Văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa dân tộc thống nhất, được xây dựng trên nền tảng đa dạng về sắc thái văn hóa của 54 dân tộc, tạo nên một nền văn hóa phong phú, đa sắc màu. Trong thời kỳ hiện nay, việc thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật ứng dụng cần phải gắn liền với ba nguyên tắc chính: bảo tồn văn hóa, phát huy bản sắc dân tộc, ứng dụng khoa học công nghệ. Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) mở ra những chân trời mới vô cùng triển vọng cho các ngành mĩ thuật, đặc biệt là mĩ thuật ứng dụng. AI thay đổi cách thức bảo tồn, quản lý các di sản văn hóa, tác động mạnh mẽ đến việc khai thác và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thông qua các sản phẩm phù hợp với nhu cầu hiện đại, góp phần lan tỏa văn hóa ra ngoài biên giới và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Văn hóa và bản sắc văn hóa – những khái niệm đầu tiên về văn hóa có sự khác biệt rõ nét giữa các nền văn minh phương Tây và phương Đông. Ở phương Tây, văn hóa thường được hiểu là quá trình “gieo trồng” trí tuệ, tư tưởng, tri thức và niềm tin, từ đó hình thành nhân cách con người. Ngược lại, trong tư tưởng phương Đông, văn hóa được xem như “văn trị giáo hóa”, nhấn mạnh việc truyền dạy tri thức, đạo đức và các giá trị nhân văn. Có rất nhiều định nghĩa về văn hóa, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn và cách đánh giá khác nhau. Theo UNESCO, “văn hóa là tập hợp các đặc trưng tiêu biểu về tinh thần, vật chất, tri thức và xúc cảm của xã hội hoặc một nhóm người trong xã hội, văn hóa không chỉ bao gồm văn học và nghệ thuật, mà còn cả phong cách sống, phương thức chung sống, các hệ giá trị, truyền thống và niềm tin…” (2001).
Bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam là sự tổng hòa các yếu tố văn hóa của 54 tộc người. Việc quản lý văn hóa một cách khoa học đảm bảo các giá trị, truyền thống được duy trì và phát huy, đồng thời giúp cộng đồng dễ dàng nhận diện và khẳng định bản sắc. Nhìn chung, văn hóa và bản sắc văn hóa là sản phẩm của con người, phản ánh quá trình phát triển, tương tác của con người và lịch sử, xã hội, là những giá trị tốt đẹp được truyền từ đời này qua đời khác.
Mĩ thuật ứng dụng là nguồn lực phát triển kinh tế, với vai trò là một bộ phận thuộc các thể loại mĩ thuật (Fine Arts), là một trong những con đường quan trọng để hiện thực hóa khai thác giá trị văn hóa truyền thống. Các sản phẩm của mĩ thuật ứng dụng như thiết kế tạo dáng, thời trang, đồ họa thiết kế nội thất, thiết kế mĩ thuật đa phương tiện, là cách thức để thể hiện văn hóa, giới thiệu và chia sẻ những giá trị văn hóa thông qua các sản phẩm thực tế. Với hai thuộc tính sáng tạo và thương mại, mĩ thuật ứng dụng được coi là nguồn lực với vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Thương mại và mĩ thuật ứng dụng là hai yếu tố tác động qua lại. Mĩ thuật ứng dụng với vai trò tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, trở thành bộ phận quan trọng của thương mại. Đồng thời, thương mại cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của mĩ thuật ứng dụng và các ngành công nghiệp văn hóa.
Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) là một lĩnh vực của khoa học máy tính. Theo Từ điển Cambridge, trí tuệ nhân tạo là “Việc sử dụng hoặc nghiên cứu các hệ thống máy tính hoặc máy móc có một số phẩm chất tương tự như não bộ con người, chẳng hạn như khả năng diễn giải và tạo ra ngôn ngữ theo cách giống như con người, nhận dạng hoặc tạo hình ảnh, giải quyết vấn đề, và học từ dữ liệu được cung cấp cho chúng”1, được chia theo mức độ phát triển hoặc theo kỹ thuật và phương pháp phát triển. Hiện nay, trong lĩnh vực mĩ thuật ứng dụng, tiềm năng của AI được khai thác chủ yếu ở khía cạnh kỹ thuật và phương pháp phát triển, bao gồm: Machine Learning (ML) – Học máy, Deep Learning (DL) – Học sâu, Natural Language Processing (NLP) – Xử lý ngôn ngữ tự nhiên và Computer Vision (CV) – Thị giác máy tính. Các công nghệ trên được sử dụng để tự động hóa quá trình thu thập, xử lý, sàng lọc đến giải quyết, đề xuất dữ liệu thông qua nhận dạng hình ảnh và ngôn ngữ, góp phần trong thay đổi cách thức tương tác, sáng tạo sản phẩm mĩ thuật ứng dụng hiện nay.
1. Bảo tồn, khai thác văn hóa truyền thống kết hợp khoa học công nghệ hiện nay
1.1. Bản sắc dân tộc qua việc thực hành các giá trị văn hóa
Tại Việt Nam, văn hóa quốc gia và dân tộc là một cấu trúc phức tạp, kết hợp giữa bản sắc chung của toàn quốc gia và bản sắc riêng của từng cộng đồng tộc người. Bảo tồn, khai thác văn hóa truyền thống Việt Nam nhìn chung là việc bảo tồn, khai thác văn hóa các tộc người. Nhóm tác giả Geert Hofstede, Gert Jan Hofstede và Michael Minkov, trong cuốn Cultures and Organizations: Software of the Mind, đưa ra mô hình “onion”, giải thích những độ sâu khác nhau của biểu hiện văn hóa. Biểu tượng, nhận diện qua thị giác (đồ vật, hiện vật…), là lớp liên quan nhiều nhất đến những gì các nhà thiết kế phát triển trong thực hành thiết kế. Lớp thứ hai là Heroes, hình mẫu con người, thường là hư cấu hoặc có thật, đại diện cho những giá trị chung (đặc điểm, tầm nhìn hoặc ước mơ…). Nghi lễ là những hoạt động tập thể xã hội quan trọng (giao tiếp, tập tục, hành vi). Phần lõi giá trị văn hóa - Values là các giá trị vô hình (cảm xúc, ý niệm), không có biểu hiện cụ thể, thường được thể hiện thông qua việc “thực hành” các lớp giá trị bên ngoài.

Mô hình “onion” của Geert Hofstede, Gert Jan Hofstede và Michael Minkov. (nguồn: Cultures and Organizations: Software of the Mind, tr. 8)
Khi “thực hành” các giá trị văn hóa trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình thiết kế, sản phẩm sẽ tự nhiên thừa hưởng những đặc điểm và tính chất cần thiết để trở nên có ý nghĩa. Điều này giúp nâng cao các trải nghiệm về văn hóa, xây dựng mối liên kết lâu dài hơn với sản phẩm. Trong sáng tạo sản phẩm mĩ thuật ứng dụng, yếu tố kỹ thuật - nghệ thuật luôn đi đôi với nhau. Hiện nay, triển lãm nội thất C Space giới thiệu một số nhà thiết kế trẻ trong lĩnh vực tạo dáng nội thất đang hướng đến khai thác nhiều hơn các chất liệu văn hóa dân tộc, thể hiện trên nền thiết kế hiện đại, đồng thời tận dụng ưu thế của công nghệ trong xử lý vật liệu, chất liệu phù hợp cho sản phẩm.

Triển lãm nội thất tại C Space2, Thành phố Hồ Chí Minh, 2024. (ảnh: Liêng Hót Anne)
1.2. Bảo tồn văn hóa bằng công nghệ mới, trường hợp trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence)
Bắt đầu từ Bauhaus3, trường phái tiên phong trong việc kết hợp nghệ thuật với công nghệ và sản xuất công nghiệp, tạo ra những thiết kế mang tính biểu tượng, vẫn còn hiện diện khắp mọi nơi cho đến tận ngày này. Đến thế kỷ XXI, tiếp nối các tiền đề đi trước, công nghệ AI hỗ trợ từ kiến trúc hiện đại cho đến công tác trùng tu các di tích lịch sử và văn hóa. Các công cụ AI giúp tối ưu hóa quá trình nghiên cứu, phục chế các di tích, cổ vật lịch sử.
Phục hồi tác phẩm nghệ thuật: phương pháp sử dụng trong việc phục dựng tác phẩm bị hủy hoại bởi môi trường, thời gian hoặc các yếu tố khác. Virtual Restoration - Inpainting (phương pháp phục dựng và tô vẽ ảo) sử dụng dữ liệu đã được học từ các tác phẩm tương tự hoặc từ chính tác phẩm đó để tái tạo lại các phần đã mất. Các thuật toán học sâu (Deep Learning) phát hiện các mẫu hình học và màu sắc phức tạp, tái hiện lại chi tiết bị hỏng với độ chính xác cao. Một ví dụ điển hình là bức tranh The Night Watch của Rembrandt đã bị cắt bớt ở cả bốn phía vào năm 1715. Phần cắt bớt bị mất vĩnh viễn, tuy nhiên, nhờ một bản sao kích thước nhỏ còn tồn tại của bức tranh gốc, trí tuệ nhân tạo đã bắt chước phong cách của Rembrandt và phục dựng lại toàn bộ bức tranh. Ngoài ra, AI tự động hóa quá trình quét, xử lý và khôi phục những phần bị mờ, mất hoặc hư hại của các tài liệu cổ thông qua Computer Vision (thị giác máy tính) hay NLP (xử lý ngôn ngữ tự nhiên), giúp giải mã văn tự cổ, tăng cường độ rõ nét của các chi tiết dù là nhỏ nhất.
Bảo tồn, quản lý kỹ thuật số, trưng bày số hóa: AI trong công tác phục dựng, quản lý di tích. Điển hình là Quần thể di tích Cố đô Huế, bảo tồn kỹ thuật số đã được thực hiện tại Cung An Định, Lăng Tự Đức, thông qua các cuộc khảo sát bằng drone, quét LiDAR, quang trắc. AI phục dựng lại mô hình 3D toàn bộ kiến trúc để quản lý và bảo tồn di sản. Các dữ liệu 3D được sử dụng cho dữ liệu thực tế ảo phục vụ trong du lịch và giáo dục, thay thế các phương pháp trưng bày hiện vật tĩnh truyền thống của các bảo tàng. Trưng bày kỹ thuật số áp dụng các công nghệ như thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR) và thực tế ảo (Visual Reality - VR) để phỏng chiếu không gian các di tích ở quy mô ban đầu. Một số di tích khảo cổ nổi tiếng đã ứng dụng công nghệ trên như Đấu trường La Mã, Agora Athen và Núi Đền ở Jerusalem. Những cảnh 360° này có thể được sử dụng tại chỗ bởi du khách qua VR hoặc làm tài liệu trong giáo dục qua AR. Trong trưng bày hiện vật hiện nay tại Việt Nam đang ứng dụng VR có thể kể đến như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thành cổ Sơn Tây… Tuy nhiên, nó ít được ứng dụng cho các khu khảo cổ, một số khu vực khảo cổ cấp quốc gia Việt Nam đang gặp tình trạng xuống cấp, chẳng hạn như di tích khảo cổ học hang Đồng Trương, nơi người Việt cổ đã sinh sống ở đây từ hơn 10.000 năm trước đến khoảng 2.000 năm trước. Mặc dù có tiềm năng phát triển thành địa điểm văn hóa, lịch sử và thu hút du khách, hang Đồng Trương hiện đang bị bảo vệ sơ sài và đối mặt với nguy cơ bị bỏ hoang cùng rất nhiều các khu di tích khảo cổ khác đang bị lãng quên như di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi, Thành Rum hay còn gọi Lam Thành ở Hà Tĩnh… Nếu ứng dụng công nghệ tiên tiến như phục dựng 3D tái hiện không gian sinh hoạt, kiến trúc, kết hợp VR, AG trực quan sẽ góp phần thay đổi phương thức bảo tồn, gia tăng sự hấp dẫn trong quá trình tham quan, học tập cho du lịch và giáo dục, đồng thời phát triển kinh tế địa phương.
1.3. Phát triển kinh tế thông qua truyền bá văn hóa và công nghệ
Bắt đầu từ thời đại internet và phát minh World Wide Web (WWW)4, cùng với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và xu hướng văn hóa đại chúng trên toàn cầu, việc phổ biến văn hóa truyền thống vượt khỏi biên giới quốc gia trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Trong lĩnh vực sáng tạo sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, xuất khẩu văn hóa là con đường gia tăng “sức mạnh mềm” của một quốc gia, hiện nay các quốc gia đã và đang rất phát triển trong xu hướng này, có thể kể đến như Hàn Quốc với làn sóng Hallyu, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho quốc gia. Tại Việt Nam, sau triển khai Quyết định số 1755 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 20305, công nghiệp văn hóa đã đóng góp tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững, cần phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa dân tộc, điển hình là cách bảo tồn và phát triển các kiệt tác văn hóa, mĩ thuật hiện nay ở Trung Quốc. Kiệt tác hội họa Thiên lý giang sơn của Vương Hy Mạnh thời Bắc Tống là một ví dụ. Thay vì giới hạn trong trưng bày tại viện bảo tàng, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã giới thiệu kiệt tác hội họa gần 1000 năm tuổi này đến thế giới thông qua biểu diễn nghệ thuật kết hợp công nghệ lần đầu tiên tại Olympic Bắc Kinh 2008. Đến nay, tác phẩm vẫn là nguồn cảm hứng nghệ thuật cho các nghệ sĩ đương đại Trung Quốc, điệu múa Chích Thử Thanh Lục (Chỉ màu xanh này) kết hợp múa đương đại và truyền thống đã trở thành một tác phẩm tiêu biểu được trình diễn ở nhiều nước trên thế giới. Tương tự, sản phẩm game đồ họa Hắc huyền thoại - Tôn Ngộ Không khai thác từ một trong tứ đại danh tác là Tây du ký, sản phẩm đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, đem lại lợi nhuận khổng lồ cho ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến của Trung Quốc nhờ vào đồ họa cao cấp và nội dung sáng tạo, hấp dẫn. Cả hai đều là những sản phẩm được tạo ra từ việc khai thác các hình mẫu ấn tượng, tái hiện các tập tục truyền thống và các câu chuyện giàu ý nghĩa trong văn hóa Trung Quốc.
Từ những ví dụ trên, có thể thấy việc kết hợp chất liệu văn hóa truyền thống với khoa học công nghệ tạo ra một tổng thể có tiềm năng to lớn. Không chỉ giúp phổ biến văn hóa ra thế giới một cách hiệu quả và nhanh chóng mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế đối với sản phẩm mĩ thuật ứng dụng. Với sự đa dạng về sắc thái văn hóa dân tộc cùng kho tàng truyền thuyết và sử thi phong phú, nhiều hình mẫu lý tưởng như Lạc Long Quân - Âu Cơ truyền tải về lòng đoàn kết dân tộc, ý thức về nguồn gốc chung; hay người hùng Đăm Săn trong văn hóa Ê Đê biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm và trí tuệ, là hiện thân của tinh thần đấu tranh vì tự do, công lý và sự bảo vệ cộng đồng; Tứ bất tử, 4 hình mẫu mang trong mình hình ảnh biểu tượng về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu, sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên cũng như tình yêu và lòng nhân ái… Với kho dữ liệu đa dạng, phong phú cùng tận dụng tiềm năng AI hiện nay, chúng ta hoàn toàn có đủ tiềm lực để theo đuổi hướng phát triển các sản phẩm giải trí nghệ thuật như các tiền lệ, thông qua khai thác các lớp văn hóa: hệ thống biểu tượng, phong tục tập quán tốt đẹp, phát triển những hình mẫu lý tưởng tốt đẹp nhằm truyền tải các thông điệp sâu sắc về văn hóa các dân tộc Việt Nam.
2. Đề xuất ứng dụng AI trong sáng tạo sản phẩm nghệ thuật ứng dụng nhằm kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
1.1. AI trong tìm kiếm, tổng hợp thông tin
Quay lại với truyền thống, khai thác chất liệu văn hóa, chất liệu dân tộc đang là xu hướng của các nghệ sĩ, nhà thiết kế trẻ hiện nay, tạo ra nhu cầu trong việc tiếp cận nhiều nguồn thông tin nhằm đa dạng hóa nội dung sản phẩm nghệ thuật. Ví dụ, trong sáng tạo hình ảnh cho album Hoàng, nghệ sĩ Hoàng Thùy Linh sử dụng các yếu tố văn hóa dân gian Việt kết hợp các biểu tượng truyền thống như trống đồng, áo dài và các câu chuyện dân gian Việt Nam. Để làm phong phú nội dung này, các công cụ như Natural Language Processing (NLP) và Machine Learning (ML) có thể được sử dụng để phân tích và truy xuất tài liệu về văn hóa dân gian, lịch sử Việt Nam từ nhiều nguồn như thư viện số, cơ sở dữ liệu văn học, lịch sử và biểu tượng dân gian… NLP có thể giúp phân tích và tổng hợp các tác phẩm văn học dân gian, tìm ra chủ đề và biểu tượng chính yếu để nghệ sĩ khai thác. ML có thể giúp nhận diện các xu hướng và motif trong các biểu tượng văn hóa, từ đó đề xuất yếu tố phù hợp để lồng ghép vào sản phẩm hình ảnh, giúp tăng tính độc đáo và gắn kết với văn hóa truyền thống.
2.2. AI tạo dữ liệu mô phỏng
Chỉ trong một lần nhập dữ liệu, AI tạo ra hàng loạt các mẫu thử, sản phẩm mô phỏng. Các phần mềm AI-powered 3D rendering và mô hình học sâu cho phép tạo ra các mô hình 3D và các mẫu thử với độ chính xác cao. Trong thiết kế sản phẩm, công nghệ như AI Inpainting, 3D Mapping cho phép phục dựng, phỏng chiếu các chi tiết văn hóa, điển hình như hoa văn, họa tiết cổ lên bề mặt chất liệu bất kỳ, thử nghiệm nhiều kiểu dáng, hoa văn khác nhau đồng thời đảm bảo được tính chuẩn xác của thông tin. Generative Adversarial Networks (GANs) - mạng đối nghịch tạo sinh, công nghệ cho phép tạo ra các hình ảnh, video hoàn toàn mới, chẳng hạn như nội dung mới về con người, cảnh vật hoặc đồ vật không tồn tại trong thực tế nhưng trông rất giống thật; mở ra nhiều tiềm năng trong lĩnh vực tái tạo nhân vật lịch sử, xuất hiện và tương tác với người xem trong các hoạt động trình diễn nghệ thuật, phim tài liệu, video arts, điện ảnh thông qua khai thác đặc thù của từng dân tộc, từng vùng văn hóa.
2.3. Tương tác với người dùng
Ứng dụng trong các không gian triển lãm nghệ thuật số là một trong những xu hướng mới nhất hiện nay, điển hình như triển lãm nghệ thuật số cảm hứng từ đất cố đô của Sống Lab, tác phẩm Phản chiếu (tác giả MxC), chọn hình ảnh thiên nhiên của vịnh Lăng Cô. Tác phẩm thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên qua nhiều lớp hiệu ứng ánh sáng và màu sắc. Bằng cách tận dụng nghệ thuật số cảm ứng (Interactive Digital Art) và 3D Mapping trong không gian, tác phẩm thay đổi nội dung theo từng cú chạm của người xem, đem lại nhiều trải nghiệm nghệ thuật đặc sắc. Thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR) và thực tế ảo (Visual Reality - VR) bổ sung các yếu tố kỹ thuật số như hình ảnh 3D, thông tin và hoạt họa vào không gian thực. Trong thiết kế không gian nội thất, VR cho phép mô phỏng toàn bộ không gian nội thất dưới dạng 3D. Người thiết kế có thể tạo ra các mô hình nội thất với độ chân thực cao, cho phép khách hàng “đi bộ” qua không gian mô phỏng để hiểu rõ hơn về thiết kế tổng thể. Sử dụng AR để chèn các hình ảnh 3D của đồ nội thất vào không gian hiện có mà không cần phải mang sản phẩm thực tế đến, người dùng dễ dàng hình dung và cân nhắc trước khi mua sản phẩm.
3. Kết luận
Dưới làn sóng toàn cầu hóa và sự bùng nổ của công nghệ, việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Sự ra đời của công nghệ hiện đại, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, đã mở ra tiềm năng to lớn trong việc bảo tồn, phục dựng và phát triển văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Với sức mạnh của công nghệ, chúng ta có thể tái sinh những tác phẩm nghệ thuật đã bị thời gian tàn phá, tái hiện lại các không gian, di tích cổ xưa một cách chân thực và sống động. Công nghệ trở thành cầu nối để kết nối các thế hệ, giúp lớp trẻ dễ dàng tiếp cận và yêu thích những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc một cách tự nhiên và hợp thời đại. Dựa trên nguyên tắc kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc kết hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ, AI mang lại nhiều tiềm năng trong việc thay đổi quy trình sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất làm việc. Việc ứng dụng AI và công nghệ không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh và thúc đẩy nền kinh tế. AI đang giúp biến những giá trị văn hóa thành tài sản kinh tế, tạo ra lợi ích to lớn cho cộng đồng và quốc gia. Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, phát triển công nghệ đi đôi với phát triển kinh tế là con đường tất yếu. Sự kết hợp giữa khoa học công nghệ và truyền thống văn hóa không chỉ giải quyết được các vấn đề về bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc mà còn tạo ra những cơ hội to lớn để đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội thông qua các sản phẩm mĩ thuật ứng dụng.
Tuy nhiên, để ứng dụng khoa học và công nghệ một cách hiệu quả trong bảo tồn văn hóa, cần phải giữ vững ba nguyên tắc chính: bảo tồn văn hóa, phát huy bản sắc dân tộc, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phát triển nền văn hóa tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam bền vững. Công nghệ không thể thay thế yếu tố nghệ thuật và cảm nhận của con người mà còn cần được sử dụng như một công cụ hỗ trợ nhằm kế thừa, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống trong thời đại mới.
Chú thích:
1 Định nghĩa “Artificial Intelligence” theo từ điển Cambridge, cambridge.org
2 C Space Design Complex là khu phức hợp quy mô lớn cho ngành thiết kế đầu tiên tại Việt Nam, trụ sở chính tại Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
3 Bauhaus là trường nghệ thuật đầu tiên đặt tại Đức, cũng là trường đầu tiên kết hợp giữa thủ công và mĩ thuật từ những năm 1919-1933.
4 Phát minh bởi Sir Timothy John “Tim” Berners-Lee (1955-nay), là một nhà khoa học máy tính người Anh.
5 Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vanban.chinhphu.vn.