1. Sơ lược về then và then văn nghệ
Về tên gọi của then, trong ngôn ngữ của người Tày, Nùng và Thái, di sản này được gọi với nhiều cái tên khác nhau, như: Pựt, vựt, vịt, một, xên, thiên, slin, giàng, chàng… Có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc và quá trình xuất hiện tên gọi then. Theo Nguyễn Thị Yên thì tên gọi “then” bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ trời (phạ) của các dân tộc Tày - Thái1, có ý kiến cho rằng tên gọi “then” có từ thời nhà Mạc2, thậm chí có quan điểm cho rằng tên gọi “then” mới xuất hiện từ giữa thế kỷ XX. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa then là một lực lượng siêu nhiên sáng tạo ra thế giới theo quan niệm của một số dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam3. Từ điển bách khoa Việt Nam giải thích, then là tên chung chỉ một loại hình sinh hoạt văn hóa - văn nghệ dân gian của các dân tộc Tày, Thái4. Kỷ yếu hội thảo Mấy vấn đề về Then Việt Bắc, xuất bản năm 1978, tác giả Nông Văn Hoàn cho rằng then là tiên, là người của trời. Họ là người giữ mối liên hệ giữa người trần gian với Ngọc Hoàng và Long Vương5. Tác giả Nông Đình Tuấn cho rằng then là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời của hai dân tộc Tày – Nùng6. Nhà nghiên cứu Triều Ân nhận định, then là những khúc hát thuộc về thờ cúng do những then làm nghề hát trong nghi lễ7. Dương Kim Bội cho rằng then là một danh từ riêng, được dùng để chỉ một loại hình mê tín8. Cuốn Văn hóa truyền thống Tày - Nùng, các tác giả định nghĩa then là một loại hình diễn xướng hợp thành bởi nhiều yếu tố như thơ, văn, kể chuyện, hát, nhạc, múa. Nó mang tính chất nghệ thuật tổng hợp9. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Nam, then là một loại hình tín ngưỡng dân gian, văn nghệ dân gian của người Tày, Nùng. Văn nghệ được sử dụng trong tín ngưỡng, và tín ngưỡng lại sử dụng văn nghệ làm phương tiện10. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Yên, then là hình thức cúng bái tiêu biểu của người Tày có nhiều điểm tương đồng với pụt của người Nùng nên còn được gọi là pụt tính11. Nguyễn Văn Tuân cho rằng then là tên gọi một hình thức cúng bái có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ trời (phạ) của các cư dân Tày, Thái nói chung, gọi chung là văn hóa tín ngưỡng then, pụt. Hiểu theo nghĩa mở rộng thì then là tên gọi chỉ các khía cạnh cụ thể liên quan đến văn hóa tín ngưỡng then12. Theo Hoàng Việt Bình, Lý Viết Trường thì then là người trung gian truyền tải thông tin giữa người trần và thế giới thần linh. Về nội dung, then là cầu nối tâm linh giữa thế giới con người và thần linh, ma quỷ để cứu giúp cho phần hồn, vía của con người13.
Một số học giả Trung Quốc cũng định nghĩa về then như: Hoàng Tân Mị cho rằng then là những người biểu diễn âm nhạc đầu tiên của người Choang trong thời kỳ cổ đại, nội dung của then chứa đựng nhiều yếu tố tín ngưỡng dân gian. Bắt nguồn từ quan niệm tôn kính của con người đối với tự nhiên, then giúp xua đuổi tai họa, mang đến sự bình an14. Khưu Chấn và Khương Đán cho rằng then là một hình thức cúng bái với cây đàn tính và chùm xóc nhạc15; sách Long Châu ký (龙州记略) ghi rằng khi trong nhà người Choang có người ốm, họ sẽ mời thầy cúng đến để làm lễ, thông qua việc đánh đàn tính và xóc chùm nhạc cả đêm sẽ giúp người bệnh giải tỏa đau đớn16. Trước đây người dân chủ yếu gọi các thầy cúng đánh đàn tính là “tính” (叮), thậm chí hiện nay nhắc tới khái niệm Thiên Cầm (天琴) nhiều người già không biết là cái gì17. Lý Nghiên cho rằng văn hóa tính có thời thời Lạc Việt (骆 越), bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian của người Choang18.
Từ định nghĩa của các nhà nghiên cứu đi trước, dựa trên kết quả nghiên cứu cá nhân, theo chúng tôi, then được hiểu là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của người Tày, Nùng; là bệ đỡ tinh thần cho các dân tộc này trong công cuộc chinh phục tự nhiên; là cầu nối tâm linh giữa thế giới dương gian với thế giới siêu linh.
Then có nguồn gốc từ lâu đời, gắn với tín ngưỡng dân gian của các dân tộc sở hữu di sản này. Trải qua quá trình lịch sử phát triển lâu dài, then đã tiếp nhận và biến đổi để phù hợp với hơi thở của thời đại19. Hiện nay nhắc tới then là đề cập tới một di sản văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, bao gồm cả then tín ngưỡng và then văn nghệ.
Then tín ngưỡng (còn được gọi là then cổ), là loại then phục vụ mục đích tâm linh, được thực hiện bởi các thầy then (người làm then đã được cấp sắc). Then tín ngưỡng có nhiều nghi lễ khác nhau, bao gồm: then cầu an, then cống tiến, then chữa bệnh, then chúc tụng… Mỗi nghi lễ, đoàn quân then đều trải qua những cung cửa khác nhau, từ mường đất lên mường trời, bắt đầu từ thổ công, thành hoàng, táo quân, tổ tiên, pháp sư, các cửa tướng, đường ve sầu, khau khắc khau hai, ông Khuông ông Khắc, vượt biển (quá hải), chợ Tam Quang, Ngọc Hoàng20…
Then văn nghệ (còn gọi là then mới) là loại hình then ra đời từ giữa thế kỷ XX với phong trào đặt lời mới cho then dựa trên chất liệu then cổ. Then văn nghệ được nâng cao, có giai điệu, tiết tấu, nhịp phách, hát kèm theo tính tẩu và chùm xóc nhạc. Nội dung của then văn nghệ vượt ra khỏi không gian tín ngưỡng, mang trong mình hơi thở của cuộc sống, ca ngợi tinh thần chiến đấu bảo vệ tổ quốc, cổ vũ nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, ca ngợi tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng, tình yêu quê hương đất nước… Kho tàng then văn nghệ hiện nay vô cùng phong phú, với hàng trăm bài như: Lạng Sơn quê noọng, Hoàng Trung Thu đặt lời; Non xa xa nước xa xa, Hoa Cương đặt lời; Suối Lê Nin nhớ Bác, Hoa Cương đặt lời; Phua bộ đội mìa dân quân, Hoa Cương đặt lời; Ba Bể cảnh tiên, Hoa Cương đặt lời…; hay những bài được cải biên từ vốn then tín ngưỡng như: Quá hải, Dum tạu Dà Dìn, Cho Sluông21…
2. Vài nét về bài then Phua bộ đội mìa dân quân và Gửi anh người chiến sĩ biên cương
2.1. Bài then “Phua bộ đội mìa dân quân”
Phua bộ đội mìa dân quân là một bài then được nhạc sĩ Hoa Cương đặt lời dựa trên làn điệu then Cao Bằng. Nhạc sĩ Hoa Cương tên đầy đủ là Hoàng Hoa Cương, sinh năm 1930 ở xã Đề Thám, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ông từng tham gia bộ đội, sau đó công tác trong ngành văn hóa của tỉnh Cao Bằng. Với kinh nghiệm thực tế cùng với tâm hồn nghệ sĩ của mình, ông đã đặt lời rất nhiều bài then nổi tiếng như Tổ khúc non xa xa, Ba Bể pé tiên, Hải boóc hải hoa…
Năm 1968 khi cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân ta đang trong giai đoạn vô cùng khốc liệt, nhạc sĩ Hoa Cương đã dựa trên làn điệu then Miền Tây Cao Bằng đặt lời bài then Phua bộ đội mìa dân quân để tặng đội nữ dân quân Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Sau đó bài then được phát trên sóng Đài Phát thanh Khu tự trị Việt Bắc, cùng với giọng hát ngọt ngào của nghệ sĩ Hoàng Bích Thu Phua bộ đội mìa dân quân như một khúc tâm tình cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân vùng Việt Bắc22. Từ khi ra đời đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua (1968-2024), nhưng bài then Phua bộ đội mìa dân quân vẫn được người dân Cao Bằng và đồng bào các dân tộc Tày, Nùng Việt Bắc yêu thích. Hiện nay bài then này vẫn được sử dụng trong chương trình dạy học cho sinh viên vùng Việt Bắc, là bài then tiêu biểu trong các giáo trình học hát then. Trên các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook, Tiktok các video clip bài then Phua bộ đội mìa dân quân đều nhận được sự quan tâm của hàng trăm nghìn người xem và bình luận.
2.2. Bài then “Gửi anh người chiến sĩ biên cương”
Nhạc sĩ Đinh Quang Khải sinh năm 1936, quê ở Bản Hậu, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ông từng là cán bộ Đoàn văn công liên Khu tự trị Việt Bắc, giảng viên Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Hiệu trưởng Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn… Trong cuộc đời công tác và sáng tác của mình, rất nhiều bài then và bài dân ca do ông đặt lời đã để lại tiếng vang trong lòng người dân Việt Bắc. Trong thời gian kháng chiến chống Mĩ nhiều bài dân ca lời mới do ông soạn đã như Slắng chài khửn tàng (Đưa anh lên đường), Chài hồng noọng đáo (Vợ chồng hồng chuyên)… đã góp phần cổ vũ phong trào chiến đấu của quân và dân vùng Việt Bắc.
Bài then Gửi anh người chiến sĩ biên cương được nhạc sĩ Đinh Quang Khải đặt lời vào những năm diễn ra chiến tranh biên giới phía Bắc (1979-1980), để cổ vũ những người lính đang canh giữ biên cương, đồng thời thể hiện tình cảm của người dân vùng biên giới miền núi phía Bắc đối với những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc. Từ khi ra đời đến nay bài then này luôn nhận được sự đón nhận của người nghe, hiện nay trên mạng xã hội Youtube có hàng chục video clip về bài then này. Video Gửi anh người chiến sĩ biên cương do kênh Hát then đàn tính cb đăng tải ngày 16/4/2021 đã có hơn 163.000 lượt xem, trong đó có hơn 477 lượt thích. Bài then này cũng được kênh Chu Thạch Official đăng tải dưới dạng Karaoke, video đăng tải ngày 4/11/2020, thu hút hơn 101.400 lượt xem và hơn 220 lượt thích…
3. Hình ảnh người chiến sĩ trong bài then Phua bộ đội mìa dân quân và Gửi anh người chiến sĩ biên cương
Bài then Phua bộ đội mìa dân quân và Gửi anh người chiến sĩ biên cương ra đời vào hai thời điểm khác nhau, vì thế hình ảnh người chiến sĩ trong hai bài then cũng khác nhau. Bài then Phua bộ đội mìa dân quân được nhạc sĩ Hoa Cương viết trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ, hình ảnh người chiến sĩ ở đây là con em người Tày, Nùng đang chiến đấu ở chiến trường Miền Nam, với mục tiêu thống nhất đất nước. Bài then Gửi anh người chiến sĩ biên cương được nhạc sĩ Đinh Quang Khải viết trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, nên hình ảnh người lính ở đây là những người chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ vùng trời biên giới. Nội dung bài then Phua bộ đội mìa dân quân là hình ảnh người vợ nhắn với người chồng đang đi bộ đội ở chiến trường Miền Nam. Người vợ ở nhà lo việc chăn nuôi sản xuất, những hình ảnh chăm sóc đồng lúa như “bai nà” (làm cỏ), “tháp khún” (tưới tiêu)… được người vợ cần cù làm với mong muốn có lương thực gửi chi viện vào cho chồng ở chiến trường.
Ngoài chăm chỉ lao động sản xuất và chung thủy đợi chồng, người vợ còn tham gia vào lực lượng dân quân, góp phần bảo vệ quê nhà để người chồng yên tâm chiến đấu: “Tình phua mìa cần hâư củng điếp/ Nhòm slấc Mị tình bjac nghĩa lìa/ Cung tính moỏng gừn khuê noọng slắng/ Tàng chài pây chiến thắng vinh quang/ Tàng tổ quốc huy hoàng lung chỏi/ Quê hương chài bộ đội đây pòi” (Tình vợ chồng ai mà chẳng nhớ/ Vì giặc Mĩ đôi ta xa cách/ Cầm đàn tính đêm khuya em đánh/ Đường anh đi chiến thắng vinh quang/ Đường Tổ quốc huy hoàng rực rỡ/ Quê hương mình đẹp đẽ làm sao).
Trong bài then này, phần nói về hình ảnh của người con đã được nhạc sĩ Hoa Cương miêu tả thật đẹp, tác giả đã thay lời của những người Tày, Nùng yêu Tổ quốc nói lên ước nguyện về một đất nước hòa bình, ở đó trẻ con được đi học, được sống trong một đất nước hòa bình thống nhất. Những câu then “Eng pây trường lu lí i tờ/ Lục chài vè bâư cờ đeng chỏi/ Lục vẻ anh bộ đội khả thù/ Vẻ cáng boóc nưa pù nộc chắp/ Vẻ bản đồ thống nhất Bắc Nam” (Con đi học đánh vần/ Con vẽ lá cờ đỏ tươi/ Con vẽ anh bộ đội giết thù/ Vẽ cành hoa trên đồi chim đậu/ Vẽ bản đồ thống nhất Bắc Nam) đã khắc họa nên những hình ảnh thật đẹp về cuộc sống của thế hệ trẻ trong hoàn cảnh đất nước hòa bình. Thông qua hình ảnh của người vợ, người con, tác giả Hoa Cương đã nói lên mục đích chiến đấu của người lính, họ sẵn sàng hi sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc yên bình, cho những người thân là cha mẹ, vợ con có được cuộc sống hòa bình, thống nhất.
Cũng đề cập đến hình ảnh người lính, nhưng bài then Gửi anh người chiến sĩ biên cương lại đề cập đến tình cảm của người dân biên giới phía Bắc đối với những người chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu bảo vệ vùng trời biên giới:
“Em hát về anh người chiến sĩ
Súng chắc tay giữ gìn biên cương
Như vì sao sáng trên đỉnh núi
Tấm lòng anh biết mấy yêu thương.
…
Anh đứng trên điểm cao biên giới
Ánh mắt anh nhìn xa vời vợi.
…
Anh đứng trên điểm cao biên giới
Anh giữ gìn quê em đẹp mãi
Cho bản làng em mãi vui tươi
Như vì sao sáng trên đỉnh núi”.
Hình ảnh người con gái trong bài then là đại diện cho toàn bộ người dân miền biên giới, hình ảnh người anh đại diện cho toàn bộ các anh bộ đội đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Người lính ở đây không chỉ là con em người Tày, Nùng như trong bài then Phua bộ đội mìa dân quân nữa mà bao gồm tất cả những người chiến sĩ của đất nước Việt Nam. Thông qua hình ảnh “em” và “anh”, với những câu chuyện tưởng chừng là riêng tư của đôi trai gái, nhưng nhạc sĩ Đinh Quang Khải đã sử dụng câu chữ tài tình để phản ánh được tình cảm quân dân, sự biết ơn của người dân miền núi với những người lính sẵn sàng hi sinh mình cho sự nghiệp bảo vệ độc lập Tổ quốc. Hình ảnh cây đàn tính và cây súng được đề cập rất nhiều trong những bài then viết về người lính, nó đại diện cho chiến tranh và hòa bình. Ở đây cây súng là biểu tượng của chiến tranh, còn cây đàn tính là biểu hiện của hát then, của cái đẹp, của hòa bình. Những câu then “Em gửi anh tiếng ca đàn tính”, “Tiếng đàn Then em hát tặng anh”… đã phản ánh khát khao hòa bình, mong muốn cuộc sống độc lập tự do. Trong thời khắc chiến tranh khốc liệt nhưng người Việt Nam nói chung và người Tày, Nùng nói riêng luôn nghĩ tới hòa bình, yêu mến hòa bình.
3. Kết luận
Then văn nghệ là loại hình then mới chính thức ra đời từ đầu thế kỷ XX, bắt đầu phát triển sau đó vài chục năm và phát triển mạnh từ khi đất nước thực hiện Đổi mới (năm 1986). Nguồn gốc của then văn nghệ vẫn dựa trên chất liệu của then tín ngưỡng, nội dung của loại hình then văn nghệ phong phú và mang trong mình hơi thở của thời cuộc: cổ vũ phong trào kháng chiến, cổ động nhân dân phát triển kinh tế, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa… Hình ảnh người lính và tình yêu quê hương đất nước là một trong những chủ đề quan trọng của then văn nghệ. Từ khi loại hình then văn nghệ ra đời, gắn với các cuộc kháng chiến và mỗi giai đoạn của lịch sử đều có những bài then mang tính chất cổ vũ, ca ngợi. Hai bài then Phua bộ đội mìa dân quân và Gửi anh người chiến sĩ biên cương cũng có hoàn cảnh ra đời gắn với những giai đoạn lịch sử cụ thể.
Gắn với từng thời kỳ khác nhau, cùng với những bối cảnh lịch sử đặc thù mà hình ảnh người lính trong các bài then văn nghệ cũng được thể hiện khác nhau. Chất liệu xuyên suốt trong hai bài then Phua bộ đội mìa dân quân, Gửi anh người chiến sĩ biên cương nói riêng và các bài then chủ đề người chiến sĩ nói chung là đều phản ánh tình yêu quê hương đất nước, sẵn sàng hi sinh thân mình của đồng bào, bất kể trai gái, già trẻ... Như vậy then từ một loại hình văn hóa chỉ phục vụ mục đích tín ngưỡng nhưng cùng với thời gian đã biến đổi để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của cuộc sống. Chính vì sự biến đổi này, nên hiện nay then vẫn tồn tại và trở thành một loại hình văn hóa tiêu biểu của người Tày, Nùng vùng miền núi phía Đông Bắc.
Chú thích:
1, 11 Nguyễn Thị Yên (2006), Then Tày, NXB Khoa học xã hội, tr. 54, 54.
2 Hoàng Việt Bình (2023), Nghiên cứu nghệ thuật hát Then và đàn tính của người Tày tỉnh Cao Bằng, Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Học viện Nghệ thuật Quảng Tây.
3 Hoàng Phê (Chủ biên, 2001), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, tr. 931.
4 Nhiều tác giả (2005), Từ điển bách khoa Việt Nam (tập 4), NXB Từ điển bách khoa Hà Nội, tr. 198.
5, 6, 8 Nhiều tác giả (1978), Mấy vấn đề về Then Việt Bắc, NXB Văn hóa dân tộc, tr. 47, 36, 14.
7 Triều Ân (2000), Then Tày những khúc hát, NXB Văn hóa dân tộc, tr. 7.
9 Nhiều tác giả (1993), Văn hóa truyền thống Tày - Nùng, NXB Văn hóa dân tộc, tr. 246.
10 Hoàng Nam: “Then – cái nhìn từ hệ thống tín ngưỡng”, Tạp chí Dân tộc học, số 3/2006.
11 Nguyễn Thị Yên (2009), Tín ngưỡng dân gian Tày, Nùng, NXB Khoa học xã hội, tr. 106.
12 Nguyễn Văn Tuân (2019), Nghiên cứu văn bản Then cấp sắc Nôm Tày tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tr. 10.
13, 20, 21 Hoàng Việt Bình (Chủ biên), Lý Viết Trường (2021), Từ điển văn hóa Then, NXB Thế giới, tr. 238.
14 黄新媚:《壮族天琴文化初探》 ,《北方音 乐》,2014年,第4期,第14页。
15 刘锡蕃:《岭表纪蛮》 ,上海:上海书店出版 社,1991年,第182页。
16 姜妲:《壮族天琴文化传播研究》,硕 士学位 论文,南宁师范大学,2021年,第10页。
17黄誉:《龙州纪略》,广西龙州地方志。2卷。
18 邱晨:《壮族天琴文化的建构与认同研宄》, 博士论文,福建师范大学,2019年,第30页。
19 李妍:《壮族天琴源流探微——壮族天琴文化 研究之二》,《广西民族研究》,2012 年,第 2 期,第96 页。
20 Lý Viết Trường (2023), “Vai trò của nhà Mạc với di sản Then của các dân tộc Tày, Nùng vùng Lạng Sơn, Cao Bằng”, in trong: Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam, UBND TP. Hải Phòng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
22 “Nhạc sĩ Hoàng Hoa Cương và bài Then nhằng mại xáu pi bươn” (Nhạc sĩ Hoa Cương và dân ca Tày), VOV4, bản điện tử, đăng ngày 30/01/2022.