1. Biểu tượng văn hóa là thành tố cơ bản, là gương mặt văn hóa
Để thuận lợi cho giao tiếp trong cuộc sống luôn vô cùng đa dạng, phong phú, phức tạp, con người mượn sự vật, hiện tượng làm ký hiệu, gửi vào đó những quy ước chung. Theo thời gian, nhờ được bồi đắp nhiều lớp phù sa văn hoá, ký hiệu lắng đọng, kết thành biểu tượng. Bước vào thời toàn cầu hóa, nhu cầu giao lưu, trao đổi ngày càng trở nên cấp thiết, biểu tượng văn hóa trở thành cầu nối giữa các quốc gia.
Mỗi dân tộc đều có một hệ biểu tượng tiêu biểu, như là “cửa ngõ” mời gọi thế giới bước vào một không gian văn hóa khác lạ để thưởng thức, chiêm ngưỡng… Vì thế, giải mã văn hóa là giải mã biểu tượng, phải hiểu biểu tượng theo hướng triết học, đi tìm cội nguồn phát sinh, bản chất, ảnh hưởng trong đời sống hôm qua và hôm nay. Có những biểu tượng riêng của từng nơi nhưng cũng có biểu tượng mang tính phổ quát chung, như: hoa hồng biểu tượng của tình yêu, chim bồ câu biểu tượng cho hòa bình… Biểu tượng luôn mang màu sắc biểu cảm cảm xúc sâu đậm. Nghe một điệu hát ru ta nôn nao nhớ về quá khứ truyền thống ngàn năm ân tình, ân nghĩa. Nhìn màu cờ đỏ, nghe âm thanh của bài Quốc ca trước một trận đấu thể thao, trong ta dâng lên niềm tự hào dân tộc… Là sự kết tinh các giá trị mang bản sắc văn hóa nên biểu tượng mang tính thông điệp rất rõ. Chỉ một hành vi mang tính biểu tượng trên bàn tay của một vị đại sứ nước nọ trên diễn đàn Liên hợp quốc cũng có thể gây ra sự chia rẽ, thái độ đồng tình, ủng hộ hay phản đối, cự tuyệt...
Luôn bao chứa lượng tri thức văn hóa sâu rộng, có tính cộng đồng cao nên biểu tượng là “căn cước văn hóa” của mỗi dân tộc, tồn tại ở hai dạng: những cái nhìn thấy hoặc có thể cầm nắm được, thuộc văn hóa vật thể; những biểu tượng trừu tượng (lòng yêu nước, yêu thiên nhiên…), thuộc văn hóa phi vật thể. Biểu tượng là thành tố cơ bản, là hạt nhân của văn hoá nên tìm hiểu, nghiên cứu biểu tượng sẽ thấy được một cách toàn vẹn, trung thực, rõ ràng hơn bản sắc văn hoá. Thế giới biết và hiểu Việt Nam hơn qua biểu tượng nón lá, áo dài, mái đình làng, cây đa cổ thụ... Vì thế, nghiên cứu văn hoá không thể không nghiên cứu biểu tượng. Con đường này sẽ góp phần khắc phục lối nghiên cứu chung chung, có thể nói hay, nói đúng nhưng chưa thể nói mới, nói sâu, nói một cách bản chất về đối tượng.
2. Bộ đội Cụ Hồ – biểu tượng văn hóa trung tâm của thời đại
Biểu tượng luôn đa nghĩa nhưng có hai loại nghĩa cơ bản, nhiều trường phái gọi là “biểu hình” (visible sign) và “biểu ý” (idea), ký hiệu học gọi là “cái biểu đạt”, tức hình thức tồn tại dưới dạng các sự vật, hiện tượng và “cái được biểu đạt” là các nội dung mang tính giá trị, chuẩn mực văn hóa. Đất nước ta nửa cuối thế kỷ XX trải qua nhiều cuộc kháng chiến cực kỳ ác liệt chống kẻ thù xâm lược. Lịch sử trao cho anh bộ đội sứ mệnh đứng ở vị trí tuyến đầu đuổi giặc để giành lại hòa bình, độc lập, tự do. Từ góc nhìn lý thuyết nào thì bộ đội Cụ Hồ cũng là một biểu tượng văn hóa trung tâm của thời đại.
2.1. Bộ đội Cụ Hồ – sự kế thừa xứng đáng truyền thống lịch sử anh hùng
Tự thân biểu tượng luôn mang một chiều sâu văn hoá, theo thời gian được bồi đắp, tích luỹ thêm các lớp mã ý nghĩa mới. Là hạt giống của cây văn hoá cổ xưa gieo vào mảnh đất đương đại, nảy mầm, lớn lên cho hoa quả ý nghĩa mới, do vậy biểu tượng luôn mang tính truyền thống. Giải mã biểu tượng cũng là một cách tìm về truyền thống. Không am hiểu sâu sắc “mẫu gốc” và hoàn cảnh lịch sử văn hoá, không tri giác tường tận mảnh đất đương đại, khó có thể kiến tạo ra biểu tượng mới.
Dễ chứng minh trong hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ là sự kế thừa từ hình tượng Thánh Gióng, Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền cho đến người lính trong Sông núi nước Nam (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi), hình tượng người nghĩa sĩ của Nguyễn Đình Chiểu... Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì những người lính lại lên đường đuổi giặc bằng mọi thứ vũ khí và luôn chiến thắng kẻ thù một cách vẻ vang nhất. Theo hướng nghiên cứu “liên văn hóa” (intercultural), nhiều nghiên cứu lịch sử quân sự thế giới lý giải sức mạnh của quân đội Việt Nam trước nay được thể hiện trong mã văn hóa “ngụ binh ư nông” rất riêng. Khi hòa bình thì binh lính về làm ruộng, khi có chiến tranh thì toàn dân làm lính nên đặc trưng của quân đội là rất linh hoạt, nhanh gọn, cơ động, có thể tác chiến trên mọi địa hình, thời tiết, hoàn cảnh, lại có thể tự nuôi mình… Sống trong dân, từ dân mà ra nên khi cầm vũ khí giữ nước, người lính được tiếp sức mạnh từ dân, từ bầu khí quyển, từ mảnh đất văn hóa họ sống. Đặc trưng ấy được kết tinh và phát huy cao độ ở thời hiện đại nên quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của dân, vì dân, được Đảng lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện nên đã vượt qua những chướng ngại tưởng chừng không thể vượt qua. Trên thế giới hiếm có đội quân nào đạt được những chiến công như thế!
Học tập, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao tinh hoa văn hóa quân sự cha ông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần Thánh Gióng, 80 năm qua, bộ đội Cụ Hồ đã viết tiếp những trang sử mới mang tầm thời đại, xứng đáng với truyền thống anh hùng.
2.2. Bộ đội Cụ Hồ – hiện thân của bản sắc văn hóa Việt Nam yêu nước, hòa bình, hữu nghị
Vượt qua mọi vất vả, hi sinh, “mưa dầm cơm vắt”, “máu trộn bùn non”, bộ đội Cụ Hồ đã làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ; đã trở thành “một Thạch Sanh của thế kỷ XX” chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược Mĩ giàu có, hung bạo, thiện chiến; đã tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, thoát khỏi nạn diệt chủng man rợ, được nhân dân xứ Chùa Tháp gọi là “đội quân nhà Phật”… Trong lịch sử quân sự thế giới, hiếm thấy một đội quân nào anh dũng, yêu nước, nhân văn cao cả, được nhân dân tin tưởng tuyệt đối như vậy!
2.3. Bộ đội Cụ Hồ – biểu tượng cho chân lý, sức mạnh, bản lĩnh thời đại
Nhà thơ lớn Tố Hữu diễn đạt tinh tế bằng thơ về sứ mệnh vinh quang, thiêng liêng, cao cả của anh bộ đội Cụ Hồ: “Nếu được làm hạt giống để mùa sau/ Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/ Vui gì hơn làm người lính đi đầu/ Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!” (Chào xuân 67). Huyền thoại nổi tiếng thế giới về chàng Đan-kô móc trái tim mình làm ngọn đuốc soi đường cho đồng bào mình đi về phía tự do, hạnh phúc. Anh bộ đội Cụ Hồ cũng vậy, đem tuổi xuân đẹp nhất cống hiến cho Tổ quốc. Thế nên “anh” mang tầm vóc vũ trụ: “Anh đi, xuôi ngược tung hoành/ Bước dài như gió, lay thành chuyển non/ Mái chèo một chiếc xuồng con/ Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương!” (Tiếng hát sang xuân - Tố Hữu). Kẻ thù phi nghĩa muốn đốt cả dân tộc ta thành tro bụi, nhưng có “anh” mà “ta hoá vàng nhân phẩm, lương tâm”. Bọn cướp nước muốn ta “bán mình ô nhục”, nhờ có “anh” mà đất nước mình “làm sen thơm ngát” (ý thơ Tố Hữu trong Việt Nam, máu và hoa). Một hình tượng đẹp, lớn lao, kỳ vĩ như thế chẳng xứng là một biểu tượng trung tâm của thời đại sao?
Là người góp phần cơ bản, chủ yếu kiến tạo nên thời đại anh hùng, anh bộ đội Cụ Hồ là biểu tượng văn hóa đích đáng cho thời đại anh hùng. Đó là chân lý và cũng là đạo lý!
3. Bộ đội Cụ Hồ – một cấu trúc biểu tượng văn hóa quân sự đặc sắc
Văn hóa quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh mang đặc trưng của đường lối chiến tranh nhân dân, phát huy cao nhất sức mạnh toàn dân để giải phóng đất nước nên quan hệ quân dân là quan hệ ruột thịt trong cơ thể Tổ quốc. Tất yếu trong cấu trúc nhân cách văn hóa, anh bộ đội vừa mang bản sắc văn hóa Việt (dũng cảm, yêu nước, vị tha…) nhưng phải chiến đấu với những kẻ thù hung bạo, giàu có, nham hiểm nhất thế giới nên vừa kế thừa, phát triển nâng cao tinh hoa truyền thống giữ nước vừa hiện đại hóa ở nghệ thuật tác chiến vượt lên trên kẻ thù có những vũ khí tối tân để chiến thắng.
3.1. Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” xứng tầm thế hệ con cháu Bác Hồ – người cha của các lực lượng vũ trang, nhà thiên tài quân sự, Danh nhân văn hóa
Không chỉ là người khởi xướng, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám huyền thoại, Bác Hồ còn là người kiến tạo nên một nhà nước dân chủ mới, một hệ hình mĩ học mới, chính Người vừa là một chủ thể sáng tạo vừa là một đối tượng nghiên cứu của mĩ học. Là tác giả của hàng trăm tác phẩm thơ văn nổi tiếng, từng là thợ ảnh, họa sĩ, đạo diễn, diễn viên... nhưng điều chung nhất là các sáng tác, các hoạt động nghệ thuật ấy của Người đều hướng về một mục đích là phấn đấu vì hạnh phúc của con người. Sự nghiệp cách mạng và phong cách sống của Người là cảm hứng cho biết bao văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, của các chuyên ngành nghệ thuật sáng tạo, nếu tập hợp một cách hệ thống sẽ là một thư viện riêng. Như một lẽ tự nhiên, đến lượt Hồ Chí Minh trở thành một biểu tượng văn hóa tầm nhân loại.
Là một thiên tài quân sự, Bác Hồ là người khai sinh và giáo dục quân đội ta, cũng là người kiến tạo đường lối quân sự và thế trận chiến tranh nhân dân. Nhân dân Việt Nam lấy tên vị lãnh tụ vĩ đại đặt tên cho hình tượng người lính yêu mến của mình là “Anh bộ đội Cụ Hồ”, đó là sự thể hiện một đạo lý văn hóa và cũng là chân lý thời đại.
Thực tế lịch sử 80 năm qua chứng minh bộ đội Cụ Hồ đã kết tinh vẻ đẹp thời đại, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với Tổ quốc nên hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu này: Bộ đội Cụ Hồ.
3.2. Tính lý tưởng – một vẻ đẹp văn hóa thời đại
Từ dân mà ra, vì dân mà chiến đấu, anh bộ đội Cụ Hồ thời chống Pháp mang biểu trưng cho vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của người dân quê Việt: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. Lý tưởng yêu nước đã gắn kết những tâm hồn ban đầu xa lạ thành tình đồng chí: “Súng bên súng đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”. Một biểu tượng văn hóa rất đẹp được điêu khắc bằng ngôn ngữ thơ hiện thực, mộc mạc mà trữ tình, trong sáng: “Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo” (Đồng chí - Chính Hữu). Biểu tượng lung linh tỏa sáng bao ý nghĩa về cuộc chiến đấu gian khổ, về tình đoàn kết chung lý tưởng, về ý chí và quyết tâm, về tình yêu hòa bình, về tâm hồn người lính trong trẻo, thi vị…
Một đặc trưng của cấu trúc là đậm chất lý tưởng thể hiện ở ngay lớp vỏ biểu tượng. Trường hợp này gọi là sự “tràn nghĩa”. Vì nội dung bên trong quá đầy các lớp nghĩa nên chúng tràn ra hình thức bên ngoài, tạo ra “vùng ngoại biên văn hóa” (marginal culture) mang tính cộng sinh, giao thoa. Chính ở đây mới nói được nhiều nhất về sức sống biểu tượng: “Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường” (Núi Đôi - Vũ Cao). “Sao trên mũ” vừa biểu vật (ngôi sao) vừa là biểu ý (lý tưởng giải phóng…). Trôi theo dòng lịch sử, con thuyền biểu tượng vừa tô điểm vừa cho thấy một hình dung về độ nông sâu ý nghĩa, giá trị, tầm vóc thời đại của các giai đoạn lịch sử. Từ điểm nhìn này cho thấy sự nhất quán của hình tượng anh bộ đội thời chống Mĩ là sự tiếp nối, phát triển ở thời chống Pháp: “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất/ Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đang bắn”. Cả hai hình tượng đều tỏa sáng, đều tạo ra dáng đứng vừa riêng “anh” vừa là biểu tượng chung – “dáng đứng Việt Nam” (Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân).
Khảo sát nhiều tác phẩm thơ (thể loại thích hợp nhất để kiến tạo biểu tượng) sẽ thấy một đặc điểm vừa tương đồng vừa khác biệt. Do chiều kích, tầm cỡ biểu tượng mang tính kỳ vĩ, lớn lao nên anh bộ đội thời chống Pháp được “tạc” vào không gian vũ trụ thì anh bộ đội thời chống Mĩ lại được “tạc” vào thời đại (thế kỷ). Không ngẫu nhiên Phạm Tiến Duật được ví là “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại” bởi nhà thơ đã kiến tạo sinh động những biểu tượng văn hóa mới mẻ. Người lính trong thơ ông mang tầm thời đại: “Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”; “Xe vẫn chạy vì Miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính). Vượt lên trên cái vỏ “biểu đạt” anh lính lái xe, hình tượng lớn vụt thành biểu tượng cao cả đầy bản lĩnh, khí phách ngang dọc trời đất, tất cả đều vì nhiệm vụ của thời đại là giải phóng Miền Nam. Đây cũng là nét âm hưởng anh hùng ca, đậm tinh thần sử thi của văn học thời chống Mĩ. Như một tất yếu, cùng với anh bộ đội, “con đường” trở thành biểu tượng cơ bản; không chỉ là “con đường” vật lý thông thường mà là “đường thời đại”, như tên bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ (17 tập) của Đặng Đình Loan.
3.3. Xả thân vì Tổ quốc – một nét giá trị văn hóa thiêng liêng, cao quý
Nhà thơ - chiến sĩ Thanh Thảo đã nói hộ tâm hồn hàng triệu người lính sẵn sàng lên đường ra trận: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”. Không khí đất nước những ngày chống Mĩ thật sự là ngày hội: “Những buổi vui sao, cả nước lên đường/ Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục”. Nhân vật trung tâm của ngày hội là thanh niên: “Xóm dưới làng trên, con trai con gái/ Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau” (Đường ra mặt trận - Chính Hữu). Câu thơ “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật) rất thơ và cũng rất thật. Đi đuổi giặc để đòi lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân chẳng phải là hành vi văn hóa đẹp nhất sao?
Thời gian đã cho phép văn học hôm nay nói thật hơn những “góc khuất” mà người lính phải đối mặt trong chiến tranh để thế hệ trẻ biết cha anh họ đã sống và chiến đấu như thế nào. Thời gian cũng càng làm rõ hơn cái giá của sự hi sinh để tri ân người đi trước, rõ hơn cái ý nghĩa của một ngày hòa bình để tránh xa chiến tranh. Trên đời này có gì quý hơn thân thể con người đâu: “Người ta là hoa đất”. Con người là đáng quý, đáng trọng, đáng được chiêm ngưỡng, tôn kính, nâng niu... Thế mà trên chiến trường ngày ấy, người lính phải chịu đựng, đón đợi “ngày nào cũng nhìn thấy người chết, ngày nào cũng chôn người chết mà chưa đến lượt chôn mình” (Ăn mày dĩ vãng - Chu Lai). Có một sự thật nghiệt ngã như vậy, những ai từng trên chiến trường đều trải nghiệm. Đúng với quy luật nhu cầu nói ra sự thật những câu chuyện của mình, mình trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến, nên thể tài tự thuật, tự truyện (thiên về phi hư cấu) hiện nay đang phát triển mạnh, nhất là ở nước ta, thời gian chiến tranh kéo dài quá lâu, tính chất quá ác liệt đã ăn sâu vào tâm thức, đặc biệt là ở những thế hệ trực tiếp cầm súng. Ngoài hồi ký, bút ký, ký sự… của các tướng lĩnh, các văn nghệ sĩ là những trang viết nóng hổi tươi rói cuộc sống chiến trường, những suy tư về lý tưởng, hoài bão của những thanh niên trí thức, như Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Nhật ký Nguyễn Văn Thạc… Đáng tiếc là hôm nay, bạn đọc chỉ được tiếp xúc những trang nhật ký cảm động trong vắt một tình yêu đất nước từ số ít bản thảo còn giữ lại được. Trên thực tế, ở những ngày “cả nước lên đường” ấy có hàng vạn tác giả như thế, có hàng triệu trang nhật ký như vậy.
Lấy tuổi trẻ mình, máu thịt mình, thân thể mình góp vào sự nghiệp giải phóng đất nước chẳng phải là hành vi văn hóa cao nhất sao?
4. Phát huy vẻ đẹp biểu tượng bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới
Luôn mang tính chuẩn mực, mẫu mực nên biểu tượng văn hóa là tài sản của quốc gia (cả vật chất và tinh thần). Là tấm gương soi, nhìn vào biểu tượng sẽ thấy mình sáng chỗ nào, còn thiếu khuyết gì để phát huy, sửa chữa, tức biểu tượng mang tính giáo dục. Là điểm tựa tinh thần, biểu tượng cho ta thêm niềm tin, ý chí, nghị lực, tình yêu. Do vậy, biểu tượng mang tính truyền cảm, tác động, lây lan, ảnh hưởng… Nhiều nghiên cứu trên thế giới ví những biểu tượng lớn như những “viên ngọc văn hóa” phát sáng ở mọi góc độ, mọi không gian, thời gian. Với những trữ lượng văn hóa của cấu trúc (đã ít nhiều chứng minh ở trên), xin khẳng định biểu tượng bộ đội Cụ Hồ cũng là “viên ngọc văn hóa”. Từ điểm nhìn hệ thống của cấu trúc toát lên các vấn đề sau:
4.1. “Viên ngọc văn hóa bộ đội Cụ Hồ” đang tỏa sáng trong thời đại mới
Trong những ngày đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, nhiều tờ báo châu Âu vừa ngạc nhiên, lạ lẫm vừa khâm phục những hình ảnh trên báo chí Việt Nam có khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”, nhất là hình ảnh những anh bộ đội quân y đến tận nhà dân khám bệnh, phát thuốc; bộ đội lại nhường dân chỗ ở (doanh trại), làm “bà nội trợ” đi chợ, nấu nướng giúp dân… Khi người nước ngoài chưa hiểu bộ đội Việt Nam là con của dân, dựa vào dân, phục vụ dân vô điều kiện thì họ băn khoăn là có lý.
Anh bộ đội hôm nay đã và đang phát huy cao nhất khẩu hiệu: “Vì nhân dân phục vụ. Vì nhân dân hi sinh”! Đó là mệnh lệnh của trái tim, là lẽ sống, lý tưởng của người lính. Nơi biên giới xa xôi, bao chiến sĩ đang cầm chắc tay súng từng phút giữ bình yên cho đất nước. Nơi đảo xa trập trùng sóng vỗ, có những anh lính hải quân ngày đêm canh giữ. Bộ đội Cụ Hồ đang là lực lượng chủ lực trong việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, trong xử lý ô nhiễm môi trường hay gỡ bom mìn. Họ có mặt sớm nhất nơi thiên tai để bảo vệ tính mạng, tài sản cho dân. Trên vùng núi cao heo hút, họ làm bác sĩ chữa bệnh, làm thầy giáo dạy trẻ, làm cán bộ tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật... Một câu nói quen thuộc, bình thường của người dân nhưng nói lên bao ý nghĩa lớn lao: “Ở đâu có bộ đội, ở đó bà con yên tâm!”.
Bên cạnh nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, hòa vào công cuộc kiến thiết xây dựng đất nước, bộ đội Cụ Hồ còn làm kinh tế. Tham gia xây dựng các công trình kinh tế trọng điểm, vươn ra ngoài thế giới, nhiều đơn vị quân đội góp phần làm giàu đất nước, quảng bá hình ảnh quốc gia. Tham gia đội quân giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc, bộ đội làm bác sĩ, sĩ quan hậu cần, sĩ quan chỉ huy tham mưu... Với phong cách vì dân, phục vụ dân, bộ đội Việt Nam tận tụy giúp đỡ, hướng dẫn những người dân nghèo châu Phi xa xôi canh tác cây trồng theo khoa học mới, hiệu quả...
4.2. Để “viên ngọc bộ đội Cụ Hồ” rực rỡ hơn những ánh sáng nhân văn
Trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, những cuộc xung đột vẫn leo thang, nguy cơ mất an ninh, ổn định mang tính toàn cầu, bộ đội Cụ Hồ càng phải sẵn sàng nhiệm vụ chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật… Thực tiễn cách mạng nước ta, ở khu vực và châu lục gần đây cho thấy các âm mưu “diễn biến hòa bình” thâm độc, các mối đe dọa an ninh như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, thảm họa thiên tai, môi trường… có xu hướng ngày càng gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp, kèm theo hậu quả khó lường. Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ lớn lao, khó khăn, phức tạp, anh bộ đội Cụ Hồ cần quán triệt những nguyên tắc sau:
Một là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng để tập trung thống nhất một cách tuyệt đối từ mục tiêu, lý tưởng đến phương hướng nhiệm vụ, đối tượng, nội dung tác chiến. Đồng thời đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực, đi vào chiều sâu. Bác Hồ là một biểu tượng văn hóa có tính thuyết phục lớn, sức truyền cảm cao. Việc học và làm theo Bác là cách rèn luyện nhân cách toàn diện, rất cần cho lớp trẻ.
Hai là, tăng cường hơn nữa quan hệ máu thịt với nhân dân. Về bản chất quân đội ta là con đẻ của dân, từ dân mà ra, vì dân mà chiến đấu, được dân quý, dân tin, dân giúp đỡ ủng hộ nên luôn chiến thắng vẻ vang. Lịch sử đã khẳng định chân lý ấy. Ngày nay, phát huy cao nhất nguyên tắc này sẽ tạo ra khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc để hình thành thế trận lòng dân, kiến tạo một hình thái “chiến tranh nhân dân” đặc sắc, hiệu quả; mới có thể kết tinh cao độ, tập trung nhân tài, vật lực, trí tuệ, bản lĩnh, niềm tin, sự chủ động của toàn dân; tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc; nâng cao ý ch quyết tâm bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân trong tình hình mới.
Ba là, các cuộc xung đột vũ trang gần đây và đang diễn ra cho thấy dù chiến tranh có dùng vũ khí công nghệ cao thì tinh thần người lính vẫn mang tính quyết định: đó là tình yêu nước, yêu dân, tinh thần xả thân, khát vọng cống hiến vì Tổ quốc; là tinh thần ham học hỏi, vươn lên chiếm lĩnh những tri thức công nghệ khoa học mới; là ý thức kỷ luật cao, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Con người tạo ra sự “thông minh của vũ khí” và cũng chính con người “quản lý” sự “thông minh” ấy. Đi đôi với việc đào tạo nguồn nhân lực quốc phòng đáp ứng nhu cầu thực tiễn thì việc rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng cho bộ đội là cực kỳ quan trọng.
Bốn là, bọn phản động không nguôi ý đồ phá hoại cách mạng Việt Nam bằng những thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc. Hiểu rõ quân đội ta là “thanh kiếm” và “lá chắn” của Đảng, của dân nên chúng ra sức kích động hòng chia rẽ mối quan hệ quân dân cá nước, dần dần làm yếu đi, tiến tới làm thoát ly sự lãnh đạo của Đảng với quân đội. Thế nên nhiệm vụ chống “diễn biến hòa bình” phải được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Phải ý thức cao độ, sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “quân sự phục tùng chính trị”, vì “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”1.
5. Thay lời kết: vai trò sứ giả văn hóa của biểu tượng nhìn từ triết học liên văn hóa
Triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophi) là hướng đi mới của thế giới, chủ yếu nghiên cứu sự ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn hóa, nên tập trung nghiên cứu sâu vào tính thông tin (informatic) và tính giao tiếp (communicate) của biểu tượng. Năm 2019, tại Mĩ, Hội thảo khoa học Hồ Chí Minh toàn cầu (Global Ho Chi Minh) đánh giá cao đối tượng nghiên cứu, nhờ những ảnh hưởng hai chiều (Bác Hồ với thế giới, thế giới với Bác Hồ) nên đã kết thành biểu tượng Hồ Chí Minh không chỉ là vị anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là cầu nối, là “sứ giả văn hóa” giữa Việt Nam với thế giới. Do vậy, nhân cách của Người mang tầm ảnh hưởng toàn cầu. Tư tưởng nhân văn, hòa bình, tự quyết: “giúp bạn là giúp mình” và “vĩnh viễn không xâm lược nước khác” cũng “vĩnh viễn không để nước khác xâm lược nước mình” của Bác Hồ trở thành tài sản văn hóa nhân loại. Như vậy, Bác Hồ là một biểu tượng văn hóa mang tính chuẩn mực trên mọi bình diện cấu trúc.
Đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao văn hóa, đối ngoại quốc phòng của quân đội ta hôm nay vừa đảm bảo hài hòa truyền thống (công cuộc giữ nước của cha ông) và hiện đại (bảo vệ Tổ quốc) vừa hài hòa quan hệ giữa ta và bạn, tạo sự tin cậy, thân thiện, góp phần nâng cao vị thế, uy tín đất nước, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Trước đây bộ đội Cụ Hồ giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, và nay, các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam đang làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình quốc tế chính là biểu tượng đẹp cho văn hóa quân sự Việt Nam. Những sứ giả văn hóa ấy đã gắn kết Việt Nam hòa bình, hữu nghị, trân trọng yêu thương con người với bạn bè thế giới.
Đến đây đã đủ dữ liệu để có một kết luận khoa học rằng nhìn từ mọi lý thuyết (có thể), từ mọi bình diện, góc độ thực tế… đều cho phép khẳng định: Bộ đội Cụ Hồ – một biểu tượng văn hóa thời đại Hồ Chí Minh!
Chú thích:
* Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
** Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng.
1 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 217.