NGUYỄN ĐÌNH THI – NHÀ TƯ TƯỞNG “XUNG KÍCH ĐỔI MỚI”

Trên cơ sở phân tích những thành tựu, đóng góp qua một số tác phẩm tiêu biểu ở các thể loại của Nguyễn Đình Thi, bài viết đánh giá, ghi nhận tư tưởng 'xung kích đổi mới' của ông: xung kích của phong trào đổi mới, xung kích trong tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa, xung kích trong kịch, xung kích trong tư tưởng triết lý và trong mĩ học sáng tác.

   Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, nói đến Nguyễn Đình Thi là phải nói đến một nhà văn đa năng. Trong những lần đi nói chuyện văn chương với công chúng, ông thường nói vui, đại loại rằng: “Tôi là một nhà văn con vịt. Con vịt nó có thể làm được tất cả các dạng vận động của các loài động vật có cánh, nhưng không thành thạo một dạng vận động nào. Nó biết đi một tý, bay một tý, bơi một tý. Nhưng nó đi thì lạch bạch, không đọ được với một con gà; nó bay thì chỉ được một quãng ngắn, không thể thi thố được với loài chim; nó bơi thì cũng chỉ bơi chậm chạp quanh ao. Còn tôi, tôi cũng sáng tác đủ các loại hình nghệ thuật: văn thơ một tý, kịch một tý, hội hoạ một tý, âm nhạc một tý...”. Tuy nhiên, mặc dù ở mỗi loại hình nghệ thuật, Nguyễn Đình Thi chỉ sáng tác “một tý” nhưng cái “một tý” đó đều là những đóng góp xuất sắc cho văn học, nghệ thuật Việt Nam. Trong những đóng góp đó, kịch nói của ông có một vị trí đặc biệt.

   Tôi nói “đặc biệt” là vì trong kịch nói, Nguyễn Đình Thi đã gửi gắm những suy tư triết lý về xã hội và con người sâu sắc hơn so với các loại hình văn chương khác của ông. Khởi đầu, Nguyễn Đình Thi là người nghiên cứu triết học, ông đã có sáu công trình nghiên cứu triết học được xuất bản lần lượt trong 2 năm 1942-1943 khi ông mới 18-19 tuổi. Đến giai đoạn sáng tác văn học, ông tự thấy có nhu cầu phải thể hiện tư tưởng triết lý của mình. Về mặt này, có thể coi ông là người “xung kích” đi đầu trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Như một sự trùng hợp, nhan đề cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, Xung kích, như muốn thể hiện cái tinh thần đi đầu đó. Tiểu thuyết Xung kích xuất bản năm 1951, khi ông 27 tuổi, tiếp đó ông sáng tác một số tiểu thuyết khác nữa vẫn với tinh thần “xung kích” ấy. Tuy nhiên, có lẽ trong tinh thần dẫn dắt của “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” lúc bấy giờ, Nguyễn Đình Thi tự thấy không thể gửi gắm các tư tưởng triết lý của mình vào tiểu thuyết được. Đến năm 1961, ông viết vở kịch đầu tiên: Con nai đen. Ở vở kịch này, Nguyễn Đình Thi cũng có thể được coi là người “xung kích” trong lĩnh vực đổi mới kịch nói nói riêng và trong công cuộc đổi mới văn học nói chung. Con nai đen là một vở kịch biểu tượng trong bối cảnh của một lịch sử quá khứ nước ngoài. Có một nhà phê bình nước ngoài đã từng phát biểu đại loại về văn học lịch sử: Khi hiện thực trước mắt khó tiếp cận thì nhà văn quay về với lịch sử quá khứ. Có lẽ đối với Nguyễn Đình Thi cũng vậy, khi cái hình tượng văn học về hiện thực trước mắt không có khả năng chuyển tải tư tưởng triết lý của ông thì ông quay sang sáng tác kịch lịch sử. Ông nói nội dung vở kịch Con nai đen là “sự đấu tranh quanh co phức tạp giữa cái thật và cái giả”1. Hầu hết các vở kịch của Nguyễn Đình Thi đều chủ yếu mang xung đột thật - giả, như có nhà nghiên cứu đã nhận xét: “Vấn đề thật - giả có ý nghĩa khái quát hơn rất nhiều so với vấn đề thiện - ác; xấu - tốt”2.

   Sự nghiệp Nguyễn Đình Thi có bước khởi đầu của một nhà tư tưởng. Năm 18 tuổi, ông đã quan tâm đến các nhà tư tưởng cổ điển lớn của thế giới về nhận thức luận, về triết học xã hội và triết học con người. Ông giới thiệu Kant – nhà triết học nhận thức luận nổi tiếng; Nietzsche – nhà triết học con người; Einstein – nhà khoa học vĩ đại của thế kỷ XX với những tư tưởng triết lý về thân phận con người; Descartes – nhà triết học duy lý với câu nói nổi tiếng: “Tôi nghi ngờ tức là tôi tư duy” (Nguyễn Đình Thi không có công trình nào giới thiệu về triết học Marx). Trong khi đó, cuốn Triết học nhập môn (1942) của ông đã từng được Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn dùng làm sách giáo khoa cho sinh viên năm nhất của ngành triết học trong những năm đầu thành lập trường. Khi chuyển sang lĩnh vực văn chương, ông cũng muốn đưa tư tưởng của mình vào tác phẩm. Nhưng đối với tiểu thuyết viết theo đường lối sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa cần thiết lúc bấy giờ, có lẽ ông không thể gửi gắm tư tưởng triết lý xã hội và con người của mình vào đó được. Thế là ông chọn kịch nói, đặc biệt là kịch lịch sử. Ông đã thổ lộ: “Tôi cảm thấy kịch cho phép tôi nói được những vấn đề làm tôi suy nghĩ mấy chục năm [...]. Tôi muốn tìm một câu trả lời về ý nghĩa kiếp sống của con người”3. Như thế thì ông phải tạm từ bỏ việc viết về “cái phải tồn tại” mà ông đang làm với tiểu thuyết.

   Quả thực, vấn đề thật - giả đã làm cho kịch của ông đi ngược lại với đường lối “viết về cái phải tồn tại”. Chính việc này đã khiến kịch của ông gặp phải sự phản ứng. Ông nói: “Giờ ngẫm lại tôi thấy việc viết kịch của tôi còn gặp nhiều khó khăn hơn cả thơ: mấy vở viết ra đều bị cấm diễn”4. Ông sáng tác vở kịch Con nai đen đúng vào thời điểm Tố Hữu viết bài thơ nổi tiếng Bài ca mùa xuân 1961 – một bài thơ điển hình cho đường lối “viết về cái phải tồn tại”. Cả mười vở kịch của ông đều được sáng tác trong những năm trước Đổi mới, đó là thời kỳ ngự trị của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, của đường lối văn nghệ “viết về cái phải tồn tại”. Khi đó, viết về “cái đang tồn tại” là một việc làm khó khăn và gian khổ, nhân vật nhà vua trong Con nai đen đã đau đớn thốt lên: “Nhìn vào sự thật sao mà khó vậy? Sao mà nhức nhối đau khổ vậy?”.

   Chúng ta biết là năm 1987, Nguyễn Minh Châu đã viết bài báo “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” đăng trên Báo Văn nghệ số 49-50. Trong bài báo có thể được coi là “Bản tuyên ngôn mĩ học thời kỳ Đổi mới” này, Nguyễn Minh Châu đã tuyên bố về ba vấn đề cơ bản của sáng tác văn nghệ: Sáng tác thế nào? Sáng tác cái gì? Sáng tác cho ai? Cụ thể ý bài báo là: Văn nghệ phải có tự do sáng tác; văn nghệ phải phản ánh đúng bộ mặt thật của hiện thực chứ không minh họa cho đường lối (tức là nó phải phản ánh “cái đang tồn tại” chứ không phải “cái phải tồn tại”); văn nghệ phải sáng tác cho dân chúng chứ không sáng tác cho người lãnh đạo. Vậy mà từ năm 1961, Nguyễn Đình Thi đã bắt đầu sáng tác về “cái đang tồn tại”, mặc dù nó vẫn phải núp dưới bóng các hình tượng của “cái đã tồn tại”; những vở kịch của ông thực sự là viết cho người dân chứ không phải viết cho lãnh đạo, không minh họa cho đường lối chính trị. Điều này cho thấy Nguyễn Đình Thi thực sự là người “xung kích” sớm của phong trào đổi mới. Như vậy là trong tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa, ông là người “xung kích” đầu tiên từ năm 1951; còn trong lĩnh vực kịch nói, ông lại là người “xung kích” sớm trước 25 năm của phong trào đổi mới, một người “xung kích” trong tư tưởng triết lý và trong mĩ học sáng tác. Nhưng tư tưởng đổi mới của ông xuất hiện quá sớm nên ngay lúc đó nó không được chấp nhận và do vậy cũng không tạo ra được phong trào. Tuy nhiên, kịch nói của ông vẫn khuấy động được nền kịch nghệ hiện đại của nước nhà. Vì thế, kịch nói của ông đáng được ghi nhận như là một nỗ lực và công lao cho phong trào đổi mới trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại.

 

 

 

Chú thích:
1, 3, 4 “Tự thuật của Nguyễn Đình Thi” (Nguyễn Thanh Huyền ghi, 1996), https://vanvn.net/news/ 31/1262-tu-thuat-cua-nguyen-dinh-thi.html, 24/11/2011.
2 Lê Tâm Chính, https://dulieu.itrithuc.vn/ media/dataset/2020_08/ky_00696.pdf.

Bình luận

    Chưa có bình luận