Trong một thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc về ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe, việc tạo ra một môi trường làm việc bền vững và hòa hợp với tự nhiên không chỉ là một xu hướng mà còn là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp và sự hạnh phúc của nhân viên. Trong bối cảnh này, việc áp dụng các tiêu chí bền vững trong thiết kế văn phòng trở nên ngày càng cần thiết, nhằm tối ưu hóa không chỉ năng suất làm việc mà còn sức khỏe và trải nghiệm của nhân viên.
Thách thức hiện nay là làm thế nào để thiết kế và xây dựng những không gian làm việc không chỉ đáp ứng được nhu cầu công việc mà còn tạo ra một môi trường lành mạnh, kích thích sự sáng tạo và giảm căng thẳng cho nhân viên. Bằng cách tích hợp các tiêu chí bền vững như sử dụng vật liệu tái chế, tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng và tạo ra không gian xanh, chúng ta có thể tạo ra những văn phòng không chỉ thân thiện với môi trường mà còn tạo điều kiện tốt nhất cho sức khỏe và hiệu suất làm việc của nhân viên. Với sự tăng cường của lối sống xanh và tầm nhìn xa hơn về bảo vệ môi trường, việc tạo ra những môi trường làm việc bền vững, hòa hợp với tự nhiên không chỉ là một trách nhiệm mà còn là một cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững và đóng góp vào mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu.
Lối sống xanh và làm việc xanh là hai thuật ngữ đã trở nên phổ biến trong vài thập kỷ gần đây, khi mọi người ngày càng quan tâm đến tác động của mình đối với môi trường.
Lối sống xanh (green living) có nguồn gốc từ các phong trào môi trường vào những năm 1960-1970, qua các tác phẩm như Silent Spring của Rachel Carson (1962), đã tạo nền tảng cho lối sống này. Các sự kiện như Ngày trái đất đầu tiên vào năm 1970 cũng đã đóng góp lớn vào việc nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động cá nhân để bảo vệ môi trường. Phong trào này được thúc đẩy bởi nhận thức về các vấn đề môi trường, như: ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Lối sống xanh khuyến khích các cá nhân thực hiện những thay đổi nhỏ trong cuộc sống hằng ngày để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, chẳng hạn như tái chế, tiết kiệm năng lượng và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường1.
Khái niệm “làm việc xanh” xuất hiện sau phong trào “lối sống xanh”, khi các doanh nghiệp bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động hằng ngày. Nó bao gồm việc áp dụng các biện pháp bền vững trong quản lý văn phòng và sản xuất, từ việc giảm sử dụng năng lượng, nước và tài nguyên đến việc cải thiện điều kiện làm việc và giảm thiểu chất thải2. Các tổ chức như Liên hợp quốc (UN) và Hội đồng Xây dựng xanh Hoa Kỳ (USGBC) đã góp phần định hình khái niệm này thông qua các chương trình và chứng nhận như LEED (Leadership in Energy and Environmental Design).
Việt Nam đã bắt đầu áp dụng và thích nghi với một số tiêu chuẩn bền vững quốc tế trong việc xây dựng các tòa nhà văn phòng. Dưới đây là một số tiêu chuẩn bền vững phổ biến trên thế giới mà Việt Nam đã áp dụng:
- LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) là một hệ thống tiêu chuẩn bền vững phổ biến được phát triển bởi Hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ (USGBC); bao gồm một loạt các tiêu chuẩn và điểm đánh giá về hiệu quả năng lượng, sử dụng vật liệu bền vững, chất lượng không khí trong nhà và các yếu tố khác. Các dự án xây dựng văn phòng ở Việt Nam thường cố gắng đạt được các chứng chỉ LEED3 .
- WELL Building Standard (WELL) là một tiêu chuẩn mới tập trung vào sức khỏe và phúc lợi của người sử dụng các tòa nhà. Nó đặt ra các yêu cầu về chất lượng không khí, nước uống, dinh dưỡng, ánh sáng tự nhiên và các yếu tố khác để tối ưu hóa sức khỏe của nhân viên. Một số dự án văn phòng ở Việt Nam đã bắt đầu theo đuổi chứng chỉ WELL.
- EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) là một công cụ đánh giá thiết kế dựa trên hiệu quả năng lượng, nước và vật liệu; được phát triển bởi Tổ chức Phát triển Quốc tế (IFC) và được sử dụng rộng rãi cho các dự án xây dựng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.
- Green Mark (BREEAM Vietnam) là một hệ thống đánh giá và chứng nhận xanh phổ biến ở Singapore, được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam; tập trung vào các yếu tố như tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu bền vững và quản lý nước.
Những tiêu chuẩn này không chỉ giúp tạo ra các tòa nhà văn phòng bền vững mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững toàn diện ở Việt Nam, đồng thời cũng đáp ứng các yêu cầu và mong muốn của các nhà đầu tư, nhân viên và cộng đồng.

Thống kê của Chính phủ cho thấy những công việc liên quan đến xây dựng và phá dỡ công trình đã tạo ra 62% tổng số lượng rác thải, tương đương với 37,2 triệu tấn rác thải thương mại và công nghiệp, ở Vương quốc Anh vào năm 2018. Là một trong những nguyên nhân chính trong việc tạo ra rác thải là ngành xây dựng, do đó, bất kỳ thay đổi nào hướng tới quá trình bền vững đều phải xuất phát từ các chính sách và đổi mới cách thức làm việc để đạt hiệu quả cao hơn. Thiết kế văn phòng chỉ chiếm một phần nhỏ trong bảng số liệu thống kê các công trình bền vững, tuy nhiên việc tập trung vào thiết kế văn phòng bền vững và tạo ra văn phòng xanh lại được đánh giá là quan trọng hơn bao giờ hết.
Kết quả một số khảo sát và nghiên cứu cho thấy, nhìn chung Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự thay đổi và bắt nhịp với xu thế toàn cầu về việc ứng dụng thiết kế bền vững vào thiết kế khối văn phòng giúp cải thiện hiệu ứng nhà kính và bảo vệ môi trường tốt hơn:

- Tỉ lệ áp dụng các yếu tố bền vững: Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy chỉ có khoảng 30% các văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang áp dụng một số yếu tố thiết kế bền vững như sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng và có cây xanh trong văn phòng. Phần lớn các văn phòng chưa có hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả hoặc các biện pháp quản lý nước bền vững.
- Nhận thức về lợi ích của thiết kế bền vững: Khoảng 60% nhân viên được khảo sát nhận thấy lợi ích của thiết kế văn phòng bền vững đối với sức khỏe và hiệu suất làm việc; tuy nhiên, nhiều người cho rằng chi phí đầu tư ban đầu là rào cản lớn nhất.

Có thể phân tích trường hợp như sau:
- Trường hợp thành công: Một văn phòng tiêu biểu áp dụng các biện pháp bền vững đã giảm được 20% chi phí năng lượng hàng năm và cải thiện mức độ hài lòng của nhân viên lên đến 15%. Văn phòng này sử dụng hệ thống chiếu sáng tự động, vật liệu tái chế và có khu vực xanh rộng lớn.
- Thách thức: Văn phòng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp vật liệu bền vững và chi phí đầu tư ban đầu cao. Tuy nhiên, lợi ích dài hạn vượt trội đã chứng minh tính khả thi của mô hình này.
Qua đó có thể thấy thiết kế văn phòng bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Lợi ích bao gồm giảm tiêu thụ năng lượng, cải thiện chất lượng không khí và tăng cường sức khỏe nhân viên. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu cao và thiếu nguồn cung cấp vật liệu bền vững là những rào cản chính. Việc học hỏi từ các mô hình thành công trên thế giới và áp dụng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ là chìa khóa để vượt qua những thách thức này.
Từ thực tế trên, có thể đề xuất hướng phát triển như sau:
- Sử dụng năng lượng hiệu quả và tái tạo như năng lượng mặt trời: khuyến khích lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà; hệ thống chiếu sáng tự động: sử dụng đèn LED kết hợp với hệ thống cảm biến tự động.
- Quản lý nước và tài nguyên như thu gom và tái sử dụng nước mưa: sử dụng nước mưa cho các nhu cầu phi uống nước; sử dụng thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước: sử dụng vòi nước và bồn cầu tiết kiệm nước.
- Xây dựng không gian xanh và chất lượng không khí như tạo không gian xanh: thiết kế các khu vực trồng cây xanh trong và ngoài văn phòng; tạo hệ thống thông gió tự nhiên: tối ưu hóa việc sử dụng thông gió tự nhiên.
- Sử dụng vật liệu xây dựng và nội thất phù hợp như vật liệu tái chế: sử dụng các vật liệu xây dựng và nội thất có nguồn gốc tái chế; vật liệu cách nhiệt và cách âm: sử dụng vật liệu cách nhiệt và cách âm tốt.
- Sử dụng công nghệ và quản lý thông minh như: áp dụng hệ thống quản lý tòa nhà thông minh; dùng công nghệ tiết kiệm năng lượng: sử dụng các thiết bị điện tử và văn phòng có chứng nhận tiết kiệm năng lượng.
- Khuyến khích hành vi bền vững như chương trình tái chế và giảm thiểu rác thải: thiết lập các chương trình tái chế và quản lý rác thải; giáo dục và nâng cao nhận thức: tổ chức các buổi đào tạo và hội thảo về thiết kế bền vững.
- Chứng nhận và đánh giá bền vững như chứng nhận địa phương về bền vững: phát triển và áp dụng các chứng nhận bền vững phù hợp với điều kiện địa phương; thiết lập hệ thống đánh giá và báo cáo định kỳ.
Tóm lại, thiết kế văn phòng bền vững đang trở thành một yêu cầu thiết yếu nhằm đáp ứng các thách thức về môi trường và tài nguyên ngày càng gia tăng. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng mặc dù việc triển khai các biện pháp thiết kế bền vững hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như chi phí đầu tư ban đầu cao và thiếu nguồn cung cấp vật liệu bền vững nhưng lợi ích dài hạn mà chúng mang lại là rõ ràng và không thể phủ nhận. Các lợi ích bao gồm giảm chi phí vận hành, cải thiện hiệu quả làm việc của nhân viên và bảo vệ môi trường.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn bền vững như sử dụng năng lượng hiệu quả, quản lý nước và tài nguyên, không gian xanh và chất lượng không khí, vật liệu xây dựng tái chế và công nghệ quản lý thông minh là cần thiết để tạo ra môi trường làm việc hiệu quả, thân thiện với môi trường và nâng cao chất lượng sống cho nhân viên. Nhìn chung, với sự nỗ lực từ cả phía doanh nghiệp và nhà quản lý, việc thiết kế văn phòng bền vững không chỉ cải thiện chất lượng môi trường làm việc mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững của địa phương và cả nước.
Chú thích:
1 https://qa.edu.vn/en/Sustainable_design.
2, 3 Thảo Phương (2023): “Tổng hợp 99+ mẫu nhà mái Nhật 1 tầng nổi bật nhất năm 2023”, thietkenoithatatz.com