NGUYỄN ĐÌNH THI VỚI HÀ NỘI

Nguyễn Đình Thi là một trí thức cách mạng đi vào hoạt động sáng tạo nghệ thuật và dù đi đâu ở đâu, ông vẫn gắn bó với Hà Nội. Hà Nội luôn trong trái tim ông và sự gắn bó ấy hiện lên ở các sáng tác văn, thơ, nhạc. Qua đó có thể khẳng định Nguyễn Đình Thi là sự kết tinh những phẩm chất chung của con người Hà Nội thông minh, lịch thiệp, tài hoa.

   Nguyễn Đình Thi (1924-2003) quê gốc ở Phú Xuyên, Hà Đông, sau chuyển lên huyện Thọ Xương (nay là phố Bà Triệu, Hà Nội). Ông sinh ở Luang Prabang, Lào. Tuổi nhỏ gắn với vùng cao Bắc Lào, sống như những trẻ em dân tộc thiểu số với sông suối, núi rừng, cuộc sống người dân còn khá thô sơ. Năm lên 7, Nguyễn Đình Thi theo cha về Hà Nội học tiểu học. Năm 10 tuổi cùng gia đình xuống Hải Phòng, học tiếp tiểu học và 4 năm Thành chung ở Trường Bonnan. Học xong Thành chung, Nguyễn Đình Thi lại trở lên Hà Nội học Trường Bưởi. Năm 1941 (17 tuổi) bắt đầu tham gia công tác cách mạng trong phong trào học sinh - sinh viên.

   Năm 1942, ông bị bắt tại trường, bị giam mấy tháng tại Sở Mật thám Hà Nội. Khi được tự do, Nguyễn Đình Thi bị đuổi học. Ông vào Chợ Lớn - Sài Gòn cùng với cha, tự học và trở ra Bắc thi đỗ Tú tài với tư cách thí sinh tự do rồi vào học Trường Luật. Cũng năm 1942, Nguyễn Đình Thi đã viết và in một số sách giới thiệu các triết gia lớn của thế giới như: Triết học nhập môn, Triết học Descartes, Triết học Nietzsche, Triết học Anhxtanh, Siêu hình học… Năm 1943, ông cùng Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Như Phong, Nam Cao, Tô Hoài tham gia Hội Văn hóa cứu quốc. Giữa năm 1944, ông lại bị bắt cùng Như Phong, Nguyễn Hữu Đang, Tô Hoài, sau đó được tha. Tháng 7/1945, ông dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào. Tháng 9/1945, Nguyễn Đình Thi đảm nhiệm vị trí Tổng Thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Năm 1946, ông là Đại biểu Quốc hội trẻ nhất, tham gia Tiểu ban Dự thảo Hiến pháp, Ủy viên Ủy ban Thường trực Quốc hội; năm 1948, là Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam; năm 1952, là Chính trị viên phó Tiểu đoàn, Trung đoàn Thủ Đô.

   Nguyễn Đình Thi đến với cách mạng bằng tấm lòng yêu nước tha thiết với tất cả phẩm chất tài hoa, lãng mạn của một thanh niên Hà Nội. Nguyễn Đình Thi đã khẳng định mình với tư cách là một trí thức cách mạng đi vào hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Đi đâu ở đâu, Nguyễn Đình Thi vẫn gắn bó với Hà Nội: Hà Nội luôn trong trái tim ông và hiện lên ở các sáng tác văn, thơ, nhạc của ông. Hai bài hát Diệt phát xít (1945) và Người Hà Nội (1946) mãi mãi in đậm trong tâm hồn, tình cảm người Hà Nội và người Việt Nam chúng ta bởi nó đậm chất Hà Nội, hào hoa, kiêu hùng trong những tháng năm đau thương và khát vọng tự do, giành quyền sống. Nguyễn Đình Thi kể lại: Đầu năm 1945, bọn phát xít Nhật nghênh ngang, kiểm soát gắt gao. Hà Nội đau đớn dưới ách phát xít. Không khí cách mạng dâng cao, người Hà Nội quyết tâm đứng lên cứu nước. Từ gác xép nhà họa sĩ Trần Văn Cẩn mà Nguyễn Đình Thi đang ở nhờ, ông viết bài Diệt phát xít. Ở Hà Nội nhiều người hát bài này nhưng không ai biết tên tác giả. Sau khi dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào (7/1945), Nguyễn Đình Thi đi bộ về Hà Nội nhưng bị sốt rét nên mãi ngày 28/8 mới qua sông Hồng, thấy các đoàn biểu tình rầm rập trên đường, ông nhập vào hàng ngũ những người biểu tình đến dự mít tinh ở Nhà hát Lớn. Ở đây, ông cùng mọi người hát bài Diệt phát xít. Tác giả tự hào: “Sáng tác của mình trở thành tiếng nói, tâm hồn, khí phách của mảnh đất thiêng liêng mà mình gắn bó: sống, trưởng thành, hoạt động và sáng tạo nghệ thuật”.

   Cuối năm 1946, bài hát Người Hà Nội ra đời. Bài hát ca ngợi con người, khí thế Hà Nội ngày đầu chiến đấu, khẳng định niềm tin chiến thắng. Khi trang nghiêm sâu lắng, khi tha thiết, khi bừng bừng khí thế hân hoan vui sướng lạc quan. Phó Đức An viết: Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, sau một chuyến đi công tác, Nguyễn Đình Thi về tòa soạn Báo Cứu quốc. Chưa biết tòa soạn báo sơ tán về đâu, Nguyễn Đình Thi trở về cơ sở cũ của Báo Cứu quốc thời kỳ bí mật trước Cách mạng. Đó là làng Khúc Thủy, xã Cự Đà, huyện Thanh Oai, Hà Đông.

   Trở lại lần này, Nguyễn Đình Thi thấy gia đình cơ sở có cây đàn piano. Đoán là của một gia đình nào đó ở Hà Nội đem về gửi, Nguyễn Đình Thi mở nắp cây đàn, thử mấy nốt. Một cây đàn hỏng. Chính từ cây đàn này, bài hát Người Hà Nội ra đời. Chỉ vài ba ngày, những nốt nhạc, lời ca Người Hà Nội đã kín đặc trên trang giấy. Một hôm, Thép Mới trở về (ngày ấy Thép Mới và Nguyễn Đình Thi cùng làm Báo Cứu quốc của Mặt trận Hà Nội). Nguyễn Đình Thi ngồi vào cây đàn, tay đàn miệng hát bài hát vừa sáng tác. Nghe xong, Thép Mới reo lên: “Thế là Thi đã có món quà tinh thần cho quân dân Hà Nội và Trung đoàn Thủ đô rồi đó”, rồi ông giục Nguyễn Đình Thi ngay đêm đó sửa chữa lại cho hoàn chỉnh để sáng sớm hôm sau cùng về tòa soạn kịp đưa vào số báo Tết đón xuân Đinh Hợi (1947). Xuân ấy trong chiến đấu gian khổ giữa lòng Thủ đô cầm chân giặc, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vẫn “ầm ầm cười, tiếng súng vui thay, trông ngày mai sáng láng. Mai này lớp lớp người đi, thét vang trời khải hoàn”. Họ hát say sưa, hát trong tư thế tin vào ngày mai tất thắng1.

    Tiểu thuyết Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi cũng là “một mảng sống Hà Nội”. Những con người thuộc nhiều tầng lớp. Người đọc rất dễ nhận ra Nguyễn Đình Thi am hiểu kỹ những nhân vật thuộc con nhà giàu như Phượng và đám văn nghệ sĩ thành phố viết báo, vẽ tranh, chơi nhạc: Tư, Thanh Tùng, Toàn, Vũ… Ông ghi lại một Hà Nội hỗn độn sau ngày Nhật đảo chính Pháp, cuộc chuẩn bị khẩn trương Tổng khởi nghĩa, lôi cuốn nhiều quần chúng tham gia: học sinh, sinh viên, nông dân nghèo khổ, những cô em gái của Phượng... Môi trường nhà văn sinh trưởng, những quan hệ xã hội, không gian đô thị... ghi dấu ấn trong tác phẩm. Hình tượng nhân vật có những đặc trưng riêng mang ý nghĩa văn hóa và giá trị nghệ thuật độc đáo. Ông kết hợp được cả quan sát, rung cảm và kiến thức qua đọc, tìm hiểu. Ông thu hút được những tinh hoa đời sống xã hội, văn hóa Thủ đô: thông minh, lịch lãm, tài hoa…

   Đặc biệt, thơ Nguyễn Đình Thi đau đáu một nỗi nhớ. Hà Nội với những cảm nhận sâu, đẹp, có vui có buồn mà trong sáng. Ca từ của sáng tác nổi tiếng Người Hà Nội là một bài thơ tha thiết, mến yêu:

    “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây
   Đây lắng hồn núi sông ngàn năm
   Đây Thăng Long
   Đây Đông Đô
   Đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu”…

   “Hà Nội tươi thắm - Sống vui phố hè - Bồi hồi chàng trai - Những đôi mắt nào… Quanh co, chen nhau rộn ràng Đồng Xuân - Xanh tươi bát ngát Tây Hồ… Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu”. Phải hiểu, phải yêu mới thấy được, cảm được lịch sử, tâm hồn, sinh hoạt của người Hà Nội như thế. Cũng có thể nói lịch sử Hà Nội, sinh hoạt, tâm hồn Hà Nội đã thấm vào trái tim đa cảm của tác giả truyền rung động sang người đọc, người nghe. Hà Nội còn hiện lên trong những bài thơ: Đêm sao, Lòng Hà Nội, Hà Nội đêm nay, Đất nước, Ngày về, Chim én, Tiếng sóng, Chia tay trong đêm Hà Nội, Câu chuyện với người bạn cũ, Vào mùa thu

   Tận núi rừng Việt Bắc xa xôi, mùa thu, Nguyễn Đình Thi nhớ Hà Nội:

   “Gió thổi mùa thu vào Hà Nội
   Phố dài xao xác heo may
   Nắng soi ngõ vắng
   Thềm cũ lối ra đi
   Lá rụng đầy
   ... Tháp Rùa lim dim nhìn nắng
   Những cánh chim non
   Trông vời nghìn nẻo
   Mây trắng nổi tơi bời”.
                                         (Sáng mát trong như sáng năm xưa2)

   Thiên nhiên, đất trời, con người đều đẹp đáng yêu, thơ ông thể hiện niềm vui, thời thế đổi thay: “Tháng Tám về rồi đây/ Hôm nay nghìn năm gió thổi/ Trời muôn xưa/ Đàn con thành phố môi hớn hở/ Ngày hẹn đến rồi”. Từ thời gian xa, trở về thời gian hiện tại và nỗi buồn nghĩ tới những đồng đội đã hi sinh: “Các anh ngậm cười bãi núi ven sông/ Hà Nội, ơi núi rừng”. Nguyễn Đình Thi nhớ Hà Nội với niềm đau, thành phố trong tay giặc:

   “Phố phường nín thở
   Những lề đường mòn cũ
   Lành lạnh mưa phùn
   Hà Nội
   Một mình buồn xé ruột
   Ngày ngày buồn thức dậy
   Quay mặt đi đâu ngày hôm nay
   Gió mùa đông trong lá chưa đi
   Còn đến bao giờ bao giờ bao giờ”.
                                                      (Đêm mít tinh3)

   Nhưng tin tưởng:

   “Hà Nôi phố hè ngực đập thình thình Tiếng hát reo cười cuốn trào nước mắt”.

   Hai bài thơ trên là tiền thân của bài Đất nước (1948-1955):

   “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
   Những phố dài xao xác hơi may
   Người ra đi đầu không ngoảnh lại
   Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

   Bài thơ thể hiện ý thức ra đi để giữ gìn độc lập tự do, nhất quyết ra đi nhưng lưu luyến với những kỷ niệm đẹp, buồn, lặng lẽ: “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

   Năm 1949, nhớ Hà Nội, Nguyễn Đình Thi nhớ đến người chiến sĩ, người tù trong xà lim: “Hai tay anh giập nát/ Chân trong cùm tê dại/ Anh nằm thoi thóp thở/ Ngất đi rồi tỉnh lại”. Nén chịu những đau đớn, nghiến răng trả lời đồng chí của mình cũng đang bị giam bên kia tường bằng tiếng gõ “vẫn sống và giữ vững”. Bài thơ như một màn kịch kết thúc một niềm tin, một khẳng định:

   “Hà Nội bây giờ như thế Những đêm rì rầm những tiếng truyền tin”.

   Vẫn năm 1949, Nguyễn Đình Thi cảm nhận “Hà Nội đêm nay”, những bồi hồi chờ đợi và những hình dung đau đớn bởi chiến tranh nhưng sức sống của Hà Nội là bất diệt: “Bức tường đầy vết đạn/ Ôm bóng tối đổ nghiêng/ Cố vươn mình thẳng đứng”.

   “Hà Nội nát người trong gai sắt
   Máu chảy hồng tươi bất khuất
   Những bàn tay thèm lựu đạn súng trường
   Những mắt người như những thanh gươm
   Lấp loáng trong đêm chờ đợi”.

   Và hi vọng, tưởng đến “Một ngày mai chói lòa…/ Súng sẽ nổ rung trời/ Xác giặc lăn trong bụi/ Hà Nội lại là Hà Nội”:

   “Những lùm cây múa cả lên
   Bao nhiêu mảng tường cười như điên
   Bao nhiêu cô gái mặc áo đẹp nhất
   Bao nhiêu cờ hoa bao nhiêu nước mắt
   Bao nhiêu ngực đập thình thình
   Hà Nội ào ào tràn lên
   Ôm chặt đàn con về giải phóng”.
                                                       (Hà Nội đêm nay)

   Lời thơ dồn dập, sôi nổi như chiến thắng đã cầm trong tay. Vậy là những ngày đầu tạm biệt Thủ đô đi kháng chiến, Nguyễn Đình Thi vẫn níu giữ được những cảnh, những người, tâm hồn, khí phách Hà Nội và tưởng tượng ngày Hà Nội được giải phóng trong âm hưởng hào hùng và những hình ảnh lung linh, cảm động.

   “Ngày về” gặp lại Hà Nội, sống với Thủ đô những ngày tháng giản dị, sáng tươi tuy còn gian lao, vất vả nhưng “Trăm ngàn ước mơ đập cánh” (Chim én) và nhớ lại những kỷ niệm xưa, mất mát, buồn (Tiếng sóng). Những bài thơ này có bớt đi phần tự do tung hoành, sôi nổi mà đằm sâu, da diết. Thể thơ cũng trở về cách luật quen thuộc 7 chữ, 6 chữ nhịp nhàng, uyển chuyển. Cách nhìn, cách cảm lắng lại, từng trải, thấm thía, vui buồn và trách nhiệm. Hà Nội hiện lên thanh lịch, dịu dàng, xót xa mà tin yêu:

   “Hà Nội chiều nay mưa tầm tã
   Ta lại về đây giữa phố xưa
   Nước hồ Gươm sao xanh dịu quá
   Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa 

   … Nằm lại những chân rừng đầu núi
    Hôm nay bao đồng chí đâu rồi 

   Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt
   Leng keng chuông xe điện đổ hồi
   Lòng ta bỗng như dòng suối mát
   Ta đã về đây Hà Nội ơi 

   … Từ khắp bốn phương trời lửa đạn
   Đàn con về sau những năm xa
   Cởi súng gạt mồ hôi trên trán
   Ta lại xây Hà Nội của ta”.
                                          (Ngày về)

   Bài thơ Tiếng sóng thể hiện niềm vui hôm nay, nhớ năm xưa và ngậm ngùi hiện tại. Đó là tâm sự của người cả nghĩ, rất đáng trân trọng. Kháng chiến, tạm biệt Hà Nội ra đi: “Em bỗng giơ tay vẫy phố phường”. Hòa bình mấy năm rồi mà vẫn nghẹn ngào hỏi, một câu hỏi đớn đau day dứt: “Đêm khuya trăng sáng bờ đê cũ/ Sông Hồng người năm trước nay đâu”. Bài thơ ngắn với 12 câu:

   “Đã lâu quá không nghe tiếng sóng
   Ta dừng chân náo động trong lòng
   Hà Nội cuối chân trời lấp loáng
   Mênh mông nước chảy đẫm trăng vàng

   Nhớ năm xưa trong đêm sóng vỗ
   Người đi Hà Nội cháy sau lưng
   Nước mắt long lanh nhòa giọt lửa
   Em bỗng giơ tay vẫy phố phường

   Tiếng sóng vẫn trong đêm ào ạt
   Gió mơ màng động mấy tàu cau
   Đêm khuya trăng sáng bờ đê cũ
   Sông Hồng người năm trước nay đâu”.
                                                         (1957)

   Sau này Hà Nội với Nguyễn Đình Thi là không gian, thời gian sống, hoạt động, khám phá, sáng tạo. Ông giữ nhiều trọng trách, lãnh đạo các cơ quan văn học, nghệ thuật và góp phần xây dựng nền văn nghệ Việt Nam trong tình hình mới. Đây cũng là thời gian Nguyễn Đình Thi sáng tác dồi dào nhiều tác phẩm có giá trị cao: Bài thơ Hắc Hải (thơ, 1959), Vỡ bờ (tiểu thuyết 2 tập - 1962, 1970), Dòng sông trong xanh (thơ, 1974), Hoa và Ngần (kịch, 1975), Rừng trúc (kịch, 1978), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (kịch, 1979), Tia nắng (thơ, 1983), Giấc mơ (kịch, 1983), Tiếng sóng (kịch, 1985), Hòn cuội (kịch, 1987), Sóng reo (thơ, 2001)...

   Đất nước chiến tranh, Hà Nội chiến đấu với không lực Hoa Kỳ hiện lên sống động trong tiểu thuyết Mặt trận trên cao (1967). Hà Nội chi viện cho Miền Nam, những lứa đôi đang yêu nhau lại cách xa. Những mối tình đẹp, “Đẹp lắm mà thương lắm”. Tình yêu trong chiến tranh là thế. Yêu nhau xa cách mới được gặp lại nhau chưa kịp hưởng niềm vui đã giật mình thảng thốt:

   “Anh có nghe tiếng súng phía quê em
   Em phải đi rồi”...

   Hà Nội bây giờ là chiến đấu, là nơi gắn bó lứa đôi, nơi chia tay và hồi nhớ.

   Cảnh chia tay trong đêm Hà Nội nhẹ nhàng mà thương cảm, bình tĩnh mà nén chịu, như không nói mà ẩn chứa bao điều. Đêm công viên ngổn ngang ụ súng, thành phố như bình yên thường nhật, cô gái chia tay người yêu mà bờ vai vẫn khoác súng: 

   “Em đi bên anh tóc xoà bay rối
   Nhỏ nhắn vai em khoác súng trường. 

   Trăng soi gương mặt nghìn yêu dấu
   Ngày mai hai đứa đã hai nơi
   Hai đầu đất nước trong dông bão
   Cùng chung chiến đấu hai phương trời”.
                                                           (Chia tay trong đêm Hà Nội)

   Nguyễn Đình Thi gắn bó với Hà Nội qua nhạc, thơ, văn… Một con người tài năng đa dạng, lĩnh vực nào ông cũng có thành tựu. Ông là sự kết tinh những phẩm chất chung của con người Hà Nội thông minh, lịch thiệp, tài hoa và nâng lên ở tầm vóc mới bằng một trí tuệ uyên bác và trái tim mẫn cảm, giàu lòng nhân ái.

   Từ Nguyễn Đình Thi, chúng ta có thể nghĩ tới những nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ khác: dù sinh ra ở đâu, hoạt động ở đâu thì khí chất quê cha đất tổ vẫn là một hằng số.

 

 

 

Chú thích:
1 Phó Đức An: “Những điều chưa biết về bài hát Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi”, in trong Nguyễn Đình Thi cuộc đời và sự nghiệp, NXB Hội Nhà văn, 2004.
2 Báo Văn nghệ, tháng 10+11/1948.
3 Báo Văn nghệ, tháng 1+2/1949.

Bình luận

    Chưa có bình luận