HÌNH TƯỢNG NGƯỜI CHIẾN SĨ TRONG NHIẾP ẢNH

Bài viết khẳng định chiến tranh cách mạng là đề tài chủ đạo, xuyên suốt của nhiếp ảnh Việt Nam. Thông qua phân tích và minh chứng bằng những tác phẩm cụ thể, bài viết làm rõ người chiến sĩ là hình tượng tiêu biểu, thu hút sự quan tâm thể hiện của nhiếp ảnh; nét tương đồng thú vị giữa chiến sĩ và nghệ sĩ nhiếp ảnh làm nên sự gắn bó của nhiếp ảnh với chiến tranh, quân đội và người lính.

 

   Lịch sử nhiếp ảnh có thể được chia thành nhiều giai đoạn nhưng dài nhất và tiêu biểu nhất vẫn là giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ và bảo vệ Tổ quốc kéo dài 45 năm, từ 1944 đến 1989. Trở lại với lịch sử, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập với 34 chiến sĩ, không lâu sau, bức ảnh buổi lễ xuất quân có tên nguyên gốc là Ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy Đội Việt Nam giải phóng quân đánh Thái Nguyên ra đời ngày 16/8/1945, do kỹ sư Hoàng Văn Đức (1918-1996) chụp, có thể được coi là một trong những bức ảnh đầu tiên của nhiếp ảnh Việt Nam về đề tài quân đội nhân dân Việt Nam, về người chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang. Trong bức ảnh, hình ảnh những đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân – những chiến sĩ tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay đã được ghi nhận. Như vậy, nhiếp ảnh Việt Nam gần như ngay từ những ngày đầu kháng chiến đã theo sát, ghi nhận bằng hình ảnh quá trình ra đời, phát triển, trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam.


Bức ảnh Ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy Đội Việt Nam Giải phóng quân đánh Thái Nguyên (16/8/1945) (Ảnh: Hoàng Văn Đức)

   Trong suốt 45 năm, chiến tranh cách mạng là đề tài chủ đạo, xuyên suốt của nhiếp ảnh Việt Nam. Ống kính nhiếp ảnh đã tập trung hướng vào những người con dân tộc anh hùng, mà tiêu biểu là những chiến sĩ. Hình tượng những người chiến sĩ có thể được coi là một trong những đề tài chủ đạo được khắc họa sâu sắc nhất trong lịch sử nhiếp ảnh.

   1. Người chiến sĩ - hình tượng tiêu biểu

   Trong kháng chiến, mọi tầng lớp, mọi thành phần trong xã hội đều tham gia đóng góp tất cả nhân lực, vật lực cho chiến thắng nhưng cao cả nhất, to lớn nhất vẫn là tính mạng, là máu xương của những người đã hi sinh trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhất là những người chiến sĩ. Chính vì vậy, người chiến sĩ luôn là hình tượng tiêu biểu nhất. Không chỉ có hi sinh xương máu, người chiến sĩ luôn đi đầu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ bảo vệ nhân dân, canh giữ đất nước bình yên. Những người chiến sĩ xứng đáng được ca ngợi, tôn vinh. Điều này được tất cả các loại hình văn học, nghệ thuật chú trọng đề cao, đặc biệt là nhiếp ảnh.

   Hơn bất kỳ loại hình văn học, nghệ thuật nào khác, nhiếp ảnh luôn bám sát những người chiến sĩ trong cuộc sống, khi giúp dân, trong luyện tập và cả trong những giây phút nguy hiểm nhất. Bằng phương pháp ghi thực, nhiếp ảnh đã góp phần xây dựng nên hình tượng người chiến sĩ một cách sát thực nhất, sinh động nhất. Không thể kể hết những tấm gương hi sinh anh dũng của những người chiến sĩ anh hùng trong chiến tranh và trong cả thời bình. Chỉ tiếc rằng nhiếp ảnh chưa làm hết được những việc cần làm, đó là ghi lại toàn bộ hình ảnh những người chiến sĩ anh hùng trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, cứu dân giữ nước. Tuy mới làm được phần nhỏ trong đó nhưng hàng trăm phóng viên và những người cầm máy, quay phim đã ngã xuống. Riêng trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định, hơn 50 phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam đã ngã xuống. Họ là những nghệ sĩ - chiến sĩ anh hùng như bao người chiến sĩ cầm súng khác. Một trong những điển hình tiêu biểu trong đó là nhà báo, phóng viên chiến trường, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng (1934-1972) được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2017.

   2. Hình tượng người chiến sĩ thu hút góc nhìn nhiếp ảnh

   Trong thời gian kháng chiến chống ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc, hình tượng người chiến sĩ luôn là tâm điểm, mang lại niềm tin vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho nhân dân cả nước. Để có được điều này, nhiếp ảnh đã góp phần xứng đáng trong việc xây dựng hình tượng cao đẹp của người chiến sĩ. Hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên áp giải hàng đoàn tù binh Pháp, những chiến sĩ thành cổ Quảng Trị với nụ cười chiến thắng hay dáng đứng hiên ngang của các chiến sĩ canh giữ đảo Trường Sa… mang lại cho chúng ta lòng tự hào cao độ về quân đội nhân dân anh hùng.

   Ngoài góc nhìn chung, với nhiếp ảnh, người chiến sĩ còn mang lại cho người cầm máy và công chúng một hình mẫu khác trong ống kính. Nét trẻ trung, khỏe khoắn, nhanh nhẹn, những nụ cười hồn nhiên và cả những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt rám nắng của những người lính là những tiêu điểm, thu hút góc nhìn của mọi ống kính. Không những vậy, cách đặc tả những vũ khí, trang phục của những người chiến sĩ Việt Nam hôm nay vừa chính quy vừa hiện đại giúp hình tượng người chiến sĩ được nâng tầm trong lòng dân, mang lại sự nể phục trong mắt bạn bè thế giới, đồng thời khiến những thế lực thù địch phải kiêng nể. Người chiến sĩ hôm nay không chỉ cầm trong tay cây súng như cách đây vài chục năm; quân đội ta ngày nay về mọi mặt ngày càng vững mạnh, người chiến sĩ làm chủ khoa học kỹ thuật, làm chủ nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại ngang tầm thế giới. Chính những vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại đã góp phần nâng tầm hình tượng người chiến sĩ lên cao hơn bao giờ hết. Hình ảnh các chiến sĩ hiên ngang, vững vàng làm chủ những chiếc máy bay, xe tăng, dàn pháo hay những đội tàu ngầm, những dàn ra đa, tên lửa, trinh sát điện tử hiện đại… đã nói lên điều đó. Nét trí thức xen lẫn dáng vẻ dày dạn, dầm mưa dãi nắng được thể hiện rõ trên khuôn mặt của những người chiến sĩ hôm nay.

   Có một thực tế là việc ghi nhận hình ảnh, xây dựng hình tượng người chiến sĩ ngày nay ngày càng trở nên khó khăn hơn trước, đòi hỏi người cầm máy chụp ảnh phải có kiến thức cao, tư duy nhạy bén cộng với sự may mắn được tiếp cận thực tế. Ví dụ: người cầm máy phải chụp sao cho ra được hình ảnh của người chiến sĩ đơn vị tác chiến điện tử khi trước mặt người chiến sĩ chỉ có chiếc màn hình với vài điểm sáng tối. Hơn nữa, vũ khí trang bị càng hiện đại thì cơ hội tiếp cận hoạt động của các chiến sĩ càng khó hơn. Với người cầm máy, “bài toán” chụp sao cho được hình ảnh những người cán bộ, chiến sĩ chỉ gói gọn với từ khóa “có cơ hội được chụp”. Vậy nhưng, để chụp được những hình ảnh đẹp, có ý nghĩa và rất thực về người chiến sĩ, người cầm máy phải “3 trong 1”: cùng một lúc phải là người nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo và cũng là một người chiến sĩ. Ở đây, trong vai trò nhà báo, bức ảnh phải mang tính báo chí, tuyên truyền, lan tỏa cao trong công chúng; còn bản thân người cầm máy một khi “cũng là chiến sĩ” sẽ am hiểu các hoạt động quân sự để chụp được những tấm ảnh rất thực tế, sát với công tác luyện tập, sẵn sàng chiến đấu và đời sống của cán bộ, chiến sĩ.

   Điều quan trọng nhất góp phần nâng cao hình tượng người chiến sĩ trong lòng dân hôm nay đó là truyền thống bộ đội Cụ Hồ “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”. Hình ảnh những người chiến sĩ sẵn sàng hi sinh cả tính mạng, hết lòng vì dân như trong những đợt bão lũ vừa qua ở Miền Trung đã nâng cao hơn hình tượng cao đẹp của người chiến sĩ trong lòng dân.

   Chính vì những điểm thu hút nói trên nên đề tài các lực lượng vũ trang luôn hấp dẫn đội ngũ những người cầm máy. Những chuyến đi sáng tác tại Quân khu 9, Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng 4 Hải Quân, Quần đảo Trường Sa… luôn “đầy ắp” danh sách những tay máy chờ đợi, sẵn sàng tham gia. Không phải chỉ những tay máy trẻ mà cả những người cầm máy kỳ cựu tuổi trên 70, những tay máy nữ cũng vẫn sẵn sàng lên đường sáng tác về đề tài này. Hiểu được nguyện vọng, khát khao tha thiết này của những người cầm máy, lãnh đạo nhiều đơn vị quân đội đã tạo điều kiện tốt nhất cho nhiếp ảnh thâm nhập thực tế, đặc biệt là bộ đội biên phòng, hải quân. Chính vì vậy, số lượng hình ảnh về các lực lượng vũ trang, về những người chiến sĩ trong “gia tài” của những người cầm máy rất phong phú. Nhờ đó, hình tượng người chiến sĩ qua nhiếp ảnh ngày càng được vun đắp đầy hơn. Quan hệ giữa các lực lượng vũ trang và nhiếp ảnh càng phát triển, hình tượng người chiến sĩ ngày càng nâng cao.

   3. Nét tương đồng thú vị giữa chiến sĩ và người cầm máy chụp ảnh

   Có một nét tương đồng khá thú vị trong hoạt động của người chiến sĩ và người cầm máy chụp ảnh, đó là động tác bắn súng và bấm máy. Nét chung ở đây là chọn mục tiêu – với người chiến sĩ, đưa hình ảnh cần chụp vào khung ngắn – với người cầm máy. Tiếp theo, tất cả quy trình, thao tác đến việc chọn lựa thời khắc quyết định còn lại đều giống nhau đến mức kỳ lạ. Điều khác nhau phải chăng chỉ là kết quả của động tác siết cò tiêu diệt mục tiêu hay bấm máy “ghi chết” hình ảnh cần lưu giữ. Chính điểm thú vị này đã đưa con người thuộc hai lĩnh vực xích lại gần nhau hơn.

   Hình tượng người chiến sĩ là chủ đề được nhiếp ảnh rất quan tâm và khao khát thể hiện. Vấn đề còn lại cho người cầm máy là có được cơ hội tiếp cận cả con người và sự kiện về người chiến sĩ hay không mà thôi.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận