VẺ ĐẸP TRONG KIỂU THỨC TRANG TRÍ RỒNG THỜI NGUYỄN VÀ HƯỚNG ỨNG DỤNG VÀO SÁNG TẠO MĨ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI

Bài viết tập trung phân tích, luận bàn vẻ đẹp nghệ thuật biểu tượng 'hoá' của những kiểu thức trang trí hình tượng rồng thời Nguyễn. Từ đó nhìn nhận những thành tựu, hạn chế cũng như đề xuất hướng ứng dụng hình tượng rồng vào sản phẩm sáng tạo mĩ thuật đương đại.

   Từ ngàn xưa cho tới nay, hình tượng rồng hiện hữu không chỉ như một trong tứ đại linh thú, mà đối với người Việt, rồng còn chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm thức khi từ ngày dựng nước, tổ tiên ta đã luôn tự hào khi mang trong mình dòng máu “con Rồng cháu Tiên”. Nhìn lại từng thời kỳ lịch sử ở nước ta, hình tượng rồng cũng theo sự hưng thịnh của từng triều đại phong kiến mà có biến chuyển nhất định trong tạo hình, đường nét, cũng như trong các kiểu thức trang trí nghệ thuật. Xét riêng dưới thời Nguyễn, hình tượng rồng dường như xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ chốn cung đình uy quyền lộng lẫy cho đến những đình làng mộc mạc, đơn sơ, mang trên mình những giá trị tạo hình độc đáo gắn liền với đời sống văn hoá - tâm linh của dân tộc. Không những thế, hình tượng rồng dưới bàn tay của những nghệ nhân thời Nguyễn, dường như thỏa sức sáng tạo với những kiểu thức biến hoá vô hạn tạo nên một nét son nghệ thuật ấn tượng trong tiến trình văn hoá nước nhà.

   Theo thời gian, những biểu tượng “hóa” đó cũng như giá trị nghệ thuật trong sáng tạo hình tượng rồng thời Nguyễn dường như chưa có quá nhiều tài liệu nghiên cứu, hoặc chỉ được nhắc đến rất ít trong một số công trình nghiên cứu, nên việc nghiên cứu cũng ít nhiều gây ra sự loay hoay, khó khăn nhất định cho những thế hệ trí thức văn hoá đi sau. Vì vậy, để hiểu đúng, hiểu sâu cũng như bước đầu có những nhận định đầy đủ, chính xác về ý nghĩa cũng như giá trị nghệ thuật của các kiểu thức trang trí hình tượng rồng thời Nguyễn, bài viết sẽ tập trung luận bàn, phân tích để phần nào giải quyết được những cơ sở nền tảng cũng như khám phá, làm rõ giá trị độc đáo của các kiểu thức đó trên góc độ mĩ thuật học, từ đó đề xuất hướng ứng dụng phù hợp cho các hoạt động sáng tạo mĩ thuật ngày nay.

   1. Nguồn gốc hình tượng rồng trong văn hoá Việt Nam

   Nhắc đến hình tượng rồng, trước hết phải hiểu rõ nguồn gốc của con rồng trong văn hoá người Việt từ ngàn xưa. Nếu xét trên tiến trình lịch sử của nước ta thì việc rồng có mặt từ khi nào và nguồn gốc từ đâu, là những câu hỏi đặt ra cho các nhà nghiên cứu khi bắt đầu tìm hiểu về hình tượng rồng của dân tộc Việt. Vì những di tích cũng như nguồn tư liệu còn ít nên phần nào việc truy tìm câu trả lời chính xác cho vấn đề này vẫn còn chưa được đầy đủ và trọn vẹn, do đó có thể nói rằng rồng có mặt trong tâm thức và đời sống văn hoá của người Việt từ thời nào vẫn là chuyện chưa ai rõ.

   Tuy nhiên qua một số loại tư liệu văn hoá dân gian, rồng đã sớm hiện diện trong đời sống dân tộc Việt từ lâu. Theo PGS Nguyễn Du Chi, ông cho rằng “các nhà khảo cổ học cũng cảm thấy nguồn gốc con rồng Việt, ít nhất cũng đã có từ thời sơ sử, nhất là vào giai đoạn văn minh Đông Sơn. Đó là hình ảnh hoa văn về con cá sấu được cách điệu trên các đồ án trang trí của thạp đồng Đào Thịnh, qua đồng Núi Voi, rìu xéo đồng Đông Sơn, khoá thắt lưng Ninh Bình và Đông Sơn”. Cũng theo PGS Nguyễn Du Chi, “rất có thể con cá sấu được trang trí một cách trang trọng trên nhiều hiện vật đó là một con vật tổ của một số bộ lạc. Nó cũng đã cùng với các vật tổ các bộ lạc như các loài chim (trên các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà và Hợp Minh), các loài bò sát (trên các trống đồng Cổ Loa, Đào Xá, Hoà Bình), các loài thú như hươu, cáo (trên nhiều đồ đồng khác) để bổ sung và tạo nên một con rồng của người Việt cổ”. Tuy những phát hiện trên chưa thực sự khẳng định chính xác đó là rồng, nhưng chúng cùng với một số hình mẫu dân gian khác, có thể đã trở thành cơ sở để từ đây hình thành nên hình mẫu rồng thống nhất cho các triều đại phong kiến Việt về sau.

   2. Nghệ thuật biểu tượng “hoá” trong các kiểu thức trang trí rồng thời Nguyễn

   Đến với nhà Nguyễn, triều đại được xem là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, rồng được xem là con vật song hành cùng nhà vua như một hiện thân của quyền lực. Với những đặc trưng trong tạo hình đạt đến độ hoàn mĩ khi có bộ vảy xếp lớp kín kẽ toàn thân, thân hình nhỏ nhưng vẫn chắc khoẻ, phần đuôi thường mang dạng xoắn lại, đuôi xoáy tròn hình đốm lửa hoặc xòe rẻ quạt, nhiều con rồng còn có phần vây lưng lớn tạo chất gai góc ngạo nghễ, đôi mắt có ánh lửa bao quanh, móng vuốt sắc bén. Tuy nhiên dưới thời Nguyễn, hình tượng rồng không chỉ gói gọn trong những kiểu dáng thường thấy, mà đã có sự biến hoá đa dạng từ những đường nét tạo hình, từ cách thể hiện cho đến vị trí mà chúng hiện diện.

   Thông qua hình tượng rồng triều Nguyễn, dường như các nghệ nhân nơi đây luôn muốn thoát ra khỏi những khuôn khổ thường thức và các thiết chế bó buộc của một xã hội phong kiến ngột ngạt, điều đó dần được thể hiện rõ ở các kiểu thức trang trí mới lạ hơn trong giai đoạn về sau. Hình tượng rồng thời Nguyễn hiện diện ở đa dạng các tư thế khác nhau, khi thì rồng cuộn, khi thì rồng phô bày toàn thân mình nhưng đầu rồng được mô tả nhìn chính diện, thường được gọi là “rồng ổ” hoặc “rồng trong ổ”, khi thì rồng vươn mình bay lên trời hoặc mang dáng vẻ ngẩng cao đầu đầy kiêu hãnh trên các đỉnh mái cung điện, khi lại là rồng ẩn trong những đám mây (long ẩn vân)... Rồi có lúc ta lại thấy những kiểu thức như “lưỡng long triều nguyệt”, “lưỡng long triều nhật” (đôi rồng chầu mặt trăng hoặc mặt trời), “lưỡng long tranh châu” (đôi rồng cùng tranh nhau viên ngọc), hoặc là hình ảnh “ngư long hí thuỷ” (rồng và cá vui đùa trên sóng nước). Có thể thấy rồng thời Nguyễn dường như tự do thể hiện mình ở khắp mọi nơi, với thật nhiều kiểu dáng phóng khoáng, độc đáo, thoát khỏi những dáng hình khiêm tốn mà con rồng được quy định từ những triều đại trước.

   Khi nói hình tượng rồng dưới thời Nguyễn mang tính biểu tượng “hoá” đa dạng, tức là nói chúng có nhiều cách thể hiện độc đáo dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân vùng đất nơi đây. Vậy “hoá” là như thế nào? Tại sao nghệ nhân triều đại này lại đưa phong cách tạo hình mang đầy tính biểu tượng “hoá” vào từng tác phẩm nghệ thuật họ làm ra? Tại sao dưới thời Nguyễn kiểu thức đó lại nở rộ như một minh chứng cho vẻ đẹp độc đáo chỉ những trang trí triều đại này mới có?

   Trước hết, “biểu tượng” chính là các hình tượng nghệ thuật được nâng tầm mang ý nghĩa cao về văn hoá, triết học, xã hội. Khi hình tượng trở thành các dấu hiệu, ký hiệu đặc trưng dùng để diễn đạt những tầng lớp ý nghĩa sâu xa hơn, chúng ngay lập tức có sức dung chứa những ý nghĩa rộng lớn mang tính tâm linh, buộc người tiếp nhận nghệ thuật cần phải đi sâu vào bên trong, phải vượt qua vẻ bề ngoài để có thể khám phá cái ý nghĩa tâm linh mà người sáng tạo ra chúng cài cắm vào từ ngàn xưa. Còn “hóa” trong biến hoá, lại mang ý nghĩa biến chuyển không ngừng của một sự vật, hiện tượng.

   Khi nhắc đến tính biểu tượng “hoá” ở các kiểu thức trang trí rồng thời Nguyễn, chính là nói đến sự kết hợp hình tượng rồng với những loại thực vật trong tự nhiên như mai, đào, tre, trúc, tùng; hay có khi chỉ đơn giản là cành cây, nhánh lá... Từ đó tạo ra một nét nghệ thuật mang tính biểu tượng hoá mà dường như cũng có thể gọi chúng bằng cái tên khác diễm lệ hơn là “long hoá”.

   Đó là những kiểu thức thoạt nghe có vẻ khó tưởng tượng, nhưng khi chứng kiến những tác phẩm điêu khắc hay chạm trổ trên những cung điện, đình mái, bình phong… mới thấy đó hoàn toàn là một sự sáng tạo hợp lý cả về hình dáng, đường nét lẫn ý nghĩa bao hàm bên trong. Từ những nhành lá đan cài vào nhau, uốn lượn tự do tưởng chừng là vô thức nhưng lại theo một quy tắc nhất định, để rồi thấp thoáng trong những đường nét ấy ta thấy hiện ra hình ảnh con rồng một cách rõ ràng nhưng không hề khiên cưỡng, mà ngược lại, sự mềm mại tự nhiên của các loại cành lá hệt như một nơi chốn hoàn hảo để rồng có thể ẩn thân vào đó, biến hoá thành những kiểu thức đặc sắc và xinh đẹp theo cách riêng của chúng. Cũng nên lưu ý thêm rằng hình tượng rồng thời Nguyễn có lẽ không chỉ có một loại tạo hình duy nhất, mà đôi khi, với những kiểu thức kết hợp với hoa lá, rồng còn có một số biến thể gần giống với nó mà theo nghiên cứu, chúng có thể được gọi tên là con giao, con cù... Một số chuyên khảo gọi chúng là những con rồng với vị thế “thấp” hơn hình tượng rồng trong cung đình hay trên những nơi trang trọng, hoặc cũng có thể gọi là hình tượng rồng đã được “dân gian hoá” để sống cuộc sống chốn dân gian.

   Theo Léopold Cardière viết trong Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế thì “Trong Hoàng cung, rồng như thể ở ngôi nhà của mình, vì rồng biểu tượng cho hoàng đế. Nhưng người ta cũng thấy hình ảnh rồng ở các chùa hay nơi tư gia, trên các đường mái, ở mặt tiền, trên các đà nhà, trên đồ nội thất hay vải vóc, trên bát đĩa và cả đến những cây kiểng thấp nhỏ được tỉa gọt sao cho thành hình con rồng”. Có thể nói dưới thời Nguyễn, không khó khăn khi bắt gặp hình tượng rồng hiện diện ở khắp mọi nơi. Rồng không còn độc tôn ở chốn cung đình xa hoa lộng lẫy, không còn là con vật thuộc riêng cho hoàng thất mà đã dần len lỏi vào đời sống nhân gian, trú ngụ nơi những nét điêu khắc đình làng mộc mạc và cũng dần trở nên gần gũi hơn trong tâm thức người Việt. Nếu nói rồng thời Lý là hình tượng đại diện cho sức mạnh quyền uy tối cao của nhà vua và mang tính bảo hộ cho Phật giáo; hay rồng thời Trần là sự mạnh mẽ, khoẻ khoắn đầy vẻ thị uy hoặc rồng thời Lê sơ là sự biến đổi có phần hung dữ cùng với dáng vẻ cao quý hiên ngang... thì rồng thời Nguyễn vẫn là con rồng mang đầy đủ những nét tinh hoa đó, có khác chăng, chính là ở rồng thời Nguyễn đã được các nghệ nhân chú trọng đi sâu vào chi tiết, chú ý đến cách tạo hình mà phần nào được thể hiện trong kiểu thức “long hoá” đặc trưng đôi khi có phần hoa mĩ nhưng vẫn rất độc đáo. Tất cả tạo nên một hình tượng rồng đầy sáng tạo trong nghệ thuật tạo hình; cũng như dần trở thành một dạng thức biểu tượng “hoá” dung chứa tất cả những khao khát thoát khỏi những trói buộc của thời đại, gửi gắm ước vọng về một thế giới tự do trong tâm thức của những người nghệ nhân triều Nguyễn.

   Nước ta có khởi nguồn nền nông nghiệp truyền thống lúa nước, cho nên trong tâm thức cũng như tín ngưỡng tâm linh đều hướng về cái gốc thiên nhiên cũng như thể hiện mong muốn được chung sống hiền hoà cùng thiên nhiên. Một vài kiểu thức trang trí như quả phật thủ hoá thành đầu rồng, kiểu thức trang trí chữ “Thọ” có đường nét cách điệu hoá rồng, hoặc rồng ngậm chữ “Thọ” hoặc chữ “Phúc” trong miệng, thường nằm trong các kiểu thức “rồng trong ổ”, hoặc “mặt rồng” ngự trên các mặt tiền đình chùa hay đền đài. Tất cả như thể hiện sâu sắc khát vọng về một triều đại thái bình, mong ước về một cuộc sống ấm no hạnh phúc, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu… Một tập hợp những ước vọng như thế hiện diện ở rất nhiều kiểu thức trang trí thời Nguyễn, mà cụ thể là hình tượng rồng với những sáng tạo “long hoá” khác nhau, đã trở thành một trong những biểu tượng độc đáo đại diện cho nghệ thuật cũng như tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt.

   Hình tượng rồng thời Nguyễn dường như thoả sức bay bổng trên đa dạng các loại chất liệu được nghệ nhân lựa chọn cẩn thận, từ những buổi đầu khi hình tượng rồng hiện diện trên các tác phẩm điêu khắc được làm từ những loại vật liệu phổ biến khi đó là gỗ, đồng, xà cừ... cho đến giai đoạn phát triển dần về sau đã thấy sự góp mặt của những con rồng trên những công trình tạo tác đầu hồi, bờ quyết làm bằng đất nung, sành sứ, vôi vữa. Qua những sáng tạo nghệ thuật nói chung cũng như qua hình tượng rồng triều Nguyễn nói riêng, có thể thấy nghệ thuật giai đoạn này không đơn thuần là thứ nghệ thuật chỉ có mặt ở những nơi chốn lộng lẫy cao quý, mà còn là thứ nghệ thuật vị nhân sinh, nghệ thuật cho con người và vì con người mà tồn tại. Nghệ nhân say mê với việc sáng tạo, cũng say mê với việc kết hợp những kiểu thức mới lạ vào những tác phẩm nghệ thuật để làm chúng tồn tại như một thực thể có linh hồn, có sức sống, không ngừng chuyển động một cách uyển chuyển và đầy biến hoá. Có thể nói, hình tượng rồng thời Nguyễn đã tồn tại trong dòng chảy biến thiên của lịch sử nước Việt, để rồi bằng vẻ đẹp của mình, dần trở thành một nét son điểm tô lên toàn bộ nền nghệ thuật của dân tộc từ quá khứ cho đến tận ngày nay.

   3. Hình tượng rồng trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật đương đại

   3.1. Thành tựu

   Với hình tượng rồng của các triều đại khác nói chung cũng như hình tượng rồng triều Nguyễn nói riêng, dường như dù ở thời nào, con rồng tự bản thân nó đã mang những giá trị thẩm mĩ đạt đến một chuẩn mực nhất định. Chuẩn mực nào cũng có nét đẹp riêng, để từ đó làm tiền đề để thế hệ sau tiếp thu, kế thừa và sáng tạo nối tiếp truyền thống cao quý của dân tộc. 

   Chính vì hình tượng rồng đã in sâu vào tâm thức người Việt từ ngàn xưa trên cả phương diện văn hoá, tín ngưỡng, tâm linh cho đến nghệ thuật sáng tạo, nên ngày nay, trong nền nghệ thuật đương đại đang trên đà phát triển mạnh mẽ của nước ta, không khó để bắt gặp các hoạt động sáng tạo nghệ thuật trên phương diện mĩ thuật ứng dụng đã bước đầu đạt được những cột mốc rực rỡ mà trung tâm của nguồn cảm hứng đó chính là lấy hình tượng rồng Việt làm chủ đạo. Khi nói về những thành tựu gặt hái được trong quá trình phục dựng long bào của các triều đại phong kiến Việt, không thể không kể đến nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, được xem là người hồi sinh nghệ thuật thêu long bào ở Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội), với tài năng cũng như kiến thức uyên bác về kỹ thuật thêu họa tiết trong trang phục hoàng thất, cũng như là người duy nhất ở Việt Nam thông thái bí quyết thêu cung đình, ông đã thành công phục dựng những bộ long bào của các triều đại nước ta. Một trong số đó có thể kể đến bộ long bào phục chế theo nguyên mẫu long bào Vua Đồng Khánh của triều Nguyễn. Với hình tượng rồng được nghệ nhân Vũ Văn Giỏi bỏ công nghiên cứu kỹ lưỡng từng kiểu dáng, đường nét đến màu sắc rồi từ đó phục dựng lại trên chất liệu lụa Salam 4/4 sợi, hình tượng rồng trên bộ long bào dường như trở nên sống động, cao quý và uy nghiêm hệt như được chiêm ngưỡng lại một nét son từng tồn tại cách đây cả trăm năm.

   Nối tiếp trong nguồn cảm hứng phục chế những trang phục cổ truyền của dân tộc, hàng loạt các dự án về cổ phục được thực hiện bởi các gương mặt trẻ đến từ các thương hiệu như Ỷ Vân Hiên, Hoa Văn Đại, Vạn Thiên Y… Với sự nghiên cứu chuyên sâu và cẩn thận từng loại hoa văn trang trí về hình tượng rồng trên các trang phục hoàng gia mà điển hình là long bào, một số công trình phục dựng thành công có thể kể đến “Long bào đại triều phục” thời Lê Trung Hưng - áo bào được Hoàng đế sử dụng trong các buổi thiết triều với màu chủ đạo là màu vàng chính sắc, trên có thêu 8 hoa văn rồng cuộn tròn (hay còn được gọi là rồng ổ); hay “Long bào đại triều phục” thời Nguyễn với hoa văn rồng năm móng làm chủ đạo, rồng được thêu với dáng đang bay lên, vờn trong mây; hay mũ đội với long bào thời Nguyễn “Cửu long thông thiên” kết hợp với trang sức rồng, mây, hỏa châu… Vạn Thiên Y cũng được xem là thương hiệu đi đầu trong việc luôn đưa ra những sự kết hợp giữa kỹ thuật hiện đại của thời trang cao cấp với nét đẹp hoa văn của mĩ thuật truyền thống, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.

   Có thể nói hình tượng rồng trong lịch sử dân tộc ta, dù đã trải qua hàng ngàn năm với biết bao nhiêu thăng trầm biến động của thời đại, nhưng dường như con rồng mang lấy toàn bộ bản sắc Việt ấy vẫn kiêu hãnh hiện diện trong những cung điện lộng lẫy, trong những mái đình dân gian, trên những bộ y phục vương quyền, những vật dụng thường ngày, cũng như trong tâm thức của mỗi người Việt từ cổ xưa cho tới tận đời sống ngày nay. Chính vì lẽ đó nên đến tận ngày hôm nay, hình tượng rồng luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tạo nghệ thuật, cho những đam mê nghiên cứu và phục dựng bản sắc truyền thống của nước nhà, cũng như là tiền đề cho những ứng dụng trên các sáng tạo mĩ thuật đương đại.

   3.2. Hạn chế

   Bên cạnh những thành tựu đạt được trong quá trình sáng tạo và ứng dụng hình tượng rồng vào thực tiễn mĩ thuật ứng dụng, vẫn tồn tại một số hạn chế và bất cập. Vấn đề đầu tiên chính là một số hoa văn trang trí cũng như một số tác phẩm đặc trưng như kiểu thức “long hoá” của hình tượng rồng thời Nguyễn vẫn còn ít thông tin, tư liệu ghi chép, hoặc ít được nhắc đến trong các nghiên cứu tổng thể về hình tượng rồng qua các triều đại của nước ta. Điều này dẫn đến một thực trạng là kiểu thức “long hoá” dường như vẫn chưa được nhiều người biết tới và vẫn còn vắng bóng trên các sáng tạo nghệ thuật đương đại. Theo lẽ thường, các con rồng với tạo hình đầy đủ, toàn vẹn sẽ được ưa chuộng hơn và thường được chọn đưa vào các sản phẩm nghệ thuật vì tính chính chuyên cũng như phổ quát của chúng, còn những kiểu thức trang trí như kiểu thức “long hoá” thời Nguyễn, đang cần một lực đẩy để có thể tiếp cận gần hơn với công chúng ngày nay. Tuy nhiên cái “lực đẩy” đó cũng chưa thực sự thành hình và vững vàng khi mà tư liệu nghiên cứu cho kiểu thức này vẫn còn sơ sài; hoặc như cũng vì cái tính ẩn mình nơi góc cạnh của những kiểu thức trang trí đó, mà những dáng vẻ rồng hoá mai, rồng hoá trúc, nhành lá hoá giao long… cũng đành im lặng để bụi thời gian bao bọc lấy mình rồi dần dần chìm vào quên lãng.

   Một vấn nạn nhức nhối cũng đang diễn ra trong quá trình sáng tạo nghệ thuật đương đại ở việc ứng dụng hình tượng rồng Việt, chính là việc nhầm lẫn giữa hình tượng rồng Việt với rồng của các dân tộc khác, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự nghiên cứu hời hợt, sơ sài, năng lực sáng tác tự thân còn yếu kém, hoặc do bản thân người làm nghệ thuật vẫn còn tư tưởng sính ngoại, phần nào mang tâm lý chối bỏ những nét đẹp nguyên sơ của nền nghệ thuật truyền thống nước nhà. Điều này dẫn đến một thực trạng là những sản phẩm nghệ thuật đáng lẽ là đại diện cho bản sắc văn hoá dân tộc, lại trở thành những sản phẩm lai tạp, những con rồng không rõ gốc gác, không đúng với nghiên cứu lịch sử bỗng chốc xuất hiện trên những phương tiện truyền thông. Chính điều này dễ dẫn đến nhận biết sai lệch cho công chúng cũng như thế hệ trẻ về sau khi con rồng Việt dường như đã bị pha trộn những nét khác biệt với cái hồn cái gốc của chúng từ ngàn năm để lại.

   4. Nhận định về tính ứng dụng và đề xuất hướng phát triển kiểu thức trang trí rồng thời Nguyễn trong sáng tạo nghệ thuật ngày nay

   4.1. Tính ứng dụng của các kiểu thức trang trí hình tượng rồng thời Nguyễn

   Hình tượng rồng Việt trải qua bao đời cho đến ngày nay vẫn chứng minh được sức sống mạnh mẽ cũng như giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống bền vững của chính mình, nhờ đó con rồng Việt cũng dần trở thành biểu tượng cho những ý nghĩa cao đẹp tồn tại trong tâm thức dân tộc ta. Xét về tính ứng dụng vào các hoạt động sáng tạo nghệ thuật trong xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay, hình tượng rồng Việt nói chung và kiểu thức “long hoá” dưới triều Nguyễn nói riêng hoàn toàn có đủ vẻ đẹp thẩm mĩ cũng như giá trị văn hoá để trở thành một yếu tố quan trọng luôn được nhắc đến trên công cuộc phát triển công nghiệp văn hoá ở nước ta hiện nay. Ngoài ra, tính ứng dụng của hình tượng rồng không nên chỉ gói gọn trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, mĩ thuật ứng dụng mà nên mở rộng hơn trong sự phát triển liên ngành của chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam, gồm 12 nhóm ngành chính (Nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, múa, sân khấu…), Thủ công mĩ nghệ, Mĩ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm, Kiến trúc, Thiết kế, Thời trang, Quảng cáo, Phần mềm và trò chơi giải trí, Điện ảnh, Xuất bản, Truyền hình và phát thanh, Du lịch văn hoá). Sự vận dụng và phát triển các chủ thể nghệ thuật trong mối quan hệ liên ngành như vậy sẽ giúp con đường đưa bản sắc văn hoá dân tộc đến gần với công chúng và quốc tế, được hỗ trợ một cách tối đa và hữu ích nhất.

   Khi nói về tính ứng dụng của kiểu thức “long hoá” triều Nguyễn vào nền nghệ thuật, mĩ thuật đương đại ngày nay, cũng cần đảm bảo tính phù hợp trên các thiết kế của sản phẩm. Người nghệ sĩ thiết kế, hoạ sĩ tạo hình cần chú trọng yếu tố thẩm mĩ truyền thống (là sự kết hợp giữa hình thức như đường nét, màu sắc, cấu trúc...) với nội dung (thể hiện đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, trong mối quan hệ giao lưu với các nền văn hoá khác…), để không làm sai lệch đi cái hồn cốt dân tộc khắc sâu trên một kiểu thức trang trí đã tồn tại suốt trăm năm, cũng như truyền tải được bản sắc văn hoá đặc trưng của đất nước thông qua sự sáng tạo.

   Sáng tạo nghệ thuật dù thế nào cũng phải nằm trong tổng thể của xã hội, cho nên hình tượng rồng nói chung cũng như kiểu thức “long hoá” triều Nguyễn nói riêng cần được ứng dụng và sáng tạo sao cho phù hợp với thị hiếu văn minh đô thị ngày nay. Quá trình đô thị hoá sẽ luôn diễn ra và ngày càng mở rộng trên mọi phương diện đời sống, đó là quá trình không thể không diễn ra vì nó là điều kiện thiết yếu để phát triển kinh tế - chính trị của một đất nước, mở đường cho xu thế hội nhập của các nền văn minh văn hoá trên thế giới du nhập vào nước ta. Tuy nhiên cũng chính vì lẽ đó, trên tiến trình thay đổi sẽ phải bắt gặp những sự phủ định, đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc bởi các hoạt động du nhập văn hoá ngoại quốc một cách tràn lan, không chọn lọc, do thị hiếu yếu kém, non nớt của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Quá trình đưa các kiểu thức “long hoá” triều Nguyễn vào nền mĩ thuật ứng dụng ngày nay cần có một sự sáng suốt, tỉnh táo từ những nghệ sĩ trẻ, phải biết ứng dụng đúng cách, đúng trọng tâm, đúng đề tài và đúng thị hiếu; không cần cố gắng chạy theo những trào lưu quá mới lạ; phải biết cách chọn lọc những thị hiếu phù hợp để hướng tới. Làm được điều đó, nét đẹp của kiểu thức “long hoá” mới có thể đạt được những thành công rực rỡ trong các hoạt động tìm về nguồn cội của thế hệ trẻ cũng như truyền bá được vẻ đẹp bản sắc văn hoá dân tộc đến rộng rãi công chúng ngày nay.

   4.2. Đề xuất phương hướng phát triển vào mĩ thuật ứng dụng

   Để có một phương hướng phát triển phù hợp, trước hết cần có sự chung tay và góp sức của cộng đồng, doanh nghiệp, các nhà sáng tạo trẻ, lực lượng nghệ sĩ, trí thức đam mê vốn văn hoá cổ truyền của dân tộc; hơn thế nữa, vị trí của nhà nước trong công cuộc này cũng chiếm phần quan trọng. Có thể học tập cách làm từ những quốc gia đã có nền văn hoá rất phát triển và nổi tiếng trên trường quốc tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… khi họ đã thành công trong công cuộc bảo tồn, kế thừa, phát huy và sáng tạo những hình tượng văn hoá của dân tộc để trở thành biểu tượng chung cho toàn đất nước cũng như lan rộng ra khắp nơi trên thế giới. Trung Quốc thành công trong việc gìn giữ giá trị truyền thống cổ truyền có từ ngàn xưa và ngày nay họ đã biến nó trở thành biểu tượng đại diện cho quốc gia cùng với những bộ cổ phục được phục dựng tỉ mỉ trên lĩnh vực điện ảnh, hàng ngàn lăng tẩm đền đài được bảo tồn và tu sửa hàng năm để trở thành những địa điểm du lịch nổi tiếng; hay Hàn Quốc thành công đưa làn sóng âm nhạc thần tượng ra khỏi phạm vi trong nước mà thẳng tiến vào thị hiếu âm nhạc của thế hệ trẻ ở các nước trong khu vực và trên thế giới; còn nhắc đến Nhật Bản không thể không kể đến nền văn hoá truyện tranh nổi tiếng trên trường quốc tế, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của đa dạng đối tượng, kéo theo đó là những sản phẩm “ăn theo” như các loại vật phẩm, các bộ phim hoạt hình…

   Qua việc nhìn nhận về công cuộc phát triển nền văn hoá của những cường quốc trên, không thể không thừa nhận việc phát triển hoạt động mĩ thuật đều cần phù hợp với quy luật xã hội và đáp ứng kịp nhu cầu cuộc sống. Điều mà các quốc gia trên đã làm được chính là họ đã đẩy mạnh xã hội hoá cũng như hội nhập vốn văn hóa của chính mình vào khu vực và thế giới, đồng thời vận dụng được quy luật kinh tế thị trường trong quan hệ với các quy luật xã hội khác. Vận dụng quy luật kinh tế thị trường trong hoạt động mĩ thuật thực chất là lấy kinh tế làm điều kiện cho sự phát triển văn hoá và văn hoá phải là mục tiêu, động lực cho hiệu quả kinh tế. Hoạt động sáng tạo văn hoá, nghệ thuật đều cần dựa trên tính định hướng chính trị, lợi ích kinh tế đồng thời tạo ra được những giá trị ý nghĩa trong cuộc sống. Nhìn lại hình tượng rồng Việt nói chung và kiểu thức “long hoá” triều Nguyễn nói riêng, khi muốn phát triển hình tượng lên biểu tượng có thể đại diện cho văn hoá một quốc gia cũng như làm cái nền vững chắc cho các hoạt động sáng tác, chúng ta cần đem được kiểu thức trang trí “long hoá” vào đời sống ngày nay sao cho trước hết là vẫn giữ được cái vốn dân tộc đã có, tiếp theo là phải phù hợp với thị hiếu ngày nay và sau cùng là vận dụng được quy luật kinh tế thị trường.

   Như đã nêu, nhà nước chiếm vị trí quan trọng trong quá trình tạo đà nghiên cứu, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ được tiếp xúc với vốn văn hoá nước nhà mà ở đây là công cuộc đưa các kiểu thức trang trí “long hoá” đến với công chúng và thị trường, trước hết là thông qua kiểm soát, chọn lọc, tổ chức các hoạt động truyền thống như tổ chức các ngày hội văn hoá, các cuộc thi sáng tạo, tìm kiếm tài năng nghệ thuật; hoặc đầu tư những buổi triển lãm về hình tượng rồng, những buổi hội thảo với sự góp mặt của các chuyên gia về lịch sử, mĩ thuật... Đó được xem là nền móng đầu tiên cho việc phục hồi, lan truyền rộng rãi vẻ đẹp nghệ thuật truyền thống này đến với cộng đồng.

   Nói chung, kiểu thức “long hoá” triều Nguyễn luôn luôn có một giá trị nghệ thuật nhất định trong nền văn hoá nước nhà, chỉ là trong tiềm thức của thế hệ ngày nay, hình tượng ấy có vị trí tới đâu, quan trọng ra sao, hoàn toàn là nhờ vào mục tiêu phát triển rõ ràng và sự hiệu quả của các giải pháp đã đề ra trong quá trình thực hiện. Trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng ấy, luôn phải đặt trong xu thế hội nhập toàn cầu cũng như tuân theo định hướng kinh tế thị trường, phải sáng tạo và ứng dụng để hình tượng rồng Việt nói chung cũng như kiểu thức trang trí “long hoá” thời Nguyễn nói riêng vừa có thể giữ nguyên giá trị cao đẹp vốn có của nó, vừa có thể góp phần quảng bá văn hoá dân tộc cũng như góp phần nâng cao vị thế kinh tế trên thị trường quốc tế.

   5. Kết luận

   Trong thời đại ngày nay, hình tượng rồng đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong rất nhiều hoạt động sáng tạo nghệ thuật của cộng đồng những nghệ sĩ trẻ, càng chứng minh sức sống mãnh liệt cũng như giá trị độc đáo mà chúng mang theo suốt nghìn năm dựng nước giữ nước. Tuy nhiên, những kiểu thức “long hoá” triều Nguyễn dường như vẫn chưa có một vị trí tương xứng so với những giá trị mà chúng mang lại. Có thể nói một nét đẹp nghệ thuật của văn hoá truyền thống dân tộc bị lãng quên, chính là điều đáng tiếc nhất trong quá trình gìn giữ, phát huy và truyền bá bản sắc văn hoá dân tộc, vì bởi vẻ đẹp đó không được biết đến, không được ứng dụng, lâu dần sẽ bị lãng quên trên chính nơi chốn mà chúng được sinh ra. Vấn đề phải làm sao để kiểu thức trang trí độc đáo này có thể được biết tới rộng rãi cũng như được ứng dụng trong nền mĩ thuật đương đại ngày nay, dường như trở thành bài toán nan giải cần một câu trả lời chính đáng và thiết thực, mà khi thế hệ trẻ, những tâm hồn luôn khát khao tìm tòi, khám phá và sáng tạo dựa trên cái hồn cốt văn hoá nước nhà có thể tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó, cũng là lúc những kiểu thức còn ẩn mình dưới lớp bụi phủ thời gian này có cơ hội bước ra ánh sáng của thời đại, hoà mình vào làn sóng hội nhập toàn cầu và ngày càng khẳng định được vị thế của mình không chỉ trong cộng đồng nước nhà mà còn trên thế giới.

Bình luận

    Chưa có bình luận