GIẢI PHÁP CẬP NHẬT KỸ THUẬT, CHẤT LIỆU, CÔNG NGHỆ MỚI TRONG THỰC HÀNH VÀ ĐÀO TẠO MĨ THUẬT ỨNG DỤNG

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, việc cập nhật kỹ thuật, chất liệu, công nghệ mới trong mĩ thuật ứng dụng trở nên cần thiết để đáp ứng nhu cầu xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục, nghệ sĩ và nhà thiết kế vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ mới do hạn chế về tài chính, cơ sở hạ tầng và kiến thức. Bài viết phân tích những thách thức trên từ góc độ văn hóa và kinh tế.

   1. Nhận thức chung và một số khái niệm

   1.1. Mĩ thuật và các hình thức

   Mĩ thuật là “từ dùng để chỉ các loại hình nghệ thuật tạo hình, chủ yếu là hội họa, điêu khắc, kiến trúc, đồ họa…”1. Vì mĩ thuật có yếu tố nghệ thuật nên các tác phẩm được tạo ra bằng vật chất, tồn tại trong không gian, phản ánh trình độ và quan điểm về cái đẹp của từng thời đại. Nghệ thuật được coi là “hình thái ý thức xã hội đặc biệt, dùng hình tượng sinh động, cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền đạt tư tưởng, tình cảm”2. Ngoài ra, nghệ thuật còn được định nghĩa là “hoạt động hay kỹ năng tạo ra các tác phẩm như tranh vẽ hay sản phẩm thiết kế”3. Từ các khái niệm này, có thể thấy rằng nghệ thuật không chỉ được đánh giá qua giá trị thẩm mĩ mà còn qua kỹ thuật và ý nghĩa văn hóa, là phương tiện để truyền tải thông điệp hoặc cảm xúc từ người sáng tạo đến công chúng. Mỗi loại hình nghệ thuật mang giá trị độc đáo riêng, dù cùng miêu tả một đề tài. Ngôn ngữ và kỹ thuật của từng loại hình sẽ tạo ra những kết quả khác biệt. Có thể phân loại các hình thức nghệ thuật của mĩ thuật theo nhu cầu: thẩm mĩ, xã hội và ứng dụng.

   Mĩ thuật thẩm mĩ: Mục tiêu của các loại hình này là tạo ra sự cảm thụ về cái đẹp cho công chúng, thể hiện sự tinh tế trong cách diễn đạt cảm xúc và ý tưởng của người sáng tác. Yếu tố thẩm mĩ được đề cao thông qua hình thức, màu sắc, ánh sáng, sự cân đối trong tác phẩm. Các loại hình trong nhóm này gồm hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh và nghệ thuật trang trí.

   Mĩ thuật xã hội: Yếu tố ý niệm, phản ánh, phê phán hoặc gợi mở các vấn đề xã hội, chính trị và văn hóa trong các tác phẩm là mục tiêu của loại hình này. Loại hình nghệ thuật này thường mang tính tương tác cao, nhằm kích thích suy nghĩ và thảo luận về các vấn đề quan trọng trong xã hội. Có thể kể đến các loại hình như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn hay các hoạt động nghệ thuật có sự tương tác, giao lưu giữa công chúng và người sáng tác.

   Mĩ thuật ứng dụng: Đây là loại hình thông dụng nhất trong đời sống hiện nay so với các hình thức trên. Mĩ thuật ứng dụng đảm bảo việc tạo ra các sản phẩm có tính hữu dụng trong đời sống hàng ngày nhưng đồng thời vẫn đảm bảo các yếu tố thẩm mĩ. Các loại hình này bao gồm thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang và thiết kế sản phẩm. Mĩ thuật ứng dụng thường nằm ở giao điểm giữa nghệ thuật và công nghiệp, nơi mà các nguyên tắc thẩm mĩ được áp dụng để tạo ra các sản phẩm thực tế.

   1.2. Khoa học và công nghệ

   Khoa học và công nghệ (Science and Technology) là hai lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và tiến bộ của nhân loại. Theo Hội đồng Khoa học Vương quốc Anh (UK Science Council), “Khoa học là sự theo đuổi kiến thức và sự hiểu biết về thế giới tự nhiên và xã hội thông qua phương pháp có hệ thống dựa trên các bằng chứng”4. Công nghệ là sự ứng dụng của khoa học để giải quyết các vấn đề thực tế, tạo ra các công cụ, sản phẩm hoặc quy trình mới. Nói cách khác, khoa học cung cấp cơ sở lý thuyết và kiến thức, trong khi công nghệ chuyển hóa kiến thức đó vào thực tế để cải thiện cuộc sống và giải quyết các vấn đề xã hội.

   Sự kết hợp giữa khoa học và công nghệ đã có những đóng góp to lớn trong quá trình thực hành nghệ thuật nói chung và mĩ thuật ứng dụng nói riêng. Các phần mềm như Adobe Photoshop, Illustrator và công cụ 3D như Blender, Maya đã thay đổi cách các nhà thiết kế tạo ra, chỉnh sửa và hoàn thành tác phẩm. Công nghệ in 3D cũng đã cách mạng hóa quy trình sáng tạo trong điêu khắc và thiết kế sản phẩm, cho phép các nhà thiết kế tạo ra những tác phẩm phức tạp một cách dễ dàng và nhanh chóng. Đồng thời internet và mạng xã hội đã cách mạng hóa cách các nhà thiết kế tiếp cận công chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá và tiếp cận sản phẩm thiết kế đến công chúng. Sự phát triển của công nghệ in ấn và xuất bản kỹ thuật số đã thay đổi cách các sản phẩm được sản xuất và phân phối, làm cho việc xuất bản trở nên dễ dàng và tiếp cận hơn. Công nghệ không chỉ cải thiện quy trình sáng tạo mà còn tạo ra những phương pháp mới để kết nối và tương tác với công chúng, thúc đẩy sự phát triển và đổi mới trong lĩnh vực mĩ thuật ứng dụng.

   2. Các yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề cập nhật kỹ thuật và chất liệu mới tại Việt Nam

   2.1. Yếu tố văn hóa 

  Bối cảnh văn hóa Việt Nam: Nền văn minh lúa nước đã có nguồn gốc từ lâu đời và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành văn hóa, xã hội và kinh tế của Việt Nam xuyên suốt các giai đoạn lịch sử. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đã thúc đẩy các cường quốc phương Tây tìm kiếm tài nguyên và thị trường mới. Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp như gạo, cao su và cà phê được xuất khẩu cho chính quốc. Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai đã diễn ra ở các phương Tây thì nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào canh tác lúa nước. Người dân nông thôn vẫn chủ yếu gắn liền với nông nghiệp và những công việc liên quan đến đất đai. Sau khi giành được độc lập, thống nhất đất nước sau các cuộc chiến tranh xâm lược thì đến những năm cuối 1980, Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế thị trường với các cải cách đổi mới. Các cải cách này đã tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, mở cửa cho đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp và dịch vụ. Các ngành công nghiệp chế biến và chế tạo đã phát triển, dịch vụ công nghệ thông tin đã bắt đầu mở rộng. Tuy nhiên, sự tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ của Việt Nam còn chậm hơn so với các quốc gia phát triển.

   Nhu cầu “ăn no mặc ấm” chính là điều kiện, mục tiêu cơ bản của người dân sau nhiều biến động xã hội ảnh hưởng. Mối quan tâm lớn nhất chính là việc duy trì cuộc sống và đảm bảo sự đủ đầy về nhu cầu cơ bản trước khi nghĩ đến các vấn đề trừu tượng hay lý thuyết. Chính vì sự xuất phát điểm có nhiều bất lợi với các nền văn minh phương Tây, nên việc có thể dẫn đầu cuộc đua trong việc sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ là cuộc đua đường dài và mất sức. Thay vào đó, dùng chiến thuật “núp gió” tận dụng luồng gió của người đi trước sẽ giúp tiết kiệm năng lượng và kéo người phía sau đi xa hơn. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam ngày càng thu hẹp khoảng cách với sự phát triển khoa học công nghệ của thế giới so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây nhờ vào sự đổi mới, cập nhật trong công tác đào tạo các thế hệ nối tiếp.

   Văn hóa trong quan niệm và đào tạo: Văn hóa cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan niệm về cái đẹp cũng như phong cách thẩm mĩ, định hình cách các nghệ sĩ và nhà thiết kế lựa chọn và áp dụng kỹ thuật, chất liệu mới. Việt Nam có một lịch sử văn hóa phong phú và đa dạng, bao gồm văn hóa dân gian cho đến các yếu tố chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa phương Tây và Đông Á. Chất liệu, kỹ thuật truyền thống vẫn được ưa chuộng vì chúng phản ánh bản sắc văn hóa rõ nét. Điều này đã tạo nên một vòng tròn khép kín trong việc sử dụng chất liệu mới hay ứng dụng khoa học công nghệ trong thực hành hay đào tạo các ngành liên quan đến nghệ thuật. Với tính thẩm mĩ truyền thống cùng sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên đã ảnh hưởng đến quyết định chấp nhận của cộng đồng, ngành công nghiệp đối với các kỹ thuật, chất liệu mới; như trường hợp tranh cãi giữa sơn mài truyền thống và sơn mài công nghiệp trong những năm gần đây. Để sản xuất những sản phẩm có giá thành rẻ hơn đáp ứng nhu cầu thị trường thì các công đoạn của sơn mài công nghiệp đã được giảm bớt và sử dụng nguyên liệu không đúng theo kỹ thuật truyền thống. Việc công nghiệp hóa sơn mài sẽ làm mai một đi loại hình trang trí truyền thống nếu như không tuân thủ theo các công đoạn thủ công. Điều này đã gây thách thức cho các thế hệ nghệ sĩ, nhà thiết kế trẻ trong việc sử dụng kỹ thuật, chất liệu mới trong các tác phẩm sử dụng sơn mài của mình.

   Văn hóa cũng có tác động đáng kể đến hệ thống giáo dục. Nếu quá chú trọng vào việc sử dụng các kỹ thuật và chất liệu truyền thống trong đào tạo, học viên có thể gặp khó khăn trong việc tư duy và áp dụng các kỹ thuật, chất liệu mới khi bước vào thị trường lao động. Bên cạnh đó hành vi của công chúng cũng có ảnh hưởng đến thị trường nghệ thuật hay thiết kế. Sự ưa chuộng của công chúng đối với các sản phẩm thiết kế và nghệ thuật có thể bị chi phối bởi các giá trị văn hóa, thẩm mĩ. Điều này góp phần ảnh hưởng đến sự cân nhắc cũng như quyết định của các nghệ sĩ, nhà thiết kế trong việc sử dụng chất liệu và kỹ thuật mới để đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của thị trường.

   2.2. Yếu tố kinh tế

   Tác động đến hoạt động phát triển và sáng tạo nghệ thuật: Kinh tế không chỉ là nguồn lực đến sự phát triển của một quốc gia mà còn có tác động đến nhiều các hoạt động, mô hình từ vi mô đến vĩ mô. Bởi vì lẽ đó, kinh tế có tác động không nhỏ đến sự phát triển của nghệ thuật. Kinh tế cung cấp nguồn lực cần thiết và mở ra các cơ hội cho nghệ sĩ, nhà thiết kế. Bên cạnh đó kinh tế cũng mang lại những thách thức mà những người thực hành sáng tạo hay trong công tác đào tạo phải đối mặt. Minh chứng rõ ràng nhất có thể thấy trong tác phẩm Đời thừa của nhà văn Nam Cao viết năm 1943. Một câu chuyện tiêu biểu về những khó khăn và mâu thuẫn giữa nội tâm và những vấn đề hiện hữu trong cuộc sống của người nghệ sĩ trong xã hội đầy biến động; đặc biệt là khi họ phải đối mặt với những áp lực kinh tế. Câu chuyện cho thấy rằng, khi điều kiện kinh tế trở nên khó khăn sẽ làm suy giảm khả năng sáng tạo của nghệ sĩ, buộc họ phải thỏa hiệp với lý tưởng của mình, thậm chí đánh mất bản thân. Nam Cao đã phản ánh một cách chân thực và đầy nhân văn về mối quan hệ phức tạp giữa kinh tế và nghệ thuật, một vấn đề vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.

   Sau Covid-19, suy thoái toàn cầu đã có tác động nghiêm trọng đến các ngành thuộc mĩ thuật ứng dụng. Đối với các ngành sản xuất hàng tiêu dùng như đồ nội thất, giày dép, quần áo…, khủng hoảng chuỗi cung ứng đã tác động trực tiếp việc thiếu hụt sản lượng. Sự ảnh hưởng từ kinh tế tác động trực tiếp đến các hoạt động quảng cáo, các chiến dịch truyền thông. Hiệu ứng tầng (cascade effect) bắt đầu, khi doanh nghiệp không thể tạo ra lợi nhuận thì người làm việc trực tiếp liên quan đến công việc thiết kế cũng bị cuốn vào làn sóng sa thải. Khi công chúng gặp khó khăn về tài chính, họ ít quan tâm đến yếu tố thẩm mĩ trong sản phẩm, thay vào đó yếu tố giá thành sẽ quyết định trong việc chi tiêu. Động lực đầu tư và sáng tác của nghệ sĩ, nhà thiết kế cũng giảm khi nhu cầu thị trường chưa sẵn sàng đón nhận các kỹ thuật và chất liệu mới.

   Tác động đến việc sử dụng kỹ thuật công nghệ và chất liệu mới: Kinh tế có tác động mạnh mẽ đến khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ và chất liệu mới trong mĩ thuật ứng dụng. Khi nền kinh tế ổn định và phát triển, sự đổi mới và sáng tạo thường được khuyến khích. Ngược lại, khi kinh tế suy thoái, quá trình đổi mới bị cản trở. Sự hỗ trợ tài chính, khả năng tiếp cận và duy trì công nghệ, sự chấp nhận của thị trường đều bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng kỹ thuật và chất liệu mới trong mĩ thuật ứng dụng. Công nghệ hiện đại và chất liệu mới thường có chi phí cao, đòi hỏi đầu tư lớn cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng. Các công nghệ như in 3D, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) có thể mở ra những cách tiếp cận sáng tạo mới nhưng chi phí sở hữu và vận hành chúng rất lớn. Ngay cả khi nghệ sĩ tiếp cận được các công nghệ này, việc duy trì và ứng dụng chúng cũng cần nguồn tài chính ổn định. Kinh tế bất ổn có thể dẫn đến việc giảm thiểu hoặc ngưng sử dụng các kỹ thuật và chất liệu mới do chi phí duy trì cao.

   Kinh tế không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, mà còn tác động đến công tác đào tạo. Các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc áp dụng công nghệ mới vào giảng dạy khi gặp vấn đề về ngân sách. Những vùng sâu vùng xa gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận với nghệ thuật và công nghệ tiên tiến, tạo ra sự chênh lệch trong chất lượng đào tạo. Học viên ở những khu vực này gặp bất lợi hơn so với các học viên ở các thành phố lớn, nơi các cơ sở đào tạo thường được trang bị công nghệ tiên tiến nhất. Các cơ sở đào tạo có kinh tế mạnh sẽ trang bị các công nghệ hiện đại, giúp học viên chuẩn bị tốt hơn cho thị trường lao động. Công nghệ mới cũng đòi hỏi thêm chi phí đào tạo và cập nhật đối với đội ngũ giảng dạy. Khi nền kinh tế suy thoái, việc đầu tư vào đào tạo giáo viên có thể bị cắt giảm, làm giảm hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ mới trong giáo dục. Do đó, sự phát triển kinh tế có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đổi mới và ứng dụng công nghệ trong giáo dục. Một nền kinh tế ổn định và phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chương trình học, đào tạo giáo viên và nghiên cứu phát triển.

   3. Đề xuất những giải pháp

   3.1. Thành lập tổ chức chính sách và hỗ trợ tài năng trẻ

   Mặc dù đã có những nỗ lực từ Chính phủ và các tổ chức tư nhân trong việc tài trợ cho mĩ thuật ứng dụng nhưng nguồn lực tài chính vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển thực tế. Sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng cùng với việc thiếu sự phối hợp giữa các tổ chức văn hóa đã tạo ra những rào cản lớn đối với sự tiến bộ của ngành mĩ thuật ứng dụng. Điều này đòi hỏi cần có sự đầu tư mạnh mẽ và chiến lược hơn từ phía Chính phủ và các tổ chức tư nhân để mĩ thuật ứng dụng Việt Nam có thể phát triển đa dạng và bền vững. Từ việc thiết kế sản phẩm đến việc hiện thực hóa thiết kế đều yêu cầu một lượng lớn nguồn lực tài chính. Chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận, các nhà tài trợ tư nhân là những nguồn lực chủ chốt, đóng góp vào việc đảm bảo rằng mĩ thuật ứng dụng có thể phát triển bất kể những thách thức kinh tế. Những chương trình như “Đề án Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao giai đoạn 2021-2030”5 của Chính phủ đã đưa ra các định hướng cụ thể cho việc phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa và nghệ thuật, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mĩ thuật ứng dụng. Việc này sẽ giúp tạo ra những sản phẩm mĩ thuật ứng dụng có giá trị văn hóa, thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế tại Việt Nam. Chính phủ cần thành lập quỹ hỗ trợ đặc biệt dành cho các nhà thiết kế, nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa để thực hiện dự án sáng tạo. Thành lập quỹ học bổng dành cho tài năng trẻ trong lĩnh vực mĩ thuật ứng dụng cũng rất quan trọng. Các quỹ này không chỉ hỗ trợ về tài chính mà còn khuyến khích sự sáng tạo và thực hành sáng tác của các nhà thiết kế trẻ trong việc sử dụng chất liệu, kỹ thuật và công nghệ mới.

   3.2. Thương mại hóa các tác phẩm từ trong quá trình đào tạo

   Mĩ thuật ứng dụng được xem là một ngành công nghiệp sinh lợi với tiềm năng lớn trong việc tạo ra giá trị kinh tế. Các sản phẩm thiết kế không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng, mà còn đáp ứng giá trị về mặt thẩm mĩ hay tinh thần. Quá trình thương mại, hiện thực hóa các thiết kế nên bắt đầu từ giai đoạn đào tạo. Đây là lúc để các khi các nghệ sĩ, nhà thiết kế trẻ được tiếp cận với các khía cạnh kinh tế của mĩ thuật ứng dụng. Trong công tác đào tạo, khuyến khích sáng tác, thiết kế có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội thì việc thương mại hóa mới có tính khả thi. Điều này củng cố thêm niềm tin công việc, ngành nghề đã chọn có khả năng sinh ra lợi nhuận. Đây cũng là một phần giúp các thế hệ trẻ có thêm động lực tìm tòi, nghiên cứu các chất liệu cũng như kỹ thuật mới để phát triển sự nghiệp trong tương lai. Các nghệ sĩ, nhà thiết kế trẻ nên trang bị thêm các kiến thức quản lý tài chính, xây dựng thương hiệu cá nhân để có vị trí vững vàng thị trường trong nước và vươn tầm quốc tế. Thương mại hóa tác phẩm, thiết kế là một quá trình quan trọng và cần thiết, góp phần thúc đẩy sự phát triển của mĩ thuật ứng dụng trong bối cảnh kinh tế hiện đại.

   3.3. Khuyến khích hợp tác liên ngành

   Sử dụng chất liệu, kỹ thuật, công nghệ mới không chỉ gói gọn trong ngành mĩ thuật nói chung mà còn có thể mở rộng đến các ngành khác. Nếu chỉ sử dụng các kiến thức và kỹ thuật trong phạm vi chuyên ngành thì việc tiếp cận những các kỹ thuật, chất liệu, công nghệ mới sẽ bị hạn hẹp, thiếu đi tính đột phá trong thực hành sáng tạo. Theo nhà tâm lý học nổi tiếng, có sức ảnh hưởng nhất thế kỷ XX Jerome Bruner cho rằng: “Bản chất của sự sáng tạo là tìm ra cách sử dụng những gì bạn đã biết để vượt qua những gì bạn đã nghĩ”6. Vì vậy, chất liệu, kỹ thuật, công nghệ mới không chỉ thể hiện qua hình thức của kết quả cuối cùng mà còn qua quá trình hình thành nên sản phẩm từ thiết kế. Các nhà thiết kế, nghệ sĩ nên chủ động trong việc kết hợp liên ngành để tạo ra kết quả sáng tạo, hoàn thiện nhất. Nếu các thiết kế, tác phẩm thiếu sự kết hợp từ các ngành khác thì sản phẩm sẽ khó đạt đến độ hoàn thiện tuyệt đối mà chỉ dừng lại ở mẫu thử hay phác thảo. Ví dụ trường hợp sử dụng kỹ thuật đan tre nứa truyền thống vào trong các thiết kế phải có sự kết hợp của ngành hóa học để sử dụng các hóa chất phù hợp để bảo quản tránh ẩm mốc và tăng độ bền của chất liệu khi đưa vào sử dụng thực tế. Hay sự kết hợp liên ngành khác như khoa học dữ liệu thông qua các phương pháp như PLS-SEM để lựa chọn thông tin, phân tích, dự đoán các kết quả có được dùng vào thiết kế sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của nhóm khách hàng mục tiêu mà sản phẩm hướng đến. Đây cũng được xem là những cách sử dụng kỹ thuật, chất liệu, công nghệ mới trong quá trình hình thành phác thảo, thiết kế, sản xuất.

   3.4. Nâng cao nhu cầu thẩm mĩ của xã hội

   Việc khuyến khích và nâng cao nhu cầu thẩm mĩ trong xã hội là yếu tố giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc đầu tư về hình ảnh, thiết kế trong sản phẩm. Đặc biệt, đối với các sản phẩm trong nước khi xuất khẩu ra nước ngoài, tính thẩm mĩ trong hình thức không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn là cách quảng bá văn hóa bản địa. Nhiều loại hình kinh doanh theo mô hình truyền thống không chú trọng đến yếu tố này, dẫn đến tình trạng sản phẩm khi trưng bày chung với hàng quốc tế dễ bị đánh giá thấp về chất lượng. Một ví dụ tiêu biểu là sản phẩm chocolate của Marou, khi được các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thiết kế và sản xuất, sản phẩm đã thành công trong việc kết nối nguyên liệu và văn hóa Việt Nam với thị trường quốc tế, tạo nên một hình ảnh mới mẻ và thu hút. Việc nâng cao thẩm mĩ cho sản phẩm không chỉ giúp tăng khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy nhu cầu sử dụng nguồn lực từ mĩ thuật ứng dụng. Khi đó, ứng dụng các yếu tố kỹ thuật, chất liệu, công nghệ mới trong thiết kế sẽ trở thành điểm khác biệt, yếu tố cạnh tranh trong các sản phẩm của nhà sản xuất hay doanh nghiệp.

   3.5. Tạo lập các giải thưởng cho sự đổi mới và sáng tạo

   Việc tạo lập các giải thưởng và cuộc thi dành riêng cho các dự án ứng dụng kỹ thuật, chất liệu, công nghệ mới là việc cần thực hiện trong bối cảnh hiện tại. Đây chính là cú hích, tạo nên sự sáng tạo và đổi mới trong mĩ thuật ứng dụng. Những cuộc thi này không chỉ giúp phát hiện và tôn vinh các tác phẩm xuất sắc mà còn khuyến khích nghệ sĩ và nhà thiết kế tập trung phát triển các giải pháp có tính ứng dụng cao, đồng thời vẫn đảm bảo yếu tố văn hóa và thẩm mĩ. Thể lệ, quy cách của cuộc thi cần có tiêu chí rõ ràng và cởi mở, để các sáng tạo không vượt khỏi chuẩn mực văn hóa, quan điểm mĩ học của Việt Nam. Hơn nữa, cần có kế hoạch trong việc phát triển bền vững cho các tác phẩm đạt giải, thông qua liên kết với doanh nghiệp trong nước và tổ chức nước ngoài, giúp hiện thực hóa các thiết kế này trong sản xuất và thương mại. Đây không chỉ là sân chơi sáng tạo mà còn là cơ hội để tuyển chọn các nghệ sĩ, nhà thiết kế trẻ có tiềm năng, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và tổ chức, đóng góp vào sự phát triển của mĩ thuật ứng dụng Việt Nam.

   4. Kết luận

   Trong bối cảnh phát triển toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ số, sự giao thoa giữa nghệ thuật và khoa học công nghệ đã mở ra những chân trời mới cho sự sáng tạo và đổi mới. Kinh tế không chỉ đóng vai trò như một nguồn tài chính thiết yếu mà còn là một động lực thúc đẩy việc phát triển các mô hình kinh doanh mới trong mĩ thuật ứng dụng, nơi các thiết kế và kinh tế không còn tách rời mà trở nên bổ sung lẫn nhau. Việc đáp ứng được nhu cầu thẩm mĩ của xã hội đã chứng minh rằng mĩ thuật ứng dụng là một ngành mang lại lợi nhuận, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế và tạo ra nhiều cơ hội mới cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế. Tuy nhiên, để thực sự phát huy tối đa tiềm năng này, việc cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật, chất liệu, công nghệ mới cùng với các giải pháp khoa học công nghệ là yếu tố không thể thiếu. Những tiến bộ trong khoa học công nghệ đã mở ra vô vàn cơ hội cho các tác phẩm, thiết kế phát triển theo những hướng đi mới mẻ và đa dạng. Những công cụ và kỹ thuật này không chỉ làm phong phú thêm ngôn ngữ biểu đạt trong thiết kế mà còn tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế thực hiện những ý tưởng sáng tạo mà trước đây có thể chưa từng khả thi. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ và hỗ trợ các nghệ sĩ trong việc tiếp cận và sử dụng các công nghệ mới này là một giải pháp chiến lược để duy trì và phát triển bền vững mĩ thuật ứng dụng. Chính phủ và các tổ chức có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các chương trình hỗ trợ, cung cấp tài chính, cũng như tạo ra các cơ hội đào tạo và hợp tác nhằm nâng cao trình độ công nghệ và khả năng sáng tạo của các nghệ sĩ, nhà thiết kế. Bên cạnh đó, cần phải xem xét kỹ lưỡng vai trò của các tổ chức giáo dục trong việc tích hợp các kỹ thuật và công nghệ mới vào chương trình đào tạo, nhằm trang bị cho các thế hệ nghệ sĩ tương lai những công cụ và kiến thức cần thiết để cạnh tranh và sáng tạo trong môi trường trong nước lẫn quốc tế. Khi nghệ thuật và công nghệ cùng nhau tiến bước, chúng ta không chỉ thấy một sự mở rộng về mặt kinh tế mà còn là một sự phong phú và đa dạng hóa về mặt văn hóa, tạo nên những tác phẩm không chỉ đáp ứng về mặt công năng sử dụng mà còn có giá trị thẩm mĩ. Việc thúc đẩy sáng tạo thông qua các giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới là cách để mĩ thuật ứng dụng tiếp tục phát triển, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng phức tạp của cuộc sống hiện đại.

 

 

 

Chú thích:
1 Từ điển mỹ thuật phổ thông, NXB Giáo dục, 2002, tr. 106.
2 Viện Ngôn ngữ học (2005), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, tr. 676.
3 Trường Đại học Oxford (2004), Từ điển tiếng Anh, NXB Oxford University, tr. 32.
4 Định nghĩa về “Khoa học” theo UK Science Council, sciencecouncil.org.
5 Quyết định số 2164/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên www.vanban.chinhphu.vn.
6 “The essence of creativity is figuring out how to use what you already know in order to go beyond what you already think”, Jerome Bruner.

Bình luận

    Chưa có bình luận