BAO BÌ QUÀ TẶNG DOANH NGHIỆP “ĐIỂM CHẠM” CHO TRUYỀN THÔNG VÀ QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU

Bài viết phân tích vai trò bao bì quà tặng trong xây dựng thương hiệu, từ đó có thể thấy rằng việc đầu tư thiết kế bao bì quà tặng đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu, tạo khác biệt trong cạnh tranh và xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng.

 

   Trong thời đại mà thương hiệu và bản sắc doanh nghiệp có tầm quan trọng đáng kể, nhu cầu và xu hướng quà tặng doanh nghiệp đang trở nên đa dạng, hấp dẫn hơn tại thị trường Việt Nam trong những năm gần đây. Đặc biệt vào dịp lễ Tết, việc trao tặng quà cho đối tác, khách hàng, nhân viên không chỉ là một hành động thể hiện sự tri ân và tôn trọng, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định thương hiệu, tạo dựng mối quan hệ lâu dài và gắn kết cảm xúc với khách hàng.

   Bao bì quà tặng đã phát triển thành một “điểm chạm” thú vị trong chiến lược xây dựng và quảng bá thương hiệu. Trong bối cảnh cạnh tranh thị trường, ý tưởng, thiết kế hình thức quà tặng có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách người nhận nhận thức về một thương hiệu. Một gói quà được thiết kế ấn tượng không chỉ truyền đạt thông điệp cho chính bản thân sản phẩm mà còn truyền tải các giá trị và bản sắc của thương hiệu. Ngay từ khoảnh khắc người dùng nhìn thấy một món quà được thiết kế và trình bày đẹp mắt, sự mong đợi sẽ tăng lên, tạo nên cảm xúc tích cực cho toàn bộ trải nghiệm. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bao bì quà dịp lễ Tết không chỉ thể hiện yếu tố thẩm mĩ mà còn là cách để kết nối với khách hàng qua giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc. Chính vì vậy, bao bì quà Tết không chỉ giúp nâng cao hình ảnh của thương hiệu mà còn là cầu nối gắn kết cảm xúc giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

   Bài viết này sẽ phân tích vai trò của bao bì quà tặng doanh nghiệp dịp lễ Tết, cách thức bao bì có thể trở thành “điểm chạm” quan trọng trong truyền thông và quảng bá thương hiệu, đồng thời khám phá các yếu tố thiết kế bao bì để xây dựng một chiến lược quà tặng Tết hiệu quả cho doanh nghiệp Việt.

   1. Bao bì quà tặng – công cụ hiệu quả trong chiến lược quảng bá thương hiệu

   1.1. Tăng cường nhận diện thương hiệu

   Một bao bì quà tặng được thiết kế đẹp mắt và dễ nhận diện sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng nhận diện thương hiệu. Đặc biệt, khi doanh nghiệp lựa chọn những yếu tố đặc trưng của thương hiệu như logo, màu sắc chủ đạo, hay thông điệp thương hiệu vào bao bì quà tặng, điều này sẽ giúp khách hàng dễ dàng nhận ra và ghi nhớ thương hiệu lâu dài.

   Bao bì cũng là công cụ để truyền tải thông điệp của thương hiệu một cách rõ ràng. Ví dụ, một bao bì mang đậm tính chất sang trọng, cao cấp có thể phản ánh sự chuyên nghiệp và đẳng cấp của thương hiệu, trong khi một bao bì tươi sáng, vui nhộn có thể phản ánh phong cách năng động và sáng tạo của doanh nghiệp.

   1.2. Tăng cường gắn kết khách hàng

   Một trong những chiến lược marketing hiệu quả trong việc xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng chính là việc tặng quà. Quà tặng không chỉ là món quà vật chất mà còn là công cụ để doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm và trân trọng đối với khách hàng. Bao bì quà tặng đẹp, phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu sẽ tạo ra ấn tượng mạnh mẽ và gắn kết lâu dài.

   Bao bì quà tặng có thể được sử dụng để truyền tải thông điệp cảm ơn, tri ân khách hàng, đồng thời giúp khách hàng cảm thấy gần gũi và thân thiện hơn với thương hiệu. Một bao bì được thiết kế tỉ mỉ, độc đáo sẽ khiến khách hàng cảm thấy món quà mà họ nhận được có giá trị, từ đó tạo ra sự tin tưởng và lòng trung thành đối với thương hiệu.

   1.3. Sự kết hợp giữa quà tặng và truyền thông xã hội

   Trong thời đại số, bao bì quà tặng cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kết hợp với các chiến dịch truyền thông xã hội của doanh nghiệp. Một bao bì đẹp và ấn tượng sẽ dễ dàng được khách hàng chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram hoặc TikTok, từ đó tạo ra sự lan tỏa và nâng cao độ nhận diện thương hiệu.

   Các doanh nghiệp có thể tận dụng xu hướng chia sẻ ảnh của khách hàng với món quà Tết trên mạng xã hội để quảng bá thêm hình ảnh thương hiệu của mình. Những khách hàng chia sẻ hình ảnh món quà Tết với bao bì đẹp sẽ trở thành những đại sứ thương hiệu vô hình, góp phần tạo dựng lòng tin và sự ủng hộ từ cộng đồng.

   2. Bao bì quà tặng không chỉ là lớp vỏ bảo vệ

   2.1. Bao bì quà tặng: một công cụ truyền thông mạnh mẽ

   Bao bì là vật chứa đựng sản phẩm – bao gồm hình dáng, cấu trúc, vật liệu và những yếu tố thiết kế, màu sắc, hình dạng, nhãn mác và được sử dụng trên bao bì. Hầu hết các lý thuyết truyền thông tiếp thị đều coi bao bì là một phần không thể thiếu của thành phần “sản phẩm” trong mô hình 4P của tiếp thị bao gồm: sản phẩm, giá cả, địa điểm và quảng cáo. Một số nhà nghiên cứu cho rằng ngày nay bao bì mang nhiệm vụ quảng cáo nhiều hơn là bao bọc sản phẩm. Từ quan điểm đó, bao bì không còn là một thuộc tính liên quan đến sản phẩm, mà là một trong năm yếu tố của thương hiệu – cùng với tên, logo hay biểu tượng, tính cách và khẩu hiệu1. Trong chiến lược xây dựng thương hiệu, bao bì đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo dựng nhận thức và ấn tượng ban đầu với người tiêu dùng. Một bao bì được thiết kế đẹp mắt và độc đáo có thể giúp sản phẩm nổi bật giữa hàng loạt sản phẩm cạnh tranh. Bao bì có thể là yếu tố quyết định khi người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm, đặc biệt trong môi trường bán lẻ nơi các sản phẩm được trưng bày cạnh nhau2. Bao bì giúp thương hiệu dễ dàng thu hút sự chú ý, gây ấn tượng ban đầu và tạo ra những liên tưởng tích cực đối với người tiêu dùng.

   Là một phần không thể thiếu của hoạt động tiếp thị hiện đại, bao bì là một phần quan trọng của quá trình xây dựng thương hiệu vì nó đóng vai trò truyền đạt hình ảnh và bản sắc của một công ty. Một trong những yếu tố quan trọng nhất của bao bì trong chiến lược truyền thông là khả năng xây dựng và củng cố nhận diện thương hiệu. Nhận diện thương hiệu mạnh mẽ có thể giúp tạo ra sự khác biệt trong tâm trí người tiêu dùng và củng cố sự trung thành của họ với thương hiệu3. Mỗi sản phẩm khi được đóng gói trong bao bì có thể mang một thông điệp rõ ràng về những gì mà thương hiệu đại diện. Một ví dụ điển hình là với nhiều thương hiệu toàn cầu, bao bì không chỉ bảo vệ sản phẩm mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược tiếp cận và tương tác với khách hàng. Họ sử dụng bao bì để khẳng định phong cách, chất lượng và sự khác biệt của mình.

   Trong bất kỳ chiến lược marketing nào, việc gây ấn tượng với khách hàng ngay từ cái nhìn đầu tiên là vô cùng quan trọng. Bao bì quà tặng chính là điểm chạm đầu tiên trong sự tiếp xúc giữa khách hàng và thương hiệu, đặc biệt là đối với những món quà doanh nghiệp gửi đến khách hàng, đối tác hoặc nhân viên. Bao bì có thể tạo ra một sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ giữa thương hiệu và người tiêu dùng, làm cho khách hàng cảm thấy họ được trân trọng và quan tâm4. Vì vậy, bao bì không chỉ đơn thuần là lớp vỏ bảo vệ món quà, mà còn là công cụ truyền thông giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp, giá trị và tạo dựng hình ảnh trong lòng người nhận. Một bao bì quà tặng đẹp mắt, tinh tế sẽ là điểm nhấn giúp thương hiệu nổi bật trong tâm trí khách hàng.

   2.2. Tạo dựng giá trị cảm xúc

   Trên thế giới, văn hoá tặng quà có nguồn gốc rất lâu đời, việc gói ghém quà tặng cũng trở thành truyền thống đẹp đẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Nhật Bản, nghệ thuật Furoshiki bắt nguồn từ thời Edo - sử dụng những tấm vải vuông lớn nhiều hoạ tiết để gói ghém những món đồ quý trong những ngôi đền, chùa cổ. Không chỉ chứa đựng trong mình tinh thần chống lãng phí của người Nhật, Furoshiki đã được nâng lên thành nghệ thuật, trở thành phương tiện thể hiện tâm ý, sự chăm chút của người trao đến người nhận khi được sử dụng để gói những món quà. Có hình thức tương tự, nghệ thuật Bojagi tại Hàn Quốc cũng sử dụng mảnh lụa, tơ hình vuông cỡ lớn để bọc những món quà tặng từ thời Joseon, ngày nay vẫn được sử dụng như một hình thức gói ghém quà tặng tinh tế vào các dịp lễ đám cưới, Trung thu, Tết âm lịch. Tại châu Âu, văn hoá gói quà tặng xuất hiện nhiều từ thời Victoria với việc sử dụng giấy gói, buộc nơ và sau này là nhiều hình thức gói ghém đa dạng và sáng tạo. Vì thế, bao bì của sản phẩm quà tặng là một lĩnh vực đã được các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, thiết kế và tạo ra những sản phẩm quà tặng doanh nghiệp thành công, không chỉ gây ấn tượng cho đối tác, người dùng mà còn thể hiện bản sắc của doanh nghiệp, khẳng định vị thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trên khắp thế giới.

   Trong văn hóa Việt Nam, món quà không chỉ có giá trị vật chất mà còn mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc. Người Việt có câu “của cho không bằng cách cho”, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn quà tặng, cách thức trao tặng, trong đó việc “gói ghém” quà tặng cũng mang ý nghĩa sâu sắc trong quan niệm văn hoá từ xưa. Một bao bì được thiết kế đẹp mắt, sáng tạo sẽ tạo ra ấn tượng mạnh mẽ, giúp người nhận cảm thấy đặc biệt và được trân trọng. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ lâu dài và gắn kết giữa doanh nghiệp và khách hàng, đối tác. Yếu tố văn hóa cũng có thể được lồng ghép vào bao bì để làm nổi bật những thông điệp đặc biệt, mang giá trị cảm xúc mà thương hiệu muốn truyền tải5. Cũng theo nhà nghiên cứu Bùi Hoài Sơn, xu hướng quà tặng nhất là dịp lễ Tết trong những năm gần đây đã trở nên đa dạng, hấp dẫn, các doanh nghiệp có xu hướng muốn “gói văn hoá” vào món quà của mình. Điều này sẽ tạo cơ hội cạnh tranh sáng tạo cho doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy nhận thức về văn hoá và sự phát triển của ngành công nghiệp văn hoá. Cụ thể, trong các chiến lược marketing của doanh nghiệp Việt Nam vào dịp lễ Tết truyền thống, bao bì quà tặng thường kết hợp các yếu tố, màu sắc văn hóa như những câu chuyện tôn vinh văn hoá và mang ý nghĩa sâu sắc. Những ý tưởng này thể hiện sự tôn trọng và thực sự tạo ra những gắn kết cảm xúc mạnh mẽ với người dùng.

   3. Bao bì quà tặng Việt Nam kết nối văn hóa truyền thống và sáng tạo

   3.1. Bao bì quà tặng Việt Nam khẳng định bản sắc văn hóa

   Trong bối cảnh toàn cầu hoá, bao bì sản phẩm nói chung và đặc biệt là bao bì quà tặng trên khắp thế giới đang vươn mình thể hiện bản sắc văn hóa, truyền thống của mỗi quốc gia một cách sinh động và mạnh mẽ. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp có ý thức về việc quảng bá thương hiệu gắn liền với quảng bá và tôn vinh văn hoá dân tộc, vì thế thiết kế bao bì quà tặng thường mang đậm những yếu tố văn hóa dân tộc, kết hợp giữa sự hiện đại và truyền thống. Không chỉ có doanh nghiệp bản địa, các thương hiệu toàn cầu khi tham gia thị trường Việt Nam, cũng sử dụng bao bì quà tặng như một phương tiện để thể hiện chiến lược bản địa hoá, tiếp cận và tạo ra những điểm chạm văn hoá ấn tượng với đối tác hoặc người tiêu dùng trong nước.

   Bản sắc Việt trong thiết kế bao bì quà tặng thể hiện qua nhiều yếu tố thị giác trên bao bì như: hình ảnh, màu sắc, chữ, vật liệu, hình dáng… và đặc biệt bao bì được cân nhắc như một công cụ kể câu chuyện văn hoá của người Việt. Các tín hiệu hình ảnh quen thuộc như hoa mai, hoa đào, bánh chưng, bao lì xì, hoặc các hình ảnh đặc trưng trong các ngày lễ Tết truyền thống thường xuyên được sử dụng trong thiết kế bao bì quà tặng6.


Hình 1: Bao bì quà tặng khách sạn Sofitel Metropole Hanoi lấy ý tưởng từ văn hoá, con người Hà Nội xưa. (nguồn: Agency Inca, 2024)

   Những motif trang trí truyền thống, nghệ thuật tạo hình truyền thống như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, khắc gỗ, sơn mài, khảm trai… cũng là yếu tố được khai thác mạnh trong ý tưởng thiết kế bao bì quà tặng.

   Màu sắc cũng là yếu tố thị giác dễ dàng gây ấn tượng và tạo ra kết nối, liên tưởng mạnh mẽ với văn hoá truyền thống. Đặc biệt trên bao bì quà tặng dịp lễ Tết, những màu sắc rực rỡ, tươi vui, gửi gắm thông điệp về sự sum vầy, đầm ấm, phát triển, tạo ra trải nghiệm và cảm xúc tích cực cho người nhận.

   Ngoài ra khi lựa chọn phát triển bao bì quà tặng, các doanh nghiệp còn đầu tư khai thác vật liệu tự nhiên như giấy chất liệu, gỗ, tre, vải để gói ghém món quà bên trong. Sự kết hợp này mang lại cảm giác gần gũi, thẩm mĩ tinh tế, tăng cường trải nghiệm cho người nhận, đồng thời thể hiện lòng yêu thích và tôn trọng những giá trị văn hóa dân tộc.


Hình 2: Bao bì quà tặng Tết Farmers Market. (nguồn: Agency Design Market, 2021)

   3.2. Sự sáng tạo trong thiết kế bao bì

   Không chỉ gắn liền với yếu tố truyền thống, bao bì quà tặng Việt Nam còn phản ánh xu hướng sáng tạo hiện đại trong thiết kế. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành thiết kế đồ họa và in ấn, bao bì quà tặng hiện nay không chỉ đơn thuần là bao bọc món quà mà còn là một tác phẩm nghệ thuật. Những ý tưởng thiết kế bao bì độc đáo, khác biệt giúp món quà trở nên đặc biệt hơn, đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.


Hình 4: Bao bì quà tặng Tết. (nguồn: Agency BMS, 2022 và Brandex, 2019)

    Nỗ lực sáng tạo trên bao bì sản phẩm quà tặng bao gồm việc khai thác sáng tạo những câu chuyện văn hoá truyền thống, gắn với thị hiếu người dùng hiện tại và giải pháp thiết kế, thi công với sự hỗ trợ của công nghệ và kỹ thuật sản xuất mới.

   Bao bì quà tặng có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như giấy mĩ thuật, vải, gỗ, kim loại hoặc các chất liệu thân thiện với môi trường như giấy tái chế, vải không dệt. Cùng với đó là sự sáng tạo trong việc kết hợp các yếu tố hình ảnh, màu sắc, họa tiết, phông chữ… để tạo nên những bao bì ấn tượng và độc đáo.


Hình 5: Bao bì quà tặng Tết 2021. (nguồn: Agency B&A, 2021)

    4. Chiến lược hiệu quả trong thiết kế bao bì quà tặng Việt Nam

   Khi phát triển ý tưởng bao bì quà tặng, doanh nghiệp luôn ưu tiên các thiết kế bắt mắt phù hợp với bản sắc thương hiệu, bên cạnh đó tạo ra ấn tượng cho người nhận bằng cách cân nhắc các yếu tố: chất liệu, màu sắc, hoạ tiết. Chất liệu bao bì ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận của người nhận về giá trị món quà. Các chất liệu cao cấp như giấy mĩ thuật, vải, gỗ hay kim loại giúp nâng tầm món quà, đồng thời thể hiện sự chuyên nghiệp và đẳng cấp của thương hiệu. Ngoài ra, các chất liệu thân thiện với môi trường như giấy tái chế, vải không dệt cũng là xu hướng nổi bật trong việc thiết kế bao bì quà tặng. Màu sắc và họa tiết trên bao bì cần phải hài hòa với thông điệp và giá trị thương hiệu. Trong dịp lễ Tết, các màu sắc truyền thống như đỏ, vàng, xanh lá hay cam thường được sử dụng để mang lại cảm giác ấm áp, may mắn và thịnh vượng. Các họa tiết mang đậm tính văn hóa dân tộc như hoa mai, hoa đào, bánh chưng, bao lì xì… sẽ tạo ra sự kết nối gần gũi, dễ dàng nhận diện.

   
Hình 6: Sản phẩm và bao bì quà tặng Ngựa hoa mai. (nguồn: Lam Phong studio, 2021)

   Kể chuyện là một công cụ mạnh mẽ trong xây dựng thương hiệu. Cân nhắc tích hợp yếu tố kể chuyện vào bao bì quà tặng sao cho phù hợp với sứ mệnh hoặc giá trị của thương hiệu. Ví dụ, bao bì có thể gửi gắm câu chuyện về lịch sử thương hiệu, nguồn cảm hứng đằng sau món quà hoặc lợi ích của sản phẩm đối với người nhận. Bao bì quà tặng còn có thể truyền đạt câu chuyện văn hoá, truyền thống một cách sinh động, thú vị thông qua tín hiệu hình ảnh, vật liệu, cách đóng-mở, gói ghém. Kể chuyện giúp tăng thêm chiều sâu và ý nghĩa cho trải nghiệm tặng quà, khiến trải nghiệm đó đáng nhớ hơn.

   Trải nghiệm mở hộp đã trở thành một xu hướng đáng kể trong những năm gần đây, với nhiều người tiêu dùng chia sẻ trải nghiệm của họ trên mạng xã hội. Tạo hành trình mở hộp hấp dẫn bằng cách kết hợp nhiều lớp bao bì tạo cảm giác bất ngờ. Bao gồm các yếu tố bổ sung, chẳng hạn như ghi chú cảm ơn, mẫu nhỏ hoặc tài liệu quảng cáo, để nâng cao trải nghiệm. Khuyến khích người nhận chia sẻ khoảnh khắc mở hộp của họ trên phương tiện truyền thông xã hội để mở rộng phạm vi tiếp cận thương hiệu.


Hình 7: Sản phẩm và bao bì quà tặng Trung thu. (nguồn: Agency Brandex, 2020)

   Hợp tác với các nghệ nhân hoặc làng nghề thủ công địa phương tạo ra những bao bì mang tính cá nhân hoá, có thể nâng cao trải nghiệm đóng gói quà tặng. Ví dụ, hợp tác với một nghệ sĩ địa phương để thiết kế bao bì độc đáo hoặc bao gồm các sản phẩm từ các thương hiệu thủ công truyền thống có thể tạo ra trải nghiệm tặng quà đa dạng đáng nhớ. Những sự hợp tác như vậy có thể củng cố mối quan hệ trong cộng đồng và mở rộng phạm vi tiếp xúc với thương hiệu.

   Kết hợp công nghệ vào bao bì quà tặng có thể tạo ra trải nghiệm sáng tạo. Sử dụng mã QR trên bao bì dẫn đến nội dung độc quyền, video hoặc chương trình khuyến mãi đặc biệt khi quét là một xu hướng có thể phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Cách tiếp cận thông thạo công nghệ này không chỉ bổ sung yếu tố tương tác với đối tác, khách hàng mà còn có thể cung cấp thông tin hữu ích về thương hiệu hoặc các sự kiện sắp diễn ra của doanh nghiệp.

   5. Kết luận

   Bao bì quà tặng doanh nghiệp không chỉ là phương tiện vận chuyển hàng hóa; nó còn là điểm tiếp xúc để xây dựng thương hiệu, quảng bá và xây dựng mối quan hệ. Bằng cách đầu tư thời gian và nguồn lực vào các giải pháp đóng gói chu đáo và sáng tạo, các công ty có thể để lại ấn tượng lâu dài cho người nhận, nâng cao khả năng hiển thị thương hiệu và thúc đẩy lòng trung thành. Bao bì quà tặng doanh nghiệp dịp lễ Tết là một công cụ truyền thông, quảng bá thương hiệu mạnh mẽ. Một bao bì quà Tết đẹp, tinh tế, hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp, gần gũi và dễ dàng kết nối với khách hàng. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp Việt, bao bì quà Tết còn là cơ hội để khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, tạo dựng mối quan hệ lâu dài và bền vững với khách hàng. Bao bì quà tặng là một “điểm chạm” quan trọng, nơi mà những giá trị văn hóa và thương hiệu giao thoa, mang lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khách hàng.

   Bằng cách nắm bắt các xu hướng như cá nhân hóa, tính bền vững, thiết kế sáng tạo và kết hợp công nghệ, các công ty có thể nâng cao chiến lược tặng quà của mình. Cuối cùng, bao bì hiệu quả không chỉ đóng vai trò là phương tiện để tặng quà mà còn là thành phần không thể thiếu của bản sắc thương hiệu và sự gắn kết của khách hàng, giúp các công ty nuôi dưỡng mối quan hệ lâu dài với khách hàng, nhân viên và đối tác. Trong môi trường năng động này, các công ty ưu tiên bao bì chu đáo và chiến lược sẽ không chỉ nổi bật mà còn tạo được tiếng vang sâu sắc với đối tượng mục tiêu, thúc đẩy thành công kinh doanh trong dài hạn.

 

 

 

Chú thích:
1, 3 K. L. Keller(2003), Strategic Brand Management: Building, Measuring, and Managing Brand Equity (2nd ed.), Upper Saddle River, NJ: Prentice Hall.
2 R. L. Underwood & N. M. Klein (2002): “Packaging as a communication vehicle: Attentions, attitudes, and perceptions”, Journal of Marketing Theory and Practice, 10 (4), p. 58-68.
4 K. E. Voss, E. R. Spangenberg & C. Groening (2003), The effects of different retail environments on consumers' perceptions of product quality and purchase intentions, Journal of Retailing, 79 (3), 179-188.
5 P. Silayoi & M. Speece (2007): “The importance of packaging attributes: A conjoint analysis approach”, European Journal of Marketing, 41 (11/12), 1495-1517.
6 Nguyễn Thị Thu Trang (2019): “Bao bì quà tặng Việt Nam trong dịp lễ Tết: từ truyền thống đến hiện đại”, Tạp chí Quản lý và Kinh tế, 21 (2), 32-45.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận