NHÀ VĂN NGUYỄN ĐÌNH THI “TRÊN SÓNG THỜI GIAN”

Bài viết phân tích những thành công của Nguyễn Đình Thi ở thể loại bút ký. Bằng sự phong phú, đa dạng trong tư duy nghệ thuật, bút ký Nguyễn Đình Thi bộc lộ cái tôi của nhà văn với cái nhìn bao quát không gian xã hội và không gian văn hóa, đặc biệt luôn gắn với thực tiễn đời sống. Sự góp mặt của bút ký là một khía cạnh làm đầy đủ và trọn vẹn chức năng nghệ thuật, khẳng định đóng góp của Nguyễn Đình Thi trong tiến trình đổi mới và hội nhập văn hóa.

   Nguyễn Đình Thi là một nhà văn lớn, một nghệ sĩ tài hoa của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp sáng tác của ông ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều vang vọng, lưu dấu “trên sóng thời gian”, có những tác phẩm đã bất tử trong lòng công chúng như Diệt phát xít Người Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Huy Cận đã nhận xét: “Bản thân anh (Nguyễn Đình Thi) cũng là một liên hiệp văn học, nghệ thuật” bởi ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn hay văn học, nghệ thuật, nhà văn đều được vinh danh như một tác giả tiêu biểu: nhà triết học, nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận văn học, nhà viết kịch. Ngay trong địa hạt văn xuôi, ở thể loại nào: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, các sáng tác của Nguyễn Đình Thi đều mang ý nghĩa thời sự và nhân văn, luôn bền vững trong đời sống văn nghệ nước nhà. Bên cạnh các tiểu thuyết Xung kích, Vỡ bờ, Vào lửa, Mặt trận trên cao, truyện thiếu nhi Cái Tết của Mèo con; tập truyện ngắn Bên bờ sông Lô, Tuyết là tập bút ký Thu đông năm nay (1954) và Trên sóng thời gian (1992-1994). Lâu nay giới sáng tác và nghiên cứu, phê bình hay quan tâm đến thơ, kịch và tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Đình Thi còn bút ký mang dấu ấn của riêng ông, vừa phục vụ kịp thời đời sống kháng chiến, vừa đáp ứng những yêu cầu của thời đại trong nước cũng như thế giới chưa được chú ý đúng mức với vị trí của nó trong sự nghiệp văn học của nhà văn nói riêng và với đời sống thể loại nói chung. Sự góp mặt của bút ký là một khía cạnh làm đầy đủ và trọn vẹn chức năng nghệ thuật, khẳng định đóng góp của nhà văn trong tiến trình đổi mới và hội nhập văn hóa.

   Từ các bài bút ký của Nguyễn Đình Thi trong tập Thu đông năm nay (1954) chủ yếu viết về tinh thần của bộ đội Cụ Hồ trước kẻ thù đã kết hợp hài hòa giữa giọng văn chính luận và trữ tình, đặc biệt “thu đông” đã trở thành từ khóa chỉ Chiến dịch Thu Đông, mùa mới của kháng chiến, mùa đánh lớn: “Mùa thu ánh sáng hương thơm – mùa của các thi sĩ. Nhưng từ sau những trận Việt Bắc, 47 mùa thu không về một mình. Mùa lạnh, gió thoảng, nắng hanh – mùa thu đông đã tới. Năm ngoái, người đi đường nhìn vội những khẩu hiệu ướt trên tường, ngạc nhiên mấy phút mới đọc được ra: “Phá tan tấn công Thu Đông của Pháp”. Năm nay, những nét chữ thu đông đã mờ trên các đầu ngã ba, hai tiếng thu đông đã vào tiếng nói hàng ngày, cũng như thi đua, giai đoạn thứ hai… và cũng như những tiếng ấy, hai tiếng thu đông nói lên là tự đủ nghĩa”1. Thu đông năm ngoái, quân giặc đánh thua/ Thu đông năm nay, quân ta đánh thắng. Giọng văn chính luận trữ tình từ trong kháng chiến chống Pháp vẫn nhất quán ở những trang bút ký thời bình, nhưng sau 1975, nhất là từ Đổi mới vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, giọng điệu của Nguyễn Đình Thi đã phối trộn màu sắc triết lý, cùng câu chuyện đời thường, những kỷ niệm xưa, khiến những trang bút ký dạt dào sự sống bởi chính những nếm trải và trải nghiệm của người viết. Trong bút ký Nguyễn Đình Thi luôn bắt gặp những vấn đề thể hiện tài năng, sự uyên bác và lịch lãm của ông trong các mối liên hệ giữa tri thức và thực tiễn, quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình, văn hóa và lịch sử.

   Tất cả những vấn đề nêu trên hội tụ trong bút ký Nguyễn Đình Thi và ở đó, với chủ thể viết xưng tôi, trước hết thể hiện cái tôi hoài niệm, dày đặc tình những hồi nhớ bất chợt mà thấm sâu, giúp người đọc hình dung quá khứ một thời xúc động và thiêng liêng. Những trang viết vào thời bình mà vẫn hơn một lần nhà văn chạm vào ký ức. Không phải ngẫu nhiên những cụm từ “tôi nhớ lại những ngày kháng chiến”, “tôi còn nhớ một ngày mùa đông năm 1943”, “hồi kháng chiến ở Việt Bắc”, “khoảng năm 1952”, “khoảng cuối mùa hè năm 49”, “còn nhớ hồi năm 1974”… xuất hiện với tần suất đáng kể trong các bút ký của Nguyễn Đình Thi. Trong bài Hà Nội hồng, nhà văn đã ghi lại khoảnh khắc những ca từ đầu tiên của bài hát Người Hà Nội ra đời trong hoàn cảnh: “Tại Cự Đà lúc đó có trạm quân y lớn, đón nhận các thương binh từ Hà Nội đưa về. Những ngày đó tôi không may bị tái phát bệnh sốt rét mắc phải từ khi đi Đại hội Tân Trào trước khởi nghĩa. Tôi thường qua sông sang Cự Đà xin thuốc và gặp anh em thương binh cùng nhiều gia đình người Hà Nội tản cư về đây. Một điều tình cờ may mắn, trong nhà tôi ở, có một đàn piano cũng của một gia đình người Hà Nội. Một buổi tôi ngồi vào đàn, gõ mổ cò mấy nốt nhạc. Tự nhiên trong đầu tôi vọng lên những nhịp pháo gầm, những tiếng súng, trên một nền âm thanh bát ngát, dịu dàng và bầu trời Hà Nội cháy hiển hiện trở lại. Những câu nhạc tự hiện lên dần: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây… Đây Thăng Long, đây Đông Đô… Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời… Hà Nội hồng ầm ầm rung… và dòng sông người không thể quên được đêm ấy “sông Hồng reo… Hà Nội vùng đứng lên” (tr. 810). Nguyễn Đình Thi nhớ lại ngày lên đường đi Điện Biên Phủ vào đầu tháng 12 năm 1953, đi nhờ xe tải bị bom suýt chết, phải đi bộ: “Tôi rẽ lên đường Sơn La, nhẹ hẳn người. Đêm ấy, tôi dừng lại trải bạt ở bờ cỏ, dưới một gốc cây ven đường. Trong lúc treo màn trên cành cây, nhìn thấy một ngôi sao mờ mờ bên trên núi xa, trong đầu tôi bỗng nói thầm… ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh (câu đầu tiên của bài Nhớ sau đó)… Đặt lưng xuống tôi ngủ một mạch”. Sáng ra nhìn thấy mấy trái bom sát thương, cũng may mà ngủ yên nên không đụng chạm đến những con bươm bướm giết người ấy. Là một văn nghệ sĩ, Nguyễn Đình Thi luôn nhớ về những mùa thu đông năm 1947 ở Việt Bắc, nơi quân Pháp đang hoành hành, máy bay chúng bắn phá ngày đêm. Vậy mà “một mùa văn nghệ mới ở Việt Bắc đã nảy nở giữa những ngày gian nan ấy”. Nguyễn Xuân Khoát viết Tiếng chuông nhà thờ, Tô Ngọc Vân lập xưởng sơn mài và làm bức tranh đầu tiên Hà Nội vùng đứng lên, Thế Lữ viết và tổ chức diễn kịch Cụ đạo và sư ông. Nguyễn Huy Tưởng ngày đêm viết Những người ở lại. Văn Cao bắt đầu nghĩ đến Trường ca sông Lô. Tố Hữu viết một mạch Cá nước, Phá đường, Lượm, Thanh Tịnh diễn thơ độc tấu Trận địa lôi cây số bảy đường Tuyên Hà. Ở Nhã Nam, Nguyên Hồng viết Ấp đồi cháy, Kim Lân viết Làng, ký Buổi chợ Trung Du của Ngô Tất Tố. Tô Hoài có Núi cứu quốc, Nam Cao gửi truyện Đôi mắt Nhật ký ở rừng, Nguyễn Đình Thi viết Nhận đường. Tất cả để “lo cho Tạp chí Văn nghệ ra đời, những số tạp chí in trên giấy bản giữa núi rừng đã đi tới tận Miền Nam và cả Hà Nội bị chiếm và từ đó bay sang đến giữa Pari”.

   Theo mạch hồi ức của mình, Nguyễn Đình Thi viết: “Sang thu đông năm 1949, anh em văn nghệ Việt Bắc chúng tôi đã quen nhiều với bộ đội. Đoàn văn nghệ đi chiến dịch Đông Bắc năm ấy khá hùng hậu. Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc, Mai Văn Hiến, Lưu Quang Thuận. Và còn thêm được cây đàn xelo cồng kềnh của anh Bằng Cao với cây violon của anh Trần Ngọc Xương”. Những tên tuổi xuẩt hiện và hi sinh trong kháng chiến như Trần Đăng, Bùi Thịnh, sau nay vẫn được hậu thế nhắc đến và qua những trang ký của Nguyễn Đình Thi, ta được biết tới cái kết thật bùi ngùi xúc động và thật ấm áp nghĩa tình đồng đội. Bốn mươi hai năm trôi qua, mộ của Bùi Thịnh và Trần Đăng được bộ đội địa phương Lạng Sơn và quân khu Một tìm thấy đã báo cho nhân thân cải táng đưa về: “Cùng với hai bộ tiểu sành, nhân thân của hai anh đã đem về hai viện gạch, khi chôn hai anh 42 năm trước, anh em chiến sĩ đã cắm sâu ở chân mộ để đánh dấu. Trên hai viên gạch đen rêu, còn rõ vết chữ tên hai anh khắc bằng lưỡi lê” (tr. 821).

   Bên cạnh cái tôi hoài niệm trong bút ký của Nguyễn Đình Thi còn hiển lộ cái tôi văn hóa, “với kiến thức uyên bác và một trường thẩm mĩ sâu rộng trên nửa thế kỷ, Nguyễn Đình Thi còn là nhà văn hóa lớn và hoạt động xã hội xuất sắc” (Phạm Tiến Duật). Không ít lần, nhà văn nghĩ đến “việc gìn giữ và xây dựng cách sống của dân tộc, nền văn hóa của dân tộc đang là vấn đề lớn, thiết thực hàng ngày và có tầm quan trọng lâu dài cho mai sau” (tr. 822). Đọc bút ký của Nguyễn Đình Thi, người đọc gặp lại hình ảnh của cha ông thuở trước. Khi ở phương Nam, nhìn những con kênh thẳng tắp đến chân trời, nhà văn thầm nghĩ: “Ông cha ta, chỉ với những bàn tay, chưa có máy móc gì, sao đã đào nên được những dòng kênh này. Và càng xuống đến gần đồng bằng Cửu Long, những con sông đào lớn và những dòng kênh càng đan vào nhau thành cả một mạng lưới chi chít”. Ở Miền Bắc, Nguyễn Đình Thi lại nhớ những con đê vào mùa nước lũ dù phải hứng chịu bom đạn hay mưa bão “những con đê vẫn đó, một vệt sẫm dài tít tắp, ngăn giữ nước sáu nhánh sông đầy ắp, không thể đổ vào đồng đất xanh mờ những dải làng mạc nối tiếp nhau” (tr. 823). Văn hóa của một dân tộc, một đất nước không phải là một khái niệm trừu tượng mà nó chính là cuộc sống mà chúng ta đang từng ngày từng giờ chắt chiu, gom góp, kết tinh từ bao thế hệ, qua bao thăng trầm lịch sử. “Cùng với dân tộc Việt, nước ta có hàng chục dân tộc thiểu số cùng cùng sống với nhau lâu đời và cùng chia sẻ chung một vận mệnh. Và vì vậy cái vốn văn hóa trên đất nước Việt Nam hết sức phong phú”…

   Là nhà văn đồng thời cũng là nhà lãnh đạo văn nghệ, Nguyễn Đình Thi thấu hiểu đất nước còn phải vật lộn với trăm nghìn thử thách và cả những nguy hiểm mới đang rình rập. Nhưng “một niềm hi vọng mới cũng đang hình thành” “bởi sự sống luôn luôn tự mở đường đi lên, không gì ngăn cản được, dù có muôn nghìn vật vã”. Và không gì khác, với văn nghệ sĩ là lao động nghệ thuật, là sáng tạo: “Tôi tìm một chỗ tựa cho niềm hi vọng ấy ở công việc sáng tạo nghệ thuật của con người. Tôi thấy tác phẩm nghệ thuật là trí tuệ và tâm hồn con người thổi vào vật chất và nhào nặn vật chất. Và tác phẩm nghệ thuật là vật chất mang tâm hồn con người và là hồn người thấm nhuần nhào nặn đất, đá, gỗ. Một bức tranh, một bản nhạc, một bài thơ, một ngôi nhà… cũng vậy”. Với Nguyễn Đình Thi, “một tác phẩm nghệ thuật là sự thống nhất tự do và tất yếu”. Trong quá trình lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ, sáng tác của họ đều mang cá tính cá nhân. Nhưng tác phẩm nghệ thuật lớn, lại là cái chung nhất của con người, ai cũng có thể tìm thấy mình trong đó. “Và một tác phẩm nghệ thuật lớn là của một dân tộc, không thể lẫn được. Nhưng đồng thời, nó lại là của chung loài người” (tr. 847), từ những suy ngẫm của mình, nhà văn đã đúc rút: “Những tác phẩm nghệ thuật chứng tỏ con người đã tạo ra được một cái gì vừa vật chất vừa tinh thần, vừa tự do vừa tất yếu, vừa hết sức riêng biệt của một cá nhân vừa là chung nhất của tất cả mọi người, vừa là dân tộc, vừa là quốc tế” (tr. 848). Trong những trang bút ký của Nguyễn Đình Thi, người đọc nhận ra ông là một nhà văn ưu thời mẫn thế nhưng không bi quan cũng không vồ vập mà điềm tĩnh, trầm tư khi nghĩ về cuộc sống trong những quan hệ xã hội, làm sao tạo ra “một đời sống vừa có tự do, vừa có sự công bằng cho con người”. Người đọc như được chia sẻ và đồng cảm với những lời tự ngẫm không chỉ của riêng ông mà của giới văn học, nghệ thuật: “Có lẽ người nghệ sĩ đi qua cuộc đời, để lại một nụ cười hiền, một nụ cười đượm đau buồn nhưng vẫn mang hi vọng vào những ước mơ bao đời về một cuộc sống có tình nhân ái, có tự do và công bằng xã hội cho mỗi con người, những ước mơ đã bao lần bị vùi dập phũ phàng nhưng vẫn cứ truyền lại mãi” (tr. 859).

   Có một khía cạnh nữa của văn hóa, văn học nước nhà được Nguyễn Đình Thi quan tâm và cho là thành tựu quan trọng vào bậc nhất của Cách mạng Tháng Tám là đã làm cho tiếng Việt trở thành tiếng nói chính thống của Nhà nước ta. Nếu như trước đây ngót nghìn năm Bắc thuộc, văn tự chính thống là chữ Hán, đến thời Pháp tiếng nói của Nhà nước là tiếng Pháp, thì Cách mạng Tháng Tám đã đem đến cho tiếng nói Việt Nam vị trí đúng của nó: “Tiếng nói Việt Nam đã trở thành tiếng nói văn hóa, có sức sống tươi xanh, đáp ứng được đầy đủ mọi nhu cầu diễn đạt những giá trị văn hóa và đời sống tinh thần của con người”; “Đấy là thành tựu cơ bản, vừa biểu hiện sự độc lập tự chủ của chúng ta về văn hóa, vừa là vũ khí rất mạnh của dân tộc ta, đất nước ta, để ra hẳn khỏi tình trạng phụ thuộc và nửa phụ thuộc, tiến lên nhanh chóng hiện đại hóa về kinh tế, chính trị, xã hội” (tr. 855).

   Trong ký của Nguyễn Đình Thi còn giúp người đọc hình dung những gương mặt, chân dung văn nghệ sĩ, trí thức, học giả của một thời và mãi mãi. Đó là vị giáo sư, bậc trí giả uyên thâm Đặng Thai Mai, người đã khuyên ông với tuổi trẻ và vốn kiến thức đã có nên học thêm nữa vào một buổi chiều mùa hè năm 1943. Lần gặp gỡ ấy là một kỷ niệm không phai khiến ông “nhận thấy ở nhà văn hóa bậc thầy ấy từ sâu bên trong luôn có sự mong mỏi thấy được sự xuất hiện những tài năng trẻ của đất nước” (tr. 829). Là nhà triết học Trần Đức Thảo ngơ ngác việc đời nhưng uyên bác, với những phát hiện mới ở các công trình khoa học phân tích và lý giải sự hình thành tiếng nói của con người trong xã hội nguyên thủy trong bài ký đầy cảm thương Người lữ hành vất vả. Là tâm sự của nhà văn Nguyên Hồng ở ấp Đồi cháy sau kháng chiến, nếu có nhuận bút cuốn Sóng gầm sẽ lợp ngói ngôi nhà của mình trên Đồi cháy như ông tâm sự: “Ngày nhỏ nhiều lần thấy mẹ khóc, mình đã hẹn: Mẹ cứ yên tâm, lớn lên con sẽ làm nhà ngói cho mẹ ở…” của riêng Nguyên Hồng đồng thời cũng là niềm hoan hỉ “trong khoảng thời gian đó, mấy cây bút viết truyện chúng tôi bảo nhau cùng viết tiểu thuyết dài. Nguyễn Huy Tưởng viết Sống mãi với Thủ đô, Bùi Huy Phồn viết Phất, Tô Hoài viết Mười năm, Võ Huy Tâm viết Những người thợ mỏ. Về phần tôi cũng viết được tập I Vỡ bờ, sách ra gần như cùng một lúc” (tr. 831-832) thể hiện một cách chân thành và cảm động trong bài Lời hẹn của cậu bé Hồng.

   Có thể nói, 20 bài ký của nhà văn Nguyễn Đình in trong tập Trên sóng thời gian, một nhan đề đầy gợi mở và đa nghĩa đã gửi gắm những thông điệp tư tưởng nghệ thuật của tác giả khi nhìn ngẫm lại những bước đi, những lộ trình đã qua của đất nước, con người Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám đến những năm đầu thế kỷ XXI. Ký Nguyễn Đình Thi bộc lộ cái tôi của nhà văn với cái nhìn bao quát không gian xã hội và không gian văn hóa nhưng không rơi vào tư biện, lý luận suông mà luôn gắn với thực tiễn đời sống. Cách đặt tên bài bằng những hình ảnh cụ thể Từ chiếc bát gốm xưa; Gươm đây, gươm đây; Những con đêNhững dòng kênh đến những hình ảnh mang tính biểu tượng như Tiếng gà gáy, Hoa trong lửa, Hà Nội hồng, Trên sóng thời gian đã cho thấy sự phong phú, đa dạng trong tư duy nghệ thuật của nhà văn luôn hướng tới những điều tốt đẹp, đến giá trị văn hóa, mà nhờ nó làm dịu không khí tranh luận trước khi đưa ra một quyết định sống còn với chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong một cuộc họp quan trọng cùng các cố vấn Trung Quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời nhà văn Nguyễn Đình Thi đến dự. Sau khi giới thiệu với mọi người, đây là một văn nghệ sĩ của chúng tôi, Đại tướng mời Nguyễn Đình Thi hát bài Người Hà Nội và đã nhận được một tràng vỗ tay lẫn những tiếng cười vui của bàn họp. Hẳn là văn nghệ đã “điều hòa không khí” cuộc họp để đi đến một quyết định cuối cùng của chiến dịch (Một quyết định khó khăn nhất).

   Trong cách thức thể hiện, dường như Nguyễn Đình Thi không quá chú trọng đến kiểu bố cục truyền thống mà để cho cảm xúc và suy nghĩ tự thân vận động, thậm chí có sự xâm nhập của chất thơ, của đối thoại, độc thoại, có sự cài đặt những mẩu chuyện nhỏ khiến cho những đoạn chính luận bỗng sinh động, tươi vui. Trong bài ký Trên sóng thời gian đang nói về gian khổ của văn nghệ sĩ bám theo chiến dịch thì bỗng dưng xuất hiện Trần Công Tường, nhà luật sư danh giá ở Mỹ Tho, gia đình giàu có, nổi tiếng cả một vùng Gò Công, Tiền Giang. “Hôm ấy nhà luật sư đeo chiếc cặp choàng lên vai bằng dây thừng, vì anh yếu, phải cấp cho anh con ngựa, nó thấp bé nhưng lười và bướng, chỉ đi nhẩn nha, làm anh phải luôn miệng giục: “Đi mau đi mau, con”. Từ hình ảnh người luật sư Nam Bộ theo kháng chiến ấy, Nguyễn Đình Thi cảm nhận: “Những năm tháng ấy đã làm cho tôi tin mãi là con người, khi có một lẽ phải lớn để sống, thì có thể phát huy những tiềm năng hầu như vô tận bên trong mình, và làm được những việc tưởng như không làm nổi” (tr. 871). Có những bài ký Đêm thao thức ấy, Ngọn đèn nhỏ ven đường rừng lại mang dáng dấp của truyện ngắn. Trong ký Nguyễn Đình Thi vô tình hay hữu ý, với người vốn đã viết văn, làm thơ thì sự phối trộn thể loại trong sáng tác, nhất là ở bút ký đã góp phần tăng thêm hiệu ứng thẩm mĩ đối với người cảm thụ và tiếp nhận.

   Có thể nói sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Thi ở các loại hình văn học, nghệ thuật, trong đó có sự góp mặt của thể ký, thêm một lần nữa khẳng định tài năng và đóng góp to lớn của ông với tư cách là một nhà văn, một nhà văn hóa của nền văn nghệ nước nhà từ 1945 đến nay, vẫn luôn ngự trị “trên sóng thời gian”…

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Hà Minh Đức, Nguyễn Đình Thi (2011), Chim phượng bay từ núi, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
2. Hà Minh Đức, Trần Khánh Thành (tuyển chọn và giới thiệu, 2000), Nguyễn Đình Thi về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục.

Chú thích:
1 Nguyễn Đình Thi toàn tập, tập III, NXB Văn học, 2009, tr. 734. Từ đây, các trích dẫn được chúng tôi lấy từ nguồn này và mở ngoặc trực tiếp số trang.

Bình luận

    Chưa có bình luận