Đất nước Việt Nam đang tiếp nối những phát triển và thành tựu mới, nhiều lĩnh vực về văn hóa, nghệ thuật có nhiều thay đổi. Đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng là nét văn hóa mang biểu tượng cao đẹp làm nên sức mạnh và sự trường tồn quốc gia, là nguồn cảm hứng sáng tạo của họa sĩ người Việt, là mảng đề tài rộng mở cho sáng tạo nghệ thuật. Nhiều tác phẩm tạo hình với góc nhìn khác nhau trong cuộc sống thường nhật, với tinh thần vun đắp, nuôi dưỡng khí chất cách mạng Việt Nam, hình tượng anh chiến sĩ cách mạng Việt Nam bình dị, kiên cường, dũng cảm, khiêm nhường, không sợ hi sinh gian khổ, với lý tưởng vì tình yêu hòa bình… đã trở thành nguồn cổ vũ vững bền, góp phần làm nên sức mạnh của cách mạng Việt Nam.
Những năm gần đây, nội dung đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật tại các cuộc triển lãm mĩ thuật trong nước và quốc tế. Thông qua những cuộc triển lãm mĩ thuật có sự quy tụ của họa sĩ ba miền Bắc, Trung, Nam, một số tác phẩm có hình thức phong phú, đa dạng về hướng tạo hình đã có bước tiến về nội dung, kỹ thuật và tư duy trong sáng tạo; được bổ sung, tích lũy, kiến thức nghệ thuật hiện đại cùng những thay đổi trong hoạt động sáng tác, góp phần vào sự phát triển và nâng cao tinh thần yêu nước trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam.
Bài viết khảo sát các tác phẩm tạo hình hội họa và đồ họa về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng trong vựng tập Triển lãm Mĩ thuật toàn quốc (1990-2023); Vựng tập tác phẩm mĩ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng qua các trại sáng tác (2016-2022); Triển lãm mĩ thuật toàn quốc đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng giai đoạn 2019-2024; Tuyển tập tác phẩm mĩ thuật Câu lạc bộ Cựu chiến binh và kháng chiến, Câu lạc bộ Người cao tuổi (2022) và một số tác phẩm trong triển lãm thường niên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Qua đó phân tích một số tác phẩm thể hiện bằng các loại hình, kỹ thuật, chất liệu, phong cách, bút pháp tạo hình khác nhau về những chủ đề tình yêu, gia đình, đồng đội, cuộc sống và những ký ức của chiến tranh… qua nhiều cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật, góp phần mang lại giá trị thẩm mĩ tạo hình về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng cũng như hình tượng chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.
1. Hoạt động sáng tác tạo hình về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng
Mĩ thuật tạo hình Việt Nam góp phần vào sự phát triển văn hóa, nghệ thuật trong sự hội nhập quốc tế; mĩ thuật tạo hình hiện đại luôn đi liền với tiềm thức văn hóa con người Việt Nam. Các họa sĩ sáng tạo những tác phẩm mĩ thuật thể hiện về ý thức thẩm mĩ và giá trị nghệ thuật, nhiều thành quả sáng tác có nét đẹp về hình tượng người chiến sĩ cách mạng Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại. Hình tượng chiến sĩ trong nghệ thuật ca ngợi ý chí, tinh thần tham gia cách mạng vì Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của dân tộc, hướng tới ước vọng, lý tưởng, thể hiện thông điệp tươi sáng, hòa bình.
Các tác phẩm thu hút từ các góc độ tạo hình thuộc hội họa và đồ họa thể hiện bằng các chất liệu khác nhau là một thế mạnh trong sáng tạo về nghệ thuật tạo hình; cùng với tư duy sáng tạo thể hiện về ý thức thẩm mĩ, giá trị nghệ thuật, phần nhiều tác phẩm được nghiên cứu nội dung hình tượng chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Nội dung đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng sáng tạo, khai thác chiều sâu về tinh thần yêu nước, thể hiện những giá trị nghệ thuật, tinh thần, khí chất, đặc điểm vùng miền trên đất nước Việt Nam. Có thể thấy hình tượng người chiến sĩ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với các nội dung như: tình quân dân, người chiến sĩ trên thao trường, sinh hoạt của người chiến sĩ… là nét riêng trong nghệ thuật tạo hình, có đóng góp nâng tầm giá trị văn hóa, nghệ thuật về hình tượng chiến sĩ cách mạng Việt Nam hiện nay.
Những năm gần đây, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Cục Tuyên huấn, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam; Hội Mỹ thuật Việt Nam; Hội Mỹ thuật các địa phương… thường xuyên tổ chức trại sáng tác, hội thảo, workshop, triển lãm về các loại hình mĩ thuật với quy mô trong nước và quốc tế. Những hoạt động đa chiều về sáng tạo mĩ thuật, trong đó có lồng ghép nội dung đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng, các hình thức tư duy sáng tạo được cập nhật, chia sẻ qua các diễn đàn, giao lưu học thuật tiếp nối phát triển, cho phép tìm tòi mọi thể loại, kỹ thuật và chất liệu để sáng tác tạo hình.
Năm 2022, trong Tuyển tập tác phẩm mĩ thuật Câu lạc bộ Cựu chiến binh và kháng chiến, Câu lạc bộ người cao tuổi của Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; tập sách Kỷ niệm 60 năm thành lập Phòng Hội họa giải phóng (1962-2022) có khoảng 30 tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng được trình bày trong vựng tập. Đây cũng là sự quan tâm đặc biệt của Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đối với mảng đề tài này, tạo được sự chú ý hơn của họa sĩ đối với việc sáng tạo nghệ thuật tạo hình.
Triển lãm Mĩ thuật toàn quốc là sự kiện văn hóa nghệ thuật theo thường kỳ, nơi trưng bày kết quả sáng tạo các tác phẩm mĩ thuật có đóng góp tạo ra giá trị thẩm mĩ tạo hình theo xu hướng mới gắn liền với sự hình thành và phát triển mĩ thuật Việt Nam. Trong 7 vựng tập từ năm 1990 đến 2023, có khoảng 210 tác phẩm; triển lãm chuyên đề mĩ thuật toàn quốc về đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng giai đoạn 2019-2024, có 150 tác phẩm hội họa, 20 tác phẩm đồ họa. Tùy vào sở trường cá nhân, mỗi họa sĩ sáng tác trên các chất liệu khác nhau, đa phần các tác phẩm thể hiện những tìm tòi làm mới chất liệu và kỹ thuật tạo hình.
Ngoài ra còn có rất nhiều hoạt động như trại sáng tác, workshop chuyên đề, triển lãm thường niên theo khu vực của Hội Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm của các Hội Mỹ thuật địa phương, triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân… đều có những tác phẩm chuyển tải nội dung hình tượng người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Như vậy, cho thấy sự nỗ lực của các họa sĩ trong sáng tác và công bố tác phẩm trong các không gian khác nhau, tạo được điểm nhấn nghệ thuật. Mặc dù đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng chưa thu hút và lan tỏa sâu rộng nhưng qua các hoạt động mĩ thuật vẫn luôn là nét riêng trong sáng tạo nghệ thuật tạo hình, có những đóng góp thúc đẩy sự phát triển chung của mảng đề tài này trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam.
2. Tác phẩm tạo hình sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng
2.1. Tác phẩm hội họa
Các tác phẩm hội họa chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, acrylic, tổng hợp vẫn luôn là một thế mạnh trong hoạt động sáng tạo và có dấu ấn về nghệ thuật. Những tác phẩm có chất lượng tập trung nhiều ở các chất liệu hội họa, phản ánh tình cảm của các họa sĩ sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng, thể hiện đa dạng thể loại và nội dung của đề tài. Những tác phẩm hội họa không chỉ nổi bật lên ở mảng chất liệu, kỹ thuật tạo hình mà còn cả ở những tìm tòi đổi mới, những thay đổi về thể nghiệm chất liệu và hình thức nghệ thuật.
- Chất liệu sơn dầu:
Sơn dầu là chất liệu phổ biến, có thể vận dụng linh hoạt giữa yếu tố ngôn ngữ truyền thống và hiện đại. Sơn dầu có đặc điểm dễ pha màu và kỹ thuật sử dụng tiện ích, có thể vẽ trong mọi điều kiện. Mỗi họa sĩ đều có bút pháp thể hiện riêng biệt, sự tìm tòi sáng tạo của mỗi họa sĩ tạo hiệu quả có chất lượng tạo hình phù hợp nhất. Các tác phẩm về chủ đề lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng có tư duy sáng tạo và ngôn ngữ biểu đạt phong phú. Nhiều tác phẩm đi sâu khắc họa hình tượng chiến sĩ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, như: Đảm bảo khí tài (sơn dầu, 120x140cm, 2018) của Nguyễn Phú Hậu; Tuần tra biên giới (sơn dầu, 80x140cm, 2019) của Nguyễn Duy Huyên; Hạ quyết tâm vào trận (sơn dầu, 90x120cm, 2018) của Phạm Hồng Phong; Trước giờ xuất kích (sơn dầu, 120x140cm, 2018) của Đoàn Quốc; Giúp dân (sơn dầu, 50x60cm, 2000) của Phạm Sỹ; Nẻo đường Trường Sơn (sơn dầu, 140x160cm) của Nguyễn Thanh Châu; Bác Hồ về căn cứ (sơn dầu, 100x130cm, 2016) của Tạ Kim Dung; Ấm tình biên cương (sơn dầu, 90x90cm) của Phan Văn Xung; Nắng thao trường (sơn dầu, 85x115cm) của Lương Văn Phương; Vui cùng biển đảo (sơn dầu, 100x120cm, 2019) của Lê Hùng; Những người lính thợ (sơn dầu, 120x120cm, 2019) của Bùi Anh Hùng; Những người thợ xây cầu khoác áo lính (sơn dầu, 110x160) của Phạm Văn Hải; Huyền thoại Trạm Thản (sơn dầu, 100x120cm) của Nguyễn Quang Hưng; Đàn chim Việt (sơn dầu, 120x180cm) của Đặng Mậu Triết; Trường Sa tuyến đầu Tổ quốc (sơn dầu, 120x140cm, 2014) của Hồ Minh Quân; Trường Sơn những ngày đánh Mỹ (sơn dầu, 120x140cm) của Hồ Minh Quân; Chiến tranh đi qua (sơn dầu, 70x160cm) của Lê Đức Tùng; Đường vào chiến dịch (sơn dầu, 190x190cm) của Đỗ Kích…
Tác phẩm Tạm biệt đất liền (sơn dầu, 150x200cm) của Hồ Minh Quân có bố cục đặc tả hình tượng năm người lính hải quân đang đứng trên thuyền chào tạm biệt đất liền để đến với đảo Trường Sa trong quân phục của hải quân với khí chất, sắc thái của những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ; phía sau là cảnh biển, tàu hộ vệ đi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên vùng biển quê hương, chim hải âu, trời xanh và mây trắng cùng cảnh biển vẽ theo viễn cận đường chân trời, cảm nhận được trách nhiệm và niềm tin của chiến sĩ sẵn sàng bảo vệ tổ quốc. Bức tranh mang ý nghĩa về tinh thần lạc quan, kiên cường, ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo quê hương của các chiến sĩ hải quân. Lối vẽ dùng bút pháp hiện thực, sử dụng các màu xanh lam pha trắng, nâu vàng, gam màu lạnh chủ đạo. Tạo hình bằng những đường nét gấp khúc khỏe khoắn, mạnh mẽ, phối hợp các đường thẳng, đường cong một cách dứt khoát, mảng sắc độ sáng tối rõ ràng, mang hơi thở cuộc sống của con người và thiên nhiên, tạo nên một không gian sinh động, có giá trị nghệ thuật về biển đảo quê hương và người lính hải quân, đã góp phần vào việc khắc họa chân dung hình tượng chiến sĩ trong thời đại mới.
Hình 1. Tác phẩm Tạm biệt đất liền (sơn dầu, 150x200cm) của Hồ Minh Quân (Nguồn: Tác giả Hồ Minh Quân)
- Chất liệu sơn mài:
Sơn mài là chất liệu đặc trưng chuyên dụng sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật. Sơn mài cầu kỳ về kỹ thuật, họa sĩ thực hiện các bước từng công đoạn kỹ thuật, trong quá trình vẽ và thao tác mài tranh sẽ xuất hiện các lớp tạo chất ngẫu nhiên, sắc màu ẩn hiện bút pháp diễn chất đặc điểm của sự vật, không gian gần và xa thường có hiệu quả trong trẻo và sâu thẳm. Các tác phẩm sơn mài đa phần sử dụng lối vẽ khái quát, cách điệu hình tượng nghệ thuật trên chất liệu sơn mài, như: Căn cứ đặc công rừng Sác (sơn mài, 120x180cm, 2005) của Dương Văn Sen; Trăng vành đai (sơn mài, 100x140cm, 2000) của Huỳnh Thị Kim Tiến; Lũ (sơn mài, 100x140cm, 1998) của Hoàng Trầm; Đá mòn dạ chẳng mòn (sơn mài, 63x123cm, 1999) của Lê Thanh Trừ…
Tác phẩm Cứu dân vùng lũ (sơn mài, 120x180cm, 2024) của Trịnh Hoàng Tân là sự xuất hiện lối vẽ khái quát trên nền tảng chất liệu sơn mài truyền thống, phong cách tạo hình theo mảng diện phẳng, nét vẽ rắn mạnh, dứt khoát, thiên về tạo chất với các mảng hình đã được trừu tượng hóa cùng các chấm phá theo cảm xúc tạo hình. Sử dụng ngôn ngữ thị giác nhận biết từ những hình dạng, khuôn mẫu, màu sắc và đường nét để tạo nên một tác phẩm độc lập. Những hình mảng đều thay đổi, biến hóa, tối giản, cảm nhận được tinh thần của tác phẩm nghệ thuật có giá trị bên trong của tư duy họa sĩ và sự khám phá tư duy của chính người thưởng lãm. Hình thức và nội dung tác phẩm Cứu dân vùng lũ được hiểu rằng đó là một cách biểu hiện về một phong cách đơn giản. Màu sắc gam lạnh của bức tranh cộng thêm những mảng màu tương đồng xanh lục, vàng, trắng, đỏ gạch… những đường nét giữ hình theo mảng, chắc chắn, trong không gian bồng bềnh sông nước, hiện lên hình tượng người chiến sĩ cứu dân trong vùng lũ, giúp dân qua hoạn nạn, chấp nhận gian khổ, làm ấm lòng đồng bào, khiến tình quân dân thêm ngời sáng, ấm áp. Tác phẩm có sự biểu cảm của chất liệu sơn mài, đưa lối vẽ hiện đại vào tranh sơn mài truyền thống, biểu đạt xu hướng biểu hiện, vừa có tính trừu tượng, tính hiện thực, tính lập thể vừa mang dấu ấn cá nhân trong sáng tạo.
Hình 2. Tác phẩm Cứu dân vùng lũ (sơn mài, 120x180cm, 2024) của Trịnh Hoàng Tân (Nguồn: Triển lãm mĩ thuật toàn quốc đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng, 2024)
- Chất liệu lụa: Chất liệu lụa với đặc thù nhẹ nhàng, tinh tế tạo ra sự biểu cảm mềm mại, đằm thắm. Các tác phẩm vẽ trên chất liệu lụa còn khiêm tốn, ít hơn so với các chất liệu khác nhưng vẫn thể hiện sự tìm tòi, khai thác chất liệu truyền thống kết hợp với ngôn ngữ tạo hình hiện đại tạo ra sắc thái mới. Các tác phẩm lụa góp phần phong phú đa sắc màu, có sự chuyển biến về bút pháp, kỹ thuật thể hiện chất liệu lụa, như trong những tác phẩm: Bà Nguyễn Thị Định với nữ du kích (lụa, 70x94cm) của Trần Thị Phương Dung; Nghỉ giải lao (lụa, 120x180cm) của Lê Vinh; Bác Hồ với hải quân trên Vịnh Hạ Long (lụa, 68x88cm) của Đặng Đình Nguyễn; Nhịp dẫn (lụa, 85x115cm, 2014) của Nguyễn Việt Dũng; Dân quân (lụa, 84x124cm, 2014) của Dương Ánh; Nắm cơm vắt (lụa, 60x80cm, 2003) của Phan Văn Thăng; Trước giờ lên đường (lụa, 68x138cm, 2010) của Lê Văn Sửu…
Hình 3. Tác phẩm Mùa xuân trên đảo (lụa, 85x150cm, 2021) của Nguyễn Thị Thiền. (Nguồn: Triển lãm mĩ thuật toàn quốc đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng, 2024)
Trong tác phẩm Mùa xuân trên đảo (lụa, 85x150cm, 2021) của Nguyễn Thị Thiền, mùa xuân theo góc nhìn bức tranh mô tả cảnh dịp cuối năm, khi Tết đến thật gần, cũng là lúc khu vực quân cảng hải quân rộn ràng với những chuyến tàu đưa những kiện hàng quà Tết ý nghĩa, mang theo mùa xuân, ân tình và tình cảm của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển đảo thiêng liêng trên vùng biển của Tổ quốc. Tác phẩm thể hiện không gian viễn cận, bố cục tạo hình hòn đảo, con thuyền trên biển, các chiến sĩ hải quân, gia đình chiến sĩ, những cành đào, hàng hóa, chim hải âu, sóng biển, chân trời… gam màu xanh ngọc của nước biển, xanh dương của trang phục người lính, màu nâu xám vàng của bối cảnh và sự vật hòa quyện cùng cảm xúc tạo hình. Bút pháp vẽ theo mảng, hình dứt khoát, diễn tả chất lụa nhẹ nhàng, trong trẻo, cảm nhận được không khí chan hòa cùng tín hiệu của thiên nhiên về mùa xuân, cho thấy hiệu quả trong tranh lụa là chất liệu truyền thống có giá trị nghệ thuật. Nội dung tác phẩm chuyển tải niềm vui, niềm tự hào hân hoan, thể hiện tình cảm quân dân thắm thiết, đó là minh chứng góp phần tôn vinh bản chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Chất liệu acrylic:
Màu acrylic dễ sử dụng và tiện lợi nên được họa sĩ lựa chọn để vẽ tranh, có thể vẽ được trên hầu hết các vật liệu chứ không chỉ giấy thông thường; màu acrylic không bạc, có khả năng lên màu tạo ra vô số các sắc độ đậm nhạt, chất màu đều và mềm mịn, độ bền cao, có thể áp dụng các kỹ thuật tạo chất màu ngẫu nhiên trong sáng tạo, như những tác phẩm: Giao liên khu 5 (acrylic, 2021) của Lê Đức Biết; Thép nở hoa (acrylic, 125x185cm) của Lê Cảnh Oánh; Sức mạnh tiềm ẩn (acrylic, 150x150cm) của Hồ Minh Quân; Từ Bạch Đằng đến Trường Sa (acrylic,120x200cm) của Hồ Minh Quân; Những cây phong ba (acrylic, 120x140cm, 2024) Hồ Minh Quân; Chiều biên giới (acrylic, 90x120cm) của Nguyễn Huỳnh Mai; Nắng (acrylic, 100x100cm) của Hà Huy Chương; Tiềm nhập (acrylic, 120x180cm) của Mai Xuân Chung; Đường vào thành phố (acrylic, 130x130cm) của Ngô Đức Chung; Tình ca biển đảo (acrylic, 90x120cm, 2023) của Tạ Quang Tâm; Bảo dưỡng phao hàng hải (acrylic, 120x200cm) của Lê Huy khanh; Giao liên Khu 5 (arylic, 180x135cm, 2021) của Lê Đức Biết…
Trong tác phẩm Vang vọng Trường Sa (acrylic, 118x118cm) của Trần Xuân Bình, Trường Sa là một quần đảo, vùng lãnh thổ, lãnh hải, vùng đảo sóng gió, vỏ ốc trong tự nhiên có sự cộng hưởng tạo ra âm vang như tiếng sóng, kết nối hiện về câu chuyện huyền thoại của biển đảo, vỏ ốc biển mang ý nghĩa của sự bền vững và bảo vệ sự sống. Bố cục tạo hình chân dung ông lão trong trang phục truyền thống áo dài, đầu đội khăn đóng, đang thổi vỏ ốc, bên cạnh là nhóm thuyền buồm trên biển lồng lộng gió ra khơi. Lối vẽ chắt lọc về mảng, nét cách điệu hình sóng biển, ngư dân chèo thuyền trong buổi lễ hội tâm linh của miền biển. Gam màu xanh dương là chủ đạo, những cánh buồm trắng và nhóm thuyền được khái quát cao… Tác giả khơi gợi âm vang từ tiếng sóng, như khắc vào tâm khảm bao thế hệ âm thanh của biển Trường Sa, khi nghe thấy tiếng biển là âm vang của ngàn xưa xô bờ, như lời nhắn gửi của cha ông đến sự tiếp nối bảo vệ tiếng sóng biển, chính là giữ gìn tâm hồn của Tổ quốc.
Hình 4. Tác phẩm Vang vọng Trường Sa (acrylic, 118x118cm) của Trần Xuân Bình. (Nguồn: Triển lãm mĩ thuật toàn quốc đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng, 2024)
Các họa sĩ đã lựa chọn bổ sung những chất liệu mang lại sự thuận lợi về điều kiện thực hành sáng tạo nghệ thuật theo ý tưởng tạo hình của cá nhân. Chất liệu acrylic có tính năng thân thiện, thực sự phù hợp đối với các họa sĩ, đã trở thành một chất liệu không thể thiếu trong quá trình thực hành nghệ thuật.
2.2. Tác phẩm đồ họa tạo hình
* Tác phẩm đồ họa tranh in:
Đối với các tác phẩm mĩ thuật tạo hình đồ họa được hiểu như sau: Đồ họa tranh in nổi, in phẳng, in chìm, in xuyên, in độc bản, in tổng hợp; các chất liệu hình thức nghệ thuật đương đại tranh in theo hướng mở. Theo đó, trong quá trình phát triển của mĩ thuật tạo hình hiện nay thì khái niệm đồ họa tranh in đã được mở rộng, bao gồm gần như các loại hình, chất liệu có thể tạo nên tính thẩm mĩ nghệ thuật tranh in và hình thành dựa trên nhiều góc nhìn trong thực tiễn sáng tác tạo hình về nghệ thuật đồ họa tạo hình.
- Khắc in gỗ:
Kỹ thuật in khắc gỗ là phương pháp in nổi, chất liệu gỗ, khi khắc dễ dàng làm chủ được nét khắc và độ đậm nhạt. Tranh khắc in gỗ có hai hình thức in khắc gỗ đen trắng và tranh khắc gỗ màu, thể hiện ngôn ngữ tạo hình khái quát, mộc mạc, chất tạo hình xốp, chắc khoẻ và tách bạch các độ đậm nhạt. Một số tác phẩm khắc in gỗ như: Mẹ Việt Nam anh hùng (in khắc gỗ, 80x100cm, 2019) của Hoàng Hải Thọ; Xem ảnh Cụ Hồ (khắc gỗ, 39x42cm) của Nguyễn Trọng Hợp; Đường Trường Sơn 1971 (khắc gỗ, 60x80cm, 2016) của Huỳnh Văn Thuận; Ký ức (khắc gỗ, 50x70cm, 2022) của Vũ Trọng Thành; Những người thầm lặng (khắc gỗ, 71x93cm) của Lê Hải Anh; Hẹn ước (khắc gỗ, 55x110cm) của Bùi Thị Ngoan; Về thăm nhà (khắc gỗ màu) của Mai Thanh Hưng; Đặc công (khắc gỗ màu, 75x145cm, tranh bộ 2 bức) của Lương Văn Lưu; Huyền thoại ngã ba Đồng Lộc (in gỗ màu) của Trịnh Bá Quát…
Hình 5. Tác phẩm Vũ điệu chiến thắng (khắc gỗ, 58x58cm) của Vũ Duy Nhi. (Nguồn: Vựng tập triển lãm mĩ thuật toàn quốc 1996-2020)
Tác phẩm Vũ điệu chiến thắng (khắc gỗ, 58x58cm) của Vũ Duy Nhi với bố cục tạo hình trong không gian ước lệ, nét khắc hình mảng chắc khỏe, diễn tả bối cảnh nhảy sạp của nhóm anh bộ đội và các cô gái Thái. Đội múa sạp có tốp sáu nhân vật được cùng múa các động tác khác nhau, cùng bốn người đập sạp theo nhịp, nhẹ nhàng, tạo ra nhịp điệu trong tác phẩm. Múa sạp là nét đẹp trong văn hóa Tây Bắc, đồng thời cũng là vũ điệu gắn kết cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Tây Bắc. Tác phẩm gửi đến thông điệp về tình đoàn kết của quân và dân trong cộng đồng các dân tộc, làng bản.
- In kim loại:
Kỹ thuật in chìm bao gồm kỹ thuật in khắc lõm trên chất liệu kim loại (đồng, kẽm, inox, nhôm). Tranh khắc kim loại sử dụng nguyên lý in chìm, các phần tử cần in sẽ được khắc lõm xuống mặt tấm kim loại để chứa mực in, chỗ khắc càng sâu, mực càng đậm sẽ tạo ra độ đậm nhạt cho bức tranh.
Tác phẩm Tình yêu hòa bình (in đồng, 60x80cm) của Nguyễn Thị Hải Hòa lấy ý tưởng từ khoảnh khắc “em bé tượng đài” dưới mưa cùng chú bộ đội hóa thân thành người chiến sĩ Điện Biên năm xưa trong buổi lễ chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trang phục chiến sĩ mặc áo trấn thủ, đội mũ nan tre bọc vải ngụy trang, em bé mặc váy cóm truyền thống của người Thái, đậm màu sắc dân tộc. Bố cục tác phẩm cắt cận cảnh hình tượng chiến sĩ bế em bé nâng cánh chim bồ câu, mỏ chim ngậm cành hoa ban, không gian là những hạt sương rơi như ngàn vì sao trong ngần, sống động; những họa tiết trên áo bé gái, cánh hoa, chim bồ câu, trang phục của chú bộ đội được tạo chất trong kỹ thuật khắc in, có sự chỉn chu về đối tượng miêu tả, biểu hiện hình tượng nghệ thuật hiện thực lãng mạn. Kỹ thuật khắc in đồng (hardgound, aquatint, drypoint) đẩy sâu cận cảnh trong tự nhiên, bút pháp tạo hình chăm chút đường nét, xử lý chất liệu đi sâu vào chi tiết họa tiết ở trọng tâm, đó cũng là điểm nhìn chính của nhân vật bé gái và chú bộ đội, chim bồ câu cùng hướng lên bầu trời hòa bình, mang đậm chất thơ, tạo không khí một khoảnh khắc trong sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên của không gian vùng Tây Bắc, sử dụng gam màu trong trẻo tươi sáng, biểu hiện hình thể mang vẻ đẹp hoài niệm về ký ức hiện hữu trong một góc nhìn cuốn hút, có ý nghĩa tiếp nối tình yêu hòa bình là vĩnh cửu trong nét đẹp tạo hình hiện đại.
Hình 6. Tác phẩm Tình yêu hòa bình (chất liệu khắc in đồng) của Nguyễn Thị Hải Hòa. (Nguồn: Triển lãm mĩ thuật toàn quốc đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng, 2024)
- Kỹ thuật in đá (lithography):
Kỹ thuật in đá (in thạch bản) dùng sáp dầu hoặc sáp nước vẽ trên đá, kết hợp với các hóa chất phụ trợ như phủ gum arabic, nhựa thông khô, axit ăn mòn, dầu hỏa, phấn rôm, mực in… Tranh in đá có đặc điểm là có thể giữ nguyên tinh thần của nét vẽ, như tác phẩm Người mẹ (in đá màu, 1995) của Trần Thanh Bình…
Hình 7. Tác phẩm Qua suối Trường Sơn (chất liệu in đá) của Trần Văn Quân. (Nguồn: Vựng tập triển lãm mĩ thuật toàn quốc 1996-2000)
Tác phẩm Qua suối Trường Sơn (in đá) của Trần Văn Quân, sự sáng tạo trong kỹ thuật in đá đơn sắc biểu hiện hài hòa giữa hình thức và nội dung, lối vẽ hiện thực diễn tả trong bối cảnh đoàn quân qua suối trong rừng Trường Sơn, hình tượng đoàn quân lúc ẩn, lúc hiện sau xen lẫn những cây cổ thụ, các lùm cây, các mảng hình ở vị trí xa gần trong sắc độ đậm nhạt, tạo nên không gian hùng vĩ của núi rừng. Tác phẩm Qua suối Trường Sơn lưu lại là ký ức hành quân giữa rừng xanh, niềm tự hào mang dấu ấn lịch sử và thời đại trên con đường Trường Sơn huyền thoại, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Trong nghệ thuật tạo hình đồ họa tranh in, các tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng đã công bố cho thấy những tác phẩm đồ họa không chỉ nổi bật lên ở mảng chất liệu, kỹ thuật tạo hình mà xuất hiện những tìm tòi đổi mới về thể nghiệm chất liệu và hình thức nghệ thuật trong tác phẩm.
* Tác phẩm đồ họa tạo hình khác:
- Chất liệu sơn khắc:
Chất liệu sơn khắc tạo hình trên tấm vóc sơn mài, chạm khắc theo các yếu tố tạo hình đường nét, hình mảng, tô màu sắc lên các hình tượng đã được khắc, hình khắc là những nét chìm với độ nông, sâu khác nhau để làm nổi bật hình tượng nghệ thuật, hội tụ đầy đủ các yếu tố và chức năng thẩm mĩ trong tạo hình, một số tác phẩm như: Vượt Trường Sơn (sơn khắc, 70x140cm, 2017) của Trần Văn Quân; Tiến quân qua đèo Hải Vân (sơn khắc, 60x110cm, 1997) của Nguyễn Như Huân; Tân Trào 16 tháng 8 năm 1945, Lễ xuất quân đánh Nhật giải phóng Thái Nguyên tiến về Hà Nội (sơn khắc) của Nguyễn Nghĩa Duyện; Bảo vệ biên giới (sơn khắc, 50x70cm) của Vũ Tư Khang…
Tác phẩm Trên những nẻo đường đất nước (sơn khắc, 240x90cm) của Trần Hữu Chất, sự sáng tạo trong kỹ thuật tranh sơn khắc biểu hiện hài hòa giữa hình thức và nội dung. Bố cục tranh hình ảnh Bác Hồ ngồi trước nhà lá đơn sơ, dung dị đang suy tư, phía xa là đoàn chiến sĩ và con ngựa, núi non, hai bên là tám bức tranh mô phỏng khoảnh khắc hành quân của chiến sĩ trên mọi nẻo đường Trường Sơn hùng vĩ, đến những mặt trận đang diễn sôi động của thời khắc hòa bình lập lại... Những đường nét, hình mảng được diễn tả chi tiết sáng tạo trong kỹ thuật tranh sơn khắc, yếu tố nghệ thuật có tính chất đặc trưng của tranh sơn khắc Việt Nam vừa kết hợp hình thức trang trí và tính tả thực theo nghệ thuật truyền thống.
Ngoài ra còn có chất liệu in khắc cao su, màu nước, bút sắt, trổ giấy, chất liệu tổng hợp, ghép giấy báo…, như những tác phẩm: Ký ức một thời (khắc in cao su, 63x25cm, 2015) của Trần Hữu Quang; Đi qua cuộc chiến (màu nước trên giấy, 2023) của Hồ Văn Hưng; Khoảnh khắc Trường Sa (trổ giấy, 79x110cm) của Hồ Thanh Thọ; Giúp dân (bút bi, 2024) của Võ Tá Lực; Miền ký ức (tổng hợp, 80x80cm) của Phạm Bình Định; Đêm hành quân qua phố (tranh ghép giấy báo, 68x127cm) của Hoàng Thị Phượng…
Hình 8. Tác phẩm Trên những nẻo đường đất nước (chất liệu sơn khắc, 240x90cm) của Trần Hữu Chất. (Nguồn: Vựng tập triển lãm mĩ thuật toàn quốc 1996-2000)
Nghệ thuật tạo hình gắn liền với việc nghiên cứu của các họa sĩ, sáng tạo ngôn ngữ tạo hình đa dạng, vận dụng thực hành kỹ thuật tạo ra ngôn ngữ tạo hình trong xu hướng mới, biểu lộ đặc điểm của nghệ thuật với nét đặc thù, biểu đạt vẻ đẹp ngôn ngữ tạo hình về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng, đã thể hiện qua hình tượng nghệ thuật, góp phần vun đắp tinh thần cách mạng trong nghệ thuật tạo hình.
3. Kết luận
Nghệ thuật tạo hình về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ họa sĩ sáng tác, hình tượng chiến sĩ được khắc họa chân thực và sinh động, mang tính nhân văn của cách mạng và nhân dân Việt Nam. Các chất liệu tạo hình có bước phát triển về các yếu tố ngôn ngữ tạo hình; khi nhìn tương quan với thời gian trước đây, mỗi tác phẩm đều có một giá trị nghệ thuật tìm tòi khám phá chất liệu và bút pháp, phong cách sáng tạo… Nhiều tác phẩm có góc nhìn sâu sắc về nội dung chủ đề thông qua thủ pháp nghệ thuật, mang đậm dấu ấn cá nhân. Các tác phẩm góp phần tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, hướng về bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.
Cùng sự đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật tạo hình, rất cần đến sự khám phá tạo ra những cảm xúc mới với đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng. Các hoạt động sáng tạo hiện nay cần có sự quan tâm của Nhà nước, nghệ sĩ, người thưởng ngoạn, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội…; cần có chính sách kích cầu, hỗ trợ thiết thực cho họa sĩ lựa chọn sáng tạo về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng, hỗ trợ điều kiện cho hoạt động tạo nguồn nuôi dưỡng tinh thần truyền thống yêu nước, một mảng đề tài không thể thiếu trong nền mĩ thuật Việt Nam.
Đổi mới trong sáng tạo, nghiên cứu kỹ thuật và chất liệu sẽ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng; mặt khác, tạo động lực cho nghệ sĩ quan tâm sáng tác đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng nhiều hơn để nâng cao nhận thức về thị hiếu thẩm mĩ gắn liền với mục tiêu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là ưu thế, điểm mạnh, hướng đến giá trị nghệ thuật tạo hình riêng biệt, là nét văn hóa mang biểu tượng cao đẹp làm nên sức mạnh và sự trường tồn quốc gia trong xã hội Việt Nam đương thời.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2014): “Tờ trình phê duyt quy hoạch phát triển mĩ thuật đến năm 2020 tầm nhìn 2030”, Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Bộ Văn hóa - Thông tin (1985, 1990, 1995, 2000, 2005, 2010), Vựng tập triển lãm Mĩ thuật toàn quốc, Vụ Mĩ thuật.
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm - Hội Mỹ thuật Việt Nam (2015, 2020, 2023), Vựng tập triển lãm Mĩ thuật Việt Nam 2015.
4. Chris Barker (2011), Nghiên cứu văn hóa lý thuyết và thực hành, NXB Vn hóa thông tin.
5. Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (2022), Tuyển tập tác phẩm mĩ thuật Câu lạc bộ Cựu chiến binh và kháng chiến, Câu lạc bộ Người cao tuổi, NXB Mỹ thuật.
6. Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (2022), Tác phẩm mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng qua trại sáng tác 2016-2022, NXB Thanh Niên.