Căn cứ theo tính khởi phát của nghệ thuật trong suốt thời tiền sử, nền văn minh nói chung hay nghệ thuật nói riêng là yếu tố đặc thù và đặc quyền của con người. Khi thị hiếu của con người ngày càng phát triển và đối tượng khán giả ngày càng trẻ hóa và đa dạng, việc đòi hỏi chất lượng về tính thẩm mĩ ngày càng cao. Đối với thanh thiếu niên Việt Nam thời đại mới, tính phổ biến và lôi cuốn của các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc khá xa rời với thị hiếu của họ. Nhưng vài năm trở lại đây, ngôn ngữ truyền thống và nghệ thuật dần trở nên đại chúng và đương đại hơn. Việc tiếp nhận các giá trị mang tính nghệ thuật từ các nền văn hóa khác nhau cũng được “thông quan” dễ dàng hơn. Ranh giới của một quốc gia được quyết định bởi sự bành trướng về văn hóa của quốc gia đó và biên giới trong văn hóa thưởng thức nghệ thuật cũng đang làm việc tương tự để tính cổ truyền dân tộc đến gần hơn với công chúng trẻ. Thế hệ trẻ hiện nay luôn hướng theo những thứ gọi là “xu hướng”1 nên việc làm mới ngôn ngữ cổ truyền hòa hợp với hơi thở thời đại cũng là một nước đi khá thông minh cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như thế giới khi muốn lợi dụng hiệu ứng của truyền thông nhằm thu hút một lượng lớn sự chú ý của thế hệ trẻ (Gen Z, Gen X)2. Đồng thời, các hình thức trình diễn nghệ thuật từ cổ truyền, cổ điển cho tới hiện đại, đương đại cũng phải có bước chuyển mình riêng để có thể hòa hợp được với thời đại 4.0 như hiện nay, khi mà mọi thứ đều được số hóa. Khái niệm “thâu tóm truyền thông” là thước đo về quyền lực góp phần hình thành trong văn hóa giới trẻ Việt Nam hiện nay.
1. Nghệ thuật và sáng tạo nghệ thuật
Ngay từ thời cổ đại cho đến hiện nay, nghệ thuật (Arts) được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm những gì thuộc về tài năng khéo léo do con người tạo nên, liên quan nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, gồm cả trong khoa học, lao động sản xuất…
Qua nhiều giai đoạn, với nhiều cách hiểu khác nhau, đặc biệt là thông qua kiến thức mĩ học và nghệ thuật học, khái niệm “nghệ thuật” ngày càng được khu biệt hẹp lại và rõ ràng hơn trong các lĩnh vực hoạt động xã hội khác nhau. Đến nay, bằng cái nhìn vừa cụ thể vừa khái quát và bản chất nhất, nghệ thuật được xem là “hình thái ý thức xã hội đặc biệt, dùng hình tượng sinh động, cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền đạt tư tưởng, tình cảm”.
Cũng xét về bản chất, sự phản ánh trong nghệ thuật luôn là hoạt động sáng tạo thông qua sự kết hợp giữa trí tưởng tượng với cảm xúc thẩm mĩ của nghệ sĩ, dùng ngôn ngữ/ kỹ thuật của một loại hình nghệ thuật cụ thể nào đó để tạo ra hình tượng (image, icon) mang nét riêng nhất định. Từ đó, sáng tạo nghệ thuật (Artistic creation) là một khâu quan trọng trong các yếu tố cấu thành (thành tố) của hoạt động nghệ thuật, đồng thời có mối quan hệ chặt chẽ với các thành tố khác nhau, trực tiếp là nghệ sĩ - tác phẩm - công chúng, gián tiếp là môi trường xã hội - thiết chế nghệ thuật - cơ quan quản lý, xa hơn là đào tạo - nghiên cứu - lý luận, phê bình về nghệ thuật3…
2. Văn hóa truyền thống với nghệ thuật Việt Nam
Văn hóa truyền thống Việt Nam là di sản văn hóa tinh thần, được dân tộc Việt Nam tích lũy lâu dài, là kết tinh của tinh thần, trí tuệ, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, là tập hợp của các phương thức sản xuất kinh tế, chính trị.
Việt Nam trong quá khứ vốn là một nước thuần nông với nền văn minh lúa nước có lịch sử hàng nghìn năm. Từ trong ý thức nhiều thế hệ thể hiện sự tôn trọng, sùng bái tự nhiên, thể hiện thành những hành động thích nghi với tự nhiên, tận dụng sức mạnh tự nhiên hơn là chinh phục.
Trong kiến trúc thường sử dụng chất liệu tự nhiên như bùn, đất, rơm, rạ hoặc bộ khung bằng tre nứa; mái dốc để mưa thì trôi nhanh, tránh ánh nắng chiếu rọi và gió mùa. Những công trình kiến trúc quan trọng, vật liệu chính là gỗ, toàn bộ phần tường vách là gỗ và bộ khung đỡ mái, các cột chống là những cây gỗ lớn; riêng mái được lợp từ ngói đất nung. Để trang trí những đồ vật quý, người Việt có một hệ thống hoa văn cách điệu từ tự nhiên như: mây, hoa, lá, sóng nước, chim, côn trùng, núi, sông… Các vật dụng chủ yếu làm từ đất nung có men như: bát, đĩa, bình, lọ; không có men như: chum, vại, nồi, niêu. Ngoài ra, một vật liệu quan trọng nữa là đồ từ tre nứa như: chõng, rổ rá, bàn ghế, dụng cụ lao động; chỉ một số ít rèn từ sắt như: lưỡi cuốc, lưỡi cày, dao, liềm…, còn lại đều được chế tạo kết hợp với tre hoặc gỗ.
Những nguyên liệu cơ bản trong thiết kế, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế nội thất, vật dụng trang trí như: đất, nước, gỗ, rơm, rạ... vốn rất gần gũi với con người nên dễ tạo cho các nhà thiết kế những cảm hứng sáng tạo. Đã có rất nhiều nhà thiết kế hay các thương hiệu nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực thiết kế thành công với những triết lý riêng của họ. Có một điểm nổi bật là họ thường sử dụng những chất liệu từ thiên nhiên hay những vật liệu có sẵn của địa phương để tạo nên những sản phẩm có thiết kế tối giản nhưng tinh tế, mang dấu ấn văn hóa truyền thống và thông điệp rõ ràng. Các nhà thiết kế của Việt Nam có thể tìm hiểu, vận dụng các kỹ thuật thủ công của các làng nghề truyền thống để tạo nên những sản phẩm riêng mang dấu ấn của mình. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là yếu tố con người, đòi hỏi nhà thiết kế phải có tư duy rộng mở với cách tiếp cận hiện đại để đánh thức và khai phóng những ý tưởng sáng tạo độc đáo.
3. Thiết kế hiện đại với đặc điểm văn hóa Việt Nam
Thiết kế đương đại thể hiện sự tiến bộ của khoa học hiện đại, công nghệ và biểu hiện quan niệm nghệ thuật là dựa trên nền tảng vật liệu hiện hữu, kết hợp với văn hóa truyền thống và các khái niệm thiết kế hiện đại. Thiết kế hợp lý có thể làm cho các yếu tố công năng, kinh tế và giá trị văn hóa trở nên độc đáo, không chỉ nhấn mạnh chức năng của các đối tượng mà còn đáp ứng mối quan hệ giữa đồ vật và con người. Hoạt động thẩm mĩ bắt nguồn từ thực tiễn xã hội và liên tục thay đổi với sự phát triển của lịch sử. Văn hóa truyền thống có tính liên tục, ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm thẩm mĩ của mỗi người và tạo suy nghĩ mới cho nhà thiết kế. Các nhà thiết kế nên tiến hành từ thực tế, chắt lọc và tích hợp những tinh hoa trong thiết kế, kết hợp với các đặc điểm văn hóa Việt Nam để tăng giá trị sản phẩm.
Các ứng dụng hệ thống biểu tượng văn hóa truyền thống trong thiết kế hiện đại có thể được chia thành ba khía cạnh: hình ảnh truyền thống, màu truyền thống, vật liệu truyền thống. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là kho tàng vô tận mang lại nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà thiết kế, như: chạm khắc gỗ, đúc đồng, dệt và nhuộm lụa, gốm sứ… phản ánh những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Bắt đầu từ văn hóa dân tộc truyền thống của Việt Nam, thiết kế đương đại rất cần thiết chọn lựa các hình thức bên ngoài đại diện và tinh thần bên trong, khéo léo sử dụng chúng trong quá trình sáng tạo thiết kế nghệ thuật, làm cho tác phẩm truyền tải xuất sắc những nét riêng độc đáo, quyến rũ từ văn hóa Việt Nam.
Vẻ ngoài là biểu hiện trực tiếp bằng hình ảnh của các đối tượng và việc áp dụng hợp lý những tính năng xuất hiện của đồ dùng có thể nâng cao một cách hiệu quả khả năng cảm nhận thị giác. Do đó, để tạo ra một tác phẩm thiết kế với khí chất văn hóa Việt Nam, sản phẩm đó mang tính thẩm mĩ nghệ thuật có đặc trưng biểu tượng như các mẫu kiểu dáng, họa tiết, màu sắc truyền thống hoặc những phương pháp, cách thức xử lý bề mặt… được sử dụng như phương tiện trang trí và tạo điểm nhấn riêng nhiều hơn vào biểu tượng của tinh thần thẩm mĩ. Vì vậy, tham chiếu thích hợp đến trang trí truyền thống các phương pháp cũng có thể làm nổi bật các đặc điểm của Việt Nam trong công trình thiết kế.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc tích hợp các ý tưởng đa dạng và nhiều thông tin khác nhau về quan điểm, thiết kế và sử dụng truyền thống biểu tượng văn hóa có ý nghĩa mới. Ví dụ, trong quá khứ, hoa văn hình rồng tượng trưng cho hoàng gia quyền lực và uy nghiêm, phượng hoàng đại diện cho phẩm giá và sự thiêng liêng. Với sự phát triển của xã hội, ngày nay, rồng và phượng còn mang ý nghĩa cho sự tốt lành, hạnh phúc, thịnh vượng; điều đó khiến các nhà thiết kế cần nghiên cứu nguồn gốc của các ký hiệu, đồng thời kết hợp quá trình lịch sử để biến đổi các mô hình truyền thống một cách hợp lý, mang lại sức sống mới cho biểu tượng văn hóa truyền thống Việt Nam.
Văn hóa truyền thống Việt Nam luôn âm thầm ảnh hưởng tới đời sống mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội, là nguồn cảm hứng, tư liệu cho các nhà thiết kế. Những thiết kế hôm nay có thể sẽ trở thành truyền thống của tương lai. Trên cơ sở tôn trọng nghĩa gốc và nội hàm của các biểu tượng văn hóa truyền thống, nhà thiết kế kết hợp các ứng dụng mới của thời đại hiện tại để tạo ra sự đột phá từ trong truyền thống văn hóa. Giải mã và tái tạo lại truyền thống, các biểu tượng văn hóa nên được sử dụng trong thiết kế hiện đại để đổi mới, tạo ra một khái niệm mới phù hợp với phát triển của thời đại. Tất nhiên, công việc này phải dựa trên việc hiểu nội hàm và ý nghĩa của các biểu tượng văn hóa truyền thống và hơn thế nữa, là hiểu được quan niệm nghệ thuật đằng sau nó để đưa ra những lựa chọn hợp lý. Sau khi hiểu văn hóa truyền thống và làm theo các nguyên tắc thị trường, bằng cách tinh chỉnh các hình thức của các yếu tố truyền thống và các khái niệm tinh thần của văn hóa địa phương, nhà thiết kế cần biến đổi chúng thành các biểu tượng trực quan, màu sắc, hình thức cấu trúc… để sử dụng chúng trong thiết kế như hiện nay.
4. Truyền thông gắn với văn hoá truyền thống
Truyền thông là hiện tượng xã hội phổ biến, ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người, tác động và liên quan đến mọi người trong xã hội. Đã có khoảng 120 định nghĩa, quan niệm về truyền thông được đưa ra, tùy theo góc nhìn. Dù có nhiều định nghĩa, quan niệm khác nhau về truyền thông nhưng chúng vẫn có những điểm chung cơ bản. Tựu trung có thể hiểu truyền thông là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm… liên tục giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, làm thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân/ nhóm/ cộng đồng xã hội.
Truyền thông là hoạt động cung cấp, truyền tải thông tin một cách rộng rãi đến các đối tượng truyền thông khác nhau như công chúng, khách hàng tiềm năng, đối tác, đối thủ cạnh tranh… để được nhiều người biết đến, nhằm tạo ra sự quan tâm, ủng hộ từ các đối tượng mục tiêu về sản phẩm, đối tượng muốn truyền thông. Do đó, truyền thông đóng vai trò quan trọng sống còn trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu. Cách làm truyền thông nên gắn liền với văn hóa, tập quán nơi chiến dịch được tổ chức. Đó là một trong những yếu tố chiến lược nhằm nắm được sự đồng cảm tự hào của nơi chiến dịch diễn ra. Hiện nay xu hướng kết hợp những yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc (nghệ thuật dân gian, nghệ thuật trình diễn cổ truyền…) đang được áp dụng một cách rất phổ biến trong các chiến dịch quảng bá của rất nhiều nhãn hàng Việt Nam. Song bên cạnh đó, việc áp dụng các yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc cần có sự nghiên cứu kỹ càng và áp dụng một cách tinh tế để tránh gây phản cảm, có thể gây ra những phản ứng truyền thông ngược hoặc tệ hơn là gây ra khủng hoảng truyền thông (communication crisis).
5. Thiết kế quảng cáo gắn với văn hóa, bản sắc trong quảng cáo truyền thông, nghệ thuật đương đại Việt Nam
Xét về bản chất, quảng cáo là một hoạt động kinh tế - xã hội nhưng lại sử dụng các hình thức văn hóa và thông tin để biểu hiện. Do đó, quảng cáo nào cũng mang những yếu tố: giá trị thẩm mĩ, giá trị khoa học, giá trị nhân bản.
Thực chất những giá trị văn hóa nói trên là những tiêu chí mang tính định hướng cho mọi sản phẩm, hoạt động thiết kế sáng tạo các mẫu quảng cáo khác nhau dưới bất cứ hình thức nào… Theo đó, như là lẽ đương nhiên, do đối tượng công chúng hướng đến là con người và cộng đồng cụ thể nên nhất thiết trong sản phẩm quảng cáo không thể không tính toán đến yếu tố bản sắc văn hoá dân tộc, thậm chí có cả tính địa phương cụ thể... Điều này, trên thực tế ở nước ta trước đây còn rất nhiều tồn tại: quảng cáo trên báo chí, phát thanh, truyền hình, đặc biệt trên mạng internet… còn nhiều biểu hiện “kém văn hóa” và thiếu bản sắc văn hoá dân tộc. Đặc biệt, quảng cáo trực quan đường phố và những nơi công cộng còn hạn chế lớn về văn hóa thẩm mĩ và hết sức hỗn tạp, đang thiếu hẳn một bản sắc văn hoá dân tộc được quan tâm thể hiện rõ ràng!4…
Những năm gần đây ngành truyền thông đã có những biến chuyển rõ rệt trong công cuộc đem tính văn hóa và văn hóa dân tộc vào những thiết kế mĩ thuật và chiến dịch truyền thông ngày càng mạnh mẽ. Điều này đã được minh chứng bằng sự hưởng ứng của công chúng. Các thiết kế mĩ thuật phục vụ cho các chiến dịch truyền thông với banner, biển hiệu… đã mang hơi thở của truyền thống kết hợp với thời đại một cách tinh tế và mang tính văn hóa cao.
6. Đề xuất chung
Trên nền tảng của sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, thiết kế của Việt Nam không nên bắt chước các thiết kế phương Tây. Bỏ qua văn hóa truyền thống của đất nước sẽ khiến thiết kế công nghiệp bị động, bị mất vị trí dưới làn sóng công nghệ và toàn cầu hóa. Hiểu văn hóa truyền thống, phân tích, thiết kế và tái tạo văn hóa không thể chỉ đi kèm với vẻ bề ngoài mà còn thể hiện thẩm mĩ bên trong, giá trị và các giá trị tinh thần. Không chỉ kế thừa và học hỏi từ văn hóa truyền thống mà còn cần thiết đổi mới và phát triển từ văn hóa truyền thống. Chỉ có bằng cách nắm bắt nhịp đập của thời đại và nắm bắt giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống mới có thể đạt được khi thiết kế công nghiệp với đặc điểm của Việt Nam và mang lại cho nền thiết kế đương đại của Việt Nam một sức sống mới.
Văn hoá - văn minh và nghệ thuật có mối liên hệ mật thiết với nhau vì nghệ thuật phản ánh xã hội mà nó đang tồn tại, văn hoá - văn minh là cơ sở cho nghệ thuật tồn tại. Mặt khác, văn hoá - văn minh cũng như nghệ thuật đều mang hơi thở và dấu ấn của lịch sử, nó đánh dấu các bước phát triển của xã hội5. Từ mối quan hệ trên, việc làm văn hóa phải có sự đúc kết, tìm hiểu và kinh nghiệm thực tiễn, từ đó chúng ta mới có thể làm ra những sản phẩm truyền thông cũng như những tác phẩm nghệ thuật đầy tính văn hóa – văn minh.
Truyền thống văn hoá Việt Nam cùng với những vốn di sản văn hoá, yếu tố cốt tuỷ của bản sắc văn hoá dân tộc, bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được vun đắp nên qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân, gia đình, làng xã, Tổ quốc, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức cần cù sáng tạo trong lao động, tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống6… Những giá trị trên cần được trau dồi qua nhiều hình thức đào tạo mới áp dụng công nghệ kỹ thuật cũng như áp dụng những kiến thức về truyền thống văn hóa, từ đó đúc kết ra những thứ tinh túy nhất để đem vào các chiến dịch quảng cáo một cách sát sao và tinh tế nhất, phù hợp với tinh thần thời đại mới cũng như thuần phong mĩ tục của dân tộc Việt Nam.
Dưới góc nhìn về đào tạo mĩ thuật, PGS, TS, NGƯT Nguyễn Xuân Nghị (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo mĩ thuật ứng dụng) chia sẻ về những khó khăn của các cơ sở đào tạo mĩ thuật ứng dụng đã và đang đối diện với những thách thức khi Việt Nam hội nhập quốc tế. Vì thế, ông cho rằng việc quan tâm tới công tác đào tạo, sự kết nối nhà trường và doanh nghiệp một cách thiết thực và đạt hiệu quả hơn trong việc sử dụng lực lượng lao động hết sức đặc biệt này là điều cấp thiết hiện nay. Từ những suy nghĩ trên của PGS, TS, NGƯT Nguyễn Xuân Nghị, xin đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực họa sĩ mĩ thuật công nghiệp trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đó là: cơ sở đào tạo mĩ thuật ứng dụng cần bổ sung thay đổi nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, hình thức tổ chức đào tạo; cần kết hợp thế nào với các doanh nghiệp, công ty thiết kế, xưởng sản xuất để đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp làm được việc, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; chương trình đào tạo cần gắn với thực tiễn hơn, nên có những buổi học chuyên đề của những ngành nghề khác nhằm tạo cho sinh viên được tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống thực tế cũng như có thể mang nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống và đào tạo ra nguồn nhân lực mĩ thuật chất lượng cao, sẵn sàng tham gia vào công cuộc làm giàu cho bản thân và xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đưa văn hóa truyền thống Việt Nam ra thế giới.
Chú thích:
1 Xu hướng, trào lưu, xu thế, khuynh hướng, chiều hướng hay thị hiếu (tiếng Anh: trend) có thể là: mốt và xu hướng, tức thái độ, phát ngôn hay hành vi tập thể vốn chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn.
2 Tiếng Anh: Generation Z (viết tắt: Gen Z), đôi khi còn được gọi là Zoomers, là nhóm nhân khẩu học nằm giữa thế hệ Millennials và thế hệ Alpha. Các nhà nghiên cứu và các phương tiện truyền thông phổ biến nhận định khoảng thời gian được sinh ra của thế hệ này là từ năm 1997 đến năm 2012.
3 PGS, TS Huỳnh Quốc Thắng (2019): “Đặc trưng sáng tạo nghệ thuật trong thiết kế mĩ thuật”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Sáng tác nghệ thuật và thiết kế, Trường Đại học Văn Lang, ISBN: 978-604- 68-5469-2.
4, 5, 6 PGS, TS Huỳnh Quốc Thắng (2016), Dân tộc học văn hóa nghệ thuật (Giáo trình đại cương bậc đại học cho các ngành văn hóa nghệ thuật), tr. 65, mục 3.1, mục 3.2.