à người có hơn 60 năm lăn lộn trong sinh quyển văn hóa nước nhà, ở nhiều sinh địa khác nhau: lúc chiến tranh, tốt nghiệp Khoa Văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là đi bộ đội, ở ngoài mặt trận, từ chiến sĩ pháo binh, làm chính trị viên, rồi cán bộ tuyên huấn của Trung đoàn, xây dựng Đội Tuyên truyền văn hóa đi phục vụ bộ đội và thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn; khi hòa bình, có 15 năm làm ở Tạp chí Văn nghệ quân đội vào thời kỳ rực rỡ (không dám nói là rực rỡ nhất), sau đó chuyển ngành về Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam 20 năm với nhiều vị trí khác nhau; về hưu 20 năm vẫn tiếp tục làm thuê cho các con trong công ty tư nhân hoạt động trong ngành truyền thông, nghĩa là vẫn sống trong sinh quyển văn hóa, tôi rất mừng khi thấy Thủ tướng Chính phủ có một chỉ thị riêng biệt cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để thực hiện các yêu cầu từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024).
Trên phương diện đường lối, Đảng ta luôn coi trọng sự phát triển của văn hóa. Nhờ thế, ngay từ đầu xây dựng chế độ mới, với tư cách là một mặt trận, văn hóa, mà trọng tâm là văn học, nghệ thuật, đã lập nhiều chiến công góp phần xứng đáng vào những thắng lợi liên tục của cách mạng và kháng chiến, hơn thế, còn làm nên một biên niên sử hào hùng bằng các sáng tác văn học, nghệ thuật nhiều thể loại mà sức sống còn chiếm lĩnh không gian tinh thần của cuộc sống hiện nay.
Nhưng trong thời kỳ mới, trước những biến động lớn của bàn cờ chính trị thế giới, của sự phát triển phi mã, bây giờ phải gọi là siêu siêu tốc, bất ngờ của khoa học - kỹ thuật, rất nhiều vấn đề cơ bản cần được xem xét lại vì nó thay đổi về cơ bản cuộc sống của con người. Sự xuất hiện ngày càng nhiều những tỉ phú hàng đầu thế giới không sở hữu nhà máy, xí nghiệp, đất đai, tập đoàn kinh tế – những cở sở vật chất hữu hình, mà giá trị tài sản vô hình của họ tăng vọt trong thời gian ngắn, lại ảnh hưởng rất lớn, rất nhanh đến cách sống, lối sống, tư tưởng, tình cảm của của hàng tỉ người, buộc mọi quốc gia phải nhanh chóng điều chỉnh các chính sách phát triển.
Công nghiệp văn hóa mà chúng ta muốn xây dựng hôm nay khác rất xa với hình dung của vài mươi năm trước, khi mà nhiều quốc gia đã thành công. Nhưng có một vấn đề cơ bản, luôn luôn là hàng đầu, đó là nhân lực của đội ngũ hoạt động văn hóa. Vấn đề này không mới. Mở lại tập sách Văn hóa trong phát triển - Văn hóa của phát triển của tôi, được NXB Sân khấu in năm 2022, có hơn 10 lần chúng tôi đã nhấn mạnh ý này, đều là những lần được góp ý vào các Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng ở các năm 1994, 1999, 2004... Rất mừng là trong Chỉ thị của Thủ tướng đã nhấn mạnh vấn đề nhân lực: từ nhận định nguồn “nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng”, Chỉ thị đã lưu ý đến “chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng”. Chúng ta đều biết, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhà nước đã có ngay kế hoạch đào tạo cấp tốc mấy vạn kỹ sư đáp ứng yêu cầu. Đó là một dự án khả thi. Nhưng đào tạo nhân lực ngành văn hóa hình như không dễ kế hoạch máy móc như thế. Chỉ cần nhìn lại đánh giá của Đảng về nhân lực trong Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới: “Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, nội dung và phương thức lãnh đạo chậm đổi mới […]. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn hóa thiếu hiểu biết về văn học nghệ thuật, ít học tập, ngại tiếp xúc nên hiệu quả lãnh đạo, quản lý còn thấp, có sự hẫng hụt đội ngũ này ở cả tầm vĩ mô và ở các đơn vị cơ sở”, ai cũng thấy, hơn 15 năm đã qua, tình trạng đó vẫn chưa được khắc phục và chưa có dấu hiệu sẽ được khắc phục trong thời gian ngắn. Để thành một nhà hoạt động cũng như lãnh đạo, quản lý trong ngành văn hóa, không chỉ cần kiến thức mà cần hơn là sự từng trải, quá trình lăn lộn với thực tế trong một vùng sinh thái đa dạng để hiểu người, hiểu việc, hiểu những khác biệt trong từng ngành nghệ thuật, văn học, văn hóa, mới có những ứng xử phù hợp. Cũng từ sự yếu, thiếu của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, tham mưu mà nhiều nội dung của Nghị quyết quan trọng đó không được đưa vào cuộc sống, chẳng hạn nội dung này: “Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài các năng khiếu, tài năng văn học nghệ thuật xứng đáng”. Hãy hình dung nếu nội dung đó được thực hiện, mỗi năm chỉ cần khoảng 10 người được gửi đi, mỗi khóa học 4 năm, thì sau 16 năm, chúng ta đã có hơn một trăm nhân lực được đào tạo bài bản để trở về cống hiến cho hoạt động văn học, nghệ thuật nước nhà. Xin lưu ý là cử người có năng khiếu, tài năng chứ không chọn lý lịch xuất thân. Khâu đào tạo này ở các trường văn hóa - nghệ thuật nội địa vẫn đang còn nhiều vấn đề khi đội ngũ giảng viên ít được cập nhật những kiến thức hiện đại của các ngành nghệ thuật thế giới, điều mà trong những năm còn chiến tranh, bao cấp, nhà nước làm rất bài bản.
Vấn đề trên ít nhiều được khắc phục nhờ sự nhạy bén của các cá nhân quan tâm đến thị trường nhân lực trong sự phát triển của xã hội. Không được nhà nước bao cấp, qua thông tin quốc tế, không ít gia đình đã giúp con cái tìm học bổng du học, tìm những trường đào tạo những ngành nghề nhiều khả năng tìm việc, trong đó có các ngành nghệ thuật, cùng với các Việt kiều tìm về hoạt động trong thị trường trong nước, nhờ thế, một số ngành nghệ thuật có sự khởi sắc. Điện ảnh, ca nhạc.. là nơi thấy rõ nhất. Thiên tài thì không dám nói, nhưng so với nhiều thế hệ trước thì về nhiều mặt, lớp trẻ hôm nay do được trang bị sớm về kiến thức, phương tiện, điều kiện tự do sáng tạo và thực hành, môi trường văn hóa nên xuất hiện nhiều tài năng trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nhưng như thế là rất không đủ khi đặt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp văn hóa. Trong hệ sinh thái này, để sáng tạo các giá trị nghệ thuật đích thực, có tác phẩm cần rất nhiều loại nhân lực, để đưa nó vào thị trường, phục vụ nhu cầu rất đa dạng của nhiều loại công chúng cũng cần nhiều loại nhân lực hơn.
Từ ngày nền kinh tế thị trường, dù có định hướng xã hội chủ nghĩa, thì ngành giáo dục về cơ bản đã được xã hội hóa, có nghĩa là không còn được nhà nước bao cấp như ngày trước, hầu hết nhân lực trong thị trường lao động mọi ngành nghề phải tự túc đào tạo. Nhân lực đa dạng trong ngành công nghiệp văn hóa dĩ nhiên cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trong môi trường đó, sức hút nhân lực sẽ tới từ những ngành có thu nhập cao, dễ tìm việc làm, một thời là ngành ngân hàng, điện tử… chẳng hạn. Để nhân lực văn hóa phát triển, không thể không quan tâm thiết thực, cụ thể tới nguồn thu nhập của những người lao động trong ngành, một sự lưu ý rất đáng ghi nhận trong Chỉ thị của Thủ tướng. Tất nhiên, người hoạt động trong môi trường này cần nhiều hơn thế, không gian tinh thần để tự do sáng tạo, đầu tư cho nghệ thuật là đầu tư mạo hiểm (chẳng hạn hằng năm có đến 30-40 phim ra rạp mà số có lãi chỉ đếm trên đầu ngón tay, có hơn 50% không thu đủ vốn…), khả năng phạm sai lầm hay không phù hợp thời điểm, cần được bảo hiểm. Họ cần có chính sách bảo trợ, hơn thế, bảo trợ đặc biệt, để có thể tồn tại và phát triển (mới đây, Bộ Tài chính trình Quốc hội thông qua mức thuế giá trị gia tăng ngành văn hóa lên 10% là một tin không vui)... Đằng sau mấy từ ngắn gọn này là cả một “đại dương” những vấn đề cần bàn thảo không dễ thấu đáo. Như ban đầu đã nói, trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, nhiều sản phẩm nghệ thuật thuộc tài sản trí tuệ (Interlectual Property). Việc xác định giá trị bằng tiền không hề đơn giản. Cùng một bức tranh có cùng chất liệu, khuôn khổ mà giá tiền chênh nhau cả ngàn vạn lần do liên quan đến tác giả, thời điểm và rất nhiều thứ không lý giải hết được. Nhiều tác phẩm nghệ thuật các loại hình khác cũng vậy. Nhưng luật pháp hiện tại đã từng kết án tù một người ăn cắp mấy con vịt, chiếc xe đạp, mấy ổ bánh mì mà chưa thấy ai bị kết án tù vì ăn cắp tranh, vi phạm bản quyền tác giả bằng các hình thức sao chép, phát tán dưới nhiều hình thức. Sự xuất hiện của NFT (Non-fungible token), tài sản số được đăng ký trên một chuỗi khối (Blockchain) có giá trị thị trường, liên quan thế nào đến quyền chủ quyền của tác giả và tác phẩm gốc, đang là vấn đề bàn thảo. Chỉ cần biết đi đầu trong thu bản quyền là âm nhạc, các tác giả ca khúc bolero được nhận cả tỉ đồng, trong khi nhiều tác giả “nhạc đỏ” được các đài phát thanh - truyền hình nhà nước phát thường xuyên mà chỉ được nhận một số tiền khá khiêm tốn. Nước ta từ lâu đã chuyển sang nền kinh tế thị trường nên mọi tài năng sáng tạo đều bình đẳng về mức học phí trong quá trình đào tạo, thậm chí phải chấp nhận mức học phí cao hơn để học ở những trường tốt. Tuy nhiên, khi ra trường, đi làm, không phải ai cũng có thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy, muốn có những tác phẩm phù hợp yêu cầu định hướng, không thể không tạo cho đội ngũ đó một cuộc sống ổn định. Với những tài năng, cần có chính sách, chế độ đãi ngộ thích đáng để tập hợp và tạo điều kiện cho họ sáng tạo. Trong kinh tế có thành phần kinh tế nhà nước và thành phần kinh tế tư nhân, các tập đoàn kinh tế tư nhân. Đáng buồn là không ít tập đoàn quan trọng của kinh tế quốc doanh luôn báo lỗ trong nhiều năm. Không ít đơn vị nhà nước hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cũng ở tình trạng tương tự. Một tỉ lệ áp đảo các tác phẩm, sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật hiện nay có xuất xứ từ những đơn vị tư nhân, trong đó, số bị phá sản vì thua lỗ không ít. Hình như có hơn 150 đơn vị có giấy phép sản xuất phim nhưng số đầu phim điện ảnh hằng năm chỉ tập trung trong vài mươi đơn vị, duy trì sự tồn tại. Cho đến nay, sau nhiều lần Quốc hội sửa luật, lực lượng làm nên phần lớn sản phẩm văn hóa này vẫn chưa được khuyến khích bằng những chính sách cần thiết.
Một đặc điểm dễ thấy trong thời đại tiêu dùng hiện nay là không chỉ trong lĩnh vực thể thao, tuổi đào tạo có khi dài hơn tuổi hành nghề, mà ngay trong văn học, nghệ thuật, tuổi hoạt động năng động nhất cũng không dài lâu. Thời kỳ nào, ở bất cứ đâu, các thiên tài tạo ra những tác phẩm sống mãi với thời gian đều là của hiếm. Những tài năng ngày nay tạo ra những tác phẩm có tuổi thọ ngắn hơn nhiều. Mấy tác phẩm văn học được giải thưởng chỉ vài mươi năm là không còn mấy ai đọc. Một bộ phim ra rạp, ở các nước, kinh phí sản xuất có khi hàng chục hoặc trăm triệu USD; ở trong nước, hiện nay trung bình vài chục tỉ, làm trong dăm ba năm, ra rạp chiếu nhiều lắm chỉ vài tháng cho những phim xuất sắc, đình đám nhất, còn đa số là vài ba tuần, thậm chí có phim không trụ nổi một tuần ở rạp. Tuổi đời của nhiều phim được chuyển qua thế giới mạng nhưng cũng hên xui bất thường. Rất mừng là trong Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/08/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã nhấn rất rõ vấn để bảo vệ bản quyền cho các thành phần tham gia tạo các sản phẩm văn hóa.
Một điều đáng lưu ý là nhiều năm nay, cở sở hạ tầng để chuyển tải thông tin ở nước ta phát triển vượt bậc. Riêng truyền hình nhà nước đã có khoảng 10 đài trung ương, hơn 60 đài địa phương, số kênh thuộc nhà nước có lẽ nhiều nhất thế giới. Thời lượng 24/24 dành cho văn học, nghệ thuật là rất lớn nhưng số lượng tác phẩm nội địa của các loại hình văn học, nghệ thuật và giải trí rất có hạn (dù những năm qua đã có nhiều phát triển cả về số lượng và chất lượng). Để phủ kín sóng và có quảng cáo để bảo đảm doanh thu, thời lượng dành cho phim và văn hóa phẩm nước ngoài chiếm một tỉ lệ rất lớn, lại thường vào giờ vàng. Ở nhiều nước, số lượng này được quy định rất chặt chẽ nhằm không chỉ bảo vệ chủ quyền về văn hóa, bảo vệ văn hóa nội địa mà còn ngăn chặn những ảnh hưởng khác. Nhà nước ta đã có thời kỳ có quy định này nhưng hiện nay ai cũng vượt rào, chấp nhận thực tế một cuộc xâm lăng văn hóa không bị rào cản. Gần đây, trên thế giới mạng với nhiều kênh, số lượng đó còn tràn ngập hơn. Người xem ở rạp, thậm chí ở máy truyền hình đang ít dần, vì họ chuyển qua xem trên điện thoại di động, đặc biệt là lớp trẻ. Không nên nghĩ những sản phẩm đó chỉ đơn thuần giải trí. Rất nhiều thứ ngấm vào đông đảo học sinh, sinh viên, thành ngôn ngữ đời thường, ảnh hưởng cách lựa chọn lối sống, cách sống. Nhiều bậc phụ huynh và cả thầy cô giáo bất ngờ khi thấy bạo lực học đường dù xử nghiêm mà số lượng vẫn tăng, đâu biết rằng đó chỉ là cách thực hành những gì họ thấy xuất hiện hằng ngày nhiều, rất nhiều trong các loại phim ngắn mang tên “phim Tổng tài”, “phim hành động”, “phim hay mỗi ngày”… tạo cách biến sống ảo thành thật đó thôi. Rất phổ biến trong hầu hết các phim ngắn và hấp dẫn là xác định một lớp người giàu có tự cho phép mình chọn cách sống vượt qua những giáo lý, đạo đức và cả luật pháp để được phóng túng trong mọi ứng xử. Điều đó khó nói là không mách bảo sự “nổi loạn” trong tuổi chưa định hình nhân cách. Điều đó cho thấy thêm một lý do chính đáng và cấp thiết cho việc thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa nước nhà.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh văn hóa còn là đất nước còn. Ở nhiều nơi, và trong tương lai, biên giới địa lý không còn quan trọng, sự mở rộng giao lưu kinh tế, xã hội ngày càng thoáng, mỗi quốc gia chỉ còn khác biệt nhau khi còn giữ được văn hóa, thể hiện trong văn hóa, tất nhiên là qua rất nhiều loại hình khác nhau. Trong sự suy thoái của đạo đức xã hội, đặc biệt ngày càng phổ biến ở nhiều tập thể lãnh đạo và cán bộ trung, cao cấp ở khá nhiều địa phương, ở những địa bàn kinh tế phát triển, có trách nhiệm của văn hóa. Xây dựng công nghiệp văn hóa không chỉ có mục đích kinh tế mà quan trọng hơn là nâng cao vị thế của văn hóa trong việc đào tạo, giáo dục con người Việt Nam với những phẩm chất cao đẹp, định vị với thế giới về hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp với bản sắc riêng có và bảo vệ vùng sinh quyển tinh thần của một đất nước độc lập, có chủ quyền, với lịch sử dựng và giữ nước huy hoàng.
Trên tinh thần đó, chúng tôi mong Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ được sớm thực hiện hiệu quả.