, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 1.
3 Theo “10 chức năng của âm nhạc” của Alan B. Merriam (1960), Anthropology of music, Northwestern University Press, USA, pp. 210-220.
4 Russel Blaine Nye là Giáo sư người Mĩ, người đi tiên phong trong nghiên cứu văn hóa đại chúng vào những năm 1960.
5 R. Williams cho văn hóa đại chúng gồm: “(1) được yêu thích, ưa chuộng rộng rãi, (2) tầm thường, “thấp hơn” (so với những hình thức văn hóa cùng loại được xem là ở cấp độ cao hơn), (3) phổ biến, được chú ý tạo nên nhằm giành thiện cảm, giành sự ưu ái của dân chúng đại trà và (4) thực sự do con người tạo nên cho chính mình”, dẫn theo Phan Thị Thu Hiền (2021), Văn hóa đại chúng trong thời đại toàn cầu hóa, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 2.
6 “Music in society and culture - Culture and society in music” là tựa đề 2 chương của sách How Musical is man? của John Blacking (1973), NXB University de Washington Press, điều mà Blacking phát hiện khi ông khảo sát âm nhạc Venda của người Nsengas ở Nam châu Phi.
7 Một số giải thưởng âm nhạc do các đơn vị khác tổ chức nhưng đã tạm dừng: Zing Music Awards - do mạng xã hội Zing tổ chức (2010-2020); Giải thưởng truyền hình HTV do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (2007-2016)…
8 Dẫn theo: Phan Thị Thu Hiền (2021), Văn hóa đại chúng trong thời đại toàn cầu hóa, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
9 Ví dụ: Giải Grammy đều có hạng mục cho các sản phẩm trình diễn khác nhau, nhạc pop, rock, nhạc country cũng như nhạc giao hưởng, thính phòng, giải thưởng cho chỉ huy dàn nhạc hay nghệ sĩ opera…
10 Nguyễn Thị Mỹ Liêm (2019), Giáo trình Lịch sử âm nhạc Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam.
11 Theo kết luận tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 22/12/2023.
12 Nguồn gốc của câu nói này xuất phát từ khẩu hiệu của những người thuộc Hiệp hội Những người bạn (của) trái đất (Friends or the Earth, như David Brower) hoặc của một số nhà bảo vệ môi trường, những người theo “Tương lai học” (Futurist - Frank Feather) và nhiều người khác sau đó, trong đó có Patrick Geddes, khi nói về văn hóa, môi trường…