Miền Nam của Việt Nam nổi bật với nền văn hóa đa dạng và độc đáo, trong đó nghệ thuật sân khấu cải lương là một phần quan trọng. Đây là hình thức nghệ thuật truyền thống kết hợp âm nhạc, vũ điệu và trang phục cầu kỳ để kể các câu chuyện thường liên quan đến lịch sử hoặc truyền thuyết dân gian. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của các loại hình giải trí hiện đại, nghệ thuật cải lương, đang phải đối mặt với nhiều thách thức về sự quan tâm và bảo tồn từ công chúng. Nhiều yếu tố truyền thống như trang phục, kỹ thuật biểu diễn và nội dung câu chuyện đang dần bị mai một, đe dọa đến sự tồn tại của loại hình nghệ thuật này. Vì vậy, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy nền văn hóa phục trang nghệ thuật sân khấu cải lương ở Nam Bộ là cực kỳ quan trọng. Điều này không chỉ góp phần gìn giữ mà còn lan tỏa một trong những di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam.
1. Khái quát về phục trang nghệ thuật sân khấu cải lương ở Miền Nam
Phục trang trong nghệ thuật sân khấu cải lương Miền Nam có vai trò quan trọng trong việc truyền tải bản sắc văn hóa và đặc trưng nhân vật. Cải lương, một thể loại sân khấu truyền thống của Việt Nam, phát triển mạnh mẽ ở Nam Bộ, nơi có sự hòa quyện văn hóa dân tộc và ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác.

Hình 1: Trình diễn cải lương trước năm 1975 ở Sài Gòn. (nguồn: Tạp chí Việt Nam thịnh vượng)
Đặc điểm phục trang cải lương: chất liệu và màu sắc sử dụng vải sang trọng như lụa, gấm, nhung với màu sắc rực rỡ, tạo sự trang trọng và thu hút cho nhân vật, đặc biệt trong các vở cổ trang; thiết kế và kiểu dáng theo kiểu dáng truyền thống với áo dài, áo ngắn, váy xòe và các phụ kiện như mũ và trang sức, được thiết kế tỉ mỉ, cầu kỳ, phản ánh vẻ đẹp và phong cách nhân vật; biểu tượng và ý nghĩa: họa tiết thường mang ý nghĩa đặc biệt, như hoa văn rồng, phượng, thể hiện địa vị và phẩm hạnh nhân vật.
Phục trang đóng vai trò tạo nên nhân vật, giúp khán giả nhận diện và cảm nhận tính cách, hoàn cảnh, đồng thời nâng cao giá trị thẩm mĩ cho vở diễn. Phục trang gắn bó với văn hóa địa phương, là phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Miền Nam, phản ánh phong tục và lối sống của người dân địa phương.
2. Các giai đoạn phát triển
2.1. Phục trang nghệ thuật sân khấu cải lương ở Miền Nam trong những ngày đầu
Nghệ thuật cải lương, một thể loại sân khấu đặc trưng của Việt Nam, bắt đầu phát triển mạnh mẽ tại Nam Bộ từ những ngày đầu thế kỷ XX. Trong giai đoạn này, phục trang đóng vai trò quan trọng trong việc định hình phong cách và bản sắc của sân khấu cải lương Miền Tây.
Những năm đầu thế kỷ XX, khi cải lương mới được hình thành, phục trang sân khấu ở Miền Nam chủ yếu có những đặc điểm sau:
- Chất liệu và kiểu dáng: thường sử dụng các chất liệu vải đơn giản như bông, lanh với kiểu dáng chủ yếu là áo dài, áo ngắn và váy truyền thống. Chất liệu và kiểu dáng này chủ yếu được kế thừa từ các thể loại sân khấu truyền thống và ảnh hưởng của các hình thức biểu diễn dân gian địa phương.
- Màu sắc và họa tiết: thường sử dụng các màu sắc cơ bản như trắng, xanh, đỏ, vàng, với họa tiết khá đơn giản. Đây là thời kỳ mà phục trang chưa được chăm chút công phu và chưa có sự phân biệt rõ rệt giữa các tầng lớp xã hội trong trang phục của các nhân vật.
Sự đổi mới và phát triển trong thập niên 30-40, khi cải lương phát triển và thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, phục trang đã trải qua nhiều cải tiến:

Hình 2: Phụng bào (bên phải) từng được NSND Phùng Há mặc cách đây hơn 60 năm đang được nghệ sĩ Bảo Ly lưu giữ tại tư gia. (ảnh: Trúc Phương)
- Chất liệu và kiểu dáng trở nên đa dạng hơn với việc sử dụng các loại vải như lụa, gấm, satin; kiểu dáng cũng trở nên tinh xảo và cầu kỳ hơn, với các thiết kế phức tạp và tỉ mỉ hơn, phản ánh sự ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa đô thị và phương Tây.
- Màu sắc và họa tiết ngày càng phong phú và rõ nét hơn. Các họa tiết thêu dệt, biểu tượng như rồng, phượng và các hoa văn cổ điển được sử dụng nhiều hơn để thể hiện đặc trưng của từng nhân vật, tạo điểm nhấn cho vở diễn.
Phục trang cải lương trong những ngày đầu không chỉ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố truyền thống mà còn hòa quyện với các yếu tố văn hóa dân gian và phong tục tập quán của Miền Nam:
- Các yếu tố văn hóa dân gian như họa tiết và màu sắc truyền thống của các dân tộc thiểu số đã được tích hợp vào phục trang, làm cho nó trở nên phong phú và mang bản sắc riêng biệt.
- Phục trang cũng phản ánh phong tục tập quán của người dân Miền Tây, từ trang phục trong các dịp lễ hội đến các loại trang phục thường ngày, giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương.
Cải lương hình thành và phát triển trên trục thời gian xuyên suốt ở Nam Bộ, mỗi chặng đường tồn tại không chỉ thể hiện đặc điểm nghệ thuật mà còn phản ánh sinh động bối cảnh xã hội với những tác động trực tiếp đến sân khấu biểu diễn. Sài Gòn ở giai đoạn thập niên 40-50 thế kỷ XX là chốn phồn hoa đô hội, là nơi tập trung bộ máy chính quyền cai trị của Pháp, dân cư tập trung đông đúc, vì thế cải lương vốn gần gũi với con người Miền Nam dễ dàng được cư dân ở đây yêu thương và đón nhận. Trong những ngày đầu của nghệ thuật cải lương, phục trang trên sân khấu có phần đơn giản. Theo lời kể của NSND Ba Vân, trang phục thời kỳ sơ khai của cải lương chủ yếu chỉ cần khác biệt so với hát bội. Các diễn viên không quá chú trọng đến sự tinh xảo hay phong cách, miễn sao trang phục có sự khác biệt cơ bản là được. Trong “Ký ức của Bảy Nhiêu”, được ghi chép từ năm 1918 về vở diễn Tơ vương đến thác của Gánh hát Kim Thời tại Mỹ Tho, mô tả: “Kép Hai Giỏi, vai công tử, mặc áo the dài, đầu rẻ lệch 7/3, cầm gậy, mang giày bốt đen bóng, đội nón nỉ màu xám. Cô Ba lưu lạc (đào Năm Phỉ) mặc com-lê áo dài hồng phấn, choàng khăn sạt cùng màu, mang giày thêu cườm, tay cầm khăn mù soa xanh nhạt có ren, tóc chấm vai…”1. Điều này cho thấy trong các vở tuồng xã hội và tuồng Tây (phóng tác), diễn viên thường ăn mặc theo kiểu trang phục xã hội đương thời, phản ánh thẩm mĩ và thị hiếu của công chúng.
Khi diễn các vở về lịch sử dân tộc, tuồng Tàu hay các vở hương xa, trang phục của diễn viên được chọn lựa để phản ánh nguồn gốc của cốt truyện và nhân vật. Năm 1925, ông Nguyễn Ngọc Cương, người sáng lập Gánh Phước Cương, yêu cầu trang phục cho các vở tuồng Tàu phải chính xác với hia, mão, giáp trụ và long bào. Ông không đồng ý với việc sử dụng trang phục không đúng chuẩn, như: khăn đóng màu cặm lông vịt hay áo dài ta thay vì áo dài truyền thống của nhân vật Tàu2. Trang phục trong các vở tuồng Tàu thường có kim tuyến, kim sa và lụa óng chuốt, góp phần làm nổi bật tính mĩ lệ trên sân khấu cải lương.
Trong Nghệ sĩ Ba Vân với sân khấu cải lương, Sĩ Tiến có kể về phần phục trang của diễn viên cải lương thời kỳ đầu khá tỉ mỉ: “Về trang phục, đào và kép võ đều mặc đồng loạt như sau: áo nhung ngắn đủ màu, may theo kiểu “bi-da-ma” cổ bẻ, chung quanh thân áo viền lông thỏ hoặc lông cừu trắng (có khi viền gấu bằng kim tuyến), đầu đội khăn đóng (tức là khăn xếp các màu, thêm miếng bịt tóc và buộc ngoài vành khăn một giải thêu. Hoặc đội mũ nồi may bằng nhung đủ màu, có dắt “lông chim” trước trán (thay cho cái “xí mẩu”). Chân đi giày màu hoặc giày ban của Tây có đính “nơ”; còn thấy có người đi giày da màu của Tây thường dùng trong sa-lông. Quần cũng bằng nhung đủ màu, may như quần cụt của kép xiếc, viền kim tuyến lòng thòng, có lồng “dây nịt thun” quấn quanh bắp đùi trên đầu gối, bít tất dài. Đào thì đeo thêm một chiếc kiềng vàng vào chân, trên mắt cá. Cả đào và kép đều khoác áo choàng, tay cầm đoản đao, trường còn hay đinh ba, tùy tuồng tích… Đào kép văn cũng mặc đồng loạt như sau: áo gấm hoa hoặc trơn đủ màu, áo huyền đen, áo lụa vàng, quần lụa trắng. Nam đội khăn đóng các màu, đi giày hạ hoặc guốc kinh. Nữ bới tóc, như nhãn hiệu dầu Cô Ba đương thời, đi giày cườm hoặc giày kinh”3.

Hình 3: Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nhàn đang may trang phục. (ảnh: Minh Tâm)
Nhìn chung, phục trang của diễn viên cải lương thời kỳ đầu phản ánh sự phong phú và đa dạng, từ các mẫu cổ điển đến những mẫu hiện đại. Phục trang trong các vở cổ tích hoặc tuồng cổ mang tính chất truyền thống, trong khi các vở xã hội hiện đại sử dụng trang phục theo kiểu model, thể hiện xu hướng thẩm mĩ đương thời. Trang phục sân khấu, nếu được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh và nhân vật có thể nâng cao hiệu quả sân khấu; ngược lại, nếu thiếu sự chăm chút có thể làm giảm giá trị của nhân vật. Trong lịch sử cải lương, không ít vở diễn bị đánh giá thấp vì sự thiếu đầu tư cho trang phục. Ví dụ, các diễn viên thủ vai các nhân vật lịch sử như Trần Bình Trọng hay Trưng Trắc không mặc đúng trang phục chiến đấu, làm mất đi sự uy nghi của nhân vật. “Mĩ thuật phục trang là phương tiện thể hiện cái đẹp tổng hợp nghệ thuật cải lương, từ hình thức bên ngoài, đến diễn tả nội dung bản sắc bên trong”4.

Hình 4. Nghệ sĩ Kim Cương (trái) và Phùng Há (phải) trong vở Mộng hoa vương. (ảnh: gia đình nghệ sĩ Kim Cương cung cấp)
Về giá thành sản phẩm, mỗi bộ trang phục cải lương tuồng cổ có giá từ vài triệu, tùy theo từng nhân vật và yêu cầu của khách hàng. Một bộ trang phục, ngoài việc đảm bảo đầy đủ các yêu cầu của vở diễn còn phải phù hợp với người sử dụng. “Đắt tiền nhất vẫn là trang phục vua chúa với giá 1,5 triệu đồng/bộ; trong đó mão: 500.000đ, hia: 400.000đ, quạt vua cầm: 200.000đ... Còn quan quân, công chúa, tì nữ khoảng 1 triệu đồng/bộ”, “Giá thuê trọn gói gồm trang phục, phông màn... là 700.000đ/suất”. Ngoài khoảng thời gian diễn ra các lễ hội lớn, thu nhập của các cơ sở trang phục rất ít và bấp bênh. Giá thành các bộ trang phục cải lương cổ tương đối đắt tiền. Vì thế, nguồn thu nhập chủ yếu của các cơ sở trang phục hiện nay dựa vào việc cho thuê trang phục, đồng thời cung cấp các dịch vụ trang điểm, sắm tuồng… cho nghệ sĩ để tăng thêm doanh thu5.
2.2. Phục trang nghệ thuật sân khấu cải lương ở Miền Nam trong thời kỳ hưng thịnh
Đến thập niên 1990-1980, video phát triển mạnh mẽ, các nhà sản xuất dựng lại các kịch bản nổi tiếng và cải lương tuồng cổ cũng phát triển rực rỡ với một thế hệ nghệ sĩ mới như Vũ Linh, Ngọc Huyền, Kim Tử Long, Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Chí Linh, Vân Hà, Thoại Mỹ… Trước kia, nguyên liệu sản xuất không được phong phú; ngày nay, với nguồn nguyên liệu phong phú, cùng việc ứng dụng các công nghệ vẽ, in lụa, thêu máy, thêu vi tính, vẽ keo, kim tuyến… nên nghệ nhân chỉ mất từ 1 đến 10 ngày để hoàn thành một bộ trang phục. Nghệ nhân phải học cách chế tác nhiều loại trang phục của các dân tộc hay trang phục múa, lễ tân… phục vụ nhu cầu văn hóa, văn nghệ. Nghệ nhân có nhiều cơ hội tiếp xúc, nghiên cứu trang phục qua các phòng trưng bày, bảo tàng, công trình nghiên cứu để tạo ra nhiều loại trang phục đúng với thời gian, không gian, bối cảnh lịch sử, góp phần làm tăng giá trị văn hóa của trang phục. Sự thành công về trang phục của các vở diễn dã sử như: Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng trống Mê Linh, Câu thơ yên ngựa đã khẳng định trình độ tay nghề của các nghệ nhân qua sự thông hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc. Từ đó, các đoàn làm phim truyện lịch sử Việt Nam tin tưởng giao cho nghệ nhân thiết kế trang phục và được đánh giá cao cả về hình thức lẫn nội dung: “Trang phục của thái hậu Dương Vân Nga là đầu đội mấn, áo phụng dài nghiêm trang, kín đáo, gọn gàng, tay áo không quá thụng, rộng… Quan võ thì đầu đội mũ hình chóp, quan văn đội mũ cánh chuồn thẳng hơi hướng về phía trước để phân biệt với quan văn của tuồng Tàu”6. Mỗi lần đoàn hát dựng vở mới nhờ thiết kế trang phục, các nghệ nhân phải nghiên cứu rất lâu, khảo sát tại các viện bảo tàng rồi dựa theo tính cách nhân vật, vai trò của nhân vật mới vẽ và chọn chất liệu phù hợp để may. Tất nhiên, họ cũng có những hư cấu nhưng phải trong giới hạn cho phép, gắn liền với cứ liệu lịch sử.

Hình 5: Nghệ sĩ Thoại Mỹ vai thần phi Nguyễn Thị Anh trong Đêm trước ngày hoàng đạo. (ảnh: Trí Trọng)
2.3. Phục trang nghệ thuật sân khấu cải lương ở Miền Nam trong thời kỳ bảo tồn
Trên thực tế, nghề làm trang phục cải lương phụ thuộc rất lớn vào các vở diễn cải lương. Tuy nhiên, trong vài thập niên trở lại đây, cải lương gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các vở diễn dần chuyển sang đề tài xã hội để giảm thiểu chi phí. Đứng trước thách thức lớn về đầu ra của sản phẩm, một số cơ sở trang phục chuyển sang thiết kế trang phục cho các loại hình nghệ thuật khác. Ngoài ra, các cơ sở trang phục còn tập trung hướng đến thị trường nước ngoài, ở các quốc gia đông người Việt sinh sống. Các trung tâm băng nhạc lớn, các nghệ sĩ cải lương ở hải ngoại là khách hàng được chú trọng. Đây mới là thị trường tiềm năng, trong khi thị trường trong nước chủ yếu là thuê mượn trang phục. Nghề làm trang phục cải lương ở Thành phố Hồ Chí Minh đang hoạt động cầm chừng, một số cơ sở nhỏ lẻ có nguy cơ lụi tàn; đội ngũ nghệ nhân kế thừa nghề lâm vào tình trạng khủng hoảng. Do đặc trưng riêng của nghề về phương thức lưu truyền, công tác đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các cơ sở trang phục lưu truyền nghề theo phương thức cha truyền con nối, không truyền nghề cho người ngoài gia tộc. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với nghề. Nếu không tìm ra phương thức truyền nghề phù hợp, nghề có nguy cơ mai một theo thời gian. Để bám trụ với nghề, các cơ sở trang phục ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật mới trong sản xuất để rút ngắn quy trình chế tác, hạ giá thành sản phẩm. Nghề làm trang phục cải lương mai một kéo theo sự ra đời của những sản phẩm dễ dãi bởi nhiều nghệ nhân không còn mặn mà, tâm huyết tìm tòi, nghiên cứu. NSƯT Ca Lê Hồng nhận thấy trang phục của nhân vật Hai Bà Trưng trong vở Tiếng trống Mê Linh cũng na ná những nhân vật nữ trong Thái hậu Dương Vân Nga, dù hai thời kỳ lịch sử trong hai vở diễn cách rất xa nhau. Vào cuối những năm 1990, cải lương bắt đầu tuột dốc. Các rạp hát thưa dần suất diễn, lượng khán giả đến xem cải lương cũng thưa dần, nhất là đối với khán giả trẻ. Nhiều đoàn cải lương phải đi lưu diễn ở các vùng sâu, vùng xa để tìm khán giả. Cùng với sự mở cửa hội nhập của đất nước là các loại hình văn hóa khác du nhập vào Việt Nam, nhất là phim ảnh, thu hút được nhiều khán giả, nhất là đối với giới trẻ. Vì vậy, sân khấu không còn là phương tiện giải trí duy nhất đối với công chúng.
3. Thực trạng bảo tồn nét văn hóa làm đồ cải lương ở Nam Bộ
Năm 2014, chúng tôi đã có một cuộc khảo sát để thực hiện đề tài về cải lương trong đời sống văn hóa - xã hội ở Nam Bộ hiện nay. Mục tiêu của đề tài là phân tích thực trạng và giải pháp bảo tồn nghệ thuật cải lương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đề tài tiến hành điều tra xã hội học với số lượng 440 phiếu, chia theo 4 nhóm đối tượng tại Thành phố Hồ Chí Minh: học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và sinh viên: 220 phiếu; kỹ sư, viên chức, công nhân: 80 phiếu; chủ cơ sở sản xuất nhỏ và những người buôn bán, lao động tự do: 70 phiếu; những thanh niên làm nông: 70 phiếu (chủ yếu ở 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn). Qua cuộc điều tra, kết quả từ thống kê số liệu định lượng về sở thích âm nhạc của giới trẻ được xếp theo tỉ lệ (%) từ cao đến thấp như sau:

Bảng 1: Sở thích về âm nhạc (%)

Bảng 2: Loại phim, tuồng giới trẻ ưa thích (%)
Thông qua kết quả định lượng từ cuộc điều tra cho thấy tỉ lệ công chúng yêu thích và đến với nghệ thuật cải lương không nhiều (nhạc truyền thống, cải lương, tuồng, chèo chiếm 6,1%; phim/ tuồng cải lương chiếm 4,3%). Giới trẻ có xu hướng ưu tiên yêu chuộng loại nhạc trẻ, nhạc nước ngoài cũng như những loại phim hành động, hình sự và tình cảm, tâm lý xã hội. Về chất lượng các vở diễn, nhiều ý kiến cho rằng tuồng cải lương hiện nay nhiều hơn trước nhưng chất lượng không cao, mang nặng tính thương mại. Một số vở dàn dựng vội vàng nên khó đi vào lòng người. Về chất lượng diễn viên, nhiều khán giả bày tỏ họ đến sân khấu cải lương mong muốn tìm lại hình ảnh những diễn viên mà họ từng yêu thích ở thập niên 1960, 19707.
Vị thế của cải lương trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây khiến không ít người làm nghề và tâm huyết phải trăn trở. Việc mất dần vị thế vốn xứng đáng có được của cải lương khiến người ta không khỏi tiếc nuối. Đi cùng với thời gian, chứng kiến những lần thay đổi vận mệnh của đất nước và dân tộc, vậy mà giờ đây, trong thời bình với nhịp sống hối hả và hiện đại, vì nhiều lý chủ quan và khách quan, chúng ta đang dần bỏ lại phía sau một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc để chạy theo các loại hình giải trí văn minh và thời thượng khác. Dưới góc nhìn tổng quát của cá nhân và theo một số bài phỏng vấn thì đây là vài nguyên nhân chính khiến cải lương không còn được thịnh hành:
- Kịch bản cải lương không còn đặc sắc như những vở tuồng ở thời kỳ hoàng kim. Đã có rất nhiều vở tuồng cải lương ra đời và trở thành kinh điển trong kho tàng nghệ thuật này cũng như trong lòng người hâm mộ thời điểm ấy. Vài năm trở lại đây, người ta đã không còn thấy một vở tuồng cải lương đặc sắc, hấp dẫn và lôi cuốn, có thể ghi dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng.
- Việc cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật sân khấu khác dường như cũng khiến cải lương “đuối sức” trên đường đua. Khán giả tìm đến các sân khấu ca nhạc, rạp phim, sân khấu hài kịch để tìm thư giãn sau những giờ làm việc mệt nhọc hơn là tìm đến cải lương. Điều này có thể lý giải: cải lương phần lớn với tình tiết không được vui tươi, mang màu sắc ảm đạm, hoài cổ, y phục cổ trang không thực tế trong giai đoạn hiện nay… đã không thể làm thỏa lòng đại bộ phận tầng lớp khán giả hiện nay là giới trẻ.
- Thế hệ nghệ sĩ kế thừa chưa đủ sức gánh vác và tạo dấu ấn như những thế hệ nghệ sĩ tiền bối, anh chị của thế hệ trước.
Với những lý do cơ bản nêu trên cũng đủ hình dung nghệ thuật biểu diễn cải lương dần bị quên lãng dẫn theo đó là các thành tố trong cải lương, nhất là trang phục, bị ảnh hưởng nặng nề về mặt kinh tế cũng như bảo tồn nét văn hóa làm đồ nghệ thuật biểu diễn những vở tuồng cải lương.
4. Đôi điều bàn luận giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị phục trang và nghệ thuật cải lương
Nền văn hóa phục trang nghệ thuật sân khấu cải lương ở Miền Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình giải trí hiện đại, nghệ thuật cải lương, đặc biệt là trang phục truyền thống, đang dần bị mai một. Sự quan tâm của công chúng đối với cải lương giảm sút, đồng thời việc bảo tồn các yếu tố truyền thống như trang phục và kỹ thuật biểu diễn gặp khó khăn.
Trang phục cải lương truyền thống vốn có sự cầu kỳ và tinh xảo nhưng hiện nay đang gặp phải sự thay đổi nhanh chóng về thị hiếu và sự du nhập của các xu hướng thời trang hiện đại. Nhiều đoàn cải lương và nhà thiết kế không còn giữ được sự tinh tế và chính xác trong việc phục trang, dẫn đến sự mất mát trong giá trị văn hóa. Các yếu tố truyền thống như kiểu dáng, màu sắc và chất liệu của trang phục đang dần bị thay thế bằng những mẫu thiết kế hiện đại hơn, làm giảm đi tính nguyên bản và bản sắc của nghệ thuật cải lương.
Trong hoạt động bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, Thông tư số 116/2006/ TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó có các tiêu chí công nhận nghề truyền thống, nghề làm trang phục cải lương được xếp vào loại hình nghề truyền thống cần được bảo tồn và phát triển. Tính đến thời điểm hiện tại, nghề đã tồn tại hơn 50 năm; sản phẩm của nghề mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với hệ thống trang phục cải lương đồ sộ, phong phú và đa dạng; gắn liền với tên tuổi của các đại gia tộc cải lương ở Thành phố Hồ Chí Minh: Huỳnh Long, Bầu Thắng – Minh Tơ, Thành Tôn… Đồng thời, nghề gắn với tên tuổi của nhiều nghệ nhân nổi tiếng, như Tám Trống, Công Minh, Kim Phượng, Bạch Nga, Bảo Ly, Trường Sơn, Bo Bo Hoàng, Thành Châu… và bản thân nghệ nhân cũng là nghệ sĩ nổi tiếng.
Nghị định số 98/2010/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, tại khoản 1, điều 2 quy định di sản văn hóa phi vật thể bao gồm “tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian”. Như vậy, nghề làm trang phục cải lương được xếp vào loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Nếu nghề được công nhận theo luật di sản sẽ có những thuận lợi trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghề. Đồng thời, nghề sẽ được đảm bảo quyền lợi theo quy định của Nhà nước.
Nghị định số 98/2010/NĐ-CP, tại khoản 1, điều 9 quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú thực hiện theo quy định tại điều 3, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa: “Danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú để tặng cho cá nhân có công bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể”8. Việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân sẽ giúp các nghệ nhân được hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Các nghệ nhân “được hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi về không gian, mặt bằng để tổ chức các hoạt động truyền dạy, trình diễn, trưng bày, giới thiệu sản phẩm; được giảm hoặc miễn thuế đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của pháp luật về thuế; được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng và những ưu đãi khác nếu có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn”9. Các nghệ nhân nên lập hồ sơ đệ trình các cơ quan công nhận nghề truyền thống, xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú để hưởng quyền lợi, chính sách của Nhà nước.
Trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương và phục trang cải lương. Các tổ chức văn hóa và nghệ thuật đã thực hiện nhiều chương trình, hội thảo, triển lãm để giới thiệu và quảng bá giá trị của cải lương. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ mạnh mẽ và đồng bộ để tạo ra sự thay đổi tích cực và bền vững. Việc thiếu hụt nguồn lực tài chính và nhân lực cũng là một trở ngại lớn đối với việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật cải lương.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn cần đưa hoạt động sân khấu, nghệ thuật vào chuẩn mực khoa học, ứng dụng các công trình nghiên cứu nghệ thuật vào thực tiễn nghệ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả thực tiễn của các công trình nghiên cứu. Đồng thời, giám sát việc sử dụng trang phục không chỉ riêng sân khấu cải lương mà còn ở lĩnh vực điện ảnh, kịch nói… về đề tài lịch sử.
Hội Nghệ sĩ Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh nên có những buổi hội thảo bàn về nghề làm trang phục cải lương trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, thảo luận về vấn đề trang phục trên sân khấu trước thực trạng sử dụng trang phục không đúng cách, không đúng lịch sử của bộ phận nghệ sĩ trẻ hiện nay. Nên có những công trình nghiên cứu đưa ra quy định về cách may trang phục, họa tiết phù hợp với từng thời đại; hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở trang phục, nghệ nhân hoàn tất thủ tục, đệ trình Nhà nước công nhận nghề truyền thống, Nghệ nhân ưu tú, thúc đẩy bảo tồn và phát triển nghề. Cần có sự phối hợp giữa các nhà hát nghệ thuật truyền thống với ngành du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trình diễn, bảo tồn loại hình cải lương, phát huy vai trò của các hội nghề nghiệp. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần phối hợp cải tiến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận cho sân khấu truyền thống, bao gồm soạn giả, đạo diễn, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân may trang phục, họa sĩ thiết kế sân khấu…; mở rộng khai thác các nội dung cổ điển để tăng cường thêm sự đa dạng của tuồng tích, trang phục cải lương…
Vấn đề trang phục cải lương từ lâu đã được các nhà nghiên cứu, phê bình đưa ra các giải pháp khắc phục khuyết điểm: “Khi soạn một bổn tuồng về thời đại nào, nên tìm trong sách vở lưu trữ tại thư viện hay viện bảo tàng, để thấu đáo cách ăn mặc, từ quần áo đến nón mũ, giày dép của những nhân vật trong thời đại ấy”10. Trách nhiệm này thuộc về những người làm nghệ thuật, nhất là các nghệ nhân may trang phục. Nếu trang phục phản cảm sẽ gây bất mãn cho khán giả, phá vỡ hiệu quả của vở diễn; đồng thời, trang phục không đúng với thời đại, giai đoạn lịch sử sẽ tạo nên sự nhận thức lệch lạc cho người xem.
Những người có trách nhiệm về cách dàn cảnh, trang trí và phục sức nên quan sát kỹ càng các chi tiết của vở tuồng phù hợp với hoàn cảnh, thời gian và không gian. Các nghệ nhân may trang phục phải chú ý việc nghiên cứu, tìm hiểu các cứ liệu lịch sử để thiết kế trang phục.
Các cơ sở trang phục nên thành lập một tổ chức hội hay câu lạc bộ để trao đổi cách thức chế tác trang phục, hỗ trợ các hội viên về phương diện kỹ thuật, hành chính. Tổ chức này có những quy định, quy ước về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng trang phục qua các thời đại lịch sử cũng như các thể loại tuồng tích Tàu, Việt, Mông Cổ, Ấn Độ, Ba Tư, Nhật Bản…
Các nghệ nhân khi thiết kế trang phục nên có những quy ước, ký hiệu sản phẩm khi thiết kế sao cho khách hàng nhận biết được hàng Việt Nam. Kêu gọi sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, hướng dẫn các cơ sở trang phục nghiên cứu thị trường. Đồng thời, cải tiến công nghệ may trang phục nhanh hơn, kinh tế hơn để có thể đứng vững trước những yếu tố cạnh tranh trang phục.
Kết hợp với các cơ sở đào tạo dạy nghề, xây dựng chương trình đào tạo các thế hệ nghệ nhân kế cận. Đội ngũ kế thừa vững chắc, đủ mạnh sẽ góp phần bảo tồn và phát huy nghề, tránh nguy cơ mai một, thất truyền. Nghề phải được đào tạo chính quy, bài bản, các nghệ nhân thiết kế trang phục có chứng chỉ hành nghề nhằm khẳng định tay nghề của nghệ nhân, uy tín của nghề.
Liên kết với các công ty du lịch, thiết kế tour du lịch văn hóa, đưa khách du lịch đến các phòng trưng bày trang phục tham quan quy trình thiết kế, mặc trang phục chụp ảnh lưu niệm với bối cảnh được thiết kế sẵn. Các nghệ sĩ có thể hướng dẫn du khách mặc trang phục đi vài thế võ, đường quyền, tạo dáng theo nhạc để quay hình lưu niệm… Muốn thực hiện điều này, cần có sự kết hợp nghiên cứu nhằm xây dựng được chương trình phù hợp, chuyên nghiệp, đảm bảo các quy định của pháp luật về nghệ thuật biểu diễn và du lịch.
Nghề làm trang phục cải lương có thể giúp đa dạng hóa các loại hình du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc của vùng Nam Bộ nói chung, Sài Gòn - Chợ Lớn xưa hay Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay nói riêng đối với du khách trong nước. Qua nghệ thuật sân khấu cải lương, du khách quốc tế sẽ được giới thiệu về bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam với những con người tài hoa, giá trị văn hóa độc đáo, đời sống tinh thần phong phú.
5. Kết luận
Vẫn có một mạch nguồn mĩ học dân tộc chảy từ quá khứ đến hiện tại trong nghệ thuật cải lương Việt Nam. Nghệ thuật cải lương Việt Nam truyền thống là biểu hiện tập trung nhất của mĩ học dân gian truyền thống. Đời sống thẩm mĩ ở mọi thời đại, giữa truyền thống và hiện đại luôn tồn tại mối quan hệ có tính tương tác, nó là những nhân tố quan trọng tác động tới cả chủ thể thẩm mĩ và đối tượng thẩm mĩ, tạo nên giá trị thẩm mĩ cho hình tượng con người trong nghệ thuật nói chung. Bên cạnh đó là niềm cảm hứng vô tận vào thời trang thời hiện đại cho con người. Trong công cuộc đổi mới đất nước với nền công nghiệp hóa - hiện đại hóa, các sản phẩm thủ công truyền thống có tính độc đáo và tinh xảo vẫn rất cần cho con người trong xu thế chung của nhu cầu cân bằng đời sống. Các làng nghề với những nghệ nhân đang được tập hợp để truyền lại kinh nghiệm, bảo lưu, vận dụng và phát triển theo hướng dân tộc đậm đà bản sắc riêng. Nghề may đồ hát tuồng Việt với ưu thế và tính đặc thù của mình đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về mặt văn hóa, nghệ thuật, hiệu quả kinh tế khi được nhìn nhận đúng mức. Mức sống cao kéo theo nhu cầu tinh thần của con người cũng ngày một nâng cao, tính thẩm mĩ cũng được đặt nặng hơn; mặt khác, vẫn đảm bảo được những giá trị đặc trưng bản sắc của nghệ thuật dân tộc bởi nếu mất đi bản sắc nghệ thuật dân tộc sẽ mất đi tất cả. Đây là một thực tế không chỉ ở bối cảnh Việt Nam mà là mối quan tâm của tất cả các quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định trong thư gửi các họa sĩ trong cuộc Triển lãm mĩ thuật năm 1951, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1986, ra ngày 5/1/1952, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận đó”. Muốn giữ gìn và bảo tồn nghề nghiệp phải biết giữ nét văn hóa; chỉ có bảo tồn, phát triển nghề cải lương thì nghề may xiêm y cải lương mới có khả quan tốt hơn trong tương lai.
Chú thích:
1, 2 Bảy Nhiêu: “Từ ca tài tử tới sân khấu cải lương”, Tin Văn, Số kỷ niệm nửa thế kỷ cải lương, tr. 89, 97.
3 Nguyễn Thị Trúc Bạch: “Đặc tính tổng hợp trong cấu trúc nghệ thuật cải lương Nam Bộ”, Tạp chí Khoa học xã hội, số 5(177)-2013.
4 Nguyễn Thị Trúc Bạch: “Cải lương trong đời sống văn hóa xã hội ở Nam Bộ hiện nay”, Báo cáo tổng hợp đề tài cấp cơ sở, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, 2014.
5 Minh Tâm: “Thợ may cung đình”, Báo Tuổi trẻ online, 22/5/2008 .
6 Phan Thi Uyên: “Trang phục cải lương sử Việt: Loay hoay giữ hồn dân tộc”, Báo Công an nhân dân online, 24/9/2016.
7, 8 Luật Di sản Việt Nam (Sửa đổi, bổ sung), 2010.
9, 10 Trần Văn Khải (1970), Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, tr. 88, 89.