THƠ NGUYỄN ĐÌNH THI – TƯ DUY HƯỚNG NỘI VÀ NỖ LỰC ĐỔI MỚI HÌNH THỨC

Bài viết phân tích 'sở trường' về thơ của Nguyễn Đình Thi ở hai góc độ: thứ nhất là cách kết hợp gợi – tả và cái nhìn hướng nội; thứ hai là nỗ lực đổi mới hình thức với lối thơ không vần. Điều đó giúp ông tạo được 'dấu vân tay' của mình trong một nền văn học mà thơ là thể loại có độ 'phủ sóng' cao.

   Nguyễn Đình Thi (1924-2003) là nghệ sĩ đa tài, ông có khả năng viết cùng lúc nhiều thể loại, từ thơ, tiểu thuyết, lý luận, phê bình đến âm nhạc, kịch. Xưa nay, ít người có khả năng như thế và cũng không ít người không muốn ông dàn trải như thế. Chỉ đơn giản là giá như ông tập trung vài thể loại sở trường, phù hợp với “cái tạng” của ông thì dấu ấn nghệ thuật của ông sẽ rực sáng hơn. Tuy nhiên, đó là chúng ta nghĩ, bản thân nhà văn thường có sự lựa chọn theo cách riêng của họ. Nghệ sĩ không chọn thể loại mà thể loại chọn họ, tùy vào từng nơi, từng lúc. Có lẽ thơ là thể loại hợp với lối tư duy trực cảm của Nguyễn Đình Thi hơn cả. Nhìn vào tên những tập thơ của ông, có thể cảm nhận phần nào mĩ cảm sáng trong và hồn hậu của ông: Người chiến sĩ (1956), Bài thơ Hắc Hải (1958), Dòng sông trong xanh (1974), Tia nắng (1985), Trong cát bụi (1992), Sóng reo (2001). Sở trường về thơ không chỉ giúp ông tạo được “dấu vân tay” của mình trong một nền văn học mà thơ là thể loại “phủ sóng” ở “mọi ngõ ngách gia đình” cả người sáng tác lẫn người thưởng thức mà còn góp phần tạo chất thơ đậm đặc trong các hình thức thể loại khác của ông (âm nhạc, kịch và tiểu thuyết).

   1. Kết hợp gợi, tả và cái nhìn hướng nội

   Nguyễn Đình Thi khởi đầu thi nghiệp của mình từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp và tiếp tục sáng tác cho đến cuối đời. So với nhiều nhà thơ cùng thời, Nguyễn Đình Thi sáng tác không nhiều nhưng lại tạo được dấu ấn trong thơ Việt Nam hiện đại. Đó là những bài thơ trữ tình hướng nội với bút pháp gợi nhiều hơn tả, độ dài câu thơ co giãn linh hoạt, nhịp điệu, tiết tấu không gò bó, tùy vào cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình. Thơ trữ tình hướng nội với điểm nhấn là tư duy trực cảm, thường gắn với những cảm xúc bất chợt, trong khoảnh khắc của hiện tại thoáng qua, có khả năng nhanh chóng trở thành ký ức, hoài niệm. Với Nguyễn Đình Thi, bài thơ như bức tranh phác thảo không hoàn chỉnh, chỉ đủ để ghi lại một hình ảnh, một trạng thái cảm xúc. Nó không cần những chi tiết cụ thể và đầy đủ về không gian, thời gian, có nghĩa là không tả chân, không tự sự. Trong thơ kháng chiến (1945-1975), Nguyễn Đình Thi không phải là người duy nhất có lối thơ này nhưng ông là người chuyên chú và có chủ đích rõ rệt hơn cả (Không nói, Sáng mát trong như sáng năm xưa, Đường núi, Lá đỏ…), càng về cuối đời, ông càng hướng nội nhiều hơn (Chia tay, Hoa vàng, Mùa thu vàng, Đêm tháng bảy, Núi xưa, Trong đêm…). Bài thơ Không nói có cấu trúc tinh gọn, cô đọng, khá hoàn hảo ghi lại được một tâm trạng chớp nhoáng của người chiến sĩ khi bắt gặp hình ảnh mà mình thương quý: một nữ chiến sĩ/ dân công “dừng chân trong mưa bay/ ướt đầm mái tóc”. Trong khoảnh khắc của cuộc gặp bất ngờ nhưng “anh” đã kịp lưu giữ (“ôm”) được tình cảm sâu nặng về “em” qua màu môi, ánh mắt và đọng lại niềm lưu luyến, bâng khuâng, nhớ nhung da diết với hình bóng em xa khuất dần trong không gian của “chiều mờ”, “gió hút”, “đường lầy”. Đoạn thơ (chứ không phải là câu thơ) cuối gợi nhiều cảm xúc ở người đọc: “Dừng chân trong mưa bay/ Ướt đầm mái tóc/ Em, em nhìn đi đâu// Môi em đôi mắt/ Còn ôm đây/ Nhìn em nữa/ Phút giây// Chiều mờ/ Gió hút/ Em/ Bóng nhỏ/ Đường lầy” (Không nói - bản in năm 1948).

   Bài thơ này khá tiêu biểu cho thơ hiện đại: kiệm lời, câu thơ không trọn ý (nó chỉ gợi lên ý niệm) để dành chỗ cho người đọc liên tưởng, ngôn từ lạ, tác giả của nó dường như không câu nệ vào việc bắt vần nhưng vẫn giữ nhịp điệu, tiết tấu và hướng đến gợi thức những cảm giác. Bài thơ được khen là nhờ năng lượng cảm giác được nén lại của nó. Trong bài thơ Sáng mát trong như sáng năm xưa, khổ thơ đầu là một cấu trúc lạ (khổ thơ ba câu):

   “Sáng mát trong như sáng năm xưa
   Gió thổi mùa thu hương cốm mới
   Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em”.

   Các câu thơ trong khổ không hiệp vần với nhau nhưng tiết tấu, nhịp điệu thật uyển chuyển, nhịp nhàng, gợi được cảm giác mơn man, thơm thảo và yên bình của mùa thu Hà Nội với “sáng mát trong”, “gió mùa thu”, “hương cốm”. Câu thơ cuối trong khổ là một liên tưởng đầy gợi nhớ về hình bóng con người – gắn với trạng thái tình cảm riêng tư, xao xuyến: “cỏ mòn thơm mãi dấu chân em”. Đây là kiểu cấu trúc đặc trưng của thơ trữ tình hiện đại: những hình ảnh liên tưởng xuất hiện theo sự réo gọi của tâm thức hơn là ý thức, nó tự động, đột biến nên có khả năng đẩy liên tưởng đi thật xa. Câu thơ vì thế không theo logic thông thường nhưng lung linh về nghĩa. Khổ thơ tiếp (4 câu) cũng khá lạ và hay:

   “Gió thổi mùa thu Hà Nội
   Phố dài xao xác heo may
   Nắng soi ngõ vắng
   Thềm cũ lối ra đi lá rụng đầy”.

   Hình ảnh Hà Nội vào thu ở đây thật đẹp, buồn và thi vị. Đây là cái buồn lưu luyến, thương nhớ về nơi mình sinh ra và lớn lên. Cảnh vật hòa hợp, tương tác với nỗi lòng người đi: gió thu xao xác trong heo may, phố dài hơn, ngõ cũng vắng hơn chỉ còn nắng soi và lá rụng. Những hình ảnh thật ấm áp, gần gũi, thân quen trong ký ức của người đi và đã trở thành kỷ niệm nên lòng đầy bâng khuâng, tiếc nuối.

   Tư duy thơ trữ tình hướng nội của Nguyễn Đình Thi còn tiếp tục tạo dấu ấn trong Lá đỏ (1974). Bài thơ Lá đỏ cũng là một ấn tượng thoáng qua rất nhanh trên đường hành quân của nhà thơ. Trong bài là hình ảnh cuộc gặp gỡ tình cờ và chia tay vội vàng giữa những cán bộ, chiến sĩ và những cô gái thanh niên xung phong bảo vệ các tuyến đường Trường Sơn huyết mạch của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Hình ảnh thơ được chấm phá chỉ vừa đủ để người đọc cảm nhận nét lãng mạn, thi vị của mùa khô ở cao nguyên (trời cao lộng gió, rừng lạ ào ào lá đỏ) và tư thế hiên ngang, anh dũng của những người cầm súng (“Em đứng bên đường, vai áo bạc quàng súng trường”, “đoàn quân đi vội vã” trong gió bụi Trường Sơn...). Hình ảnh cuối cùng lắng đọng những tình cảm yêu thương, quyến luyến giữa người tiếp tục cuộc hành trình và người ở lại (“Em vẫy cười đôi mắt trong”).

   Thơ trữ tình hướng nội bùng nổ từ thời Thơ mới, là “đặc sản” của Thơ mới (1932-1945). Hình thức này không phổ biến trong thơ sau Cách mạng Tháng Tám. Tuy vậy, vẫn có một số nhà thơ thi thoảng viết theo hình thức hướng nội với số lượng bài thơ đếm trên đầu ngón tay: Đôi bờ (Quang Dũng), Màu tím hoa sim (Hữu Loan)… Nguyễn Đình Thi chọn trữ tình hướng nội vì nó hợp với cái tạng của ông. Điều này ít nhiều được ông nói trong bài Mấy ý nghĩ về thơ (1949) khi ông đề cập đến tiếng nói “bên trong tâm hồn” của con người, điều mà sau này Đỗ Lai Thúy cảm nhận là “một lối nhìn sự vật tự bên trong”1. Tình cảm hướng nội của Nguyễn Đình Thi thời kháng chiến không quá riêng tư nên cảm xúc không quá buồn sầu, đau đớn, nó chỉ đủ để gợi nhớ, vấn vương, lưu luyến. Đây cũng chính là nền tảng giúp ông nhanh chóng “bắc cầu” qua lối thơ trữ tình hướng ngoại vốn rất phổ biến lúc bấy giờ với các tác giả Tố Hữu, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Vĩnh Mai, Hoàng Lộc, Dương Tường, Lương An... Tuy nhiên, thơ trữ tình hướng ngoại của Nguyễn Đình Thi cũng có nét riêng. Đó là sự bay bổng trong cảm xúc, ý tưởng, liên tưởng mà trĩu nặng tâm hồn, tình người thời kháng chiến, xen lẫn chút riêng tư (Đất nước, Bài thơ Việt Bắc, Việt Nam quê hương ta, Nhớ...). Đọc thơ ông, chúng ta dễ dàng bắt gặp những tình cảm hòa quyện riêng - chung khó tách bạch, đó là cảm xúc vỡ òa của người Hà Nội ngày trở về tiếp quản Thủ đô sau chín năm ở chiến khu Việt Bắc:

   “Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt
   Leng keng chuông xe điện đổ hồi
  Lòng ta bỗng như dòng suối mát
   Ta đã về đây Hà Nội ơi

   Em Hà Nội má em ửng đỏ
   Áo hoa em cất tự bao giờ
   Góc phố bờ tường bao máu đổ
   Còn tươi nguyên như những lá cờ”.
                                              (Ngày về)

   Ta khóc vì quá vui mừng được về lại, giành lại Thủ đô yêu dấu và hạnh phúc đến ngỡ ngàng vì Hà Nội vẫn còn tươi nguyên, rực rỡ, đầy sức sống qua hình ảnh “em” – biểu tượng của con người Hà Nội “má ửng đỏ”, “chiếc áo hoa”, “tươi nguyên như những lá cờ”. Đó là nghệ thuật tạo hình dựa trên cái nhìn đầy xúc cảm và mĩ cảm. Nguyễn Đình Thi thực sự tài hoa khi ông cấu trúc bài thơ Đất nước trở thành một trong những bài thơ hay nhất của thơ Việt Nam hiện đại về chủ đề quê hương, đất nước. Đất nước của những ngày hòa bình yên bình, thi vị: “Gió thổi mùa thu hương cốm mới”, “Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha”; đất nước của những năm chiến tranh đau thương, tang tóc trước tội ác của kẻ thù: “đứa đè cổ, đứa lột da”; đất nước của truyền thống anh dũng, quật cường: “Súng đạn chúng bay không bắn được/ Lòng dân ta yêu nước thương nhà” và sâu xa là nhờ đất nước qua bao đời vẫn lưu giữ, hun đúc được sức mạnh vô bờ của nhân dân: “Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ”. Ngay trong bài thơ có chủ đề lớn này, Nguyễn Đình Thi vẫn cấu tứ theo kiểu trữ tình, có chỗ lồng vào những xúc cảm riêng tư mà không hề phá vỡ chủ đề của bài thơ, ngược lại, nó nâng tình yêu đất nước càng thiêng liêng, da diết hơn: “Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều/ Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”. Bốn câu thơ có giá trị như những biểu tượng nghệ thuật: biểu tượng về sự hủy diệt “cánh đồng quê chảy máu”, biểu tượng về sự bất ổn, tan nát “dây thép gai đâm nát trời chiều”, biểu tượng về sự hòa quyện riêng - chung trong tình cảm của người Việt “Những đêm dài hành quân nung nấu/ Vẫn bồn chồn nhớ mắt người yêu”.

   Việt Nam quê hương ta là bài thơ lục bát hay nhất của Nguyễn Đình Thi. Ở đây, tác giả bộc lộ niềm tự hào về dân tộc, về đất nước qua những hình ảnh gần gũi, thân thương nhất. Thiên nhiên và con người thôn quê, thôn dã là điểm tựa tinh thần của người Việt. Từ “mênh mông biển lúa”, “cánh cò bay lả rập rờn”, “mây mù che đỉnh Trường Sơn sớm chiều” đến “mặt người vất vả in sâu”, “gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn” là những mảng màu khác nhau được ghép lại tạo nên bức tranh đẹp, bình dị về đất nước và con người có khả năng chống chịu, bất chấp khó khăn, gian khổ. Trong di sản thơ của Nguyễn Đình Thi, bài Nhớ có một tứ thơ khiến nhiều người thấy “lạ” nhưng thực ra đây là kiểu tư duy quen thuộc của ông. Tình yêu nước và tình yêu riêng tư không tách rời nhau, ở những bài thơ khác, Nguyễn Đình Thi không quên xen vào một chút riêng tư, còn ở bài thơ này, ông đặt riêng - chung sóng đôi nhau. Các hình tượng/ biểu tượng cũng được cấu trúc theo kiểu sóng đôi, tương tác lẫn nhau. Ngôi sao và ngọn lửa đều gợi lên nỗi nhớ cháy bỏng trong tình yêu, sao tượng trưng cho vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, lửa tượng trưng cho sức sống, ấm áp. Ngôi sao không chỉ đánh thức nỗi nhớ của anh và em mà còn soi sáng đường hành quân cho các chiến sĩ. Ngọn lửa cũng vậy, nó không chỉ giữ cho tình yêu của anh và em luôn ấm áp mà còn sưởi ấm tâm hồn các chiến sĩ. Và anh cũng là chiến sĩ. Khổ thơ thứ hai bộc lộ rõ cái tứ của bài thơ: “Anh yêu em như anh yêu đất nước”, một tình yêu vừa thiêng liêng, cao cả, vừa da diết, cháy bỏng. “Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ mỗi tối anh nằm, mỗi sáng anh ăn” là cách diễn đạt về tình yêu giản dị nhất trong thi ca hiện đại, nhưng đây là tình cảm rất thực của con người thời kháng chiến. Những ai từng trải nghiệm trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của thời chiến tranh mới cảm, hiểu được nỗi nhớ trong tình yêu qua cách diễn đạt của Nguyễn Đình Thi. Đó là nỗi nhớ miên viễn và đầy yêu thương: nhớ trong “mỗi bước hành quân” vì lo em hành quân vất vả, nhớ “mỗi tối anh nằm” vì lo em thiếu thốn, chiếu chăn không đủ ấm, nhớ “mỗi miếng anh ăn” vì lo em cơm không đủ no, nước không đủ uống. Đó là tình yêu của những con người cùng cảnh ngộ, như tình yêu ruột thịt, như cha thương nhớ con, như anh, chị thương nhớ em, rất cụ thể, chân tình. Khổ cuối hơi “lên gân” vì từ tình yêu bình dị biến thành tình yêu lý tưởng: “Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt/ Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời/ Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực/ Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”. Đó cũng là cảm xúc có thật của con người Việt Nam trong thời đại giai cấp vô sản thế giới đã trở thành một sức mạnh đang lên như vũ bão.

   2. Thơ không vần: thực tế hay báo động giả?

   Lâu nay, nhắc đến Nguyễn Đình Thi thời kháng chiến chống Pháp, dư luận thường tỏ ra tiếc nuối cho sự “thực hành” hình thức “thơ không vần” mà ông tiên phong và cũng là người độc hành trong những năm đầu kháng chiến nhưng đành phải dừng lại giữa chừng. Lý do của nó khá sáng tỏ qua những phát biểu phê bình về thơ Nguyễn Đình Thi trong cuộc “Tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc” (9/1949). Trong bài tổng thuật về cuộc tranh luận thơ Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Xuân Diệu là người đầu tiên phát biểu về “thơ không vần” của Nguyễn Đình Thi và tất nhiên, tác giả Thơ thơ, Gửi hương cho gió đã không ủng hộ hình thức này vì ông cho rằng “thơ không vần” của Nguyễn Đình Thi thiếu kết nối, tình ý không quấn quýt với nhau, khó nhớ… Cũng cần nói thêm, Xuân Diệu thời Thơ mới được Hoài Thanh xem là người “mới nhất trong các nhà Thơ mới” nhưng ông hầu như chỉ làm thơ 7 chữ, 8 chữ, 5 chữ, lục bát - những thể thơ quen thuộc của Thơ mới nhưng không phải là thơ tự do. Xuân Diệu làm thơ bao giờ cũng gieo vần, ngắt nhịp một cách bài bản, uyển chuyển, kể cả các dấu ngắt câu, ông cũng dùng một cách kỹ lưỡng, tạo nên sự rành mạch về ý tưởng, khiến câu thơ có tính kết nối cao. Do vậy, khi nhận xét về thơ người khác, “ông hoàng thơ tình” dễ đóng vai ông giáo lúc chấm bài học trò. Xuân Diệu từng chê Thơ điên của Hàn Mặc Tử mà thực ra thơ của tác giả Đau thương thuộc kiểu tượng trưng, không hợp tạng lãng mạn của tác giả Thơ thơ. Xuân Diệu chê thơ Nguyễn Đình Thi thời kỳ đầu kháng chiến thuộc một hình thức thơ khác với khuynh hướng phổ biến của Thơ mới, trong đó có chính ông, mặc dù “thơ không vần” của Nguyễn Đình Thi cùng “phả hệ” với thơ tự do của Thơ mới. Những bài thơ như Không nói, Đường núi, Sáng mát trong như sáng năm xưa, Đêm mít tinh thuộc một kiểu tư duy thơ hiện đại kiệm lời, gợi cảm, giảm thiểu tính kết nối để tạo độ ngân của tình và ý. Bởi vậy, cuối năm 1949, khi viết bài “Mấy ý nghĩ về thơ”, Nguyễn Đình Thi đã cho rằng “không có vấn đề […] thơ có vần và thơ không vần, chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay”. Rõ ràng, ông không phủ định lợi thế của thơ có vần nhưng ông đã đúng khi cho rằng thơ không vần cũng là thơ, nếu người làm thơ chắc tay thì “thiếu võ khí” ấy (vần) vẫn “có thể thắng”.

   Về nguyên tắc, vần trong thơ chỉ giúp cho thơ dễ thuộc, dễ nhớ, nó không quyết định ý tứ của bài thơ. Tuy nhiên, nếu thơ có ý tứ dồi dào, sâu sắc cùng với vần, điệu hài hòa, nhuần nhuyễn thì bài thơ hoàn hảo hơn. Thơ tự do – một thể thơ hiện đại – tự nó có hình thức khác với các thể thơ truyền thống: không cố định về số chữ trong câu và số câu trong khổ, không bắt buộc có vần2.

   Nguyễn Đình Thi khởi động thơ tự do vào thời kỳ đầu kháng chiến với phương châm không quá chú trọng việc hiệp vần nhưng về sau có vẻ như ông quay về cách hiệp vần theo truyền thống nhiều hơn. Chắc chắn, ít nhiều có “áp lực” từ cuộc tranh luận về “thơ không vần” tại Việt Bắc. Áp lực lúc này không thuần túy chuyện chuyên môn mà chủ yếu vì văn nghệ đang và sẽ đảm nhiệm trách nhiệm phục vụ cho công cuộc đánh đuổi giặc Pháp, bồi dưỡng tình cảm cộng đồng, cổ vũ các tầng lớp nhân dân, nghệ thuật phải trở thành món ăn tinh thần cho quần chúng đông đảo. Do vậy, văn nghệ phải gắn bó với tinh thần “đại chúng hóa” mà hình thức thơ mang tính đại chúng tốt nhất là dễ đọc, dễ thuộc, dễ nhớ, là kế thừa ngôn ngữ, vần điệu của ca dao, dân ca. Đó là lý do sâu xa của vấn đề tranh luận về cái gọi là “thơ không vần”. Sau cuộc tranh luận, Nguyễn Đình Thi dường như phục tùng tiếng nói của số đông. Vì vậy, đến năm 1954, khi ông viết bài thơ Đất nước, ông đã tăng cường hiệp vần trong từng câu thơ. Bài thơ Đất nước có thể là một minh chứng cho việc chuyển những bài thơ “không vần” thành bài thơ “có vần”. Bài thơ này được Nguyễn Đình Thi “tổ hợp” từ hai bài thơ được/ bị gọi là “thơ không vần”: Sáng mát trong như sáng năm xưa Đêm mít tinh. Phải thừa nhận rằng bài thơ Đất nước hay hơn so với từng bài thơ được tổ hợp vào nó, không phải vì “có vần” mà vì bài thơ này có chủ đề lớn, có cấu tứ chặt chẽ, giọng điệu trữ tình đa sắc, có lúc tha thiết, day dứt, có khi bay bổng, phóng khoáng, bút pháp linh hoạt, hình tượng nổi bật.

   Như vậy “thơ không vần” chỉ là một cách nói, đó là “báo động giả” hơn là thực tế nghiêm trọng của nền thơ, bởi vì vài ba bài thơ của Nguyễn Đình Thi chắc chắn không có khả năng làm chệch hướng những đặc điểm chung của nền thơ kháng chiến. Ngược lại, nếu thơ kháng chiến có thêm hình thức thơ tự do “không vần”, gợi nhiều hơn tả của Nguyễn Đình Thi thì nó chỉ làm cho nền thơ sau Cách mạng Tháng Tám thêm đa thanh, đa sắc, đa dạng và đa diện mà thôi.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Chủ biên, 1992), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục.
2. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (Chủ biên, 2004), Từ điển văn học (Bộ mới), NXB Thế giới.
3. Nguyễn Đình Thi (2001): “Mấy ý nghĩ về thơ”, in trong Tuyển tác phẩm văn học Nguyễn Đình Thi, NXB Văn học.

Chú thích:
1 Đỗ Lai Thúy: “Nguyễn Đình Thi – Một cánh én bay qua mùa xuân”, Tạp chí Sông Hương, số 172, ngày 22/5/2009.
2 Trong Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên), thơ tự do được giới thuyết là thể thơ “không bị ràng buộc vào các quy tắc nhất định về số câu, số chữ, niêm đối (…) có thể có vần” (tr. 217). Trong Từ điển văn học (Bộ mới), Nguyễn Xuân Nam nói rõ hơn về vần trong thơ tự do “cách gieo vần rất linh hoạt, không nhất thiết dòng nào cũng hiệp vần” (tr. 1692).

Bình luận

    Chưa có bình luận