Nguyễn Đình Thi là nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ xuất sắc, một nghệ sĩ có tài năng nhiều mặt. Di sản văn hóa, văn nghệ của ông rất phong phú, đa dạng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh một đặc điểm nổi bật, xuyên suốt làm nên đặc trưng, bản diện nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi trong sáng tác cũng như lý luận, phê bình và lãnh đạo văn nghệ. Đó là tính tiên phong, tính sáng tạo của nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi trong những thời điểm lịch sử mang tính chuyển giao, có ý nghĩa mở đường trong tiến trình văn nghệ nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
1. Một trí thức tiên phong nghiên cứu và truyền bá mĩ học Marxist vào đời sống văn nghệ Việt Nam
Là một trí thức sớm có lòng yêu nước nồng nàn, từ những năm đang là sinh viên Trường Đại học Đông Dương, Nguyễn Đình Thi đã nghiên cứu và viết sách giới thiệu triết học phương Tây1, bí mật nghiên cứu triết học Marxist qua các tài liệu tiếng Pháp. Người thanh niên tuổi hai mươi đã sớm nhận ra con đường cao đẹp của đời mình là hoạt động cách mạng để giành độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Từ năm 1941, Nguyễn Đình Thi đã đứng trong đội ngũ những học sinh - sinh viên yêu nước trong phong trào Việt Minh ở Hà Nội; sau đó tham gia Văn hóa cứu quốc và trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của Hội Văn hoá cứu quốc. Với nhãn quan của mĩ học Marxist, Nguyễn Đình Thi viết những bài tiểu luận cổ vũ lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, cổ vũ học sinh, sinh viên tham gia phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Bài tiểu luận Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích trình bày ở Ngày hội sinh viên năm 1944 và bài diễn thuyết Dòng máu Việt Nam chảy trong ca dao trước đông đảo công chúng ở Nhà hát Lớn Hà Nội có sức cuốn hút mạnh mẽ và sức lan tỏa sâu rộng, khiến cho chính quyền thực dân lo lắng. Sau buổi đăng đàn đó, thực dân Pháp bắt giam ông vào Hỏa Lò. Dù bị tra tấn, mua chuộc nhưng ông vẫn một lòng trung thành với cách mạng, giữ vững ngọn lửa nhiệt thành với lý tưởng cao đẹp. Sau khi thoát khỏi chốn lao tù, Nguyễn Đình Thi lại hăng hái tham gia Hội Văn hóa cứu quốc. Tháng 7 năm 1945, ông được đi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào và được cử vào Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Tháng 9 năm 1945, ông được giao trọng trách Tổng Thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Đình Thi liên tục được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I, khóa II, khóa III của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ông là đại biểu trẻ nhất trong Thường vụ Quốc hội khóa I, là một trong những người đại diện xứng đáng nhất cho đội ngũ trí thức, nghệ sĩ Việt Nam trên diễn đàn chính trị Việt Nam thời đó.
Những năm kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi có mặt khắp các nẻo đường Việt Bắc, tiên phong trên mặt trận văn hóa, văn nghệ. Ông đồng hành với các chiến sĩ quân đội ở mặt trận đường số 5 năm 1947, chiến dịch Thu Đông năm 1948, chiến dịch Đông Bắc năm 1949, chiến dịch Trung du năm 1951. Từ năm 1952, Nguyễn Đình Thi gia nhập quân đội, trở thành người chiến sĩ cầm súng, đảm nhận chức vụ Chính trị viên phó Tiểu đoàn, thuộc Sư đoàn 308. Nguyễn Đình Thi là một mẫu hình đẹp của thế hệ nhà văn chiến sĩ đầu tiên, trưởng thành trong khói lửa chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Từ trong hiện thực kháng chiến gian lao và anh dũng đó đã hình thành nhanh chóng và đông đảo đội quân chiến sĩ văn hóa vừa đánh giặc vừa sáng tác nhạc, kịch, viết văn, làm thơ. Trong đội quân ấy, Nguyễn Đình Thi bao giờ cũng vươn lên vị trí tiên phong, lúc nào cũng sẵn sàng “xung kích” trên cả hai mặt trận quân sự và văn hóa.
Tính tiên phong của Nguyễn Đình Thi trên mặt trận tư tưởng văn hóa trong những năm đầu kháng chiến được thể hiện tập trung ở bài tùy bút Nhận đường nổi tiếng, đăng trên Tạp chí Văn nghệ số 1, tháng 3 năm 1948. Bài tùy bút về văn nghệ này rất vinh dự được đăng ở vị trí đầu tiên của số tạp chí đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam. Tiếp sau bài Nhận đường của Nguyễn Đình Thi là bài thơ Cá nước của Tố Hữu, Nhớ máu của Trần Mai Ninh, bút ký Ấp đồi cháy của Nguyên Hồng, truyện ngắn Làng của Kim Lân…
Có thể coi tùy bút Nhận đường là một tuyên ngôn nghệ thuật của thế hệ văn nghệ sĩ kháng chiến dám từ bỏ con người cũ để đến với cuộc đời mới, dứt khoát lựa chọn con đường đem văn nghệ phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân và dân tộc. Trong bài này, Nguyễn Đình Thi đã khẳng định trách nhiệm của văn nghệ sĩ là “Đem văn học, nghệ thuật phụng sự kháng chiến, chúng ta làm bổn phận người dân nước, đồng thời cũng là để giữ lấy quyền sống còn của văn nghệ vừa thoát khỏi vòng tối tăm của chính sách thực dân. Kháng chiến là đường sống còn duy nhất của văn nghệ”2. Đồng thời, tác giả chỉ ra cội nguồn, sức sống của nền văn nghệ mới: “Văn nghệ tự ném mình vào cuộc chiến đấu, không những là để tự vệ mà nhất là để lột xác. Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta”3. Nhận đường góp phần “mở đường” cho văn nghệ sĩ từ giã cái cũ đến với cái mới của hiện thực cách mạng, sống với cuộc đời của người chiến sĩ để viết nên những tác phẩm văn nghệ chân thực, sinh động, phục vụ kịp thời công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng cuộc sống mới.
Từ ngày hòa bình lập lại trên Miền Bắc, Nguyễn Đình Thi viết khá nhiều bài tiểu luận, phê bình văn nghệ. Các bài viết đó được in lại trong các tập Mấy vấn đề văn học (1956), Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ hiện nay (1957), Công việc của người viết tiểu thuyết (1964). Quan điểm văn nghệ của Nguyễn Đình Thi bao giờ cũng thấm nhuần mĩ học Marxits nhưng được biểu đạt bằng trái tim của nghệ sĩ. Ông đưa vốn sống, sự trải nghiệm và cảm xúc của mình vào lý luận, phê bình văn nghệ; kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, giữa tư tưởng và tình cảm. Văn chương tiểu luận, phê bình của Nguyễn Đình Thi khá giống với con người quản lý văn nghệ của ông: bảo đảm nguyên tắc chung mà mềm mại, uyển chuyển trong từng trường hợp cụ thể; tôn trọng tự do sáng tạo mà giữ vững lập trường cách mạng; say mê và đa cảm nhưng điềm đạm, tỉnh táo. Với những phẩm chất tốt đẹp đó, Nguyễn Đình Thi được nhiều bạn bè, đồng nghiệp quý mến, kính trọng.
2. Một nhà thơ tiên phong cách tân thơ từ sau Cách mạng
Nguyễn Đình Thi là người hoạt động chính trị, là nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ xuất sắc nhưng nhắc đến ông là mọi người nghĩ đến một nghệ sĩ đa tài, luôn tiên phong đổi mới sáng tạo, góp phần hiện đại hóa nền văn nghệ Việt Nam. Trước hết về thơ, đây là lĩnh vực ông dành nhiều tâm huyết, luôn trăn trở tìm tòi hướng sáng tạo nhằm đổi mới diện mạo thơ ca. Những nỗ lực đổi mới, những tìm tòi thể nghiệm táo bạo về thơ tự do, không vần, “như lời nói thường” của Nguyễn Đình Thi trong những năm đầu kháng chiến4 đã gây nên cuộc tranh luận sôi nổi ở Hội nghị văn nghệ Việt Bắc chiều ngày 28 tháng 9 năm 1949. Các nhà thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Tố Hữu, Thanh Tịnh, Xuân Thủy, nhà văn Ngô Tất Tố, nhà phê bình văn học Xuân Trường... phê bình thơ Nguyễn Đình Thi khó hiểu, thiếu vần điệu, cấu trúc thiếu chặt chẽ, “đầu Ngô mình Sở”, điệu tâm hồn xa lạ với quần chúng, nội dung không phù hợp với hiện thực cuộc sống kháng chiến, không có khả năng tuyên truyền. Thậm chí nhà văn Ngô Tất Tố quyết liệt đề nghị: “Thơ không vần, người ta không thuộc, mất công dụng tuyên truyền. Thơ là có vần, thơ không vần hãy cho nó một tên khác”5. Bên cạnh những ý kiến phê phán gay gắt như trên cũng có ý kiến bênh vực, khẳng định thơ Nguyễn Đình Thi. Tiêu biểu là ý kiến của các nhà văn Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng. Nguyễn Huy Tưởng chân thành bộc lộ: “Giữa anh Thi và tôi có một sự đồng lõa, vì tôi cũng thích thơ không vần. Nên anh Thi bị công kích, tôi cũng thấy tôi bị công kích, và khen anh Thi thì tôi cũng được khen”6. Còn nhà văn Nguyên Hồng tự tin khẳng định: “Ý riêng tôi, thì anh Thi rất thành công, ngay bây giờ đã thành công rồi. Anh Thi tiêu biểu cho tâm hồn rộng rãi, rải rác. Tôi tin sẽ có những bài thơ kỳ diệu của dân tộc ở trong loại thơ đó”7. Nguyễn Đình Thi lắng nghe các ý kiến của đồng nghiệp, chân thành tiếp thu những góp ý của mọi người, đồng thời thẳng thắn nói lên quan niệm của mình: “Tôi không thích những bài thơ nói ra tâm tình. Nó phải nói ra cảm xúc, cảm xúc là tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, tay sờ, cảm thế nào nói thế ấy”8. Ông cũng thừa nhận vai trò của vần nhưng đó không phải là yếu tố quyết định đặc trưng của thơ: “Có vần là một lợi khí rất đắc lực cho sự truyền cảm. Nhưng không phải hết vần là hết thơ. Khi làm thơ, thái độ của người làm là ghi cho đúng cảm xúc. Nếu cảm xúc gặp được vần thì hay. Nhưng gặp khi nó gò bó, hãy vượt lên nó đã”9. Thực chất Nguyễn Đình Thi chưa hề chủ trương làm thơ không vần, ông thực hành sáng tạo bằng thơ tự do; câu thơ, dòng thơ, ngôn từ, nhạc điệu của bài thơ tùy thuộc vào nội dung cảm xúc, không câu nệ vào vần thơ. Quan niệm đó hoàn toàn phù hợp với quy luật của sáng tạo nghệ thuật. Tính nghệ thuật là sự hài hòa giữa nội dung và hình thức, nội dung nào có hình thức ấy. Cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi thời kỳ đầu kháng chiến trước hết thể hiện sự “xung khắc” của thơ Nguyễn Đình Thi với Thơ mới 1932-1945. Phải chăng vì thế phần lớn các chiến tướng Thơ mới có mặt trong cuộc tranh luận đều phản đối những tìm tòi sáng tạo của Nguyễn Đình Thi? Thơ mới đã định hình trước đó chưa lâu, chỉ muốn mình là chuẩn mực, khuôn mẫu, vì vậy rất dễ dị ứng với những cách tân, sáng tạo của Nguyễn Đình Thi. Còn một số nhà thơ cách mạng lại cho rằng thơ Nguyễn Đình Thi thiếu tính đại chúng. Xuân Thủy đặt vấn đề: “Hỏi rằng anh Thi là người trong văn nghệ Dân chủ mới, mà tại sao lại làm thơ người ta không hiểu?”10. Còn Tố Hữu khẳng định: “Những bài thơ của anh Thi, tôi cho là không hay, vì chưa nói lên được nỗi niềm của quần chúng”11. Những kết luận như thế, giờ đây nhìn lại, không khỏi mang tính chủ quan, áp đặt, giản đơn về tính đại chúng trong văn học, nghệ thuật, thiếu tôn trọng cá tính sáng tạo của nghệ sĩ.
Sau cuộc tranh luận ấy, Nguyễn Đình Thi có buồn, cô đơn nhưng vẫn âm thầm, lặng lẽ bước tiếp con đường thơ mà mình đã lựa chọn; vẫn tin tưởng, kiên trì một lối đi riêng bởi đó là “niềm tha thiết nhất” của ông. Nhờ tài năng và bản lĩnh sáng tạo, Nguyễn Đình Thi có một phong cách thơ riêng, độc đáo và hiện đại. Thơ ông dạt dào cảm hứng yêu thương sâu lắng về đất nước “vất vả, gian nan, tươi thắm vô ngần”. Đất nước đau thương và quật khởi, con người bất khuất và anh hùng là chủ đề quán xuyến trong thơ Nguyễn Đình Thi. Nhiều bài thơ của ông có giọng điệu tha thiết lắng đọng, giàu chất triết lý chiêm nghiệm về sự kỳ diệu của sự sống, của tình yêu, của sức mạnh tiềm ẩn trong con người Việt Nam hiền lành, đôn hậu. Thơ Nguyễn Đình Thi hàm súc và giản dị, đằng sau từng lời thơ đều như có dư ba, đều có khả năng gợi không khí, gợi hình ảnh và tâm trạng. Câu thơ của ông phóng khoáng tự do, không câu nệ vần, thậm chí không vần nhưng vẫn giàu nhạc điệu. Chính vì thế, có đến 29 bài thơ, đoạn thơ của ông đã được phổ nhạc. Điều đó chứng minh rằng nhạc điệu thơ không chỉ nhờ vần; nhịp điệu, thanh điệu, cảm xúc mới là năng lượng chính của thơ.
Với tình cảm gắn bó tha thiết với đất Việt yêu thương, với niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, với cá tính sáng tạo mạnh mẽ, tiên phong đổi mới hình thức biểu đạt, Nguyễn Đình Thi đã cho ra đời những bài thơ bất hủ như Đất nước, Nhớ, Bài thơ Hắc Hải, Lá đỏ... Thực tế phát triển của thơ Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh những cách tân của ông về nghệ thuật thơ ca là hoàn toàn đúng đắn và hợp quy luật. Cho đến bây giờ thế hệ các nhà thơ trẻ Việt Nam đã, đang kế thừa và phát huy những thành tựu và những hướng tìm tòi của Nguyễn Đình Thi.
3. Một nhà văn “xung kích” trên địa hạt văn xuôi, góp phần mở ra khuynh hướng sử thi trong văn học Việt Nam hiện đại
Cũng như các bạn văn cùng thời như: Nam Cao, Trần Đăng, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài…, Nguyễn Đình Thi xác định phải lăn lộn trong thực tế cuộc sống, sống hết mình cho nhân dân, dân tộc thì mới sáng tác được: “Sống được cuộc sống kháng chiến của dân tộc, hiểu được hướng đi tới của xã hội ta hiện thời, cảm xúc được những cảm xúc mới của kháng chiến; tất cả vấn đề sáng tác quyết định ở điều ấy”12. Nguyễn Đình Thi là nhà văn xông xáo, nhạy cảm, luôn có mặt ở trung tâm dòng chảy của hiện thực đời sống dân tộc. Những tác phẩm văn xuôi của ông phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến. Xung kích – tiểu thuyết đầu tay của ông đã tái hiện sinh động cuộc chiến đấu của một đại đội xung kích trong chiến thắng Trung du (1951). Tác phẩm này đã đoạt Giải thưởng văn nghệ 1951-1952. Các tác phẩm Thu Đông năm nay (tập bút ký, 1954), Bên bờ sông Lô (tập truyện ngắn, 1957), Vào lửa (tiểu thuyết, 1966), Mặt trận trên cao (tiểu thuyết, 1967) đều mang tính thời sự nóng hổi về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta trong hai cuộc chiến tranh, kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân dân ta trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Cùng những sáng tác văn xuôi của Nam Cao, Trần Đăng, Kim Lân, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Huy Tâm, Nguyễn Văn Bổng, Tô Hoài…, tác phẩm truyện, ký của Nguyễn Đình Thi trong những năm kháng chiến chống Pháp đã là nền móng cho văn xuôi hiện thực xã hội chủ nghĩa để sau đó phát triển nhanh chóng, trở thành trào lưu chủ đạo trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
Thành công lớn nhất của Nguyễn Đình Thi ở thể loại văn xuôi phải kể đến bộ tiểu thuyết hai tập Vỡ bờ. Tác phẩm này đã tái hiện bức tranh nhiều chiều của xã hội Việt Nam thời kỳ 1939-1945, thể hiện khát vọng của nhà văn muốn vươn tới khái quát một phạm vi rộng lớn từ đô thị đến nông thôn để có thể đạt tới tính chất tổng hợp quá trình vận động của lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc, thông qua sự thăng trầm của những số phận đại diện cho một số tầng lớp xã hội trước biến cố lớn lao của lịch sử dân tộc. Tuy còn một số hạn chế do thiếu vốn sống về nông thôn và cách nhìn có phần lãng mạn hóa tình yêu lứa đôi nhưng bộ tiểu thuyết Vỡ bờ vẫn là một tác phẩm mang tầm vóc sử thi của thời đại, phản ánh được sức mạnh của nhân dân từ trong khổ đau của kiếp nô lệ, được ánh sáng cách mạng soi đường, đã vùng lên giành quyền sống. Cảm hứng lãng mạn cách mạng gắn với chi tiết hiện thực đầy đau thương, mất mát trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc đã tạo nên những trang văn chân thực, sinh động. Vỡ bờ là cuốn tiểu thuyết đầu tiên, có quy mô lớn về quá trình vận động của hiện thực cách mạng trong những năm đau thương, tăm tối của xã hội Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật đến cuộc Tổng khởi nghĩa toàn quốc mùa Thu năm 1945. Với bộ tiểu thuyết này, Nguyễn Đình Thi đã trở thành một trong những nhà văn tiên phong khơi nguồn dòng tiểu thuyết sử thi đầy cảm hứng lãng mạn của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở nước ta giai đoạn 1946-1985.
4. Một nhà viết kịch tiên phong đổi mới tư duy nghệ thuât
Từ địa hạt thơ, tiểu thuyết, Nguyễn Đình Thi bỗng chuyển sang viết kịch bản sân khấu với vở Con nai đen (1961) được Thế Lữ đạo diễn và cho ra mắt công chúng tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1962. Vở kịch thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả nhưng lại bị những người quản lý văn hóa, văn nghệ “thổi còi” và vở kịch không được tiếp tục công diễn. Bẵng đi hơn mười năm, tưởng như Nguyễn Đình Thi đã “chừa” viết kịch. Nào ngờ ông lại tiếp tục cho ra đời gần chục kịch bản đầy tâm huyết: Hoa và Ngần (1974), Giấc mơ (1977), Rừng trúc (1978), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979), Người đàn bà hóa đá (1980), Tiếng sóng (1980), Cái bóng trên tường (1982), Trương Chi (1983) và Hòn cuội (1986). Với những nỗ lực không mệt mỏi và niềm đam mê sáng tạo, Nguyễn Đình Thi đã mang đến cho sân khấu kịch Việt Nam tiếng nói mới mẻ, giàu chất thơ, chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc. Kịch của Nguyễn Đình Thi có những cách tân táo bạo: hình tượng nghệ thuật mang tính ẩn dụ, tính biểu tượng, đan xen giữa thực và ảo.
Cũng giống như thơ, số phận những tác phẩm kịch của Nguyễn Đình Thi không hề suôn sẻ. Vở kịch Con nai đen sau công diễn một số buổi thì bị cấm, mãi đến năm 1993, tác giả chữa lại một vài chỗ mới được dàn dựng lại; vở Hoa và Ngần (1974) dựng xong nhưng không được công diễn. Kịch bản Rừng trúc được viết từ năm 1978 nhưng phải chờ đợi hơn hai mươi năm sau, với những nỗ lực của các đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và Phạm Thị Thành mới có mặt trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ và đã được tặng Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1999. Đây là vở kịch thành công của Nguyễn Đình Thi, gây được tiếng vang lớn không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan đầy tâm huyết, trăn trở về cuộc đời, được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng cho Nhà hát Kịch Trung ương công diễn đầu năm 1980 nhưng chỉ được diễn 9 buổi thì bị cấm. Lý giải thế nào về số phận long đong, lận đận của các kịch bản mà Nguyễn Đình Thi dành bao tâm huyết để xây dựng? Phải chăng những nội dung tác phẩm đó không phù hợp với mặt bằng tiếp nhận của công chúng? Hay phương thức biểu đạt xa lạ với nghệ thuật đương thời? Hay nội dung tư tưởng của tác phẩm có động chạm đến các vấn đề “nhạy cảm” chính trị, xã hội đương thời? Những câu hỏi ấy, qua thời gian đã dần dần được giải đáp.
Là một nghệ sĩ đích thực, niềm khát vọng lớn của Nguyễn Đình Thi là góp tiếng nói chân thật, tâm huyết cho đời, góp phần làm cho đời sống xã hội nhân đạo hơn. Nhưng trong giai đoạn lịch sử đó, viết cái gì và viết như thế nào là phù hợp? Khi cuộc đấu tranh giai cấp đang ở độ cao trào, khi vấn đề giải phóng Miền Nam đang là vấn đề sống còn của dân tộc thì vấn đề xung đột giai cấp, xung đột dân tộc, xung đột ý thức hệ được đặt lên hàng đầu. Trong lúc đó, những vở kịch của Nguyễn Đình Thi chủ yếu đi vào những vấn đề mang tính phổ quát của nhân loại như xung đột giữa thật và giả, thiện và ác, giữa quyền lực và nhân phẩm, giữa số phận cộng đồng và số phận cá nhân. Từ những xung đột đó, nhà văn lên án sự giả dối, độc ác, bả quyền lực làm băng hoại đời sống tốt đẹp của con người. Vấn đề Nguyễn Đình Thi đau đáu nhất là hành trình đấu tranh cho cái thật. Các vở kịch Con nai đen, Cái bóng trên tường, Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Hòn cuội ở những mức độ khác nhau đều nói về vấn đề thật - giả. Văn học là một phương tiện nhận thức, nhận thức quan trọng đầu tiên là nhận ra thật - giả. Con người chân chính bao giờ cũng khát khao khám phá cái thật, nhận ra sự thực và dám nhìn thẳng vào sự thực. Nhưng nhận ra được cái thật, khó biết bao! Trong vở Con nai đen, nhân vật nhà vua phải thốt lên: “Nhìn vào sự thực sao mà khó vậy? Sao mà nhức nhối, đau khổ vậy?”. Diễn tiến của vở kịch này là hành trình đầy khó khăn, phức tạp, chông gai để tìm ra sự thật và đấu tranh cho sự chiến thắng của cái thật và cái đẹp. Trong vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan, thông qua lời thoại nhân vật Trần Nguyên Hãn, tác giả lại day dứt với vấn đề: “Làm thế nào để nhận ra sự thực? Có khi dám lăn vào lửa mà không dám mở mắt nhìn vào cái thật”. Những triết lý nhân sinh sâu sắc như thế được Nguyễn Đình Thi thể hiện qua những hình tượng nghệ thuật đa nghĩa, mang tính ẩn dụ, hòa trộn giữa thực và ảo. Trong mười vở kịch thì có đến một nửa có cốt truyện phỏng từ cổ tích, truyền thuyết dân gian mang những yếu tố thần kỳ, hư ảo. Phương thức biểu đạt này khá xa lạ với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đang thịnh hành đương thời. Những tác phẩm kịch của Nguyễn Đình Thi rất dễ bị quy kết là “mang tính biểu tượng hai mặt”, thiếu lập trường tính đảng. Đặt tác phẩm kịch của Nguyễn Đình Thi trong ngữ cảnh văn hóa thời đó, chúng ta mới thấy được số phận long đong của những tác phẩm mang tính “tiên phong” là tất yếu. Sau năm 1986, khi công cuộc Đổi mới được Đảng ta khởi xướng, vấn đề đổi mới tư duy, dám nhìn thẳng vào sự thật được đặt ra thì các tác phẩm kịch của Nguyễn Đình Thi lại được đón nhận nồng nhiệt.
Thế giới nghệ thuật kịch của Nguyễn Đình Thi là một thế giới văn hoá đa dạng, nhiều màu sắc, nơi mà dấu vết văn hoá cổ - kim, Đông - Tây, dân gian - bác học được hội tụ và toả sáng. Dù đa dạng về sắc thái, tính chất nhưng tất cả đều thể hiện tình yêu tha thiết của một nghệ sĩ tài năng, tâm huyết với đất nước, với dân tộc, với nhân dân, thể hiện những trăn trở, xót xa về số phận con người và những khát vọng sáng tạo nghệ thuật.
5. Một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền ca khúc cách mạng
Mặc dù ở địa hạt âm nhạc, Nguyễn Đình Thi chỉ có 6 ca khúc: Căm hờn (1945), Diệt phát xít (1945), Du kích quân (1945), Người Hà Nội (1947), Con voi (1948), Đất nước yêu thương (1977) nhưng ông vẫn được tôn vinh là một trong những người mở đường cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Với tài năng thiên phú và tâm hồn nhạy cảm, Nguyễn Đình Thi đã để lại những kiệt tác âm nhạc hàng đầu của Việt Nam thế kỷ XX. Hai ca khúc Diệt phát xít và Người Hà Nội là nhạc điệu đời sống hào hùng của dân tộc trong ngày tiền khởi nghĩa và những ngày đầu của toàn quốc kháng chiến chống Pháp ngân lên trong tấm lòng yêu nước thiết tha của một nghệ sĩ tài hoa và kết thành lời ca bất tử. Diệt phát xít vang lên trong một cuộc mít tinh ở Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng Tám năm 1945, kêu gọi toàn dân đứng lên tiêu diệt phát xít, giành độc lập chủ quyền cho dân tộc. Ca khúc Người Hà Nội cũng ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt thiêng liêng, khi dân tộc ta nhất tề vùng đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp. Không một ai yêu âm nhạc, yêu Hà Nội, yêu Việt Nam nghe bản nhạc này mà không thấy rạo rực trong lòng những cảm giác mãnh liệt kỳ lạ. Các nhạc sĩ gọi đây là một trong những bản trường ca đầu tiên của âm nhạc cách mạng. Chỉ hai nhạc phẩm này, Nguyễn Đình Thi được đồng nghiệp và quần chúng nhân dân thừa nhận là nhạc sĩ tài hoa, tiên phong trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Nguyễn Đình Thi đã ra đi ngày 18/4/2003 nhưng sự nghiệp, trí tuệ và tài năng của ông đã trở thành bất tử. Với tài năng sáng tạo đa dạng, nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia, nhạc sĩ, nhà lãnh đạo văn nghệ xuất sắc Nguyễn Đình Thi để lại cho chúng ta một di sản văn hoá, văn nghệ to lớn, phong phú, có sức sống lâu bền, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa, nghệ thuật nước ta hôm nay và mai sau.
Chú thích:
1 Các cuốn sách được Nguyễn Đình Thi biên soạn thời ấy: Triết học nhập môn (1942), Triết học Kant (1942), Triết học Nietzsche (1942), Triết học Einstein (1942), Triết học Descartes (1942), Siêu hình học (1942).
2, 3, 12 Văn nghệ 1948-1954, tập I, NXB Hội Nhà văn, 1998, tr. 20, 20, 22.
4 Các bài tiêu biểu như: Sáng mát trong như sáng năm xưa, Đêm mít tinh, Không nói, Đường núi.
5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 Văn nghệ 1948-1954, tập 2, NXB Hội Nhà văn, 1999, tr. 638, 639, 639, 644, 644, 642, 646.