ĐÀO TẠO NGÀNH THIẾT KẾ THỜI TRANG GẮN VỚI THỰC TIỄN DOANH NGHIỆP

Phát triển đào tạo gắn với thực tiễn doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm mà các cơ sở đào tạo ngành thiết kế thời trang đang nỗ lực thực hiện, đặc biệt là trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bài viết tiếp cận các chương trình đào tạo ở nước ta và đề xuất giải pháp nhằm phát triển ngành thiết kế thời trang đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp và xã hội.

   Thời trang được coi là ngành công nghiệp toàn cầu, có tốc độ tăng trưởng mạnh, chiếm 2% GDP thế giới với ước tính giá trị lên tới gần 3 nghìn tỉ USD. Theo Tổ chức thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu thống kê năm 2023 có tới hơn 300 triệu người làm việc trong các bộ phận thiết kế, phân phối và bán lẻ ngành thời trang. Việt Nam là một trong những nước hàng đầu về ngành may mặc trên thế giới, quy tụ hàng ngàn xưởng gia công và có hầu hết các thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu. Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt hơn 35 tỉ USD, giảm 18,6% so với năm 2022. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Năm 2024, VITAS đặt mục tiêu toàn ngành đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD, tăng 25,7% so với năm 2023. Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thị trường thời trang nội địa đang dần thay đổi và ứng dụng nhiều phương thức để thiết kế mẫu mã sản phẩm, quảng bá các nhãn hiệu thời trang nhằm chinh phục thị trường. Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh công nghệ tiên tiến để tích hợp các cửa hàng và thị trường trực tuyến, điều này dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực ngành thời trang tăng cao.

   Nắm được xu thế phát triển đó, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trung tâm đào tạo trên cả nước đã mở thêm khoa, ngành thiết kế thời trang để tuyển sinh. Số lượng đào tạo ngành thiết kế thời trang năm 2023 chiếm tỉ lệ cao so với các ngành đào tạo thuộc mĩ thuật ứng dụng (MTƯD), trong đó: Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp có 90 chỉ tiêu, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có 60 chỉ tiêu, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có 80 chỉ tiêu, Trường Đại học Mở Hà Nội có 50 chỉ tiêu, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương có 120 chỉ tiêu, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội có 150 chỉ tiêu, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh có 40 chỉ tiêu, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh có 40 chỉ tiêu… Ngoài ra còn có các trường đào tạo về thiết kế thời trang như Đại học Hòa Bình, Đại học CMC, Đại học Kinh Bắc ở khu vực phía Bắc. Các trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Đại học Duy Tân, Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế ở khu vực Miền Trung. Khu vực phía Nam gồm các trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Hoa Sen, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Văn Lang… Chưa tính đến các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm đào tạo trên cả nước liên tục tuyển sinh các khóa đào tạo ngắn hạn về thiết kế thời trang. Điều này cho thấy nhu cầu về ngành thiết kế thời trang ngày một lớn nhằm phục vụ cho xã hội hiện đại trước bối cảnh toàn cầu hóa và công nghiệp 4.0.

   1. Thực trạng đào tạo ngành thiết kế thời trang hiện nay

   Đào tạo ngành thiết kế thời trang ở Việt Nam hiện nay đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho sự phát triển kinh tế đất nước. Nhiều cơ sở đào tạo thiết kế thời trang ở nước ta đã và đang không ngừng vận động để kịp thời phù hợp với nhu cầu của xã hội. Hầu hết các cơ sở đào tạo thiết kế thời trang đã xây dựng và vận hành các chương trình đào tạo trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực chuyên môn, đồng thời có sự tham khảo các chương trình đào tạo tương ứng cùng chuyên ngành trong nước và trên thế giới.

   Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và phát triển khung chương trình đáp ứng những yêu cầu về chuần đầu ra cao hơn so với chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định. Vụ Giáo dục đại học cho biết việc xây dựng các chương trình đào tạo không chỉ là thực hiện Luật Giáo dục mà còn là một trong những yêu cầu để đổi mới giáo dục đại học theo hướng chuẩn hóa các chương trình đào tạo. Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng đưa ra “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết định hướng việc chủ động hội nhập quốc tế về phát triển chương trình đào tạo; đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo; xây dựng một số ngnh đo to, cơ sở giáo dục, đào tạo đạt trình  tiên tiến trong khu vực là rất cần thiết. Tuy nhiên, nghị quyết cũng chỉ ra về chất lượng, hiệu quả giáo dục còn thấp, đặc biệt là giáo dục đại học. Các chương trình đào tạo thiếu tính liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nhu cầu của thị trường lao động, với doanh nghiệp; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn chưa thực chất. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả, các chính sách, cơ chế tài chính chưa phù hợp. Cơ sở vật chất còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

   Với mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước, trước xu thế hội nhập quốc tế đối với giáo dục đại học ở Việt Nam, công tác đào tạo ngành thiết kế thời trang còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như sau:

   Về chương trình đào tạo, tại các cơ sở giáo dục đào tạo thiết kế thời trang ở Việt Nam, nhiều chương trình còn chưa phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ, chưa cập nhật được tri thức mới, tính thực tiễn chưa cao. Một số chương trình đào tạo viết còn chung chung về mục tiêu đào tạo, mô tả học phần và vị trí việc làm; chưa thống nhất giữa mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể, giữa đào tạo lý thuyết và thực hành cũng như không đề cập đến thái độ, mức tự chủ và đạo đức nghề nghiệp trong khung chương trình; chưa đáp ứng được yêu cầu về chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng; cơ cấu nội dung các học phần chưa phù hợp. Một số cơ sở còn lúng túng trong việc xác định chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo hoặc chưa đưa ra bộ tiêu chí đánh giá chuẩn đầu ra. Từ đó, xảy ra thiếu hụt các chuẩn đầu ra học phần dẫn tới quá trình đánh giá bài thường xuyên, bài kết thúc học phần gặp nhiều khó khăn.

   Các trường công lập đào tạo chính quy ngành thiết kế thời trang hiện nay vẫn theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT, chú trọng việc đào tạo nhiều học phần nhưng chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, khiến người học ra trường có nhiều kiến thức tổng hợp, khả năng sáng tạo tốt nhưng bị hạn chế bởi kỹ năng thể hiện. Trên thực tế, mỗi cơ sở đào tạo ngành thiết kế thời trang lại ban hành một chương trình đào tạo riêng, thời gian đào tạo chương trình cử nhân trung bình là 4 năm, một vài cơ sở quy định là 5 năm. Công tác đào tạo ngành hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các cơ sở đào tạo về nội dung chương trình, dẫn tới chất lượng đầu ra của người học có sự chênh lệch về kiến thức và kỹ năng.

   Trang thiết bị dạy học còn khiêm tốn, thiếu các phần mềm thiết kế thời trang khiến người học phải học thêm các khóa đào tạo phần mềm bên ngoài như: Adobe Illustrator, Fashion Design, Fashion Sketcher, TUKA3D, Marvelous Designer... Nguồn sách, giáo trình chưa phong phú, chưa được cập nhật thường xuyên, đặc biệt là các tài liệu học tập phục vụ chuyên ngành cho người học.

   Phương pháp giảng dạy hiện nay chủ yếu theo phương thức đào tạo truyền thống, chưa tiếp cận phương pháp lấy người học làm trung tâm và người học là chủ thể của quá trình đào tạo nên chưa phát huy được khả năng, tính chủ động cho người học. Muốn thúc đẩy sự phát triển trong công tác đào tạo rất cần đến việc cập nhật phương pháp dạy học mới, sự đột phá trong cách thức để người học đạt kết quả tốt nhất. Bộ GD&ĐT đang thực hiện nội dung đổi mới phương pháp chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực cho người học. Tuy nhiên tính hiệu quả, sự đồng bộ của đổi mới giáo dục dạy học như mong muốn vẫn còn hạn chế, cho thấy vấn đề về năng lực của đội ngũ giảng viên có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục. Điều này cũng đặt ra cho công tác đào tạo những thách thức cần thay đổi để người học có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

   Hiện nay, đội ngũ giảng viên ở một số cơ sở đào tạo thiết kế thời trang chưa đủ mạnh, chất lượng và trình độ không đồng đều dẫn đến chưa đáp ứng được kỳ vọng về đào tạo nguồn nhân lực đặc thù cho xã hội. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh không tuyển dụng được nguồn lao động chất lượng cao ngành thiết kế thời trang, cho thấy đã xuất hiện khoảng cách giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp sử dụng lao động. Một số cơ sở giáo dục chưa có sự kết nối với doanh nghiệp và xã hội; chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, kiến thức hàn lâm, thiếu gắn kết và cập nhật thực tế cuộc sống. Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường còn gặp một số khó khăn như: chất lượng sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc khó thích ứng với nhu cầu đặt ra của doanh nghiệp; chưa có sự rõ ràng về lợi nhuận giữa doanh nghiệp và nhà trường; thiếu cơ sở pháp lý và bảo vệ người học… Vì vậy, cần phải có những giải pháp hữu hiệu giữa nhà trường với doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay. Để khắc phục thực trạng trên, vai trò của nhà trường trong công tác nâng cao chất lượng đào tạo cho người học đang là vấn đề quan trọng, cấp thiết đối với giáo dục đào tạo MTƯD nói chung và ngành thiết kế thời trang nói riêng.

   2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành thiết kế thời trang gắn với thực tiễn doanh nghiệp

   Để nâng cao chất lượng đào tạo thiết kế thời trang đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế cần rất nhiều yếu tố, trong đó việc đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp được cho là yếu tố then chốt. Ngoài ra cần có sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đội ngũ giảng viên cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đảm bảo hiệu quả trong quá trình đào tạo. Từ thực trạng trên, bài báo đề xuất một số giải pháp sau:

   Thứ nhất, các cơ sở đào tạo cần tham khảo chương trình thiết kế thời trang ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới và trong khu vực để xây dựng chương trình phù hợp với nhu cầu xã hội, gắn với thực tiễn doanh nghiệp. Cần chuyển nền giáo dục lấy trang bị kiến thức làm mục tiêu chủ yếu sang nền giáo dục dạy kỹ năng, dạy cách tự học, cách tư duy làm chủ yếu. Trong quy trình đào tạo đó, người học đóng vai trò chủ động còn giảng viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho người học lĩnh hội kiến thức.

   Trong chương trình đào tạo, mục tiêu cần được xác định rõ ràng, phù hợp với sứ mạng và tầm nhìn của cơ sở giáo dục đại học, phù hợp với mục tiêu giáo dục đại học quy định tại Luật Giáo dục đại học và cũng cần mô tả rõ định hướng của chương trình đào tạo ngành thiết kế thời trang. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cần xác định rõ ràng, bao quát được cả các yêu cầu chung và yêu cầu chuyên biệt mà người học cần đạt được sau khi hoàn thành chương trình. Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo phản ánh được yêu cầu của các bên liên quan. Các cơ sở phải cam kết chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu, nhu cầu của xã hội chứ không chỉ do cơ sở đào tạo quyết định.

   Cần rà soát, điều chỉnh, cập nhật bổ sung chương trình đào tạo theo đúng quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT. Việc cập nhật, bổ sung, cải tiến chương trình đào tạo theo chu kỳ tối thiểu 2 năm một lần để đảm bảo chất lượng, phù hợp với yêu cầu của xã hội. Nội dung của chương trình đào tạo ngành thiết kế thời trang ngoài các kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị, pháp luật, ngoại ngữ thì cần đảm bảo các kiến thức cơ sở về lịch sử, thẩm mĩ, vật liệu, hình họa, nhân trắc học…, các kiến thức chuyên môn về sáng tác thời trang, thiết kế trang phục, công nghệ may cho đến các kiến thức về công nghệ thông tin, phần mềm đồ họa, phần mềm thiết kế kỹ thuật chuyên ngành. Ngoài ra, cần tăng cường học phần có kiến thức kết nối mĩ thuật truyền thống, mĩ thuật đương đại. Bên cạnh đó cần bổ sung kiến thức về phương pháp nghiên cứu khoa học, tăng cường kết nối kiến thức về lịch sử mĩ thuật, trang phục cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam và trên thế giới để vận dụng vào sáng tác thời trang. Khối kiến thức chuyên ngành và cơ sở ngành cần điều chỉnh, bổ sung nội dung các học phần tùy theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.

   Hai là, đổi mới theo phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm và là chủ thể của quá trình đào tạo, phát huy tính chủ động sáng tạo, năng lực nghiên cứu học tập suốt đời của người học. Cần áp dụng phương pháp giảng dạy theo hướng mở, nên chuyển phương pháp giảng dạy nặng về truyền thụ kiến thức sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. Phương pháp dạy học cần coi trọng hướng dẫn người học ứng dụng thực tiễn, công nghệ mới, tăng cường các bài tập hướng đến kỹ năng thực hành, có sự phối hợp giữa các môn học. Đề cương chi tiết, mục tiêu và chuẩn đầu ra của học phần cần được thông báo từ buổi học đầu tiên của các học phần trong chương trình đào tạo. Nội dung, kiến thức của từng học phần cần thể hiện rõ mối liên hệ với các học phần học trước, học sau của chương trình đào tạo. Đồng thời phải chuyển cách đánh giá kết quả giáo dục từ nặng về kiểm tra trí nhớ sang đánh giá năng lực, vận dụng kiến thức, giải quyết vấn đề.

   Các quy định về đánh giá kết quả học tập của người học bao gồm: thời gian, phương pháp, tiêu chí, trọng số, cơ chế phản hồi và các nội dung liên quan phải rõ ràng và được thông báo công khai tới người học. Mỗi học phần đều có phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp để đạt được chuẩn đầu ra, chẳng hạn bài kiểm tra thường xuyên và giữa kỳ có thể là bài thi viết tự luận, thuyết trình…, bài thi kết thúc học phần có thể là bài tập lớn, tiểu luận…

   Đối với người học cần chú ý tới phương pháp tự học, tự nghiên cứu để thích ứng ứng với việc học tập suốt đời trong bối cảnh công nghiệp 4.0 hướng đến 5.0. Bên cạnh đó, người học cũng cần chú trọng đến phương pháp “cùng học” để rèn luyện khả năng hợp tác, làm việc nhóm cũng như khả năng thuyết phục, khả năng quản lý... Có chính sách hỗ trợ ngân sách, tài chính, trao học bổng, quỹ khuyến học cho các em có thành tích trong học tập, vượt khó...

   Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo của đội ngũ giảng viên. Trong quá trình hội nhập đất nước việc đào tạo các chương trình ngành thiết kế thời trang đang ngày càng yêu cầu cao về chất lượng giảng dạy, về đội ngũ giảng viên có năng lực chuyên môn và phương pháp dạy học hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ sở đào tạo. Để nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên, các cơ sở đào tạo ngành thiết kế thời trang cần tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, năng lực giảng dạy như các khóa đào tạo về phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiệu quả; đào tạo kỹ năng đánh giá sinh viên; đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên tham gia các hội thảo khoa học, các chuyên đề nhằm nâng cao năng lực trình độ, cũng như khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học.

   Cập nhật kiến thức chuyên môn mới nhất cho giảng viên, giúp họ nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cơ sở đào tạo. Ngoài ra cần hỗ trợ giảng viên theo học các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành của giảng viên. Cần chú trọng quan tâm đến vai trò của người thầy trong đào tạo thiết kế thời trang bởi trong quá trình đào tạo, người thầy luôn giữ vai trò quan trọng nhất, tạo nên chất lượng và sự thành công của giáo dục. Đồng thời, cần giữ mối quan hệ khăng khít giữa người học và người dạy để tạo hiệu quả trong quá trình đào tạo.

   Bốn là, cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đầu tư trang thiết bị phòng thực hành may như máy may 1 kim, máy vắt sổ, bàn là hơi nước, máy đánh chỉ. Phòng chuyên dụng cần bổ sung máy 2 kim, máy trần đè, máy trần chun, máy thùa khuyết đầu bằng, máy thùa khuyết đầu tròn, máy cắt đầu bàn, máy cắt phá, máy cắt vòng, máy đính cúc.

   Tăng cường nguồn lực tài chính để nâng cấp trang thiết bị đào tạo, các phần mềm mĩ thuật hiện đại. Xây dựng hệ thống phòng máy tính, phòng trưng bày không gian sáng tạo, phòng thiết kế tích hợp vừa sáng tác mẫu thời trang vừa vẽ hình họa, thiết kế mẫu rập và cắt vải, phòng thí nghiệm, phòng giác sơ đồ, phòng máy ép, máy nhồi bông... để phục vụ cho việc dạy và học đạt kết quả cao nhất. Ngoài ra, cũng cần chú trọng đầu tư hệ thống máy móc công nghệ thông tin, hệ thống thư viện điện tử với khả năng kết nối, tra cứu tài liệu với các thư viện trong và ngoài nước.

   Năm là, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo thiết kế thời trang. Hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là xu hướng quan trọng trong sự phát triển của giáo dục đại học hiện đại. Các doanh nghiệp có vai trò quyết định trong việc tạo lập các liên kết và triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể như: tiếp nhận sinh viên đến kiến tập, thực tập; cung cấp thiết bị công nghệ, hỗ trợ kinh phí cho việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học; tham gia hội đồng tư vấn chuyên môn; trao học bổng theo định kỳ cho người học có thành tích xuất sắc; tạo điều kiện về công nghệ, kỹ thuật cho giảng viên, nhà khoa học các phương tiện giảng dạy tiên tiến; tham gia các buổi hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, nhu cầu nhân lực với nhà trường, đồng thời đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo.

   Tăng cường, mở rộng liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước về đào tạo, sản xuất các ngành thuộc lĩnh vực thiết kế thời trang. Xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, các hiệp hội làng nghề may mặc và thời trang trong việc đào tạo nhằm nâng cao chất lượng, tiếp cận thực tiễn xã hội.

   3. Kết luận

  Trong những năm qua, công tác đào tạo ngành thiết kế thời trang đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, xã hội tuy vẫn còn những tồn tại hạn chế về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, phương pháp đào tạo, cơ sở vật chất… Để nâng cao chất lượng đào tạo ngành thiết kế thời trang cần đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhiệt tình đáp ứng cả về mặt thể lực, trí lực và tâm lực; đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng tiếp cận với công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo hiệu quả; tăng cường liên kết doanh nghiệp thông qua các hình thức phối hợp hiệu quả cho các hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục. Để kết nối hài hòa và hợp lý giữa các hoạt động trên rất cần đến các mô hình đào tạo từ các cơ sở đào tạo ngành thiết kế thời trang uy tín.

   Đào tạo ngành thiết kế thời trang tại Việt Nam cũng cần có những định hướng, tác động và hỗ trợ của nhà nước và thị trường nhằm tạo động lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là lĩnh vực đào tạo có nhiều cơ hội phát triển, yêu cầu sự tư vấn và nỗ lực không ngừng từ các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và các bên liên quan.

   Việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành thiết kế thời trang ở Việt Nam hiện nay rất cần các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà chuyên môn lựa chọn giải pháp thích hợp với cơ sở đào tạo của mình để phát triển chương trình đào tạo đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại.

Bình luận

    Chưa có bình luận