1. Hình tượng người chiến sĩ cộng sản
Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam định nghĩa: “Hình tượng nghệ thuật là phạm trù cơ bản của mĩ học dùng để chỉ một hình thức phản ánh hiện thực đặc thù bằng các phương tiện nghệ thuật […]. Hình tượng nghệ thuật là điều kiện đầu tiên để tạo nên giá trị của tác phẩm nghệ thuật”1.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3 tháng 2 năm 1930), tự nguyện gánh vác nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng Việt Nam: đoàn kết toàn thể nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh đánh đuổi đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc Việt Nam hoà bình, phồn vinh như Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định. Tới nay, lời tiên tri của Bác đã trở thành sự thật. Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Nước nhà độc lập thống nhất, hoà bình. Năm 1986 trở đi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Sau gần bốn mươi năm thực hiện đổi mới, nước ta đã hoà nhập với thế giới và là nước có tốc độ phát triển nhanh. Suốt trong những thập niên tiến hành cách mạng và kháng chiến, những người cộng sản Việt Nam, luôn là những người tiên tiến, trung thành, tận tụy, hi sinh cho sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân. Trong bất cứ lúc nào và ở đâu, họ đều là những tấm gương cao cả: chủ động, sáng tạo, khôn khéo, nhạy bén trước hiện thực đời sống, cương trực, thẳng thắn, yêu tha thiết quê hương, đất nước, sống giản dị, liêm khiết, khiêm tốn, cầu thị, sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng. Có thể nói, họ là kết tinh của những phẩm chất người Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử, để lãnh đạo và cùng với toàn dân làm nên một hiện thực thời đại Hồ Chí Minh. Suốt lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Việt Nam xuất hiện nhiều anh hùng hữu danh và vô danh, xuất thân từ nông dân, công nhân, trí thức, trở thành người cộng sản - anh hùng trong đấu tranh cách mạng và kháng chiến. Họ xứng đáng “Là người lãnh đạo và là người đầy tớ trung thành của nhân dân”2. Cũng chính họ là những “chất liệu” đa dạng, thú vị, có sức khơi gợi, kích động tiềm thức, linh cảm trực giác và tưởng tượng sáng tạo nghệ sĩ vô cùng mãnh liệt, khiến chúng được khái quát hoá, cụ thể hoá và điển hình hoá, để trở thành các nhân vật… Và trên cơ sở các nhân vật ấy, mới kết tạo nên những hình tượng trong các tác phẩm thuộc các loại hình, thể loại văn học, nghệ thuật khác nhau, trong đó có thể loại nghệ thuật sân khấu chèo.
2. Quá trình xây dựng hình tượng người cộng sản trên sân khấu chèo
Cần khẳng định, sự xuất hiện của hình tượng người chiến sĩ cộng sản Việt Nam trong văn học, nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng là một tất yếu lịch sử của văn nghệ cách mạng.
Cuộc sống chiến đấu và lao động của dân tộc ta để chống lại kẻ thù hung ác cũng như phấn đấu xây dựng một xã hội dân chủ, giàu mạnh trong một bối cảnh hết sức khó khăn đã làm xuất hiện hàng loạt những con người anh hùng ngoài trận địa cũng như trên cánh đồng, trong các công xưởng. Hiện thực tuyệt vời ấy là chất liệu, là nguồn sáng tác vô tận cho văn nghệ sĩ. Nghệ thuật không những có khả năng nêu lên cái xấu để mọi người căm ghét mà còn sáng tạo ra những con người có thể làm ta say mê, yêu mến và cảm phục. Chính theo tinh thần đó mà trong sáng tạo nghệ thuật, việc xây dựng hình tượng người chiến sĩ cộng sản chiếm vị trí trung tâm. Bên cạnh đó, nghệ thuật phải tập trung biểu hiện cái đẹp theo quan niệm thời đại thì những con người cộng sản, những con người đi đầu, mang lại cái đẹp và tiêu biểu cho cái đẹp của cuộc sống ấy phải là đối tượng chủ yếu của nghệ thuật.
Người chiến sĩ cộng sản trong bối cảnh xã hội lúc đó chính là hình mẫu trung tâm, là lý tưởng mà người dân coi như ánh sáng để vươn tới xã hội như mơ ước. Theo cố GS, NSND Trần Bảng, ngay từ năm 1951, nghệ thuật chèo truyền thống từ những năm đầu được phục hồi đã tự xác định mục tiêu chính cho hướng phát triển của mình là phục vụ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc: “Những vở chèo đầu tiên ra đời từ năm 1951 chưa phải là những vở chèo cổ điển được phục hồi mà là những vở viết về đề tài hiện đại lúc bấy giờ như Tổ ba nhà, Tát nước cấy chiêm, Đi dân công, Chị Trầm… Sau hoà bình lập lại, Miền Bắc được giải phóng (1954) bên cạnh những vở chèo cổ được phục hồi như Quan Âm Thị Kính, Trương Viên, Suý Vân giả dại, Lưu Bình - Dương Lễ… dòng chèo viết về đề tài này vẫn phát triển mạnh, tỉ lệ chiếm già nửa toàn bộ kịch mục của ngành chèo cho đến những năm 1975”3. Vậy đề tài hiện đại liên quan gì đến hình tượng nghệ thuật là đối tượng được bài viết đề cập: người chiến sĩ cộng sản? Thực chất, nói đến cuộc sống đương thời, cuộc sống chất chứa bao sự tích anh hùng của người dân Việt Nam, dân tộc “ra ngõ gặp anh hùng” thì không thể bỏ qua nhân vật trung tâm của hiện thực thời đại: người chiến sĩ cộng sản.
Hình tượng người chiến sĩ cộng sản được xây dựng trên sân khấu chèo có khá nhiều dạng. Nhân vật người cộng sản trong một số vở diễn là những nguyên mẫu có thật trong đời sống nay bước vào nghệ thuật trong vai trò nhân vật trung tâm như hình tượng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong vở chèo Tuổi trẻ Nguyễn Văn Cừ; người nữ anh hùng cách mạng Mạc Thị Bưởi trong vở chèo Sóng Kinh Thầy; vở chèo Nguyễn Viết Xuân xây dựng người anh hùng với câu nói bất hủ: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”.
Nguyên mẫu là những người cộng sản trong đời thực đã được người làm nghệ thuật tái tạo với tất cả rung động của nghệ sĩ với những tấm gương ngời sáng, sẵn sàng hi sinh cho hạnh phúc chung như các vở diễn Ni cô Đàm Vân, Gánh hàng rau, Phiến đá… Từ những ngày lăn xả vào hiện thực sống, các nghệ sĩ cách mạng đã mang hình tượng đẹp đẽ, những nguyên mẫu ngoài đời vào nghệ thuật, biến họ thành bất tử, thành tấm gương soi, như tiêu chí tuyên truyền của cách mạng và cũng theo đúng với chức năng vốn có của chèo cổ: chức năng giáo huấn.
Bên cạnh các nguyên mẫu về những người cộng sản đích thực - những đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam - sàn diễn chèo còn mở rộng sự diễn tả người cộng sản qua các vở diễn miêu tả đủ mọi tầng lớp người Việt Nam tuy không mang danh người cộng sản song trong hành động của những nhân vật chính diện này đều đạt những phẩm chất tốt đẹp cần có của người cộng sản chân chính. Hàng loạt các vở diễn xây dựng những hình tượng đẹp, có phần hoàn mĩ của nhân vật người cộng sản dưới ánh sáng của tư tưởng lấy tuyên truyền cách mạng là kim chỉ nam dưới hình thức sân khấu kịch hát vốn được đông đảo công chúng hâm mộ đã khiến sân khấu chèo trở thành một sàn diễn tích cực, có tác động rất lớn đối với công chúng. Bản thân những hình mẫu đẹp đẽ của những nhân vật với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp nhất của người cộng sản trong đời thường đã thu phục được người dân, nay những hình tượng đó được phản ánh qua loại hình nghệ thuật người ta ưa thích thật sự đã biến sân khấu chèo thành hình thức tuyên truyền hấp dẫn và dễ thuyết phục. Có thể nói, chính những vở chèo về cuộc đời thực cùng những nguyên mẫu như Nguyễn Văn Cừ, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Viết Xuân… đã như lời kêu gọi, hiệu triệu lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ, viết tiếp những trang sử oanh liệt. Nhận định về thời kỳ này, GS Trần Bảng viết: “Nhìn lại phong trào chèo từ 1950 đến cuối thập kỷ 70, chúng ta thấy hình tượng người chiến sĩ cộng sản và tư tưởng cộng sản đã bao trùm lên toàn bộ dòng nghệ thuật về đề tài hiện đại, tạo nên một sinh khí, một sức mạnh tinh thần, một sức hấp dẫn thực thụ đối với khán giả đương thời”4.
Tuy nhiên, giai đoạn sau này khi nhận định lại, người ta đã cho rằng, đó là sự tô hồng hiện thực xã hội, nhân vật chính, nhân vật người chiến sĩ cộng sản còn thiếu đi những nét tâm lý sâu sắc, mô tả chưa thật mềm mại… Đó âu cũng là đặc điểm của văn nghệ cả một thời kỳ dài, thời kỳ chuyển tất cả các mối quan hệ thành quan hệ quân sự, tất cả để phục vụ chiến thắng cuối cùng của dân tộc.
Có thể nhận thấy, không phải giai đoạn nào người ta cũng lấy hình tượng người chiến sĩ cộng sản làm hình tượng trung tâm nhưng nhìn suốt chặng đường dài phát triển, từ khi có cách mạng, sân khấu chèo đã thành công khi biến hình tượng người chiến sĩ thành một đề tài có sức xuyên suốt.
3. Sự cần thiết tiếp tục xây dựng hình tượng người chiến sĩ cộng sản trên sân khấu chèo hiện đại
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, sân khấu dần đi vào quỹ đạo xã hội hoá, hình ảnh người cộng sản đã gần như vắng bóng trên sàn diễn. Nguyên nhân là không ít các đơn vị nghệ thuật ngại dựng đề tài chiến tranh cách mạng bởi việc dàn dựng thường khó hấp dẫn khi không khí xã hội có nhiều thay đổi. Chưa kể dàn dựng đòi hỏi công phu, đầu tư nhiều về kinh nghiệm nghề nghiệp cũng như kinh phí trong khi công diễn lại không phù hợp thị hiếu đương thời của đông đảo khán giả, doanh thu biểu diễn thường kém. Bên cạnh đó, không ít tác phẩm về đề tài này dù có cố gắng song vẫn còn nặng nề, đơn điệu, ít tạo được cảm xúc thẩm mĩ tốt với đối tượng khán giả hiện nay. Vì vậy, hình tượng người chiến sĩ cộng sản của thời kỳ chiến tranh cách mạng giờ đây ít được quan tâm chú ý, sự xuất hiện trên sân khấu chèo không còn nhiều như ở thời kỳ trước. Nhưng lý tưởng đẹp đẽ của những nhân vật, những con người cộng sản vẫn tồn tại ở các môi trường, không gian hoàn cảnh khác. Các nhà sáng tạo vẫn nâng niu, coi đó như hình mẫu đẹp đẽ, cần được nâng lên tầm cao mới cho phù hợp hơn với hiện thực lịch sử và gửi gắm ở nhiều motif nhân vật khác nhau. Đó có thể là việc khai thác các danh nhân văn hoá với lý tưởng vượt qua những hạn chế của thời đại, rất phù hợp với vai trò tiên phong của người cộng sản. Như vậy, dù là sản phẩm đặc biệt của thời đại tập hợp dưới ngọn cờ đấu tranh cách mạng của Đảng, người cộng sản vẫn mang dáng nét của những con người chính trực, nét phẩm cách riêng của những con người tiên tiến trong thời đại mình đang sống với những lý tưởng vượt qua tầm vóc thời đại của mình và sự khẳng định đối với các thế hệ sau. Điều này gần gũi với nhân vật bi kịch từng được đúc kết trong lý luận sân khấu nhưng tính bi ở đây mang nhiều nét bi hùng và đậm tinh thần lạc quan cách mạng.
Chúng ta cũng đều thừa nhận sự thật rằng, hình tượng các chiến sĩ cộng sản toả sáng đặc biệt chính trong bối cảnh khốc liệt của chiến tranh. Có thể nói, về đề tài cách mạng và chiến đấu của sân khấu chèo gần như không tác giả nào, tác phẩm nào xa rời hình tượng người cộng sản. Họ là nhân vật trung tâm của sân khấu nói chung trong một thời gian dài và đã đưa lên sàn diễn đủ tầng lớp từ những nhân vật bình thường đến các lãnh tụ dân tộc và không quá lời khi nhận định rằng đó là thời kỳ rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có thể nói, không khí thời đại, không khí hừng hực chiến đấu của cả dân tộc đã góp phần không nhỏ cộng hưởng cho thành công của các hình tượng nghệ thuật này.
Ngày nay, lý tưởng đẹp đẽ mà người cộng sản phấn đấu hi sinh, không quản ngại khó khăn gian khổ, thậm chí chấp nhận trả giá bằng sinh mạng mình cho lý tưởng… vẫn là nét đẹp đối với con người của thời đại mới. Thời gian đã chứng tỏ, lý tưởng đó không hề mất đi giá trị cao quý của nó ở một thời điểm lịch sử nào, mà đó là mục tiêu tôn chỉ, mục đích sống của những con người tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện đại, thế hệ trẻ không ít người mất phương hướng, sống không có lý tưởng, chạy theo những giá trị phù phiếm. Sức mạnh giáo dục đối với thế hệ trẻ năng động nhưng dễ nghiêng ngả hôm nay của hình tượng người chiến sĩ cộng sản đã và đang trở thành điều cấp thiết giúp họ kế thừa được lý tưởng sống đẹp đẽ, trong sáng đó. Xã hội hôm nay đã và đang rất cần khẳng định lại lý tưởng của người cộng sản như một biểu tượng của tính nhân văn, tình cảm con người với cách sống vì người vị tha.
Trên sân khấu nói chung, sân khấu chèo nói riêng vẫn có sự xuất hiện các tác phẩm về người cộng sản như một mảng đề tài có tính chất xuyên suốt vì lý tưởng đẹp đẽ ấy vẫn rất cần thiết trong bất kỳ xã hội nào. Ta có thể thấy, sự thành công của các vở chèo như Ni cô Đàm Vân, Tuổi trẻ Nguyễn Văn Cừ, Soi bóng người xưa, Trần Thành Ngọ, Cô hàng rau… và gần hơn là những thành công của các vở Những vần thơ thép, Mệnh lệnh thần kỳ… là sự minh chứng đẹp nhất cho ý kiến này. Khả năng gợi cảm và thuyết phục của hình tượng nghệ thuật về người cộng sản bất khuất trong chiến đấu vẫn tiếp tục toả sáng chính nhờ sự thành công của những vở diễn tiếp nối quá trình xây dựng mẫu nhân vật đẹp đẽ, đại diện cho lý tưởng cách mạng.
Nhưng rõ ràng là, mặt trận thực sự của người chiến sĩ cộng sản hôm nay, sự nghiệp xây dựng và đổi mới đã đặt ra những yêu cầu mới đối với những con người tiên phong trong cuộc sống. Ngoài ý thức chính trị, nghị lực cách mạng còn là khả năng không ngừng vươn lên nắm vững tri thức khoa học, có được những hiểu biết trong lĩnh vực của mình nếu không sẽ tụt hậu và đôi trường hợp sẽ trở thành lực cản tiến bộ xã hội. Thang bậc đánh giá, chuẩn mực xã hội có rất nhiều thay đổi nhưng phẩm giá của người cộng sản không hề thay đổi. Tiếp nhận không còn đồng thuận nhưng đề tài này thực sự chưa tỏ rõ sức mạnh của mình khi vẫn bị đánh giá là khô khan, chưa có nhiều sáng tạo mới để hấp dẫn hơn mà vẫn đi theo lối mòn quen thuộc trong cách dựng, diễn về đề tài. Bởi thế rất cần sự sáng tạo đem lại sức sống mới cho một đề tài đã trở thành truyền thống theo năm tháng như đề tài người cộng sản trên sân khấu chèo.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục tư tưởng đạo đức cách mạng trong thời đại mới, đặc biệt là phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của Bác Hồ phải trở thành phong trào thực sự đi sâu lan rộng trong tâm thức người dân chứ không chỉ là sự thi đua mang tính hình thức. Lý tưởng sống đẹp đẽ rạng ngời của Người cùng những công lao cho dân tộc đã để lại bao bài học tư tưởng đáng quý, rất cần được tuyên truyền cho thế hệ trẻ.
Trên thực tế, khá nhiều năm sân khấu chèo bị chao đảo bởi khủng hoảng người xem, bài toán về xu hướng xã hội hoá… Vì thế, rất nhiều người làm nghề buộc phải hạ thấp chức năng giáo dục và đề cao, nhấn mạnh hơn cho những giá trị có tính thương mại, giải trí trong tác phẩm. Đề tài về người chiến sĩ cộng sản với tính giáo dục cao đã được khai thác nhiều dễ rơi vào khô khan, cứng nhắc, sẽ không được người sáng tạo quan tâm. Có thể thấy, khá lâu nay, sân khấu nói chung, sân khấu chèo nói riêng quên lãng mảng đề tài quan trọng này.
Năm 2005, Nhà hát Chèo Việt Nam đã đặc biệt thành công với vở diễn Những vần thơ thép viết về Bác, người cộng sản tiêu biểu. Chính thành công đó như một cú hích cho người sáng tạo cũng như người tiếp nhận với mảng đề tài vốn có tính truyền thống của sân khấu Việt Nam. Hình tượng đẹp đẽ của người cộng sản tiêu biểu - Hồ Chí Minh - vẫn vẹn nguyên sức lay động con tim của đông đảo công chúng. Điều đó khiến cho người làm nghề thêm tin tưởng vào sức sống của hình tượng các nhân vật cộng sản trên sàn diễn, miễn sao sức sáng tạo đem lại nét mới mẻ, dễ thuyết phục để có thể hấp dẫn người xem hôm nay. Nếu thành công từ những tác phẩm như vậy, ta sẽ có thêm niềm tin để tiếp tục sáng tạo, kiếm tìm sự ủng hộ cho hình tượng nhân vật cộng sản trên sân khấu của ngày hôm nay. Năm 2008, Hội diễn toàn quân, Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần dàn dựng Đêm trắng có sự xuất hiện của Bác không nhiều nhưng bao trùm toàn cảnh không gian, thời gian kịch đã có tiếng vang lớn, thành công khi biểu diễn cho đông đảo công chúng. Đó cũng là bài học cho chèo trong xây dựng hình tượng người chiến sĩ cộng sản trên sàn diễn chèo đương đại. Và những thành công được đánh giá cao về mặt nghệ thuật (các Huy chương vàng, bạc…) cũng như sự thuyết phục đối với đông đảo công chúng (thông qua số buổi biểu diễn từ Bắc vào Nam) của các vở diễn như thế thực sự là niềm động viên, khích lệ đối với những ai còn tâm huyết trong sáng tạo nghệ thuật về người chiến sĩ cộng sản.
Sự đón nhận nồng nhiệt và đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như đông đảo khán giả đối với các tác phẩm nói trên đã chứng minh sự thành công của chèo hiện đại trên mọi phương diện: kịch bản, dàn dựng, biểu diễn… Các vở chèo xây dựng hình tượng nghệ thuật trung tâm là người chiến sĩ cộng sản đã có được nhiều sáng tạo đạt tới giá trị cao về mặt nghệ thuật, đặc biệt là góp phần to lớn vào việc “hiện đại hoá” nghệ thuật chèo trên cơ sở kế thừa tinh hoa vốn cổ.
Vấn đề vận dụng những tinh hoa của chèo cổ để diễn tả, xây dựng hình tượng người cộng sản đã được đặt ra một cách rất tự nhiên trong đời sống của chèo, do sức sống mãnh liệt của nghệ thuật chèo, để tạo ra một truyền thống nối tiếp từ xã hội cũ, con người cũ sang xã hội mới, con người mới mà tiêu biểu là cuộc đấu tranh cách mạng mà người chiến sĩ cộng sản là trung tâm. Cũng chính từ những vở chèo này, ta thấy rõ sự kết hợp giữa hai cách biểu hiện hiện thực và cách điệu. Cái thật là những tình tiết có thật, những nhân vật có thật như người ta thường hình dung nhưng khi vào chèo các tác giả đã lựa chọn được những tình tiết tiêu biểu và nhân vật được điển hình hoá, khắc hoạ theo phong cách riêng của nghệ thuật chèo, với đặc trưng vốn có là ước lệ, tả ý.
4. Phương hướng xây dựng hình tượng người chiến sĩ cộng sản trên sân khấu chèo hiện đại
4.1. Về đề tài và chủ đề tác phẩm
Nhiệm vụ mới của công cuộc cách mạng là xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để thực hiện thành công nhiệm vụ ấy, toàn xã hội vẫn phải kiên trì đấu tranh quyết liệt với sự chống phá của các thế lực phản động, với những biểu hiện tiêu cực nảy sinh trong xã hội, đặc biệt là sự sa sút về lý tưởng, về đạo đức, lối sống dẫn đến sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận không nhỏ đảng viên. Trong cuộc đấu tranh mới này, người chiến sĩ cộng sản vẫn đóng vai trò trung tâm, tiên phong trên mọi mặt trận. Nếu hiểu từ mặt trận theo như định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt là lĩnh vực hoạt động, là nơi đang diễn ra những cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt thì chính ngay ở thời điểm hiện tại, khi xu hướng hội nhập đang là xu hướng chủ đạo của nhân loại - rõ ràng là văn hoá, nghệ thuật đang là mặt trận đấu tranh dữ dội nhất. Trong tiến trình đó, văn hóa, nghệ thuật thực sự là một mặt trận, là một lĩnh vực đang diễn ra quá trình đấu tranh mạnh mẽ nhất để duy trì đặc trưng văn hoá của mình, chống lại sự hoà tan. Đòi hỏi ngày một cao hơn với văn hoá, nghệ thuật nói chung, sân khấu chèo nói riêng chính là nhằm thông qua tác phẩm có được những bài học, tư tưởng mang tính khái quát cao, những đòi hỏi có tính xác quyết về sự tồn tại lâu dài của tác phẩm chính là tính triết học, đạo đức, nhân sinh mà thông qua đó, tác phẩm còn thể hiện tốt ý nghĩa chính trị lớn lao của nó vẫn là đòi hỏi của thời đại hôm nay. Bối cảnh xã hội thời kỳ đổi mới bỗng trở nên bề bộn, đa dạng, phức tạp đến mức khiến nhiều người cảm thấy bối rối, hoang mang trước những cách nhìn mới, cách nói mới về cuộc sống và con người. Nhưng mặc cho xã hội đang có quá nhiều biến động, có quá nhiều xung động đa chiều và rất nhiều chuẩn mực mới đang được đặt ra thì lý tưởng, thẩm mĩ của chủ nghĩa cộng sản vẫn là lý tưởng chính thống và mẫu mực mà cả xã hội Việt Nam đang hướng tới. Chính vì vậy, cuộc chiến đẫm chất nhân văn, không kém phần gay go quyết liệt và giàu hơn chất tinh tế vẫn là đích đến cần thiết cho sân khấu nói chung, sân khấu chèo nói riêng đi vào khai thác hình tượng người cộng sản đã trở thành mẫu hình truyền thống trong nghệ thuật cách mạng.
4.2. Về cách xây dựng hình tượng nhân vật
Ngày nay, các yếu tố nội tại như tâm tư, tình cảm, nhận thức… của người cộng sản cũng có những thay đổi. Các nghệ sĩ chèo không thể áp dụng nguyên trạng những hình mẫu nhân vật đã từng thành công trong thời kỳ trước để xây dựng hình tượng người chiến sĩ cộng sản trên sân khấu chèo hôm nay mà bắt buộc phải rút ra những bài học cần thiết để có thể phản ánh chân thực nhất và chiếm lại cảm tình của công chúng với hình tượng nghệ thuật mình mang đến. Hình tượng người chiến sĩ cộng sản trên sân khấu ngày nay không nên xây dựng theo hướng lý tưởng hoá quá cao, thậm chí đến mức tuyệt đối hoá như trong nhiều tác phẩm thời kỳ trước. Xã hội hiện đại đang tạo ra rất nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn trên mọi lĩnh vực đời sống và văn hoá nghệ thuật không thể thoát ra ngoài những ảnh hưởng chung của xã hội. Nói một cách nôm na thì hình tượng người cộng sản hôm nay cần phải “đời” hơn, mềm mại hơn. Dù vẫn mang tính chất lý tưởng hoá, điển hình nhưng cần bám sát hơn vào cơ sở hiện thực, tránh “tô hồng” nhân vật đến độ “thần thánh hoá” khiến người xem khó chấp nhận. Hình tượng người chiến sĩ cộng sản trên sân khấu chèo hôm nay cũng cần được xây dựng theo hướng phong phú hoá, đa dạng hoá. Khái niệm “người cộng sản” cũng cần được hiểu với nghĩa rộng hơn, không dành riêng để chỉ những người đảng viên. “Người cộng sản” là tất cả những người mang trong mình lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, cho dù nhận thức về lý tưởng còn ở mức độ rất khác nhau. Khi suy nghĩ và hành động của họ hướng theo lý tưởng cộng sản, tấm gương của họ có giá trị lay động, cổ vũ đông đảo quần chúng hướng theo lý tưởng ấy, họ hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “người chiến sĩ cộng sản”. Sẽ là thiếu sót rất lớn nếu xây dựng hình tượng người chiến sĩ cộng sản trên sân khấu chèo chỉ chăm chú vào việc đề cao các gương đảng viên cộng sản mà lãng quên không khai thác những hình mẫu nhân vật ngoài Đảng nhưng có những hành động, tư tưởng lớn lao, có tác dụng cổ vũ quần chúng như vậy. Sân khấu cần phải đi vào cuộc đấu tranh chống những gì là cản trở, những cái chưa tốt để khẳng định cái tốt, cái ưu việt của chế độ ta và đồng thời làm chói ngời lên những con người mới, những nhân tố mới trong giai đoạn mới của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhận thức sâu sắc về vấn đề này chính là yếu tố tiên quyết để những người làm chèo có thể xây dựng thành công hình tượng người chiến sĩ cộng sản trên sân khấu.
5. Đề xuất giải pháp
Để khắc phục tình trạng ngày một thiếu vắng hình tượng nhân vật chiến sĩ cộng sản trên sàn diễn sân khấu nói chung, sân khấu chèo nói riêng hiện nay, rất cần có những giải pháp để thực hiện việc nâng cao cả về nội dung cũng như chất lượng nghệ thuật cho hình tượng nhân vật này. Quan thiết hơn cả, chúng ta phải có cách đốt lại lửa nhiệt tình của những người làm nghề chèo hôm nay đối với hình tượng người chiến sĩ cộng sản. Từ khâu đầu tiên là tác giả kịch bản cho tới khâu cuối cùng, thể hiện trước công chúng, rất cần một sự tâm huyết hơn với hình tượng nghệ thuật có phần nào bị quên lãng trong bối cảnh xã hội hiện đại. Nhiều biện pháp phải được thực hiện đồng bộ mới có thể đem lại kết quả như mong muốn. Với tầm kiến giải còn nông cạn của mình nhưng với tình yêu mến dành cho hình tượng cao quý người cộng sản, tác giả bài viết xin mạnh dạn đưa ra một số giải pháp sau để góp sức nhỏ bé giải quyết vấn đề này:
- Tăng cường thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các tấm gương điển hình cho phẩm chất của người cộng sản trong thời kỳ mới để các văn nghệ sĩ có thêm tư liệu phục vụ cho sáng tác.
- Tổ chức cho các văn nghệ sĩ đi tìm hiểu thực tế công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là các lĩnh vực quan trọng của xã hội như kinh tế, pháp luật, y tế, giáo dục, phòng chống tham nhũng, phòng chống tệ nạn xã hội… Chú trọng tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ tiếp xúc với các tấm gương điển hình cho phẩm chất của người cộng sản trong thời kỳ mới.
- Tổ chức các cuộc toạ đàm, học tập… để nâng cao nhận thức của các văn nghệ sĩ về chủ nghĩa xã hội và con người mới xã hội chủ nghĩa, nhất là đối với thế hệ nghệ sĩ trẻ (tầng lớp sinh ra và trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất).
- Tổ chức các cuộc vận động, cuộc thi sáng tác kịch bản chèo về đề tài cuộc đấu tranh cách mạng trong giai đoạn mới, trong đó lấy hình tượng người chiến sĩ cộng sản đã được mở rộng cách hiểu như đã trình bày trên đây làm nhân vật trung tâm của tác phẩm.
- Tổ chức các hội thảo, toạ đàm có chất lượng, mời các nhà lý luận, các nhà làm nghề cùng những lãnh đạo quản lý văn hoá để bàn luận và tìm ra phương hướng đúng đắn, trao đổi kinh nghiệm xây dựng hình tượng người chiến sĩ cộng sản trên sân khấu chèo.
- Đầu tư nhiều hơn vào các công trình nghiên cứu, lý luận về việc xây dựng hình tượng người chiến sĩ cộng sản trên sân khấu, mảng đề tài hiện tại không được quan tâm nhiều như vị trí cần thiết của hình tượng này trên sàn diễn chính thống của chúng ta.
- Đưa vấn đề xây dựng các vở diễn có đề tài nói trên vào định hướng xây dựng kịch mục của các đoàn nghệ thuật với những yêu cầu về tỉ lệ tương xứng.
- Hỗ trợ kinh phí đủ và cần thiết để các đoàn nghệ thuật đưa các tác phẩm nói trên vào dàn dựng và biểu diễn.
- Hỗ trợ kinh phí để các đoàn nghệ thuật có thể giảm giá vé hoặc biểu diễn miễn phí nhằm thu hút khán giả đến với các vở diễn nói về người cộng sản.
Các giải pháp trên đây rõ ràng chưa đủ và chưa hoàn toàn thuyết phục nhưng có lẽ sẽ đem lại những gợi mở cần thiết nếu chúng ta vẫn muốn duy trì mảng đề tài quan trọng này trên sàn diễn chèo. Với tâm huyết của một người yêu mến đối tượng nghiên cứu của mình cùng tình yêu với nghệ thuật chèo, xin được gióng lên tiếng chuông về sự thiếu vắng mảng phản ánh này trên chiếu chèo hiện đại để có những cải thiện cần thiết.
Chú thích:
1 Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam, tập 2, tr. 305.
2, 3, 4 Hình tượng người cộng sản trên sân khấu, Viện Sân khấu xuất bản, 1996, tr. 10, 57-58, 61.