NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGHỆ THUẬT VIỆT NAM 50 NĂM SAU NGÀY ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT

Bài viết nghiên cứu và chỉ ra các yếu tố tác động đến nghệ thuật Việt Nam từ 1975 đến nay. Qua đó giúp hiểu rõ diễn biến, sự thay đổi và xu hướng phát triển của nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua và đề xuất định hướng để nghệ thuật Việt Nam thích ứng, hội nhập quốc tế bền vững.

   1. Khái lược về nghệ thuật Việt Nam trước năm 1975

   Những biến động lịch sử từ hai cuộc kháng chiến lớn chống Pháp và chống Mĩ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các loại hình nghệ thuật ở Việt Nam, mặc dù vậy, nghệ thuật thời kỳ này đã để lại những di sản nghệ thuật quý giá, tiếp tục được kế thừa và phát triển kể từ sau năm 1975. Có thể nói rằng giai đoạn trước năm 1975 nghệ thuật Việt Nam đã đóng góp một vai trò quan trọng trong phản ánh thực tế xã hội và cổ vũ tinh thần yêu nước, khích lệ lòng dũng cảm của nhân dân trong cuộc chiến giành độc lập và thống nhất đất nước. Những biến động lịch sử và thành tựu mà nghệ thuật Việt Nam đã đạt được từ 1945 đến 1975 có thể được phân chia thành hai giai đoạn: kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), kháng chiến chống đế quốc Mĩ và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội (1954-1975).

   Giai đoạn 1945-1954, nghệ thuật Việt Nam chịu ảnh hưởng của cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài chín năm đã tác động lớn đến các sáng tác nghệ thuật về tư tưởng và hình thức sáng tạo. Các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra chủ yếu nhằm phục vụ cho tuyên truyền, nâng cao tinh thần đấu tranh của nhân dân. Vì vậy, các thể loại như thơ ca, nhạc, kịch nói và hội họa thường mang nội dung yêu nước, ca ngợi tinh thần đoàn kết và lòng quả cảm.

   Bước sang giai đoạn 1954-1975, sau Hiệp định Genève (năm 1954) Việt Nam tạm chia thành hai miền Nam-Bắc qua vĩ tuyến 17. Theo đó, Miền Bắc được lãnh đạo bởi chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Miền Nam do chính quyền Việt Nam Cộng hòa lãnh đạo. Hiệp định này đã mở ra thắng lợi to lớn kết thúc chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam, trở thành mốc son chói lọi của nền ngoại giao cách mạng non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng1. Sự khác biệt về nền chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế hai miền Nam-Bắc đã tạo ra những phân chia rõ rệt về xu hướng sáng tác nghệ thuật: xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc và xu hướng Âu-Mĩ ở Miền Nam. Giai đoạn này, nghệ thuật Miền Bắc chủ yếu tập trung vào tuyên truyền chủ nghĩa xã hội và ca ngợi sự hi sinh của nhân dân theo tinh thần: kháng chiến hóa văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các tác phẩm nghệ thuật có thể kể đến như thơ ca, âm nhạc, mĩ thuật (chủ yếu là hội họa, đồ hoạ và điêu khắc), kịch nói, điện ảnh, văn học thường xoay quanh những chủ đề như tình yêu quê hương, lòng yêu nước và những giá trị cách mạng. Ví dụ, ở Miền Bắc, thơ ca rất phong phú với nhiều tác phẩm nổi bật như thơ kháng chiến, thơ tự do và thơ trữ tình. Các nhà thơ như Tố Hữu, Chế Lan Viên và Nguyễn Đình Thi đã góp phần xây dựng hình ảnh mạnh mẽ của những người lính và sự hi sinh vì Tổ quốc. Âm nhạc thường phát trên đài phát thanh (ca khúc nhạc đỏ) để cổ vũ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, phục vụ chiến tranh, truyền đạt những chính sách của nhà nước, khuyến khích tình yêu lý tưởng cộng sản, cũng có cả những bài hát trữ tình, thể hiện tình yêu quê hương đất nước hoặc cổ vũ lao động, xây dựng, như Hồi tưởng của Hoàng Vân, Trường ca sông Lô, bài hát Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), tổ khúc quê hương2… Cùng với âm nhạc, loại hình kịch nói cũng được sử dụng như một trong những công cụ tuyên truyền hiệu quả về sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội và ca ngợi tinh thần yêu nước, quả cảm của những con đất Việt trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn này. Đối với các loại hình nghệ thuật như: điện ảnh, kịch nói…, đặc biệt là trong điện ảnh, những bộ phim tài liệu và phim truyện ngắn về cuộc kháng chiến để khắc họa hiện thực cuộc chiến của quân và dân Miền Bắc.

   Trong khi đó, ở Miền Nam chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố văn hóa Âu-Mĩ đến từ phương Tây nên nghệ thuật giai đoạn này có phần phong phú và đa dạng hơn về thể loại và kiểu thức. Các thể loại nghệ thuật như âm nhạc (chủ yếu là nhạc vàng và rock), mĩ thuật, kịch nói, văn học, điện ảnh thường phản ánh cuộc sống hiện đại và những khó khăn của con người giữa bối cảnh chiến tranh. Trong âm nhạc, Miền Nam phát triển nhiều thể loại nhạc mới lạ như nhạc vàng, nhạc rock, phản ánh đời sống xã hội phức tạp và những nỗi đau của chiến tranh. Nếu như các sáng tác mĩ thuật ở Miền Bắc mang nội dung tuyên truyền, với những tác phẩm ca ngợi hình ảnh Lãnh tụ Hồ Chí Minh, người chiến sĩ, hoạt động sản xuất nông nghiệp thì ở Miền Nam chủ yếu là sáng tác của thế hệ các họa sĩ du học từ phương Tây trở về với những tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của phong cảnh quê hương, đất nước.

   2. Khái lược về bối cảnh lịch sử và xã hội Việt Nam từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay

   Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử, đánh dấu một mốc son chói lọi cho lịch sử dân tộc bằng một chiến thắng vang dội, kết thúc cuộc chiến tranh dài dằng dặc, mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn hòa bình lập lại trên toàn lãnh thổ nước Việt Nam. Bước ngoặt này đã là sự khởi đầu của nhiều thay đổi lớn trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và cả nghệ thuật. Sau ngày đất nước thống nhất, dù còn nhiều khó khăn, phải đối mặt với nhiều thách thức, hàn gắn vết thương chiến tranh và giải quyết các vấn đề sau cuộc chiến. Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đưa đất nước vào một quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, tạo ra một bức tranh văn hóa, nghệ thuật đa dạng, phong phú trong bối cảnh lịch sử mới.

   Chính sách Đổi mới năm 1986, từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sản xuất và thu hút đầu tư, nền kinh tế Việt Nam đã dần hồi phục và phát triển nhanh chóng ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng thương mại quốc tế. Đối với lĩnh vực nghệ thuật, những năm đầu sau thống nhất, nghệ thuật được định hướng đơn giản và thiếu phong phú, với các tác phẩm thường chú trọng tính tuyên truyền và phục vụ chính trị hơn là sự thể hiện sáng tạo, các nghệ sĩ phải hoạt động trong khuôn khổ chính trị và xã hội chặt chẽ. Từ thập kỷ 90 trở đi, nghệ thuật Việt Nam bắt đầu được “mở cửa”. Các văn nghệ sĩ đã tìm kiếm những cách tiếp cận mới, thể hiện nhiều tuyên ngôn cá nhân và khám phá các thể loại và phong cách nghệ thuật đa dạng, dẫn đến sự phong phú trong nghệ thuật đương thời.

   Có thể nói, bối cảnh lịch sử và xã hội của Việt Nam sau năm 1975 đã có những thay đổi sâu sắc trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa. Những chuyển biến này đã mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, phản ánh sự trưởng thành của xã hội và tinh thần sáng tạo không ngừng. Các giá trị như tự do cá nhân, ý thức cộng đồng và trách nhiệm xã hội trở nên nổi bật hơn trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Chính sách mở cửa và hội nhập, nghệ thuật Việt Nam đã tiếp nhận ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác, tạo ra sự phong phú trong nghệ thuật, trong đó có sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Người dân ngày càng có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động văn hóa, từ nghệ thuật biểu diễn đến lễ hội địa phương. Những hoạt động này không chỉ giúp nâng cao ý thức cộng đồng mà còn tạo ra những hoạt động văn hóa phong phú cho xã hội. Đúng như PGS, TS Nguyễn Văn Minh đã chia sẻ trong tham luận Tọa đàm khoa học 50 nghệ thuật Việt Nam từ sau ngày đất nước thống nhất: thành tựu, hạn chế, những vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 8/2024: Điều kiện giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật giữa Việt Nam với các nước trên thế giới đã có những thay đổi theo hướng mở rộng. Giới văn học, nghệ thuật ở Việt Nam bắt đầu được tiếp xúc với một bộ phận của thế giới mà trước đây do hoàn cảnh lịch sử họ chưa thể tiếp xúc.

   3. Các yếu tố tác động đến nghệ thuật Việt Nam sau năm 1975

   Từ những yếu tố cấu thành cơ bản như chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, văn hóa và bối cảnh toàn cầu, nghệ thuật Việt Nam sau năm 1975 đã có nhiều chuyển biến và đổi mới. Những yếu tố này đã đóng góp vào sự phong phú và đa dạng của nghệ thuật Việt Nam, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ phát triển và thể hiện bản thân trong một môi trường năng động.

   Về chính trị, sau ngày đất nước thống nhất, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển nghệ thuật. Các chính sách này hướng tới việc khuyến khích sáng tạo nghệ thuật, tập trung ưu tiên những sáng tác, những phong trào nghệ thuật có nội dung ca ngợi lòng yêu nước, chủ nghĩa xã hội và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Có thể nói, giai đọan này, nhà nước đã tổ chức và phát động nhiều phong trào nghệ thuật cũng như các hoạt động văn hóa quần chúng. Các lễ hội văn hóa, các cuộc thi nghệ thuật cũng được tổ chức để thúc đẩy sáng tạo và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, đồng thời định hướng sáng tác nghệ thuật theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa, khuyến khích sáng tạo dưới sự định hướng và quản lý của các cơ quan chủ quản lý cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp như: Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Sân khấu, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Hội Nghệ sĩ Múa…

   Về kinh tế, sự phát triển từ những năm 1990 đã tạo ra một tầng lớp trung lưu mới, dẫn đến sự thay đổi nhu cầu, khả năng chi tiêu của người dân và thị hiếu nghệ thuật. Chuyển đổi sang kinh tế thị trường đã có nhiều ảnh hưởng tới nghệ thuật, tạo ra một làn sóng đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Nền kinh tế thị trường đã khuyến khích sự tự do sáng tạo, manh nha hình thành một thị trường nghệ thuật trong nước. Các doanh nghiệp bắt đầu tài trợ cho sự kiện nghệ thuật, triển lãm, và cũng như các dự án nghệ thuật. Cùng với sự phát triển công nghệ, những dự án đầu tư và tài trợ từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực nghệ thuật đã góp phần tạo nên một bức tranh toàn cảnh hết sức đa dạng, phong phú và năng động. Có thể nói, ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế đã có tác động không nhỏ đến những sáng tác phản ánh đời sống văn hóa, nghệ thuật, xã hội. Sự ra đời và phát triển của các công ty tổ chức sự kiện, quảng bá nghệ thuật, các dịch vụ liên quan đã dần khiến nghệ thuật trở thành một ngành kinh doanh, hội nhập sâu sắc với thế giới, khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Điều này không chỉ giúp nghệ sĩ có thu nhập mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nghệ thuật. Đáng chú ý hơn, từ những năm đầu của thế kỷ XXI, các phong trào nghệ thuật đương đại được thể nghiệm và dần phát triển mạnh tạo ra những chuyển biến đáng kể về quan niệm sáng tác của nghệ sĩ cũng như thị hiếu thẩm mĩ của công chúng yêu nghệ thuật. Sự chuyển biến này đã giúp các nghệ sĩ trẻ có thể tự do thể hiện quan điểm cá nhân của mình, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật phản ánh đời sống xã hội, tâm tư và nguyện vọng của thế hệ trẻ. Các loại hình nghệ thuật: trình diễn, body art, video art, sắp đặt, nghệ thuật đa phương tiện, múa đương đại, hip hop… được các nghệ sĩ và công chúng ngày càng quan tâm hưởng ứng.

   Về xã hội và văn hoá, từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, đời sống văn hoá xã hội có nhiều cải thiện, tạo điều kiện cho sự phát triển của nghệ thuật. Người dân có thêm thu nhập và thời gian rảnh để tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Từ đó, nghệ thuật cộng đồng trở nên phổ biến hơn với nhiều dự án nghệ thuật, giúp tăng cường tính kết nối xã hội và tạo nên những giá trị văn hóa đa dạng. Hòa nhập và giao thoa với các nền văn hóa khác từ khắp nơi trên thế giới đã giúp nền nghệ thuật Việt Nam thêm phong phú và đa dạng. Các yếu tố văn hóa mới được hấp thụ, kết hợp với truyền thống tạo nên những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện ở nhiều loại hình nghệ thuật như: âm nhạc, điện ảnh, mĩ thuật, nghệ thuật biểu diễn, múa… Bên cạnh việc tiếp thu các yếu tố mới, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng được đặt ra trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nghệ thuật dân gian và văn hóa truyền thống tiếp tục được nghiên cứu và phát triển cũng như được giới thiệu đến khán giả trong nước và quốc tế.

   Chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam ra đời, xác định nhân lực là yếu tố quy định, cần xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách để tạo ra những sản phẩm phục vụ trong nước và quốc tế, nghệ thuật đã kết nối với các ngành khác. Từ đó, văn nghệ sĩ từ các lĩnh vực sáng tạo khác nhau đã kết nối và hợp tác với nhau, kết nối giữa tài năng sáng tạo, nguồn lực văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh để hình thành nên các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, nghệ thuật đa ngành, vừa sáng tạo vừa mang tính xã hội cao.

   Sự thay đổi trong nhu cầu và thẩm mĩ của công chúng có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam, tạo ra những tác động như: đa dạng hóa phong cách nghệ thuật với nhu cầu tìm kiếm sự mới mẻ và hội nhập quốc tế. Với sự gia tăng mức sống và quá trình toàn cầu hóa, công chúng ngày càng đa dạng hóa sở thích và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Điều này thúc đẩy các nghệ sĩ đưa yếu tố công nghệ hiện đại vào tác phẩm, tạo cơ hội cho công chúng tiếp cận với nhiều trào lưu nghệ thuật khác nhau. Được tiếp cận đa dạng các loại hình nghệ thuật, người tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng và độ phong phú của nội dung nghệ thuật. Họ mong muốn thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật có chiều sâu, sáng tạo và phản ánh được những vấn đề xã hội hiện tại, Việc tham gia vào các sự kiện và triển lãm quốc tế giúp công chúng có thể tiếp cận được với các loại hình nghệ thuật mới hết sức đa dạng, từ đó nâng cao nhu cầu thẩm mĩ cũng như định hình lại thị hiếu nghệ thuật của họ. Nhu cầu thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, các buổi biểu diễn, triển lãm hoặc các loại hình văn hóa, nghệ thuật ngày càng tăng cao. Ví dụ tiêu biểu nhất là hiện tượng săn lùng vé của giới trẻ, kéo theo sự quan tâm của đông đảo công chúng, dẫn đến “cháy vé” trong phút chốc đối với concert Anh trai vượt ngàn chông gai năm 2024, diễn ra tại hai địa điểm: Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Gameshow này cho thấy xu hướng nghệ thuật toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến sáng tác và thị hiếu của khán giả trong nước rất rõ rệt.

   Về yếu tố công nghệ, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông và truyền hình, đã thay đổi cách mà nghệ thuật được tạo ra và tiêu thụ. Nhiều tác phẩm độc đáo đã được sáng tạo ra và sức lan tỏa thông điệp nghệ thuật cũng rộng rãi hơn nhờ sự bùng nổ của internet, nghệ thuật số và các nền tảng truyền thông xã hội. Nghệ sĩ dễ dàng tiếp cận, tương tác trực tiếp, nhanh chóng với khán giả và tạo ra một cộng đồng nghệ thuật rộng lớn. Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong nghệ thuật ra đời đã tạo ra những thay đổi quan trọng, mở ra khả năng sáng tạo mới với các phần mềm đồ hoạ chuyên nghiệp, công nghệ 3D (tạo hình, điêu khắc và thiết kế không gian ảo), công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) (mở rộng trải nghiệm tương tác), nghệ thuật đa phương tiện kết hợp âm thanh, hình ảnh chuyển động; bảo tàng số, triển lãm trực tuyến, công nghệ ánh xạ trình chiếu 3D trên các công trình kiến trúc, học tập trực tuyến, phần mềm mô phỏng hội họa và điêu khắc…

   Sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng: có nhiều kênh phát sóng chương trình đặc biệt về nghệ thuật như các gameshow ca nhạc, văn hoá giải trí, khoa học giáo dục, các cuộc thi tài năng nghệ thuật… được phát thường xuyên trên các kênh VTV6, VTV2, VOVTV, VTV3. Báo chí cũng đã tăng cường hơn nội dung số, tích hợp đa phương tiện và tương tác với độc giả qua chuyên mục bình luận trên báo điện tử chuyên về nghệ thuật như Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, Tạp chí Mỹ thuật, Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam… Trên các đài phát thanh cũng có những xu hướng phát triển mới như podcast về nghệ thuật, phát thanh trực tuyến với nhiều nội dung tương tác với người nghe thông qua các kênh như VOV2 (kênh văn hoá, nghệ thuật), VOV3 (kênh âm nhạc giải trí). Các nội dung nghệ thuật còn được chia sẻ trên các nền tảng internet và mạng xã hội như: Facebook, YouTube, Instagram, TikTok kết hợp với các website chuyên biệt như cổng thông tin điện tử của bảo tàng, web gallery trực tuyến. Nhiều hình thức khác trên ứng dụng di động, streaming, VOD (video theo yêu cầu), NFT, triển lãm ảo, thực tế ảo hoá tăng cường trải nghiệm nghệ thuật. Ví dụ điển hình là triển lãm tương tác tranh Van Gogh và Monet trưng bày tại Giga Mall, Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo cho người xem những trải nghiệm mãn nhãn với ứng dụng của công nghệ trong thưởng thức và hòa mình vào không gian kiệt tác hội họa của các danh họa thế giới như Van Gogh và Monet. Sự phát triển của công nghệ đã mang đến cho nghệ thuật Việt Nam những cơ hội phát triển, dễ dàng hơn trong tiếp cận đông đảo công chúng, quốc tế hoá nghệ thuật Việt Nam, đổi mới phương thức sáng tạo. Đồng thời cũng đặt ra những thách thức về tác quyền, chất lượng, nội dung nghệ thuật và đào tạo nhân lực chuyên môn để tiếp cận nhanh chóng với sự thay đổi của công nghệ này.

   Về bối cảnh toàn cầu hoá, toàn cầu hóa đã tạo ra nhiều tác động đến sự phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội và công nghệ ở Việt Nam. Về kinh tế, tham gia nhiều hiệp định thương mại, tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Về văn hoá-xã hội, các cuộc giao lưu văn hoá quốc tế trở nên mạnh mẽ hơn, văn hoá, nghệ thuật được tiếp cận nhanh chóng theo hướng toàn cầu, công nghệ thông tin và truyền thông phát triển, đô thị hóa nhanh chóng. Về công nghệ, chuyển đổi số thực hiện trong hầu hết các lĩnh vực, ứng dụng công nghệ 4.0, hạ tầng số phát triển và kết nối internet toàn cầu. Tất cả những điều kiện này là cơ sở cho nghệ thuật Việt Nam được tiếp cận với trường quốc tế trong các triển lãm và liên hoan nghệ thuật, mở rộng hơn thị trường mua bán tác phẩm là điều kiện giúp quảng bá nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Đối với các nghệ sĩ Việt Nam, việc học hỏi và trao đổi với các nền nghệ thuật khác trên thế giới đã giúp họ được tiếp cận gần hơn các trào lưu nghệ thuật hiện đại, giao lưu với các nghệ sĩ quốc tế, được học tập công nghệ và kỹ thuật mới, tham gia các xưởng thực hành và đào tạo quốc tế… Bên cạnh đó, những đổi mới sáng tạo kết hợp công nghệ và truyền thông cũng là những điều kiện tốt để nghệ thuật Việt Nam hòa mình vào bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Nghệ sĩ Việt Nam có cơ hội thành công hơn trên thị trường quốc tế nhưng cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, áp lực từ các nền văn hóa khác. Từ đó, đặt ra những thách thức bảo vệ bản sắc, giữ lại các giá trị nghệ thuật truyền thống. Trong quá trình sáng tạo, việc cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, vừa phát triển nghệ thuật đương đại mang đậm bản sắc Việt vừa cạnh tranh với nghệ thuật quốc tế sẽ đặt ra vấn đề về tính chuyên nghiệp và chất lượng tác phẩm. Về đầu tư cơ sở vật chất và công nghệ, hay phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đặt ra vấn đề về chi phí đầu tư, về đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ mới, bảo vệ bản quyền trong môi trường số. Về cơ chế, chính sách đặt ra sự cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý cho nghệ thuật, bảo về tác quyền, quản lý hoạt động nghệ thuật xuyên biên giới, phát triển cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, phát triển thị trường chuyên nghiệp, xây dựng hệ thống định giá nghệ thuật, phát triển đội ngũ và đầu tư vào nghệ thuật nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tình hình mới.

   4. Kết luận

   Nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất đã có nhiều đổi thay, chịu ảnh hưởng và tác động của nhiều yếu tố cả về chủ quan và khách quan. Đáng kể là từ sau năm 1986, sự chuyển đổi nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tác động mạnh mẽ đến các nghệ sĩ, tác phẩm và công chúng. Kinh tế phát triển kéo theo nhiều cơ hội cũng như thách thức khi tiếp cận nguồn lực và thị trường. Sự phát triển của kinh tế thị trường đã tạo ra một thị trường nghệ thuật năng động hơn. Các tác phẩm nghệ thuật bắt đầu được giao dịch một cách chuyên nghiệp hơn, góp phần tạo ra nguồn thu nhập cho nghệ sĩ và phát triển ngành công nghiệp sáng tạo.

   Việc nhận diện các yếu tố ảnh hưởng như: chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ và văn hóa cho phép chúng ta thấy được những điều kiện và bối cảnh cụ thể, định hình nghệ thuật Việt Nam. Hiểu sâu hơn về cách thức mà mỗi yếu tố tác động đến sáng tạo nghệ thuật và các nghệ sĩ, đánh giá mức độ và cách thức mà nghệ thuật Việt Nam phản ứng trước những đổi thay của xã hội, chỉ ra các xu hướng nghệ thuật nổi bật cũng như định hướng phát triển nghệ thuật trong tương lai sẽ góp phần hỗ trợ cho các nghệ sĩ và nhà quản lý văn hóa trong công tác sáng tạo và quảng bá nghệ thuật. Giúp bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và khuyến khích sự kết nối và giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau cũng là những đề xuất mà bài viết muốn đặt ra. Bởi chỉ khi có các chính sách hỗ trợ nghệ thuật phù hợp mới có thể thúc đẩy sự phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Từ đó, hướng tới việc khơi dậy niềm tự hào và ý thức về bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập và biến đổi không ngừng của xã hội hiện đại và tốc độ chuyển đổi số toàn cầu.

 

 

 

Chú thích:
1 Phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng tại Hội thảo khoa học “70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam”, Báo Nhân Dân online, đăng ngày 5/12/2024.
2 Âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975, https://prezi.com/p/3fyfircsksrg/am-nhac-tronggiai-oan-1954-1975/.

   

Bình luận

    Chưa có bình luận